Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2018

VCIL Travel School - Journey to Happy and Sustainable Education



VCIL Travel School tháng 9 năm 2018 là chuyến đi học tập dài ngày về giáo dục thay thế, doanh nghiệp và những chuyển đổi xã hội hướng đến phát triển bền vững nằm trong khuôn khổ chương trình của dự án giáo dục The Soil Project và VCIL Travel School từ VCIL - VIETNAMESE COMMUNITY OF INDEPENDENT LEARNERS. 

Trong hơn 10 ngày, hành trình đã đi qua 2 quốc gia Campuchia và Thái Lan. Ngoài việc trải nghiệm văn hóa và khám phá các địa danh lịch sử, chương trình đã gặp gỡ những nhà hoạt động xã hội hay những nhà giáo dục, lãnh đạo tinh thần, bên cạnh đó còn chứng kiến và học tập tại các mô hình giáo dục thay thế, kinh tế vừa đủ và phát triển bền vững bao gồm: 

- Mô hình trường học xây dựng bằng rác thải COCONUT SCHOOL, Campuchia 

- Mô hình giáo dục thay thế và trung tâm kinh tế vừa đủ Mab-euang Agriculture Center, Chonburi, Thái Lan 

- Dự án ECO-SCHOOL, Thái Lan. 

- Doanh nghiệp xã hội EDWINGS EDUCATION, Thái Lan. 

- Hội nghị quốc tế MINDFUL MARKET ASIA - Diễn đàn sáng kiến và phát triển GOOD SOCIETY EXPO 2018, Thái Lan 

- Gặp gỡ nhà tư tưởng và hoạt động xã hộI Sulak Sivaraska. 

- Tham gia buổi học về paradigm shift và social changes với nhà hoạt động xã hội Pracha Hutanuwat. 

- Chia sẻ với Founder của College of Love and Nature 

- Kittipong Hancharoen

- Những trải nghiệm và tìm hiểu tại các địa điểm văn hóa lịch sử như Watphom Pagoda, Bangkok Art Culture Center, và show văn hóa nổi bật từ Cambodian Living.

Đây là lần đầu tiên, chuyến đi được mở rộng dành cho các anh chị, bạn bè ngoài dự án cùng tham gia với hi vọng sẽ mang lại những trải nghiệm, kết nối, hay những bài học, nguồn cảm hứng từ các mô hình hay nhân vật gặp gỡ. Và chúng tôi cũng mong rằng đây cũng là bước đệm để trong tương lai, VCIL có thể hỗ trợ và tổ chức nhiều chuyến đi học tập trong và ngoài nước.

Một lần nữa, VCIL chân thành gửi lời cám ơn đến những anh chị em, bạn bè đối tác, các tổ chức trong và ngoài nước đã đồng hành xuyên suốt hành trình. VCIL Travel school gửi lời cám ơn đến:

- The Soil Project: dự án giáo dục thay thế và gap year cho các bạn trẻ với chương trình học đồng kiến tạo mới mẻ, môi trường sinh hoạt lành tính cùng những trải nghiệm học tập quý giá.

-Mab-euang school, Thái Lan: nơi cung cấp mô hình giáo dục thay thế dự trên triết lý về kinh tế vừa đủ (suffieciency economy)

- Lebou boutique hostel: không gian nghệ thuật kết hợp địa điểm nghỉ chân tại trung tâm thủ đô Phnom Penh, Campuchia.

- Coconut school: ngôi trường hoàn toàn được xây dựng bằng rác thải với triết lý giáo dục đầy cảm hứng trên ngọn núi cao làng Kirirom, Campuchia.

- Sathirakose - Nagapradeepa foundation: tổ chức phi chính phủ hàng đầu Thái Lan dưới sự lãnh đạo của nhà tư tưởng Sulak Siravaksa hoạt động trên các lĩnh vực tôn giáo, môi trường, giáo dục, công bằng xã hội, nhân quyền,...

Và đặc biệt lòng biết ơn đến vũ trụ ấm áp và rộng lớn đã vun đắp nhiều tình thương và nhân duyên, để những gương mặt trong chuyến đi có thể đồng hành, lớn lên và yêu thương cùng nhau. Cám ơn đến những thành viên từ The Soil Project, những người chị đang làm giáo dục, môi trường, nông nghiệp hay những người chị ngoài ngành nhưng luôn yêu giáo dục và con người, và đặc biệt là sư phụ, khách mời của hành trình đã đủ kiên nhẫn, thương yêu và chân thành để cùng nhau lang thang qua những vùng đất mới, với nhiều sóng gió và thử thách bất ngờ, nhưng cũng rất đỗi ngọt ngào với những cuộc gặp gỡ tình cờ. Một lần nữa, biết ơn và hạnh phúc. p/s: hình ảnh sẽ được cập nhật theo từng ngày với các địa điểm và nhân vật gặp gỡ với các thông tin và cảm nhận đi kèm. VCIL mong có thể giới thiệu với các bạn bè anh chị quan tâm các mô hình về giáo dục thay thế và phát triên bền vững. Hình ảnh được chụp từ các thành viên trong chuyến đi.

 Coconut School
"Ở ngoài kia, những đứa trẻ này không có niềm vui. Ở đây, chúng tự tay xây dựng nên ngôi trường này cùng với những bạn bè, những anh chị em, những thầy cô của mình, để chúng có một nơi để đến học, đến chơi, để tìm kiếm niềm vui cho chính bản thân mình. 

Ở ngoài kia, những đứa trẻ này không có kiến thức. Ở đây, chúng được học về ngôn ngữ để thấu hiểu nhân tính (identity) của bản thân, học về máy tính để mở cánh cửa tri thức nhân loại, và học về tái chế để giúp môi trường sống của chúng trở về gần nhất với nguyên gốc tự nhiên.

Ở ngoài kia, những đứa trẻ này có thể bị coi là hiểm hoạ của xã hội vì sự thiếu kiến thức và hành vì thiếu chuẩn mực của chúng. Ở đây, chúng được khám phá tiềm năng của bản thân và được trao quyền, truyền sức mạnh để có thể trở thành bản sao tốt hơn của chính mỗi cá nhân, để thành những công dân hiểu biết, thành những người có đủ kĩ năng và kiến thức để quay về xây dựng và phát triển ngôi trường của chúng và để cứu giúp cộng đồng nhỏ bé này.

Ở đây có những đứa trẻ cười khanh khách với nhau trong cơn mưa, lăn lộn dưới bùn đất đến mức người ngợm mặt mũi lem nhem, và sẽ gật đầu cái rụp khi được hỏi chơi vậy vui không con.

Ở đây có những đứa trẻ với những bàn tay nhỏ bé nhưng không ngừng chạm, sờ, nắm, chỉ trỏ, gọi tên hoa lan này, cây cọ nọ trong khu vườn nhỏ thân thuộc sau nhà chúng mà tôi thì gọi là khu rừng bản thân hiếm có điều kiện lui tới.

Ở đây có những đứa trẻ gọi thầy hiệu trưởng của chúng là chú, sẵn sàng đu lên vai “chú” để hái nhành hoa lạ mang về trồng trong khuôn viên trường, hay núp trong lùm cây đợi “chú” đi qua thì nhào ra hú “oà”, ôm nhau ngặt nghẽo mắt tít lại khi “chú” giật nảy mình.

Ở đây có những đứa trẻ với bàn chân thoăn thoắt leo trèo, bay, rồi nhảy từ mỏm đá này sang mỏm đá kia, để lên đến đỉnh ngọn núi nhỏ, theo hướng tay chỉ của thầy hiệu trưởng nhìn xuyên qua ngọn những cây thông già đang xào xạc trong gió, phóng mắt tới đường chân trời nơi những đỉnh núi ở xa xa đang trốn trong chiếc chăn mây bồng bềnh êm ái, và những đứa trẻ sẽ cùng nhau cất cao giọng đọc bài thơ mà có thể tạm dịch như sau “Chúng ta là người Campuchia, chúng ta yêu đất nước Campuchia này. Chúng ta cần học để hiểu biết và đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo”.

Ở đây là nơi khi ngắm nhìn tấm màn hồng cam phơn phớt của hoàng hôn buông xuống rừng thông đang xếp hàng thẳng tắp, và đám trẻ kia chạy lăng xăng phía trước líu lo những ngôn từ không rõ nghĩa, tôi tự thấy miệng mình nhoẻn một nụ cười mãn nguyện, và thấy lòng mình bình yên đến lạ.
Ở đây là nơi hạnh phúc tìm về.
Ở đây là Coconut School. " - Cảm nhận từ một thành viên trong chuyến đi.


Chụp hình lưu niệm với Ouk Van Day - hiệu trưởng trường Coconut School (áo trắng). Đây là linh hồn của ngôi trường này, mô hình xây dựng trường từ rác thải Coconut school không chỉ có một cơ sở tại ngọn núi này, mà còn một cơ sở khác tại gần bờ sông, và một tâm huyết khác đang ấp ủ xây dựng tại Biển Hồ, Campuchia.




Chúng tôi được thầy hiệu trưởng dẫn đi trekking bằng chân đất trong rừng gần trường, ngôi trường này cũng nằm gần vườn quốc gia Kirirom nên khí hậu xung quanh cực kì mát mẻ. Đây cũng là một hoạt động thường xuyên của những đứa trẻ ở trường, nhìn tụi nhỏ hát ca, nhảy múa, nấp vào gốc cây để hùa ra hù thầy giáo của mình mà ai trong đoàn cũng mỉm cười hạnh phúc. Bỡi lẽ, với Coconut school, với Oul Van Day, điều quan trọng là tạo một môi trường của tình yêu thương và kết nối với thiên nhiên thật sự, chứ không chỉ là những bài học về tiếng anh, tái chế hay tin học.


 "Ở Coconut School tụi nhỏ chỉ học về tiếng Khơ Me, Khoa học máy tính và Tái chế. Tụi nhỏ ở đây thực sự đã cho mình thấy sức mạnh của giáo dục bằng tự nhiên và bằng lòng yêu thương. Tụi nhỏ giỏi, tử tế và dễ thương đến nỗi chỉ nhìn tụi nó, nắm tay tụi nó thôi là muốn bỏ hết sự đời"- cảm nhận từ một cô gái làm sự kiện và nghệ sĩ vô cùng.


Ở Coconut school, các em được cung cấp cho các kĩ năng chính liên quan đến tiếng Anh, máy tính và tái chế. Nhưng đặc biệt, những bài giảng về đạo đức, tình yêu thương và các đức tính tốt đẹp cho các em học sinh là điều mà trường luôn nhấn mạnh. Coconut school mong rằng sẽ giúp những đứa trẻ ở các vùng quê có thể tự lo được cho bản thân bằng những kĩ năng cần thiét, sống một cách bình tâm và bền vững, và một mong muốn lớn lao hơn, là chính các em có thể đi học xa hơn và sau đó trở về giảng dạy hoạt động tại Coconut school. 



 Tấm thảm ngồi thiền được làm bằng nắp chai và bức tường từ chai rượu cũ.

Buổi sáng trước khi rời Coconut school, chúng tôi dành thời gian trekking vào rừng, hít thở và ôm ấp chính mình. Một trong những mục đích của chuyến đi không chỉ là mang những kiến thức về giáo dục, phát triển bền vững mà còn là cơ hội để mỗi cá nhân hiểu thêm về chính mình, về những người xung quanh và đặc biệt là cơ hội để kết nối với thiên nhiên, với cuộc sống.

Trải nghiệm tại culture show của Cambodian living Arts, một doanh nghiệp xã hội đang tổ chức những trải nghiệm về văn hóa và nghệ thuật đầy cuốn hút của Campuchia, ngoài ra cũng là nơi hỗ trợ cho các nghệ sĩ Campuchia để họ viết nên những tác phẩm nghệ thuật Campuchia đương đại.

Gặp gỡ và trò chuyện với Ajarn Sulak Sivaraksa, một trong những nhà lãnh đạo tinh thần Phật giáo và nhân đạo nổi bật của Châu Á, người cha tinh thần của mạng lưới phật tử dấn thân quốc tế (INEB) - nơi có sự đồng hành và hỗ trợ từ Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Hòa thượng Tăng thống Campuchia Maha Ghosananda. Cuộc trò chuyện không chỉ xoay quanh tôn giáo, đặc biệt là góc nhìn phật giáo trong quá trình chuyển đổi xã hội mà còn là những chia sẻ ấm áp và chân thành về cuộc sống, về tình yêu thương con người, hòa hợp tự nhiên. 


Buổi gặp mặt và training với EdWINGS EDUCATION - Thái Lan. Đây là một doanh nghiệp xã hội đặc biệt chú trọng vào các hoạt động liên quan đến giáo dục. Công việc chính của họ là ươm mầm những giải pháp đa dạng từ nhiều khía cạnh để cung cấp một hệ giáo dục sinh thái tốt hơn cho trẻ em Thái Lan. 

EdWINGS EDUCATIOn có 3 hướng hoạt động chính là EdLAB, EdSPACE và Summer School để giải quyết những tồn đọng trong giáo dục một cách cụ thể. Ví dụ như EdLAB sẽ thu thập dữ liệu từ các trường học, giáo viên, học sinh, ... rồi tập trung giải quyết vấn đề dựa trên những dữ liệu đã được thu sẵn, sau đó tạo không gian EdSPACE để tập hợp những người quan tâm đến giáo dục đến chia sẻ ý tưởng và tìm cách giải quyết. Còn Summer School là một trong những giải pháp nhằm tạo cơ hội để người trẻ trải nghiệm cuộc sống của giáo viên, hay tình nguyện viên trải nghiệm cuộc sống của học sinh để tìm ra những điều mà đối phương đang đối mặt và tìm ra các giải quyết phù hợp.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét