Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2019

Chén Thánh của Trái Tim (phụ đề Việt ngữ)

Cấu tạo con người (phụ đề Việt ngữ)

Tham thiền và kỹ thuật hình dung

Comment của Hoàng Quốc Khánh về Kỹ Thuật Hình Dung trên trang Minh Triết Mới

Những giáo lý mà Đức DK đưa ra cho thế gian, hầu hết đều rất trừu tượng và thúc đẩy người tầm đạo phải nâng dần tâm thức lên đến cõi thượng trí và tư duy trừu tượng nếu y muốn thấu hiểu. Xuyên suốt giáo lý của Ngài, kĩ thuật tham thiền được chú trọng và trở thành phương pháp trọng tâm mà người tầm đạo phải thành thục. Đối với những người đệ tử sơ cơ, việc nghiêm trì giới luật, lập hạnh và nhận thức động cơ đúng đắn là việc quan trọng hàng đầu. Chúng ta biết đức hạnh là phẩm tính và năng lượng tuôn đổ từ linh hồn, tật xấu là mãnh lực của phàm ngã, chính trong quá trình đặt phàm ngã dưới sự kiểm soát của linh hồn, thì kĩ thuật hiệu quả là chuyển hóa và chỉ có nhờ tham thiền mà sự chuyển hóa mới diễn ra. Như vậy, ngay từ cơ bản cho đến khi chúng ta có thể hiểu và đồng hóa được Chân lý ẩn tàng trong từng phần giáo lý mà Ngài đưa ra, phương pháp hiệu quả nhất là tham thiền. Những kiến thức Minh Triết mà webmaster đã tổng hợp và tóm lược rất bổ ích cho người tầm đạo, việc này tiết kiệm rất nhiều thời gian và phần nào đó làm cho tâm trí bớt thấy trở ngại khi tiếp xúc với những Chân Lý cao siêu. Tuy nhiên, việc này phần nhiều là kích thích và mở rộng hạ trí cho người tầm đạo, và bởi vì chữ viết chỉ là biểu hiện ngoại tại, khách quan của ý tưởng, việc cần thiết là người tầm đạo phải kết hợp với tham thiền, nếu anh muốn nâng cao đến tâm thức nhận biết được những ý tưởng, và nguyên nhân nội tại. Sau một thời gian thực hành, đệ nhận thấy rằng, kĩ thuật nền tảng của tham thiền là hình dung phải là kĩ thuật đầu tiên cần xây dựng và thành thạo. Chúng ta đều biết quá trình nhuộm màu phẩm tính cho các luân xa, tùy thuộc vào ý định và tư tưởng sử dụng hơi thở như là tác nhân định hướng, chính lúc này ta mới thấy lời khuyến cáo Ngài đưa ra “tham thiền là đùa với lửa” là cần thiết ra sao, bởi việc hình dung sai, hay việc chưa chế ngự được thể trí, thì chúng ta không thể giữ “thể trí ổn định trong ánh sáng”, lúc này các hình tư tưởng liên tục xâm nhập gây rối loạn thể trí, kéo theo thể cảm dục bất ổn. Nếu như cố gắng tham thiền, và thường là kết hợp với phép tập thở sai lầm, thì cuối cùng ta chỉ làm mãnh mẽ thêm các luân xa dưới cách mô và đặt mình dưới móng vuốt của nguy cơ. Khi đọc sách của Ngài, bởi mức độ tiến hóa còn thấp, ta dễ thường lầm lẫn những từ ngữ Ngài đưa ra theo nghĩa thông thường, chẳng hạn Đức DK thường hay nói “ Hãy suy ngẫm vấn đề đó”, từ suy ngẫm dễ liên tưởng theo nghĩa là một tiến trình tư duy thuộc về trí cụ thể, thuộc về thể trí của phàm ngã, chứ ít khi được hiểu rằng sự “sáng tỏ” diễn ra ở trên cõi của linh hồn và được đưa xuống đến bộ não hồng trần . Cũng vậy, các phép thở trở nên phổ biến dẫn đến người ta dễ nhầm lẫn phương pháp thở thông thường và phương pháp thở nội môn Pranayama. Đối với phương pháp thở thông thường thì chỉ có tác dụng sinh lí, và vì vậy, dễ dàng được chấp nhận, còn với phương pháp thở nội môn, hiệu quả chỉ diễn ra sau một thời gian dài, ít nhất là theo quan điểm của các bậc tiến hóa khi đánh giá ta, việc thực hiện đúng phép thở hiển nhiên là còn rất xa với một thường nhân. Đối với người sơ cơ, khi phần thưởng về một sự phát triển nhanh chóng còn là mục tiêu, thì những phương pháp được đưa ra dễ bị hiểu nhầm và dẫn tới nguy cơ nhiều hơn là lợi ích. Hiện nay, theo đệ thấy, sự chú ý đang bị tập trung vào giai đoạn tập thở, nhiều hơn là những giai đoạn chuẩn bị và kiến tạo một nền tảng vững chắc cho những kĩ thuật cao hơn về sau …

Theo quan điểm của các vị hướng đạo như Đức DK hay Patanjali, phép thở chỉ có tác dụng sau khi chúng ta đã thực hiện nghiêm trì giới luật, thực hiện các điều răn và đặc biệt là phải có 1 vị huấn sư có kinh nghiệm giám sát và hướng dẫn trực tiếp. Tham thiền đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được mục tiêu, và kĩ thuật nền tảng của tham thiền là hình dung nên được chú ý nhiều hơn và nên được người tầm đạo tập trung vào nhiều hơn. Sau một thời gian thực hành, đệ, một người sơ cơ, nhận thấy có những khó khăn nhất định trong việc định trí và thấy rằng, chỉ khi thành thạo kĩ thuật hình dung thì ta mới có thể kiểm soát và định hướng ý định và tư tưởng. Đối với người đệ tử sơ cơ, mục tiêu là thanh luyện các hạ thể và kỉ luật, thì những khó khăn như vậy cần phải được khắc phục, tuy nhiên, trước tiên phải có nguồn tài liệu đúng đắn. 


Chú M.T.M: Đúng là tập thở chỉ nên đi sau Giới Luật, rèn luyện đức hạnh, nếu không dễ đi vào tà đạo và nguy hiểm. Kỹ thuật hình dung là BÍ MẬT CỦA KỸ THUẬT THAM THIỀN HUYỀN MÔN như Chân sư DK nói. 

"ĐIỀU BÍ MẬT CỦA TẤT CẢ CÔNG VIỆC THAM THIỀN THẬT SỰ trong các giai đoạn đầu của nó là khả năng hình dung. Đây là giai đoạn đầu tiên cần được làm chủ. Các đệ tử nên đặt trọng tâm vào quá trình này; cuối cùng nó đưa đến khả năng sử dụng các năng lực sáng tạo của trí tưởng tượng, cộng với năng lượng trí tuệ, như là một biện pháp để thực hiên các mục tiêu của Thánh đoàn và thi hành Thiên Cơ. Tất cả các quy trình mới trong kỹ thuật tham thiền (mà Kỷ Nguyên Mới phải chịu trách nhiệm) phải và sẽ thể hiện hình dung là một bước cơ bản vì những lý do sau:

1. Hình dung là bước đầu tiên trong việc chứng minh định luật huyền bí “năng lượng đi theo tư tưởng”. Tất nhiên, tất cả mọi người quan tâm đến việc nghiên cứu huyền linh học đều công nhận điều này về mặt lý thuyết. Một trong những nhiệm vụ mà các đệ tử phải đối mặt là đạt được sự hiểu biết thực tế về điều này. Hình dung hình ảnh (pictorial visualisation)—vốn là một đặc tính xác định của công việc của nhiều trường huyền môn—chỉ đơn giản là một bài tập để tạo ra năng lực hình dung. Trong công việc của những đệ tử được đào tạo cho việc điểm đạo, khía cạnh ngoại tại này phải được thay thế bằng một tiến trình nội tâm là bước đầu tiên hướng đến việc điều khiển năng lượng. Việc hình dung hình ảnh nhằm tập trung người chí nguyện vào bên trong đầu, ở một điểm nằm giữa tuyến yên và tuyến tùng. Ở khu vực đó, y vẽ nên các bức tranh và hình dung các phong cảnh và nhờ đó hoạch đắc được năng lực để thấy—trong chi tiết và trong toàn thể—cái mà y mong muốn và dự định làm việc. Việc hình dung ra cái có thể gọi là “quá trình được hướng dẫn” tiếp tục một cách tập trung hơn và trong khu vực ngay xung quanh tuyến tùng. Tuyến tùng khi đó trở thành trung tâm của một từ trường được thiết lập—lúc đầu—bởi năng lực hình dung. Ở điểm đó, người đệ tử tập hợp năng lượng và sau đó với ý định hướng đến một luân xa nào đó. Tư tưởng được tập trung này tạo ra những hiệu ứng chắc chắn trong thể dĩ thái, và như thế hai khía cạnh của sự tưởng tượng sáng tạo hoạt động.

2. Khả năng hình dung là khía cạnh tạo hình thể của sự tưởng tượng sáng tạo. Quá trình này chia thành ba phần, tương ứng phần nào với quá trình sáng tạo của chính Thượng Đế:

a. Việc thu thập năng lượng đủ tiêu chuẩn vào vòng-giới-hạn.
b. Tập trung năng lượng này dưới sức mạnh của ý định, nghĩa là ở một điểm lân cận của tuyến tùng. Năng lượng giờ đây tập trung và không bị khuếch tán.
c. Việc phân phát năng lượng tập trung này bằng một quá trình hình ảnh (không phải bởi hành động của ý chí vào thời điểm này) theo bất kỳ hướng mong muốn nào—nghĩa là đến các trung tâm nhất định theo một trật tự nhất định.

Quá trình điều hướng năng lượng này có thể trở thành một thói quen tinh thần nếu các đệ tử bắt đầu làm việc đó chậm rãi và dần dần. Đầu tiên, quá trình hình dung có vẻ khó khăn và vô ích, nhưng nếu bạn kiên nhẫn, cuối cùng bạn sẽ thấy rằng nó trở nên dễ dàng và hiệu quả. Đây là một trong những cách quan trọng nhất mà một Chân sư làm việc; Do đó, điều cần thiết là bạn phải bắt đầu làm chủ kỹ thuật. Các giai đoạn là:

a. Một quá trình thu thập năng lượng.
b. Một quá trình tập trung.
c. Một quá trình phân phối hoặc điều hướng.

Người đệ tử học cách làm điều này ngay trong bản thân mình, và sau đó điều khiển năng lượng (một số loại năng lượng đặc biệt được lựa chọn, tùy theo yêu cầu của thời đại) đến nơi bên ngoài y. Điều này tạo thành, cho ví dụ, một trong những kỹ thuật chữa bệnh chính của tương lai. Nó cũng được Chân sư sử dụng để đánh thức đệ tử của Ngài đến những trạng thái tâm thức nhất định, nhưng bạn không liên quan gì với những điều này.

3. Khả năng hình dung đúng đắn là một phương thức xác định để xác tín đúng sai. Đây là một phát biểu khó để bạn hiểu. Hình dung theo nghĩa đen là việc xây dựng một cầu nối giữa cõi giới cảm xúc hoặc cõi trung giới và cõi trí, và do đó là một sự tương ứng phàm ngã đối với việc xây dựng antahkarana. Cõi trung giới, khía cạnh thứ hai của phàm ngã là sự tương ứng với khía cạnh xây dựng hình thể của Ba Ngôi, khía cạnh thứ hai. Sự tưởng tượng sáng tạo “hình dung một hình thể” thông qua khả năng hình dung và năng lượng tư tưởng của thể trí mang lại sự sống và định hướng cho hình thể này. Nó thể hiện mục đích. Do đó một mối quan hệ hoặc đường dây năng lượng được xây dựng giữa thể trí và thể cảm xúc, và nó trở thành một dòng ba năng lượng tam phân khi linh hồn của người đệ tử sử dụng quá trình sáng tạo này theo một số cách thức xây dựng và có kế hoạch.

Quá trình hình dung này và việc sử dụng trí tưởng tượng này tạo thành hai bước đầu tiên trong hoạt động tạo hình tư tưởng. Chính là với những hình thể tự tạo này – thể hiện ý tưởng thiêng liêng và mục đích thiêng liêng – mà các Chân sư làm việc và mục đích của Thánh đoàn hình thành. Do đó, chư môn đệ, điều cần thiết là các bạn phải quyết tâm bắt đầu và từ từ làm việc theo cách này, sử dụng những thông tin trên một cách xây dựng và sáng tạo. Sự cần thiết của thời đại đang ngày càng lớn và điều mong cầu là đạt tới tối đa công việc và mục tiêu."

Hoàng Quốc Khánh:


"Trong bài học này của Đức DK chúng ta mới thấy một kĩ thuật tưởng chừng như đơn giản, lại sâu xa và đầy tính huyền bí.

Những lời dạy của Ngài đầy tính trừu tượng, nếu chúng ta không đi sâu vào nghiên cứu, thì có lẽ chỉ chạm được vào chiếc áo đang che giấu chân lý ẩn tàng bên trong.

Kĩ thuật này bắt đầu với một định luật huyền bí “năng lượng đi theo tư tưởng”, có lẽ từng chữ này phải khắc sâu vào trong tư tưởng ta, bởi trọn vẹn tiến trình truy tìm Đường Đạo và trở thành Đường Đạo, nó luôn là thành tố không thể tách rời, và cho đến khi nào bí nhiệm ấy được khai mở, và thấm nhuần, thì con đường của ta sẽ còn nhiều khó khăn.

Chúng ta cần giải rõ từng chi tiết trong bài học này để có thể thấu triệt được, ít nhất là về mặt lý thuyết, trước khi có thể nghĩ đến việc thực hành các kĩ thuật huyền bí.

Kĩ thuật điều khiển năng lượng bắt đầu bằng “Việc hình dung được tập trung ở khu vực gần tuyến tùng, dần dần tuyến tùng trở thành trung tâm của bầu từ điển“. Khi tập trung ở vùng xung quanh tuyến tùng, ta kêu gọi hoạt động của linh hồn, hay ánh sáng từ linh hồn. Ánh sáng này soi sáng con đường đạo, đưa đến giải pháp cho tất cả vấn đề, và giúp ta đứng vững như một người mang ánh sáng. Nhưng trước khi có thể tập trung vào cơ quan này ở trong đầu, một vài điều kiện phải hoàn thành trước.

Ở giai đoạn đầu, bản chất tình cảm và các giác quan khai mở trước cái trí, luân xa tim khai mở trước luân xa đầu. “Con đường tinh luyện phải đi trước con đường giác ngộ”, tình thương phát triển trước, ánh sáng của quyền năng mới có thể sử dụng an toàn. Trong bài tham thiền về luân xa tim, chúng ta thấy, khi hoa sen luân xa tim mở ra và hiển lộ tình thương, thì hoa sen mười hai cánh tương ứng trong đầu cũng bừng nở, và hoa sen Chân Ngã, trú sở của Con người Tinh thần trên cõi thượng trí cũng bị kích thích. Tuyến tùng, từ trạng thái yếu ớt dần trở nên linh hoạt, đồng thời trung tâm ý thức chuyển từ thể tình cảm sang ý thức khai ngô của cái trí. Lúc này người đệ tử được hướng dẫn bởi sự hiểu biết trí tuệ, tình thương và thấu hiểu, nhờ sự siêu hóa tình thương, do khơi hoạt luân xa tim và sự chuyển dịch năng lượng từ luân xa tùng thái dương lên luân xa tim. Đây là kết quả của sự kiểm soát và chế ngự phàm ngã, thực hiện thông qua tình thương và phụng sự. Hoặc đây là kết quả của sự hiểu biết kỹ thuật tham thiền. Nhờ áp dụng định luật “năng lượng đi theo tư tưởng” , tham thiền giúp mang lại những khai mở và phát triển cần thiết. Khi luân xa tim được khai mở, sự soi sáng của cái tâm giúp hiển lộ con đường Đạo. Việc đánh thức luân xa tim, giúp đệ tử ý thức được luân xa tim trong đầu, và nhờ ý thức này, ta tiến lên hoa sen mười hai cánh – “hoa sen Chân Ngã”, trung tâm của Chân Ngã trên cõi thượng trí. Khi đi từ luân xa tim đến luân xa đầu, là sự tương ứng trong cơ thể của việc kiến tạo cây cầu Antahkarana trên cõi trí, tuyến thứ ba trong tuyến tam phân sáng tạo được thiết lập. Phàm nhân được tích hợp và sống động, đang cố gắng đồng nhất với,và đặt mình dưới sự kiểm soát của, linh hồn đang ảnh hưởng “Nó trở thành một dòng năng lượng tam phân khi linh hồn của người đệ tử sử dụng quá trình sáng tạo này theo một số cách thức xây dựng và có kế hoạch.”

Khi tham thiền tập trung trong đầu, tại điểm trong từ trường tuyến yên, nó khơi hoạt luân xa Ajna, và đồng thời, anh sáng trong đầu xuất hiện. Luân xa Ajna, hay bí huyệt giữa hai chân mày, như đức DK đã chỉ, thường được gọi là con mắt thứ ba, với chức năng độc đáo và đặc biệt. Thường thì chúng ta vẫn hay nhầm lẫn con mắt thứ ba với tuyến tùng quả. Những sự nhầm lẫn này, như Ngài nói, được cho phép cho đến khi người ta có nhiều hiểu biết hơn về bản chất dĩ thái của các hình tướng. Con mắt thứ ba này biểu hiện như là một kết quả của sự tương tác rung động giữa các năng lượng của linh hồn, tác động xuyên qua tuyến tùng quả với các mãnh lực phàm ngã, xuyên qua tuyến yên. Khi sự tương tác đủ mạnh, sẽ tạo ra ánh sáng trong đầu. Con mắt này được ví như con mắt tinh thần chỉ xuất hiện để đáp ứng với mặt trời tinh thần. Khi người tầm đạo phát triển ý thức về ánh sáng này, cơ cấu về bộ máy linh thị tăng lên và phát triển giúp anh ta có thể nhìn thấy sự vật trong ánh sáng tinh thần, và con mắt này xuất hiện trong thể dĩ thái. Con mắt này được gọi là con mắt của Shiva, trạng thái thứ nhất, khi trạng thái ý chí bắt đầu kiểm soát. Nhờ vào con mắt này mà linh hồn thực hiện được ba hoạt động. Đầu tiên, nó là phương tiện giúp linh hồn nhìn thấu được ánh sáng, ý tưởng thiêng liêng ẩn tàng sau mọi hình tướng, và tiếp xúc với linh hồn trong mọi hình hai. Thứ hai, toàn bộ công tác huyền thuật được thực hiện thông qua nó, với việc sử dụng ý chí sáng suốt. Linh hồn ở trên cõi giới của mình hiểu được các ý định và mục đích thiêng liêng của Thiên Ý, khi sự chỉnh hợp giữa các hạ thể đã chính xác, tạo điều kiện cho việc hiển lộ trạng thái ý chí và mang lại hiểu quả cho các cõi thấp. Ở đây, khía cạnh điều khiển năng lượng được thể hiện rõ rệt nhất, đó chính là việc kiểm soát qua năng lượng từ tính và lực hấp dẫn của con mắt tinh thần. Cuối cùng, nó chính là biểu hiện của trạng thái hủy diệt, công việc tống khứ các hình thức lỗi thời, phá vỡ các rào cản cho hoạt động của linh hồn.

Đối với công tác huyền thuật trên cõi trần, thông qua sự tác động của con mắt thứ ba, linh hồn kiểm soát những đường từ lực và các trung tâm lực nhờ sự tập trung chú ý và định hướng chúng vào các hoạt động đúng đắn. Đó là lí do vì sao “Tư tưởng được tập trung, tạo hiệu ứng chắc chắn lên thể dĩ thái”.

Quá trình tập trung mãnh liệt trong đầu và chuyển sự chú ý xuyên qua con mắt thứ ba về phía luân xa sẽ được sử dụng, giúp năng lượng tìm được lối ra chính xác của nó. Năng lượng này được làm mạnh lên bằng ý chí sáng suốt được định hướng và truyền năng lượng.

Cả ba hoạt động này của linh hồn tương ứng với ba trạng thái. Việc nhìn thấy ánh sáng trong mọi hình tướng nhờ con mắt thứ ba, tương tự như con mắt xác thịt nhìn ánh sáng mặt trời, là trạng thái phàm ngã. Khía cạnh kiểm soát nhờ năng lượng từ tính và hấp dẫn, tương ứng với linh hồn, vì linh hồn là biểu hiện của Bác Ái, trạng thái thứ hai. Cuối cùng khía cạnh hủy diệt, tương ứng với Chân Thần, vì chỉ có Ngài mới quyết định việc sáng tạo hay hủy diệt mọi hình thể, rút khỏi mọi biểu lộ.

Ta thấy bộ ba này được lặp lại tương ứng với tiến trình sáng tạo của Thượng Đế . Việc thu thập năng lượng hay vật chất đủ tiêu chuẩn vào vòng giới hạn, tương ứng với làn sóng sinh hoạt thứ nhất, Thượng Đế Ngôi Ba tuôn tràn sức sống của Ngài thông qua trạng thái Hoạt Động. Việc tập trung năng lượng hay vật chất, tương ứng với làn sóng sinh hoạt thứ hai, lực hấp dẫn từ tính giúp kiến tạo hình thế và tập trung, trạng thái Bác Ái của Thượng Đế Ngôi Hai. Việc phân phát các năng lượng tập trung này đến các trung tâm nhất định, nhờ ý chí sáng suốt, mục đích rõ ràng và được truyền năng lượng, tương ứng với Trạng Thái Ý Chí của Thượng Đế Ngôi Một. “Trên sao, dưới vậy”, những gì Đại Thiên Địa thể hiện, thì tiểu thiên địa cũng ẩn tàng một khả năng tương tự, khi ta vận dụng một cách hiểu biết kĩ thuật sáng tạo tương ứng như cách Thượng Đế đã làm, ta có thể đạt được mục tiêu đầy hứa hẹn mà Ngài đã vạch ra “Quá trình điều hướng này có thể trở thành thói quen tinh thần của người đệ tử”.

Ta thấy kĩ thuật này bao gồm nhiều hiệu quả mà nếu nghiên cứu kĩ, có thể trợ giúp rất nhiều cho người chí nguyện. Khi xem xét lại bài tham thiền chuyển hóa mãnh lực từ luân xa tùng thái dương lên luân xa Ajna, tiến trình trên được vận dụng triệt để. Nhờ trí tưởng tượng sáng tạo, hình dung mãnh lực chạy dọc xương sống đi vào trong đầu, giai đoạn thu gom mãnh lực hoàn tất, tại đây mãnh lực được hòa vào và trộn lẫn với đại dương tình thương thông tuệ. Năng lượng được thu thập và tập trung lại tại “một điểm trong não bộ”, vùng từ trường giao thoa giữa hai trạm phát năng lượng, tuyến yên và tuyến tùng. Hai giai đoạn đầu được thực hiện, chuẩn bị cho giai đoạn cuối, khi năng lượng được ban rải đến nhân loại thông qua luân xa Ajna. Như vậy, kĩ thuật chuyển hóa là một hệ quả của kĩ thuật hình dung.

Ta cùng quay lại với các hoạt động của linh hồn thông qua con mắt thứ ba. Hoạt động thứ ba với trạng thái hủy diệt, có tác dụng thanh lọc các hạ thể. Thể xác được loại bỏ các phần tử ô trược và thu nhận vào nó các hạt vật chất thanh khiết thuộc các cõi phụ cao. Thể cảm dục được ổn định, loại bỏ tính náo động vốn là đặc trưng của nó. Qua sự kiểm soát của con mắt tinh thần, thể cảm xúc được cố kết lại và trở nên vững chắc. Một tiến trình tương tự diễn ra ở thế trí, những hình thức cũ kỹ được loại bỏ, ánh sáng tinh thần đưa đến những nhận thức và hiểu biết mới, giúp thể trí trở nên tĩnh lặng, và trở thành vận cụ hoàn hảo cho người tri kiến thể hiện lý trí thuần khiết. Như vậy, việc loại bỏ các phần tử ô trược và khiến các Thái Âm Tổ Phụ phải rút khỏi các hạ thể, mang tính chất thanh lọc và tinh luyện, và ở đây ta thấy một hệ quả khác mà kĩ thuật hình dung mang lại.

Đối với người chí nguyện, mà mục tiêu của anh ta là thanh luyện, chuyển hóa, chế ngự các biến thái tư duy và bản chất thường thay đổi của cái tâm, và mục tiêu từ nhà thần bí học trở thành nhà huyền bí học, thấu hiểu các định luật huyền môn, và vận dụng đúng đắn trong các công tác phụng sự, thì kĩ thuật hình dung không chỉ đưa đến một phương cách hiệu quả nhất, mà phải trở thành nền tảng cho tất cả các quy trình của kĩ thuật tham thiền trong Kỉ Nguyên Mới này.

Khi nhìn vào khía cạnh thứ ba của kĩ thuật hình dung, chúng ta có thể đặt câu hỏi, liệu trong chúng ta, ai có khả năng phân biệt đúng sai? Từ trước đến nay, sự nhận thức của ta giới hạn trong thế giới hiện tượng, ba cảnh giới của nhận thức hạ trí, nhận thức cảm dục và cảm nhận của các giác quan trong thể xác. Trong giai đoạn tiến hóa hiện tại, chúng ta thuộc giống dân thứ tư, sự phân cực hầu như thể cảm dục, và tâm thức chúng ta vẫn đang trụ tại cõi trần. Khi tâm thức chúng ta trụ tại cõi trần, thì những sự kiện diễn ra ở đó trở thành thực tại đối với ta. Qua trung gian của các giác quan, tâm thức của ta đáp ứng với các kích thích ngoại giới, bởi những giới hạn trong nhận thức chúng trở thành những thực tại duy nhất mà chúng ta biết. Những thể thanh mà ta chưa kiểm soát được thì hoạt động vô thức trong nội giới,sự liên lạc giữa những gì nhận thức được ở mỗi cõi không thể truyền dẫn vì bị gián đoạn, vậy nên, bộ não hồng trần của ta không thể thu nhận những hiểu biết về những gì thể cảm dục hay thể trí của ta thu nhận được tại các cõi tương ứng. Chúng ta thậm chí còn không tin những giấc mơ, hay những cảm giác rung động sâu kín thuộc về cõi trung giới là thực, mà nghĩ rằng đó là những ảo ảnh mà tiềm thức tự sinh ra mỗi khi chúng ta chìm đắm trong cơn mộng mị, ta nghĩ rằng đó là các cảm xúc, hay cảm nhận của riêng mình, chứ không nhận thức đó cũng là những tác động từ ngoại cảnh giống như cõi trần, bởi vì với ta cõi đó là cõi ảo, dù thực sự cõi đó còn thực hơn cõi trần.

Mở rộng ra thế giới ở đó chúng ta “sống, hoạt động và hiện tồn”, vào giai đoạn này, không có hình thể nào là hoàn hảo hay tương xứng để phát biểu đầy đủ các ý tưởng hay sự sống ẩn ở bên trong. Tất cả những gì chúng ta thấy đều là các biến thái của tư tưởng. Toàn cả thế giới hình tướng là kết quả của hoạt động tư tưởng của Thượng Đế. Trong khi những sự hiểu biết, suy diễn và quyết định của ta đều dựa theo các dáng vẻ bề ngoài hay hình thể của một sinh linh thuộc một giới tiến hóa nào đó đang tự biểu lộ xuyên qua đó. Mọi hiểu biết ta có được nhờ việc tiếp xúc thông qua các giác quan thể hồng trần, thể vía hay thể trí đều không chứa đựng “thực tại”, bởi vì đó là hiểu biết có được từ các quan năng cấp thấp, dựa vào khía cạnh sắc tướng. Các cơ quan nhận thức của ta chưa được đẽo gọt, rèn giũa để trở thành một vận cụ cho Bản ngã thiêng liêng thể hiện các khả năng thiêng liêng của mình. Nhìn nhận một cách trung thực, ở trong giai đoạn tiến hóa hiện tại của ta, bản chất của các sinh linh cấu tạo nên các thể đã tỏ ra quá mạnh đối với Con người Nội tâm, chúng giam hãm con người thực và hạn chế các quyền năng của chân nhân. Các sinh linh này là các thực thể sống đang trên đường tiến hóa giáng hạ, đang hoạt động để biểu lộ. Vì chúng chỉ đi tìm trong lĩnh vực hiểu biết riêng những đáp ứng mà chúng ưa thích để đạt được mục tiêu tiến hóa riêng của mình, nên mục tiêu của chúng khác với mục tiêu của con người Nội tâm, ngăn trở sự tiến bộ và tự thức của Chân Nhân. Nhưng bởi sự vô minh, mà chúng ta đã tự đồng hóa với các thể của mình và trở nên bất toàn. Những dòng tư tưởng và dục vọng của ta, tạo ra vô số các hình tư tưởng được tạo ra trên cõi trí, cõi cảm dục, cõi trần. Chúng che án tầm mắt trước những điều thực tế, thế giới chân thực của các nguyên nhân và nguồn phóng mãnh lực. Ta bị lừa gạt và không thể phân biệt được điều chân và giả, điều đúng và sai, giữa sự sống tinh thần và thế giới hiện tượng.

Với mỗi người trong ta, giai đoạn này mục tiêu là tiếp xúc với Linh hồn và làm cách nào để hiển lộ các đặc tính của Ngài trọn vẹn nhất. Vậy thì, Thực tại chỉ tồn tại ở trên cảnh giới mà Vị Chúa Nội Tâm của chúng ta hoạt động. Chỉ có linh hồn mới nhận thức đúng và có “khả năng hình dung đúng đắn như là phương thức xác định để xác nhận đúng sai”, bởi vì đó là quan năng của Linh hồn. Chỉ có linh hồn mới có khả năng giao tiếp với mầm sống ở trong tâm của mọi nguyên tử. Chỉ có linh hồn mới là Người tri kiến, người mà lý trí thuần khiết có thể xuyên thấu mọi huyễn tưởng, ảo cảm, ảo ảnh ở trong tam giới, Người có thể nhận biết, trực thức và đồng nhất với mọi ánh sáng đang tìm cách biểu lộ trong tất cả các hình thể hữu tình đang trong tiến trình nhập thế.

Một đệ tử chuẩn bị được điểm đạo đã có sự tiếp xúc với chân ngã và đang tìm cách chuyển sự phân cực từ phàm ngã đang dần tích hợp lên đến thể nguyên nhân, đạt tới tâm thức của chân ngã thiêng liêng mà vẫn giữ nguyên tâm thức phàm ngã. Lúc này, thể nguyên nhân trở thành cơ quan trung ương. Linh hồn ở trên cõi giới của mình có thể nhận biết và đồng nhất được ánh sáng hay ý tưởng đang tìm cách biểu lộ ở cõi giới thấp từ các linh hồn khác, hoặc linh hồn có thể nắm bắt được các ý định hay mục đích từ Thánh Đoàn hay “trung tâm biết được Thiên Ý” và chuyển sự hiểu biết, hay ý tưởng xuống bộ não hồng trần, thông qua thể trí vì lúc này đường dẫn truyền từ linh hồn, qua phương tiện trung gian là thể trí tới não bộ đã trở nên thông suốt. Người đệ tử ấy trở thành người sáng tạo trên các cảnh giới trong tam giới.

Kĩ thuật hình dung dù mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ, khi nó không nhằm vào mục tiêu phụng sự mà bị lạm dụng cho các mục đích thấp kém hơn.

Đối với một thường nhân thì ý chí của y không đủ mạnh để làm sống động hình tư tưởng ấy, nhưng với những huynh đệ hắc đạo, mà trình độ của họ cũng không hề thua kém so với những người anh em hoạt động chân chính thì phương tiện này mang lại rất nhiều hiểm nguy. Chúng ta thử xem xét một trường hợp điển hình trong lịch sử, cuộc đời tên trùm phát xít Hitler. Trong giai đoạn hai thế chiến diễn ra, chủ nghĩa phát xít bùng nổ tại Ý, lan từ Châu Âu sang Châu Á và khi rơi vào tay Hitler,nó phát triển rực rỡ nhất tại Đức. Khi chúng ta xem xét theo quan điểm huyền bí, ta thấy rằng ẩn sâu trong hệ tư tưởng phát xít là một lý tưởng, khi chiếc nhân của nó được gieo một cách chủ đích và cụ thể, nó trở thành trung tâm trên cõi hạ trí, thế giới của năng lượng tư tưởng, nó liên tục thu hút vào trong chính nó những hạt vật chất cõi trí có các rung động tương đồng. Lúc này một hình tư tưởng được hình thành, năng lượng từ mục đích làm cho nó trở nên sống động. Lực hấp dẫn từ nó kéo vào Vòng giới hạn được thiết lập những rung động tư tưởng tương đồng, thu hút những kẻ sau này trở thành đồng bọn của tên trùm . Tư tưởng phát xít được hình thành từ khi hắn còn trẻ, và ngày càng ổn cố để rồi trở thành một thực thể có sức sống sinh động. Chính nhờ khả năng hiểu rõ các tiến trình tư duy của trí tuệ mà Himmler, cánh tay phải của Hitler, đã đưa ra phương thức bành trướng tư tưởng này qua câu nói “Một điều dối trá được lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ trở thành chân lý”. Bản chất Trí tuệ chất hay các tinh linh cõi hạ trí không có ngã thức vì vậy chúng không có quan niệm đúng sai như cách chúng ta đánh giá các sự việc trên quan điểm đạo đức, chúng chỉ thực hiện những gì giúp cho con đường tiến hóa của chúng được thuận lợi. Môi trường cho tư tưởng này sinh sôi nảy nở, là nhờ khả năng đáp ứng nhạy bén nhu cầu của quần chúng, thời điểm người dân Đức bị tổn hại nặng nề về niềm tự hào dân tộc, vốn đã cạn kiệt lòng tin vào giới lãnh đạo, cùng sự phân hóa trong các giai cấp xã hội khi người Do Thái quá thành công trong lĩnh vực tài chính và cách họ cô lập với toàn thể dân tộc đã tạo ra những điều kiện thuận lợi cho Hitler và đồng bọn lan rộng tư tưởng phát xít của mình, và thực hiện kế hoạch xây dựng đế chế, chia rẽ,bài xích dân tộc Do Thái.

Tư tưởng phát xít là một mãnh lực hướng dẫn cho các hoạt động chiến tranh, nhưng động cơ nào giúp hình thành và phát triển? Ta đều biết, tất cả những gì chúng làm là để thỏa mãn những ham muốn bệnh hoạn, ích kỉ của cá nhân..những ham muốn sinh ra từ sự thôi thúc của Dục vọng. Trong tiến trình tinh thần đi sâu vào vật chất để thể hiện Ý Chí hiện tồn, Ý Chí phải khoác lên mình những lớp vỏ được cấu tạo từ vật chất của các cõi tương ứng. Giai đoạn đầu, những gì thu vén được là những nguyên tử ô trược nhất, cho đến khi xuống đến cõi cảm dục, Ý Chí khoác lên mình lớp áo cảm dục, vì chưa kiểm soát được nên Ý Chí hoàn toàn bị lệ thuộc, bị che án, và là nô lệ của sinh linh cảm dục thấp kém. Chính khi tập hợp một lớp vỏ cảm dục xung quanh mình, mà Ý Chí trở thành Dục vọng, đó chính là phản ảnh của Ý chí ở các cõi thấp. Nhờ Những đặc tính mạnh mẽ, truyền năng lượng và mục đích tiềm tàng, mà Ý chí mang lại sức sống cho lớp vỏ cảm dục thấp kém và trở nên mãnh lực thúc đẩy. Giai đoạn đầu của cuộc tiến hóa, hầu như mọi tư tưởng và hành động đều không thể tách rời dục vọng, chính xác hơn, tất cả đều phục vụ cho mục đích của Dục vọng. Khi kết hợp với tư tưởng phát xít, nó tạo thành một liên kết vững chắc, gần như là đồng nhất. Dục vọng là mãnh lực thúc đẩy, Tư tưởng là mãnh lực dẫn đường, thì tất yếu sẽ dẫn đến hành động để hiện thực hóa. Những hoạt động bên ngoài được thực hiện nhờ các phương tiện âm thanh và chữ viết. Hitler là một nhà hùng biện đại tài khi nhìn vào điểm nổi bật trong cuộc đời hắn là hơn 5000 bài diễn thuyết. Khả năng vận dụng ngôn từ và sự uyển chuyển trong hình thể trở thành vũ khí tối thượng của hắn, ở đây có sự tương đồng rõ rệt khi âm thanh và các vũ điệu chính là phương tiện các nhà Huyền Thuật sử dụng để điều khiển năng lượng. Một khả năng sáng tạo đáng sợ, được thực hiện nhờ việc nắm vững các quy luật huyền thuật.

Bài học ở đây là khi các quy luật huyền môn bị lạm dụng, và sức mạnh phá hoại được khai thác triệt để, thì hậu quả sẽ vô cùng khốc liệt. Việc này nhắc nhở chúng ta, hiệu quả của các quy luật là có thực, khi chúng ta bỏ ngoài tai những lời khuyên của các vị Huấn Sư Cao Cả, bởi sự trì trệ cố hữu nơi mình, chúng ta luôn có nguy cơ đi vào con đường hủy diệt, con đường đối nghịch với luật tiến hóa.

Trước mắt người tầm đạo chúng ta là hai con đường. Một con đường giáng hạ tiến hóa, dẫn vào vật chất sâu thẳm, con đường của kẻ thực hành hắc thuật, vốn là quyền năng của phàm nhân, và bị lệ thuộc vào các mục tiêu ích kỉ, với động cơ tư lợi và tham vọng. Ngày càng giam hãm vào ba cõi thấp, đóng cánh cửa đi vào Sự Sống. Con đường kia là hợp tác với các lực tiến hóa, hạ thấp tầm quan trọng của phàm ngã, luôn luôn thực hành huyền thuật của Thánh Đoàn , luôn hoạt động trong ánh sáng của linh hồn.

Một hướng đi đến cổng Thiên Đàng, một hướng đi xuống tận cùng của địa ngục."




Đoàn người mới phụng sự thế gian

Bài viết: Anh Tùng

Liệu chúng ta có thể trở thành thành viên thuộc Đoàn người mới phụng sự thế gian không?

Chân sư DK đã viết trong quyển Luận về Chánh thuật: khi 1 người tiến hóa qua 8 giai đoạn phát triển, chuyển hóa được tính cách ích kỷ, vị kỷ sang ý thức tập thể và bắt đầu có ý thức rõ rệt về công việc phụng sự thế gian, thì hoàn toàn có cơ hội gia nhập.

---

Trích đoạn chương X trang 396,397 quyển Luận về Chánh thuật:

"Do đó trong sự phát triển tuần tự của nhân loại, bạn có các giai đoạn sau:

1. Giai đoạn ý thức động vật.

2. Cá nhân được an trụ vào tình cảm, có tính ích kỷ và bị chi phối bởi dục vọng.

3. Hai giai đoạn trên, cộng với một hiểu biết trí tuệ ngày càng tăng về các tình huống chung quanh.

4. Giai đoạn có trách nhiệm với gia đình hoặc bạn bè.

5. Giai đoạn của tham vọng và của sự khao khát đối với ảnh hưởng và quyền lực trong một lĩnh vực biểu hiện nào đó của con người. Điều này dẫn đến nỗ lực mới.

6. Sự phối-kết năng lực phàm-ngã dưới tác nhân kích thích ở trên.

7. Giai đoạn ảnh hưởng được vận dụng một cách ích kỷ và thường có tính chất phá hoại, bởi vì cho đến nay những vấn đề cao siêu không được ghi nhận.

8. Giai đoạn có một ý thức tập thể phát triển đều đặn. Giai đoạn này được xem như là:

a/ Một lĩnh vực cho cơ hội.

b/ Một địa hạt phụng sự.

c/ Một nơi mà trong đó sự hy sinh vì lợi ích của mọi người trở nên có thể xảy ra một cách vinh quang.

Giai đoạn sau cùng này đặt một người lên con đường đệ-tử, không cần phải nói rằng nó bao gồm giai đoạn của thời kỳ trước đó, là thời kỳ dự bị hay thử thách.

...

Những người khác đã vượt qua giai đoạn đó, đang bắt đầu chuyển sự tập trung ra khỏi sự biểu lộ của phàm-ngã trong ba cõi thấp của cuộc sống con người, và được kích hoạt bởi một năng lượng vốn là trạng thái cao hơn của năng lượng phàm-ngã (Xem Tâm Lý Học Nội Môn, 284). HỌ KHÔNG CÒN HOẠT ĐỘNG, LÊN KẾ HOẠCH VÀ ĐẤU TRANH ĐỂ BIỂU LỘ PHÀM NGÃ CỦA HỌ, và để tạo ảnh hưởng cá nhân của họ trên thế giới, hoặc để tập hợp xung quanh họ bằng cách thu hút một nhóm người tôn trọng họ, và do đó nuôi dưỡng các động cơ Kiêu Hãnh và Tham Vọng của họ, và làm cho cả hai tính chất này có uy thế và quan trọng. Họ đang bắt đầu thấy các sự vật theo một quan điểm mới hơn và chân thật hơn. Trong ánh sáng của Tổng Thể (Whole) thì ánh sáng của tiểu-ngã mờ dần đi, giống như ánh sáng vốn có trong mỗi nguyên-tử của cơ thể được tập hợp lại với nhau, và bị xóa mờ trong ánh sáng của linh hồn khi ánh sáng linh hồn bùng lên với mọi vẻ huy hoàng của nó.

Khi giai đoạn này của lòng vị tha, của việc phụng sự, của sự lệ thuộc vào Đại Ngã Duy Nhất, và của sự hy sinh cho tập thể trở thành mục tiêu, thì một người đã đạt đến mức mà y có thể được nhận vào nhóm các nhà thần bí, các thức giả và tập thể những người phụng sự của thế gian; nhóm này là phản ánh trên cõi trần của Thánh Đoàn Hành Tinh."