Thứ Năm, 20 tháng 9, 2018

Bốn giai đoạn phát triển của con người

Tác giả: Trình Huỳnh

(từ nay đến hết quá trình tiến hóa hiện nay của trái đất)
Lâu nay trong nhóm hay nhắc đến cụm từ "phát triển cá nhân" (theo con đường khám phá tri thức, hay gọi tắt là Anthroposophy), mình cảm thấy đây là thời điểm thích hợp để nói rõ thêm một chút cụm từ này nghĩa là gì. Trong post này mình sẽ nói về những giai đoạn trên con đường này mà một con người trải qua.
Trong cuốn "Knowledge of the Higher Worlds And Its Attainment" (vài tên khác nhau và vài bản dịch khác nhau), Steiner cho ta nhiều bài tập chiêm nghiệm và thiền khác nhau để dần dần trải nghiệm thế giới tâm linh trong cuộc sống hằng ngày và qua đó phát triển bản thân. Sau đó là ông tả các giai đoạn mà một người đi qua trong quá trình phát triển đó. Ba giai đoạn ông tả trong sách là, theo thứ tự: Lửa, Nước, Khí. Giai đoạn cuối cùng thứ 4, Đất, ông tả chỗ khác, nhưng mình cũng sẽ nói qua (rất vắn tắt) ở đây.
Một con người phát triển qua các giai đoạn đó từ kiếp này qua kiếp khác, và không bao giờ mất những cái đã đạt đến. Khi qua một kiếp mới, cuộc sống sẽ đưa đẩy để người đó nhanh chóng đi nhanh qua những chặng đã qua trong tất cả các kiếp trước, và đi tiếp.
Trong giai đoạn đầu tiên, Lửa, người đó bắt đầu con đường phát triển tâm linh của mình. Dần dần tin vào, thu thập, và cho thấm vào người những kiến thức tâm linh. Từ những kiến thức luôn được trau dồi này – cho nên con đường này là con đường khám phá tri thức -- người đó dần dần nhận ra những tính nết chưa tốt của mình và nhận ra được chính những cái đó là rào cản hành trình của mình. Nên người đó dần dần -- cũng qua các chiêm nghiệm, thiền, và bài tập rèn luyện – thanh lọc mình, như Lửa thử vàng vậy.
Mọi người chắc cũng đồng ý – hầu hết nhân loại bây giờ còn chưa vào giai đoạn này. Nhưng cũng có rất nhiều người, mặc dù không biết Anthroposophy, cũng đã cố ý hay vô tình rèn luyện bản thân trong cuộc đời như vậy. Vì trí tuệ tâm linh đi song song với rèn luyện bản thân, nên những người này – nói chung – ta cảm thấy họ là những người sáng suốt hơn.
Từ muôn thuở trong lịch sử nhân loại, các tôn giáo và các câu truyện dân gian đóng vai trò mấu chốt cho sự phát triển bản thân trong giai đoạn Lửa này. Nhưng trong thời hiện đại con người dần dần quay lưng lại với tôn giáo để đi theo con đường tìm tri thức bằng tư duy. Nhưng Anthroposophy cho ta thấy rằng, trong mọi con đường khám phá trí thức, nếu ta biết gạt qua các định kiến, chính tư duy sẽ giúp ta quay trở về với cội nguồn tâm linh, và cùng với một niềm tin mãnh liệt mới.
Giai đoạn tiếp theo là Nước. Đây là lúc mà người đó đã lĩnh hội kiến thức tâm linh đủ để dần dần dùng chính các tri thức này, và không gì khác, định hướng cuộc sống. Trong sự định hướng đó, người đó dần dần hiểu sự hoạt động của các thế lực "xấu" đi ngược với tiến hóa loài người, và lèo lái cuộc sống của mình giữa những thế lực đó. Nên Steiner gọi giai đoạn này là Nước vì giống như một người đang lướt trên nước, luôn giữ mình thăng bằng để khỏi bị các thế lực đó nhấn chìm, vì các thế lực đó sẽ không để một người trong giai đoạn này ở yên (!), mà sẽ luôn luôn thử thách. Trong 4 giai đoạn, theo mình, có lẽ giai đoạn này là “khổ sở” nhất.
Hai thế lực chính trong giai đoạn này là Lucifer và Ahriman, thay nhau hợp tác ăn ý chi phối tư tưởng con người. Khả năng nhận biết -- lúc nào mình đang có rủi ro bị chi phối nào – là vũ khí sống còn để chống lại. Nói một cách rộng nhất, Lucifer làm cho con người quá hài lòng với những cái đã có mà quên mất mình cần phải vươn lên tiếp. Nhưng việc này thể hiện ở rất nhiều sắc thái khác nhau. Điển hình là tôn thờ cái “tôi” (thấp) đang có. Thay vì cần phải tiếp tục thanh lọc cái “tôi” này, thì lại từ cái “tôi” thấp đó mà đi tìm các loại tự do khác nhau (Lucifer là con rắn dụ dỗ Adam và Eva ăn táo để bỏ thiên đường đi tìm tự do riêng), chẳng hạn như chưa hiểu biết đủ mà ra phong trào này phong trào nọ đổi mới xã hội. Ngay cả làm việc tốt chỉ để cảm thấy hạnh phúc (hoặc để lên thiên đàng) cũng là một cám dỗ (mặc dù có lẽ là ít tệ nhất) của Lucifer. Mọi hình thức vốn chỉ để bãn ngã thấp của mình được hài lòng là cám dỗ của Lucifer.
Ngược lại với Lucifer làm cho mình chỉ biết bám chặt vào những cái đã có, Ahriman làm cho mình ảo tưởng là tất tần tật những thứ đã có chẳng có giá trị gì, chỉ là ảo tưởng, và cái này cũng thể hiện ở rất nhiều sắc thái khác nhau. Điển hình là quan điểm của khoa học hiện đại, cho là con người từ sắp xếp ngẫu nhiên gì đó mà ra đời chứ không phải từ cội nguồn thiêng liêng. Hoặc điển hình khác là thấy cái “tôi” của mình xấu xí nên dẹp bỏ hẳn nó, thay vì nhận thấy là nó chính là mình, đã qua biết bao thăng trầm của nhân loại mà phát triển đến bây giờ, thay vì gạt bỏ nó mà cũng chính là gạt bỏ đi ý nghĩa và vai trò thiêng liêng độc nhất vô nhị của chính mình mà trong toàn cõi vũ trụ không thực thể tâm linh nào khác có, thì phải tiếp tục phát triển nó để nó có thể nhận cái “tôi” cao. Cái “tôi” cao như là rượu mới, không thể đến với mình nếu không có cái bình xứng đáng để đựng nó là cái tôi “thấp” đã thanh lọc.
Hai thế lực này phối hợi với nhau rất ăn ý. Một ví dụ như là sau khi Ahriman làm cho mình có ảo tưởng là cái gì cũng là ảo tưởng, thì trên đời này có gì đáng làm hơn là sống cuộc đời càng hạnh phúc càng tốt rồi chết? Tức là từ cám dỗ của Ahriman mà chuyển qua Lucifer.
Sự giữ thăng bằng trong cuộc sống giữa các thế lực này là đặc trưng của giai đoạn Nước trong Anthroposophy. Steiner nói đây là thử thách lớn nhất cho giới Anthroposophy bây giờ, cho đến hết thời kỳ thứ 5 này (đến khoảng năm 3500). Từ đây đến đó sẽ ngày càng nhiều người bước qua giai đoạn tiếp theo.
Giai đoạn thứ 3 là Khí. Ở đây người đó không bị (và không cần) thử thách để phát triển nữa, mà chính người đó phải tự tạo cho mình, từ trong chính bản thân mình, các động lực để phát triển. Nên Steiner ví như đứng trong không khí, không có gì để tựa vào (ngay cả thử thách từ ngoài đến), mà phải tự mình tạo điểm tựa cho mình để mình đi tới. Ở giai đoạn này, người đó dần dần trải nghiệm sự Tự Do đầy đủ thật sự. Một con người mới (cái tôi cao) dần dần được sinh ra trong người đó, đến mức có thể làm cha mẹ hoặc bạn bè xưa không nhận ra mặc dù cùng bề ngoài. Người đó dần dần trải nghiệm sự bao la và sâu đậm của Tình Yêu trong Tự Do. Trong mọi tình huống lớn nhỏ trong đời sống, ngay cả vặt vãnh, người đó có thể làm với đầy đủ ý nghĩa như là việc quan trọng nhất (vì thật sự người đó nhìn thấy nó có ý nghĩa như vậy).
Ở cuối giai đoạn này người đó đến được một nơi mà Steiner gọi là “temple of higher wisdom”. Người đó nhìn thấy ý nghĩa và sứ mệnh cao nhất của sự tồn tại của chính mình và của vũ trụ. Những tri thức cao nhất bắt đầu tuôn vào người đó một cách có mục đích, đúng thời điểm, đúng nơi. Và người đó bắt đầu dùng những tri thức được ban tặng này để bắt đầu thực thi sứ mệnh cao nhất của nhân loại. Đây là lúc sang giai đoạn cuối cùng, Đất.
Ở giai đoạn Đất, người đó bắt tay cùng với thế giới tâm linh lèo lái tiến hóa của nhân loại. Nổi tiếng mà ta biết trong lịch sử thì có Zarathustra, Phật, …, gần đây nhất thì có Steiner. Nhưng Steiner cũng nói chính những người này, cũng như nhiều người khác, và càng ngày sẽ càng thêm nhiều người, cũng lèo lái nhân loại qua rất nhiều kiếp khác trong ẩn danh. Giai đoạn này gọi là Đất vì những người này dần dần tác động vào và biến Trái Đất thành Thiên Đường mới. Những nhân vật lỗi lạc mà ta biết chỉ là bề nổi của họ trong lịch sử đang tiến hóa vĩ đại của nhân loại.
Lưu ý: một người có thể ở trong một giai đoạn nào đó, chẳng hạn như Khí, trong một khía cạnh cuộc sống nào đó và ở trong một giai đoạn khác, chẳng hạn như Nước, trong khía cạnh cuộc sống khác.
Sự phát triển con người này được miêu tả trong hầu hết các truyện fairy tales, như mình phân tích trong các bài sau:




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét