Thứ Ba, 19 tháng 2, 2019

Kết nối với chính mình

Image may contain: tree, sky, outdoor and nature


Trong yoga để giữ thăng bằng thường có những cụm từ chung chung, quen thuộc như hướng tâm trí vào trong, chánh niệm trong từng động tác, tiếp đất (grounding). Ví dụ động tác cây hay núi, người thực hành sẽ hướng ý vào trong, từ phần bụng dưới, xuống đến root chakra, xuống tới lòng bàn chân, cuối cùng là trọng tâm bốn điểm dưới lòng bàn chân được chia đều, nếu cần thì quán tưởng nọ kia để tăng cường sự kết nối với mặt đất. Kỹ thuật nghe phức tạp nhưng cứ thử đứng yên như trời trồng trong tư thế núi sẽ thấy dễ hiểu.

Khi hướng ý ra ngoài cơ thể, phân tâm vì ngoại cảnh hoặc do nhìn người tập kế bên lảo đảo thì tự nhiên mình sẽ chao đảo. Do đâu? Do mình mất kết nối với chính mình, với hiện tại, và với mặt đất ngay dưới chân mình.

Tương tự trong cuộc sống, muốn giữ được cân bằng là Ở đây, Bây giờ chúng ta cần kết nối với mặt đất ngay dưới chân mình, không phải mặt đất dưới chân người khác, không phải cảm xúc của người khác, không phải rắc rối trong tâm trí hay cơ thể người khác.

Muốn giúp người khác giữ được bình an, cân bằng trong cuộc sống thì chính mình phải giữ được thăng bằng cho mình trước nhất. Quay vào kết nối với Cơ thể (Thân), Cảm xúc (Thọ), Tâm trí (Tâm), và với Thực tế cuộc sống chính mình ngay lúc này (Pháp). Chỉ có mình mới biết nên nghiêng trái hay phải, hướng vào điều gì, lựa chọn gì, ăn món nào, nhanh chậm làm sao, đi con đường thế nào để giữ được thăng bằng cho mình.

Có trường hợp bị ảnh hưởng do cứ hướng ra ngoài, soi nhìn cuộc đời của người khác từ fb đến ngoài đời, từ miếng ăn, công việc, du lịch, con cái đến áo quần thì sớm muộn gì cũng sẽ tự khiến mình mất cân bằng, như việc nhìn người tập yoga kế bên mà chính mình bị chao nghiêng vậy. Có trường hợp oái ăm khác nữa là thích chủ động ảnh hưởng lên người khác, có rất nhiều người không giữ được thăng bằng nơi cuộc sống của họ lại đem sự chông chênh, kinh nghiệm, nỗi sợ đó làm lảo đảo cuộc đời người khác.

Ai cũng phải tự trải qua bài học của mỗi người để định hình được trục cân bằng riêng của họ. Những lúc như vậy, tự mỗi người cần quay vào trong, quan sát và nhận diện được điều này, nếu không thì chúng ta sẽ tự đặt mình vào số phận của một quân domino mà hồi hộp chờ đợi những hiệu ứng ngã nhào, để cảm xúc mình bị lây nhiễm từ cảm xúc người khác như một thói quen, và sau cùng là tìm cớ đổ lỗi cho những cú ngã của mình.

Trong yoga, khi ngã, mọi người thường nói “hãy ngã cùng với nụ cười”, bởi đó là tập luyện, là kinh nghiệm, bài học, vậy nên vui vẻ mà đón lấy. Ngoài cuộc đời, có khi ta ngã với rất nhiều cảm xúc phức tạp nhưng nó vẫn là trải nghiệm, cần, để giúp mình cứng cáp, cân bằng hơn trong lần tiếp theo.

Vậy nên, sau tất cả, đừng nản lòng. Tự cười với mình, đứng lên và tiếp tục. Bởi dưới chân chúng ta có mặt đất, bên trong chúng ta luôn có một vị Thầy. Hướng ý đi xuống thấp, thực sự tiếp xúc với đất để năng lượng của mặt đất giúp chúng ta cân bằng. Hướng ý đi vào trong, lắng nghe minh triết, để vị Thầy bên trong dạy chúng ta cách đi lên, như cách một hạt mầm vùi thân trong đất, từ đó mới bắt đầu trưởng nở những mầm non, vươn lá, vươn cành mà hướng thượng, mà tỏa rộng xanh tươi.

Diệp Nghi


Thứ Hai, 18 tháng 2, 2019

Giá trị của việc nghiên cứu 7 cung trong Tâm Lý Học Nội Môn


- Khi hiểu rõ về bản thân - cấu tạo các thể dẫn tới hình thành các tính cách, đặc điểm và các tiềm năng cũng như hạn chế như thế nào - người chí nguyện biết tự mình ý thức việc phát huy các điểm mạnh tiềm năng và khắc phục các hạn chế của bản thân để con người ngày càng hoàn thiện hơn. Điều này đúng cho cả việc nghiên cứu cung hoàng đạo và cung ray của con người.

- Khi hiểu rõ mỗi thể con người là biểu hiện của mỗi một trong 7 cung, người chí nguyện không còn thấy yêu hay ghét bản thân mình hay người khác nữa vì đơn giản người đó thấy rằng mỗi đặc điểm của ai đó chỉ là phản ánh của một trong bảy cung tại cõi trần. Và vì mỗi người đang ở một trình độ nào đó trên con đường tiến hoá bất tận nên việc biểu lộ cung tại người đó chỉ là phản ảnh mức độ người đó bị chi phối bởi cung đó tại một thời điểm, nó không có gì đáng phàn nàn hay chê trách. Trong một kiếp sống, phàm ngã và các thể chịu ảnh hưởng của một cung nhất định là để phàm ngã rèn luyện một khía cạnh nhất định. Người chí nguyện được trang bị kiến thức 7 cung đầy đủ có thể xem nhẹ các biểu hiện bề ngoài nơi phàm ngã của con người, mà chỉ đặt chú tâm vào sự biểu lộ cung linh hồn của con người. Ý niệm về câu mỗi phàm ngã “là một mặt của viên kim cương đang mài giũa” trở nên rõ ràng. Như vậy giúp người môn sinh đi đúng hướng trên con đường tu tập. Người chí nguyện trở nên thông hiểu người khác hơn, giao tiếp hoà hợp với người khác tốt hơn, có thể sống cùng nhau trong tình thân ái mà tiến bộ, có thể cùng cộng tác hữu hiệu hơn trong việc phụng sự trên Đường Đạo.

- [Các Cung có các đặc tính tạm gọi tích cực và tiêu cực, chúng phản ảnh những cấp độ khác nhau của ảnh hưởng cung. Chúng ta nên hạn chế các đặc điểm "tiêu cực" và phát triển các mặt tích cực của các cung. Con người luân hồi qua vô số kiếp sống, với các thể của chúng ta chịu ảnh hưởng những cung khác nhau để "học hỏi" hay tô điểm những đặc điểm của các cung đó, và cuối cùng chúng ta trở thành con người hoàn thiện, "rounded out"...Comment của Chú M.T.M] Nghiên cứu các vấn đề tâm lý, ảo cảm đặc trưng do ảnh hưởng của mỗi cung sẽ giúp người môn sinh nhận biết được rào cản lớn nhất cho tiến bộ của bản thân hay những người đồng sự, người thân, người có liên quan. Từ đó, người môn sinh có thể có giải pháp đặc trưng theo cung của mình để xử lý tốt nhất các rào cản, hay giải pháp tốt nhất để hợp nhất với linh hồn tiến tới giải thoát. Mỗi môn sinh cũng sẽ được học và từ đó tự suy ngẫm về con đường phụng sự thích hợp nhất với cung của mình, sau đó tiến tới thực hành. Chúng ta sẽ khám phá ông Abraham Lincoln – nguyên Tổng thống Mỹ, là một linh hồn phụng sự vĩ đại, mặc dù ông không phải học viên huyền linh học hay nghiên cứu về tâm linh khi còn tại thế. Còn nhiều ví dụ khác. Để thấy rằng lĩnh vực phụng sự vô cùng rộng lớn và chúng ta cần có thái độ trân trọng mọi người phụng sự trên bất cứ đường lối của cung ray nào. Tất cả đều là biểu lộ của Thiên Tính. Chủ đề sẽ được học đào sâu tại khoá QU.

- Mỗi nhóm, hay quốc gia, hay dân tộc như chúng ta được biết qua sách của chân sư DK đều chịu ảnh hưởng của 1 trong 7 cung ray. Cũng giống như thế giới vi mô của cơ thể người, các nhóm, quốc gia hay dân tộc cũng có đầy đủ các tiềm năng biểu hiện các cung ray. Người môn sinh sẽ có ý thức về việc không yêu hay ghét nhóm, quốc gia, dân tộc nào. Nếu mỗi quốc gia, dân tộc có các vị lãnh đạo và nhiều người dân hiểu biết rõ ràng về 7 cung thì sẽ dẫn tới sự thông hiểu hoà hợp lẫn nhau, tránh được xung đột, và hoà bình sẽ hiện diện giữa các quốc gia, dân tộc. Phạm vi ứng dụng sẽ là vô giới hạn. Chủ đề này sẽ được học ở khoá QU.

- Phạm vi ứng dụng nghiên cứu cung ray còn lên cao tới thế giới vĩ mô hơn nữa khi chúng ta biết Nhân Loại, Thánh Đoàn, Hành tinh Trái Đất và Hệ Mặt Trời,v.v… cũng chịu ảnh hưởng của 1 trong 7 cung. Nhưng đó là chủ đề rất cao siêu, không thích hợp cho chúng ta bàn hiện nay. Về mặt ứng dụng thực tiễn, chúng ta được biết rằng Thái Dương Hệ của chúng ta trong chu kỳ này đang chịu ảnh hưởng của Cung 2 – Bác Ái và Minh Triết, chính vì thế mà đường lối tu luyện Bác Ái và Minh Triết là con đường dễ dàng nhất trong Thái Dương Hệ. Đức Phật dạy con người Từ Bi và Trí Huệ, Đức Christ dạy con người Bác Ái và Hy sinh. Những tôn giáo lớn nhất trên Trái Đất đều đi theo đường lối này. Đó là kim chỉ nam cho người học đạo.

Tham khảo về Tâm Lý Học Nội Môn và 7 Cung






Đoàn Người Mới Phụng Sự Thế Gian

"Họ làm điều này không phải do tác động của tham vọng riêng và các kế hoạch đầy kiêu hãnh của họ, mà là qua chính sự vị tha của công cuộc phụng sự của họ."

"Họ không thừa nhận uy quyền nào, trừ uy quyền của linh hồn riêng của họ, và không thừa nhận một Chân Sư nào, trừ nhóm mà họ tìm cách phụng sự, và nhân loại mà họ thương yêu sâu xa." - Luận về Chánh thuật, page 309, 400

Chúng ta là những học viên của Trường MF, những người sơ cơ mới bước đi trên con Đường Đạo, bắt đầu làm quen với cuộc sống song đôi: 1 cuộc sống của phàm ngã còn nhiều ham muốn với những kế hoạch bận rộn cần phải làm, còn nhiều tham sân si cần phải giải quyết; 1 cuộc sống của con người đã được kết nối (với Linh Hồn), tĩnh lặng trong ánh sáng minh triết, với Đạo tâm đang dần dần mạnh lên.

Nếu bạn đã cố gắng dành ra 1-10 phút thiền mỗi khi sắp đến 5h chiều thứ 5, hẳn là ước muốn phụng sự trợ giúp các Đấng cao cả của bạn đã hình thành. Đạo tâm của bạn đã đủ lớn để nhận ra tầm quan trọng của thời điểm này của thế giới, khi chỉ còn hơn 6 năm nữa là đến Hội nghị quan trọng của Thánh Đoàn, khi mà Thánh Đoàn sẽ quyết định thời điểm tái lâm của Đức Christ.

...Rồi hãy tìm hiểu về Đoàn Người Mới Phụng Sự Thế Gian, và dành ít phút vào sau lúc tham thiền mỗi ngày để nhận ra phận sự của mình trong Đại cuộc. Bạn không hề nhỏ bé khi bạn kết nối Linh hồn mình, với Sự sống duy nhất, và với những người đang nỗ lực tìm cách trợ giúp các Đấng Cao cả. Đừng ngần ngại; mà hãy tiến bước bằng cách duy trì tham thiền hàng ngày và đừng quên 5h chiều thứ 5 hàng tuần.

~ Tùng PT

---
Trích trong quyển Luận về Chánh thuật page 309-401 của Alice A. Bailey:

"Ngày nay, trên thế giới, một thời điểm khủng hoảng lớn lao khác đã đến. Tôi không ám chỉ đến tình hình thế giới hiện nay, mà nói đến trạng thái ý thức của con người. Thể trí đã đạt đến một năng lực hoạt động, các phàm-ngã được phối kết. Ba trạng thái của con người đang được pha trộn; một đội hình khác hoặc sự ngưng tụ khác từ Thánh Đoàn của các Chân Sư đã trở thành khả hữu. Trên cõi trần, không có bất kỳ tổ chức ngoại môn nào, các nghi lễ, hoặc hình thức bên ngoài nào mà chỉ có một nhóm người cả nam lẫn nữ đang kết hợp – một cách thầm lặng, đều đặn và mạnh mẽ − những người này vốn sau rốt sẽ thay thế nỗ lực trước đây của Thánh Đoàn. Họ sẽ thay thế mọi giáo hội, mọi nhóm, và mọi tổ chức, cuối cùng sẽ xây dựng loại chính quyền tập trung (oligarchy), gồm các linh hồn chọn lọc, họ sẽ cai trị và hướng dẫn thế giới.

Họ đang được tập hợp từ mỗi quốc gia, nhưng được tập hợp và lựa chọn, không phải bởi Thánh Đoàn đang quan sát hoặc bởi một Chân Sư nào đó, mà bởi năng lực đáp ứng của họ với cơ hội tâm linh, xu thế (tide) và danh tiếng (note). Họ đang nổi lên từ mỗi nhóm, giáo hội và đoàn thể, và do đó sẽ là đại diện thực sự. Họ làm điều này không phải do tác động của tham vọng riêng và các kế hoạch đầy kiêu hãnh của họ, mà là qua chính sự vị tha của công cuộc phụng sự của họ. Họ đang tìm cách tiến đến đỉnh cao trong mọi bộ phận tri thức của con người, không phải vì tiếng tăm mà họ tạo ra về những ý tưởng riêng, các khám phá và các lý thuyết của họ, mà vì họ quá bao gồm trong quan điểm của họ, quá rộng rãi trong sự giải thích của họ về chân lý đến nỗi họ nhìn thấy bàn tay của Thượng Đế trong tất cả các diễn biến, dấu ấn của Ngài trên mọi hình tướng, và nốt (note) của Ngài ngân lên qua mọi vận hà dẫn truyền giữa thực tại chủ quan và hình tướng bề ngoài khách quan.

Họ thuộc đủ mọi chủng tộc; họ nói mọi ngôn ngữ; họ bao gồm mọi tôn giáo, mọi khoa học và mọi triết lý. Đặc điểm của họ là tính tổng hợp, tính bao gồm, tính trí tuệ và sự phát triển trí tuệ tinh vi. Họ không theo tín điều nào, trừ tín điều về Tình Huynh Đệ (creed of Brotherhood) dựa trên Sự Sống duy nhất. Họ không thừa nhận uy quyền nào, trừ uy quyền của linh hồn riêng của họ, và không thừa nhận một Chân Sư nào, trừ nhóm mà họ tìm cách phụng sự, và nhân loại mà họ thương yêu sâu xa. Họ không có rào cản nào được thiết lập xung quanh họ, mà được chi phối bởi một sự khoan dung rộng rãi, một tinh thần lành mạnh và ý thức về sự cân xứng. Họ nhìn với đôi mắt rộng mở vào thế giới con người và nhận ra những người mà họ có thể nâng đỡ, và trước những người này, họ có thể có giá trị như các Đấng Cao Cả – đó là nâng đỡ, giáo huấn và trợ giúp. Họ nhận ra người đồng chí hướng và người ngang hàng của họ, và biết nhau khi họ gặp gỡ và đứng vai kề vai với người phụng sự huynh đệ của mình trong công việc cứu giúp nhân loại.

Không có gì quan trọng nếu các thuật ngữ của họ khác nhau, các diễn giải của họ về các biểu tượng và các kinh điển bất đồng, hoặc lời lẽ của họ ít hoặc nhiều. Họ nhìn thấy thành viên trong nhóm của họ trong mọi lĩnh vực – về chính trị, khoa học, tôn giáo, và kinh tế − và đưa ra cho họ dấu hiệu nhận biết và bàn tay của một huynh-hữu. Họ cũng nhận ra các Đấng Cao Cả vốn đã vượt qua trước họ trên nấc thang tiến hóa và chào mừng các Ngài, các Bậc Thầy, và tìm cách học hỏi từ các Ngài những gì mà các Ngài rất nhiệt tình để truyền đạt..."

Thứ Ba, 12 tháng 2, 2019

Phân tích Tây Du Ký dưới ánh sáng Anthroposophy

Tác giả: Trình Huỳnh


Image may contain: 4 people, people standing and outdoor

Trong thời đại ngày nay tất cả ai mà còn sống một cuộc sống “không vướng bận”, “vô chấp”, không theo đuổi một lý tưởng hay ý niệm nào, thì người đó thật chất đang thờ Ahriman (có thể có một chút Lucifer nhưng đa phần là Ahriman). Ahriman chính là vua của sự “vô ý niệm”, một ông trùm giấu mặt. Ahriman là kẻ rất hăm hở chặt đứt gốc rễ nguồn cội của ta và rất hả hê khi ta không cố gắng đi tìm lại gốc rễ, tìm lại mục đích tồn tại của mình.

Ngày xưa Phật dạy ta biết “vô chấp” với những thứ phù du, chứ không phải vô chấp với những mục đích vĩnh cửu hay “phủi” đi không đi tìm và vươn đến các mục đích đó. Phật dạy ta phải biết nhận diện các cám dỗ của Lucifer bằng cách phải biết nhận diện và vô chấp với những thứ phù du (trong đó có các ý niệm sai lầm). Điều này được thể hiện trong Tây Du Ký, khi Phật Tổ đến giúp Ngọc Hoàng “giải quyết” Tôn Ngộ Không khi anh chàng này đang náo động thiên cung. Trong tác phẩm này, Ngọc Hoàng không ai khác hơn là Lucifer (chú thích: Lucifer có tầm quan trọng đặc biệt – tích cực và tiêu cực – trong tiến hóa loài người chứ không phải chỉ là kẻ xấu gây cám dỗ) vui thú hưởng lạc trên thiên cung và thỉnh thoảng để vài thuộc hạ của mình xuống làm yêu quái... Ngoài mặt thì Phật Tổ giúp Ngọc Hoàng, nhưng thực chất đang giúp TNK (đang đòi thay Ngọc Hoàng) không trở thành một Lucifer mới. Năm trăm năm bị đè dưới Ngũ Hành Sơn là thời gian rèn luyện cho “con khỉ” này. (Con số năm trăm này có lẽ ý muốn nói đến thời kỳ thứ 5 Post-Atlantis hiện nay chăng?)

Dưới ánh sáng Anthroposophy, mình nhìn thấy nhiều tinh hoa trong tác phẩm Tây Du Ký mà mình sẽ chia sẻ một phần ở đây.

Theo mình, hình ảnh Tôn Ngộ Không là hình ảnh quá trình phát triển của linh hồn con người. Hình ảnh một con khỉ sinh ra từ hòn đá, mà không phải từ con khỉ khác hay từ ông bà tiên nào đó, rất có ý nghĩa. Linh hồn con người được tạo nên trực tiếp bởi không ai khác ngoài chính God, thổi cho sức sống và đưa vào thế giới. Văn hóa Á Đông xưa không nói đến God, vậy dùng hình ảnh được sinh ra từ đá bởi trời và đất có lẽ là gần nhất có thể. Linh hồn con người khi sinh ra đã được God thổi vào một háo hức đi tìm tự do – vì đó chính là một sứ mệnh cao nhất của nhân loại – thể hiện qua việc con khỉ này vô cùng sung sướng vui đùa ngay sau khi đáp mặt đất.

Nhưng khi sống trên mặt đất thì con khỉ đó sớm đối diện với một khủng hoảng bế tắc: cái chết – khi nó thấy con khỉ khác chết và nhận thức là, nếu không có gì thay đổi, nó cũng sẽ chết. Tư duy – tức là phần thể hiện rõ nhất của linh hồn con người khi sống trên mặt đất – nhận thấy bế tắc của cuộc sống của mình và nhận thấy nếu không đi tìm sự bất tử, cuộc sống sẽ vô nghĩa. Nên con khỉ vượt qua bao khó khăn – bảy ngọn núi và một biển cả -- để tìm gặp sư ông học thuật trường sinh. Số 7 trong các truyền thuyết thường nói về một khoảng thời gian mà qua đó con người phát triển lên một mức mới.

Để đạt được trường sinh, Tôn Ngộ Không phải học bảy mươi hai phép biến hóa và trong đó đặc biệt có phép cân đẩu vân – nhảy một lần đi xa mười tám ngàn dặm. Những điều kỳ diệu này nói lên sự trở nên vô cùng uyển chuyển của tư duy con người trên đường hòa nhập lại với linh hồn bất tử của mình. Tư duy trở nên tự do và biến hóa, không bị bó buộc bởi bất kỳ định kiến nào, có thể vươn rất xa, rất sâu, và đồng thời cũng trở nên sáng suốt (“đôi mắt thần” của con khỉ) qua các lần chiến đấu với các thế lực cao trên thiên giới (các cám dỗ, trở ngại trong cuốc sống).

Nhưng sự phát triển này lại có cám dỗ lớn nhất của nó: tính vị kỷ (tự xưng “Tề Thiên”, đòi thay Ngọc Hoàng...). Nên lúc này cần sự rèn luyện dưới núi Ngũ Hành, và cũng lúc này con người cần phát triển những mặt khác...

Ngoài một linh hồn bất tử đi tìm tự do, trong mỗi con người cũng có (một hạt giống của) một tâm hồn vô cùng trong sáng và thánh thiện – một hạt giống của một tâm hồn thiêng liêng mà mỗi tâm hồn con người có thể vun đắp, nuôi dưỡng và vươn đến. Đây chính là hình ảnh của Tam Tạng. Và hai đức tính lớn mà con người cần phát triển để vun đắp hạt giống tâm hồn thiêng liêng này là lòng dũng cảm và lòng xả thân vì vạn vật và lẽ phải (mượn hai trong bốn đức tính lớn của con người mà Steiner nói đến trong bài [3]: Courage và Justice). Nhờ hai đức tính này mà Tam Tạng cất bước hành trình phát triển của mình.

Trên con đường đó Tam Tạng sớm gặp TNK. Con người phát triển đến đây bắt đầu hòa hợp linh hồn bất tử của mình với tâm hồn thiêng liêng đang lớn dần, bắt đầu hòa hợp sự minh triết / sáng suốt của linh hồn đã qua bao trận mạc [3] với sự bao la xả thân của tâm hồn thiêng liêng (và tất nhiên sự dũng cảm của cả hai). Quá trình hòa hợp này hẳn sẽ gặp rất nhiều trục trặc phía trước: Vòng kim cô trên đầu TNK là một hình ảnh cho sự “nhức đầu” (cả hai nghĩa bóng và đen) của con người trong quá trình này, nhưng sự “nhức đầu” này là một giai đoạn cần phải trải qua.

Có vài mô-tif hay lặp đi lặp lại trên hành trình của Tam Tạng và TNK (nhưng các chi tiết khác nhau trong mỗi lần lặp lại cũng rất thú vị). Một mô-tif như vậy là vô số lần Tam Tạng không nhận ra được sự trá hình (thành Phật Tổ, Bồ Tát, nông dân, ...) của các yêu quái (từ trên trời / thuộc hạ của Lucifer). Một đỉnh điểm là sự kiện Bạch Cốt Tinh. Sự kiện này có lẽ miêu tả một đỉnh điểm của một chiến tranh nội tâm trong một con người: một mặt thì phải theo trực giác (tức là từ linh hồn) của mình liên tục chống lại cái bất thiện và một mặt thì chưa hiểu tường tận trực giác đó đúng hay sai, và trong việc đấu tranh nội tâm này thì rất nhức đầu (đỉnh điểm là bất chấp Tam Tạng niệm chú kim cô, TNK vẫn trừ khử được BCT).

Một mô-tif khác là trong vô số lần để cứu Tam Tạng, TNK phải vào tận sào huyệt của yêu quái, và nhiều lần phải vào tận trong ...bụng chúng. Trên con đường phát triển của mình sẽ vô số lần con người cảm thấy tâm hồn thiêng liêng đang được nuôi dưỡng của mình bị bó buộc bởi thế giới suy đồi xuống cấp xung quanh. Trong những lúc như vậy linh hồn phải ra tay, thật sự là một dạng hy sinh, vào chính nơi đen tối đó. Nhưng bằng cách nào con người hợp nhất với linh hồn của mình để cứu chính mình? Không có cách nào khác ngoài việc hiểu tại sao (linh hồn) con người tồn tại và theo đuổi mục đích tồn tại đó.

Mọi người thấy có mô-tif gì khác nữa không?

Sau một hành trình dài cuối cùng con người đó trở thành Phật. Chắc hẳn vì ảnh hưởng của văn hóa nên tác phẩm tạo nên một hình ảnh Phật Tổ ngồi trên phong cấp Phật cho Tam Tạng và TNK. Theo Anthroposophy thì không phải như vậy. Không có Phật Tổ, mà chỉ có Phật Thích Ca, một – chứ không phải đầu tiên – trong những con người sớm nhất trở thành Phật. Việc Bát Giới, Ngộ Tăng, và Bạch Long không thành Phật cho thấy ba nhân vật này không thuộc con người, mà chỉ đi theo phù trợ và cùng phát triển với con người (và có lẽ cũng là thuộc trách nhiệm của con người).

Tác phẩm Tây Du Ký kết thúc ở một điểm mà mọi tôn giáo khác -- trước Jesus Christ -- kết thúc, hay chính xác hơn là trỏ đến, và sự xuất hiện của Jesus Christ cho con người nốt phần vô cùng quan trọng còn lại: đó là thành Phật rồi thì thế nào, làm sao để giúp đỡ chúng sinh với sự giác ngộ mà mình đã đạt được? (Ví dụ như Phật Thích Ca: trong vài bài viết khác mình có nhắc đến ngay hiện giờ Phật đang làm gì để dẫn dắt nhân loại.) Sự hiểu biết này – thành Phật rồi thì thế nào -- vô cùng quan trọng đối với con người ngày nay, chứ không phải chỉ dành cho ai đã thành Phật mới cần biết. Bởi vì sự phát triển của con người không phải đi theo đường thẳng: không phải khi thành Phật thì mới thành Phật còn khi chưa thành thì hoàn toàn chưa. Mà là trong mỗi con người vươn lên không ngừng luôn đã có phần đã thành Phật, cho dù có nhỏ đi nữa. Và nếu muốn để phần nhỏ đó vươn ra luôn tỏa và lớn dần, nếu không muốn nó bị điêu tàn đi, ta phải nhất định biết (những phần) thành Phật rồi thì tiếp theo là gì. Tại sao sự hy sinh và tái sinh của Jesus Christ là trả lời cho vấn đề này? Mình nghĩ rằng mình đã trả lời một phần trong các bài khác.

Các thế lực tâm linh đối lập - Lucifer, Ahriman, Asuras

(Trích dịch từ bài giảng của Rudolf Steiner - Bản dịch của Lan Nguyen)

Hôm nay chúng ta sẽ giải quyết câu hỏi: Khoa học tâm linh Anthroposophy giúp một người hiện đại sở hữu thật sự những gì? Thoạt tiên, Anthroposophy có vẻ chỉ là một trong nhiều thế giới quan đang tồn tại. Người ta có thể phát biểu rằng: Con người nỗ lực sử dụng mọi phương tiện có trong tay – tôn giáo cũng có, khoa học cũng có – để giải mã những bí ẩn của sự tồn tại, nhằm mục đích thỏa mãn lòng hăng hái và khát khao có kiến thức; Anthroposophy cũng có thể xem như một triết lí sống khác nữa mà thôi, sánh vai với chủ nghĩa duy vật, thuyết nhất nguyên, thuyết vật linh, chủ nghĩa duy tâm, chủ nghĩa duy thực, hay những thế giới quan khác. Điều này tuy nhiên không đúng. Những gì một người đạt được từ khoa học tâm linh Anthroposophy có giá trị tích cực và tiếp diễn, không chỉ thỏa mãn tư duy, lòng khao khát kiến thức, mà còn là một yếu tố thực tiễn có tác động mạnh mẽ trong chính bản thân cuộc sống người đó. Để hiểu được điều này, chúng ta phải mở rộng tầm nhìn và xem xét quá trình tiến hóa nhân loại từ một điểm quan sát cụ thể.

Trước tiên, chúng ta hãy tự nhắc nhớ điều này: Sở dĩ con người đạt đến giai đoạn phát triển hiện tại trong cảm xúc, ý chí, trí tuệ và cả thể xác chính là bởi vì những Thực thể tâm linh cao hơn trong vũ trụ – bao gồm các vị Thần Ý chí, Thần Trí tuệ, Thần Chuyển động, Thần Hình thể, Thần Nhân cách, v.v. – đã tác động vào tồn tại của trái đất. Họ là những bàn tay kiến thiết nên sự tồn tại, đã dẫn loài người từng bước một đi đến giai đoạn phát triển ngày nay. Song hôm nay chúng ta còn phải hình dung thật rõ ràng trong trí rằng ngoài các vị Thần linh giúp cho tiến hóa nhân loại đi về phía trước – những vị mà mục tiêu duy nhất là sự phát triển của nhân loại – những thực thể tâm linh chống đối lại họ cũng đã can thiệp. Ta có thể chỉ ra cụ thể những thực thể tâm linh nào đem đến những “trở ngại” cho từng đại thời kì Lemuria, Atlantis và Hậu Atlantis.

Ở đại thời kì Lemuria, thời kì sớm nhất mà chúng ta quan tâm đến hôm nay, can thiệp vào tiến hóa nhân loại – theo hướng chống đối lại các Thần linh lúc bấy giờ đang cố gắng đưa tiến hóa của con người lên phía trước – là các thực thể Lucifer. Ở đại thời kì Atlantis, đó là các thực thể Ahriman hay Mephistopheles – vào thời Trung cổ được gọi là “Satan” mà chúng ta không được nhầm lẫn với Lucifer. Theo dòng chảy của thời gian, vào đại thời kì của chúng ta đây có những thực thể tâm linh khác nữa sẽ là những rào cản chắn ngang đường của những thần linh dẫn dắt tiến hóa nhân loại. Chúng ta sẽ nói về những thực thể này sau, còn câu hỏi đặt ra hiện giờ là: Các thực thể Lucifer thật sự đã đạt được thành quả gì vào đại thời kì Lemuria cổ xưa? Khi đó, các thực thể này đã chiếm đóng được phần “lãnh thổ” nào? Cách tốt nhất để hiểu được điều này đó là hướng tâm trí của chúng ta trở về dòng chảy của tiến hóa nhân loại.

Các bạn đã biết rằng ở Sao Thổ Cổ, các vị Thần Ý chí đã rót chất liệu bản thân họ để đặt nền tảng đầu tiên cho cơ thể vật chất của con người. Ở Mặt Trời Cổ, các Thần Trí tuệ làm thấm vào con người thêm cơ thể sức sống. Còn ở Trái Đất, các thần Thể dạng ban tặng cho con người [hạt giống của] “cái tôi,” hay bản ngã, để mỗi con người bởi nhận ra mình là riêng biệt với môi trường mà có thể trở thành một thực thể độc lập. [Chú thích 1] Thế nhưng, cho dù nhờ hành động này của các thần Thể dạng mà con người đã trở nên độc lập đối với thế giới bên ngoài trên trái đất, con người lẽ ra đã không thể trở nên độc lập đối với chính các thần Thể dạng, mà đã mãi phụ thuộc vào họ và chịu sự chỉ huy như thể “dắt dây” của họ. [Chú thích 2] Lẽ ra – nếu như không có một sự kiện mà trong một khía cạnh nhất định là có lợi: ở đại thời kì Lemuria, các thực thể Lucifer đặt mình vào vị trí chống đối lại các Thần Thể dạng. Chính các thực thể Lucifer này đã cho con người triển vọng có được tự do – nhưng cũng kèm theo đó, những điều ác cũng như việc đầu hàng trước những đam mê và ham muốn trong thế giới cảm quan-vật chất mới có khả năng xảy ra. [Chú thích 3] Cụ thể thì phần nào của con người đã bị các thực thể Lucifer này chiếm giữ? Đó là phần đã được đưa vào làm thành tố bên trong nhất của con người lúc bấy giờ – cơ thể cảm xúc. Chúng đã xác lập địa vị trong cơ thể cảm xúc của con người và sở hữu nó. Nếu các thực thể Lucifer này không đến thì cơ thể cảm xúc của con người đã mãi chỉ nằm dưới sự kiểm soát của các Thần Thể dạng. Trong trường hợp đó, các Thần Thể dạng lẽ ra đã đưa vào cơ thể cảm xúc của con người các lực tạo nên Nhân Diện là hình ảnh của chính các vị Thần này; được như vậy, nhưng con người cũng sẽ vĩnh viễn phụ thuộc vào các Thần Thể dạng. 

-----------------------------------------------------------------------------------
Chú thích 1: (Dành cho những ai chưa học/đọc nền tảng, hoặc ai đã học nhưng chưa thuộc bài!) Đây là tên các giai đoạn trong quá trình hình thành và phát triển nhân loại/ vũ trụ. Trái Đất (viết hoa) là giai đoạn/Thái Dương hệ hiện nay – giai đoạn/Thái Dương hệ thứ 4 trong Kế hoạch. Để có bức tranh khái quát, có thể đọc ở đây: https://www.facebook.com/groups/1011527472258558/permalink/1377910672286901/
Sao Thổ Cổ: Old Saturn; Mặt Trời Cổ: Old Sun; Thần Ý chí: Spirits of Will/Thrones; Thần Trí tuệ: Spirits of Wisdom; Thần Thể dạng: Spirits of Form/Elohim.

Chú thích 2: Khi viết thường, “trái đất” chỉ cái vẫn thường hay được gọi là trái đất – tức hành tinh chúng ta đang ở trên. 

Chú thích 3: Từ “đam mê” trong từ điển Việt-Việt ghi là “ham thích thái quá, đến mức như không còn biết việc gì khác nữa,” còn một từ điển Hán Nôm ghi là “say sưa theo đuổi, không còn suy nghĩ gì.” Mình ghi lại ở đây vì nhận thấy ngày nay từ này thường được dùng với nghĩa tích cực, kiểu như khi hô hào “hãy theo đuổi đam mê của mình,” khiến nó dường như dần mất đi những mặt quan trọng của nghĩa vốn có.
-----------------------------------------------------------------------------------

Các thực thể Lucifer có thể gọi là đã luồn lách vào trong cơ thể cảm xúc của con người. Như thế là hiện tại có hai nhóm thực thể tâm linh hoạt động trong đó: các Thần linh đưa con người tiến hóa lên phía trước, và các thực thể một mặt ngáng đường nỗ lực không ngừng của các Thần linh ấy nhưng đồng thời cũng đã đặt nền tảng cho sự độc lập của con người. Nếu lúc bấy giờ các thực thể Lucifer không đến thì cơ thể cảm xúc của con người đã mãi còn trong sự thơ ngây và thuần khiết; trong con người đã không nảy sinh đam mê nào xui khiến ta thèm khát những thứ chỉ thuộc về thế giới vật chất. Những đam mê, thúc giục cùng ham muốn của con người có thể nói là bị cô đặc và hạ thấp bởi các thực thể Lucifer. Chúng mà không đến thì con người đã có thể giữ mãi niềm khát khao đối với quê hương thiên đường của mình, đối với miền tâm linh vốn là cội nguồn trước khi ta “chạm đất”; con người đã chẳng lấy làm thích thú gì với những thứ xung quanh mình trên trái đất, và những ấn tượng của thế giới vật chất đã không thể khơi gợi chút quan tâm nào ở ta. Chính thông qua các thực thể Lucifer mà con người mới trở nên hứng thú, mới thèm muốn những ấn tượng của thế giới vật chất. Các thực thể này đã đẩy con người sâu hơn vào miền vật chất bằng cách xâm chiếm phần bên trong nhất lúc bấy giờ của con người – cơ thể cảm xúc.

Nhưng như vậy thì vì sao lúc ấy con người lại không rơi ngã hoàn toàn khỏi vòng tay của các Thần Thể dạng – hay chính là rơi ngã khỏi toàn bộ thế giới tâm linh? Vì sao trong những niềm thích thú và mong muốn của mình, con người chúng ta không hoàn toàn qui thuận thế giới cảm quan? Đó là bởi vì các vị Thần dẫn dắt nhân loại tiến hóa đã có đối sách; họ đã đưa vào con người những thứ mà lẽ ra đã chẳng nằm trong số phận của chúng ta: bệnh tật, khổ sở và đau đớn. Đó là những đối trọng cần thiết dành cho sự can thiệp của các thực thể Lucifer.

Các thực thể Lucifer cho con người những ham muốn vật chất; đối sách của các Thần linh cao hơn là đưa bệnh tật và đau khổ xuống thành hậu quả của những ham muốn vật chất đó, với mục đích ngăn cho con người không hoàn toàn qui thuận thế giới cảm quan. Thế có nghĩa là trên thế giới có bao nhiêu niềm ham thích thuần túy vật chất thì có đích xác bấy nhiêu nỗi khổ đau. Cán cân được giữ trong thế thăng bằng hoàn hảo, không bên nào nặng hơn bên nào: có chừng nào đam mê và ham muốn ở một bên thì có chừng nấy bệnh tật cùng đau khổ ở bên kia. Đây chính là kết quả của những hoạt động qua lại giữa các thực thể Lucifer và các vị Thần Thể dạng ở đại thời kì Lemuria. Nếu các thực thể Lucifer lúc ấy không đến thì con người đã chẳng xuống thế giới vật chất sớm như đã xảy ra trên thực tế. Chính nỗi đam mê và thèm khát thế giới cảm quan đã khiến con người mở mắt và nhìn thấy được miền tồn tại vật chất ở quanh mình sớm hơn so với trường hợp ta không được trao cho những đam mê và thèm khát này. Nếu quá trình tiến hóa đã diễn ra theo dòng chảy được các Thần linh đã tiến hóa cao hơn định ra mà không bị cắt ngang thì đến giữa đại thời kì Atlantis trở đi con người mới mở mắt nhìn thấy thế giới xung quanh, mà ngay cả lúc ấy, đó cũng sẽ không phải như cái nhìn của ngày nay mà là một cái nhìn tâm linh cho con người thấy thế giới xung quanh là biểu hiện trực tiếp của các thực thể tâm linh. Bởi tại con người đã tiến vào thế giới vật chất quá sớm – do bị các hứng thú và ham muốn vật chất thúc ép rơi xuống – mà ở vào giữa đại thời kì Atlantis, các điều kiện đã khác đi so với trường hợp ngược lại kia.

Kết quả chính là: các thực thể Ahriman – hay gọi là thực thể Mephistopheles cũng đúng – đã trà trộn vào những thứ con người có thể thấy và hiểu; vì thế, con người đã rơi vào thứ có thể đúng đắn được gọi là “tội lỗi có ý thức” lần đầu tồn tại. Đám các thực thể Ahriman đã tác động lên con người kể từ giữa đại thời kì Atlantis trở đi. Chúng dụ dỗ con người đi đâu? Chính là đi đến việc nhìn mọi thứ trong môi trường xung quanh chỉ là vật chất, khiến con người không nhìn xuyên qua thế giới vật chất này mà thấy được nền tảng thực sự, tâm linh của nó. Giá như con người cảm nhận được thế giới tâm linh nơi mỗi một hòn đá, mỗi một cái cây, mỗi một con vật, thì đã chẳng rơi vào lầm lỗi và từ đó trượt xuống cái ác; nếu như chỉ mỗi các Thần linh đã tiến hóa cao hơn ảnh hưởng lên con người thì con người đã được bảo vệ khỏi những ảo tưởng mà nếu hoàn toàn chỉ lấy những biểu hiện ra ngoài của thế giới cảm quan làm nền tảng thì ta sẽ luôn thành miếng mồi ngon của chúng.

Các vị Thần mong muốn đưa tiến bộ của loài người đi xa hơn đã hành động ra sao để đánh vào sự suy đồi, lầm lạc và ảo tưởng nảy sinh từ thế giới vật chất? Họ đã sắp xếp – đây tất nhiên là một quá trình rất chậm, xảy ra từ từ từng bước – sao cho con người thật ra được nâng khỏi thế giới vật chất; điều này cho phép chúng ta có thể gánh vác và giải quyết karma của mình. Vậy thì, trong khi các Thần linh lĩnh nhiệm vụ sửa chữa hậu quả từ sự dụ dỗ của các thực thể Lucifer đã đem vào thế giới nỗi khổ, niềm đau cùng thứ thân cận với chúng là cái chết – thì các vị Thần mang trọng trách chấn chỉnh hậu quả của lầm lạc liên quan đến [việc chỉ biết có mỗi] thế giới cảm quan đã trao cho con người khả năng thông qua [việc giải quyết] karma của mình mà cuối cùng sẽ có thể gột tẩy mọi tội lỗi, mọi điều ác mình đã gây ra trong thế giới. Bởi lẽ, nếu như lúc bấy giờ con người đã rơi hẳn vào tay của cái ác, cái sai thì chuyện gì rồi sẽ xảy ra? Dần dần, con người sẽ trở thành một với cái ác; không tiến bộ nào còn có thể diễn ra cho chúng ta. Bởi lẽ mỗi sai lầm, mỗi lời dối trá, mỗi ảo tưởng đều là một chướng ngại chúng ta gieo rắc trên con đường phát triển của mình; do đó, nếu không được đặt vào vị trí có thể sửa sai thì trong tiến hóa của mình, có bao nhiêu chướng ngại cản lối đã tự gieo rắc là con người sẽ tụt lại về sau bấy nhiêu. Nói cách khác: trong trường hợp đó, chúng ta sẽ không thể đạt tới mục tiêu chân chính của loài người. Không có sự vận hành của karma và những phản lực từ đây thì việc đạt được mục tiêu nọ là vô vọng.

Giả sử trong một kiếp nào đó bạn làm một việc sai trái. Nếu việc sai trái này gắn chặt với cuộc đời của bạn thì có nghĩa là bạn mất đi bước tiến [mà] đáng ra đã đi được giả như không phạm sai lầm kia. Cứ làm sai một lần là mất một bước – số bước tương ứng chính xác với số việc làm sai. Nếu không được trao cho cơ may khắc phục lỗi lầm thì con người đã chẳng chóng thì chầy bị lỗi lầm nhấn chìm mất. Thế nhưng trên thực tế, phúc lành là karma đã được ban cho chúng ta. Phúc lành này đối với con người có ý nghĩa gì? Karma là thứ nên khiến ta nghĩ đến mà run rẩy, sợ hãi ư? Nào có phải! Karma là một sức mạnh mà con người đã có được thì nên biết ơn. Bởi vì nó nói với chúng ta rằng: Nếu bạn làm điều sai trái, hãy nhớ lấy rằng “Sự chí công của Đấng Tối cao Thiêng liêng không phải chuyện đùa; gieo nhân nào sẽ gặt quả nấy.” [Chú thích 4] Một điều sai trái đã làm ra đòi hỏi được bạn sửa lại cho đúng; rồi thì, một khi đã xóa nó khỏi karma của mình, bạn lại có thể tiến một bước về phía trước!

-----------------------------------------------------------------------------------
Chú thích 4: Đây là một câu trích từ quyển thứ 9 của Kinh Tân Ước, mang tên “Epistle to the Galatians” – đã được dịch sẵn sang tiếng Việt là “Thư gửi các Tín hữu Galát.”
“Đấng Tối cao Thiêng liêng” ở đây là mình tạm dịch từ từ “God.” “Creator”: Đấng Sáng thế. “The Divine Being”: Thực thể Thiêng liêng (Bao trùm). “The Divine Presence”: Đấng Thiêng liêng Hiện diện Khắp mọi nơi. “The Divine Providence”: Đấng Sáng tạo và Chăm nom (Hết thảy). v.v. Từ ngữ nào có thể phản ánh được mọi mặt của mọi thứ?? Câu này mình cảm thấy muốn dịch ra hơn; có những nơi khác có thể mình sẽ chỉ để nguyên là “God.”
-----------------------------------------------------------------------------------

Không có karma thì đã chẳng có cơ may tiến triển nào. Karma là một phúc lành đã được ban xuống cho chúng ta bởi nó buộc chúng ta phải chỉnh sửa hết từng lỗi lầm, để giành lại những bước thụt lùi đã phải đi. 

Như vậy, karma là hậu quả gián tiếp của những hành động bởi các thực thể Ahriman. Giờ thì ta hãy bàn tiếp xa hơn. Thời của chúng ta hiện nay, ta đang tiến đến kỉ nguyên khi mà các thực thể tâm linh phản tiến hóa khác nữa sẽ áp sát con người, xâm nhập ngày càng sâu vào tiến hóa loài người. Các thực thể Lucifer đã can thiệp từ đại thời kì Lemuria còn các thực thể Ahriman thì chống phá từ đại thời kì Atlantis; đại thời kì của chúng ta cũng sẽ chứng kiến sự xâm lăng của một loại thực thể tâm linh khác. Chúng ta hãy làm rõ bản chất của chúng.

Về các thực thể đã can thiệp từ đại thời kì Lemuria, ta phải nói như sau: Chúng cố thủ trong cơ thể cảm xúc của con người, lôi kéo những mối quan tâm, động lực cùng mong muốn xuống vào trong thế giới vật chất. Chính xác hơn nữa thì điểm cố thủ này nằm ở nơi nào trong chúng ta? Các bạn chỉ có thể hiểu được dựa trên cơ sở những gì tôi trình bày trong quyển Theosophy. Ở đó, tôi đã chỉ ra những thành tố cần được phân biệt trong thực thể con người: cơ thể vật chất, cơ thể sức sống và cơ thể tâm hồn. Đây là ba thành phần mà con người đã được tạo sẵn cho trước khi bước vào tồn tại ở Trái Đất. Nền tảng của cơ thể vật chất đã được gầy dựng trên Sao Thổ Cổ, của cơ thể sức sống trên Mặt Trời Cổ, và của cơ thể tâm hồn trên Mặt Trăng Cổ. Ở Trái Đất, phần tâm hồn cảm giác được thêm vào – thật ra đó chính là [kết quả của] sự chuyển hóa và phức tạp hóa [được tiến hành một cách] vô thức cơ thể tâm hồn. Các thực thể Lucifer yên vị ở tâm hồn cảm giác, và bám trụ mãi trong đó. [Chú thích 5]

-----------------------------------------------------------------------------------
Chú thích 5: Trong chương 1 quyển Theosophy, Steiner phân biệt và định nghĩa cơ thể tâm hồn “soul-body” và tâm hồn cảm giác “sentient soul.” Sau đó, ông nói rằng ở con người trong thế giới vật chất, “soul-body” và “sentient-soul” hợp lại với nhau thành thứ ông gọi là “astral body” – mà mình đã dịch trong ấy và ở đây là “cơ thể [chứa] cảm xúc.” Như vậy, ở bài này, lúc đầu Steiner nói Lucifer chiếm giữ “astral body”; đoạn vừa rồi ông nói rõ hơn là chỗ nào trong “astral body” – chính là phần “sentient soul.”
-----------------------------------------------------------------------------------

[Tiếp đó] tâm hồn tri thức được hình thành thông qua sự chuyển hóa vô thức một phần cơ thể sức sống; trong quyển sách “Giáo dục trẻ nhỏ” (The Education of the Child) mô tả chi tiết hơn thành phần tâm hồn thứ hai này [tâm hồn tri thức]. Chính ở thành phần này các thực thể Ahriman đã thiết lập căn cứ, rồi từ nơi đây cám dỗ con người đi đến những quan niệm và đánh giá sai về các thứ vật chất, dẫn ta đến chỗ lệch lạc, lầm lỗi cùng dối trá – đến mọi điều [sai trái] có nguồn gốc từ tâm hồn tri thức. Trong mỗi ảo tưởng rằng chỉ có vật chất mới là hiện thực, chúng ta phải nhận thấy những lời thầm thì xúi giục của các thực thể Ahriman, hay Mephistopheles. 

Thứ ba, còn có tâm hồn nhận thức – vốn được sinh ra từ sự chuyển hóa vô thức cơ thể vật chất. Hãy nhớ lại sự chuyển hóa này đã diễn ra như thế nào: Về cuối đại thời kì Atlantis, phần của cơ thể sức sống ứng với đầu tiến vào phần cái đầu vật chất của con người và dần dần đem đến tự ý thức ở cơ thể vật chất. Cơ bản mà nói thì con người hiện nay vẫn đang làm tiếp công việc chuyển hóa vô thức cơ thể vật chất này, tức quá trình phát triển tâm hồn nhận thức. Và trong thời đại hiện tại và sắp tới, các thực thể tâm linh Asura sẽ chui vào tâm hồn nhận thức và như thế cũng có nghĩa là vào trong bản ngã hay “cái tôi” của con người – bởi tâm hồn nhận thức chính là nơi “cái tôi” sáng lên. Bọn thực thể Asura sẽ khiến sản sinh ra cái ác bằng sức mạnh cường đại hơn nhiều so với sức mạnh của bọn Satan [hay Ahriman] từ đại thời kì Atlantean hay các thực thể Lucifer từ đại thời kì Lemuria.

Trong quá trình phát triển của Trái Đất, con người sẽ thải hồi dần những cái xấu cùng với tự do đã được đưa đến chỗ họ bởi các thực thể Lucifer. Cái xấu do các thực thể Ahriman mang đến thì con người có thể lột bỏ đi trong dòng vận hành karma. Nhưng cái xấu do các thế lực Asura mang đến không thể bị thanh tẩy bằng cách này. Các Thần linh thuận tiến hóa đã đưa vào trong con người đau khổ, bệnh tật và cái chết để tiến hóa nhân loại vẫn có thể đi lên bất chấp khả năng tiềm tàng cái xấu. Các Thần linh thuận tiến hóa [khác] đã đưa vào vận hành cơ chế karma để đảm bảo rằng các thế lực Ahriman có thể bị cưỡng lại và cái xấu có thể được chấn chỉnh thành tốt. Tuy nhiên, trong dòng chuyển lưu của tồn tại trái đất, việc chống lại các thế lực Asura sẽ không dễ dàng như thế. Bởi lẽ, bọn thực thể Asura sẽ xui khiến phần mà chúng chiếm giữ – chính là phần cốt lõi của bản thể con người, tâm hồn nhận thức cùng với “cái tôi” – nhập làm một với tính vật chất của thế giới vật chất. Hết mảnh này đến mảnh khác sẽ bị giằng khỏi “cái tôi,” và trong chừng mức mà các thực thể Asura xác lập chính chúng trong tâm hồn nhận thức của con người, con người sẽ phải để lại thế giới vật chất những phần [tương ứng] thuộc về tồn tại của mình. Phần nào cứ thế bị các thế lực Asura nuốt trọn, phần ấy con người sẽ mất vô phương cứu vãn. Không cần toàn bộ một con người đều trở thành nạn nhân của chúng – chúng chỉ cần giằng toạc đi từng mảng của linh hồn con người ấy. Ngày nay, sự xuất hiện của các thế lực Asura được báo hiệu bởi xu hướng chiếm ưu thế đó là sống hoàn toàn trong thế giới vật chất, vô thức với hiện thực các Thần linh và thế giới tâm linh. Đúng là hiện nay, các thế lực Asura làm suy thoái con người trong phạm trù tư tưởng hơn là hành động thực tiễn; chúng bằng nhiều cách mà phỉnh lừa con người đến chỗ nghĩ rằng “cái tôi” chỉ là một sản phẩm của thế giới vật chất; chúng tô vẽ cho con người một thế giới quan duy vật lí thuyết. Thế nhưng theo thời gian, chúng sẽ hại con người thành “mù lòa” không còn nhận thức được các thực thể cùng thế lực tâm linh; những đam mê phóng đãng, đầy dục vọng mỗi ngày một thêm thịnh hành trên thế giới chính là những dấu hiệu báo trước. [Chú thích 6] Con người sẽ đi đến chỗ không còn biết gì mà cũng hoàn toàn không muốn biết chút gì về thế giới tâm linh nào nữa. Mỗi ngày một thêm, con người sẽ không chỉ rao giảng rằng những lí tưởng đạo đức cao nhất của nhân loại đơn thuần là những thăng hoa của những bản năng động vật, rằng tư duy con người chẳng là gì khác ngoài sự chuyển hóa của một năng lực mà động vật cũng có, rằng con người về hình thức là họ hàng với động vật và hơn thế, nguyên cả tồn tại của ta đều từ động vật mà ra – mà sẽ còn mang quan điểm này vào người một cách sốt sắng nhất và tổ chức cuộc sống của mình theo đó. 

-----------------------------------------------------------------------------------
Chú thích 6: Nghĩa từ từ điển: “Phóng đãng”: không tuân theo khuôn khổ đạo đức nào. “Dục vọng”: ham muốn vật chất, chỉ nhằm thỏa mãn các giác quan.
-----------------------------------------------------------------------------------

Hiện nay, con người chưa hoàn toàn đặt cuộc sống của mình trên nguyên tắc cho rằng bản thể thực sự của mình là từ động vật mà ra. Nhưng quan điểm về tồn tại này chẳng chóng thì chầy sẽ ngóc đầu dậy, đưa đến kết quả là con người sẽ sống như động vật, chìm đắm trong những thôi thúc và mê chấp như động vật. Nơi bao nhiêu thứ mà ở đây cũng không cần phải đặc tả thêm – bao nhiêu thứ thể hiện ra ngoài là bao cuộc trác táng đầy dục vọng vô đạo – chúng ta đã có thể cảm nhận được cái nhìn trừng trừng khủng khiếp, ghê sợ của bọn thực thể ta gọi tên là Asura.

Nguồn: 
https://wn.rsarchive.org/Lectures/GA107/English/AP1954/19090322p01.html


Khủng hoảng ý chí của nhân loại

Tác giả: Trình Huỳnh

Tại sao các tôn giáo xưa đều toát lên một sự huyền bí sâu thẳm với các yếu tố màu nhiệm như trong mơ? Sự huyền bí có sức hút đó đến từ đâu mà ngay cả con người thời nay vẫn còn có thể đi theo một tôn giáo mà không cần hiểu nó thấu đáo? Còn Anthroposophy, tại sao nó “khó nuốt” như vậy? Tại sao một mặt nó tự nhận là sự hợp nhất và phát triển tiếp theo của mọi tôn giáo xưa, nhưng mặt khác nó lại khác hẳn về bản chất: mỗi bước theo đuổi nó là mỗi bước đòi hỏi phát triển nhận thức? Đó là còn chưa nói đến muôn hình muôn vẻ các loại tâm linh mới sinh ra thời hiện đại, ở VN và trên thế giới, và các quan điểm sống duy vật phổ biến, đều có chung một điểm: người ta có thể sống theo những thế giới quan này mà không cần dốc toàn lực ý chí của mình, không cần hiểu thấu đáo tại sao cần hay nên làm như vậy. Tại sao Anthroposophy khác biệt bản chất với mọi thứ khác: mỗi bước sống với nó, từ nay và trở về sau trong toàn bộ hành trình tiến hóa vĩnh hằng, là mỗi bước đầy ý chí? Ở đây, chỉ lấy một ví dụ để làm rõ hơn cái ý chí này, mình không xem tinh thần xả thân vì đất nước là một thứ đòi hỏi ý chí cao. Đối với mình thứ này thật ra không khó. Thực tế đã chứng minh có nhiều người sẵn sàng nghe theo tiếng gọi xả thân cho đất nước hay bất kỳ lý tưởng gì đại loại như vậy nhưng thực chất ý chí không cao. Để hiểu “ý chí cao” ở đây nghĩa là gì, mình chỉ ngắn gọn mượn một thành ngữ: “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời.” Ai quyết tâm đến cùng chuyển hóa cho bằng được từng mỗi bản tính xấu của mình, người đó mới thật sự có ý chí cao. Đây chỉ là một ví dụ để làm rõ hơn yêu cầu về ý chí khi theo đuổi Anthroposophy.

Để hiểu sự huyền bí mang đậm dáng vẻ màu nhiệm của các tôn giáo xưa ta cần biết về các cấp bậc thần linh. Đứng trên con người có tất cả chín bậc thần linh. Như mình đã nói trong bài Sự hình thành và tiến hóa của nhân loại [1], công cuộc tiến hóa vĩ đại của vũ trụ hiện nay chia làm bảy giai đoạn, có thể xem là bảy lần đầu thai của trái đất, giữa những kiếp này trái đất chỉ tồn tại trong thế giới tâm linh. Hiện nay ta đang trong kiếp thứ tư của trái đất (“Earth”). Steiner đặt tên cho bảy kiếp đó là: Saturn, Sun, Moon, Earth (hiện nay), Jupiter, Venus, và Vulcan. Bảy tên gọi này có một liên hệ nhỏ với các hành tinh hiện tại, nhưng không phải chính là chúng.

Sáu cấp bậc thần linh cao nhất đã tồn tại từ trước toàn bộ công cuộc tiến hóa này (đều có tên trong Anthroposophy và các tôn giáo nhưng ở đây mình không đề cập đến). Họ đến từ công cuộc tiến hóa vũ trụ trước đó, và sau đó, tiếp nhận kế hoạch tiến hóa tiếp theo từ God (chính xác hơn là bộ ba-trong-một Trinity: Father God, Son God, và Holy Spirit), họ mở ra công cuộc tiến hóa vũ trụ hiện nay. Ba bậc thần linh tiếp theo -- ba bậc của thiên thần mà từ thấp lên cao trong Anthroposophy gọi là Angel, Archangel, và Archai – cùng con người xuất hiện lần đầu trong kiếp đầu tiên của trái đất (“Saturn”). Các thiên thần này có nhận thức cao hơn con người bởi trong tiến hóa vũ trụ họ đã có bản ngã sớm hơn (tức là có khả năng phân biệt và xưng Tôi với thế giới): Archai có bản ngã trên Saturn, Archangel trên Sun, và Angel trên Moon. Con người nhận được bản ngã vào kiếp thứ tư của trái đất, tức là kiếp của nó hiện tại. (Còn sáu cập bậc thần linh cao nhất đã nhận bản ngã từ công cuộc tiến hóa vũ trụ trước đó.)

Một điều có ý nghĩa vô cùng đặc biệt là điều kiện nhận bản ngã của các thiên thần và con người khác nhau. Thế giới vật chất trên Saturn chỉ bao gồm thể ấm (xem thêm về bốn thể tồn tại vật chất trong bài Bàn về Lửa [2]), trên Sun còn có thêm thể khí, trên Moon còn thêm thể lỏng, và cuối cùng là trên Earth mới có thể rắn. Con người là thực thể đầu tiên trong toàn vũ trụ nhận bản ngã của mình trong thế giới vật chất mà mọi vật trong đó đều tách bạch rạch ròi. Đây là một điều vô cùng ý nghĩa. Con người lần đầu biết xưng Tôi trong một thế giới vật chất đã hoàn thiện, một thế giới đã che đậy ẩn kín nhất nguồn gốc thiêng liêng của chính mình. Cả công cuộc tiến hóa của nhân loại -- bao gồm đi tìm chân lý và qua các chân lý trở về với nguồn gốc thiêng liêng -- sẽ lần đầu tiên tạo nên các thực thể Tự Do trong vũ trụ, và qua đó mới tạo nên một Tình Yêu đúng nghĩa và cao nhất trước nay chưa từng tồn tại. Bởi, như Steiner nói trong [3], Tình Yêu đúng nghĩa chỉ có khi nó đi từ Tự Do. (Các thần linh cao hơn con người không thể có Tự Do như vậy, bởi vì cách mà họ tồn tại, họ không thể làm khác ý của God, kể cả các vị thần đi ngược tiến hóa vũ trụ: họ, theo ý định của God, tạo ra các thách thức cho con người.)

Nhưng, như mình đã nói trong bài [1], nhân loại từ khi có bản ngã liên tục đi theo cám dỗ của Lucifer (sau đó còn có Ahriman), dần dần quên mất ý nghĩa tồn tại của mình và không ngừng xuống cấp đạo đức. Để kìm hãm, chứ không vực dậy hoàn toàn, sự xuống cấp tất yếu này, các thần linh đã liên tục dẫn dắt nhân loại từ đó đến nay. Một sự dẫn dắt trực tiếp nhất là thông qua các tôn giáo. Các tôn giáo, qua các hình ảnh và ngôn ngữ phù hợp với thời đại những lúc đó, đã lưu truyền những tri thức uyên thâm nhất của nguồn gốc và ý nghĩa tiến hóa của vũ trụ và của nhân loại. Trong loạt bài giảng Các cấp bậc thần linh [3], Steiner nói những chi tiết rất thú vị về sự đầu thai của các thiên thần để dẫn dắt nhân loại qua các tôn giáo (trừ Christianity). Trong các thời đại xưa, các thiên thần đã đi vào một số cá nhân trong nhân loại đã được chọn, và thông qua các cá nhân đó truyền tải những tri thức uyên thâm cho nhân loại. Một ví dụ Steiner nói đến là Noah (còn gọi là Manu), người đưa một bộ phận nhỏ của nhân loại vượt qua trận đại hồng thủy cuối thời Atlantis (về các thời đại Lemuria, Atlantis, và hậu-Atlantis, xem bài [1]). Trong thời Atlantis, có bảy cá nhân trong nhân loại được các Archangel nhập vào thể-sức-sống (“etheric-body”) và bảy cá nhân này đã dẫn dắt toàn nhân loại trong thời Atlantis, trong đó đứng đầu là Noah, và bảy thể-sức-sống chứng đựng đầy tri thức uyên thâm trong các cá nhân này được lưu giữ lại trong thế giới tâm linh (chứ không mất đi như người chết bình thường). Vào cuối thời Atlantis, Noah đưa một thiểu số của nhân loại đến châu Á để bắt đầu thời hậu-Atlantis với nền văn minh đầu tiên ở Ấn Độ. Chính Noah đã đào tạo nhân loại tí hon này, và khi từ trong đó có bảy cá nhân ưu tú nhất phát triển đủ, ông đã lấy bảy thể-sức-sống chứa đựng các tri thức uyên thâm được lưu giữ từ thời Atlantis để dệt vào các thể-sức-sống của bảy cá nhân ưu tú này. Bảy người này chính là bảy vị “holy Rishis” khởi đầu nền văn minh Ấn Độ xưa. Như vậy, mặc dù bên ngoài họ nhìn như người bình thường, nhưng đối với nhân loại thời đó vốn còn một chút nhãn quan tâm linh, bay phía sau và phía trên họ là một Archangel to lớn. Nên thời đó người ta chỉ đi theo sự dẫn dắt đó mà không nghĩ ngợi. Tư duy vốn cũng chưa phát triển khi đó. Bản thân bảy vị “holy Rishis” đó, bản ngã của họ tất nhiên cũng chưa phát triển cao như thể-sức-sống uyên thâm trong họ. Nên họ nói nhưng không hiểu những điều họ nói. Nhưng họ biết có một Archangel đang nói qua họ.

Tương tự như vậy các tôn giáo sau đó đều được dẫn dắt bởi các thần linh, theo nghĩa là những cá nhân ưu tú trong nhân loại được chọn để thần linh nói qua đó chưa phát triển cá nhân mình đến mức độ tương ứng với những điều mình nói (ví dụ các “holy Rishis” chưa thể dùng bản ngã của họ để tự phát triển các thể-sức-sống uyên thâm đó được). Chỉ có một trường hợp ngoại lệ là Jesus Christ, vì bản ngã của Jesus Christ – trong ba năm cuối đời của Jesus – không phải từ nhân loại mà là từ Christ, nhưng trong bài này mình không đi vào đề tài này. Ngay cả Anthroposophy – sỡ dĩ Steiner có thể tạo nên Anthroposophy vì, theo Steiner, thần Archangel Michael nói qua ông. Nhân loại ngày nay đã có đủ tư duy để đi đến nắm bắt mọi tri thức uyên thâm trong vũ trụ -- chỉ cần có ý chí. Cá nhân mình nghĩ rằng, mặc dù Steiner hiểu thấu đáo mọi điều ông đang truyền tải từ thần Michael, nhưng bản thân ông cũng đang cố gắng vươn đến tầm cao của những lý tưởng mà ông đã nói và hiểu. Chẳng hạn, trong kiếp tiếp theo của Steiner, mình nghĩ rằng ông không còn những khả năng tâm linh siêu phàm – theo chính hệ thống Anthroposophy thì đi trước nhân loại khoảng bốn ngàn năm -- mà ông có trong kiếp vừa rồi mang tên Steiner đó.

Và theo mình, chính các sự dẫn dắt thiêng liêng trên làm cho các tôn giáo xưa toát lên sự huyền bí và màu nhiệm, vì người xưa, với một chút nhãn quan tâm linh còn lại, cảm nhận được sự màu nhiệm thần linh trong các lãnh tụ tôn giáo của mình, và truyền đạt tới đời sau bằng các hình ảnh thể hiện sự màu nhiệm huyền bí hiện thực đó mà họ cảm nhận.

Nhưng những sự dẫn dắt huyền bí trên của các tôn giáo xưa, mặc dù kìm hãm bớt, không thể vực dậy một cách bền vững nhân loại khỏi cám dỗ của Lucifer (trừ Christianity). Đây là do, mọi tính xấu trong con người đều đến từ việc thể-cảm-xúc (“astral body”) của con người đã bị Lucifer lẻn vào tận mọi ngóc ngách. Để giải phóng thể-cảm-xúc của mình khỏi Lucifer (và cũng là giải phóng Lucifer), con người phải dùng đến bản ngã của mình, và việc này đòi hỏi rất nhiều ý chí.

Một ví dụ đơn giản để hiểu ý chí đó thật ra là gì. Giả sử ta có một tật xấu, và ta muốn chiến thắng nó. Trong cuộc chiến đó, ta làm gì? Một thứ ta có thể làm là, mỗi lần tật xấu đó hiện lên, ta nhận diện nó. Thay vì để cuốn theo nó, để nó khuất phục, ta tự định ra một khoảng cách giữa ta và nó. Nói cách khác, ta xưng Tôi với nó. Đây chính là lúc ta dùng sức mạnh của bản ngã, vì bản ngã không gì khác chính là nội lực để một thực thể có thể xưng Tôi với thế giới. Và khi đã xưng Tôi được với một tính xấu, ta tiếp tục phát triển bản ngã bằng ý chí, giúp bản ngã càng ngày càng độc lập hơn với tính xấu đó. Qua quá trình này sẽ đến lúc nội lực bản ngã đủ mạnh để giải phóng thể-cảm-xúc hẳn khỏi tính xấu.

Nên khá dễ thấy là tại sao để giải phóng thể-cảm-xúc của mình, con người đang và sẽ cần rất, rất nhiều sức mạnh ý chí. Sức mạnh này đến từ đâu? Ai đã bắt đầu khởi hành rồi sẽ nhận thấy, sức mạnh ý chí này, để mạnh đủ, phải đến từ một cảm xúc sâu lắng đủ. Và để có cảm xúc sâu lắng đủ, trước hết phải có hiểu biết thấu đáo đủ. Và tất nhiên để có hiểu biết thấu đáo đủ, tư duy phải có ý chí đủ để bay đến những nơi cần đến. Nên ta thấy rằng trong sự phát triển này, bản ngã dần dần trở thành “tổng tư lệnh” chỉ huy tư duy, cảm xúc, và ý chí, đưa chúng càng ngày càng thiêng liêng.

Từ đó ta cũng thấy tại sao Anthroposophy “khó nuốt”, vì không như các thời điểm ra đời của các tôn giáo trước đó, nó ra đời trong lúc con người, mỗi một con người, đã có tư duy phát triển. Một tư duy có thể tự đi đến nắm bắt mọi bí ẩn huyền bí nhất của con người và vũ trụ (xem thêm quyển Philosophy of Freedom [4] về đề tài này.) Và chính vì vậy nó “khó nuốt” vì nó phơi bày nhược điểm lớn nhất của từng con người hiện nay: không phải thiếu tư duy (vì ai cũng đã có đủ), mà là thiếu ý chí.

Như Steiner nói trong bài [5], ngày nay con người phải tự đứng trên đôi chân của mình. Đây là thời đại cuối cùng (từ Phục Hưng đến năm 3500, xem bài [1] về thời điểm các thời đại) mà nhân loại còn được dẫn dắt bởi các initiate như Steiner, một initiate mà có thần linh truyền tải qua người đó. Từ khoảng năm 3500 trở về sau, nhân loại sẽ phải hoàn toàn tự dẫn dắt chính mình – một nhân loại mà sẽ có các initiate của chính mình. Nhân loại từ đó sẽ hoàn toàn làm chủ vận mệnh của mình. Hiểu biết đúng đắn như vậy không làm ta thiếu khiêm tốn, mà trái lại, sự khiêm tốn chân thật nhất chỉ đến từ sự hiểu biết thấu đáo ý nghĩa tồn tại của chính mình.