Thứ Hai, 24 tháng 9, 2018

Từ giới hạn khủng hoảng của khoa học hiện đại đến sự phục sinh của khoa học chân chính

Tác giả: Trình Huỳnh

Trong bài bằng tiếng Anh [1] có tên “From the darkness of crises to the light of freedom”, Lan và mình lập luận giải thích tại sao mọi phương pháp khoa học hiện đại là khoa học của cái chết, và tại sao Anthroposophy là con đường duy nhất để phục sinh sự nghiên cứu khoa học chân chính, qua đó mới hiểu được sự sống. Trong bài này, mình tóm tắt lại các ý chính nhất trong bài đó (mà không đi vào lập luận chi tiết), và sau đó sẽ nói thêm về các chi tiết liên quan đến kết cục thảm hại sắp đến của khoa học đương đại và tương lai của khoa học chân chính sau đó.

1. GIỚI HẠN VÀ KHỦNG HOẢNG CỦA KHOA HỌC HIỆN ĐẠI

(Chép từ một post trước)

Cái gì không nhìn thấy được hay cảm nhận được bằng 5 giác quan thường thì cho là không tồn tại. Quan điểm như vậy, của khoa học đương đại, có hợp lí không? Newton nhìn trái táo rơi và từ các quan sát khác mà *suy ra* có trọng lực, một thứ mà mắt hay 4 giác quan còn lại không thấy trực tiếp. Cũng từ quan sát ban đầu mà khoa học cũng khẳng định sự tồn tại của những thứ còn nhỏ hơn bước sóng ánh sáng (cũng là sản phẩm khác của sự tiên đóan) như hạt nguyên tử, nên cho dù có thiết bị phóng đại vô tận cũng không nhìn thấy trực tiếp được để kiểm chứng. Vậy thật ra khoa học đương đại lâu nay có chấp nhận những thứ không cảm nhận được bằng 5 giác quan thường.

Vậy tại sao khoa học lại "cứng đầu" từ chối các lực cũng không cảm nhận được bằng 5 giác quan thường khác như các lực tâm linh, chẳng hạn như lực cho sự sống (life / etheric forces)? Nhựa cây chảy từ gốc lên từng cái lá, nếu không nhờ life forces thì nhờ cái gì? Nếu giải thích nó bằng áp suất, vậy xin hỏi lực gì tạo ra áp suất? Hoặc là nếu không có life forces thì cái gì làm cho máu chảy trong người? Nếu nói là nhờ tim đập thì xin hỏi lực gì làm tim đập? Nếu giải thích tiếp đó là nhờ xung điện từ não điều khiển, vậy xin hỏi tiếp là cái gì làm cho não tạo ra xung điện? Sự cứng đầu làm cho khoa học đi lẩn quẩn không có điểm dừng và không bao giờ biết được, trong sự mò mẫm vô tận này, mình còn bao xa đến chân lý, trừ khi tự lừa dối chính mình.

Cái gì làm cho khoa học đi nước đôi, một mặt thì thừa nhận hạt nguyên tử, bước sóng ánh sáng, v.v…, mặt khác thì từ chối các lực rành rành ra đó từ quan sát như lực tạo ra sự sống? Đó là bởi vì khoa học chỉ thích những thứ có thể đưa vào mô hình tóan học, biểu diễn bằng công thức. Khoa học chỉ thích những thứ có thể hiểu được chỉ dùng cái đầu, từ chối hoàn toàn sự hợp tác giữa logic và trái tim. Chừng nào còn bị ràng bụộc bởi sự giới hạn này, khoa học chỉ có thể hiểu được những cái đã chết. Khoa học đương đại là khoa học của sự chết.

Muốn hiểu được sự sống, phải dùng cả lý trí và trái tim.

Ở trên mình dùng các ví dụ từ khoa học tự nhiên. Nhưng về bản chất các ý trên cũng áp dụng cho mọi khoa học xã hội đương đại. Toàn bộ khoa học hiện đại không chính thức thừa nhận ý nghĩa và vai trò của các thực thể tâm linh, mà gần nhất là tâm hồn và linh hồn con người. Chừng nào còn chưa dũng cảm và trung thực đủ, với chính tư duy và trái tim của người làm khoa học, để thừa nhận thế giới tâm linh để có thể đi sâu vào nó và nghiên cứu nghiêm túc, chừng đó mọi khoa học, kể cả tâm lý học và các ngành xã hội khác, là khoa học của cái chết.

2. SỰ PHỤC SINH CỦA KHOA HỌC CHÂN CHÍNH

Vậy làm sao để dùng cả lý trí và trái tim để có thể phục sinh khoa học để tìm hiểu sự sống? Để thấy được câu trả lời thực chất rất đơn giản.

Lấy một ví dụ là một người mẹ yêu thương con mình và muốn hiểu con mình sâu sắc hơn. Nếu áp dụng trực tiếp cách mà khoa học hiện đại đang làm thì người mẹ đó sẽ làm như vầy: phân tích mỗ xẻ não và trái tim con mình xem các tế bào này nọ hoạt động thế nào mà cho các cảm xúc và hành xử như vậy, và từ đó suy đoán ra hành xử tương lai của con; hoặc nếu không mổ xẻ thể xác thì cũng mổ xẻ mọi hành vi và sự kiện trong quá khứ của con mình để từ đó suy đoán về hành vi tương lai của nó.

Vấn đề chính ở trên là trong việc mổ xẻ thể xác hay sự kiện quá khứ đó, chỉ có cái đầu làm việc, trái tim hoàn toàn không có tiếng nói. Điều này không có nghĩa là khoa học chân chính phải dẹp cái đầu. Nhưng khoa học chân chính xem cái đầu, mặc dù tối cần thiết, chỉ là công cụ tìm con đường đúng để đi đến và mở rộng trái tim.

Vậy người mẹ đó nên làm thế nào? Làm như những gì những người mẹ thật sự yêu con mình đã làm. Đó là: Dựa vào các hành vi và mọi sự kiện quá khứ của con mình để có một vài suy đoán -- càng chi tiết và càng dựa vào nhiều quan sát nhất càng có thể -- nhưng vai trò của các suy đoán này chỉ là để dẫn dắt người mẹ đó quan sát con mình tốt hơn và có mục đích hơn. Ngoài ra các suy đoán hoàn toàn không góp phần tạo nên bất kỳ định kiến nào về con mình. Tức là, vai trò của tư duy chỉ là dẫn dắt các sự quan sát, và giúp tạo ra sự kiên trì nhẫn nại. Và dần dần, qua sự kiên trì quan sát và nhẫn nại này, trái tim người mẹ dần dần mở rộng, và qua đó, chính tâm hồn và linh hồn người con sẽ thủ thỉ vào trái tim đó những điều mà người mẹ đó đang đi tìm.

Đó là phương pháp khoa học của sự sống. Toàn bộ thế giới vật chất đều có quy luật, và các quy luật này chính là từ các thực thể sống trong thế giới tâm linh. Qua phương pháp này, và chỉ có qua con đường này, con người mới có thể đi đến tri thức của mọi sự sống. Qua một trái tim đã được rộng mở bằng tư duy và lý trí, tri thức tâm linh sẽ tràn vào người đang nghiên cứu nào xứng đáng được nhận nó.

3. KẾT CỤC THẢM HẠI SẮP ĐẾN CỦA KHOA HỌC ĐƯƠNG ĐẠI VÀ TƯƠNG LAI CỦA KHOA HỌC SAU ĐÓ

Tâm hồn con người gồm 3 phần: tư duy (thinking), cảm xúc (feeling), và ý chí (tạm dịch từ willing) (xem thêm chương 1 quyển Theosophy). Ba phần này không phải tự động ăn ý với nhau. Chính trên con đường phát triển bản thân [2], con người mới dần dần làm chủ 3 phần này của mình.

Vì sao nói 3 phần trên trong con người bình thường hiện nay không ăn ý với nhau? Điều này cũng dễ thấy qua các biểu hiện con người, như là:
- Vì tư duy thiếu ý chí mà qua đó thiếu tập trung, và đi lan man thiếu mục đích.
- Vì tư duy thiếu cảm xúc mà chỉ hiểu được cái chết
- Vì cảm xúc thiếu tư duy nên thiếu logic và thiếu khách quan
- Vì cảm xúc thiếu willing nên hời hợt nông cạn
- Vì ý chí thiểu tư duy nên thiếu logic, làm việc xằng bậy
- Vì ý chí thiếu cảm xúc nên hành động vô tình vô nghĩa

Trong các bài giảng về “The Apocalypse”, Steiner nói rằng xu hướng tiến hóa tất yếu của nhân loại là dần dần con người, nếu không qua tập luyện [2], sẽ hoàn toàn mất tự chủ kiểm soát 3 phần này, trước khi thời đại thứ 6 của Post-Atlantis đến (khoảng năm 3500, xem thêm [3]). Xu hướng này ta có thể đã đang thấy diễn ra xung quanh trong cuộc sống.

Xu hướng đó sẽ dẫn đến kết cục thảm hại của mọi khoa học đương đại trước năm 3500. Mình sẽ không đi sâu vào nhưng rõ ràng từ những ý trên ta cũng thấy xu hướng là toàn bộ khoa học hiện nay sẽ dần dần phụ thuộc nặng hơn vào máy móc, và dần dần chính khoa học sẽ trở thành máy móc (chi tiết thêm trong bài [3]). Trong đó chỉ có cái chết hoành hành.

Con đường phát triển cá nhân [2] cũng chính là con đường khám phá tri thức đi tìm ý nghĩa của cuộc sống, và cũng chính là con đường thật sự làm chủ mọi mặt tâm hồn của mình, và cũng chính là tương lai của nhân loại. Đó là con đường Anthroposophy.

[1] “From the darkness of crises to the light of freedom” https://astrivingmonisticthinker.wordpress.com/…/on-the-pa…/
[2] “4 giai đoạn phát triển con người” https://www.facebook.com/groups/1011527472258558/permalink/1373318012746167/
[3] "Sự hình thành và tiến hóa của nhân loại" https://www.facebook.com/groups/1011527472258558/permalink/1377910672286901/






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét