Thứ Tư, 24 tháng 10, 2018

6 Nguyên tắc của nền giáo dục Waldorf Steiner

Tác giả: Ts. Giáo dục Sanya Pelini 

Mặc dù ít được biết đến hơn so với triết lý giáo dục Montessori, nền giáo dục Waldorf lại tập trung chủ yếu vào sự phát triển toàn diện (holistic development) của một đứa trẻ. Theo thông tin trên website của các trường Waldorf, các trường đưa nội dung nghệ thuật, thực hành và trí tuệ vào chương trình học và tập trung vào xây dựng kỹ năng xã hội và những giá trị tinh thần của trẻ.

Nền giáo dục Waldorf được khởi xướng từ năm 1919, khi trường học đầu tiên được mở tại Đức, để phục vụ cho con của những người lao động trong một nhà máy thuốc lá có tên gọi Waldorf Astoria Cigarette Company. Chương trình học được lấy cảm hứng từ triết lý của ông Rudolf Steiner.

Ông Steiner tin rằng trẻ em học tập tốt nhất khi mà được khuyến khích học với trí tưởng tượng của trẻ. Ông cũng cho rằng giáo dục cần phải bao gồm đủ mọi mặt: từ thể chất, hành vi, cảm xúc, nhận thức, xã hội tới tinh thần của mỗi đứa trẻ.

Nghiên cứu về tác động thật sự của chương trình học trong các trường Steiner vẫn chưa đầy đủ bởi những nghiên cứu vẫn còn ở quy mô nhỏ và chưa đủ để xây dựng dữ liệu. Có những trường bị chỉ trích rằng quá tập trung vào những học sinh yếu hơn mà bỏ qua nhu cầu của những học sinh có tài năng hơn.

Tuy nhiên, có rất nhiều lợi ích đều liên quan đến nền giáo dục Waldorf. Cuốn sách Alternative Education for 21st century (TD: Lực chọn giáo dục khác cho thế kỷ 21) đã cung cấp bằng chứng để chứng minh rằng các trường Waldorf thực tế hỗ trợ sự phát triển toàn diện của trẻ. Những nghiên cứu khác cho thấy học sinh từ các trường Waldorf luôn háo hức tìm tòi, học hỏi cái mới hơn, trẻ vui hơn khi tới trường và lạc quan về tương lai hơn những đứa trẻ học tại các trường thuộc hệ thống giáo dục khác.

Theo một nghiên cứu được thực hiện tại Đức gần đây, trẻ học tại trường Waldorf ít khi phàn nàn về bệnh tật như đau đầu, đau bao tử và ngủ không ngon. Một nghiên cứu khác thực hiện việc so sánh tranh của những đứa trẻ học tại trường Waldorf với các trường thuộc nền giáo dục khác, hay giáo dục truyền thống, thì kết quả cho thấy rằng học sinh theo học nền giáo dục Waldorf có những bức tranh với bố cục tốt hơn, giàu tưởng tượng hơn và chi tiết hơn.

Nền giáo dục Waldorf được định hướng bởi một số nguyên tắc chính. Dưới đây là 6 nguyên tắc chính mà mỗi gia đình đều có thể áp dụng:

1. Tuổi thơ không phải là một cuộc đua

Ông Steiner đã từng nói: “Có một cuốn sách mà trong đó người giáo viên có thể đọc để biết được nên dạy cái gì. Trẻ chính là cuốn sách này. Chúng ta không nên học cách để dạy bất kỳ cuốn sách nào ngoài cuốn sách đang nằm trước mặt chính chúng ta, và hàm chứa chính những đứa trẻ”

Trẻ em không phát triển cùng một cách, cũng không phát triển cùng một nhịp. Nền giáo dục Waldorf dạy chúng ta biết cách tập trung vào nhu cầu của mỗi đứa trẻ, chứ không nên mong muốn trẻ phải trở thành người khác.

2. Trở thành một người kể chuyện

Enstein đã từng nói: “nếu bạn muốn con cái bạn thông minh, hãy đọc chuyện cổ tích cho chúng. Nếu bạn muốn con bạn thông minh hơn, hãy đọc nhiều chuyện cổ tích hơn nữa”. Nền giáo dục Waldorf cùng chia sẻ quan điểm này.

Rudolf Steiner tin rằng kể chuyện là một món quà, và kể chuyện là một đặc trưng của nền giáo dục Waldorf.

Những câu chuyện giúp trẻ kết nối, dạy chúng thêm từ vựng, và đưa trẻ tới những miền đất trẻ chưa hề đặt chân tới. Nền giáo dục Waldorf nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kể chuyện, hơn là đọc chuyện. Kể chuyện xây dựng trí tưởng tượng của một đứa trẻ.

Sáng tác chuyện có thể khó, nhưng sẽ trở nên dễ dàng hơn theo thời gian. Bạn có thể kể những câu chuyện đơn giản mà bạn ghi nhớ từ thời thơ ấu của bạn. Bạn nên xem qua câu chuyện trước khi bạn kể để trải nghiệm kể chuyện hoàn mỹ hơn cho cả bạn và con bạn. Trẻ nhỏ thích nghe một câu chuyện một vài lần, vì vậy trẻ vẫn thích thú với một câu chuyện được kể đi kể lại nhiều lần.

3. Kết nối với thiên nhiên mỗi ngày

Trẻ lớn lên nhờ vào vận động thể chất. Chơi bên ngoài cũng tăng cường sự sáng tạo của trẻ. Kết nối với thiên nhiên có nghĩa là dạy con chúng ta quan tâm hơn đến thế giới xung quanh ta. Có nghĩa là dạy trẻ lắng lại thưởng thức mùi thơm của hoa, quan sát con người và mọi vật khác nhau trong môi trường của chúng ta.

Thiên nhiên cũng giúp trẻ hiền hòa hơn. Cơ hội để kết nối với thiên nhiên rất đa dạng: ngửi mùi thơm của hoa, hái hoa, lượm đá cuội, chụp hình côn trùng, nhặt lá, vẽ tranh những sinh vật sống, chơi với cành cây, xây lâu đài, đào cát, chơi trò đi săn, v.v.

4. Dạy trẻ chơi đùa

Giáo dục Waldorf dựa trên nguyên tắc: những món đồ chơi đơn giản nhất nuôi dưỡng sự sáng tạo vĩ đại nhất. Steiner nhấn mạnh tầm quan trọng của những món đồ chơi đến từ vật liệu thiên nhiên, bởi theo ông đồ chơi cũng cung cấp trải nghiệm xúc giác cho trẻ. Ông tin rằng khi những món đồ chơi đơn giản và mở (ND: không bị định hình), thì chúng sẽ làm sức sáng tạo của trẻ tỏa sáng, bởi trẻ có thể dùng đồ chơi để tưởng tượng, tạo ra vật thể của riêng mình.

Nền giáo dục Waldorf sử dụng những món đồ chơi đơn giản và thân thiện môi trường, ví dụ: quả thông, vỏ sò, hạt dẻ, bông, lụa, khăn mùi xoa, cành cây, len, đá, giấy bìa carton…

5. Thiết lập nhịp điệu

Trong trường Waldorf, mỗi buổi sáng được bắt đầu với circle time (sinh hoạt vòng tròn). Sinh hoạt vòng tròn là một hoạt động đặc biệt để trẻ có thời gian cùng nhau hát, đọc bài xướng, vận động, chơi trò chơi bàn tay theo một chủ đề nhất định (ví dụ theo mùa)

Có rất nhiều lợi ích thu được từ việc thiết lập nhịp điệu. Các tác giả của cuốn sách Simplicity Parenting (TD: cha mẹ đơn giản), thật ngẫu nhiên một trong số tác giả lại là một nhà giáo dục Waldorf, đã tin rằng thói quen và nhịp điệu mang lại cho trẻ cảm giác an toàn, cho chúng sự vững chãi. Nhóm tác giả tin rằng thiết lập nhịp điệu có thể đơn giản hóa công việc làm cha mẹ, để cha mẹ có được trải nghiệm hoàn hảo hơn.

6. Căn phòng nghệ thuật

Nghệ thuật là một phần quan trọng của nền giáo dục Waldorf.

Căn phòng nghệ thuật có nghĩa là trao cho trẻ những khoảnh khắc không bị go bó, để trẻ có thể thực hành chơi sáng tạo. Để trong những khoảnh khắc này, trẻ có thể phát huy tính sáng tạo của trẻ.

Ông Steiner tin rằng, đồ chơi ít lại, đơn giản lại sẽ giúp trẻ phát huy sức sáng tạo. Ông cho rằng, những không gian được sắp xếp ngăn nắp (có nghĩa là đồ chơi được xếp trong rổ, hay trên kệ một cách gọn gàng, chứ không phải là xếp thành đống) đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ.

Có một câu nói của ông Rudolf Steiner đã khái quát khá tốt triết lý của ông: “nỗ lực lớn nhất của chúng ta là để phát triển con người tự do, có nghĩa là con người có thể tự mình xác định mục đích sống riêng của mình và định hướng cuộc đời mình. Có 3 cái quan trọng: trí tưởng tượng, yêu chuộng chân lý, tinh thần trách nhiệm là 3 trọng tâm của giáo dục.




Thứ Ba, 2 tháng 10, 2018

Dạy con theo tinh thần Phật pháp để có một đứa trẻ trí tuệ

Nguồn: Trà Đàm Trong Suốt

TRÍ KHÔN & TRÍ TUỆ

Trí khôn là cái cách để đạt được những thứ bên ngoài. Tất cả những thành công bên ngoài đạt được đều là trí khôn. Trí tuệ là loại hiểu biết để hướng vào bên trong và có được sự bình an, an lạc ở bên trong. Còn trí khôn là cái loại suy nghĩ hướng ra bên ngoài, đạt được cái này cái kia bên ngoài. Quan trọng là không phải thành công ở bên ngoài, quan trọng là sự bình an ở bên trong. Ba điều chúng ta cần dạy con theo trí tuệ:

Thứ nhất là nhân quả, không có quả nào không có nhân. Quả muốn trổ phải có nhiều nhân cùng gieo.

Thứ hai là vô thường, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. Nên ta không bất ngờ và không bị bức bối trong cuộc sống.

Thứ ba là bất toại nguyện, không phải cứ muốn là được. Muốn có thể được, có thể không được. Muốn mà cố gắng được thì phải gieo đủ nhân, mà nếu không được thì do không đủ nhân duyên.

Dạy con bằng cách nào? Đứa trẻ học bằng cách trực tiếp và gián tiếp (bắt chước). Nên chính cha mẹ hãy là tấm gương. Mình phải sống như lời mình dạy nó. Thế nên muốn dạy con bản thân mình cũng phải hiểu đúng cái sự trí tuệ đấy. Rồi mình cũng phải sống được như vậy. Quá trình dạy con chính là quá trình bố mẹ học luôn, học và sửa mình luôn.

ĐÁNH THỨC PHẨM TÍNH TỐT ĐẸP BÊN TRONG CON TRẺ

Phẩm chất của con trẻ không lệ thuộc vào việc nó bên ngoài như thế nào. Giá trị của đứa bé không phụ thuộc vào nó thành công hay thất bại bên ngoài. Mẹ nó, hay bố mẹ nó yêu thương nó vô điều kiện rồi. Nếu làm thế được nó là một đứa bé rất tự tin, không thiếu thốn tình cảm.

“Con có là cái gì đi nữa thì tình yêu bố mẹ dành cho con vô điều kiện. Giá trị của con không nằm ở bên ngoài.” Đấy là một loại trí tuệ. Làm như vậy đứa bé rất tự tin.

Bố mẹ hãy đánh thức những phẩm tính bên trong con trẻ. Khi mình nói là: “Con là một đứa bé ngoan, tự giác.” không nhất thiết nó đã ngoan, tự giác sẵn nhưng mình đánh thức cái tiềm năng tự giác bên trong nó. Nên là mình hãy nói với nó lời yêu thương, hãy sống bằng thái độ yêu thương ít điều kiện nhất có thể. Nếu mình chưa vô điều kiện được thì phải ít điều kiện. Đấy, càng ít điều kiện càng tốt.

TỰ GIÁC - KỶ LUẬT TỪ BÊN TRONG

Những người mà thành đạt hay thành công thường là những người kỷ luật từ bên trong.

Kỷ luật từ bên ngoài, hoàn cảnh nó mất một cái, mất đi tính kỷ luật ngay. Còn kỷ luật từ bên trong thì không quan trọng hoàn cảnh. Vậy thì mình hãy dạy cho con mình thành một đứa bé có kỷ luật từ bên trong, hay TỰ GIÁC. Kỷ luật từ bên trong đến từ hiểu biết, trí tuệ, chứ không phải đến từ bắt ép được!

Kỷ luật từ bên ngoài đến từ bắt ép. Cứ bắt nhiều, ép nhiều, nó sẽ trở thành một đứa bé có kỷ luật từ bên ngoài.

Nhưng nếu mình dạy cho con có trí tuệ, dần dần nó thành một đứa bé có kỷ luật từ bên trong. Đấy mới là đứa bé có thể hạnh phúc được. Mình không hạnh phúc được vì kỷ luật bên ngoài mà. Hoàn cảnh đổi một cái, hoặc là không ai biết là mình phá luật ngay. Còn kỷ luật bên trong thì không.

Bên trong là do trí tuệ mới có. Còn bên ngoài là do hoàn cảnh ép làm. Bên ngoài một tí là mất ngay, bên trong sẽ còn mãi.

DẠY CON THEO ĐUỔI CÁI ĐÚNG CHỨ KHÔNG THEO ĐUỔI PHẦN THƯỞNG

Phần thưởng chỉ lúc đầu thôi. Phần thưởng không nên là động lực. Phần thưởng không bao giờ trở nên động lực. Vì như vậy người ta làm vì cái tôi của họ, chẳng vì đúng. Nếu mình biến phần thưởng thành động lực, thì đứa bé chỉ làm vì cái tôi mà thôi. “Tôi được tôi mới làm, tôi không được, tôi không làm.”

Nên phần thưởng chỉ có giá trị lúc ban đầu thôi. Phần thưởng lúc ban đầu tạo ra một nguồn cảm hứng và để khuyến khích nó làm điều đúng. Chứ còn cuối cùng ấy thì nó phải hành động dựa trên cái gì là sự thật, chân lý. Nó phải theo đuổi cái đúng chứ không phải theo đuổi phần thưởng. Nên mình phải dạy con theo đuổi cái đúng.

~ Lược trích từ Trà Đàm của Thầy Trong Suốt

"Nuôi dạy con theo tinh thần Phật pháp để có một đứa trẻ trí tuệ - Phần 2" - Đà Nẵng 5/2017

💜 Bạn có thể tìm thấy bản đầy đủ tại link sau: 

💛Danh sách toàn bộ các buổi trà đàm có thể tìm thấy ở đây: