Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2019

Phàm Ngã và Chân Ngã 2


Tác giả: Không Không

Link Phần 1

7. Cái tôi linh hồn/tiểu hồn/tâm

Đây là cái tôi quan trọng nhất mà nếu muốn thoát khỏi khổ đau và ra khỏi luân hồi, bạn phải nên chú trọng tới nó.

Tiểu hồn, hay tâm, là một phần năng lượng của linh hồn. Linh hồn quá to lớn và rung động quá nhanh, cho nên linh hồn không thể trực tiếp đi vào các thân thể được mà phải thông qua tiểu hồn.

Linh hồn hoạt động ở cõi bồ đề, chiều kích thứ 7, cũng có 2 phần, phần vật chất và phần tinh thần. 
- Phần vật chất được cấu tạo bởi chất khí cõi bồ đề.
- Phần tinh thần bao gồm tất cả các tầng thứ trên linh hồn và Cái Một. Có thể nói Cái Một chính là "linh hồn" của linh hồn.

Linh hồn trên cõi của mình cũng đang học hỏi và tiến hóa. Một linh hồn có thể có một hoặc nhiều phần tiểu hồn đang nhập thế ở các thế giới thấp, hoặc cũng có thể không có phần nào đang nhập thế cả. Có những linh hồn chưa bao giờ có một đời sống nào ở các thế giới vật lý.

Để cho dễ hiểu, tôi sẽ gọi các thế giới ở chiều kích từ 1D đến 6D là các thế giới thấp, các thế giới vật lý.

Còn các thế giới từ 7D trở lên được gọi là các thế giới năng lượng, các thế giới tinh thần.
Các thế giới tinh thần thì thiên về phần tinh thần và năng lượng, còn các thế giới vật lý thì chủ yếu tương tác với vật chất, mật độ vật chất đậm đặc.

Linh hồn trên cõi của mình, trông sẽ giống như các vị thiên thần mà tôi có giới thiệu với các bạn trong các bài viết trước. Các linh hồn thường sẽ có 3 vòng chủ yếu:

- Vòng 1. Là vòng trung tâm, phần tinh túy nhất của linh hồn, chứa đựng các hiểu biết, minh triết, bác ái, ý chí của linh hồn. Phần này là phần sáng nhất của linh hồn, có thể có hình dạng như hình người, hình cầu, hình mặt trời, hình hoa sen hay hình ngôi sao...
- Vòng 2: là vòng năng lượng, trường hoạt động và tương tác của linh hồn.
- Vòng 3: là vòng liên kết, kết nối của linh hồn với những linh hồn khác, với vạn vật xung quanh.

Khi nhìn vào một cái bóng đèn, ta sẽ thấy điều tương tự. Vòng 1 là cái bóng đèn, vòng 2 là vòng hào quang sáng xung quanh, còn vòng 3 là các tia sáng tỏa đi khắp nơi.

Vòng một và vòng hai của linh hồn có thể to lớn bằng cả một hành tinh, trong khi đó vòng 3 tỏa đi xung quanh, có thể mở rộng ra toàn vũ trụ. Do đó, linh hồn có thể kết nối một cách dễ dàng với các linh hồn khác trong vũ trụ. Và do linh hồn quá to lớn nên linh hồn không thể nhúng trực tiếp toàn bộ năng lượng của mình đi vào trong một thân thể con người được. Nó giống như việc nhét cả hành tinh vào trong một thân thể con người. Impossible!

Phần tiểu hồn cũng tương tự như linh hồn, cũng có 3 vòng. Vòng 1 thường trú ngụ ở trung tâm thân thể, thường ở giữa ngực, ngay luân xa tim. Vòng 2 mở rộng ra khắp thân thể và thường rộng hơn vòng vàng óng của thể nhân quả. Vòng 3 thì mở rộng hơn ra bên ngoài và tỏa đi xung quanh. Một người có tâm thức đặt trên tiểu hồn thì sẽ có sự kết nối với mọi thứ và luôn cảm thấy hợp nhất với vạn vật. Khi càng tiến hóa hơn, các vòng của linh hồn và tiểu hồn sẽ ngày càng mở rộng hơn.

Các đặc điểm liên quan đến linh hồn bao gồm ý chí, minh triết, bác ái và từ bi. Khi phát triển các yếu tố này cũng đồng nghĩa với việc phát triển linh hồn. Linh hồn thường làm việc với năng lượng, với các rung động, mà không quan tâm đó là tốt hay xấu, không gán nhãn cái này là thiện hay bất thiện, linh hồn cũng không phán xét bất kỳ trải nghiệm hay các vấn đề đang xảy ra, do đó linh hồn ít có sự dính mắc đối với các sự vật hiện tượng. Tuy nhiên, các tiểu hồn khi liên kết chặt chẽ vào các thân thể và bị hạ thấp rung động, thường trở nên phán xét, chia rẻ, bản ngã và nặng về tính vật chất.

Điều này không có nghĩa là linh hồn thì cao thượng còn tiểu hồn thì thấp kém, thật ra yếu tố môi trường là yếu tố có tác động mạnh mẽ. Linh hồn thì ở cõi cao, rung động nhẹ nhàng và tinh tế, mật độ vật chất không dày đặc và không rung động nặng nề như các cõi thấp, cho nên luôn cảm thấy nhẹ nhàng và an lạc. Còn các tiểu hồn thì gắn liền với các rung động vật chất nặng nề nên chuyện bị hạ thấp rung động và chịu áp lực của vật chất nơi đây là chuyện đương nhiên. Nói như vậy là để thấy rằng, các tiểu hồn đang sống trong các cõi thấp này thực sự là dũng cảm và có sức chịu đựng mạnh mẽ. Cho nên, muốn được an lạc nhẹ nhàng ta cũng nên tìm cách nâng cao rung động và tìm về các cảnh giới cao hơn. Và ta cũng nên tán dương và cảm ơn sự giúp đỡ của các sinh mệnh ánh sáng từ các cõi cao, họ đã hi sinh cuộc sống trên cõi thanh nhẹ yên bình mà đi xuống các cõi thấp hơn này, chịu đủ mọi loại khổ sở để giúp đỡ chúng ta.

Khi kết nối mạnh mẽ với linh hồn thì ta sẽ cảm giác như thế nào? Thứ nhất, thân thể ta cảm thấy khỏe khắn, nhẹ nhàng. Thứ hai, có một bầu cảm giác an lạc và từ ái tỏa ra xung quanh, cảm giác như mọi đau đớn trong cơ thể biến mất. Thứ 3, cảm thấy tâm trí bình lặng hơn, sáng suốt hơn, có nhiều hiểu biết hơn.

Khi hợp nhất với linh hồn, ta sẽ cảm thấy như thế nào? Khi hợp nhất với linh hồn ta sẽ cảm thấy như mình là một điểm nhỏ trong một năng lượng bao la vĩ đại, đang cuộn cuộn chảy vào và chảy ra tâm mình(lúc này ta đang đặt tâm thức vào phần tâm). Cảm thấy sự hòa hợp, hợp nhất, bình yên, an lạc, mọi đau khổ chấm dứt, cảm thấy như những khó khăn thử thách mà ta đang gặp phải trên cõi trần chỉ như trò chơi, ảo ảnh. Tôi tin chắc rằng khi bạn hợp nhất với linh hồn, bạn sẽ hoàn toàn không muốn ra khỏi đó đâu. 

Khi hợp nhất với linh hồn, bạn vẫn cảm giác thấy chính mình, nhưng không cảm giác thấy thân thể nữa, mà chỉ thấy sự bao trùm lên mình một nguồn năng lượng bao la và rộng lớn, bạn là linh hồn và linh hồn chính là bạn, cả hai là một. Bạn có thể đem năng lượng này xuống thể nhân quả và thể trí của mình, nhưng không thể đem nó xuống xa hơn được bởi vì các thể thấp sẽ không thể chịu nổi nguồn năng lượng mạnh mẽ này.

Tiểu hồn/tâm liên kết chặt chẽ với linh hồn bằng một sợi dây liên kết, có chất liệu bằng chính chất khí bồ đề. Nó giống như việc có một miếng cao su to lớn, bị lấy đi một phần nhỏ và kéo dài ra, lúc này sẽ có 2 miếng cao su, 1 miếng to và 1 miếng nhỏ liên kết với nhau cũng bằng chính chất liệu cao su ấy. Miếng to sẽ hoạt động độc lập, còn miếng nhỏ sẽ dính vào 6 thân thể ở một nơi xa nào đó. Tuy vậy cả 2 miếng luôn liên kết với nhau và có thể cách nhau bao xa cũng được.

Tương tự như vậy, mặc dù dính liền với tiểu hồn nhưng linh hồn vẫn hoàn toàn hoạt động tự do ở cõi của mình (cõi bồ đề). Còn tiểu hồn sau khi tách ra thì có ý thức và có ngã thức riêng, mang lấy các thân thể thấp để học hỏi và trải nghiệm về các thế giới thấp này. Sau nhiều kiếp luân hồi, tiểu hồn đã học được nhiều bài học rồi thì sẽ quay trở về với linh hồn, đem nhiều kinh nghiệm và hiểu biết cho linh hồn, mặc dù vậy vẫn không mất đi ngã thức của mình. 

Nó giống như việc các tế bào trong cơ thể chúng ta vậy, mặc dù ở trong thân thể chúng ta nhưng chúng vẫn có ý thức và ngã thức độc lập riêng. Hoặc giống như các cái tôi thấp của chúng ta cũng vậy, mặc dù ta thấy họ hợp nhất với mình nhưng họ vẫn có ngã thức và ý thức hoạt động riêng rẽ, khi thực sự phát triển tâm thức mình lên cao và biết lắng nghe, ta có thể thực sự lắng nghe được ý kiến của riêng họ. Ta chỉ phát triển và tiến hóa khi có thể hợp nhất được tất cả các phần có ở trong bản thân mình.

Linh hồn cũng có nhiều phần, nhiều khía cạnh và nhiều tiểu hồn. Chỉ khi nào linh hồn có thể điều hợp và hợp nhất toàn bộ các phần có trong mình, lúc đó linh hồn mới có thể tiến lên cấp độ tiếp theo được. Đi kèm với sự hợp nhất còn có sự phát triển về ý chí, minh triết và bác ái đồng đều ở tất cả các phần hồn.

Linh hồn và tiểu hồn luôn giao tiếp với nhau bằng sợi dây liên kết có cấu tạo bằng chất khí bồ đề, rung động của nó rất cao cho nên những vật chất ở cõi thấp hơn ít có ảnh hưởng tới nó, tuy nhiên mật độ vật chất dày đặc có ở các thân thể mà tiểu hồn đang mang có thể làm mờ sự kết nối này, làm suy yếu sự kết nối này. Cùng với đó sự rung động quá thấp của tiểu hồn có thể làm ảnh hưởng ít nhiều đến linh hồn thông qua sợi dây liên kết. 

Trong trường hợp rung động tiểu hồn quá thấp, linh hồn có thể đặt một tấm chắn dừng ngăn che sự liên kết với tiểu hồn hoặc chủ động tạm thời ngưng sự kết nối này cho đến khi tiểu hồn có rung động khá hơn. Có những linh hồn không chủ động ngưng sự kết nối này có thể bị hạ rung động xuống và bị kéo xuống cõi gần đó là cõi nhân quả. Và linh hồn sẽ phải tìm cách để lấy lại rung động của mình trước khi đi xuống sâu hơn.

Tiểu hồn/tâm đối với các cái tôi thấp như là cái ngã cao nhất, là cái ngã tối thượng đối với họ. Khi tiểu hồn hiểu biết và tiến hóa lên cao, các cái tôi thấp cũng hiểu biết và tiến hóa hơn. Còn tiểu hồn trì độn hoặc đi xuống thì các cái tôi thấp cũng trì độn và đi xuống.

Tiểu hồn/tâm có khả năng ảnh hưởng và điều khiển tất cả các cái tôi thấp hơn, chịu trách nhiệm duy trì hoạt động của các cái tôi, các thân thể, là năng lượng cao nhất trong tam giới, cho nên có thể nói tâm/tiểu hồn là dẫn đầu các pháp, vạn pháp do tâm tạo. Chúng ta luân hồi cũng vì phần tâm này, tái sinh cũng vì phần tâm này, mà ra khỏi luân hồi, thoát khỏi khổ đau cũng là nhờ phần tâm này. Cho nên tâm rất là quan trọng.

Khi tâm yếu, sẽ dễ bị các cái tôi khác lấn lướt, ảnh hưởng, bị vật chất bên ngoài lôi kéo.
Khi tâm mạnh, tâm vươn lên dẫn dắt và điều khiển các cái tôi còn lại.
Khi tâm đủ mạnh và đủ hiểu biết, tâm dễ dàng thoát khỏi sự dính mắc với tam giới, lấy lại rung động của mình, chứng ngộ được Niết Bàn và rời khỏi tam giới.

***Vậy, làm thế nào để tâm/tiểu hồn bạn mạnh mẽ hơn, hiểu biết hơn? Có lẽ tôi đã nói về nó trước đây, tôi xin nêu lại nó ra đây cho các bạn:

1. Thực hành giới định tuệ.
2. Phát triển các đặc điểm của tâm, đó là ý chí, minh triết, từ bi và bác ái, hay còn gọi là bi trí dũng.
3. Buông bỏ các dính mắc với thế giới vật chất, chấp nhận mọi thứ như nó là.
4. Thực hiện các kỹ thuật hợp nhất các mảnh linh hồn lại với nhau, hàn gắn dòng thời gian, chữa lành tiền kiếp, chữa lành tổn thương các thân thể...Thực ra khi bạn thực hành thiền quán/thiền tuệ, cũng chính là bạn đang được thực hiện chữa lành rồi.
5. Thường xuyên kết nối với linh hồn, với các cấp bậc tinh thần cao cấp.
6. Và những phương pháp khác.

1.Khi thực hành giữ giới, bạn giúp tâm thanh tịnh, buông bỏ bớt những dính mắc với bên ngoài. 
Khi thực hành thiền định, bạn giúp tâm được tập trung và mạnh mẽ. 
Khi thực hành thiền tuệ, bạn có thêm nhiều trí tuệ và hiểu biết, từ đó dễ dàng buông bỏ được mọi dính mắc, diệt trừ được các phiền não phát sinh. 
Khi buông bỏ được dính mắc với các thân thể thấp, bạn đặt tâm thức/tinh thần/ý thức lên phần tâm/tiểu hồn. 
Khi càng chú tâm nhiều hơn vào phần tâm này(giai đoạn này gọi là hành xả tuệ), bạn càng tăng rung động của tâm lên (vì tâm được cấu tạo bởi chất khí bồ đề nên tâm cũng đang rung động, hay còn gọi là sinh diệt, không ngừng). Ngay khi rung động đạt đến mật độ 7, bạn có thể nhận diện ra phần Tinh Thần/Cái Một/Niết Bàn đang hiện diện trong tâm bạn, đây gọi là giai đoạn trí minh sát bạn chín muồi, do đó bạn có thể chứng ngộ được Niết Bàn/Cái Một.

Khi bạn có thể đưa nhận thức Cái Một này đến tất cả cái tôi thấp hơn trong chính mình, bạn sẽ đạt đến sự giải thoát hoàn toàn, sự hợp nhất hoàn toàn, lúc đó mọi khổ đau trong bạn có thể được chấm dứt, bạn trở thành một linh hồn tự do, đầy quyền năng và trí tuệ, cùng với các cái tôi thấp hơn của mình sống trong sự hợp nhất với vạn vật.

2.Khi bạn có thể phát triển sự quyết tâm, tinh tấn, cố gắng, tính nhẫn nại, tính dũng cảm và tính quyết định của mình mạnh mẽ, bạn đang phát triển ý chí của mình. 

Khi bạn phát triển sự hiểu biết, tri thức, tầm nhìn, tri kiến đúng đắn, bạn đang phát triển phần minh triết và hiểu biết trong mình.

Khi bạn phát triển tình yêu thương nhân loại, sự phụng sự vị tha, buông bỏ được tính ích kỷ, thực hành bố thí cúng dường, thực hành các tâm từ bi hỷ xả, yêu thương vô điều kiện...tức là bạn đang phát triển đặc điểm bác ái, từ bi của chính bạn. Khi ý chí, minh triết và bác ái trong bạn phát triển, tâm bạn cũng ngày càng rung động cao hơn và mạnh mẽ hơn.

3.Khi tâm càng buông bỏ những dính mắc với thế giới vật chất và các thân thể vật lý thấp, tâm sẽ càng rung động nhanh hơn. Buông bỏ các dính mắc thật ra cũng chính là chấp nhận mọi thứ như nó là nó, mà không có sự ham thích hay ghét bỏ, không tìm cầu, không tiếc nuối, không hổ thẹn, không phán xét, không sợ hãi, không lo lắng, không sân hận...Hay nói cách khác là có thái độ bình thản với mọi thứ đang xảy ra chung quanh bạn. 

Khi bạn ham thích hay ghét bỏ điều gì, bạn tập trung năng lượng của mình cho điều đó, do đó mà năng lượng của bạn sẽ yếu đi. Cho nên, hãy có cái nhìn bình thản với tất cả mọi thứ bạn đang trải nghiệm. Chỉ xem chúng như chúng đang là, quan sát chúng và để chúng rời đi. Điều đó có nghĩa là những cảm xúc cũng như những tư tưởng đang có trong chính bạn, hãy để nó biểu lộ ra và quan sát chúng, đừng quá chú tâm vào chúng, bởi khi bạn chú tâm vào chúng, chúng sẽ càng mạnh mẽ hơn.

Khi bạn buồn ai đó, hãy trải nghiệm chúng và để chúng rời đi. Khi bạn tức giận ai đó, hãy quan sát rung động của cảm xúc này, chúc lành cho nó rồi để chúng rời đi. 
Tất nhiên là có những cảm xúc và những tình cảm dai dẳng mà bạn không thể có cái nhìn bình thản với chúng. Lúc đó hãy tìm hiểu nguyên nhân vì sao chúng xảy ra, có thái độ đúng đắn đối với nguyên nhân xảy ra đó, hàn gắn chúng, sau đó có cảm xúc dai dẳng này có thể rời đi. 
Tuy nhiên, bạn nên hiểu là chúng tồn tại dai dẳng ở đó là vì trước đó bạn đã trở nên dính mắc vào chúng, chứ không phải tự nhiên mà chúng đang "cắm rễ" sâu trong bạn. Do đó, có cái nhìn bình thản trong mọi lúc thì cuối cùng mọi dính mắc của bạn cũng chấm dứt. Tất nhiên, không phải ai cũng có thể làm được việc này. Nhưng dù sao, bạn cũng nên cố gắng tập dần chúng. Nó sẽ có lợi ích cho bạn trong việc giảm bớt các phiền não.

4.Hàn gắn các tổn thương quá khứ, tiền kiếp, thực chất là gỡ bỏ những dính mắc của tâm, những phần hồn đang bị mắc kẹt trong các hoàn cảnh quá khứ, trong các dòng thời gian quá khứ, để chúng trở về hợp nhất với phần hồn hiện tại. Khi bạn dính mắc hay bị tổn thương bởi một sự vật hay một người nào đó, một phần hồn của bạn bám dính vào sự vật, hoàn cảnh hay con người đó. Nó làm tiểu hồn bị suy yếu đi. Cho nên việc gọi các phần hồn đó về sẽ giúp tâm bạn mạnh mẽ hơn.

Khi bạn thực hành thiền quán/minh sát, bạn quán vô thường, khổ, vô ngã của ngũ uẩn, bên trong bên ngoài, quá khứ hiện tại vị lai, cũng tức là bạn đang thực hành tự chữa lành cho mình rồi. 
Thật ra, không ai có thể chữa lành cho bạn ngoại trừ chính bạn, những người thực hiện chữa lành cũng chỉ đang hỗ trợ cho bạn tự chữa lành cho mình mà thôi, chứ họ không chữa lành cho bạn. Bạn nên biết rằng bạn hoàn toàn có thể tự chữa lành cho mình mà không cần bậc thầy chữa lành nào cả. Bạn có thể tự quay về quá khứ, tự trải nghiệm các chấn động quá khứ, tự tách ra khỏi các chấn động, và tự chữa lành cho chính mình. Để làm được này trước hết bạn phải giải quyết tốt các vấn đề trong hiện tại trước đã. Có những chấn động trong quá khứ là mạnh mẽ mà nếu bạn chưa có khả năng xử lý tốt thì sẽ ảnh hưởng cho phần hồn hiện tại, do đó việc giúp đỡ của một bậc thầy chữa lành lúc này là cần thiết, tuy vậy hãy nhờ sự giúp đỡ của họ khi bạn thực sự cần thiết.

5.Cuối cùng, bạn nên kết nối với linh hồn của mình thường xuyên để nhận sự trợ giúp của linh hồn và nhận năng lượng từ linh hồn. Linh hồn luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn bất kỳ khi nào bạn cần sự giúp đỡ, tuy nhiên khi bạn còn đang có quá nhiều bộn bề trong cuộc sống, có quá nhiều cảm xúc và tư tưởng tiêu cực trong mình, rất khó để bạn nhận ra giọng nói của linh hồn và nhận được sự giúp đỡ của linh hồn.

Thông thường, linh hồn sẽ nói chuyện thông qua trái tim của bạn, sẽ có giọng nói xuất phát từ trái tim của bạn, không phải trên đầu của bạn. Những giọng nói trên đầu thường đến từ cái trí của bạn, của những thực thể trung giới, trong khi đó, giọng nói của linh hồn thường đến từ trái tim. Hãy cảm nhận nhiều rồi bạn sẽ thấy. Dù sao bạn cũng nên kêu gọi sự giúp đỡ của linh hồn và của các cấp bậc tinh thần ở cõi cao như các Chân Sư, các Bồ Tát, các vị Phật...nên nhớ họ sẽ không giúp đỡ bạn trừ khi họ được yêu cầu giúp đỡ. Do đó hãy kêu gọi sự giúp đỡ của họ khi cần thiết.

6.Có thể có những phương pháp khác mà có thể giúp đỡ tâm/tiểu hồn trong việc nâng cao rung động và tăng cường năng lượng. 

Bên trên chỉ là những phương pháp cá nhân tôi thường thực hiện để phát triển tiểu hồn, do đó tôi có thể chia sẻ đến với các bạn. Hi vọng nó có thể giúp ích cho các bạn. 

Chúc tất cả các bạn an lạc.

Nếu bạn muốn thực hành giới định tuệ, có thể tham khảo cuốn Thanh Tịnh Đạo của ngài Budhaghosa.

Nếu bạn muốn tham khảo các kỹ thuật hợp nhất linh hồn, có thể tham khảo cuốn "Hợp nhất linh hồn" của tác giả Sal Rachele.

8. TINH THẦN

Các bài viết trước tôi đã giới thiệu cho các bạn về các cái tôi, các thân thể, phàm ngã và chân ngã, linh hồn và tiểu hồn(tâm). 
Bài viết này có lẽ là phần kết thúc của loạt chủ đề này, và có lẽ là phần quan trọng nhất mà có lẽ các bạn nên biết. Chủ đề của mục này đó chính là Tinh Thần.

Thật ra Tinh Thần thì khó để diễn tả, bởi Tinh Thần là cái gì đó rất trừu tượng, không thể dùng trí năng để hiểu được, cũng không thể dùng ngôn từ để diễn tả về nó. Người dùng ngôn từ để nói về nó sẽ sai, mà người nghe cũng sẽ sai nốt. Bài viết này chỉ để phát họa một vài đặc điểm sơ sài của Tinh Thần, nhằm mục đích tạo động lực để các bạn tìm cách chứng ngộ nó. Tuy nhiên, đừng cố gắng hiểu nó. Bạn hãy thực hành để chứng ngộ nó.

Đặc điểm của Tinh Thần là gì? Tôi xin mô tả sơ về nó, mà có lẽ khi chứng nhập vào nó các bạn có thể nhận ra.

1. Không sinh diệt
Tinh thần thì không sinh không diệt, không rung động.
Khi bạn thực hành thiền trên các thân thể, trên tâm, bạn thấy có sự sinh diệt, rung động của các phần vật chất trong chúng. Tuy vậy, khi bạn ở trong Tinh Thần, bạn không thấy có sự sinh diệt hay rung động nào cả. Đó là một trạng thái nhất như, tĩnh lặng, không chuyển động, trường tồn, bất diệt.

2. Luôn an tịnh
Vì Tinh Thần thì không sinh diệt, không thay đổi cho nên bạn sẽ luôn cảm thấy an lạc và thanh tịnh khi ở trong trạng thái là Tinh Thần. 
Ví như tâm trí chúng ta, khi suy nghĩ và hoạt động nhiều thì ta cảm thấy khó chịu, mệt mỏi. Khi nó yên lặng, không hoạt động thì ta thấy dễ chịu, an lạc.

3. Vô ngã
Tinh thần giống như một khối không gian bao trùm hết toàn bộ vũ trụ, bao trùm lên mọi cảnh giới, không có điểm đầu và điểm cuối, không có gì có thể chia tách Tinh Thần ra thành Tinh Thần này và Tinh Thần kia, cho nên Tinh thần là một, là vô ngã, là không thuộc về một ai, không là của riêng ai cả.

Khi ở trong thân thể, cảm thấy là thân thể, ta thấy có sự tách biệt, sự khác biệt giữa mình và những thứ khác. Tuy nhiên, khi ở trong trạng thái Tinh thần, ta thấy mình bao la rộng lớn, không đầu không cuối, không tách biệt, cho nên ta cảm thấy không còn cảm giác bản ngã nữa.

4. Là cái biết hiện tiền
Ở trong trạng thái tinh thần, ta thấy mình có cái biết. Chỉ đơn giản là cái biết, mà không phải là biết cái này, biết cái kia. Hoặc cũng có thể nói, ta biết sự trống không, sự không sinh diệt, sự vô ngã.

5. Là sự sống, hiện hữu
Tinh Thần là sự sống, là cái ban sự sống cho tất cả vạn hữu. Không một vật gì mà không có Tinh Thần bao bọc xung quanh nó. Tinh thần đem đến sự sống cho mọi vật, kể cả hạt nhỏ nhất trong vũ trụ. Cho nên khi ở trong Tinh thần, ta thấy mình là sự sống, ta thấy mình đang thực sự hiện hữu.

6. Là sự hợp nhất to lớn
Khi là Tinh thần, ta thấy mình có sự hợp nhất to lớn, cảm giác như tất cả mọi thứ đều ở trong mình.

7. Không khổ đau
Khi ở trong trạng thái Tinh Thần, ta không còn cảm giác khó chịu, bức bách, khổ đau nữa, không còn suy tư, suy nghĩ, cảm giác, đau đớn, vui buồn hay lo lắng sầu hận nữa, mà ta chỉ cảm thấy sự tĩnh lặng, thanh tịnh hoàn toàn, sự bình an tuyệt đối. 
Do đó, khi chứng ngộ được hoàn toàn Tinh Thần, mọi khổ đau trong ta sẽ chấm dứt. Ta trở nên hoàn toàn tự do, hoàn toàn an lạc, và trở nên bất tử...

-->Làm thế nào để là Tinh Thần?

1. Thứ nhất, bạn phải thấy được sự hoạt động và rung động của 6 thân thể thấp. Đó là 6 thân thể nào? Đó là thể xác, thể ether, thể cảm dục, thể astral, thể trí, thể nhân quả.

2. Thấy được rung động và sự hoạt động của tâm/tiểu hồn, buông bỏ dần dính mắc giữa tâm và các thân thể. Bạn sẽ không thể nào thấy được Tinh Thần khi vẫn còn dính mắc quá nhiều với các vật chất mang rung động nặng nề. Khi trở nên là tâm, bạn dễ dàng thấy được Tinh Thần hơn.

3. Đặt sự chú ý hoàn toàn trên rung động của tâm.

4. Rời sự chú tâm vào rung động của tâm, tập trung vào một trong 7 đặc điểm của Tinh Thần như được trình bày ở trên, đó là không sinh diệt, vô ngã, cái biết, sự trống rỗng, sự tĩnh lặng, sự hiện hữu...Chủ yếu tập trung vào cái biết và sự vô ngã, nếu đủ kiên trì, đủ ba la mật, hoặc bạn đã thực hành buông bỏ khá tốt, bạn sẽ thực sự thấy được Tinh Thần. Bạn có thể ở trong đó bao lâu bạn thích. Đừng lo lắng, vì Tinh Thần luôn ở bên trong bạn và xung quanh bạn, khi bạn thực sự tìm kiếm, bạn sẽ thực sự thấy. 

Khi bạn có thể luôn giữ được nhận thức về Tinh Thần, mọi khổ đau của bạn sẽ chấm dứt.

Chúc tất cả an lạc và sớm thoát khỏi mọi khổ đau.
Nguyện cho vạn vật được thái bình.