Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2020

Bạn đã và đang sống như thế nào?

Tác giả: Thiên Không

"...bạn không đến thế gian này để tìm đi tìm lại địa vị và danh tiếng ở thế gian, hay để tích trữ thật nhiều tiền bạc tài sản của thế gian, mà là để bạn, mỗi kiếp sống ngày một tốt đẹp hơn, mỗi kiếp sống ngày một hoàn thiện hơn. Nếu qua mỗi kiếp sống, bạn trở nên tiến bộ hơn, hoàn thiện hơn, thì cho đến một ngày nào đó, khi bạn trở nên toàn thiện, không còn phải học bài học gì ở thế gian nữa, lúc đó bạn sẽ thoát khỏi luân hồi, không còn cần phải đầu thai trở lại nữa.

...Đừng quá lo lắng và sợ hãi, vì những thảm họa, những khổ đau mà ta đang đối diện chỉ là những bài học để giúp ta tiến bộ hơn, học tập tốt hơn. Chúng sẽ không kéo dài mãi mãi cho đến khi nào ta thay đổi và vượt qua được chúng. Khi ta đã vượt qua được chúng và học được các bài học cần thiết, những tiêu cực mà các bài học này gây ra sẽ không còn ảnh hưởng tới ta được nữa. Ta được bảo vệ khỏi chúng.

...Thân thể và thế giới này là vô thường, luôn thay đổi, luôn biến diệt, cho nên chúng không phải là ta, không phải là của ta, do đó dù thế giới này có bị tiêu diệt, dù thân xác này có bị mất đi, bạn cũng đừng nên lấy đó làm lo lắng và sợ hãi. Bạn hãy xem chúng là các phương tiện, sử dụng chúng cho các bài học của mình, chứ không phải xem chúng như thực sự là của mình.

...Nền văn mình này, có rồi mất, thành rồi hoại, nó không tồn tại mãi. Từ khi Trái Đất được hình thành, đã có vô số nền văn minh, chúng hình thành rồi hoại diệt. Dù cho chúng có phát triển như thế nào, chúng cũng không thoát khỏi số phận bị diệt vong. Cho nên, hãy nhìn nó với con mắt bình thản, chớ nên chấp trước rằng nó sẽ tồn tại mãi. Cũng không nên chấp trước rằng Trái đất này, vũ trụ này sẽ tồn tại mãi. Cái gì có sinh sẽ có diệt. Đó là quy luật. Chính sự chấp trước, sự chấp thủ, mới là nguyên nhân dẫn đến khổ đau, lo lắng và sợ hãi. Hãy từ bỏ quan kiến đó, lo lắng và sợ hãi sẽ được diệt trừ. Học cách chấp nhận quy luật vô thường, bạn sẽ được vui vẻ và an vui.

THAY ĐỔI NHƯ THẾ NÀO?

-Trước tiên, hãy học cách yêu thương.
- Yêu thương là rung động cao nhất trong thế giới vật chất này. Yêu thương có rung động cao hơn rung động của thân thể, của cảm xúc và tư tưởng. Cho nên, yêu thương có thể chữa lành mọi thương tổn của thân thể, mọi thương tổn của cảm xúc, cũng như mọi rối loạn của tư tưởng.
- Yêu thương giúp mang mọi người lại với nhau, giúp gắn kết mọi người lại với nhau. Yêu thương giúp tạo ra một khối sức mạnh to lớn, có thể giúp mọi người dễ dàng vượt qua mọi khó khăn trên thế giới này.
- Yêu thương là một nghiệp thiện lành, chúng sẽ giúp cân bằng những nghiệp xấu ác mà ta đã gây ra trong quá khứ.
- Yêu thương càng nhiều, rung động cơ thể càng cao, do đó mà nhiều năng lượng tiêu cực, rung động thấp kém không thể xâm nhập cơ thể và làm hại cơ thể được.
- Càng yêu thương nhiều hơn, những cảm xúc tiêu cực như ganh ghét, bực bội, sân hận, đau buồn, chán nản, và các dục vọng sẽ ngày càng yếu đi và được thay thế bằng các cảm xúc tích cực.
- Bằng cách yêu thương nhiều hơn, ta sẽ làm ấm lòng những người xung quanh, giúp họ trở nên yên vui, hạnh phúc hơn.
- Bằng cách phát triển tình yêu hoàn hảo, ta sẽ hoàn thành các bài học của riêng mình.
- Bằng cách phát triển tình yêu nhiều hơn và nhiều hơn nữa, cho đến khi ta đạt đến một tình yêu toàn vẹn, vị tha, không ích kỷ, không phân biệt, không điều kiện, ta sẽ đạt đến sự giải thoát hoàn toàn, và thoát khỏi luân hồi khổ đau.

-Thứ hai, hãy học cách thiền định.
- Nhờ thiền định, ta nâng cao rung động của bản thân mình, nhờ đó tránh được những rung động tiêu cực.
- Nhờ thiền định, ta dần buông bỏ bớt những dính mắc với công danh lợi lộc, thế giới vật chất bên ngoài.
- Nhờ thiền định, ta đạt được những sự an lạc, yên vui, mà chỉ có thiền định mới có thể đem lại.
- Nhờ thiền định, quán chiếu tự thân mình, nhận ra các sai lầm đã phạm, nhận ra các bài học cần học, cho nên quá trình học hỏi của ta nhanh hơn và mau tiến bộ hơn.
- Nhờ thiền định, ta làm tịnh lắng những tư tưởng và cảm xúc ồn ào bên trong mình, tâm ta được định tĩnh, ít dao động, do đó ta tiếp xúc được những hiểu biết cao siêu, những sự hướng dẫn vô hình, từ đó mà hiểu được những mục đích và ý nghĩa cuộc đời.
- Nhờ thiền định sâu lắng, trí tuệ sẽ phát sinh nơi ta. Nhờ có trí tuệ phát sinh mà tâm được tịch tịnh, giải thoát. Nhờ tâm được giải thoát nên tâm không còn khổ đau.

-Thứ ba, biết quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau, đoàn kết, tôn trọng lẫn nhau, tin tưởng lẫn nhau, chấp nhận những gì đang có của nhau. Bằng cách chấp nhận lẫn nhau, những sự chống đối không còn nữa, thì những sân hận và khổ đau sẽ được giảm trừ.

-Thứ tư, biết giữ gìn giới đức, không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu bia và các chất say. Hãy giữ gìn giới cho thật trọn vẹn. Hãy thấy được các lỗi lầm trong các lỗi nhỏ. Hãy biết hỗ thẹn và ghê sợ đối với các điều bất thiện.

-Hãy tập bố thí, cúng dường. Nhờ bố thí và cúng dường, tâm được buông bỏ và bớt dính mắc vào thế giới vật chất.
Hãy buông bỏ bớt các dục.
Hãy tăng cường chánh niệm tỉnh giác.
Hãy tập đọc sách, ra ngoài ngắm nhìn, đi dạo cùng thiên nhiên.
Hãy tập lắng nghe kinh điển, lắng nghe diệu pháp, thân cận bậc chân nhân, thân cận bậc hiền đức.
Đừng đắm chìm vào tham dục, sân hận quá nhiều. Khi một cảm xúc, tư tưởng tiêu cực khởi lên, hãy nhận biết nó, hãy ngừng ngay nó lại. Đừng dung túng, đừng tư duy trên nó, đừng cố phát triển nó, đừng tự đắm chìm trong nó, đừng để nó dẫn dắt mình.
Hãy biết đủ trong các tiện nghi.
Hãy chánh niệm.
Hãy luôn tỉnh thức.
Hãy yêu thương.
Hãy thiền định.
Hãy thiền tuệ."

~ Thiên Không

Bài học từ đại dịch Corona



Con người ngày nay vẫn còn sống hướng ngoại quá nhiều, trong mọi cấp độ từ vĩ mô trong kinh tế, giáo dục đến vi mô như hội họp, đàn đúm. Kể cả trong nhiều người theo đuổi lối sống giản đơn hơn, hướng nội hơn thì tiêu chí cho sự “giản đơn” và “hướng nội” ấy vẫn còn rất bề ngoài. Đối với nhiều người, “thanh tịnh” đòi hỏi việc “tránh các thứ xô bồ bên ngoài”. Vậy chẳng phải tiêu chí của “thanh tịnh” còn dựa vào bên ngoài nhiều lắm sao? Còn “tránh bên ngoài” tức vẫn còn lệ thuộc vào bên ngoài. Việc “tránh bên ngoài” là bước đầu cần thiết để tìm thấy thứ thật sự của mình ở bên trong, nhưng nếu mãi “tránh bên ngoài” vẫn chỉ là “tránh bên ngoài” thì đã bị kéo tuột ra ngoài lại rồi. Mỗi con người vẫn là “con người” chỉ khi nào vẫn còn là một phần thiết yếu của nhân loại.



So với phương Đông, phương Tây nhìn thoạt qua thì có vẻ “đàn đúm” ít hơn nhưng thật chất thì mức độ hướng ngoại không hề kém, chẳng qua thể hiện khác thôi, không hội họp đàm đúm thật thì cũng đắm mình trong đủ loại môi trường ảo. Xét về bản chất, các môi trường ảo này rất tương tự với sự “thanh tịnh” bề ngoài mà nhiều người phương Đông kiếm tìm. Mình sẽ không ngạc nhiên nếu thực tế xảy ra rằng những người chỉ quanh quẩn tìm kiếm sự “thanh tịnh” “tránh bên ngoài” trong kiếp này thì kiếp sau sẽ lọt bẫy vào mớ môi trường ảo ngày càng phình trướng “khủng” ấy.



Ở đây không cần bàn đến các tác hại thông thường của việc sống quá hướng ngoại, mà muốn nói đến cái tác hại lớn nhất, đó là sự ru ngủ cái Tôi. Ai tinh mắt quan sát nội tâm của mình sẽ nhận thấy, và mình mời mọi người làm thế nhiều hơn, là mỗi khi ta tham gia vào hoạt động hướng ngoại, như hội họp hay bất cứ thể loại gì, mỗi khi ta “thả lỏng” mình để “hưởng thụ” một chút cảm xúc gì đó nảy sinh trong sự tương tác (cũng như “tránh tương tác”) của mình với bên ngoài, trong mọi hoạt động lớn nhỏ, có một phần của cái Tôi bị ru ngủ. Đó là vì luôn luôn hoạt động trong tương tác giữa ta và bên ngoài là các thực thể tâm linh có sức mạnh cao hơn chúng ta, mà Anthroposophy gọi tên là các ‘angel’, ‘archangel’, ‘archai’. Cái Tôi của con người bị ngủ gục trước các sức mạnh ấy, trước các cảm xúc ấy, đắm mình trong sự nhiệt tình hướng ngoại. Và trong thời đại bước ngoặt của nhân loại hiện nay--thời đại phát triển tâm hồn nhận thức--thì trong chừng mực mà một sức mạnh làm ru ngủ cái Tôi con người, sức mạnh ấy là ngược tiến hóa, là một cám dỗ. (Để tìm đọc các bài giảng của Steiner trên rsarchive về đề tài này, có thể tra từ khóa “social and anti-social forces site:rsarchive.org”.)



Vậy thì làm thế nào trước bối cảnh này? Như đã nói ở trên, “tránh hướng ngoại” không phải là cách lâu dài, bởi “tránh hướng ngoại” sẽ chóng thoái hóa chỉ còn là “hướng ngoại”, nên nó cùng lắm chỉ là bước đầu để đi tìm cái Tôi. Mục đích là, làm sao để đánh thức cái Tôi để sức mạnh từ nó được trỗi dậy, để có thể từ đó mà hướng ngoại trong tỉnh thức.



Anthroposophy chính là nhằm mục đích này.



Nhưng con người vẫn được giúp đỡ ngay cả trước khi nghiêm túc hành trình Anthroposophy. Một trong những cách được giúp đỡ đó là bệnh tật. Bệnh tật là một cơ hội để cái Tôi tiếp tục được đánh thức (nên nhớ: sự trỗi dậy tỉnh thức của cái Tôi là một quá trình dài). Trẻ nhỏ hay bị sốt, vì cái Tôi đang bắt đầu rục rịch trong chúng. Nhưng nếu ta cho chúng uống thuốc hạ sốt hay các loại thuốc dập tắt triệu chứng, thì cái Tôi sẽ mất cơ hội được đánh thức này, và nếu cứ đánh mất cơ hội như thế thì trẻ khi lớn chỉ còn có thể “ngủ li bì” trong cuộc sống xã hội của nó. Thay vì thế, nên hỗ trợ sức đề kháng của nó để nó vượt qua cơn sốt một cách tự nhiên. Người lớn cũng vậy, chỉ khác là nay ta nên chủ động hợp tác với hệ đề kháng miễn dịch của chính mình. Mỗi lần bệnh là một cơ hội thật sự hướng nội, nếu ta biết chấp nhận căn bệnh mà không dập triệu chứng nhanh với mớ thuốc men, thay vào đó, hỗ trợ sức đề kháng của mình, bình tĩnh nhìn vào triệu chứng của mình, chẩn đoán nó trong chiêm nghiệm, đặt nó trong bối cảnh rộng hơn của cuộc đời, cố gắng hiểu nó. Hiểu nó và hiểu chính mình hơn, mỗi lần như vậy là một lần đánh thức cái Tôi. Ta nên chính là người thầy thuốc của chính mình. Người mới học tập Anthroposophy có thể bắt đầu trải nghiệm sự sâu sắc của Anthroposophy qua việc dùng nó để giải thích bệnh tật và giải thích chính mình, bởi Anthroposophy không giải thích bệnh tật, hay giáo dục, v.v..., một cách riêng lẽ, mà đều kết nối mọi thứ tưởng chừng như riêng lẽ trong cuộc sống lại thành một mối thống nhất về chính mình—quá trình thống nhất này là một sự trỗi dậy của cái Tôi.



Hiểu căn bệnh thông qua hiểu chính mình, đây mới là sức đề kháng mạnh mẽ nhất. Khoa học duy vật cũng thấy được, sỡ dĩ hệ miễn dịch có thể chống lại được virus là do đã tạo được loại kháng thể có khả năng bám đúng khớp vào virus và vì thế vô hiệu hóa virus. Đây chỉ là thể hiện bề ngoài của một sự thật tâm linh—một khi ta đã hiểu được một cám dỗ, một bệnh tật, nó tự khắc được hóa giải, được vô hiệu hóa.



Cách đây hai tuần mình bị bệnh, mắc các triệu chứng thông thường của cảm lạnh và cúm, đỉnh điểm là có hôm ho liên tục, không nói được vì cứ định động đậy thanh quản là ho, cả người tê nhức. Ngay hôm phát bệnh lại trùng với hôm Toronto phát dịch COVID-19 (trước đó vẫn còn yên ổn với chỉ 2 ca, nay đã lên 51), nên có hơi một chút thắc mắc không biết có mắc cùng thứ không. Sau một tuần thì mình hết bệnh, phải chăng nó có phải thứ COVID-19 kia hay không không quan trọng, vấn đề là một tuần đó mình có dịp quan sát căn bệnh rõ hơn trước giờ. Một tuần trải qua vất vả cho gia đình nhưng rất ý nghĩa.



Thế giới ngay bây giờ đang bị sốt COVID-19, như một người đang bị sốt. Việc đóng cửa trường khắp thế giới, các nơi hội họp, hoãn hàng loạt tuyến bay, v.v..., là bước đầu của sự “tránh tương tác”, vì thế nó là một cơ hội để tất cả có dịp hướng nội để nhìn vào chính mình, mặc dù biết rằng sau cùng, qua dịch này, đa phần sẽ lại “vũ như cẩn”. Mình đặc biệt hy vọng phong trào Anthroposophy thế giới sẽ có sức mạnh mới sau cơn dịch này, vì hơn ai hết nó tự biết nó là phong trào tiên phong của thời đại phát triển tâm hồn nhận thức, đánh thức cái Tôi, vì thế hơn ai hết chính phong trào này phải được thử thách. Các cuộc hội họp Anthroposophy ấm áp liệu có tiếp tục trong cơn dịch kéo dài không? Nếu chỉ đơn giản là “có” là có phải cứng đầu cố chấp mù quáng? Nếu “không” thì niềm tin vào Anthroposophy, và niềm tin vào bệnh tật ở đâu mà nay lại tránh cơn dịch? Đúng và sai không đơn giản nằm ở ‘có’ hay ‘không’, hay các hình thức chắp vá thay hội họp. Thử thách ở đây, và cũng là mục đích của dịch bệnh, chính là thử thách xem cái Tôi đã được đánh thức đến đâu.



Tiếng Anh có thành ngữ “a blessing in disguise”, nói về một phước lành đến trong dáng vẻ ngoài thoạt đầu là tai họa. Tùy người mà COVID-19 này có thể đúng là như thế.


Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2020

Tình thương

"Hãy là ánh sáng và là ví dụ cho tất cả những người trong cuộc sống của con.
Bằng cách sử dụng chỉ yêu thương và cảm thông trong cách con suy nghĩ và hành xử,
Biết và hiểu rằng bất kỳ người nào đi qua đường đời của con cũng có một lý do nhất định.
Họ có thể chỉ ở được với con trong một thời điểm ngắn ngủi thôi,
Nhưng con có thể làm gì trong thời điểm đó để làm sáng lên ngày của họ?

Có lẽ giải pháp tốt nhất là
Không phán xét họ trong bất kỳ cách nào và nhìn họ qua con mắt của trí tuệ và tình thương.
Hãy nhớ rằng mỗi người đều chọn cách hành xử từ hoàn cảnh gia đình, sự giáo dục, môi trường công việc, v.v...
Mỗi hành động họ làm đều là sản phẩm của nhân quả bao đời và những gì xảy ra từ bé tới nay với họ.
Con hãy hiểu sâu sắc và nhớ kỹ điều này: Mọi người đều giống như tôi, đang làm điều tốt nhất mà họ có thể làm, dù ý thức hay vô thức,
Từ những gì họ biết, và những gì họ đã học được cho đến thời điểm này,
Họ cũng không khác gì tôi, đang làm những điều mình cho là đúng nhất.

Nhưng nếu như con không thể thông cảm, cũng đừng để họ làm tổn thương con trong mọi cách
Hãy bảo vệ chính mình, 
Khỏi bất cứ điều gì không phải bắt nguồn từ “tình thương và ánh sáng”
Tránh những người hoặc năng lượng tiêu cực khi nào con có thể,
Nếu con đang ở trong giai đoạn nhạy cảm và dễ bị ảnh hưởng bởi năng lượng bên ngoài.

Nhưng khi điều này là không thể tránh khỏi, chỉ cần cố gắng hết sức để tránh xung đột xảy ra
Hãy xem mỗi người đi qua đường đời của con như một Đứa Con Dấu Yêu Từ Vũ Trụ,
Ngay cả khi con phải rời xa, hoặc phải phê bình để giúp họ tốt lên
Thì cũng đừng rơi vào tâm trạng phán xét hoặc nói xấu gì về họ.

Làm điều tốt nhất con có thể làm được, để duy trì mình trong trí tuệ và tình thương vào mọi lúc, mọi nơi.
Hãy lắng nghe trái tim mình trong mọi tình huống xảy ra
Khi con nghe nói tới một người, một con vật hay bất cứ điều gì có thể hưởng lợi từ con
Hãy gửi tới họ lời cầu chúc tốt lành nhất con có thể
Nếu con cảm thấy phù hợp để giúp họ, hãy hành động và giúp họ."

Trong suốt

"Nếu đứa trẻ nào cũng được dạy từ tấm bé về sự yêu thương và tôn trọng sự sống, thì chắc chắn chúng sẽ sống với nhau trong sự vô tư, hồn nhiên thay vì cạnh tranh và giành giật lẫn nhau. Và đó mới là gốc rễ của sự phát triển bền vững.

...Thực ra tôi nghĩ, kiến thức rất quan trọng, kĩ năng rất quan trọng, học nhiều cũng rất tốt. Tuy nhiên, đứa trẻ còn cả một chặng đường dài vài chục năm phía trước để học. Vậy thì điều gì cần phải được bồi đắp từ rất sớm, ngay trong chính gia đình? 

Tôi cho rằng dạy trẻ biết yêu mến sự sống mới là gốc rễ của giáo dục. Bởi khi đó, nó sẽ cảm thấy hạnh phúc, và muốn làm một điều gì đó tốt đẹp cho mình và cho người khác. Đó là động lực bên trong để khơi dậy tất cả những tiềm năng bên trong của một đứa trẻ. Thiếu ý thức này, thì dù có tài giỏi đến đâu, nó cũng sẽ cảm thấy bất mãn, buồn bã và cô đơn.

Ngày nay, có rất nhiều khoá học dạy trẻ cách để tự tin hơn và các bậc bố mẹ cũng cố gắng bằng mọi cách để con cái thành công hơn, và bởi thế họ cho rằng con sẽ hạnh phúc hơn. Nhưng, sự tự tin và hạnh phúc đó nhiều khi bị hiểu lầm là con phải hơn hẳn người khác, con phải vượt lên trên người khác. Tôi nghĩ, đó là cảm giác tự tin và hạnh phúc có được nhờ sự so bì. Và như vậy, để tự tin, hạnh phúc, thành công, con luôn phải đặt mình trong một cuộc đua quyết liệt, nếu con không thắng, con sẽ không cảm thấy hạnh phúc và thiếu tự tin. Cả cuộc đời con, vì vậy, phải sống trong áp lực của sự cạnh tranh.

Cuộc sống ngày nay quả là nhiều thử thách và chúng ta không thể biết trước mười năm nữa, hai mươi năm nữa con cái chúng ta sẽ sống ra sao. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, dù mọi thứ có thay đổi, nhưng có một thứ vĩnh viễn không thay đổi, là con người cần được yêu thương, cần được tôn trọng cũng như con người phải yêu thương, tôn trọng mọi sự sống xung quanh mình."

Nguyễn Ngọc Minh