Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2020

Kinh nghiệm thiền Vipassana

Nguyễn Từ Nam

Tôi có duyên  thiền thep pháp môn của ngài Goenka từ 12/2000. Tôi cố gắng giữ năm giới một cách cẩn thận , thiền rất chăm chỉ từ 20 năm qua , tham gia những khóa dài hạn và phục vụ trong nhiều trung tâm thiền khác nhau và đã được nhiều tiến bộ trên con đường tu tập nên muốn viết lên bài này nhằm tạo nguồn cảm hưng cho những ai đang tìm kiếm con đường tâm linh  của mình.

Trước đây tôi đã từng đi nhiều chùa , đọc kinh cũng nhiều, thử qua nhiều môn thiền khác nhau nhưng khi tôi thiền xong 10 ngày với pháp môn được giảng dạy bởi Ngài SN Goenka theo truyền thống của ngài U Ba Khin thì tôi quyết định theo pháp môn này cho đến hết cuộc đơi của mình.

Nhiều người thuộc lòng kinh điển, biết rõ những tầng thiền là gì , thông suốt những lời Phật dạy nhưng nếu họ không thực hành thì vẫn còn thiếu sót.

Pháp môn thiền Vipassana được giảng dạy bởi ngài Goenka cho phép chúng ta hiểu rõ những căn bản của pháp hành này đồng thời chứng ngộ tùng bước một những gì mà Đức Phật đã giảng dạy trong suốt 45 năm : Bát chánh Đạo, thập nhị nhân duyên, thất giác chi, 37 phẩm trợ đạo….Khi chúng ta hành thiền theo kỹ thuật của trường phái Goenka thì từng bước một chúng ta sẽ chứng ngộ và hiểu ra rằng Đức Phật chỉ giảng lại kinh nghiệm hành thiền của mình mà không liên quan gì đến sách vỡ, lý thuyết hoặc tông phái.

Pháp môn Goenka ( tôi tạm dùng từ ngữ này thay cho pháp thiền Vipassana được giảng dạy bởi ngài Goenka theo truyền thống của ngài U Ba Khin ) hiện nay được giảng dạy hoàn toàn miễn phí trên toàn thế giới và đã có mặt tại Vietnam từ năm 2007.

Những thiền sinh cũ đã từng dự một hay nhiều khóa thiền 10 ngày đều gặt hái được  nhiều  lợi lạc .
Tuy khóa thiền hoàn toàn miễn phí và dành cho tất cả mọi người nhưng những ai chưa đủ quyết tâm  sẽ chùn bước trước những nội quy , điều lệ của  khóa thiền 10 ngày: Không nói chuỵên trong vòng chin ngày đầu tiên của khóa thiền, chỉ ăn sáng và ăn trưa , chiều thì thiền sinh mới được dung trái cây, thiền sinh cũ chỉ dung nước chanh, thiền liên tục từ 4g30 sang đến 9h tối , cứ thiền 1 tiếng thì được nghĩ 5 phút…

Những gì được giảng dạy trong vòng 10 ngày có thể được tóm tắt bằng 3 chữ:

Giới- Định- Tuệ

Do những điều lệ khắt khe của khóa thiền mà thiền sinh không có cơ hội phạm năm giới, họ duy trì năm giới trong suốt khóa thiền.

Ba ngày rưỡi đầu , họ thực hành thiền định bằng cách quán hơi thở và cảm giác chung quanh vùng mũi của mình, vào ngày thứ tư Vipassana chính thức được giảng dạy và vào ngày cuối cùng thiền sinh thực hành Từ bi quán để chia xẻ công đức của việc thực tập thiền với tất cả chúng sanh.

Theo kinh nhiệm riêng của cá nhân tôi thì trình độ thực chứng tùy theo công đức parami ba la mật của mỗi người . Ngài U Ba Khin tuyên bố : những ai thực lòng cầu đạo và thiền một cách nghiêm túc trong vòng 10 ngày thì đều gặt hái được những kết quả rất khả quan.

Những ngày đầu quả là một cực hình đối với thiền sinh mới , một phần vì thức ăn đạm bạc , một phần không được nói chuyện nhưng chủ yếu là những sự bực bội này được khuếch đại trên bề mặt của tâm thức do công phu thiền tập theo hơi thở . Phương pháp quan sát hơi thở ở đây khác những pháp môn thiền khác là chúng ta chỉ quan sát hơi thở đơn thuần mà không đếm hoặc niệm Phật hoặc xen vào bất kỳ hình ảnh nào. Do đó việc tập trung trở nên khó khăn và thiền sinh cảm thấy không thoải mái khi bắt đầu thưc hành môn thiền này. Nhiều thiền sinh quan niệm là khi tôi bỏ công 10 ngày , ngồi liên tục 10 tiếng 1 ngày , tôi sẽ được an lạc. Nếu các bạn thiền những môn thiền khác về hơi thở mà họ cho phép bạn đếm hoặc tụng niệm  danh hiêu một vị Phật, hoặc tụng một câu thần chú, hoặc quán tưởng hình ảnh của một vị Bồ tát nào đó thì bạn rất dễ định tâm. Mà nếu tâm định thì hỷ lạc phát sinh và bạn cảm thấy khoan khoái và nghĩ : oh đây là định , đây là giải thoát, đây là niết bàn.

Pháp thiền của ngài Goenka tạo ra nhiều khó khăn vì mục đích của nó không phải mang lại sự an lạc tạm thời cho các thiền sinh mà là một sự an lạc thực sự sâu lắng , một sự hài hòa nội tâm thực sự và tiến đến giải thoát bằng cách thanh lọc tâm trong những tầng lớp sâu thẳm nhất.

Vì vậy khi theo dõi hơi thở mà bạn không xen vào bất kỳ thứ gì khác thì bạn sẽ có cơ hội quan sát hơi thở của mình đúng như nó là : hơi thở nặng trược , thô thiển , thở dốc, thở cấp bách , đứt hơi. Thêm vào đó thiền sinh còn bị phóng tâm  , tâm suy nghĩ lung tung làm cho quá trình quan sát hơi thở lien tục bị gián đoạn. Hoặc là thiền sinh bị hôn trầm hằng tiếng đồng hồ và không thể theo dõi hơi thở của mình.

Tôi từng có kinh nghiệm phục vụ nhiều khóa thiền tại trung tâm Dhamma Mahi ở Pháp và tôi cảm thấy rất khâm phục những thiền sinh mới này . Khi mà thời điểm khó khăn lên đỉnh cao , họ biến chỗ ngồi thiền của họ thành những pháo đài : họ dựng thêm hai ba lớp gối , hoặc chêm. thêm những tấm chăn giày . Họ không quen ngồi xếp bằng như người á đông và họ ngồi theo cách họ có thể nhưng phần đông quyết bám trụ và không bỏ về. Họ ý thức rất cao và chấp hành các nội quy của khóa thiền rất là nghiêm chỉnh.

Mỗi thiền sinh đều có kinh nghiệm riêng của mình và ngài Goenka luôn nhắc nhở không nên so sánh kinh nghiệm của mình với kinh nghiêm của các thiền sinh khác.

Tôi đã thiền qua nhiều khóa mười ngày, và kinh nghiệm mỗi lần mỗi khác nhau nhưng tôi cố gắng diễn tả  một vài kinh nghiệm có được của mình.

Vào ngày một tôi theo dõi hơi thở một cách bình thường. Mỗi lần phóng tâm , tôi lại trở về hơi thở của mình và không phản ứng.

Qua ngày hai tâm tôi trở nên tinh tế hơn và tôi nhận biết được sự xúc chạm của hơi thở ra , hơi thở vào trong cánh mũi.

Qua ngày ba tôi cảm thấy hơi thở   ra nóng hơn hơi thở vào và nhận biết được nhiều cảm giác chung quanh vùng mũi.

Chiều ngày thứ ba và sáng ngày thứ tư , tâm tôi trở nên vi tế hơn . Những cảm giác chung quanh vùng mũi và môi trên trở nên dày đặc. Tôi có cảm giác là bờ miệng tôi bị xé toạc, nó biến dạng , vặn vẹo một cách kỳ di

Thông thường trong các trung tâm thiền , kỹ thuật thiền Vipassana sẽ được truyền dạy vào chiều ngày thứ tư.

Đối với vài thiền sinh định lực yếu thì ngày thứ tư đúng là ngày giải thoát vì họ không còn phải ép buộc tâm theo dõi hơi thở hàng giờ.  Họ bây giờ có thể điều khiển tâm đi trên khắp bề mặt của cơ thể và tập cho tâm giữ được quân bình trước mọi cảm giác.

Và đây cũng chính là cốt lõi của pháp môn thiền Goenka: quan sát tất cả mọi cảm giác xuất hiện trên cơ thể , giữ bình tâm và không phản ứng.

Có nhiều người viết rằng pháp mộn Goenka là chuyên về niệm thọ và không phải pháp mộn của Phật. Đây là một nhận định hời hợt không chính xác . Họ phải tự mình có can đảm dự một khóa thiền 10 ngày rồi hảy phê phán.

Nếu chúng ta lấy kinh tứ niệm xứ làm căn bản thì có niệm thân, niêm thọ , niệm tâm và niệm Pháp.
Tôi đã thiền theo phái Tào động một trường phái thiền Zen của Nhật dưới trướng của ngài Deshimaru. Phái này chuyên về niệm thân. Họ ngồi trên bồ đoàn cao, giữ người cho thật thẳng , và điều hòa hởi thở. Chỉ có vậy thôi, họ quan niêm phải ngồi thật thẳng như Đức Phật thì sẽ chứng ngộ ( Satori) ngoài ra không cần làm gì thêm hết . Tồi đã ngưng thiền theo môn phái này vì nó chỉ cho một số kết quả nhất định.

Nhiều trường phái theo pháp môn quán tâm , họ liên tục quan sát những gì đang xảy ra trong tâm (cụ thể là quan sát những tư tưởng đang xảy ra và chánh niệm tất cả mọi viêc trong tứ oai nghi).

Nếu chúng ta quan sát sự phồng xẹp của bụng thì thiền định sẽ tới dễ dàng hơn vì đây là trung tâm năng lượng của con người ( đan điền ). Pháp môn của ngài Goenka thì tập trung quan sát ở phần môi trên vì đây là trung tâm thần kinh rất nhạy cảm của cơ thể. Việc tập trung ở môi trên giúp cho việc thiền quán dễ dàng hơn.

Pháp môn Goenka có những lợi thế sau đây : nếu chúng ta quan sát những cảm giác trên cơ thể thì đồng thời chúng ta cũng quán Tâm vì tất cả những gì đang xảy ra trong tâm đều đi kèm một cảm giác trên cơ thể.

Khi chúng ta quán cảm giác thì chúng ta đang sống trong hiện tại (cảm giác nóng lạnh, ngứa ngáy , khó chịu … thì bao giờ cũng có thật mà không phải do tưởng tượng).

Khi chúng ta quán những cảm giác này mà không phản ứng thì nghiệp lực được tiêu trừ dần dần.
Điều này sẽ được giảng giải cụ thể trong những bài pháp thoại mười ngày.

Khi thực hành thiền Vipassana theo pháp môn Goenka chúng ta phải quan sát liên tục mọi cảm giác xảy ra trên cơ thể. Tất cả thiền sinh đều kinh nghiệm những cảm giác khác nhau trên cơ thể.

Tôi đã kinh nghiệm nhiều lần rằng có những cảm giác xảy ra là do điều kiện hiện tại: nhiệt đô, thức ăn, tư thế ngồi.

Nhưng có những cãm giác xảy ra rất rõ ràng là do các nghiệp lực từ quá khứ: nhiều lần tôi đang ngồi theo dõi các giảm giác trên thân mình . Các cãm giác thật là vi tế giống như một luồng điện đang di chuyển trong thân từ trên xuống dưới. Đột nhiên trên lưng tôi nổi lên những  cảm giác đau đớn như có một vật thể nặng trược như đá được sinh ra ở đó. Tùy theo nghiệp nặng nay nhẹ mà các cảm giác này có thể  kéo dài  5, 10 phút. Nhiều khi 2, 3 tiếng hoặc kéo dài vài ngày.

Sau đó những nghiệp lực này tan biến đi và tôi cảm thấy rất nhẹ nhõm.

Tôi biết có nhiều thiền sinh có nghiệp lực rất nặng và cảm giác đau đớn khó chịu này có thể kéo dài năm mười năm…

Tôi cũng đã từng kinh nghiệm qua các cơn giận. Nhiều khi cơn giận nổi lên là do sự không bằng lòng về thức ăn, hoặc cách đồi đãi của các người phục vụ, hoặc bạn đang nghĩ về những người làm cho bạn buồn phiền. Trên bề mặt cơn giận có vẻ như xuất phát từ một nguyên do nào đó nhưng thật sự không phải vậy. Cơn giận bùng nỗ không cần lý do mà chỉ là do nghiệp lực (sankara )từ quá khứ và trổi lên trên bề mặt của tâm thức . Tôi đã quan sát liên tục tâm mình và kinh nghiệm được điều này.
Thập nhị nhân duyên:

Đây cũng là một chân lý mà đức Phật đã khám phá ra qua công trình thiền quán của Ngài. Tất cả những gì mà Đức Phật tuyên bố đều từ kinh nghiệm bản thân và không hề do lý thuyết. Nếu chúng ta thiền theo pháp môn Goenka thì kinh nghiệm thực chúng  sẽ rất rõ ràng. Tôi sẽ cố gắng giải thích chân lý bằng những danh từ dễ hiểu và căn cứ trên kinh nghiêm thiền quán của mình.

Khi chúng ta nhập thất, chúng ta im lặng, ăn một ngày một buổi và chúng ta thiền liên tục từ bốn giờ rưỡi sáng đến khoảng chín giờ tối. Chúng ta thiền một giờ, nghỉ năm phút xong lại thiền tiếp. Trong những tu viện như vậy, quí vị hành thiền và giữ giới một cách tự nhiên. Thông thường ba ngày đầu dành do thiền định, bảy ngày sau dành cho thiền quán.

Kinh nghiệm thiền cho thấy rằng  những người thiền sinh tập sự, họ phải cần ít nhất ba ngày để định tâm. Khi tâm của các thiền sinh tạm thuần thục và trở nên sắc bén, nó sẽ nhận biết được những sự thay đổi mau lẹ của quá trình tư tưởng, sự sinh ra và diệt đi của những chập tư tưởng này. Quan trọng hơn nữa, là chúng ta nhận biết được sự thay đổi, sự sinh ra và diệt đi của những cảm giác vi tế nhất trên thân của chúng ta. Và đó là sự chứng ngộ về  vô thường của đức Phật : ngài khám phá ra rằng cơ thể và đầu óc của chúng ta luôn luôn phản ứng do những cảm giác ( vedana ) trên cơ thể gây nên mà không phải do đồ vật bên ngoài.

Đức Phật đã từng tu khổ hạnh vì quan điểm thời bấy giờ cho rằng, nếu chúng ta ép xác, tâm của chúng ta sẽ được thanh tịnh vì khi tâm của chúng ta tiếp xúc với sáu trần bằng mắt mũi, tai, lưỡi, xúc và tâm, chúng ta sẽ tạo nghiệp vì tham sân si khởi động. Sau đó đức Phật đã từ bỏ lối tu hành này vì ngài kinh nghiệm rằng pháp thiền này còn thiếu sót nên không thể đem đến giải thoát. Vậy cái gì còn thiếu sót? Đó chính là cảm giác trên thân thể của chúng ta. Khi lục căn của ta tiếp xúc với lục trần, cảm giác được sinh ra trên thân thể của chúng ta và nếu cảm giác này dể chịu, chúng ta phản ứng bằng cách níu kéo, nếu cảm giác này là khó chịu, chúng ta sẽ sinh ra sân hận và tìm cách chối bỏ chúng.

Vậy chúng ta phản ứng không phải trực tiếp do tiếp xúc với đồ vật bên ngoài mà do cảm giác sinh ra trên cơ thể. Ngay cả khi ngủ, chúng ta cũng không ngừng phản ứng. Ví dụ chúng ta đang ngủ, mà có một con muỗi đốt chúng ta, chúng ta sẽ đập nó một cái bốp. Đó là phần vô thức nằm sâu trong tâm của chúng ta đã phản ứng. Và nó phản ứng từng giờ, từng phút, từng dây liên tục 24 trên 24. Hễ lạc thọ sinh ra, là Vô Thức phản ứng bằng cách níu kéo và nắm giữ, nếu khổ thọ sinh ra, Vô Thức sẽ phản ứng bằng cách chối bỏ chúng.

Sự níu kéo và nắm giữ sinh ra tham, sự chối bỏ sinh ra sân hận và chúng ta bắt đầu tạo nghiệp ( sankara ). Chúng ta tạo nghiệp từng giây, từng phút bởi vì phần vô thức của chúng ta không ngừng phản ứng bằng tham hoặc sân mỗi khi lạc thọ hoặc khổ thọ xuất hiện. Khi chúng ta thiền theo pháp môn Goenka ta sẽ thấy rằng lạc thọ hoặc khổ thọ có mặt trên khắp thân thể của chúng ta. Tại sao những cảm giác này được sinh ra ? Tại vì có sự tiếp xúc của mắt và sự thấy, mũi với mùi vị, lưỡi với sự ăn uống, thân thể với ngoại vật và tâm với tiến trình suy nghĩ. Khi có sự tiếp xúc, cảm giác sẽ được sinh ra, lạc thọ, khổ thọ hay trung thọ.

Tại sao lại có sự tiếp xúc này ? Tại vì có lục trần và lục căn. Lục căn do đâu mà có? Từ lúc chúng ta sinh ra thì lục căn xuất hiện. Tại sao lục căn xuất hiện? Lục căn xuất hiện vì có sự sống. Tại sạo lại có sự sống? Sự sống do đâu mà có? Tại vì sự sống được tạo nên do tâm và vật chất. Tại sao tâm và vật chất ( esprit et matiere ) hiện hữu? Vì có sự biết ( conscience ). Sự biết do đâu mà có? Tại vì phản ứng, mỗi lần phản ứng là giúp cho sự biết này xuất hiện. Tại sao chúng ta lại phản ứng? Là vì chúng ta không biết ( vô minh ), do chúng ta không biết rằng mỗi lần phản ứng là nghiệp được sinh ra nên chúng ta tạo nghiệp liên tục, nghiêp lực này lại tiếp tục sinh ra một đời sống mới.

Do có sự sống mà khổ đau có mặt. Vậy khổ đau bắt nguồn từ vô minh.

Muốn chấm dứt khổ đau, phải xóa tan vô minh, nhưng làm sao để xóa tan vô minh và bẻ gãy gông cùm do thập nhị nhân duyên xiềng xích ta vào thế giới này, làm sao xóa tan vô minh, bẽ gãy gông cùm để được giải thoát khi mà sự sống đã bắt đầu?

Tự tử là điều không thể được. Lúc chúng ta tự tử, tâm chúng ta đầy chán nãn và sợ hãi và sự đau khổ càng to lớn hơn. Chúng ta sẽ bị rơi vào một đời sống mới tràn đầy đau khổ nên tự tử không phải là cách giải quyết vấn đề giúp ta thoát khổ.

Chúng ta cũng không thể tiêu hủy lục căn vì làm như vậy không khác gì chúng ta tự tử, chúng ta cũng không thể tiêu hủy lục trần vì làm như vậy la chúng ta phải tiêu hủy toàn thế giới bên ngoài mà chúng ta đang sống.

Chỉ còn một cách duy nhất để bẽ gãy gông cùm do thập nhị nhân duyên gây ra là chúng ta đừng phản ứng mỗi khi cảm giác xuất hiện trên thân thể của chúng ta. Trước đó, mỗi khi lạc thọ xuất hiện, chúng ta chạy theo chúng, muốn nắm giữ chúng và khi khổ thọ xuất hiện, chúng ta lại sinh tâm chán ghét và muốn từ bỏ chúng. Tham lam và sân hận sinh ra khổ đau. Vậy muốn tránh khổ đau ngay từ bây giờ chúng ta phải thiền về cãm giác :mỗi khi cãm giác xuầt hiện chúng ta phải ý thức được chúng, chúng ta giữ chánh niệm và không phản ứng. Chúng ta quan sát những cảm giác này, và chúng ta thấy những cảm giác sinh ra và lại diệt đi. Sự quan sát này càng ngày càng được cũng cố do công phu thiền quán. Chúng ta hiểu một cách minh bạch rằng những cảm giác này là vô thường. Không có gì để tham lam và chán ghét chúng cả. Do hiểu chúng là vô thường mà tuệ quán phát sinh nơi tâm của chúng ta. Nếu chúng ta không nắm bắt, không chiếm giữ, tâm của chúng ta sẽ được bình an và giải thoát.

Chúng ta có thể tóm tắt luật Thập nhị nhân duyên :
-Vì không biết nên chúng ta phản ứng.
-Do phản ứng ý thức xuất hiện.
-Vì có ý thức, thân và tâm xuất hiện.
-Vì có thân và tâm nên lục căn xuất hiện.
-Do lục căn có mặt, nên có sự tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
-Vì tiếp xúc nên sinh ra Cảm Giác.
-Do có cảm giác, nên sinh ra tham lam và sân hận.
-Tham lam và sân hận sinh ra chấp thủ ( gắn bó và quyến luyến)
-Do chấp thủ nên sinh ra lòng ham  sống.
-Vì muốn sống nên sự sống được hình thành.
-Vì có sự sống nên đau khổ có mặt với già , bệnh tật và chết.

Đạo lộ Giải thoát:
Mỗi một thời khắc mà chúng ta không tạo nghiệp, những nghiệp trong quá khứ sẽ trồi lên và cảm giác sẽ xuất hiện trên thân thể, chúng ta có thể kinh nghiệm được những cảm giác này khi chúng ta thiền quán. Nếu chúng ta giữ chánh niệm và không phản ứng, những cảm giác này sẽ biến mất. Sau đó những nghiệp khác trong quá khứ lại tiếp tục trồi lên, những cảm giác mới lại xuất hiện. Chúng ta lại tiếp tục giữ chánh niệm bằng cách không phản ứng. Cứ mỗi lần thiền quán mà chúng ta chánh niệm, tỉnh giác, giữ cho tâm ta được quân bình, không để cho lạc thọ hoặc khổ thọ chi phối, chúng ta giữ tâm định tĩnh và không phản ứng, những nghiệp chướng này sẽ từ từ được rửa sạch. Tới một lúc nào đó, tất cả nghiệp chướng đều được tiêu trừ do công phu thiền quán, chúng ta đắt quả alahán và giải thoát.

Tất cả tiến trình giải thoát này đều được dựa lên kinh nghiệm của những khóa thiền . Đức Phật đã thiền, đã kinh nghiệm qua tiến trình này và đắc đạo. Khi kinh nghiệm thiền của bạn đã thâm sâu, bạn hiểu rằng quá trình giải thoát bằng cách thanh lọc tâm không dính dáng gì đến kinh điển và kiền thức trừu tựơng.

Chúng ta phải thiền về cảm giác vì nhờ thiền về cảm giác mà chúng ta có thể thoát khỏi sự ràng buộc xiền xích của thập nhị nhân duyên. Đức Phật nhấn mạnh ta phải thiền về cảm giác ( vedana ) vì đây là đầu dây mối nhợ cột chúng ta vào vòng luân hồi không có lối thoát này.

Và khi bạn thiền theo pháp môn Goenka , bạn kinh nghiệm đây là con đường trực tiếp đưa đến giải thoát:

- Do thiền quán về cãm giác  chúng ta hiểu phần Vô Thức ( subsconscience ) hoạt động ra sao, tham sân si nguy hiểm như thế nào nên chúng ta ngừng phản ứng
- Do không phản ứng, nghiệp mới không được tạo ra.
- Do không tạo nghiệp nên ý thức không thể hiện hữu.
- Y thức không hiện hữu, thân và tâm không thể có mặt.
- Nếu không có thân và tâm, lục căn không thể xuất hiện.
- Không có lục căn, thì không có sự  tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
- Không có tiếp xúc, thì cảm giác không sinh ra.
- Không có cảm giác thì không có tham lam và sân hận.
- Không tham lam và không sân hận thì không có lòng lưu luyến, chấp thủ.
- Nếu không có sự lưu luyến, chấp thủ thì không có lòng ham sống.
- Do không ham sống, nên sự sinh không được hình thành.
- Không sinh ra thì không có sự huỷ hoại, không già , không bịnh tật, không chết. Sự đau khổ chấm dứt.

Cầu mong càng ngày càng nhiều người bước trên đạo lộ giải thoát.
Trong tâm từ.

NGUYỄN TỪ NAM


Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2020

Pythagoras

Trích sách GEOLOGY & ASTRONOMY - Charles Kovacs

... Ông được sinh ra trên một hòn đảo nhỏ tên là Samos ở biển Aegea vào khoảng năm 500 trước Công nguyên (cùng thời với Đức Phật sống ở Ấn Độ). Cha ông là một thương gia và khi đứa con trai ra đời, người cha, như lệ thường vào thời đó, đã gửi sứ giả đến ngôi đền Delphi nổi tiếng để hỏi nhà tiên tri về tương lai của đứa con trai mới sinh của mình. Và các thầy tư tế của ngôi đền đáp rằng: “Chừng nào con người còn sống trên trái đất thì tên của đứa trẻ này sẽ còn được nhớ đến.”

....Không có ai ở Hy Lạp có thể dạy ông bất cứ điều gì mà ông chưa biết, nhưng ông nghe nói rằng có những thầy tư tế ở Ai Cập biết nhiều hơn người Hy Lạp. Vì vậy, Pythagoras rời hòn đảo Samos của Hy Lạp nơi ông sinh ra và lên thuyền đến đất Ai Cập.

Khi ông đến gặp các thầy tư tế thông thái của Ai Cập và nói với họ rằng ông đã đến để học hỏi từ họ, họ đã trả lời: “Phong tục của chúng ta thường không chia sẻ kiến thức của chúng ta với bất kỳ ai chỉ cứ thế mà đến. Chúng ta coi kiến thức là một thứ linh thiêng, một thứ thần thánh, và chỉ những người xứng đáng mới có được kiến thức. Nếu anh muốn học hỏi từ chúng ta, trước tiên anh phải chứng minh với chúng ta rằng anh đúng là người để chúng ta chia sẻ bí mật của mình.”

Trong thời đại của chúng ta, chúng ta dạy khoa học, toán học, tất cả các môn học, cho bất cứ ai và tất cả mọi người. Nhưng ở thời Ai Cập cổ đại, mọi kiến thức đều thiêng liêng và chỉ được trao cho những người đặc biệt. Để chứng minh rằng mình xứng đáng Pythagoras đã phải vượt qua một số thử thách. Chúng hoàn toàn không giống như các bài kiểm tra mà chúng ta biết, các bài kiểm tra làm với bút và giấy; chúng hoàn toàn khác biệt. Chẳng hạn, ông được giao một nhiệm vụ rất nguy hiểm; để chứng tỏ rằng ông can đảm. Một thử thách khác là ông phải đi rất lâu mà không có đồ ăn thức uống, để chứng tỏ rằng ông ta là chủ nhân của cơ thể, chứ không phải cơ thể làm chủ ông. Lúc khác ông không được phép nói chuyện trong nhiều tháng, bất kể chuyện gì xảy ra hay bất kể là ông muốn gì, để chứng tỏ rằng ông làm chủ cái lưỡi của mình. Và còn có những bài kiểm tra khác. Chỉ khi Pythagoras đã vượt qua những bài kiểm tra này, ông mới được các thầy tư tế Ai Cập nhận làm học trò. Ông ở với các thầy tư tế Ai Cập nhiều năm, học hỏi sự thông thái và kiến thức vĩ đại mà họ có.

Trong khi Pythagoras ở Ai Cập, vùng đất này đã bị người Ba Tư xâm chiếm và chinh phạt. Người Ba Tư đã bắt nhiều thầy tư tế Ai Cập làm tù nhân và gửi họ đến Ba Tư. Đối với họ, Pythagoras cũng là một thầy tư tế người Ai Cập, và vì vậy ông cũng bị gửi đến Ba Tư như một tù nhân. Nhưng Vua Ba Tư có một thầy thuốc người Hy Lạp, và khi người thầy thuốc này nhìn thấy một người Hy Lạp đồng hương trong số các tù nhân, ông ta đã cầu xin Đức vua, và Pythagoras được tự do nhưng phải ở lại Ba Tư. Bấy giờ, vào thời điểm này, Babylon cũng nằm dưới sự cai trị của Ba Tư và Pythagoras đã đến Babylon để học về các vì sao và mặt trời và mặt trăng – vì vào thời điểm này, các thầy tư tế Babylon hiểu biết nhiều về các vì sao hơn bất cứ ai khác trên thế giới. Cũng giống như việc Pythagoras đã vượt qua các bài kiểm tra của các thầy tư tế ở Ai Cập, giờ đây ông lại lần nữa phải vượt qua các bài kiểm tra khó khăn và nguy hiểm cho đến khi các thầy tư tế người Babylon nhận ông làm học trò để được học các bí mật của họ.

Cũng như trong kinh Cựu Ước, Trẻ em Israel đầu tiên là ở Ai Cập và sau đó, nhiều thế kỷ sau, bị giam cầm ở Babylon, việc đó cũng xảy ra với Pythagoras. Ông cũng gặp một số người tu hành và nhà tiên tri của dân Israel ở đó và học hỏi từ họ. Sau nhiều năm, Pythagoras được phép trở về Hy Lạp.

Nhưng ông nên đi đâu bây giờ? Trong những năm dài vắng bóng ông, cha mẹ ông đã qua đời, ông không có họ hàng thân thích và hòn đảo nơi ông sinh ra đã bị người Ba Tư chinh phạt. Thế nhưng, giờ ông có nhiều kiến thức, những kiến thức bí mật, hơn bất kỳ ai trong thời đại của mình. Ông phải đi đâu để tìm thấy những học trò xứng đáng để chia sẻ kiến thức của mình?

Vào thời điểm đó, có những thành phố Hy Lạp không chỉ ở Hy Lạp mà còn ở miền Nam nước Ý. Ví dụ, Naples theo tiếng Hy Lạp là Neopolis, có nghĩa là “thành phố mới.” Và Pythagoras đã đến một trong những thành phố Hy Lạp ở Ý, được gọi là Croton.

Pythagoras trông không giống một người đàn ông bình thường. Không chỉ bởi dáng ông cao và mặc trang phục vải lanh trắng tinh khiết của các thầy tư tế Ai Cập, không chỉ bởi mái tóc và bộ râu dài của ông đã chuyển thành màu trắng trong những năm tháng sống ở những vùng đất xa lạ và bởi những khó khăn ông đã trải qua, mà còn bởi trong đôi mắt đen của ông người ta có thể nhìn thấy sức mạnh của kiến thức.

Ông bắt đầu một trường học tại thị trấn Croton của Hy Lạp thuộc miền Nam nước Ý. Những gì được dạy ở ngôi trường được giữ bí mật hoàn toàn và chỉ sau khi Pythagoras qua đời, kiến thức bí mật này - hoặc một vài phần của nó – mới trở nên được biết đến trên thế giới. Theo cách này, người Hy Lạp lần đầu tiên nghe thấy điều mà các quốc gia khác đã biết từ lâu. Người Hy Lạp thời đó chỉ có một ý tưởng rất buồn về những gì đã xảy ra với một linh hồn con người sau khi chết; họ nghĩ rằng những linh hồn của người chết sống trong một thế giới đen tối của những cái bóng, cõi giới của Hades. Nhưng Pythagoras nói với các học trò của mình những gì ông đã học được từ các thầy tư tế thông thái của Ai Cập: rằng các linh hồn trở lại trái đất một lần nữa và được sinh ra lần nữa. Ở phương Đông, ở Ấn Độ, ở Ai Cập, điều này không có gì mới nhưng ở châu Âu, chính Pythagoras là người đầu tiên nói với các học trò của mình về sự sinh ra lần nữa, hay sự đầu thai, như cách người ta gọi việc này.

Đó là một thứ kiến thức mà Pythagoras mang đến từ phương Đông. Một thứ kiến thức khác là về những con số, nhưng nó hoàn toàn khác với cách chúng ta thường nghĩ về những con số. Khi Pythagoras đã vượt qua các bài kiểm tra và thử thách của mình ở Ai Cập, các thầy tư tế của Ai Cập đã nói với ông rằng những con số đầu tiên không chỉ là những con số, chúng có ý nghĩa. Chẳng hạn, con số đầu tiên, số một, chúng ta có thể nghĩ đó là một số nhỏ, nhỏ hơn 2 hoặc 3. Thế nhưng, số một thực sự là con số lớn nhất, vì cả thế giới là một, và nhiều thứ như các vì sao, các hành tinh, trái đất, con người, các động vật, tất cả đều là những phần của một thế giới vĩ đại, vũ trụ và từ “universe” (vũ trụ) xuất phát từ unus, có nghĩa là một. Con số một nghĩa là toàn bộ vũ trụ.

Số hai có nghĩa là tất cả mọi thứ tồn tại trong hai: ngày và đêm, đàn ông và đàn bà, yêu và ghét, thiện và ác. Nếu trên thế giới không có “hai mặt” thì sẽ không có sự khác biệt, không có sự tương phản, và tất cả mọi thứ sẽ như nhau.

Số ba liên quan đến tất cả những thứ đến trong bộ ba: cha, mẹ, con; ánh sáng, bóng tối và màu sắc (vì màu sắc là những hòa trộn của bóng tối và ánh sáng); thức, mơ và ngủ. Một bộ ba khác nữa là: trong đầu chúng ta, chúng ta suy nghĩ; trong tim chúng ta, chúng ta cảm nhận; với đôi tay và đôi chân, chúng ta làm mọi việc. Cuộc sống của con người tồn tại trong ba điều này: suy nghĩ, cảm giác, hành động.

Số bốn đại diện cho tất cả “bốn thành tố” trên thế giới. Bốn phương đông - tây - nam - bắc; bốn mùa; bốn thế giới của tự nhiên - con người, động vật, thực vật, khoáng sản; bốn yếu tố của đất, nước, khí, lửa.

Và rồi các thầy tư tế nói với ông rằng tam giác đại diện cho tất cả bộ tam của thế giới, còn hình vuông đại diện cho bộ tứ của thế giới. Và có nhiều kiểu hình tam giác khác nhau: có nhiều loại hình tam giác cũng nhiều như có “các yếu tố” trên thế giới - bốn. Có một loại tam giác mà tất cả các cạnh có độ dài khác nhau, nó được gọi là tam giác thường và nó là tam giác của khí. Có những hình tam giác có hai cạnh bằng nhau, chúng được gọi là tam giác cân và đây là những hình tam giác của lửa. Có những hình tam giác mà cả ba cạnh đều có cùng chiều dài, tam giác đều, chúng thuộc về đất. Và vẫn còn một loại hình tam giác nữa, các cạnh của nó có chiều dài khác nhau nhưng nó có một góc vuông: nó là tam giác vuông, nó là tam giác của nước. Các hình tam giác tồn tại trong nhiều kiểu như có các yếu tố.

Chỉ có hai trong số các hình tam giác này có thể hòa vào nhau để tạo ra một hình tam giác mới khác. Tam giác của lửa (tam giác cân) và tam giác của nước (tam giác vuông). Bạn có thể nói rằng tam giác - lửa là người cha và tam giác - nước là người mẹ, con của cha mẹ này là tam giác vuông cân.

Nó có hai cạnh bằng nhau và một góc vuông. Đây là một hình tam giác rất đặc biệt. Nếu bạn có hai hình tam giác loại này (và có cùng kích thước) và đặt chúng lại với nhau chỗ cạnh huyền của chúng, chúng tạo thành một hình vuông. Và nếu bạn lấy bốn hình tam giác như vậy và đặt các đỉnh của chúng với nhau, chúng lại tạo thành một hình vuông, một hình vuông gấp đôi kích thước (diện tích) của hình vuông đầu tiên.



Thứ Ba, 18 tháng 2, 2020

Giới hạn đạo đức của thị trường

“Chúng ta đã trôi dạt từ chỗ có kinh tế thị trường (market economy) đến chỗ trở thành xã hội thị trường (market society) mà gần như không hề hay biết. Sự khác biệt nằm ở chỗ: kinh tế thị trường là công cụ – một công cụ rất giá trị và hiệu quả – trong tổ chức hoạt động sản xuất; còn xã hội thị trường thì ngược lại là một xã hội mà cái gì cũng đem ra bán được. Xã hội thị trường là một lối sống mà giá trị thị trường len lỏi vào mọi mối quan hệ xã hội và thống trị mọi mặt của đời sống.” ~ Michael Sandel

"Có nhiều điều xâm hại đến well-being của con người và thiên nhiên nhưng vẫn được justify với lý do rằng đó là “quy luật thị trường”, như thể đó là một thứ quy luật khách quan tự thân tồn tại độc lập với con người. Nhưng ai tạo ra và duy trì thị trường nếu không phải con người? Quy luật thị trường chẳng phải đều dựa trên những đánh giá về lợi ích, về được mất của con người hay sao? Nếu thế thì cái gọi là quy luật thị trường hiện nay thực ra là quy luật của lòng tham, quy luật của những niềm tin có-thể-bị-điều-khiển bởi marketing và truyền thông, chứ chẳng phải thứ gì tự nhiên.

Quy luật đó hoàn toàn có thể được thay đổi, nếu niềm tin của con người về những điều thực sự quan trọng thay đổi." ~ Ze-chan

Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2020

Người Việt Nam thầm lặng

Giữa đại dịch, nhớ bác sĩ Yersin giản dị mà vĩ đại, một tấm gương thật đẹp về lý tưởng sống và tinh thần phụng sự. 


Hiện nay cà chua, cà rốt, các loài Hoa phương Tây ở Đà Lạt... ;cà phê, Điều, Tiêu.... mà Việt Nam xuất khẩu mang về hàng tỉ USD có từ đâu? Chắc ít ai nghĩ đó là do công lao của bác sĩ Yersin!

Dịch hạch là căn bệnh khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người, có thời điểm làm giảm 2/3 dân số châu Âu và 1/3 dân số Trung Quốc. Chính bác sĩ Yersin là người đầu tiên tìm ra vi khuẩn này và các nhà khoa học về sau khống chế nó hoàn toàn. Yersin cũng là một câu chuyện thú vị khi cả cuộc đời trưởng thành của ông, đều gắn bó với 2 chữ Việt Nam.

Tốt nghiệp tiến sĩ y khoa với đề tài bệnh Lao, nhưng Yersin và thầy hướng dẫn của mình là giáo sư Roux nổi danh với phát minh ra vắc xin bạch hầu. Thành tựu của ông khiến thiên tài Louis Pasteur chú ý và được nhận vào làm ở viện Pasteur Paris danh giá. Nhưng máu thám hiểm trong người khiến ông nằng nặc xin nghỉ việc để đi làm thuỷ thủ tàu viễn dương "dù chưa có kinh nghiệm đi biển bao giờ". Ông nói "đời mà không đi, thì còn gì là đời".

Các lần đi thám hiểm và quay lại Pháp, ông đều được Louis Pasteur "mời ăn tối và nghe báo cáo", "thấy thú vị trước các thông tin mới mẻ do Yersin kể". Pasteur yêu cầu ông hãy làm gì thì làm cho trọn vẹn để "vang danh thiên hạ, giúp nhân loại". Vâng lời thầy, Yersin xách đồ đạc lên tàu vượt ngàn hải lý, mặc cho gió bão khôn lường. Hình ảnh học trò khăn gói xuống thuyền dọc ngang quả đất sau khi học xong là hình ảnh vô cùng đẹp của những người có LÝ TƯỞNG SỐNG.

Sang Việt Nam, ông làm bác sĩ trên tàu giữa Sài Gòn, Manila, Hải Phòng rồi sau đó định cư ở Nha Trang, sau một lần tàu cập bến và ông phải lòng với cảnh sắc nơi đây. Đầu thế kỷ 20, ông tham gia hội đồng sáng lập và là hiệu trưởng đầu tiên của ĐH Y Khoa Đông Dương (nay là Y Hà Nội), xây dựng toàn bộ giáo trình sơ khởi và nhận thức y đức cho các thế hệ bác sĩ, quy hoạch các bệnh viện ở các tỉnh thành khắp Việt Nam theo khoảng cách địa lý để "ai bị bệnh cũng có chỗ gần nhất mà đến trị kịp thời". Nhưng Hà Nội cũng chỉ có thể giữ chân ông được 2 năm. Ông quay trở lại Nha Trang, thực hiện chuỗi những ngày làm khoa học và thám hiểm khắp núi rừng Đông Dương. Ông là người đã tìm ra cao nguyên Lang Biang và quy hoạch Tp Đà Lạt, xây dựng viện Pasteur Đà Lạt và phát triển mạnh hơn cho viện Pasteur Sài Gòn, Hà Nội. Trại ngựa nuôi lấy huyết thanh sản xuất vắc xin của ông nằm ở suối Dầu là trại ngựa thuốc lớn nhất châu Á khi đó. Ông còn cho trồng cây ký ninh để trị bệnh sốt rét. Ông từng mong muốn Diên Khánh là nơi sản xuất thuốc men cho cả Đông Dương.

Ông cũng là người mang cây cao su, ca cao, cà phê (thậm chí ông cho thử nghiệm cây điều từ Brazil và tiêu đen từ Ấn Độ ở nông trại của mình), đến bây giờ chúng ta đã có hàng tỷ đô la xuất khẩu. Ông thử nghiệm nhiều giống cây ôn đới như cà rốt súp lơ su su lay-ơn cẩm tú cầu xà lách xông cà chua....(hầu như tất cả các loại rau củ mang tiếng Pháp đều là do ông và bạn bè đồng sự ông mang qua). Ông còn nuôi cừu trồng nho ở Phan Rang, nuôi đà điểu ở Ninh Hoà, thử nghiệm trồng quy mô lớn cây cà phê ở Lâm Đồng, Đăk Lăk và Pleiku. Ông cũng là 1 triệu phú nhờ trồng cao su xuất bán cho hãng lốp xe Michelin và là cổ đông chính của ngân hàng HSBC. Ông cho rằng "tôi phải kiếm tiền kiểu khác chứ không tài nào cầm được tiền của các bệnh nhân". Toàn bộ tiền lãi của ông đến nay vẫn còn và vẫn bí mật chuyển đều đặn về 1 quỹ từ thiện và quỹ nghiên cứu khoa học.

Với tầm nhìn vĩ đại, bác sĩ Yersin không chỉ làm khoa học mà còn giỏi nhiều thứ. Ngoài việc mang sang cho chúng ta bao nhiêu giống cây trồng vật nuôi mới lạ, khám phá và xây dựng Sapa Đà Lạt Bà Nà...thành những nơi du lịch nghỉ dưỡng, ông còn tham gia quy hoạch đô thị khu trung tâm Sài Gòn Hà Nội Nha Trang Đà Nẵng Hải Phòng, ranh giới các tỉnh....mà chúng ta ngày nay hay có cụm từ "ngày xưa người Pháp đã quy hoạch chỗ này là, chỗ kia là..". Ông đã giúp người Việt chúng ta có được nền tảng kinh tế ban đầu từ một nước thuần nông lạc hậu, những công trình về hạ tầng, giáo dục, y tế. Do chính quyền Pháp khi đó rất tín cẩn ông, vì ông đi nhiều khám phá nhiều. Hầu như mọi ngóc ngách ở Lào, Việt Nam và Campuchia đều có dấu chân ông. Núi cao vực sâu, thú dữ, bệnh tật...không hề làm ông nản bước. Ông luôn yêu cầu Pháp phải xây dựng nhiều trường học ở các tỉnh của Việt Nam và ý kiến cho Pháp đầu tư tiền để xây đường sắt Bắc Nam từ ga Hà Nội đến ga Sài Gòn, hiện chúng ta vẫn còn đang khai thác. Con đường quốc lộ 1A thời đó là con đường đất nhỏ xíu (gọi là con đường cái quan) bề rộng chỉ có 2-3 mét từ thời chúa Nguyễn đã được ông "bày vẽ" cho kè đá, rải nhựa, mở rộng nâng cấp để xe ô tô có thể chạy được. Ông nói phải ưu tiên làm con đường to nhất, tốt nhất gọi là quốc lộ, chạy ngang qua hết các tỉnh ven biển để người dân tỉnh nào cũng có thể hưởng lợi từ giao thông. Đường sắt Phan Rang đi Đà Lạt cũng là ông tư vấn cho toàn quyền Doumer làm. Các trạm khí tượng từ Sapa đến Mẫu Sơn đến Bạch Mã, các ngọn hải đăng ngoài biển mà chúng ta thường nói "do Pháp xây" là do ông chọn vị trí. Những gì ông có thể nghĩ ra, ông đã làm tất cả cho người Việt.

Ông sống 1 mình, giản dị ở Nha Trang đến cuối đời, 1 cuộc đầy ắp những chuyến đi thám hiểm và thành tựu. Nha Trang cũng là nơi tiếp cận điện ảnh đầu tiên của nước ta do ông mang về chiếu. Có lần khi trẻ con vào nhà ông xem phim và nghịch phá những chậu hoa quý, gia nhân toan ra mắng nhưng ông bảo "thôi đừng la trẻ nhỏ, nghe lớn tiếng chúng sẽ sợ". 1 lần ông lái xe hơi trên đường, 1 người dân bất cẩn lao vào xe ông và bị tai nạn. Dù lỗi của người đi bộ rành rành nhưng ông chạy xuống giúp họ băng bó, xin họ tha thứ và kiên quyết trả lại xe cho chính phủ, đi xe đạp, vì theo ông "dân chúng xứ này chưa quen luật lệ nên đi lại vô tư, mình đi xe đạp có va chạm thì cũng không gây thương vong cho họ". Có lần ông lên Tây Nguyên tìm thuốc, người dân tộc đã bắt ông, định hành quyết. Nhưng họ nhìn vào mắt ông, thấy một sự chân thành và thiện lương kỳ lạ, họ lại thả ông ra. Ông sau đó chữa trị bệnh cho cả buôn làng và gửi thuốc men lên cho họ đều đặn không lấy tiền , mà dù có muốn trả thì với những người dân Việt Nam nghèo khi đó , trả tiền sao nổi . Ngôi nhà của ông là trại tế bần khổng lồ cho người sa cơ lỡ vận, ốm đau, bệnh tật, đói kém....của khắp vùng, mở cửa suốt ngày suốt đêm. Ông không có vợ con vì dâng hiến phụng sự cả đời cho khoa học, nhưng người ta kính yêu ông như cha mẹ ruột.

Trong khi nhiều trí thức Việt Nam đi Pháp để hưởng thụ sự văn minh có sẵn của xứ người, ông như cá bơi ngược dòng. Dù quê hương ông là đất nước Thuỵ Sĩ giàu có và xinh đẹp, dù tốt nghiệp trường Y Paris và là một trong những nhà khoa học nổi tiếng nhất thế giới khi ấy, ông vẫn xuống tàu đi đến một miền đất nghèo xa lạ. Ông nói "tôi mãi mãi là một công dân Pháp, nhưng tôi yêu Việt Nam và sẽ phụng sự tính mạng và cuộc đời tôi cho họ".

Đám tang ông là đám tang lớn nhất Việt Nam lúc đó. Giây phút cuối đời, ông nhờ người quản gia dìu ông ra phía cửa sổ, nhìn về phía biển, nơi ghi dấu 1 thời dọc ngang tuổi trẻ, rồi trút hơi thở cuối cùng. Nghe tin ông mất, người dân Nha Trang bỏ hết công ăn việc làm để lo hậu sự. Tàu bè ngoài biển vội vã cập bến xóm Cồn, ngưng mọi hoạt động đánh bắt trong nhiều ngày. Những phụ nữ tiểu thương bán cá đã bỏ hết cá mắm tiền bạc danh lợi mỗi ngày, bỏ cái nón lá quen thuộc để đeo khăn tang trắng xoá trên đầu, xuống đường đưa tiễn, khóc hết nước mắt. Người dân Hà Nội, Sài Gòn, Đà Lạt, các thành phố lớn khác châu Á yêu quý ông, nhất là người Hongkong, nơi ông đã thành công trong việc giúp hàng triệu người dân ở đây thoát khỏi nỗi kinh hoàng do dịch cúm. Úc từng mời ông sang thành lập viện Pasteur cho họ nhưng ông đã từ chối. Hongkong thì tìm mọi cách giữ ông lại, nhưng ông vẫn khăng khăng quay về dải đất hình chữ S mà ông trót yêu thương. Năm 1943, khi ông mất, trí thức toàn thế giới, đặc biệt giới Y khoa và giới thám hiểm đã bày tỏ sự thương tiếc vô hạn. Di chúc ông ghi giản dị "Tôi muốn được an táng ở Suối Dầu, mộ thật nhỏ và nằm úp xuống, đầu quay về phía biển. Ông Bùi Quang Phương (cộng sự lâu năm) đừng cho ai đem thi hài tôi đi nước khác. Mọi tài sản xin tặng hết cho Viện Pasteur và những người cộng sự lâu năm đã làm việc với tôi".

Nếu bạn đã từng 1 lần được tiêm chủng, chích ngừa hay thậm chí ăn cà rốt, uống cà phê, đắp mặt cà chua (trước đó thì người Việt chúng ta chỉ có cà pháo....để ăn với mắm tôm) thì hãy biết ơn BS Yersin. Công lao của ông với dân tộc mình, với đất nước mình là không bao giờ kể hết. Các bạn có thể đọc thêm tư liệu về bác sĩ Yersin để thấy những tranh cãi lặt vặt, những suy nghĩ tầm thường đã phí thời gian cuộc đời mình. Sách giáo khoa nên bổ sung nhiều bài học về ông để các thế hệ mãi mãi biết ơn. Lòng biết ơn là thước đo của sự văn minh, ở mỗi cá nhân và cả dân tộc.

Và mỗi người, nếu đọc được những dòng chữ trên thì hãy học tập ông ở tinh thần PHỤNG SỰ, CỐNG HIẾN. Không nhỏ hẹp, vun vén cá nhân, cái xe - cái nhà - miếng đất - bằng cấp - chức vụ - công danh, tiền tài mang về cho vợ cho con tầm thường nữa. Mạnh dạn vẫy vùng biển rộng trời cao, dấn thân, xả thân vì MỘT LÝ TƯỞNG SỐNG của riêng mình. Bỏ quê hương đi đến chỗ phồn vinh thì dễ, quay về làm cho nó giàu sang văn minh thì mới khó. Mà khó cỡ nào, mình quyết tâm là làm được hết. Cuối đời, mình tự hào vì đã góp phần vô việc MAKE A BETTER VIETNAM.

Phàm làm người, ai càng sớm tìm được lý tưởng sống, thì càng có một cuộc đời ý nghĩa, trọn vẹn, không hối tiếc.
Xuân Canh Tý 2020



Thứ Hai, 3 tháng 2, 2020

Luận về Kỳ Thư Kybalion - Triết học Hermes

VẠN HỮU
KỲ THƯ KYBALION
TRIẾT HỌC BÍ TRUYỀN CỦA AI CẬP VÀ HY LẠP CỔ ĐẠI

---*---

🍀 'Ở dưới và phía sau của Vũ trụ Thời gian, Không gian và Thay đổi, luôn có thể tìm thấy Thực tại Bản thể - Chân lí Nền tảng.’

_ Giáo huấn Kybalion

🍀 'Under, and back of the Universe of Time, Space and Change, is ever to be found The Substantial Reality - the Fundamental Truth.’

_ The Kybalion

---***---

Substance nghĩa là: những gì ẩn tàng dưới mọi biểu hiện bên ngoài; bản tính; thực tại thiết yếu; sự vật tự thân… Substantial nghĩa là: tồn tại thực; là nguyên tố thiết yếu; là có thực… Reality nghĩa là: trạng thái có thực; chân thực, lâu bền; có căn cứ, có định; thường hằng; thật sự…

Ở bên dưới và đằng sau mọi xuất hiện và biểu hiện bên ngoài, tất luôn có một Thực tại Bản thể. Đây là Luật. Con người xem xét Vũ trụ mà trong đó y là một đơn vị, không thấy gì ngoài sự thay đổi về vật chất, những lực lượng và những trạng thái tinh thần. Con người không nhìn thấy gì thực sự Là (Is), ngoại trừ mọi thứ Đang-trở-thành (Becoming) và Đang-thay-đổi (Changing). Không có gì đứng yên mọi thứ được sinh ra, tăng trưởng và chết đi vào chính khoảnh khắc một sự vật đạt tới đỉnh cao của nó, nó bắt đầu suy thoái - quy luật về nhịp điệu không ngừng vận hành - không có thực tại, phẩm chất vững bền, tính cố định, hoặc tính bản thể trong bất kì thứ gì - không có gì là thường hằng ngoại trừ sự thay đổi. Y nhìn thấy mọi vật tiến triển từ những thứ khác, và chuyển sang thành những thứ khác - hành động và phản ứng không ngừng; rót vào và chảy ra; xây dựng và phá hủy; sáng tạo và hủy diệt; sinh ra, trưởng thành và chết đi. Không gì vĩnh cửu ngoại trừ sự thay đổi. Và nếu y là một con người suy tư, y nhận ra rằng tất cả mọi sự đang thay đổi này hẳn phải là những xuất hiện hoặc những biểu hiện bề ngoài của một số Năng lực Ẩn tàng - một số Thực tại Bản thể.

Mọi nhà tư tưởng ở mọi xứ sở và trong mọi thời đại đã giả định việc tất yếu đưa ra sự tồn tại về Thực tại Bản thể này. Mọi nền triết học trứ danh đều đã dựa trên tư tưởng này. Nhân loại đã ban cho Thực tại Bản thể này nhiều cái tên - một số người đã gọi nó bằng danh xưng là Thần hay Thượng đế (dưới nhiều tước danh). Những người khác gọi nó là “Năng lượng Vô hạn và Vĩnh hằng’; những người khác thì cố gọi nó là 'Vật chất’ - nhưng mọi người đều thừa nhận sự tồn tại của nó. Nó tự mình (self-evident) và không cần tranh biện.

Trong những bài học này chúng tôi noi gương một số nhà tư tưởng vĩ đại của thế giới, vừa cổ đại vừa hiện đại, là những Đại sư Hermetic đã gọi cái Năng lực Tàng ẩn này hay cái Thực tại Bản thể này bằng danh xưng theo Hermetic là Vạn hữu, và từ ngữ này chúng tôi coi là bao quát nhất trong nhiều từ ngữ áp dụng bởi con người cho Cái đó (That) vốn siêu việt những danh xưng và từ ngữ.

Chúng tôi chấp nhận và giảng dạy quan điểm của những nhà tư tưởng Hermetic lớn của mọi thời đại, cũng như của những bậc giác ngộ đã vượt lên những tầng cao hơn của hữu thể, cả hai đều khẳng định rằng bản tính nội tại của Vạn hữu là Bất khả tri. Điều này tất phải như vậy, vì không ai ngoài Vạn hữu tự thân mới có thể hiểu được bản chất và hữu thể của nó.

Những nhà Hermetic tin và dạy rằng Vạn hữu, “trong tự thân’, là và mãi mãi phải bất khả tri. Họ xem mọi lí thuyết, những suy đoán và những tư biện của những nhà thần học và những nhà siêu hình học về bản tính nội tại của Vạn hữu như chỉ là những nỗ lực trẻ con với đầu óc phàm tục muốn nắm bắt bí ẩn của Cái vô hạn. Những nỗ lực như thế đã luôn và sẽ luôn thất bại ngay từ bản chất của nhiệm vụ đó. Kẻ theo đuổi những điều tra đó cứ đi lòng vòng trong mê cung của tư duy cho tới khi y đánh mất mọi lí luận, hành vi hoặc đạo đức lành mạnh, và hoàn toàn không thích ứng đối với công việc của cuộc sống. Y giống như con sóc chạy điên cuồng trên cái guồng bánh xe trong cái lồng, cứ chạy mãi mà không tới đâu - rút cuộc vẫn là tù nhân, và vẫn đứng tại chỗ khởi đầu.

Và thậm chí có những kẻ còn tự phụ hơn khi cố gắng gán cho Vạn hữu những tính cách, phẩm chất, đặc tính, đặc trưng và những thuộc tính của bản thân, họ gán cho Vạn hữu những cảm xúc, tình tự và đặc tính của con người, thậm chí gán cho những tính nhỏ nhen của con người, như ghen tuông, nhạy cảm với sự tâng bóc và ca ngợi, ham muốn được thờ phụng và cúng tế, cùng mọi thứ tàn dư từ buổi ấu thơ của giống nòi. Những ý tưởng như vậy không xứng đáng với con người trưởng thành, và phải nhanh chóng bị loại bỏ.

Ở đây, có lẽ thích hợp để chúng ta phân biệt giữa Tôn giáo và Thần học giữa Triết học và Siêu hình học. Tôn giáo, với chúng tôi, nghĩa là sự nhận thức trực quan về sự tồn tại của Vạn hữu và mối liên hệ của chúng ta với nó; trong khi Thần học là những cố gắng của những người muốn quy cho nó tính cách, phẩm tính và đặc điểm; những lí thuyết của họ về những sứ vụ, ý chí, ý muốn, kế hoạch và thiết kế của nó, và họ tự đảm nhận chức vụ làm ‘người trung gian’ giữa Vạn hữu với con người. Triết học, với chúng tôi, nghĩa là sự thẩm tra tri thức về những điều có thể biết được và có thể tư duy được; trong khi Siêu hình học là cố gắng đem sự thẩm tra vượt ra ngoài những biên giới, đi vào những vùng bất khả tri và không thể tư duy được, và có cùng khuynh hướng như Thần học. Do vậy, cả Tôn giáo và Triết học có gốc rễ từ Thực tại, trong khi Thần học và Siêu hình học gần như những đám sậy bị gãy và rễ bám vào vũng cát lầy của vô minh, và không cung ứng gì ngoài sự “chống đỡ hết sức bấp bênh cho tâm trí hay tâm hồn của nhân loại. Chúng tôi không đặt nặng môn sinh chấp nhận những định nghĩa này - chúng tôi đề cập tới để cho thấy vị trí của chúng tôi mà thôi. Hơn nữa, trong những bài học này bạn sẽ nghe rất ít tới Thần học và Siêu hình học.

Mặc dù bản thể thiết yếu của Vạn hữu là bất khả trí, nhưng có những chân lí nhất định gắn liền với sự tồn tại của nó mà tâm trí con người thấy buộc phải chấp nhận. Và một khảo sát về những tường thuật này tạo thành một chủ để thẩm tra thích hợp, đặc biệt khi chúng phù hợp với những tường thuật của bậc Giác ngộ ở những tầng cao hơn. Giờ chúng tôi mời bạn thẩm tra điều này.

---***---

🍀 ‘Cái đó vốn là Chân lí Nền tảng - Thực tại Bản thể - vượt ngoài sự đặt tên đích thực, còn bậc Trí tuệ thì gọi nó là Vạn hữu.’

_ Giáo huấn Kybalion

🍀 ‘That which is the Fundamental Truth the Substantial Reality is beyond true naming, but the Wise Men call it The All.’

_ The Kybalion

🍀 ‘Từ trong Bản thể, Vạn hữu là bất khả tri.’
_ Giáo huấn Kybalion

🍀 ‘In its Essence, The All is Unknownable.’
_ The Kybalion

🍀 'Tuy nhiên, bản tường trình của Lí trí phải được đón nhận thân ái và được tôn trọng.’

_ Giáo huấn Kybalion

🍀 'But, the report of Reason must be hospitably received, and treated with respect.’

_ The Kybalion

---***---

Lí trí của con người và những tường trình của nó mà chúng ta phải đón nhận chừng nào chúng ta vẫn còn tư duy, chúng thông tin cho chúng ta về Vạn hữu, và không có toan tính vén bức màn của Bất khả tri:

(l) Vạn hữu phải là Tất cả những gì thực sự là. Không có gì tồn tại bên ngoài Vạn hữu, nếu không, Vạn hữu ắt không phải là Vạn hữu.

(2) Vạn hữu nhất định phải là Vô hạn, vì không gì khác có thể xác định, giam hãm, trói buộc, giới hạn hoặc hạn chế được Vạn hữu. Nó phải là Vô hạn trong Thời gian hoặc Vĩnh hằng, - nó phải luôn tồn tại không ngừng, vì không có gì khác đã sáng tạo ra nó, và nó là gì đó có thể chẳng bao giờ tiến hóa ra từ hư không, và nếu nó đã từng ‘không tồn tại’, thậm chí trong một khoảnh khắc, thì nó hẳn sẽ không ‘tồn tại’ hiện giờ, - nhất định nó đã luôn tồn tại liên tục vĩnh viễn, vì không có gì có thể hủy diệt nó, và nó chẳng bao giờ ‘không-tồn-tại’ (not-be) , ngay cả trong một khoảnh khắc, bởi một cái gì đó không bao giờ trở thành hư không. Nó tất phải là Vô hạn trong Không gian nó nhất định ở Khắp-mọi-nơi, vì không có nơi nào ở bên ngoài Vạn hữu - nó không thể nào khác hơn là liên tục trong Không gian, không đứt đoạn, đình chỉ, phân li hoặc gián đoạn, vì không có gì là đứt đoạn, phân li hoặc gián đoạn, và không có gì cần phải (đó đầy những lỗ hổng’. Nó tất phải là Vô tận trong Quyền năng hoặc Tuyệt đối, vì không có gì giới hạn, hạn chế, kiềm chế, giam hãm, quấy nhiễu hoặc ước định nó - nó không lệ thuộc vào bất cứ Quyền năng nào, vì không có thứ Quyền năng nào khác.

(3) Vạn hữu tất phải là Bất biến, hoặc không chịu sự thay đổi bản tính đích thực của nó, vì không gì tác động lên khiến thay đổi nó; không gì ở trong nó khiến thay đổi, cũng không gì từ nó khiến thay đổi. Nó không thể thêm vào cũng không thể bớt đi; không tăng cũng không giảm; cũng không trở nên lớn hơn hoặc nhỏ đi ở bất cứ phương diện nào. Nó nhất định đã luôn luôn đang là và nhất định luôn luôn duy trì hệt như bây giờ -Vạn hữu - chưa bao giờ từng là mà không là bây giờ, và không bao giờ sẽ thay đổi thành bất kì gì thứ khác.

Vạn hữu là Vô hạn, Tuyệt đối, Vĩnh hằng và Bất-khả-cải-biến thì theo sau nó tất phải là những gì hữu hạn, dễ thay đổi, phù du, và bị ước định không thể là Vạn hữu. Và vì không có gì ngoài Vạn hữu, trong Thực tại, vậy thì bất kì và tất cả những sự vật hữu hạn tất phải là Hư không trong Thực tại. Giờ đây đừng trở nên mờ mịt, cũng đừng sợ - chúng tôi không có dẫn bạn đi vào lãnh vực của phái Khoa học Kitô giáo (Christian Science) dưới cái vỏ Triết học Hermetic. Có sự hòa giải cho trạng thái mâu thuẫn hiển nhiên này. Hãy kiên nhẫn, chúng ta sẽ đạt tới nó kịp thời.

Chúng ta nhìn quanh mình với những gì gọi là ‘Vật chất’ vốn tạo thành cơ sở vật lí cho mọi hình thái. Phải chăng Vạn hữu chỉ thuần là Vật chất? Tuyệt nhiên không! Vật chất không thể biểu hiện Đời sống hoặc Tinh thần, và bởi vì Đời sống và Tinh thần biểu hiện trong Vũ trụ cho nên Vạn hữu không thể nào là Vật chất, vì không có gì trỗi lên cao hơn đầu nguồn của nó được - không có gì biểu hiện trong kết quả mà không từ nguyên nhân không điều gì suy ra như là hậu thức mà không liên quan tới như là tiền đề. Và rồi khoa học hiện đại cho chúng ta biết thực sự không có thứ gì như là Vật chất - những gì chúng ta gọi là Vật chất chỉ là “năng lượng hoặc lực lượng gián đoạn’, tức là, năng lượng hoặc lực lượng ở độ dao động thấp. Như một tác giả gần đây nói rằng ‘Vật chất đã tan chảy vào cái Huyền nhiệm.’ Ngay cả Khoa học Vật chất đã từ bỏ lí thuyết về Vật chất, và hiện nay dựa trên cơ sở của ‘Năng lượng’.

Vậy phải chăng Vạn hữu chỉ là Năng lượng hay Lực lượng? Không phải là thứ Năng lượng hay Lực lượng của những người theo chủ nghĩa duy vật dùng thuật ngữ này, vì năng lượng và lực lượng của họ là mù quáng, những thứ cơ giới, trống rỗng Đời sống hay Tinh thần. Đời sống và Tinh thần có thể chẳng bao giờ nảy sinh từ Năng lượng hoặc Lực lượng mù quáng, vì lí do đã nêu trên: ‘Không có gì trỗi lên cao hơn đầu nguồn của nó - không có gì biểu hiện kết quả mà không từ nguyên nhân’. Vì thế Vạn hữu không thể chỉ là Năng lượng hoặc Lực lượng, vì, nếu giả sử như thế, thì hẳn sẽ không có những thứ như Đời sống và Tâm trí tồn tại, và chúng ta còn biết rõ hơn thế, vì chúng ta Đang-sống (Alive) và đang sử dụng Tâm trí để xem xét chính vấn đề này, và cũng thế cả những người tuyên bố Năng lượng hay Lực lượng là Mọi thứ.

Vậy phải chăng có thứ gì cao hơn Vật chất hoặc Năng lượng mà chúng ta biết đang tồn tại trong Vũ trụ? Đời sống và Tâm trí! Đời sống và Tâm trí trong mọi mức độ phơi mở khác nhau! Bạn hỏi, “Vậy phải chăng ý quý vị là muốn nói với chúng tôi rằng Vạn hữu là Đời sống và Tâm trí? Vàng! và Không! Là câu trả lời của chúng tôi. Nếu bạn muốn nói Đời sống và Tâm trí mà những người phàm nhỏ bé tội nghiệp là chúng ta biết tới, chúng tôi sẽ nói Không! Vạn hữu không phải là như thế! Bạn hỏi, ‘Vậy quý vị muốn nói loại Đời sống và Tâm trí nào?’

Câu trả lời là ‘Tâm trí Hằng sống vượt trội hơn hẳn những gì người phàm biết tới bằng những lời này, vì Đời sống và Tâm trí thì ở cao hơn những lực lượng cơ giới hoặc vật chất Tâm trí Hằng sống Vô hạn so với Đời sống và Tâm trí hữu hạn’. Chúng tôi muốn nói tới ý của những vị giác ngộ khi họ thốt ra nó một cách tôn kính: ‘Thần khí’.

‘Vạn hữu’ là Tâm trí Hằng sống Vô hạn - bậc giác ngộ gọi nó là Thần khí!

---*---

Trích "KỲ THƯ KYBALION
TRIẾT HỌC BÍ TRUYỀN CỦA AI CẬP VÀ HY LẠP CỔ ĐẠI"

Hà Vũ Trọng dịch
NXB: Tri Thức, 2018

HERMATIC PHILOSOPHY

(Bài chứng minh sự tương đồng giữa minh triết cổ xưa và các học thuyết hiện đại)

The Kybalion: Triết học Kỳ Bí (Hermetic Philosophy) là tên cuốn sách chứa bảy giáo lý bí truyền của Ai Cập cổ đại. Được xuất bản vào năm 1908 bởi Three Initiates, Kybalion phản ánh những quy luật mà Hermes Trismegistus – người đi đầu và là nhà sáng lập của những tri thức cổ đại. làm cơ sở cho triết học Hermetic. Nhiều nhà thần học như Augustine đã phát biểu rằng Hermes Trismegistus là người đã tiên đoán được sự ra đời của Thiên Chúa Giáo. Tên Hermes Trismegistus còn có nghĩa là Thrice Great (Bộ Tam Vĩ Đại) vì ông nắm giữ ba chiếc chìa khoá bí mật minh triết để hiểu thế giới: giả kim thuật, chiêm tinh học và thần bí học.

Triết học Hermetic dựa trên bảy quy luật. Tính ứng dụng của quy luật này là ở chỗ nó là tiền đề cho thuật giả kim tâm trí, hay cũng được gọi là tâm lý học huyền bí. Ngoài ra, nó cũng là một phương thức tư duy. Không có nơi nào mà ở đó các quy luật này không vận hành. Nó bao trùm không gian lẫn thời gian. Bảy quy luật này cũng giúp chúng ta có cái nhìn tổng quan về minh triết cổ đại; nó độc lập khỏi những hệ tư tưởng và phản ánh quy luật vũ trụ. Chúng ta hãy cùng điểm qua lần lượt bảy quy luật này và xét xem nó có liên hệ gì với những học thuyết hiện đại về triết học, phân tâm học và vật lý học hiện đại.

Quy luật đầu tiên được gọi là quy luật về tâm trí. Thế giới xung quanh ta đều là sản phẩm của tâm trí. Hay nói cách khác, chính ý thức của chúng ta về đời sống đã tạo ra thế giới. Ý thức (consciousness), với Hermes Trismegistus, có một tầm quan trọng tối thượng, bởi nó tạo ra thế giới xung quanh mà chúng ta cảm nhận được bằng các giác quan. Nếu nhìn sâu hơn vào quy luật này, nó tạo ra một kết quả rằng không hề có một Đấng Toàn Năng dùng năng lượng để điểu khiển thế giới hay tạo ra nó như các tôn giáo hay các chế độ độc tài thường nói. Tương quan với những ý tưởng hiện đại, Arthur Schopenhauer, nhà triết học bi quan người Áo đã viết một tác phẩm “ Thế giới như là ý chí và biểu tượng”. Ở tác phẩm này, Schopenhauer nói rằng thế giới xung quanh ta chỉ là sự tượng trưng cho tâm trí của bản thân. Ngay từ đầu tác phẩm, Schopenhauer đã khẳng định: “thế giới là sự tưởng tượng của tôi”. Vậy, không hề có thực tại khách quan nào ở bên ngoài. Một ví dụ nổi tiếng được mô tả trong hình ảnh: “a pipe is not a pipe”. Chúng ta không biết về cái đẩu thuốc, chúng ta chỉ biết sự tưởng tượng của mình về cái đẩu thuốc mà thôi”. Xét về tính ứng dụng của quy luật này, nó có liên hệ mật thiết đến thuật giả kim. Chúng ta thường chỉ được biết rằng nhờ thuật giả kim, có thể chuyển từ kim loại thành vàng. Thực chất đây chỉ là một cách hoán dụ. Điều quan trọng nhất của thuật giả kim là ở chỗ nếu một người thay đổi tâm thức, anh ta thay đổi cả thế giới, bởi thế giới là sản phẩm của tâm trí của anh ta.

Quy luật thứ hai được phản ánh trong câu nói: “trên sao, dưới vậy”, hay cũng có thể gọi nó là luật tương ứng. Luật này nói rằng luôn có sự tương quan giữa càng tầng khác nhau của cuộc sống. Dù bề ngoài, mọi thứ đều có vẻ khác nhau, nhưng chúng luôn vận hành trong cùng quy luật và nhịp điệu. Một hệ quả tất yếu của quy luật này là chúng ta có thể hiểu nhiều điều chưa biết dựa trên những gì mà chúng ta đã biết. Những gì thể hiện ở bên ngoài ta cũng được soi chiếu ở tâm trí bên trong. Một bộ phim ngắn nổi tiếng “Power of Tens” thể hiện rõ nguyên lý này. Cuộc sống có sự liên hệ mật thiết với nhau, từ mức độ vi mô tới vĩ mô. Hoặc chúng ta có thể hiểu một hệ quả quy luật này dựa trên “hiệu ứng con bướm” (The butterfly effect). Hiệu ứng con bướm có một phát biểu nổi tiếng rằng: “một con bướm vỗ cánh ở Amazon một tuần sau có thể có một trận bão lớn ở Paris”. Nó cho ta hiểu rằng mọi thứ đều có sự liên hệ mật thiết với nhau dù nó có khoảng cách lớn về địa lý.

Một luật khác cũng liên quan tới sự rung động của mọi vật. Quy luật này cũng đã được lĩnh hội bởi một số nhà triết học Hy Lạp cổ đại. Không vật nào là đứng yên; mọi thứ đều rung động, Lý thuyết này rất tương đồng với lý thuyết dây mới được khám phá gần đây ở vật lý hiện đại. Lý thuyết dây phát biểu rằng những âm thành được tạo nên bởi sợi dây rất nhỏ. Trong cuốn sách “Giai điệu dây và bản giao hưởng vũ trụ”, Brian Greence đã phát biểu rằng thành phần sơ cấp tạo nên thế giới là một “sợi dây rất nhỏ một chiều, na ná như một sợi dây cao su vô cùng mảnh dao động liên hồi”. Vì sợi dây rất nhỏ ấy là thành phần cơ bản, nên nó tạo ra mọi thứ. Nó cũng chứng mình rằng vật chất luôn rung động. Nếu chúng ta dạo quanh trong thế giới lượng tử, vật chất xung quanh sẽ thể hiện hoàn toàn khác so với những vật thể cô đặc chúng ta đang chiêm ngưỡng bây giờ. So sánh giữa khoa học và triết học Hermetic, những người vận dụng quy luật Hermetic đẩy quy luật này đi xa hơn rất nhiều. Kybalion dạy rằng tất cả mọi thứ, từ cảm xúc, ý chí, hay mọi biểu hiện trong tâm tưởng đều có rung động. Chính vì thế nó giải thích tại sao có sự truyền thông tin bằng ý nghĩ, hay sự tác động của tâm trí này trên tâm trí khác.

Hai mặt đối lập cũng là một quy luật khác trong học thuyết này. Mọi thứ đều có hai cực, hay hai cặp đối lập. Để dễ cho trực quan, hãy xét về các mức nhiệt độ: nóng và lạnh. Dù hai tính chất này khác hẳn nhau những nó cùng thể hiện hai mặt của cùng một vấn đề. Hoặc vấn đề tình yêu cũng vậy. Chúng ta vừa ghét vừa yêu người mà chúng ta yêu quí. Không có cái gì là “yêu tuyệt đối cả”. Yêu nhiều thì ghét ít và ngược lại. Phải đợi đến hàng ngàn năm, khi vật lý lượng tử ra đời, chúng ta mới biết rằng quy luật này cũng nằm trong một phần của tư duy mới. Trong logic truyền thống mà Aristotle là người đi đầu, giả sử nếu A đúng thì suy ra B. Hoặc A không thể đồng thời vừa là A vừa là “không-A”. Nhưng vật lý lượng tử đưa ra với thế giới một cách nhìn hoàn toàn khác. Cách nhìn này thừa nhận rằng A vừa là A vừa là “không-A” – một cái gì đó là A ở thời điểm này thì vẫn có thể trở thành không-A ở một thời điểm khác. Chính vì vậy, mọi sự thật đều chứa đựng hai mặt đối lập, hay cũng có thể gọi là hai mặt của một đồng tiền.

Luật thứ năm là luật Nhân Quả. Mọi nguyên nhân đều có kết quả và mọi kết quả đều có nguyên nhân của nó. Luật này nói rằng không có điều gì là bất ngờ hay xác xuất cả, sự bất ngờ đó chỉ là một định nghĩa khi con người không nhận dạng được nguyên nhân mà nó xảy ra. Vậy có thể suy ra rằng nguyên nhân và kết quả luôn gắn liền chặt chẽ với nhau. Nếu hiểu được rõ ràng nguyên nhân của một sự vật, ta có thể hiểu được tác động và hệ quả của nó. Và điều này cũng áp dụng ngược lại. Với luật này, chúng ta đến với Freud, người mở nguồn cho Phân Tâm Học (psychoanalytic). Trong tâm lý học, vai trò của Freud quan trọng tới mức toàn bộ ngành tâm lý học đã thay đổi hoàn toàn xã hội lẫn phương pháp nghiên cứu khoa học của nó. Nếu như trước đây. các bác sĩ chỉ thường nhìn vào triệu chứng của bệnh và cố tìm ra thuốc chữa cho bệnh ấy mà không hề quan tâm đến nguyên nhân của nguồn bệnh, thì Freud đã thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận đó bằng cách thay vì đi ngăn cản các triệu chứng bên ngoài, chúng ta phải tìm ra được nguyên nhân của bệnh. Ông khẳng định chỉ bằng cách đó mới có thể chữa cho căn bệnh ấy một cách thấu đáo và triệt để. Vậy, cách tiệp cận của khoa học đã chuyển sang hướng mới: hiểu rõ nguyên nhân mới có thể giải quyết vấn đề.

Quy luật thứ sáu nói về quy luật dao động. Ở đây quy luật này nói rằng một thứ có xu hướng di chuyển từ cực này sang cực khác, từ trái sang phải, từ nổi đến chìm, từ trên xuống dưới, lặp đi lặp lại giống như một con lắc. Quy luật nhịp điệu phổ biến nhất ở lĩnh vực âm nhạc. Tuy nhiên, nó cũng được ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống. Hãy xét đến sự chuyển động của vòng tròn (Cirdanian Rhythm): trái đất chuyển động quanh mặt trời, bốn mùa xuân hạ thu đông rồi lặp lại quanh năm, vòng đời của một con người, hay sự thăng trầm của một quốc gia. Mọi thứ chuyển động như một vòng tròn hoàn hảo. Để liên hệ với học thuyết hiện đại, chúng ta hãy xét đến Albert Einstein, người đã làm chao đảo thế giới vật lý thế kỷ 20. Ông tuyên bố rằng khối lượng của vật thể đã làm cho không gian bị “lún” xuống, gây cho không gian xung quanh nó một độ cong. Nhờ lực hấp dẫn và sự cong của không gian, trái đất hút mặt trăng về phía nó. Ngoài ra, tác động con lắc có xu hướng chạy sang bên này và bên kia với cùng một độ dài, thì một người nếu chịu đựng một đau khổ cùng cực, họ cũng có khả năng trải nghiệm phúc lạc lớn lao. Ngược lại, người nào cảm nhận ít nỗi đau họ cũng có thể cảm nhận được niềm vui nhưng ở mức độ thấp hơn. Và một hệ quả nữa của con lắc, là nó có xu hướng tự cân bằng, nên sẽ luôn có sự trả giá. Nếu một người đạt được một thứ gì, chúng ta bị mất đi thứ kia. Người giàu có đủ mọi thứ anh ta cần, nhưng anh ta sẽ mất đi khả năng nếm trải với cường độ tương tự một người nghèo khi trải nghiệm những thứ anh ta đang có.

Luật cuối cùng, thứ bảy, nói về giới tính trong tâm trí. Tất cả mọi thứ đều có tính chất nam và nữ ở bên trong. Giới tính hiện diện trong mọi tầng của sự sống và mọi thứ đều phản ánh hai giới tính. Quy luật nam giới luôn có phẩm chất thể hiện và cho. Nó thể hiện khả năng suy nghĩ, tưởng tượng và hoạt động. Phẩm chất nữ luôn có khả năng nhận và thể hiện ở nhiều thể và dạng hơn phẩm chất nam. Bản thân mỗi chúng ta đều có một phần nam và một phần nữ bên trong mình. Liên hệ với quy luật này, chúng ta hãy cùng nói đến quan điểm về giới tính của Jung. Jung cũng nói đến điều này trong luận điểm về anima, animus của ông. Ông cho rằng mỗi chúng ta đều đi tìm hình ảnh của người đàn bà hay đàn ông bên trong mình. Anima là tượng trưng trong nội tâm cho giới tính nữ trong cơ thể của người đàn ông. Còn Animus là là ngược lại; nó tượng trưng cho tính nam nội tâm trong cơ thể người đàn bà. này là chúng ta cần phải có sự cân bằng giữa giới tính nam và giới tính nữ. Quy luật này phản ánh rằng, thay vì cố gắng thể hiện phần nam hoặc phần nữ chiếm ưu thế, mỗi người phải đi tìm và cố gắng kết nối hai năng lượng này lại, tạo thành một sự hòa hợp bên trong. Nếu phần nam giới chiếm ưu thế, nó có xu hướng trở nên hỗn loạn, quá lý tính, hành động không có giới hạn. Nếu phẩm chất nữ chiếm ưu thế quá nhiều, nó sẽ có xu hướng bị u lì, không hoạt động, hay liên tục thất bại.

Tìm hiểu kỹ những quy luật này, sẽ thấy mỗi quy luật đều chứa đựng sáu quy luật còn lại. Không có quy luật nào là đơn lẻ cả. Chính vì vậy, từ việc thấu hiểu và tập trung vào chỉ một quy luật và biết được sự vận hành và hệ quả của nó, rất có khả năng chúng ta có thể liên hệ nó với những quy luật khác trong cùng một hệ thống. Một lợi ích rất lớn từ việc hiểu biết những quy luật trong Kybalion là giúp cho chúng ta có cái nhìn thấu suôt hơn về cuộc đời của chính mình và tránh được những sai lầm khi thiếu hiểu biết về những quy luật này. Thậm chí, những người vận dụng triết học Hermetic nếu hiểu rõ ràng và đúng những quy luật này, họ có thể thoát khỏi những quy luật và vận dụng nó, thay vì bị nó chi phối. Để bàn thêm sâu hơn về những hệ quả quan trọng khác, ta sẽ bàn đến nó ở trong những bài viết tiếp theo.


Tài liệu tham khảo:

– Giai điệu dây và bản giao hưởng vũ trụ – Brian Greence (NXB Trẻ)

– The Kybalion – The Three Initiates

– Từ xác định đến bất định – David Peat (NXB Tri thức)

BÀN VỀ KYBALION

Kybalion bao gồm những giáo lý cao nhất (được truyền bá) của Hermes Trismegistus còn được gọi là Thoth – Đấng trí tuệ tối cao của người Ai Cập.

Rất nhiều người nhầm lẫn giữa Kybalion và Kabbalah. Kabbalah là một nguyên lý bí truyền của Đạo Do Thái, còn Kybalion là giáo lý bí truyền của tư tế Ai Cập. Sau cùng thì Kabbalah được bắt nguồn từ Kybalion. Và một khi sự phân nhánh đã diễn ra thì tiến trình khó có thể đảo ngược, tuy nhiên vẫn có sự liên hệ giữa Hermes và Moses thông qua dòng dõi tư tế Ai Cập. Moses là một tư tế tối cao người Ai cập đã được phong thánh.

Kybalion là hệ tư tưởng triết học (Logos) trong khi Kabbalah là thần thoại (Mythos). Mục đích của Kybalion là có được trí tuệ thông thái trong khi mục đích của Kabbalah là thao túng quần chúng đám đông.

Kybalion giải thích Bảy nguyên tắc cơ bản của Thuật Giả Kim. Vũ trụ là tinh thần và đơn thuần là toán học, và chỉ có vậy. Còn vật chất là một hệ quả tất yếu của tâm trí, và là đó cách duy nhất để tâm trí trở nên ý thức hơn về chính nó.

Đối với những người có quan điểm duy vật biện chứng như những người vô thần hoặc người bất khả tri – vốn không nắm được quan niệm duy nhất rằng Vũ trụ hoàn toàn là tinh thần – thì những điều này là không thể thấm nhuần được. Tốt hơn là trước tiên cứ nỗ lực hết mình để hiểu về thế giới vật chất cho đến khi nhận ra rằng đây chỉ là một ngõ cụt.

The lips of wisdom are closed, except to the ears of Understanding.

— Kybalion

(Người khôn nói ít, nghe nhiều – Kybalion)

Lưới Vũ Trụ

Kinh Thánh, Ngũ Thư và Kinh Koran là thần thoại – là những câu chuyện mà người ta muốn tin chứ không hề có căn cứ hợp lý. Những bè phái khoa học duy vật nằm trong nhóm hiểu sai về những quy luật của Vũ Trụ. Những nhà khoa học không có cách nào để giải nghĩa về vật lý lượng tử mà không phải viện chứng đến linh hồn  vào vật lý lượng tử.

Kybalion là tư tưởng triết học. Hầu hết mọi người đều muốn tin vào những câu chuyện trong Kinh Thánh và như vậy thì những nhà khoa học duy vật sẽ chẳng có cách nào để hiểu Kybalion nói về cái gì.

Vũ Trụ đơn thuần là toán học có gốc rễ là cấu trúc đơn phân (Monadic structure). Nó có những điểm tương đồng mà những yogi vẫn gọi là Lưới Trời (Indra’s Net). Linh hồn bạn là một đơn nguyên (Monad) trong vô vàn những đơn nguyên khác. Một đơn nguyên là một điểm không (dimensionless – không có chiều không gian, không có kích thước) và bao hàm tất cả các bản thể (hay rung động) của tất cả các con số từ 0 đến vô cực, tất cả số âm, số ảo, và mọi số thực (như số Pi, số e, v.v…). Kết quả của đơn nguyên là số 0 – điểm không.

Mỗi đơn nguyên là độc nhất vô nhị và có vị trí của nó trong lưới Vũ Trụ (Cartesian), không vì lý do gì mà vị trí này lại quan trọng hơn vị trí khác. Tất cả đều như nhau, và cấp bậc cao nhất đạt được đó là sự nhận thức. 

Thứ khó nắm bắt nhất có lẽ là tất cả mọi thứ, toàn bộ vũ trụ này đều ở toàn vẹn và tồn tại trong một điểm không. Tất cả nằm trong một, và một nằm trong toàn thể. Điểm kỳ dị tạo ra ảo ảnh về một không gian đa chiều. 

Tại sao các Yogi nói rằng thế giới này chỉ là một ảo ảnh?

Các Yogi nói rằng thế giới vật chất chỉ là một ảo tưởng mà không giải thích chút nào về cái gì thay thế cho “vật chất”, điều này làm hầu hết mọi người mơ hồ và khó hiểu. Điều mà họ muốn nói ở đây chính là: vật chất được tạo ra từ tâm trí, chứ không phải ngược lại.

Vật chất là một ảo tưởng là sai. Vật chất là một dạng biểu hiện khác của năng lượng và tất nhiên đó không phải là ảo tưởng, nó chỉ ít đúng đắn hơn.

Vật chất nảy sinh khi năng lượng chảy qua trường Higgs, nó làm các hàm sóng bi bẻ cong, và chính sự thay đổi này làm năng lượng hiển thị dưới dạng mà ta vẫn gọi là “vật chất”.

Bằng trực giác, tôn giáo phương Tây cuối cùng cũng đã nắm được rằng tâm trí là thứ vận hành thế giới vật chất. Nhưng vì tâm trí vẫn là thứ thuộc về trực giác và thường mơ hồ, bí ẩn nên nó chưa bao giờ thuyết phục được những người có đầu óc duy lý điển hình. Rốt cục thì quan điểm của tôn giáo phương Tây cũng đúng, và đó là một trong những lý do để quay vào bên trong (thiền định), phớt lờ các tiếp nhận cảm giác là một trong những cách tốt nhất để tìm ra chiếc chìa khóa chính mở ra cánh cổng Vũ Trụ.

Những giác quan không phải là một phần của Chân Lý, chỉ có não bộ. Chỉ não bộ mới có khả năng tuân thủ các quy luật ngặt nghèo của toán học và tìm ra Chân Lý. Và tất cả những gì Kybalion nói là về Chân Lý.

Luật Tinh thần
Vũ trụ là tinh thần. Nguyên lý đầu tiên của Chân Lý là: những hình thức và biểu hiện bên ngoài mà chúng ta vẫn biết dưới dạng hiện tượng vật chất của Vũ trụ không gì khác ngoài Tâm Trí. Những cảm giác thân thể không thể nhận biết được sự thật.

Kybalion cho rằng Chân Lý là thứ không thể biết và không thể định nghĩa được, nhưng nó thể hiểu như Toàn Thể, Thượng Đế, Tâm Thức Tỉnh.

Hiểu biết về nguyên lý Giả Kim thuật cho phép người mới nắm bắt được những quy luật của Vũ Trụ Tinh Thần và áp dụng những điều đó cho sự hạnh phúc và tiến bộ của chính mình. 

Kybalion chỉ ra rằng “khi sở hữu được chìa khóa chủ chốt, người học có thể mở toang rất nhiều cánh cửa tinh thần và tâm linh của đỉnh cao tri thức và bước qua một cách tự do và hiểu biết.”

Trong khi với tư duy sai lầm như hầu hết những người theo Độc Thần Giáo (Abrahamist), người vô thần (Atheists) và những nhà khoa học (Scientists) thì không thể nắm bắt được sự thật, và tinh thông thì lại càng không thể. Họ gõ cửa một cách tuyệt vọng trước cánh cổng của “Ngôi đền”.

Vật lý lượng tử là giao điểm không thể tránh khỏi của Tâm Trí và Vật Chất. Tất nhiên là nếu bạn phủ nhận sự tồn tại của tâm trí thì chắc chắn bạn cũng vướng phải những khó khăn không thể vượt qua khi lý giải vật lý lượng tử.

Luật tương đồng
“Trên làm sao dưới làm vậy”, “dưới thế nào trên thế ấy” là nguyên lý phổ biến nhất của Kybalion và có lẽ cũng là nguyên lý bị hiểu sai nhiều nhất (vì hầu hết mọi người không biết về sáu nguyên lý còn lại).

Điều mà Hermes muốn gửi gắm qua nguyên lý này chính là: bạn có thể nắm bắt toàn bộ bản chất của Vũ Trụ bằng cách học hỏi từ chính môi trường của mình. Vũ Trụ được phản ánh trong vạn vật – thế giới vĩ mô được phản ánh trong thế giới vi mô. Những quy luật Vũ Trụ được chứa đựng trong phạm vi tinh thần và được thể hiện như những hiện tượng thuộc phạm vi vật chất.

Một vài ví dụ:

– Trận cuồng phong vs. dải Ngân Hà

– xoáy nước trong bồn rửa vs. lốc xoáy

– mạng lưới thần kinh vs. cụm thiên hà

– gân lá vs. mạng lưới sông ngòi.

Bạn hiểu đến đâu về môi trường nơi bạn sống trong vòng bán kính chỉ 100m? Nó bao gồm rất nhiều chi tiết vượt quá sự nhận thức. Nhưng nó bắt đầu với sự chuyển đổi từ một sự tiếp nhận vô thức thành một nhận thức có ý thức.

Luật rung động
Không có gì là đứng yên, mọi thứ đều chuyển động, tất cả đều rung động. Tất cả mọi người đều biết đây là chân lý tuyệt đối và không thể phủ nhận. Không có gì là mãi mãi, không gì có thể ngừng lại mà vẫn bảo toàn.

Rốt cục, mọi thứ đều rung động ở dạng sóng – sóng sin và cos. Bất cứ dạng sóng nào, dù phức tạp đến đâu, đều có thể được cấu thành từ sóng sin và cos cơ bản – còn được gọi là chuỗi Fourier. Vì dạng sóng là cơ sở của tất cả mọi thứ nên không gì có thể đứng yên. Chắc chắn vậy.

Các loại rung động (tần số, biên độ, dạng sóng) quyết định loại vật thể, chúng vận động và cảm nhận như thế nào, trông chúng ra sao và chúng thay đổi ở tốc độ nào.

Luật phân cực
Mọi thứ đều có tính đối ngẫu, mọi thứ đều lưỡng cực, mọi thứ đều có hai mặt đối nghịch. Đó là nóng và lạnh, đau ốm và mạnh khỏe, trên và dưới, trắng và đen, trái và phải… và sự liệt kê này có thể kéo dài đến vô tận. Ai cũng biết rằng mọi thứ đều có mặt đối nghịch và đó là cách tính đối ngẫu vận hành trong thế giới vật chất.

Linh hồn nằm trong điểm kỳ dị – nơi mà sự phân cực không thể tồn tại. Điểm kỳ dị là nơi chưa từng được biết đến, nơi mà không có gì ở phía trước. NÓ là tuyệt đối.

Để linh hồn phát triển nhận thức thì sự phân cực là một hiện tượng không thể thiếu. Ngay sau khi xảy ra vụ nổ Big Bang, Vũ Trụ đã mất nhận thức. Nhận thức sinh ra trong phạm vi của sự phân cực thông qua vòng phản hồi qua lại giữa tâm trí và vật chất.

Vũ trụ không ngừng tạo nên các chính đề và phản đề phối hợp với nhau. Sự kết hợp này lại tạo nên một cơ sở để hình thành những chính đề và phản đề mới, và cứ tiếp tục như vậy. Nó không bao giờ ngừng lại. NÓ là cách duy nhất để giải quyết các phương trình vũ trụ về thần thánh.

Luật nhịp điệu
Mọi thứ đều tuôn chảy, ra và vào, mọi thứ đều có dòng chảy của riêng mình, tất cả dập dềnh lên và xuống. Nguyên lý này là hiển nhiên đối với tất cả mọi người. KHông có gì tiếp tục đi theo một hướng nhất định mãi mãi. Có thể ta không nhận biết được một thứ nào đó vào một ngày nào đó lại có thể trở nên hoàn toàn khác biệt vì nhịp điệu của nó quá chậm chạp. Chính vì vậy ta có xu hướng kết luận rằng nó vẫn sẽ luôn như thế. Nhưng không gì có thể thoát khỏi quy luật vũ trụ.

– Không có ngọn núi nào chỉ có một triền núi lên hoặc xuống.

– Không ai sẽ giàu có suốt đời mà không có lấy một ngày khốn khó.

– Không ai chán chường hay hạnh phúc cả đời.

– Ai cũng được sinh ra rồi chết đi, lại được tái sinh và chết đi, và tiếp tục như thế.

– Vũ trụ bắt đầu bằng vụ nổ Big Bang(0) và hủy diệt ở điểm vô cực, và tiếp tục như thế.

Luật Nhân – Quả
Mọi nguyên nhân đều có kết quả của nó, và mọi kết quả đều có nguyên nhân của nó.

Mọi thứ diễn ra theo quy luật. Sự tình cờ không là gì ngoài một cái tên cho quy luật chưa được nhận ra. Nhân quả có rất nhiều tầng lớp, nhưng không gì nằm ngoài quy luật.

Không gì có thể tồn tại mà không có một nguyên nhân. Ta thường nói điều gì đó là ngẫu nhiên hoặc may mắn nhưng ta không thể thấy được những liên hệ giữa Nhân và Quả.

Thậm chí Nhân Quả tồn tại ngay cả khi thắng xổ số. Ta gọi đó là sự tình cờ hoặc may mắn, đó là biểu hiện của chẳng gì khác ngoài việc không hiểu gì về những nguyên lý cơ bản.

Mức độ cơ bản của sự hiểu biết về luật Nhân – Quả là nguyên tắc loại trừ của Pauli, nó là một phần của vật lý lượng tử. Nguyên tắc loại trừ của Pauli giải thích rằng: thực ra vật chất là ổn định và có khối lượng, và không có hai vật thể rắn nào có thể cùng một lúc ở một chỗ.

Mỗi hành động bạn thực hiện làm các điện tử thay đổi về mặt năng lượng, nó có ảnh hưởng đến tận cùng của Vũ Trụ. Tất cả những ý tưởng này có thể quá xa vời với nhiều người trong số chúng ta. Mặc dù đó là cơ sở của Luật Nhân Quả và cho cả những ý niệm về sự tình cờ hoặc may mắn. Một trong những chìa khóa chủ chốt nằm trong sự lĩnh hội nguyên lý này.

Mọi thứ đều được kết nối với những thứ khác, và chúng tác động lẫn nhau bất kể khoảng cách gần xa. Càng ít hoài nghi về điều này bao nhiêu thì khả năng nhận ra sự liên hệ giữa Nhân và Quả của bạn càng nhiều bấy nhiêu. Khoa học Duy vật không thể giải thích được sự sâu sắc của nguyên tắc loại trừ của Pauli. Rất nhiều nhà khoa học cho rằng Brian Cox đã sai lầm trong việc giải thích nguyên tắc loại trừ của Pauli, nhưng không phải như vậy. Và ý tưởng cho rằng vạn vật được kết nối với nhau đơn giản chỉ là quá khó hiểu đối với hầu hết mọi người.

Luật giới tính
Giới tính nằm trong vạn vật, mọi thứ đều có nguyên lý về Tính Nam và Tính Nữ của riêng nó. Nó biểu hiện trên tất cả các tầng lớp.

Mọi thứ nam tính đều có yếu tố nữ tính, và mọi thứ nữ tính cũng bao gồm yếu tố nam tính trong đó. Hiểu được nguyên lý này sẽ giải đáp được rất nhiều điều bí ẩn trong cuộc sống cũng như những bí ẩn về con người.

Không được phép lợi dụng nguyên lý này đối với con người, vì khi biết về nguyên lý này thì những phần ẩn khuất của con người sẽ bị hé lộ. Giới tính này được biểu lộ rõ rệt hơn ở bên ngoài thì giới tính còn lại sẽ thể hiện mạnh mẽ hơn ở bên trong. Vẻ ngoài mờ nhạt của một giới tính cũng phản ánh sự yếu ớt của giới tính còn lại bên trong.

Điều này cũng đúng với những suy nghĩ, mong muốn và nguyện vọng. Đây là cách tất cả mọi người được “dựng” lên.

Sự hiểu biết này sẽ mang lại khả năng thấu hiểu người khác tốt hơn và lường trước những nỗi sợ của họ theo cách tích cực hơn. Và đó là cách nó được phép sử dụng.


Kỳ thư Kybalion, Three Initiates – Soi rọi đêm tối vô minh của loài người

Điều đầu tiên mình muốn nói là mình thấy rất may mắn và vinh dự khi được viết review cho quyển sách Kỳ thư Kybalion. Tất cả những gì ấn tượng nhất với mình khi thưởng thức cuốn sách nhỏ bé chưa tới 200 trang này đó là nó tạo ra cảm giác giao thoa khi đọc hai kiệt tác trước đó là Cộng Hòa (Plato) và Chí Tôn Ca. Nó vừa thấm đẫm những triết lý bí truyền huyền nhiệm của tâm linh tôn giáo vừa dồi dào những kiến giải logic chặt chẽ với các hiện tượng tự nhiên hay sự nghiên cứu của các ngành khoa học hiện đại. Có thể nói, Kỳ thư Kybalion là một tuyệt phẩm mà chúng ta sẽ bỏ lỡ nếu không đủ tư duy và trí tuệ để đón nhận.

Nếu đọc triết phẩm Cộng Hòa, người ta bị xoắn não bởi việc phải huy động hết các liên kết thần kinh để thấu hiểu những lý luận logic; đọc Chí Tôn Ca, người ta bị nhức óc bởi những gì họ có thể lý giải đều quá bé nhỏ so với kết luận Đấng Chí Tôn Krishna, thì khi đọc Kỳ thư Kybalion, họ sẽ cảm thấy “bó tay toàn tập” vì chẳng hiểu gì cả. Nhưng nếu họ có khả năng nuốt trôi được hai kiệt tác kia thì cuốn sách này lại là sự cộng hưởng may mắn khi độc giả có thể giao tiếp với trí tuệ thần linh bằng một tư duy nhạy bén nhất của con người. Tức là bằng sự tập trung cao độ, lòng khiêm nhường sùng kính và tất cả những trải nghiệm thế giới sâu sắc nhất từng có, bạn có thể nắm bắt được những sự diễn giải chân lý từ những người khai ngộ – ba đệ tử của nhà huyền môn vĩ đại Hermes Trismegistus.

“Nếu ngươi không làm cho bản thân ngang bằng Thượng Đế, ngươi không thể nắm bắt được Thượng Đế; bởi hai cái giống nhau thì mới biết nhau. Bay qua tất cả những gì vật chất, và phát triển bản thân trở nên vĩ đại vượt mọi thước đo; vượt mọi thời gian và trở nên vĩnh cửu; thì lúc đó ngươi sẽ nắm bắt được Thượng Đế. Hãy nghĩ rằng không có gì là không thể đối với ngươi; nghĩ rằng chính bản thân ngươi cũng bất tử, và ngươi có thể thấu suốt mọi thứ, biết hết mọi môn khoa học; tìm thấy nhà mình trong nhà của mọi sinh linh; bay cao hơn mọi độ cao và chìm sâu hơn mọi độ sâu; mang vào trong mình mọi sự đối lập, nóng và lạnh, khô và ướt; nghĩ rằng ngươi đang ở khắp mọi nơi cùng một lúc, trên cạn, dưới biển, trên thiên đàng; nghĩ rằng ngươi chưa được sinh ra, rằng ngươi đang ở trong bụng mẹ, rằng ngươi còn trẻ, rằng ngươi đã già, rằng ngươi đã chết, rằng ngươi đang sống trong cõi giới bên kia ngôi mộ; hiểu rõ tất cả những thứ này cũng một lúc, mọi lúc mọi nơi, mọi liệu chất và phẩm chất và mức độ; thì lúc đó ngươi có thể nắm bắt được Thượng Đế. Nhưng nếu ngươi khép lại linh hồn trong cơ thể mình, rồi tự hạ thấp chính mình và nói ‘Tôi không biết gì, tôi không thể làm gì; tôi sợ đất sợ biển, tôi không thể lên được thiên đàng; tôi không biết tôi đã là gì, hay tôi sẽ là gì,’ vậy thì ngươi có dính dáng gì với Thượng Đế?”

— Hermes Trisgemistus, Hermetica (Nguyễn Hoàng Huy dịch)

Cá nhân mình thấy rất vui sướng khi được tiếp cận với cuốn kỳ thư này vì trong quá trình tìm hiểu về chân lý và thực hành tu tập mình vẫn gặp những vướng mắc nhất định trong tư tưởng mà không sao vượt qua được. Chúng để lại những khoảng tối trong nhận thức và những e sợ nghi ngờ nhe nhóm về con đường Đạo mình đang bước đi. Sự thật tối hậu có bất khả tri không? Tình yêu vô điều kiện có thể đạt tới? Âm dương bên trong mỗi con người được biểu lộ như thế nào? Đạo lý của cha ông về bổn phận của nam nữ có phải đúng đắn? Tất cả những nghi vấn đó đều được gỡ giải một cách ngoạn mục và dễ dàng bởi sự diễn đạt tường minh và mạch lạc của những tác giả. Trong vài giờ đọc cuốn sách này, mình liên tiếp có cảm giác như tâm trí được giải phóng và sáng bừng lên vui sướng. Mình chỉ muốn được chia sẻ ngay những điều mình đã hiểu ra với thế giới, muốn được loan tin mừng với mọi người, rằng đây chính là con đường chân lý, không còn nghi ngờ gì nữa.

Cuốn sách này rất mỏng, không tốn quá nhiều thời gian để đọc, nhưng bù lại, nó tốn nhiều thời gian để nghiền ngẫm, trải nghiệm mà thấu hiểu. Nội dung xoay quanh 7 nguyên lý thần thánh, đúng trên mọi tầng mức nhận thức, và là những quy luật tối cao của thực tại.

Nguyên lý tâm thức
Nguyên lý tương ứng
Nguyên lý dao động
Nguyên lý đối cực
Nguyên lý tiết nhịp
Nguyên lý nhân quả
Nguyên lý giới tính
7 nguyên lý này đều được đúc rút trong những lời ngắn gọn và mang tính đối xứng cao, tương tự như cách viết của Chí Tôn Ca. Cùng với sự diễn giải của ba người khai ngộ thì những nguyên lý đó được phơi bày một cách thân thiện và dễ hiểu hơn bao giờ hết. Nếu có một sự tưởng tượng về ba người đệ tử này, ta không biết họ là những nhà khoa học hay những bậc tu tế hay những triết gia, hay cả ba. Các tác giả có sự liên kết nội dung của các nguyên lý thần thánh với những hiện tượng tự nhiên gần gũi như chuyện yêu ghét của con người, chuyện quả lắc hoạt động, chuyện khúc gỗ trôi dọc theo dòng hay chuyện các nguyên tử hoạt động, v.v… Tất cả mọi thứ được kết nối và được nhìn ra cùng với nguyên lý thiêng liêng chứ không còn là những sự kiện hững nhờ nhàm chán. Nhờ những mối liên kết minh họa ấy mà các tác giả khiến người đọc phải chú ý nhiều hơn đến những gì xảy ra xung quanh mình, biết đâu chuyện ngồi ngõ bàn phím máy tính cũng là một phép màu và chuyện vặn nước rửa rau cũng hàm chứa sự thần diệu.

Tưởng chừng như 7 nguyên lý đó là cao siêu phi thực, nhưng không hề. Chúng là thứ có thể mang ra áp dụng ngay trong đời sống thường ngày, trong việc cân bằng cảm xúc tư tưởng, làm chủ chính mình, thăng tiến trong Đạo lộ và góp phần cải thiện thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn để sống. Các nguyên lý này hỗ trợ mình rất mạnh trong việc thực hành thiền và cân bằng nhận thức, thậm chí nó giúp mình kết nối và tương tác với những người xung quanh tốt hơn, khai mở tâm trí và trái tim mạnh mẽ hơn. Nó như là những mảnh ghép để hoàn thiện những điều mình còn yếu kém, những điều mà tự thân trải nghiệm chưa đạt tới tầng sâu sắc ấy.

Khi đọc mỗi nguyên lý này, mình đều có những liên hệ tới những lời trí tuệ từ những bậc khả kính khác (Rumi, Terence McKenna, Đức Phật, Dalai Laima, Soyal Rinpoche, Lão Tử, Khổng Tử, v.v…) và thấy có rất nhiều điểm trùng khớp tương đồng. Họ đều đang cùng nói về một thứ dưới nhiều cách diễn giải khác nhau. Như thể tất cả họ là những sứ giả đến từ tương lai và đang góp phần nâng cao rung động của nhân loại bằng việc truyền tải những tầng nhận thức tiến hóa vượt trội – thứ đa số con người ở trong vùng tăm tối u mê luôn phản kháng điên cuồng trước khi có thể đón nhận. Nhân loại phải bỏ ra hàng ngàn triệu năm trải nghiệm học hỏi để có thể tường thông được những chân lý ấy.

Kỳ thư Kybalilon không chỉ là ngọn đèn soi rọi đêm tối vô minh của con người, mà còn là gáo nước lạnh dội thẳng vào nhận thức khoa học duy vật bảo thủ. Ngay từ nguyên lý đầu tiên đã khẳng định “Vạn hữu là tâm trí, vũ trụ là tâm thức” và xuyên suốt cuốn sách là sự chứng minh nguyên lý ấy. Tất nhiên, các tác giả đủ thông thái để dẫn dắt minh chứng tiến bộ của khoa học lượng tử hiện đại trong việc khám phá dần tới bản chất tinh thần của vạn vật. Độc giả càng nhiều bám chấp thì Kỳ thư Kybalion càng tung ra nhiều cái tát nổ đom đóm mắt.

“Khoa học đang di chuyển dần tới vị trí Hermetic bằng sự dò dẫm trong bóng tối để tìm lối ra khỏi mê cung mà nó đang lang thang trong cuộc tìm kiếm Thực tại.”

Cuối cùng, một điều mình thấy rất tuyệt vời ở tác phẩm này đó là nó giải quyết được tư duy nửa vời phiến diện của người bước đi trên con đường tu tập, bằng cách chỉ ra hai mặt của một vấn đề và sự vướng mắc của môn sinh do thiếu nhận biết đối cực còn lại. Điều quan trọng hơn cả là nó nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thực hành đạo lý, nâng cấp chính mình trong đời sống, và tập trung sống một cuộc đời dồi dào ý nghĩa. Đây chính là những gì Triết Học Đường Phố vẫn kiên trì truyền đạt tới mọi người trong suốt quãng thời gian qua.

“Công việc của chúng ta trong Vũ trụ không phải là để phủ nhận sự tồn tại của nó mà là để ‘sống’, để sử dụng những Luật để vượt từ thấp hơn lên cao hơn – tiếp tục sống, làm điều tốt đẹp nhất có thể, dưới mọi tình huống nảy sinh mỗi ngày, và sống ở mức độ khả thi nhất bằng những tư tưởng và những lý tưởng cao nhất.”

Tóm lại, Kỳ thư Kybalion là một kiệt tác của nhân loại và sẽ là cứu cánh kịp thời cho sự thoái hóa nhận thức của con người thời đại ngày nay. Nó sẽ luôn là ánh sáng bập bùng trong màn đêm u mê của thế giới. Nên ai muốn đen thì cứ gần mực, còn ai muốn rạng ngời thì hãy tiến lại gần đèn.

Một số câu trích dẫn yêu thích của mình từ cuốn sách (không kể tới 7 trích dẫn nguyên lý):

Hãy nhìn vào nhiệt kế và xem liệu bạn có thấy được đâu là cái “nóng” chấm dứt và đâu là cái “lạnh” bắt đầu. (Câu này tương tự với câu nói của đại thi hào Rumi: “I don’t know where I end and you begin.”)
Sự Làm chủ bao gồm không phải những giấc mơ khác thường, những thị kiến và những tưởng tượng hoặc cách sống kỳ quái, mà dùng những lực lượng cao hơn chống lại cái thấp hơn – thoát khỏi đau khổ của những tầng thấp hơn bằng sự dao động ở tầng cao hơn. Sự Chuyển hóa, không phải là sự phủ nhận trong tự đắc, là khí giới chính của bậc Đạo Sư.
Tất cả đều ở trên Đạo lộ mà cùng đích là Vạn hữu. Mọi tiến bộ là một cuộc Trở về nhà.
Làm sao có thể miêu tả ánh sáng cho người mù bẩm sinh, miêu tả chất đường cho kẻ chưa từng nếm thứ gì có vị ngọt, làm sao miêu tả hòa âm cho người điếc?
Phải chăng đại đa số con người chỉ là những cái bóng và những tiếng vang của người khác vốn có ý chí và tâm trí mạnh hơn bản thân họ?
Vạn hữu ở trong con giun đất, nhưng con giun đất không bao giờ là Vạn hữu.