Thứ Tư, 30 tháng 5, 2018

Huyền Ngôn Xanh

115. Cây tỳ bà không phải vì khảm ngà cẩn ngọc mà thành hay. Sự huyền diệu là ở ngón tay người nghệ sĩ.

130. Phẩm hạnh là ngà ngọc nơi thiên giới. Thiện hữu hãy tự giũa tư trang để tô điểm mai sau.

167. Hạt cát ở lòng - là nguyên nhân cho nỗ lực con trai kết thành châu báu. Hạt lệ trong mắt - là cội nguồn cho mọi tấm lòng trắc ẩn, nhân hậu của chúng ta.

197. Ngọc báu gặp nhau còn sáng ra. Thiện hữu gặp nhau thì có khí mùa xuân trong đôi mắt ấm. Cây đàn hay dễ mấy khi gặp được tay nghệ sĩ hiểu mình?

198. Chim có bạn thì ríu rít.
Ngọc có đôi thì hài hòa.
Nhạc cụ có nhau thì trầm bổng.
Thiện hữu họp nhau thì cảm đến trời xanh!

324. Vào quán trần gian - hãy chọn một chỗ ngồi thoải mái, gọi những món vừa miệng mình - và nâng ly chúc mừng nhau. Chẳng có gì ngon nhất với mọi người - Đúng nhất cho tất cả.

371. Nếu biết đời là giấc mộng lớn - thì nhẹ nhàng với mọi đắc thất thăng trầm. Cùng nhau làm đẹp cuộc sống - dập tắt tiếng khóc và sẻ chia nụ cười.|

448. Ánh trăng làm cảnh vật cỏ hoa thêm mê hoặc. Cái đẹp chính là hội tụ giữa hư và thực, vĩnh cửu và mong manh...

~ Phạm Thiên Thư



Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2018

Giao Tiếp Phi Bạo Lực


Nguồn: Lê Nguyễn Trần Huỳnh - Personal Coach

Giao tiếp bất bạo động (Nonviolent Communication) là một phương pháp giao tiếp đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả được phát triển bởi tiến sĩ Marshall Rosenberg, được áp dụng trong việc hàn gắn và giải quyết mâu thuẫn giữa các mối quan hệ cá nhân, trong gia đình, các tổ chức và thậm chí giữa các quốc gia.
Video này là toàn bộ Khóa học Giao tiếp bất bạo động của tiến sĩ Marshall Rosenberg tại thành phố San Francisco (Hoa Kỳ), được dịch bởi nhóm dịch của Personal Coach và trang web Nghethuatlanhdao360.com. Với những dẫn dắt, tương tác, ví dụ sinh động, cụ thể và dễ hiểu, chúng ta sẽ thấy được bức tranh tổng quan của Giao tiếp bất bạo động và cách áp dụng nó vào các mối quan hệ hàng ngày của mình.
Cuốn sách Nonviolent Communication: A language of life (tạm dịch: Giao tiếp bất bạo động – Ngôn ngữ của cuộc sống)  của tiến sĩ Marshall đã được bán trên 1 triệu bản và được dịch sang hơn 30 thứ tiếng khác nhau trên toàn thế giới.
P/s: Nếu bạn đã xem xong khóa học và muốn tìm hiểu nhiều hơn nữa về phương pháp này, bạn có thể gửi email đến lenguyentranhuynh@gmail.com để nhận ebook (tiếng Anh) của quyển sách.
Bài viết liên quan đến chủ đề Giao tiếp bất bạo động:
*****
Thấu cảm với chính mình

“Nếu bạn không yêu thương bản thân mình, thì bất kể có bao nhiêu người yêu thương bạn, nó vẫn sẽ không bao giờ là đủ” – Tiến sĩ tâm lý Menis Yousry.

Trong bài viết Khi một người đau khổ, hãy hiện hữu mà thôi được nhiều bạn quan tâm và chia sẻ, tôi đã viết về một trong những nguyên tắc của phương pháp Giao tiếp Bất bạo động (Nonviolent Communication – một phương pháp giao tiếp nổi tiếng thế giới được phát triển bởi tiến sĩ Marshall Rosenberg), đó là việc hãy chỉ hiện hữu và thấu cảm với một người đang gặp khó khăn về mặt tâm lý, thay vì cố gắng cho lời khuyên, trấn an, dạy dỗ, dò hỏi, kể lể hay sửa chữa họ. Nhưng có một điều còn quan trọng hơn khả năng hiện hữu và thấu cảm đối với người khác, và việc này cần xảy ra trước tiên, đó là khả năng hiện hữu và thấu cảm đối với chính bản thân mình. Vì suy cho cùng thì, làm sao chúng ta có thể dành sự chấp nhận, yêu thương và thấu cảm cho người khác, khi chúng ta chưa dành sự chấp nhận, yêu thương và thấu cảm cho riêng mình? 

“Chừng nào chúng ta còn cố trừng phạt bản thân vì những hạn chế của mình thì chứng đó chúng ta chưa tìm được hòa bình” – Mahatma Gandhi

“Bóng tối không thể xua tan đi bóng tối; chỉ ánh sáng là có thể. Hận thù không thể xua tan đi hận thù; chỉ tình yêu là có thể” – Martin Luther King, Jr

Người ta thường nói với bạn rằng: bên trong mỗi con người đều tồn tại những mảng sáng và những mảng tối. Tuy nhiên, sự thật thì, bóng tối không hề tồn tại, nó không có thực. Cũng giống như trong một căn phòng, nếu bạn tắt đèn đi, bóng tối sẽ xuất hiện; nếu bạn bật đèn lên lại, bóng tối sẽ biến mất. Bạn có thể làm một điều gì đó với ánh sáng, nhưng bạn không thể tác động đến bóng tối. Nếu bạn chiến đấu với bóng tối và cố gắng đè nén nó, chắc chắn bạn sẽ thất bại. Vì suy cho cùng, làm sao bạn có thể đánh bại được một thứ không có thực? Việc chúng ta dằn vặt, chỉ trích, phán xét, trừng phạt bản thân mình chính là việc chúng ta đang chiến đấu và cố gắng đè nén bóng tối bên trong mình. Làm như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ thất bại, sẽ cảm thấy bất lực, và chỉ làm cho bóng tối trong chúng ta trở nên lớn mạnh thêm. Nhà tâm lý học nổi tiếng Carl Jung cũng từng nói: “What you resist, persist”, tức bất cứ điều gì mà bạn chống lại, thì nó sẽ càng được củng cố thêm sức mạnh. Thay vì làm việc vô ích ấy, chúng ta hãy mang ánh sáng vào.

Chúng ta mang ánh sáng vào bằng cách nào? Chúng ta mang ánh sáng vào bằng cách trao cho bản thân mình sự thấu cảm. Trong bài viết “Khi một người đau khổ, hãy hiện hữu mà thôi”, mình đã viết về sự thấu cảm dành cho người khác dựa trên một trong những nguyên tắc của Giao tiếp bất bạo động: Chúng ta thấu cảm với người khác bằng cách chỉ hiện hữu, chấp nhận và kết nối với điều đang thực sự sống bên trong trái tim họ, chính là những cảm xúc và nhu cầu. Chúng ta làm điều tương tự để trao sự thấu cảm với bản thân mình: hiện hữu và kết nối với điều đang thực sự sống bên trong mình, với những cảm xúc và nhu cầu của chính mình. 

Một nguyên tắc cơ bản của Giao tiếp bất bạo động đó là: bên dưới bất kỳ một lời chỉ trích, phán xét, than phiền nào cũng là một cảm xúc (feeling) và một nhu cầu chưa được đáp ứng (unmet need). Bên dưới những câu nói mang tính tự dằn vặt, phán xét và trừng phạt bản thân như “Mình là một đứa vô dụng. Mình chẳng thể làm nên trò trống gì!”, hay “Sao mình lại có thể hành động ngu ngốc như vậy chứ?”, hay “Mình đúng là một đứa chuyên gây rắc rối!”,…cũng là một cảm xúc và nhu cầu nào đó của bản thân chưa được đáp ứng. Khi bạn kết nối với điều đang thực sự sống (điều diễn ra trong trái tim), tức những cảm xúc và nhu cầu chưa được đáp ứng ấy, thay vì tự phán xét, chỉ trích và trừng phạt chính mình (điều diễn ra trong cái đầu), một phép màu tự chữa lành sẽ diễn ra một cách tự nhiên bên trong bạn. Vì vậy, mỗi khi bạn nhận ra mình đang dằn vặt, chỉ trích, phán xét, trừng phạt bản thân mình, hãy đặt cho mình hai câu hỏi sau:

Cảm xúc và nhu cầu chưa được đáp ứng nào của mình đang được thể hiện thông qua việc tự dằn vặt, chỉ trích, phán xét, trừng phạt bản thân này?

Khi mình có hành động khiến bây giờ mình cảm thấy tội lỗi, nhu cầu nào lúc ấy mà mình đã cố gắng đáp ứng?

“Hãy là sự thay đổi bạn muốn nhìn thấy trên thế giới” – Mahatma Gandhi

“Nếu bạn có thể hòa bình với chính mình, bạn có thể hòa bình với bất kỳ ai” – Tiến sĩ Menis Yousry

Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần phá tan khuôn mẫu xu hướng tự chỉ trích, trừng phạt bản thân mình, và đem cho mình nhiều sự chấp nhận, thương yêu và thấu cảm hơn. Tại sao trên Thế giới lại có quá nhiều bạo lực, chiến tranh và trừng phạt? Đó là vì mỗi cá nhân của chúng ta đã và đang tạo ra quá nhiều bạo lực, chiến tranh và trừng phạt với chính bản thân mình. Thế giới bên ngoài thì là phản chiếu của những thứ xảy ra bên trong chúng ta. Bằng cách đem sự thương yêu và thấu cảm với chính mình, bạn sẽ bắt đầu đem lại tình thương yêu, thấu cảm và hòa bình đến với cuộc sống.

Khi một người đau khổ, hãy hiện hữu mà thôi

"Nếu bạn yêu một ai đó, món quà lớn nhất mà bạn có thể trao cho họ, đó là sự hiện hữu của bạn" - Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Thấu cảm (Thấu hiểu và Cảm thông) là khả năng hiểu và cảm nhận được điều mà người khác đang cảm nhận. Trong mối quan hệ với người khác, sự thấu cảm chỉ xảy ra khi chúng ta buông bỏ được những ý niệm, đánh giá về họ, buông bỏ suy nghĩ rằng: “Giúp họ cảm thấy tốt hơn là trách nhiệm của mình”, và buông bỏ những hiểu biết lý trí như: “Điều này bắt đầu từ lúc nào?” và khát khao “sửa chữa” vấn đề. Những hiểu biết về mặt trí tuệ ấy chỉ làm trở ngại nhân tố để sự thấu cảm có thể xảy ra. Nhân tố để sự thấu cảm xảy ra là gì? Đó là sự hiện hữu: chúng ta hoàn toàn có mặt và hiện hữu với người kia và điều họ đang cảm nhận. Thấu cảm chính là khả năng yên lặng trí óc và lắng nghe với toàn bộ sự hiện hữu. Tuy nhiên, sự hiện hữu này không dễ để duy trì. Nhà văn người Pháp Simone Weil khẳng định: “Khả năng trao sự chú tâm của một người với một người đang đau khổ là hiếm và rất khó; hầu như đó là một phép màu; đó là một phép màu. Gần như tất cả những người nghĩ rằng họ có khả năng đó không sở hữu nó”. Thay vì thấu cảm, chúng ta có sự thôi thúc mạnh mẽ để cho lời khuyên, trấn an, dạy dỗ, kể lể, thương hại,…Sự thấu cảm, ngược lại, đòi hỏi chú tâm hoàn toàn vào thông điệp của người kia. Điều gì đang thực sự xảy ra bên trong họ? Họ đang có cảm xúc gì, và những nhu cầu nào của họ chưa được đáp ứng?

“Hãy nhìn cây tùng trước sân. Cây tùng xanh tươi, mát mẻ, đẹp đẽ. Cây tùng chẳng “làm” gì cả, nhưng ai cũng được hưởng lợi lạc. Đây là phép là của sự có mặt” – Thích Nhất Hạnh, trong Quyền lực đích thực.

Theo tiến sĩ Marshall Rosenberg, đằng sau bất cứ một lời chỉ trích, phán xét, than phiền nào cũng tồn tại một cảm xúc và nhu cầu nào đó chưa được đáp ứng. Nếu bạn hiểu và nhớ điều đó, bạn sẽ không còn nghe bất cứ một lời chỉ trích, phán xét, than phiền nào nữa. Vì tất cả những gì bạn nghe thấy chỉ là một cảm xúc và nhu cầu chưa được đáp ứng của người kia mà thôi.

Bạn hãy để ý, những lời đáp B không hề “phán” cảm xúc và nhu cầu của người kia là gì, mà chỉ nêu ra lời phỏng đoán dưới dạng một câu hỏi. Điều này không chỉ giúp người kia hướng sự chú tâm vào điều trái tim mình thực sự đang cảm nhận (thay vì dùng cái đầu để chỉ trích, phán xét), mà còn cho họ cơ hội để chỉnh sửa lại nếu phỏng đoán của chúng ta chưa chính xác. Bằng cách này, chúng ta trao cho họ thời gian và không gian họ cần để bày tỏ được trọn vẹn và cảm thấy được thấu cảm. Và khi họ cảm thấy mình được thấu cảm, sự tự chữa lành bên trong họ sẽ tự động xảy ra mà chẳng cần bạn làm gì. Hoặc đôi khi, những lời khuyên, lời trấn an,…phù hợp sẽ tự thông qua bạn mà thể hiện.

...bạn hoàn toàn có thể nói những câu theo lời đáp B một cách im lặng. Bạn có thể chỉ cần sử dụng ánh mắt để thể hiện ý định của mình. Ánh mắt của bạn sẽ rất khác khi bạn thực sự hiện hữu và quan tâm đến cảm xúc và nhu cầu của người đối diện, so với khi bạn ý định của bạn là dò hỏi, sửa chữa, kể lể hay dạy dỗ họ. Và một lần nữa, để làm được điều đó, chúng ta cần phải thực sự 100% hiện hữu, có mặt ở đó với họ, như lời khuyên của các tín đồ đạo Phật rằng: “Không cần làm gì cả. Chỉ hiện hữu mà thôi” (Don’t just do something, stand there).

Hiểu về giận dữ

...khi sự chú tâm của chúng ta nằm ở những suy nghĩ về hành động mà chúng ta cho là “sai” của người khác, chúng ta sẽ cảm thấy giận dữ. Nhưng khi sự chú tâm được chuyển về những nhu cầu của chúng ta, chúng ta có thể sẽ cảm thấy sợ hãi, đau buồn, chán nản…nhưng không còn là giận dữ nữa. Và khi chúng ta có thể chia sẻ những cảm xúc và nhu cầu ấy của mình cho người khác, có nhiều khả năng là nhu cầu của chúng ta sẽ được đáp ứng hơn.

Không có gì sai với cảm giác giận dữ. Rất nhiều người trong chúng ta đã được dạy rằng giận dữ là “sai”, và để là một người “tốt”, thì chúng ta không được giận dữ. Và thế là chúng ta kiềm nén cơn giận của mình. Thực ra, giận dữ là người bạn của chúng ta. Giận dữ nhắc nhở chúng ta rằng, chúng ta đang mất kết nối với những nhu cầu của mình, và chúng ta đang có những suy nghĩ góp phần tạo ra bạo lực. Giận dữ thức tỉnh chúng ta, và cho chúng ta cơ hội để chuyển hóa những suy nghĩ ấy thành những suy nghĩ có khả năng tạo ra hòa bình trên hành tinh này.

Trở về với trái tim

“Dám thể hiện sự tổn thương có thể giúp chúng ta giải quyết những mâu thuẫn” – Tiến sĩ Marshall Rosenberg

“Thể hiện sự tổn thương là rủi ro mà chúng ta phải chấp nhận nếu như chúng ta muốn có sự kết nối” – Tiến sĩ Brene Brown

...bên dưới bất kỳ một sự chỉ trích, phán xét, suy diễn,...nào, cũng là một nhu cầu nào đó đang không được đáp ứng của chúng ta. Khi chúng ta có thể kết nối với những nhu cầu của mình và chia sẻ những nhu cầu ấy cho người khác, cũng như nhìn thấy được những nhu cầu của người khác bên dưới mỗi hành động của họ, chúng ta sẽ có thể tạo ra một dòng chảy mà ở đó, cả hai bên đều mong muốn làm cho cuộc sống của nhau trở nên đẹp hơn, bằng cách quan tâm và đáp ứng những nhu cầu ấy của nhau nhiều nhất có thể. Đó là cách để chúng ta quay trở lại với cuộc sống, trở lại với bản chất chân thật thánh thiện của mình.

...Chiến tranh và bạo động trên thế giới có lẽ sẽ không bao giờ có thể xảy ra, khi mọi người có thể ở lại trái tim, kết nối với nhu cầu của mình và người khác, vì về mặt nhu cầu, chúng ta không hề có sự cách biệt nào cả. Nhu cầu giúp chúng ta nhìn thấy “phần người” của nhau, và nhận ra chính mình bên trong tất cả mọi người. Nhưng thay vì thế, chúng ta lại thường xuyên “leo lên cái đầu” và lao vào những trò chơi “đúng – sai”; “thắng – thua”; “tốt – xấu”,…Nếu không nhận thức được sự điên rồ này, một ngày nào đó, con người có thể sẽ tự giết chết chính mình.

Hòa giải mâu thuẫn

Qua nhiều năm hòa giải những mâu thuẫn, càng nhìn thấy điều gì dẫn đến những tranh cãi trong gia đình, điều gì đã dẫn đến chiến tranh giữa các quốc gia, tôi càng tin rằng thậm chí những đứa trẻ tiểu học cũng có thể giải quyết những mâu thuẫn đó. Nếu ta nói với chúng rằng: “Đây là những nhu cầu của hai bên, và đây là những nguồn lực họ có. Con nghĩ chúng ta có thể làm gì để có thể đáp ứng nhu cầu của cả hai?”, thì mâu thuẫn có thể sẽ dễ dàng được giải quyết. Nhưng bi kịch là, chúng ta đã không được dạy để nghĩ đến những nhu cầu của nhau. Thay vào đó, chúng ta lại được dạy cách phán xét, suy diễn, phân tích, dán nhãn lên nhau, và do đó, thậm chí một mâu thuẫn đơn giản nhất cũng trở nên vô cùng khó để giải quyết.





Thứ Hai, 21 tháng 5, 2018

Mở và đóng luân xa


Tác giả: M. T. M

..."Khi bạn học cách chuyển mãnh lực của linh hồn bạn từ bên dưới cơ hoành đến các trung tâm cao hơn (đó là vấn đề của tất cả các đệ tử đang được huấn luyện), tình trạng thể chất của bạn sẽ được giảm nhẹ. Do đó, một trong những điều đầu tiên bạn sẽ phải làm là đóng luân xa tùng thái dương lại, tránh sự xâm nhập của những lực từ cõi trung giới và mở nó ra để tiếp nhận các lực từ cõi giới linh hồn thông qua trung tâm đỉnh đầu. Bạn phải học cách hoạt động mạnh mẽ hơn từ trung tâm giữa chân mày là luân xa ajna. (DINA I).

Trong đoạn trên, từ đóng và mở được dùng để chỉ việc cho hay không cho các lực từ một cõi giới thâm nhập vào một luân xa, không liên quan chi đến tình trạng “mở” hay “đóng” của các luân xa. Trong quá trình tiến hoá, luân xa của con người có kích thước, màu sắc, tốc độ rung động khác nhau phản ảnh trình độ tiến hoá của con người. Đức DK mô tả tình trạng khai mở của các luân xa bằng 5 biểu tượng:





Giai đoạn 1 tương ứng với trình trạng người thú và giai đoạn 5 của một điểm đạo đồ bậc cao. Thỉnh thoảng, Ngài có mô tả tình trạng các luân xa của một đệ tử để họ nắm biết.  

...Trong đoạn trên, khi Ngài nói luân xa tùng thái dương đạt được 75% thức tỉnh có nghĩa là nó đã đạt được 75% của khả năng khai mở tối đa của một luân xa. Trong đoạn trên, ta cũng chú ý Ngài lưu ý đến sự cân bằng của các luân xa. Trong các luân xa thì luân xa Ajna kém hoạt động nhất nên Ngài dạy cho BSD một bài tham thiền để kích hoạt nó, còn luân xa tùng thái dương đã hoạt động quá mạnh rồi, không cần kích hoạt thêm nữa mà phải hãm bớt nó lại. Làm thế nào tác động lên các luân xa. Chắc chắn là không thể như trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung: vị thầy dùng bàn tay truyền công lực để giúp người đệ tử mở nó . Chính thông qua tham thiền và các phương pháp thở đặc biệt, nhưng phải dưới sự giám sát và hướng dẫn của một người biết cách. Do đó, tôi không tin việc một vị Thầy giúp một ai đó mở luân xa, vì nếu điều đó dễ dàng như vậy thì mọi người sẽ sớm thành Tiên thành Phật.
.
Một vài điều nói thêm. Trước đây dịch giả Nguyễn Hữu Kiệt dịch luân xa tùng thái dương (Solar Plexus) là bí huyệt đan điền, luân xa Ajna là bí huyệt Ấn Đường, luân xa đỉnh đầu là bí huyệt Bách Hội v.v… Theo tôi, không nên dịch như vậy vì các huyệt của Đông Y là các minute centres trong giáo lý của đức DK, và ta không biết chắc chắn vị trí của các huyệt đông y như thế nào so với các luân xa chính. Ví dụ theo Đông Y thì huyệt đan điền nằm dưới rốn 3cm, trong khi theo đức DK thì luân xa tùng thái dương nằm trên rốn, trong vùng giữa rốn và chỗ lõm giữa xương ức. Các tác giả Tây Phương (như Leadbeater, Barbara Brennan…) nói luân xa nằm phía trước một người (riêng Brennan thì nói luân xa có hai phần: phần phía trước thân và phần sau thân). Đức DK không phủ nhận, nhưng Ngài dạy đệ tử chỉ làm việc với luân xa nằm phía sau thân mình, và đây là điều quan trọng.

M.T.M

Phương pháp trên con đường tự tri:

...Tuỳ cá tính, khuynh hướng, ưu khuyết điểm, sự thích ứng yêu thích riêng mà chúng ta chọn cho mình 1 phương cách đi. Chúng ta được khuyên chọn sự quân bình, sự thăng bằng, và sự an toàn. Nói theo Phật giáo không có gì thăng bằng hơn con đường Trung Đạo. Nói theo Yoga: Rajas Yoga một Yoga tổng hợp 3 yogas: Karma yoga (hành động), Bhakti yoga (sùng tín của trái tim) và Jnana yoga (minh triết của đầu óc).

Riêng về an toàn, xin có 1 ý kiến nhỏ: nên thận trọng về những vấn đề như vận công, khí huyệt .... Có rất nhiều bí mật về Chakra, Kundalini, khí lực, quyền năng chưa được tiết lộ. Nếu chúng ta chưa được trong sạch thì, như tất cả sách vở về Huyền Bí Học đã cảnh cáo trước, nguy hại sẽ khó lường. Tốt nhất đừng đụng đến nó. Nếu nghĩ đến những quyền năng cao như Từ Ái, Tuệ giác thì tốt và an toàn hơn nhiều.

Nếu bắt đầu từ vô vi hay tinh thần (các quyền năng bậc cao) đương nhiên do ảnh hưởng dây chuyền thể xác cũng sẽ trong sạch theo. Ngược lại tôi có sự nghi ngờ rằng nếu quá coi trọng  phần vật chất thí dụ như phép thở dể làm hành giả đắc pháp hơn, hay thuốc men sẽ làm chồng trung thành với vợ hơn hoặc yêu đời hơn lên, dễ tha thứ tha nhân hơn lên .... Cần sa ma tuý cũng làm được việc đó vậy! Tinh thần và thể xác vật chất hỗ tương nhau. Tinh thần lành mạnh tốt đẹp, vị tha sẽ kéo theo 1 thể xác lành mạnh. Ngược lại 1 thể xác mạnh mẽ vai u thịt bắp, biết đâu dùng sức mạnh đó để cướp bóc hà hiếp, đâu có chắc thể xác tốt cho ra tinh thần tốt?. Ý kiến tôi không chống đối chỉ nêu lên cần thận trọng ....

Bs. Nguyễn Quý Khoáng





Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2018

Trước Thềm Chánh Điện


...Và khi linh hồn nhìn nhận được mục đích phải đạt được, nhờ tia sáng trực giác chớp nhoáng, ngay lúc hiểu biết, rằng thay vì con đường dài xoay quanh trái núi và theo hình khu ốc nhiều lần, có một con đường tắt dẫn đến mục đích. Trong lúc giác ngộ chớp nhoáng nầy, linh hồn còn hiểu thêm rằng con đường tắt có một danh từ là phụng sự và tất cả những ai đi theo con đường rút ngắn đó đều phải chui qua một cánh cửa có ghi những chữ vàng rực rỡ sau đây: “phụng sự nhân loại.” Linh hồn chúng ta theo dõi, lúc đó hiểu ngay rằng trước khi có thể đi vào sân ngoài của thánh điện, phải đi qua cánh cửa đó và nhận định rằng: người ta sống là để phụng sự chớ không phải làm thoả mãn những dục vọng ích kỷ, và phương pháp duy nhất để tiến lên nhanh hơn, là tiến lên để làm điều ích lợi cho những ai đang chậm bước, ngõ hầu toà thánh điện có thể ban phát cho những khách hành hương đi theo con đường dài một sự giúp đỡ có hiệu lực hơn là những trường hợp khác.

...Linh hồn nào thoáng thấy mục đích có thể đạt được và tự biết mình có xu hướng để theo đường nầy nhiều hay ít, sẽ nổi bật lên giữa đám đồng loại do tánh siêng năng và chú ý, chẳng bao lâu sẽ dẫn đầu đám đông còn rải rác trên đường. Họ đi nhanh hơn, tiến một cách quả quyết hơn, họ đã bắt đầu hiểu phương hướng đang theo, nên họ cố gắng – tuy lúc đầu còn bất toàn – để tiến lên, nghĩa là sống theo mục đích nhất định. Tuy mới vừa hiểu được mục đích đó sẽ là gì – (có trực giác mập mờ về điều nầy hơn là sự hiểu biết rõ ràng) – cũng không còn đi lang thang rày đây mai đó nữa, không còn để ngày mai cướp mất cái gì mà họ đã thu thập được ngày hôm nay. Từ nay, không tiến trên đường vòng quanh, và trong mỗi ngày tức là mỗi kiếp của cuộc đời, trèo lên nhanh hơn một chút, cho tới khi họ rõ ràng vượt hẳn đám đông nhờ đời sống tinh thần, nhờ những tánh tốt, và nhờ ý muốn luôn luôn giúp đỡ đồng loại. 

... Trong khoảng thời gian vài chục kiếp, linh hồn muốn hoàn tất công việc thường đòi hỏi ở nhân loại vô số kiếp luân hồi, công việc phi thường cho đến nỗi chỉ ngắm nhìn ta cũng thấy hoa mắt, một công việc anh dũng đến nỗi linh hồn nào muốn làm việc đó, tức là đã nhận định được bản chất thiêng liêng của mình, uy quyền tuyệt đối ẩn tàng nơi mình. Muốn thành đạo, nhân loại không những chỉ phải trải qua thời gian sống trên địa cầu nầy, mà còn phải trải qua những cuộc tuần hoàn[2] vị lai nữa; nay linh hồn muốn hoàn thành trọn vẹn công việc vĩ đại đó trong vài ba kiếp, bắt đầu từ điểm tiến hoá của nhân loại hiện nay; đó thật là một công việc vô cùng khó khăn, một công việc chỉ có Thượng Đế mới làm nổi. Sự hoàn tất công việc vĩ đại như thế chỉ rõ cho ta thấy rằng uy quyền của Thượng Đế đang tự hoàn thành trong tâm con người.

... Chư huynh nhớ điều nầy; chỉ riêng những ai đã trọn vẹn hiến mình để phụng sự nhân loại mới được vào sân ngoài; đã cho ra tất cả mà không đòi hỏi một đặc ân nào trả lại, ngoài đặc ân phụng sự kẻ khác; đã nhận định rõ ràng tính cách phù du của sự vật hồng trần; đã mạnh dạn nhận lãnh nhiệm vụ muốn làm; đã quay lưng không nhìn về phía những con đường dẫy đầy hoa thơm cỏ lạ leo quanh sườn núi và đã quyết định đi thẳng lên đỉnh núi, mặc dầu khó nhọc đến đâu, mặc dầu phải gắng sức trong những kiếp đầu thai liên tiếp một cách nhanh chóng. Ở sân ngoài, phải cố gắng, cố gắng rất nhiều, vì đó là nơi mà ta phải làm xong nhiều việc trong một thời gian ngắn.

...Tôi đã cho những giai đoạn đó những danh từ sau đây: sự tinh luyện, sự tinh luyện cái trí, sự lập hạnh, khoa luyện kim tinh thần và trước thềm thánh điện. Một lần nữa, chúng ta không nên coi công việc phân chia những giai đoạn nầy như là riêng biệt. Phải làm tất cả những việc nầy cùng một lúc; phải cố gắng không ngừng; và linh hồn đi đến sân ngoài sẽ ra sức làm nhiệm vụ của mình trong mỗi kiếp. Đó là những bổn phận phải làm xong, ít nhất là một phần, trước khi dám trình diện trước cửa thánh điện. Nếu tôi lần lượt giải riêng về những bổn phận, từng việc nọ đến việc kia, ấy là giúp ta hiểu chúng một cách rõ ràng hơn. Ngoài ra, xin chư huynh hiểu rằng muốn đi đến ngưỡng cửa của sự điểm đạo lần thứ nhứt ta không cần phải làm trọn vẹn hoặc đầy đủ những bổn phận đó. Nhưng cần phải làm được một phần nào những bổn phận ấy, linh hồn phải tận lực làm việc một cách hữu hiệu, có kết quả; phải hiểu công việc cần phải hoàn thành và chuyên tâm sốt sắng làm việc ấy. Khi mà công việc được hoàn thành một cách trọn vẹn thì linh hồn được vào trung tâm thánh điện.

...Công việc đầu tiên linh hồn phải làm ở sân ngoài là sự tinh luyện, tinh luyện bản thể thấp hèn cho đến mức làm cho tất cả những bộ phận đều rung động điều hoà một cách tuyệt đối với Chơn Nhơn cao cả. Phải tinh luyện tất cả cái gì thuộc về phần giả tạm của con người, tất cả những gì mà ta gọi là bản ngã, tất cả cái đại thể gồm những tánh và những nét đặc biệt không trường tồn mà con người đã thu thập chung quanh mình trong vô số kiếp sống.

...“Linh hồn trở thành chư hầu của Chơn Nhơn cao cả” - từ ngữ nầy có ích cho ta nếu ta hiểu rõ. Nghĩa là ta nhất quyết từ bỏ mọi điều phù du nhất thời, tất cả những gì thuộc về bản ngã thấp hèn. Tất cả những kiếp sống ở cõi trần nầy chỉ dùng để gom góp những vật liệu hữu ích và truyền đạt chúng lên Chơn Nhơn cao cả. Chơn Nhơn lớn và phát triển nhờ những điều mà bản thể thấp hèn thu thập được. Khi bản ngã thấp hèn hiểu biết sự hợp nhất khẩn yếu với Chơn Nhơn cao cả hơn đang ngự trị; khi biết lý do duy nhất của nó sinh ra ở cõi trần nầy là để làm một dụng cụ nhất thời với mục đích là thu thập những gì mà Chơn Nhơn trường tồn bất diệt cần dùng đến - thì như tôi đã nói - bản ngã thấp hèn nhất định trọn cả kiếp sống ở cõi trần chỉ để dành làm công việc đó mà thôi; hiểu mục đích đời sống chỉ là để gom góp những vật liệu để sau nầy mang lên hiến dâng cho Chơn Nhơn là tinh hoa thiệt thọ của bản thể, những vật liệu nầy sẽ dự phần vào sự phát triển của Chơn Nhơn trường tồn bất diệt cao cả hơn phàm nhơn của một kiếp.

 Vậy thì “trở thành chư hầu của Chơn Nhơn cao cả” có nghĩa là bản ngã thấp hèn phải tự nhìn nhận có bổn phận phụng sự chủ nhân ông của mình, từ nay sẽ không sống cho mình mà sống để phụng sự cái gì trường tồn bất diệt. Đời sống của con người ở sân ngoài là hết lòng phụng sự chân thành: tất cả công việc hiến dâng cho Chơn Nhơn cao cả trường tồn bất diệt; đời sống của Chơn Nhơn càng ngày càng mở mang rực rỡ, nhờ sự tận tâm chơn thành và hồn nhiên của bản ngã là vị sứ giả mà Chơn Nhơn đã gởi ra ngoại giới.

...Nhưng chẳng bao lâu linh hồn hiểu được, nếu một ngày kia, muốn vượt qua khỏi sân ngoài để đi đến cánh cửa lớn đang chói sáng ở phía đàng xa thì phải lìa bỏ tất cả lòng tham vọng và tánh kiêu căng cùng là ý muốn thu thập kiến thức cho riêng mình; nói tóm lại, phải lìa bỏ mọi thứ chia rẽ với các linh hồn khác, anh em với nó. Lúc đó, nó bắt đầu tinh luyện bản chất cái trí của nó, nó xét kỹ lý do thúc đẩy nó cố gắng, lý do thúc đẩy nó hoạt động; bắt đầu xét mình một cách kỹ lưỡng dưới ánh sáng của đời sống tinh thần đang chói rạng nơi trung tâm thánh điện và soi sáng sân ngoài. Dưới ảnh hưởng của ánh sáng ấy, mọi bóng tối trở nên dày đặc hơn, và linh hồn bắt đầu nhận thấy dường như những sự vật đã chiếu sáng ở cõi hạ giới, thật ra, chỉ là những cái bóng, và tự chúng, chúng không có ánh sáng thiệt thọ. Lúc đó, linh hồn hiểu được “bản chất dục vọng mang theo mình pha lẫn với trí thức cần phải được thanh lọc hết mọi vết nhơ của bản ngã riêng tư.” Linh hồn quả quyết bắt đầu tự tinh luyện, tự ý bắt đầu làm việc một cácách cẩn thận sáng suốt, cố gắng không ngừng để loại trừ tất cả những gì ngăn cách linh hồn, dù bằng cách nào, với những kẻ ở mức dưới đang theo vết chân nó, cũng như với những Đấng cao cả hơn đã đi trước. Thật vậy, đây là điều mà linh hồn học được, và đây cũng là một trong những bài học cao siêu ở sân ngoài, nếu một ngày kia nó thấy cửa thánh điện mở rộng ra thì nó phải phá vỡ những bức tường ngăn cách nó với những huynh đệ của nó ở phía dưới. Chỉ lúc đó những bức tường ngăn cách với những Vị cao cả mới bỗng nhiên tan mất đi. Vì cánh cửa mà ta phải vượt qua chỉ tự mở rộng ra trước người nào xin phép bước vào nếu đã đập tan được những bức tường của chính bản ngã y dựng lên và ưng thuận chia sớt với mọi người cái kết quả những sự cố gắng của y.

... vì Thượng Đế yêu mến tất cả các con cái của Ngài mà Ngài đã cho đầu thai xuống trần, dù những kẻ nầy ở vào trình độ nào, cao hay thấp cũng vậy, dù mức tiến hoá của họ có thấp kém đến đâu đi nữa, không một sự gì có thể thoát ra khỏi lòng từ ái của Thượng Đế. Ngài đã sinh ra vạn vật, Ngài là trung tâm của mọi sự, Ngài ngự trong lòng của kẻ gian ác cũng như các bậc thánh nhân. Trong sân ngoài, ta phải nhìn nhận Thượng Đế, dù những đám mây che phủ Ngài còn dày đặc đến đâu chăng nữa, con mắt tinh thần phải được mở rộng và không được để cho một tấm màn nào che lấp mà không thấy được Chơn Nhơn của người khác. Vì thế cho nên sự phẫn nộ cao thượng nầy phải được tinh luyện cho đến mức không còn một sự giận dữ nào nữa, nó phải biến thành một sức mạnh phù trợ, giúp đỡ mọi sinh linh, không loại trừ một ai. Cái năng lực mạnh mẽ nầy của linh hồn phải trở nên hoàn toàn tinh khiết, nó phải làm việc lành cho kẻ bạo chúa cũng như cho kẻ nô lệ, nó phải lấy lòng từ ái mà bao trùm cả kẻ áp bức và người bị áp bức. Các Đấng cứu thế không hề chọn người nào mà các Ngài ưa thích để các Ngài cứu giúp. Các Ngài cứu giúp tất cả mọi người, không hề phân biệt ai cả. Những Vị phụng sự đời không bao giờ thù ghét một sinh linh nào trong vũ trụ. Do sự tinh luyện, sự tức giận xưa kia nay trở thành sự che chở cho kẻ yếu đuối, sự phản đối vô tư đối với tội lỗi truỵ lạc, và sự công bằng tuyệt đối đối với tất cả mọi người.

...Người ta đã tinh luyện sự tức giận như thế nào thì cũng phải tinh luyện tình yêu như thế nấy. Lần đầu tiên, ở giai đoạn đầu của sự phát triển của con người, thì tình yêu tự biểu lộ dưới cái hình thức thấp hèn và ti tiện nhất; có thể hẹp hòi và ô trược, như lòng dục mù quáng nhắm vào một người khác, và trong khi khao khát được thoả mãn, nó không hề lo lắng chút nào những điều có thể đến cho người yêu. Theo sự phát triển của tâm hồn, tính cách tình yêu đã thay đổi, trở thành cao thượng hơn trước, ít ích kỷ, ít có tính cách cá nhân hơn, đến khi quyến luyến chỉ vì mến những nét cao thượng của người yêu, chớ không phải quyến luyến cái vỏ xác thịt bên ngoài. Tình yêu thoạt đầu chỉ là dục vọng, nay trở thành tinh khiết và có tính cách luân lý. Nhưng ở sân ngoài của thánh điện, còn phải trở nên tinh khiết hơn thế nữa. Thí sinh phải mến yêu, nhưng phải mến yêu một cách không riêng tư, độc quyền, tình yêu càng ngày càng phải lan rộng, nồng nhiệt, rạng rỡ, đầm ấm hơn, nói tóm lại không còn chứa đựng cái gì thấp hèn thuộc về bản ngã nữa.

Một tình yêu như thế luôn luôn nhắm về phía người khác, tìm cách để phụng sự họ, chớ không phải để phụng sự chính mình. 

...Khi linh hồn giúp ai việc gì, làm một việc mà cho là hữu ích đối với nhân loại, phải thận trọng dò xét hành động và lý do của việc đó, để xem chất độc tế nhị của cái “tôi” có xen lẫn trong sức lực đã tốn hao không. Nếu linh hồn khám phá ra tìm kiếm sự thành công của chính mình hơn là sự thành công của việc làm; nếu khi thấy kẻ khác thành công trong một việc mà ta đã thất bại không làm xong, nỗi đắng cay bỗng xen lẫn vào nỗi vui mừng vì thấy công việc được hoàn thành – lúc đó ta biết bản ngã hãy còn; nếu ta thật trong sạch thanh cao, thì chỉ lo lắng sao cho công việc phụng sự được thành tựu mà thôi, và không bận lòng đến việc mình đã được dự phần vào đấy. Nếu thấy sự thất bại cá nhân làm cho sinh ra một mối thất vọng, nếu chán nản, ngã lòng khi đã phí sức mà không thành công, nếu có một việc gì gọi là “tôi không hiểu tại sao” làm xáo trộn sự an lạc và yên tĩnh trong chốc lát, thì lúc đó, thấy ngay được sự đắng cay và sự xáo trộn nầy là dấu vết của bản ngã, cần phải tiêu diệt, phải quả quyết loại trừ nhược điểm ấy, để làm tan đám mây đang che mắt ta. 

Ngoài ra, nếu khi phân tách, và thử thách tình yêu linh hồn thấy ở đấy cũng có một cảm tình lạnh nhạt, một chút thất vọng khi người khác được mến yêu mà vẫn tỏ vẻ lãnh đạm, mặc dầu đã phụng sự người yêu một cách cao thượng, trìu mến người một cách sâu xa thấm thía; nếu tình yêu được ban rải ra nay muốn quay về trở lại, muốn ngừng nghỉ vì không được người yêu yêu mình lại, thì lúc đó linh hồn - tự nghiêm khắc với mình bao nhiêu thì lại phải từ bi đối với tất cả những kẻ khác bấy nhiêu, vì hiểu ngay được đó cũng là mùi hương tế nhị của bản ngã hãy còn lại, linh hồn cũng vẫn còn làm việc cho bản thân mình, thay vì muốn tìm thấy sự vui cao thượng chỉ vì được vinh dự ban rải tình thương ra ngoài. 

Vậy linh hồn đi qua sân ngoài lại phải tự tinh luyện để diệt trừ dấu vết của bản ngã còn lại cho đến khi tình yêu chói rạng mà không bao giờ tự hỏi có được người ta đền đáp lại không, mà cũng không bao giờ đợi chờ một sự trả lời. Thật vậy, kẻ nào không đền đáp được tấm lòng người ta yêu mến mình, thì kẻ đó chính là kẻ cần được thương yêu nhiều nhất; cá nhân nào không có gì đền bù lại ơn của kẻ khác đã từng giúp đỡ mình, thì chính cá nhân ấy cần thụ hưởng lòng từ bi bác ái hơn mọi người khác. Theo lối đó, linh hồn quả quyết tự phát triển phải tự rèn luyện mình một cách nghiêm khắc, không ngớt tinh luyện bản ngã thấp kém của mình bằng cách tiếp tục cố gắng và triệt để khắc kỷ. Vì luôn luôn tự so sánh với Đấng cao cả ở trên, chớ không phải những người trẻ dại ở dưới, mắt phải luôn luôn hướng về những Vị đã hoàn thành xong công việc tinh luyện bản thân, thay vì nhìn xuống đám đông đang đi lên sân ngoài; không ngừng nghỉ chút nào, không thể hài lòng cho tới ngày nhìn thấy mục đích tiến lại gần một cách mau lẹ, cảm thấy không còn là một chướng ngại lớn lao cho ánh sáng rực rỡ của các Đấng cao cả thiêng liêng.

...Trong sân ngoài, con người bị thử thách và sa ngã vì tánh tốt, chớ không phải vì tật xấu của mình. Những sự quyến rũ tế nhị đến tấn công và hiện ra như là những thiên thần chói sáng. Những linh hồn đang đi lên nầy bị thử thách bởi những điểm cao thượng nhất...Vì vậy phải hết sức nghiêm khắc với mình, phải khắc kỷ không ngừng. Tự biết do những thất bại của chính mình và của những đạo hữu, những đức tánh khó thực hiện nhất ở ngoài đời, đều trở nên dễ dàng ở sân ngoài, lúc đó có thể nói những đức tánh nầy bị bản ngã trộm lấy và biến chế thành những cám dỗ làm cho người tân tín đồ phải vấp ngã trên đường hiểm trở. Theo cách đó, các linh hồn biết được chỉ có một cách duy nhất để thành công mà thôi, đó là luôn luôn sống theo ánh sáng của Chơn Ngã, cho nên các linh hồn tin chắc mình không bao giờ dám đến trình diện ở cửa thánh điện, khi mà ánh sáng nầy không chiếu rọi sáng ngời trong tim mình. Cho nên ở sân ngoài, những thử thách mà đời cho là khó nhọc lại biến thành những nỗi vui, sự đau khổ tinh luyện ta, ta niềm nở đón tiếp nó như là một người bạn. 

Sự tập luyện cái trí

...Một người tốt, nhất quyết theo đuổi một lý tưởng về đức hạnh cố gắng thực hiện, một lý tưởng về bổn phận phải cố gắng hoàn thành, một người như vậy, khi ấn định lý tưởng của mình, khi suy nghĩ về quan niệm, về nhiệm vụ, sẽ nhìn nhận rằng cần phải làm chủ cái “bản ngã” thấp hèn và sẽ tìm cách bắt buộc bản ngã nầy phải vâng lời “Chơn Nhơn cao siêu.” Đó là điều chắc chắn không còn có thể nghi ngờ gì nữa. Những sự đắm mê và thèm khát của xác thân, những mối xúc cảm lôi cuốn ta đi một cách vội vàng mau lẹ, không suy nghĩ đắn đo, tất cả khía cạnh ấy của con người chịu ảnh hưởng bên ngoài và tự biểu lộ ra bằng những hành động vô tâm, không suy nghĩ, con người đức hạnh sẽ cho rằng tất cả những sự ấy phải được kềm chế và điều khiển. Nói một cách thông thường, kềm chế được bản ngã thấp hèn của mình, đã kiểm soát được cái trí như đã nói trên, thế nên lý trí kiểm soát được những dục vọng.

Chúng ta hãy nhận xét về một người đã được tiếng là có ý chí mạnh mẽ, một tánh tình đàng hoàng, hành động theo một lối cư xử nhất định, một ý chí dù ở trong trường hợp rất khó khăn vẫn có thể điều khiển được bản tính theo phương hướng đã được ấn định rõ ràng. Ở một người như vậy, ta luôn thấy một cái trí vô cùng phát triển, nên hành động không phải vì bị kích thích bởi những trường hợp ngoại cảnh, những sự quyến rủ ở xung quanh, hay vì thú tánh đã hưởng ứng những sự quyến rủ ấy, mà chính là do một căn bản kinh nghiệm tích trữ trong trí nhớ, bao gồm những kỷ niệm của sự việc đã qua và bao gồm sự so sánh những hậu quả những việc ấy, trí thông minh đã chọn lọc những kinh nghiệm, đã xếp hạng, so sánh chúng, rút lấy kết luận do sự cố gắng của lý trí và lẽ phải. 

Đó là một người trong khi tự phát triển đã đạt được mức khá cao mà chúng ta vừa miêu tả, một người đã tự rèn luyện để chiếm đắc, kềm chế và điều khiển bản ngã thấp hèn của mình, để cho linh hồn có thể đứng vững trước những sự tấn công của dục vọng, mặc dầu sự kích thích bên ngoài lên đến cực độ. Một người như thế sẽ hành động một cách cao thượng, dù những sự cám dỗ mạnh mẽ đến thế nào, những sự cám dỗ nầy xúi giục hành động một cách ti tiện hay sa ngã theo những sự khích động của bản ngã thấp hèn.

 Mẫu người mà chúng ta đang nghiên cứu, chúng ta có thể gọi là một người đức hạnh. Đó là một người tánh tình cao thượng, tư tưởng minh bạch, có cách xét đoán không sai lầm, không bị những trường hợp đẩy đưa sang bên nầy hay bên kia, giống như những kẻ sa đoạ phóng đãng hay không biết tiết chế. Còn có một trình độ cao hơn nữa mà người nầy có thể tiến tới được; có thể chịu ảnh hưởng của một nền triết lý cao cả về đời sống, triết lý nầy giảng dạy cho y thấy một cách trọn vẹn hơn về cách tác động của trí khôn con người; có thể tiếp xúc với những giáo lý của Thông Thiên Học cao siêu được trình bày trong những kinh sách thuở xưa hay bây giờ, dù nguồn gốc ở Ấn Độ, Ai Cập, Hi Lạp hay Âu Châu hiện đại. Nền triết lý nầy sẽ có thể mang lại một quan niệm mới mẻ về vũ trụ và biến đổi sâu xa sự thấy của con người.

Con người sẽ biết tư tưởng tạo ra những đời sống, những sinh vật rõ ràng, và do quyền lực sáng tạo ấy mà khoảng không gian xung quanh có đầy dẫy những sinh vật hoạt động theo đường thiện hay đường ác, và luôn luôn ảnh hưởng đến tư tưởng và đời sống của những kẻ xa lạ không bao giờ giao thiệp trực tiếp với người đã phát sinh ra những tư tưởng ấy; bắt đầu hiểu tư tưởng không cần được diễn ra thành lời hay câu văn mà vẫn ảnh hưởng được đến tâm trí của đồng loại. Tư tưởng không cần được biểu lộ ra hành động hay là làm gương mới có một ảnh hưởng mãnh liệt về điều thiện hay điều ác. 

...Tuy nhiên có một sức mạnh vượt qua hẳn sức mạnh của lời nói; hiểu rằng tuy là một người không ai biết đến, một người xa cách hẳn mọi việc của đời sống hồng trần, mà vẫn có một ảnh hưởng mãnh liệt đến kẻ khác, về điều thiện cũng như về điều ác; có thể làm cho những linh hồn sống đồng thời trở nên trong sạch, tinh khiết hay ô trược, xấu xa; có thể dự phần vào sự tiến bộ của nhân loại hay làm cản trở sự tiến bộ ấy; có thể nâng cao nòi giống lên hay hạ nó xuống, nói tóm lại, không cần phải làm gương mẫu, hay nêu ra những qui tắc – là những phương tiện duy nhất của người thường – vẫn có thể ảnh hưởng đến tinh thần của thời đại bằng những mãnh lực tế nhị của tư tưởng, bằng những hình tư tưởng hoạt động lan tràn khắp thế giới loài người; chúng sinh ra những hiệu quả rất chắc chắn vì những tư tưởng nầy làm việc mà không ai thấy chúng, có một ảnh hưởng rất rộng rãi vì chúng là những tư tưởng tinh vi tế nhị, cảm nhiễm quần chúng mà quần chúng không hay biết.

...Sau cùng, hiểu được nguyên tắc chủ yếu, trọn cả trách nhiệm của việc làm không phải luôn luôn kẻ làm việc đó phải gánh chịu, mà trái lại mỗi hành động là biểu hiện một ý niệm, ấy là một ý niệm được thành hình, ai đã dự phần vào sự phát sinh ra những ý niệm đó đều có một trách nhiệm về những hành động mà ý niệm đã sinh ra.

 Được hiểu biết một cách mới mẻ như vậy về ý nghĩa rộng rãi của sự sống, con người bắt đầu cẩn thận, coi chừng sự hoạt động của cái trí mình; bắt đầu hiểu phải làm chủ tư tưởng, về điều nầy, khác xa hẳn lối hiểu biết của một người thường. Nhưng như vậy chưa phải là hết. Khi học hỏi một cách sâu xa hơn, chẳng bao lâu sẽ nhận thấy những tư tưởng ở ngoại giới tự thu hút vào mình phần nhiều có tính chất giống như tính chất của những tư tưởng mà chính y đã phát sinh ra; giống như một hòn đá nam châm, không phải chỉ vì phát ra những làn tư tưởng mãnh liệt trên khắp vùng xung quanh, ví như một từ trường, còn thu hút vào mình những chất tương ứng với những tư tưởng đã phát ra. Những tư tưởng tốt lành hay ô trược nó đổ xô vào trí phần lớn là do chiều hướng của sức mạnh của thể trí, như thế bắt đầu hiểu khi phát sinh ra một tư tưởng tốt, không những đã làm đầy đủ bổn phận cao siêu đối với đồng loại, mà tư tưởng tốt vừa phát ra cũng có ích cho chính mình nữa.

...Điều nầy luôn luôn xảy ra khi con người làm việc đúng với luật trời. Mỗi khi ban rải một tư tưởng cao thượng cho đời, thì y cũng tự biến mình thành một trung tâm thu hút những tư tưởng cao thượng khác, chúng do sự đồng thanh tương ứng tạo nên. Những tư tưởng nầy từ phía ngoài đi vào sẽ giúp đỡ và tăng cường trí khôn của con người. sự suy tưởng về điều lành sẽ làm cho xu hướng về điều thiện được mạnh mẽ hơn. Khi hiểu được sự liên quan tương đồng về thể trí ràng buộc tất cả mọi người lại nhau, sẽ thay đổi hoàn toàn cách suy tưởng của mình. Càng ngày càng thấy trách nhiệm của mình, nhận thấy những sợi dây tương liên tự bủa rải tứ phía, đi về phía những người khác, rồi lại từ những người khác lại quay trở về với mình. Và trong đời sống hàng ngày, bắt đầu coi chừng tư tưởng hơn là sự hành động; hiểu rằng mọi mãnh lực đều được phát sinh chính nơi cảnh giới tư tưởng của cõi vô hình, rồi sau mới tự biểu lộ ra trong đời sống tâm linh và đời sống hữu hình.

...Khi đã bước qua ngưỡng cửa của sân ngoài rồi, con người nhận thấy sau cái trí của mình còn có một thể cao hơn nữa, đối với cái trí thì thể nầy có nhiệm vụ cũng giống như nhiệm vụ của thể trí đối với bản ngã thấp hèn. Trong lúc phát triển và sau khi đã nhìn nhận thể trí cao hơn những dục vọng, lúc bước qua cửa của sân ngoài, và ngay cả khi chưa bước qua ngưỡng cửa đó - vì chính điều nầy là một phần đã dẫn dắt đến thềm cửa của sân ngoài - con người nhìn nhận rằng đã lầm lẫn khi tưởng cái trí là tột cùng cao cả. Ngày hôm qua hãy còn đồng ý với một tư tưởng gia chủ trương rằng: “Trong thế gian chỉ có con người là cao hơn hết, và trong con người chỉ có cái trí là cao hơn hết” mà thôi. Nhưng ngày hôm nay nhìn nhận rằng đó chỉ là một ảo tưởng, vì đã nhìn sự vật theo một quan điểm thấp và tầm mắt nhìn đã bị lu mờ. Mắt đã mở rộng và đã thấy trong vũ trụ còn có một cái gì cao cả hơn cái trí mà trước đó cứ tưởng là chót đỉnh của nhân loại – có cái gì bao la rộng rãi hơn, cao siêu hơn, đã có lần chiếu sáng trong chốc lát, rồi lại bị che phủ và hình như biến mất. Con người nhìn nhận không phải do sự nhận xét trực tiếp, mà do những điều đã học được ở ngoại giới, vừa mới thoáng nhìn được linh hồn, một tia sáng phát sinh từ một cảnh giới cao cả hơn đã chiếu vào trí, cùng một lúc ánh sáng nầy cho cảm tưởng đó chính là tinh hoa của cái trí vậy.

... linh hồn con người là nguyên lý cá nhân hoá đại hồn của vũ trụ, nó tập trung ánh sáng thiêng liêng vào một tiêu điểm duy nhất. Có thể so sánh linh hồn con người với một cái bình trong đó đại hồn của vũ trụ tuôn vào. Linh hồn con người tự biểu lộ thành ra riêng biệt, thật ra nó luôn luôn đại đồng và giống hệt với đại hồn.

 Sự chia cách riêng rẽ nầy là để cho một cá nhân có thể nảy sinh và phát triển, và để cho đời sống cá nhân đó có thể hoạch đắc được quyền năng và kiến thức trong mọi cảnh giới của vũ trụ, cõi trần, cõi tâm linh cũng như cõi tinh thần, luôn luôn sáng suốt không bao giờ bị gián đoạn trong trạng thái thức tỉnh, sáng suốt để cá nhân có thể tự tạo lấy những thể cần thiết ngõ hầu học hỏi ở những cảnh giới khác hẳn cảnh giới của mình và có thể lần lần tinh luyện những thể nầy để mai sau chúng không hành động như những tấm màn dày đặc, những chướng ngại, mà trở nên những trung tâm truyền đạt tinh khiết và trong suốt, nhìn qua đó có thể thâu thập được những sự hiểu biết rõ ràng về mỗi cảnh giới.

...khi đã bước chân vào sân ngoài rồi, con người hiểu được bản thể thiệt thọ là linh hồn mà chúng ta vừa nói trên, còn trí thông minh chỉ là một sự biểu lộ tạm thời của linh hồn thôi. Lúc đó, bắt đầu hiểu nếu trí khôn - phần của linh hồn thiệt thọ bị giam hãm - phải làm chủ xác thân và dục vọng, thì đến lượt trí khôn phải tùng phục linh hồn, vì trí khôn chỉ là một sự biểu lộ tạm thời của linh hồn mà thôi. Trí khôn là một dụng cụ, một cơ quan của linh hồn, với mục đích duy nhất là phụng sự linh hồn, một cơ quan dùng để thu thập mọi kinh nghiệm ở ngoại giới, rồi mang những kinh nghiệm đó lên cho linh hồn, là tinh hoa thiệt thọ của trí khôn.

 Một khi đã hiểu được những điều nầy thì thí sinh phải có một thái độ như thế nào? Trí khôn phải học hỏi. Khi tiếp xúc với cõi đời bên ngoài, trí khôn thu thập những sự việc, xếp loại và so sánh chúng, linh hồn xét đoán chúng, nói tóm lại linh hồn làm đầy đủ những nhiệm vụ đặc biệt của mình. Kết quả của tất cả sự làm việc nầy được truyền đạt vào nội tâm, đi ngược dòng từ trí khôn lên đến linh hồn; khi lên thiên đàng linh hồn mang theo mình kết quả ấy để đồng hoá và biến đổi thành minh triết. Vì minh triết và hiểu biết là hai điều khác hẳn nhau. Sự hiểu biết là tổng số kiến thức, với những cách người ta xét đoán chúng và với những kết luận do sự xét đoán phát sinh ra. Minh triết là tinh hoa gạn lọc từ toàn thể, là sự khôn ngoan rõ rệt mà linh hồn đã gặt hái được do tất cả những kinh nghiệm, như người ta đã biết; biến đổi những kinh nghiệm thành ra minh triết chỉ được thực hiện ở thiên đàng mà thôi.

 Người chí nguyện biết mọi điều nầy, hiểu rằng ta chính là linh hồn, linh hồn nầy đã tiến bước qua mọi tiền kiếp và đã tự tạo trong lúc đi hành hương.

Giờ đây, nó hiện ra như là bản thể thiệt thọ của con người, trong khi chờ đợi có thể nhìn thấu được những bề sâu thẳm hơn thế nữa; hiểu tại sao ngay từ lúc đầu của đường đạo, người ta đã nói thí sinh phải biết phân biệt giữa Chơn Nhơn trường tồn và cái trí khôn chỉ là một sự biểu lộ nhất thời của linh hồn trong cõi vật chất mà thôi, một sự biểu lộ chỉ để phụng sự những quyền lợi của linh hồn. 

Giờ đây người đệ tử có thể hiểu được câu trả lời của Sư Phụ khi lần đầu tiên xin Ngài dạy dỗ. Người đệ tử bồng bột kêu lên: “Thưa Sư Phụ, con phải làm gì để có được sự minh triết? Con phải làm gì để được toàn thiện, thưa Chơn Sư minh triết?” Chơn Sư trả lời: “Con hãy tìm kiếm con đường đạo. Nhưng hỡi đệ tử, trước khi lên đường, tấm lòng con phải trong sạch. Trước khi cất bước lần đầu tiên, con hãy tập phân biệt sự chân và sự giả, cái luôn luôn thay đổi với cái trường tồn bất diệt.” Rồi Chơn Sư lại tiếp tục dạy dỗ. Ngài chỉ dạy sự khác nhau giữa kiến thức và minh triết. Ngài chỉ bảo cho đệ tử thấy sự vô minh là gì, sự hiểu biết là gì, kế tiếp, sự minh triết nối tiếp hai cái đó là gì. Rồi Ngài lại phân biệt giữa trí khôn “giống như một tấm gương phản chiếu hình ảnh nhưng cũng thu hút những bụi bặm” với sự minh triết của linh hồn giống như một làn gió thổi tan những bụi bặm của ảo tưởng làm cho tấm gương trở nên trong sạch.

...Vị chúa tể hay vị vua của các giác quan là kẻ sinh ra tư tưởng, mặt khác kẻ sinh ra tư tưởng, cùng một lúc, lại khêu gợi ảo tưởng và giết chết sự chân thật. Chúng ta biết trong thế giới tinh thần, có thật thể. Khi sự sai biệt càng tiến triển thì ảo tưởng lại phát sinh, và chính là trí khôn, trí khôn đang phát triển đã sinh ra ảo tưởng. Chính trí khôn đang phát triển nầy luôn luôn tạo ra những hình ảnh, nó có năng khiếu mà ta gọi là sự tưởng tượng cùng năng khiếu lý luận, xây dựng bằng cách lấy hình ảnh hư vô do sự tưởng tượng đã tạo ra làm căn bản: cái trí thật là kẻ đã tạo nên ảo tưởng, đã tiêu diệt sự chân thật ngay lúc con người được làm đệ tử. Vậy công việc đầu tiên của người đệ tử là phải trừ khử kẻ sát nhân. Vì nếu không giải trừ được những ảo ảnh của trí khôn thì sẽ không khi nào vượt qua khỏi sân ngoài được.

 Nếu người đệ tử còn nghe thêm lời của Chơn Sư, nghe một tiếng nói khuyên tìm cách hợp nhất trí khôn với linh hồn. Phận sự là phải biến đổi hạ trí mình, khiến có thể hợp nhất với Chơn Nhơn, phải tiêu diệt khả năng phát sinh ảo tưởng để có thể biết đến linh hồn bất tử, để đức Chúa Cha và đức Chúa Con có thể hợp nhất được với nhau.

Người đệ tử còn biết rằng y phải tiêu diệt nguyệt thể và tinh luyện thể trí của mình. Khi học hỏi qui tắc nầy và tìm hiểu ý nghĩa của lối nói thần bí nầy, nhờ nhiều lối nói bóng gió, nhiều hình ảnh tượng trưng quen thuộc, hiểu được nguyệt thể là kama, là lòng dục. Thỉnh thoảng người ta gọi thể nầy là cái vía. Vậy người đệ tử phải tiêu diệt nguyệt thể và tinh luyện cái trí. Sư Phụ nói: “Phải tinh luyện cái trí của con,” vì nếu không phủi sạch bụi bặm ảo tưởng bao phủ, thì không thể nào phục hồi nguyên vị được, không thể nào hợp nhất với linh hồn được.

...Vậy thí sinh phải luôn luôn rèn luyện cái trí của mình; tập luyện cho cái trí suy tưởng một cách liên tục. Ngoài ra, còn phải chọn lọc tư tưởng, không cho những tư tưởng được tự do đi lại trong trí; sẽ không để cho mình bị ám ảnh bởi những ý niệm, thường lọt vào và gắn chặt trong trí của những người thường mà họ bất lực, không xua đuổi chúng được. Người đệ tử tự làm chủ mình. Nếu trong đời sống hàng ngày bị những sự thử thách ào đến tấn công, thì điều đó cũng không sao, những sự thử thách nầy giúp tự huấn luyện trí mình. 

...trước khi thí sinh có đủ sức mạnh cần thiết để đóng cửa thể trí và giữ được sự bình tĩnh, không bị ảnh hưởng bên ngoài chi phối, phải lấy một ý tưởng nầy thay thế cho một ý tưởng kia, luôn luôn lấy một tư tưởng cao thượng, có đặc tính trường tồn thay thế cho một tư tưởng phù phiếm định xua đuổi. Phương pháp nầy có hai điều lợi: một là xua đuổi được tư tưởng phù phiếm, hai là tập cho cái trí đứng vững vàng nơi cảnh giới trường tồn và khiến nhận định rằng hiện tại luôn luôn trôi đi mất, không đáng cho ta quan tâm. Sự tập luyện nầy thêm sức mạnh cho linh hồn trong lãnh vực những vấn đề trường tồn, khiến cho linh hồn không ngớt chăm chú vào cái vô thuỷ vô chung. Đó là bí quyết của mọi sự an lạc thiệt thọ trong cõi trần nầy cũng như trong các cõi khác.

Khi đời sống nội tâm càng nảy nở, khi mà làn sóng sinh lực tự đáy linh hồn dâng lên cao thì người thí sinh sẽ lần lần nhận thấy có thể tiến đến một trạng thái mà tư tưởng không còn là sản phẩm của cái trí, tư tưởng chính là lương tri ở ngay trong linh hồn vậy.

Nhưng lâu lắm, trước khi đạt được lương tri ấy, trước khi có thể tiếp xúc và hợp nhất một cách liên tiếp, thí sinh phải trải qua một thời kỳ đen tối, trống rỗng nội tâm. Có thể đó là một trong những sự thử thách khó nhọc nhất trong đời sống của thí sinh ở sân ngoài. Lúc đó bắt đầu hiểu một cách lờ mờ về ý nghĩa của những lời nầy của Chơn Sư: “Hãy dùng Chơn Ngã thiêng liêng của con khuất phục phàm ngã thấp hèn. Hãy dùng cái vĩnh cửu trường tồn, kềm chế Chơn Ngã.” Chơn Nhơn thiêng liêng, chính là linh hồn phải làm chủ hạ trí. Rồi ở phía trên cao hơn linh hồn nữa, là đức Thượng Đế trường tồn, trong tương lai, ở ngay trung tâm thánh điện. Vị Thượng Đế trường tồn nầy phải làm chủ linh hồn, cũng như linh hồn, tức con người thiêng liêng làm chủ bản ngã thấp hèn vậy.

...Kế tiếp thí sinh học được lần lần từng đoạn rằng phải làm chủ mọi vật bao vây y trong lãnh vực của tư tưởng thuần tuý. Những sự cám dỗ tế nhị đến tấn công, những sự cám dỗ nầy không liên quan gì đến bản ngã thấp hèn nữa, mà lại mạnh bạo chống cự với bản thể cao cả. Vì không thể thành công với những dục vọng và những cám dỗ thô lỗ của xác thân, chúng tìm cách dùng trí khôn của người đệ tử mà tiêu diệt y. Và những sự cám dỗ tế nhị của cõi trí chạy ào đến tấn công từng đám, chúng gài bẫy linh hồn. Khi y bước chân đi trên đường đạo gian lao hiểm trở, chúng từ tứ phía đến bao vây. Người đệ tử phải hoàn toàn làm chủ những hình tư tưởng tạo ra, trước khi có thể tiếp tục lên đường, lãnh đạm, trầm tĩnh, trơ như đá, vững như đồng giữa cái đám tư tưởng linh động, mãnh liệt tựa bầy ong bay nhanh đó; không phải cái trí thông minh yếu ớt của người thường nơi hạ giới đã nuôi dưỡng những tư tưởng nầy, mà chính là một năng lực kinh khủng, thuộc về bản chất những thần lực của cảnh giới thiêng liêng – dĩ nhiên thuộc về khía cạnh tối tăm chớ không phải khía cạnh sáng sủa, vì những mãnh lực tàn phá nầy phát sinh từ những kẻ muốn giết chết linh hồn chớ không phải những kẻ sẵn lòng cứu vớt nó.

 Ở sân ngoài, thí sinh đương đầu với những tư tưởng đó và chúng tấn công với tất cả sức mạnh của những lực ghê gớm ác độc. Nếu trong sân ngoài, thí sinh không làm chủ được trí khôn của mình, nếu chưa được tập luyện quen để chống đối với những sự tấn công ti tiện ở ngoài đời, thì làm sao có thể đương đầu với những đạo quân của ma vương. Làm sao y có thể vượt qua giai đoạn cuối cùng của sân ngoài, xung quanh đó những kẻ tử thù của linh hồn tụ họp đông đúc, chúng không bao giờ để cho ai đi qua nơi đó một cách dễ dàng, nếu không phải là người hoàn toàn giữ được sự an tịnh nơi mình. Chính lúc đó con người cảm thấy ở nội tâm có một sức mạnh đang phát triển, sức mạnh nầy phát sinh từ tinh thần vững chắc. Bây giờ đã trở nên khá mạnh mẽ, có thể tuỳ ý tập trung tư tưởng vào một nơi nào muốn và tâm trí cứ định ở đó mãi, bất di bất dịch, dù xung quanh dông bão nổi lên dữ dội đến thế nào mặc lòng. Sự định trí nầy mạnh mẽ, không hề bị lay chuyển đến nỗi không một sức mạnh nào ở bên ngoài có thể đến khuấy rối được. 

...Linh hồn càng hùng dũng bao nhiêu thì việc làm nó lại đỡ bớt công phu bấy nhiêu; khi mà quyền năng được phát triển thì không còn thấy sự tấn công của ngoại cảnh đến nữa. Rồi sự phát triển về thể trí, con người đạt đến một trình độ vinh diệu, không cần phải lấy ý chí mà diệt trừ những tư tưởng xấu nữa, khi đụng chạm phải thánh điện của linh hồn, những tư tưởng xấu đó tự nhiên rơi xuống tan tành. Cái trí không cần phải diệt trừ nữa, không cần phải kềm hãm nữa, nó đã trở nên trong suốt, tinh khiết và vâng lời. Đến đây, cái trí và linh hồn bắt đầu hợp nhất với nhau, và kết quả của sự khởi đầu hợp nhất nầy là mọi tư tưởng sái quấy vừa chạm phải cái trí thì liền bị chết khô ngay. Lương tri không cần ra tay tiêu diệt nữa, vì tất cả những ảnh hưởng cần tiêu huỷ bỗng nhiên tiêu tan đi, do sức khích động của chúng bị dội ngược lại. Đó là sự định trí được tượng trưng như một ngọn đèn để ở một chỗ kín đáo nên không có ngọn gió nào làm cho chập chờn được. Chính là ở tại chỗ nghĩ ngơi nầy mà con người bắt đầu hiểu được ý chí là gì, chính ở nơi đó tìm thấy được sự an toàn hoàn toàn. Đó là một nơi an ổn, dưới bóng mát của những bức tường của thánh điện và kinh sách đời xưa đã nói đến như sau: “Thoát khỏi dục vọng, thoát khỏi sự đau khổ; con người trong sự an tịnh của giác quan, chiêm ngưỡng vẻ tôn nghiêm của linh hồn mình.”

...Lúc đó linh hồn oai nghiêm chiếu sáng rực rỡ, không còn một đám mây mờ nào bao phủ, và cái trí từ nay sẽ là một tấm gương trong trẻo, không chút bợn nhơ, phản chiếu hình dáng của linh hồn đúng với sự thật. Vì cái trí nầy trước kia giống như một tấm gương lấm bụi, một cái hồ bị những luồng gió dữ dội làm sóng cuộn ba đào, nay lại giống như một mặt gương sáng chói phản chiếu đúng đắn, như mặt hồ êm ả, in hình non núi, trời xanh; mặt hồ phản chiếu cây cỏ và những vị tinh cầu, cùng là màu sắc thay đổi của vòm trời mà không làm sai lạc sự vật.

 Nhưng trước khi đạt được sự an tịnh hoàn toàn nầy, có một lúc nguy hiểm mà “tiếng nói vô thinh” đã thốt lên để báo trước. Có một lúc khi gần đạt được điểm nơi đó ngọn đèn tâm không còn xao xuyến nữa, mà cái trí và linh hồn vẫn còn chiến đấu với nhau một trận cuối cùng. Lúc đó cái trí vùng vẫy như một con voi điên trong rừng. Phải làm thế nào để thắng được nó. Đó là trận chiến đấu cuối cùng của cái trí, đó là bản ngã thấp hèn cố gắng một lần chót để chống lại với Chơn Nhơn cao cả, để vứt bỏ cái ách mà nó thấy đang đè nặng trên vai. Đó là sự nổi dậy của bản ngã thấp hèn như những kinh sách nói về sự điểm đạo đã đề cập đến. Trong tất cả những kinh sách nói về minh triết huyền bí đều có ghi khi thí sinh đi gần đến thềm cửa, trước khi bước vào thánh điện, tất cả những sức mạnh của thiên nhiên đều họp lại để cản bước y, tất cả những mãnh lực của thế gian đều chống lại để lôi thí sinh về phía sau. Đó là trận chiến đấu cuối cùng trước khi hoàn toàn thắng trận. Ở trên những cảnh giới cao siêu hơn, còn có một trận chiến đấu khác mà trận chiến trên đây chỉ là một phản ảnh yếu đuối; ở trên những cảnh giới cao siêu đến nỗi ta không sao có thể tưởng tượng nổi, đó là những cảnh giới mà chỉ có những Vị cao cả nhất trong những Vị cao cả mới có thể lên đấy được. Trận chiến đấu nầy được hình dung trong trận giặc cuối cùng xảy ra giữa đức Phật và ma vương dưới gốc cây bồ đề. Ở dưới gốc cây nầy, khi Ngài đã chứng quả vô thượng chánh đẳng chánh giác thành một vị Phật, tất cả những đạo binh của ma vương họp nhau lại rán cản đường Ngài một lần chót. Tuy rằng ở một mức vô cùng thấp hèn hơn nhiều, trận chiến đấu sau cùng đó cũng xảy ra với người chí nguyện, khi đến gần cửa thánh điện.

 Phải làm thế nào để chiến thắng? Trên đường đạo đầy thử thách phải làm thế nào để nối gót những Vị tiền bối? Lần nầy, những lời dạy bảo của Chơn Sư lại đến cứu thí sinh, chính Ngài đã thốt ra lời khuyên nhủ để dìu dắt ta; “tiếng nói vô thinh” đã bảo: “Cần phải có những cứ điểm để thu hút linh hồn con người lên với linh hồn kim cương.”

 Vậy linh hồn kim cương là gì? Đó là linh hồn đã hợp nhất được với Chơn Linh cao cả, đó là linh hồn không khiếm khuyết, không dấu vết, trong suốt như một viên kim cương thuần khiết nó tập trung ánh sáng của đức Thượng Đế trong một tiêu điểm duy nhất cho nhân loại chúng ta. Danh từ oai nghiêm mà tôi vừa kể trên – tôi còn có thể kể nhiều danh từ khác nữa, chúng cũng cùng một ý nghĩa tuy chúng thuộc về những ngôn ngữ của các quốc gia khác nhau – danh từ nầy là tên của một linh hồn cao cả nhất trong các linh hồn cao cả, xứng đáng với danh hiệu linh hồn kim cương. Ánh sáng của Thượng Đế chiếu rọi qua linh hồn nầy không bị lu mờ, vì viên kim cương hết sức tinh khiết, vì linh hồn vô giá nầy hết sức trong trắng. Trong những lúc ước nguyện cao siêu, chúng ta dâng cao tấm lòng lên đến linh hồn kim cương đó, và linh hồn nầy chỉ cần phóng ra một tia sáng mỹ lệ, một ngọn lửa phớt qua cũng đủ thu hút ta lên với nó rồi. Giống như bông hoa phát triển hướng về phía mặt trời, linh hồn con người phát triển hướng về nguồn cội của chính bản thể mình, những điểm thu hút nó, chính là những tia sáng huy hoàng mà linh hồn kim cương phóng ra xung quanh vậy. Linh hồn của người đệ tử mặc dầu còn yếu đuối và do dự thì cũng vẫn đồng bản chất với linh hồn cao cả. Vì thế cho nên linh hồn cao cả thu hút linh hồn con người bằng một thần lực rất thiêng liêng để cho hai bên được hợp nhất với nhau. Khi mà sự hiểu biết càng được minh bạch người đệ tử sẽ càng hiểu được linh hồn kim cương là gì; hiểu rằng một ngày kia linh hồn kim cương cũng sẽ phát hiện nơi ta, “Ngươi hãy nhìn chính bản thân ngươi! Ngươi là Phật đấy!” 

Sự lập hạnh hay là luyện tánh

...Từ nay con người biết rằng bất cứ một việc gì đã được bắt đầu thì sẽ được tiếp tục; biết rằng sẽ mang theo mình từ kiếp nầy qua kiếp khác những của cải đã tích trữ; biết rằng một sự khiếm khuyết mới được khám phá ra, tuy chưa có thể được bổ túc một cách hoàn toàn trọn vẹn, song cũng đã được bổ túc đến một mức nào rồi và một phần công việc đã được làm xong; biết rằng khi đã phát triển được một quyền năng mới mẻ thì quyền năng nầy vĩnh viễn thuộc về y, nó trở thành một phần cố hữu của linh hồn, thấm nhuần vào bản chất của cá nhân, và không bao giờ có thể mất đi được nữa.

 Thí sinh tự ý xây dựng tánh nết mình và đức tin vững vàng vì đã hiểu biết đúng đắn tường tận; biết rằng dưới mọi khía cạnh của thiên nhiên, chỉ có một định luật mà thôi. Khi hiểu được định luật là bất di bất dịch, chắc chắn mình có thể hoàn toàn triệt để tin cậy nơi định luật đó, kêu gọi định luật giúp đỡ, vì biết định luật sẽ không làm cho thất vọng, cầu khẩn định luật vì biết định luật sẽ phán xét; không còn một chút do dự, một chút nghi ngờ nào. Những sức mạnh mà đã tung ra nhất định thế nào cũng phát sinh những kết quả, và mỗi một hạt giống đã gieo, chắc chắn sẽ đơm bông kết trái theo loại của nó, và sau nầy sẽ gặt hái được cái kết quả tương đương, chớ không có gì khác được. Vậy không tập luyện một cách hấp tấp vội vàng, không nóng lòng sốt ruột trong khi cố gắng. Nếu quả chưa chín thì sau nầy sẽ hái được, nếu cái hạt giống chưa được sẵn sàng thì sẽ chờ đợi; biết rằng định luật đang tuân theo vừa có tính cách lành thiện, vừa có tính cách bất di bất dịch; biết rằng định luật sẽ mang đến mỗi sự vật đúng với giờ khắc thích hợp, và đối với thế gian cũng như đối với chính bản thân, giờ đó là giờ tốt nhất.

...tư tưởng tốt lành ảnh hưởng đến đồng loại, và tất cả những thí sinh muốn vào thánh điện đều có một lý do chánh yếu là phụng sự nhân loại. Vì vậy nên khi lựa chọn tư tưởng, dù muốn tự mình phát sinh ra những tư tưởng ấy, hay muốn thu nhận vào tâm thức mình những tư tưởng do kẻ khác sinh ra, lý do chánh yếu vẫn là ảnh hưởng của những tư tưởng đó đối với kẻ khác chớ không phải đối với mình. Trước hết mọi sự, y là thí sinh muốn phụng sự trên mọi cảnh giới. Vì thế cho nên khi lựa chọn những tư tưởng sẽ trút thêm thần lực vào để làm cho chúng thêm linh động, sẽ tính toán đến ảnh hưởng của chúng đối với người ngoài đời; sẽ dự đoán xem chúng có thể giúp đỡ, thêm sức, tinh luyện kẻ khác như thế nào; sẽ đem những tư tưởng hữu ích cho kẻ khác mà đặt vào cái dòng tư tưởng mãnh liệt đã tự phát sinh, và mục đích đã được ấn định rõ ràng là phụng sự các huynh đệ và giúp đời tiến bộ.

...khi con người hành động như trung tâm điểm của những tư tưởng cao thượng (chúng ta hi vọng trung tâm nầy từ nay sẽ không còn chứa đựng những tư tưởng xấu xa nữa) sẽ tự biến đổi lương tri mình thành một cục đá nam châm thu hút tất cả mọi điều tốt lành. Những mãnh lực xấu xa sẽ bị tan rã khi đụng chạm phải linh hồn dũng mãnh, và những lực tinh khiết, tốt lành sẽ chảy tuôn cuồn cuộn vào lương tri như những làn sóng để được bồi dưỡng, được thêm sinh khí và sức mãnh liệt. Những tư tưởng của kẻ khác cũng đến, rồi lại từ giã mà ra đi cùng khắp thế gian với một sức mạnh được tăng cường. Như vậy không những chỉ là một nguồn thần lực giúp đời do những tư tưởng phát sinh ra, còn là một con kinh tràn ngập những ân huệ thiêng liêng, nhờ những tư tưởng mà y nhận được, rồi tăng cường truyền đạt đi. Tất cả những ảnh hưởng nầy đều dự phần vào việc xây dựng tánh tình, cho nên ngay từ khi mới xây dựng, tư tưởng chơn chánh nầy sẽ là ảnh hưởng chủ yếu của trí; sẽ luôn luôn coi chừng tư tưởng, theo dõi chúng một cách thận trọng, để cho thánh điện nội tâm không có chút gì ô trược có thể xen vào. Nếu điểm nầy không được canh chừng, thì tất cả sẽ bị mở rộng ra để cho quân thù xâm nhập. Chính đây là nơi doanh trại của thành trì, mà cũng là cái cửa duy nhất để cho những ngoại vật đi vào trong.

 Thúc đẩy công việc lập hạnh của mình xa hơn nữa, nếu chưa biết sẽ học cách coi chừng lời nói của mình. Lời nói chơn chánh, trước hết phải thật đúng, hết sức đúng. Chỉ đúng một cách tầm thường như ở ngoài đời thôi thật là chưa đủ, tuy được như vậy cũng đã là khá lắm rồi. Người đệ tử phải nói hết sức đúng với sự thật, phải nói thật một cách tuyệt đối, đó là một đức tánh cần thiết hơn hết đối với ai muốn đi theo con đường huyền bí học: phải thật đúng trong khi nhận xét sự việc, trong khi tường thuật lại mọi việc, trong tư tưởng, trong lời nói, trong việc làm, trong hành động. Nếu không ngớt tìm kiếm sự thật, nếu không quả quyết triệt để trở thành một người tự mình đúng với sự thật thì không thể nào đi theo đường huyền bí học được, huyền bí học sẽ là một sự nguy hiểm, sự sa ngã mà thôi, sự sa ngã nầy càng đáng sợ, càng đau đớn khi sinh viên càng lên cao. Vì đối với nhà huyền bí học, sự đúng thật vừa là một người chỉ đường đưa lối, một người hướng đạo, vừa là một bộ áo giáp để che chở ta. Sự đúng thật là người hướng đạo vì nhờ nó mà nhà huyền bí học có được trực giác khiến có thể phân biệt được con đường chơn chánh và con đường sai lầm, chánh đạo và tà đạo. Nó là một bộ áo giáp, vì nếu nhà huyền bí học không mặc bộ áo giáp chơn thật đó, thì không thể nào tránh khỏi sẽ là nạn nhân của những ảo ảnh và những hình thù quái đản của những cảnh giới phải đi qua. Áp dụng sự đúng thật trong tư tưởng, lời nói và việc làm sẽ lần lần thức tỉnh được các trực giác tinh thần làm thủng tất cả tấm màn ảo tưởng và không bao giờ bị một thế lực nào ở đời lừa dối được. Những tấm màn che mắt giăng khắp mọi nơi. Trong cõi đời ảo tưởng nầy, những hình dáng giả dối từ tứ phía đều nổi lên cho đến ngày trực giác tinh thần với tia mắt nhìn thẳng thắn và không sai lầm đi xuyên qua được mọi tấm mặt nạ che giấu sự vật. Ta không thể đạt được trực giác đó nếu không tập luyện để có được sự đúng thật trong tánh tình, trau giồi sự đúng thật trong trí, phát triển sự đúng thật trong tâm mình. Không có sự đúng thật, ta sẽ thất bại, sẽ lầm lạc không bao giờ tránh khỏi.

 Vậy lời nói trước hết phải đúng thật, sau nữa lời nói phải dịu dàng, vì sự đúng thật và sự dịu dàng không đối chọi nhau như người ta vẫn thường tưởng.

Lời nói có thể trọn vẹn đúng thật mà vẫn hết sức dịu dàng, nhã nhặn và từ ái. Khi nó càng đúng thật bao nhiêu thì nó lại càng phải dịu dàng bấy nhiêu, vì chính ngay trong trung tâm của sự vật, chân lý và lòng từ bi vẫn hằng sống đời đời bên cạnh nhau. Vậy cho nên lời nói đã phản chiếu cái tinh hoa sâu kín nhất của vũ trụ thì không thể vô cớ làm mích lòng một sinh vật nào, hay sinh ra một chút ngờ vực nào cả. Vậy lời nói phải đúng thật, dịu dàng và nhã nhặn, đó là sự khắc kỷ về lời nói, sự hãm mình thiệt thọ trong ngôn ngữ, sự hy sinh mà mỗi người chí nguyện phải làm.

 Sau hết, tư tưởng, lời nói đã được chơn chánh, thì lẽ tự nhiên, việc làm cũng sẽ thành chơn chánh. Cái nhân đã như vậy, cái quả cũng sẽ phải như vậy, không sao khác được. Vì hành động tức là biểu lộ những sức mạnh nội tâm, khi nào tư tưởng đã trong sạch, khi lời nói đã đúng thật và ngay thẳng, thì hành động sẽ tất nhiên là cao thượng. Phát nguyên từ một ngọn suối dịu dàng và ngon ngọt, dòng nước cũng dịu dàng ngon ngọt, chớ không thể nào khác được; phát sinh từ một tấm lòng và một khối óc tinh khiết, hành động chỉ có thể là chơn chánh, từ thiện mà thôi.

...“Chiêm ngưỡng như trong một tấm gương,” vì trí ta là một tấm gương phản chiếu những hình ảnh đã in hình trong đó, và linh hồn đang chiêm ngưỡng sự vinh quang của Chúa trong tấm gương của cái trí, càng ngày càng được vinh quang và biến thành hình ảnh thiêng liêng ấy. Vậy chỉ có một giáo lý duy nhất của Quần Tiên Hội được truyền đạt đến cho ta, qua lời nói của Vị hiền triết xứ Ấn Độ và qua lời nói của Vị thánh Cơ Đốc, trong kinh thánh phương tây cũng như trong kinh thánh phương đông cổ kính; chư huynh phải có một lý tưởng trước mắt để có thể phản chiếu nó, và tâm trí con người không ngớt tham thiền suy ngẫm về cái lý tưởng nào thì lẽ tự nhiên, y sẽ biến hoá thành chính cái lý tưởng ấy vậy.

 Chúng ta phải làm sao xây dựng toà lầu đài đức hạnh của ta lên đến mức cao của lý tưởng. 

Do sự chiêm ngưỡng.- Người chí nguyện đang tìm cách lập hạnh phải tự ý mình lựa chọn một giờ nhất định sẽ không thay đổi, và sẽ chiêm ngưỡng lý tưởng của mình đã xây dựng từ ngày nầy qua ngày khác. Sẽ tập trung tư tưởng và lương tri để phản chiếu lý tưởng đó không ngừng. Từ ngày nầy sang ngày khác, cứ lặp đi lặp lại mãi những nét đặc biệt của lý tưởng thân mến, cứ lấy tư tưởng của mình mà tham thiền và suy ngẫm mãi. Khi y càng chiêm ngưỡng, tất nhiên càng thấy nảy nở trong tâm, tấm lòng tôn kính và sự kích động thánh thiện là dấu vết của sự tôn thờ, đó là năng lực vĩ đại có tính cách biến hoá cho con người trở thành lý tưởng mà nó thờ phụng.

 Sự chiêm ngưỡng nầy vừa có tính cách tôn thờ, vừa có tính cách nguyện ước, mong muốn. Khi con người càng chiêm ngưỡng thì những tia sáng của lý tưởng thiêng liêng sẽ càng tuôn xuống, và để tiếp nhận những tia sáng nầy, sự mong muốn ước vọng sẽ mở rộng cánh cửa của tâm hồn ra. Cho nên những tia sáng sẽ chiếu rọi nội tâm, và rồi cũng chiếu sáng ra ngoài. Lý tưởng sáng ngời luôn luôn bay lượn trên mình và trong tâm, chỉ vạch cho y thấy con đường phải theo.

Muốn có thể chiêm ngưỡng như vậy, con người phải học tập về cách tập trung tư tưởng. Cái trí không được lo ra như thường lệ. Phải học cách định trí, và một cách quả quyết. Đối với chúng ta sự tập trung tư tưởng phải là mục đích của sự tập luyện không ngừng. Phải cố gắng định trí trong khi đang làm những công việc tầm thường hàng ngày. Muốn thế, ta chỉ cần làm một việc trong một lúc thôi, cho đến khi nào khối óc ta vâng lời ý chí một cách dễ dàng. Chỉ cần làm đầy đủ mỗi bổn phận của mình với tất cả khả năng của trí thông minh tập trung vào một điểm duy nhất. 

Thế nào chư huynh cũng biện bác những công việc chư huynh phải làm, phần nhiều có tính cách tầm thường. Điều nầy không quan hệ gì cả. Trong sự tự luyện tập để làm cho quí huynh trở thành đệ tử, cốt yếu không phải là ở bản tính công việc mà chư huynh làm, nhưng chính là cách thức làm việc của chư huynh. Điều phải coi chừng không phải là loại công việc đã giao phó cho chư huynh ở ngoài đời mà là cái phương pháp làm việc của chư huynh, tư tưởng chư huynh dành cho công việc, những năng lực mà chư huynh tập trung vào, cùng là sự thuần thục, thành thạo, khéo léo mà chư huynh thu lượm được. Một lần nữa, xin nhắc lại, dù đời sống của chư huynh như thế nào, điều nầy không quan hệ gì, chư huynh có thể cứ để nguyên đời sống của mình và sử dụng nó để tự tập luyện lấy mình. Mặc dù công việc đang làm có vẻ tầm thường đến đâu dưới mắt chư huynh, chư huynh vẫn có thể dùng nó làm khí cụ để tự luyện tập tư tưởng. Hiện giờ, mặc dù chư huynh đang bận rộn điều gì, vật gì, chư huynh cũng có thể nhờ sự chú ý không ngớt mà luyện cho cái trí của mình có thói quen tự tập trung lại một cách tự nhiên dễ dàng. Chư huynh hãy nhớ một khi đã có được thói quen ấy rồi, chư huynh sẽ tha hồ tự do mang áp dụng nó vào việc gì cũng được. Khi chư huynh đã học được cách làm chủ tư tưởng của mình rồi thì chư huynh có thể khiến cho tư tưởng đó chú định vào vấn đề nào cũng được, phát ra theo đường lối nào cũng được.

...Đứng trước một việc lớn lao, tâm trí liền tập trung những khả năng của nó lại ngay tức khắc; trước một việc lớn, tất cả những sức lực của linh hồn đều được triệu tập để có thể làm tròn nhiệm vụ cao cả cần phải làm. Nhưng giá trị thiệt thọ của linh hồn tự biểu lộ trong những sự việc bé nhỏ, nơi mà không có gì khiến cho người đời chú ý, không có ai khen ngợi, cổ võ ta, nơi mà con người phải tự mình làm việc để đạt được kết quả đã định trước và sử dụng trọn vẹn những gì chung quanh mình như là những phương tiện để tự chủ.

Kỷ luật con người tự bắt buộc mình phải theo là bí quyết của tất cả những phương pháp. Chư huynh hãy tổ chức đời mình theo một chương trình nhất định. Chư huynh hãy đặt ra vài ba quy tắc rồi tự bắt mình phải theo đó mà sống. Một khi những quy tắc nầy đã có rồi, xin chư huynh hãy tuân theo chúng. 

...chư huynh có thể lấy những đức tánh mà đức Shri Krishna nói cho Arjuna viết trong chương 16 của kinh Bhagavad Gita, những đức tánh cần thiết để tạo lập một tánh tình siêu phàm. Chư huynh có thể lấy sự miêu tả ấy làm kiểu mẫu để noi theo trong khi lập hạnh. Có một bảng danh sách những tánh tốt để chư huynh tập trung tư tưởng và sự cố gắng không ngừng của mình vào đó. Chư huynh hãy nhớ muốn lập hạnh, trước nhất ta phải chiêm ngưỡng tánh tốt rồi thực hành nó trong ngôn ngữ và hành động hàng ngày, đức tánh nầy sẽ trở nên một phần tử cố hữu của tư tưởng.

Bảng danh sách dưới đây: (Dù những đức tánh nầy có nhiều đến đâu chăng nữa, chư huynh vẫn có đủ thời giờ để thực hành), “tánh vô uý (không sợ hãi), tấm lòng trong sạch, sự bền chí trong pháp môn minh triết, lòng nhân đức, sự tự chủ, lòng hy sinh, và sự ham học những kinh thánh, sự khắc kỷ và tánh ngay thật, tánh ngây thơ, tánh chơn chánh, tánh không giận dữ, tánh dứt bỏ, sự an lạc, tánh không nói xấu và nói hành, lòng từ bi đối với mọi sinh vật, tánh không ham muốn, tánh dịu dàng, tánh khiêm nhượng, tánh không hay thay đổi bất thường, không nhẹ dạ, tánh can đảm, tánh khoan dung, tánh đại lượng, tánh thẳng thắn, tánh yêu mến, tánh không kiêu ngạo – đó là phần sở hữu của kẻ sinh ra với những đức tánh thiêng liêng.” Chưa hoạch đắc được tất cả những đức tánh đó một lượt, nhưng lần lần, nhờ sự lập hạnh, sẽ có đủ những đức tánh đó. 

...Chư huynh hãy để ý, những sợi chỉ vàng của lòng vô tư lợi, của tình yêu mến, của tánh thơ ngây được dệt cùng với lòng can đảm, với sức mạnh, với sự nhẫn nại khiến cho tánh nết được thăng bằng một cách tuyệt diệu. Đó là một tánh tình vừa cứng cỏi, vừa dịu dàng, vừa can đảm, vừa từ bi, một tánh tình oai nghiêm bất di bất dịch, sẵn sàng hết lòng cứu giúp kẻ yếu đuối, một tánh tình rất sùng đạo, rất tinh khiết, một tánh tình có kỷ luật, vì vậy mà được điều hoà. 

...ự hiểu biết về luật tương đối, lẽ tất nhiên nó xen vào đời sống của những ai đã thoáng thấy chân lý giữa những vật phù du cùng là ánh sáng thiêng liêng ẩn mình dưới những bóng trôi qua. Khi đã hiểu được sự rộng rãi bao la của mục đích, khi đã công nhận con người phải sống trong vô số kiếp, người chí nguyện biết rằng có cả một thời gian vô tận vô biên trước mặt mình, khi hiểu được tất cả vẻ cao cả của công việc phải làm và những khả năng vô tận đang chờ đợi, tuy rằng hãy còn ẩn tàng dưới lớp màn bí mật của tương lai; khi con người đã trông thấy ánh sáng chân lý, thì mọi sự của một kiếp sống ngắn ngủi chỉ choán vị trí tương đối xứng đáng, đúng theo mực thước khi đem so sánh với đại thể. Vì thế khi có một thử thách đưa đến thì thử thách nầy không có vẻ nghiêm trọng như khi con người tưởng kiếp sống nầy chỉ là kiếp sống duy nhất. Vì bắt đầu hiểu rằng đã trải qua nhiều thử thách rồi, khi vượt qua được chúng, con người trở nên mạnh mẽ và an tịnh hơn. Khi có sự vui mừng đưa đến thì biết rằng đã trải qua nhiều sự vui mừng rồi, chúng dạy nhiều bài học và trong số đó sự vui mừng đã dạy cho biết những niềm vui đó cũng có tính cách phù du. Cho nên sự vui hay buồn đến, không phải là sẽ trơ trơ không cảm thấy nỗi vui hay nỗi buồn ấy, mà cảm thấy chúng một cách thấm thía hơn là người thường ở ngoài đời. Nhưng đặt để chúng vào đúng vị trí và đánh giá chúng theo đúng giá trị trong cái đại thể của đời sống rộng lớn.

 Khi con người tập luyện để có được tánh lãnh đạm ấy, ta không nên tưởng rằng trở nên vô tri vô giác, không biết cảm động nữa. Trái lại càng ngày càng cảm thấy một cách rõ rệt những sự rung động nhỏ của sự sống ở trong người và ở ngoại cảnh. Vì càng ngày càng tự điều hoà với vạn vật, cho nên tự nhiên phải trở nên càng ngày càng nhạy cảm đối với mọi sự thay đổi nhẹ nhàng của mỗi tiết điệu trong vạn vật. Nhưng không một sự thăng trầm nào có thể lay chuyển, có thể quấy rối sự hoàn toàn an tĩnh, vì đời sống thiệt thọ đã châm cội rễ nơi không hề có dông tố, không hề có sự thay đổi nào xảy ra và trong khi cảm biết các sự biến thiên, thì không bao giờ chúng có thể ảnh hưởng đến ý chí nữa. Mỗi việc đều choán vị trí tương xứng với nó trong cái chu kỳ bao la của đời sống của linh hồn. Sự lãnh đạm nầy, sự lãnh đạm thiệt thọ đồng nghĩa với sức mạnh, chư huynh sẽ phát triển nó theo cách nào?

 Thoạt đầu chư huynh sẽ phát triển bằng cách tham thiền hằng ngày về ý nghĩa của đức tánh nầy theo phương pháp đã được chỉ dẫn, bằng cách nghiên cứu đức tánh đó từng chi tiết một, cho đến khi hiểu được trọn vẹn, nghiên cứu tỉ mỉ từng chút để xem coi dưới mắt chư huynh đức tánh ấy là cái gì. Rồi sau nầy, khi chư huynh sống chung với đồng loại, chư huynh sẽ áp dụng đức tánh đó trong đời sống hằng ngày. Chư huynh sẽ thực hành tánh lãnh đạm, không phải bằng cách trở nên cứng rắn, nhưng bằng cách tăng trưởng lòng thiện cảm của mình, không phải bằng cách ẩn mình trong một cái vỏ cứng khiến chư huynh phải xa cách đồng loại, nhưng bằng cách ứng đáp với những sự rung động nhỏ nhất ở bên ngoài. Cùng một lúc, chư huynh giữ lấy sự thăng bằng nội tâm mà không một sự gì có thể ảnh hưởng tới, dù sự rung động có làm lay chuyển đến cả đáy lòng.

 Đó là bài học nhọc nhằn và khó khăn, nhưng cho ta không biết bao nhiêu hy vọng và vui mừng, khiến cho sự hoạt động của ta lại được hồi sinh nồng nhiệt, và chỉ vì những sự lợi ích nầy mà thôi, cũng đáng cho ta tập luyện có được tánh đó vậy. Vì khi linh hồn tự cảm thấy mình trở nên quá mạnh mẽ không bao giờ còn bị lay chuyển nữa, mà vẫn nhạy cảm đối với mỗi rung động ở phía ngoài, sẽ thấy đời sống của mình được mở rộng ra một cách kỳ diệu; thấy sự tiết điệu, sự hoà hợp càng ngày càng trở nên trọn vẹn hơn, thấy lương thức càng ngày càng phát triển, càng ngày càng rõ rệt sự hợp nhất với đại thể mà linh hồn là một thành phần. Khi mà cảm giác chia rẽ tan mất đi, sự vui mừng ngự trị nơi trung tâm vạn vật sẽ tràn ngập linh hồn và ngay chỗ người đời trông thấy những đau khổ, thì người đệ tử lại không trông thấy có gì là khó khăn. Bởi vì có thể nói người đệ tử cảm thấy những sự khó khăn nầy như là thành phần của đời sống của vũ trụ. Với người đệ tử, chúng chỉ là một vần chữ trong cái ngôn ngữ bao la của vũ trụ hữu hình; có thể học hỏi ý nghĩa của sự đau khổ mà tấm lòng vẫn được tự do thong thả, không hề đau khổ, vì sự an lạc là kết quả của sự hiểu biết càng ngày càng rộng lớn, đã đền bù, và đền bù rất nhiều nữa, có thể nói rằng sự an lạc nầy làm thay đổi thái độ đối với tất cả những kinh nghiệm của ngoại giới mà người ta cho là những sự đau khổ và mất mát, thiệt thòi. Tư tưởng và hành động theo lối đó, chư huynh sẽ thấy tăng trưởng nơi mình tư tưởng bình tĩnh an lạc, trầm tĩnh. Thế nên chư huynh dường như ở một nơi yên tịnh, mặc dầu bão tố đang nổi lên ở ngoài đời. Chư huynh sẽ thấy và cảm trận bão, nhưng chư huynh sẽ không bị lay chuyển.

 Một sự an lạc tuyệt vời và sâu xa, mà không sự gì có thể quấy rối được, đó là dấu hiệu một đời sống tinh thần. Đời sống nầy thoạt đầu tự biểu lộ bằng sự yên tịnh, rồi đến sự hoan hỉ của tâm hồn và khiến cho đời sống của người đệ tử trở thành một sự phát triển liên tiếp mà mục đích là luôn luôn tiến về phía trước cho đến khi đi đến trung tâm của sự vật, chính là tình thương yêu vậy. Điều nầy là nảy sinh cảm tưởng rằng: Chúng ta là những người tự chủ, Chơn Nhơn nơi ta mạnh mẽ hơn những sự thay đổi bên ngoài. Chơn Nhơn muốn những sự tiếp xúc bên ngoài được vang động lên trong nội tâm, nhưng nó không muốn để cho cõi lòng xao xuyến. Lúc đó, từ tánh tự chủ và tánh lãnh đạm bỗng nảy sinh tánh không thù ghét ai, người ta nhấn mạnh nhiều lần về đức tánh nầy trong khi người chí nguyện lập hạnh để trở nên đệ tử. Không được thù ghét một điều gì cả. Phải thâu gồm tất cả trong phạm vi của tình thương yêu. Dù bề ngoài của mọi vật có đáng ghê tởm đến đâu chăng nữa, điều đó cũng không quan hệ gì, sự sống và tình thương ngự nơi trung tâm của vạn vật. Vì vậy, người đệ tử đang học hỏi không loại trừ một vật gì ra ngoài lòng từ bi của mình; bao gồm mọi sinh linh trong tấm lòng thương yêu của mình và chú ý đến sự nhạy cảm của chúng, trở thành người bạn của vạn vật, thương yêu tất cả những sinh vật có tri giác.

 Khi lấy những đức tánh đó xây dựng tánh tình mình, người chí nguyện trở nên một người can đảm; can đảm vì không thù ghét cái chi cả, thì không có cái chi có thể làm hại được. Sự ác độc từ bên ngoài đến với chúng ta chính là sự phản ứng của những gì ác độc, khiêu khích từ nơi tâm ta; vì chúng ta thù ghét kẻ khác nên kẻ khác mới thù ghét ta. Chúng ta đi khắp thế gian gieo rắc sự ác, nên các sinh vật, đến lượt chúng, chúng đối xử độc ác lại với chúng ta. Chúng ta có bổn phận yêu thương mọi sinh vật, vậy mà chúng ta tung ra khắp mọi nơi sự chết chóc, bạo ngược, thù hận, ta tìm kiếm đồng loại để hành hạ họ chớ không phải để dạy dỗ họ - làm như con người ở cõi trần nầy không có bổn phận dạy dỗ các em còn nhỏ dại của mình và không dùng tất cả lòng trìu mến, lòng từ bi của mình để nâng đỡ họ... 

...Vì vô minh chúng ta không biết tất cả những sự thù hận của thế giới bên ngoài đối với ta chỉ là cái phản ảnh của điều ác đang có trong lòng ta, và đối với tấm lòng yêu mến thì không có cái gì là đáng ghét, không vật gì làm hại được cả. Con người lòng dạ nhân từ có thể đi qua rừng sâu mà không bị nguy hiểm, có thể đi vào hang thú dữ mà không bị vồ, có thể lấy tay mà bắt rắn, vì tấm lòng tràn ngập tình thương nên không nhìn thấy ở đâu là thù hận cả. Tình thương phóng những tia sáng khắp cõi đời và thu hút mọi vật để phụng sự chúng, chớ không phải để làm hại chúng, và do sự thu hút nầy làm thức tỉnh tình yêu, chớ không phải lòng thù hận nơi vạn vật. Vì vậy, nên con cọp lăn mình dưới chân nhà tu sĩ Dô Ghi như một người bạn thân, con vật hung dữ nhất mang con đến gởi cho vị thánh nhân, nhờ Ngài che chở và cứu giúp; thế cho nên tất cả mọi sinh vật đều đến với người có lòng nhân đức thương mến, vì vạn vật cùng có một nguồn cội thiêng liêng. Tình yêu là thiêng liêng, khi nào con người thương yêu trọn vẹn thì thu hút vạn vật.

...Nhưng có khi linh hồn phải trải qua một thời kỳ lo ngại rất mệt nhọc, vì đã phóng mình lên cao, đã nhảy lên khoảng trống không mà từ trên cao vẫn chưa thấy có bàn tay nào đưa xuống để nắm tay mình; bóng tối bao phủ, và chân thì lơ lửng không nơi nương tựa. Người chí nguyện nào cũng phải lao mình vào khoảng trống rỗng đó; người đệ tử nào cũng phải vượt qua hố sâu đó. Khi hố sâu nầy mở ra rộng lớn trước linh hồn, linh hồn lùi bước. Khi hố sâu nầy hiện ra, bề ngoài dường như tối om và sâu thẳm, người chí nguyện đứng ở miệng hố sợ hãi liền lùi lại phía sau. Tuy nhiên, sự sợ hãi nầy thật là phi lý. Chư huynh hãy mạnh dạn lao mình vào khoảng trống rỗng, chư huynh sẽ tìm thấy ở đó một sự viên mãn, tràn đầy. Chư huynh hãy nhảy ngay vào bóng tối và chư huynh sẽ thấy chân mình được đặt lên trên một tảng đá. Chư huynh hãy gỡ những tay đang níu mình lại, sẽ có những bàn tay mạnh bạo hơn nắm lấy bàn tay chư huynh và kéo chư huynh về phía trước. Những bàn tay nầy không bao giờ rời bỏ chư huynh. Những cái siết tay của cõi trần thỉnh thoảng có thể dường như yếu ớt, bàn tay một người bạn có thể lìa bỏ bàn tay chư huynh và để cho nó trơ trọi, nhưng những người bạn ở bên bờ sông giác không bao giờ rời bỏ tay chư huynh, mặc dù xảy ra những sự biến thiên ở cõi trần. Vậy chư huynh hãy mạnh dạn tiến thẳng vào bóng tối. Chư huynh sẽ thấy sự cô đơn của mình chỉ là một ảo tưởng dày đặc nhất, và sự tối tăm ấy lại là một ánh sáng không bao giờ bị tắt mất. Một khi vượt qua được sự thử thách nầy rồi, thì dường như quả thật là một ảo ảnh, và nếu người đệ tử dám lao mình vào đó, thì sẽ tự thấy mình qua được bờ bên kia bình an vô sự.

...Sự lập hạnh cứ như thế mà tiếp tục mãi. Cứ sẽ tiếp diễn, trải qua những kiếp vị lai, và cứ ở mỗi kiếp sống mới, lại càng trở nên cao thượng hơn trước. 

Một tấm lòng dịu dàng trìu mến, một sức mạnh, một niềm vui, một sự an lạc tuyệt vời - cảnh yên tịnh của mặt hồ êm ả, sự trầm lặng mà không một điều gì có thể phá rối được - đó là một vài nét của lý tưởng mà một ngày kia chúng ta sẽ thực hiện được ở nơi mình. Nếu chúng ta dám nhìn lên những đỉnh cao chót vót đó, chính là các vị Tiên Thánh vẫn hãy còn sống ở cõi trần nầy cùng với chúng ta. Các Ngài cao hơn chúng ta xa lắm nhưng các Ngài vẫn ở bên chúng ta, các Ngài vượt khỏi chúng ta nhưng các Ngài không bỏ rơi chúng ta, tuy rằng ở tất cả mọi phương diện, chúng ta không sao có thể hiểu nổi các Ngài. Vì trong trái tim của Chơn Sư, có đủ chỗ chứa toàn thể nhân loại, và vào trình độ của nhân loại hiện giờ, chúng ta là con cháu của các Ngài, chúng ta có thể nghĩ đến sự hiện diện của chúng ta trong trái tim đó mà không một chút chi sợ hãi.

Tinh thần hóa

...Theo ý nghĩa bao quát nhất, phương pháp luyện kim tinh thần nầy có thể được coi như là một sự biến hoá những mãnh lực. Ai ai cũng có nơi mình sự sống, năng lực, sức mạnh, quyền năng của ý chí, v. v… Đó là những sức mạnh mà con người phải sử dụng như là những khí cụ - đó là những khả năng sẽ khiến cho đạt được mục đích. Theo một phương pháp mà người ta có thể gọi là phương pháp luyện kim, biến hoá những mãnh lực nầy, bằng cách áp dụng chúng vào những mục đích cao thượng hơn, biến đổi những năng lực thô bạo thành những năng lực tinh thần đã được tinh luyện. Không phải chỉ thay đổi mục đích mà thôi - không phải là sự thay đổi mục đích là điểm tôi muốn làm nổi bật lên nơi đây - chính là đã thay đổi và tinh luyện sức mạnh đó mà không làm hư hoại bản tính cốt yếu của chúng. Giống như một nhà luyện kim lấy một vật chất thô sơ, bắt nó phải chịu một phương pháp tinh luyện thâm sâu; không những chỉ loại ra những cặn bã ngoài mặt mà để xúc tiến sự tinh luyện đến mức sâu xa hơn nữa, chuyển lên đến một trạng thái tinh vi hơn, khiến cho những nguyên tố tạo thành được một thứ kim loại quí báu thuần tuý hơn. Chư huynh có thể tưởng tượng ra nhà luyện kim tinh thần nắm lấy mọi mãnh lực trong bản tánh mình, nhìn nhận chúng như những sức mạnh đáng kể và biết rõ sự hữu ích, tính cách cần thiết của chúng - nhưng biến đổi chúng, tinh luyện chúng, một cách có phương pháp. 

Sự tinh luyện tinh thần không phải chỉ có một mục đích duy nhất là biến hoá các mãnh lực, tuy điều nầy là mục đích chánh yếu, còn có mục đích thứ nhì nữa mà ta phải nói tới. Những linh hồn, chỉ vì những dục vọng của mình, mà phải bị trói buộc vào đời sống hồng trần, vào bánh xe sinh tử. Chúng bị sự vô minh cột chặt vào đấy, chúng bị ràng buộc bởi chúng thèm muốn hưởng thụ những thú vui vật chất, những niềm vui được nếm trải trong sự chia rẽ, trong cảnh cô đơn. Luôn luôn hoạt động, linh hồn tự trói buộc mình bằng những hành động của mình. Dù những hành động nầy là lành thiện hay tàn ác, cứu giúp hay là làm hại kẻ khác, luôn luôn ở nơi con người tầm thường, chúng có một tính cách chung nầy: nguồn cội của chúng là lòng ham muốn, và chính lòng ham muốn ràng buộc và trói cột con người.

 Vả lại bao giờ con người còn sống trên cõi đời thì hành vi cần phải có, luôn luôn cần phải hoạt động. Nếu không có, thì không còn cái gì tự biểu hiện ra được nữa. Khi sự cao thượng, sự khôn ngoan và sức mạnh tăng trưởng nơi con người, thì hành động trở nên một yếu tố càng ngày càng quan trọng trong sự tiến bộ của thế gian. Nếu những người tiến hoá nhất không hành động nữa thì sự tiến bộ của nòi giống chúng ta sẽ bị chậm trễ lại, và dĩ nhiên sự tiến hoá đó sẽ bị trì hoãn.

 Phải làm thế nào để hành động được thực hiện mà con người vẫn được tự do? Đây cũng là một trường hợp luyện kim tinh thần. Nhờ sự luyện kim nầy, con người tiến hoá nhất sẽ hành động một cách hết sức linh hoạt để phụng sự đời - nhưng việc làm không ràng buộc, vì là một linh hồn đã được giải thoát.

...Trong cõi hạ giới, sự hy sinh có thể được coi như là sự giúp đỡ lẫn nhau, sự quay chuyển không ngừng bánh xe đời, trong đó mỗi người thụ nhận và ban rải ra - con người không thể tránh sự không thụ nhận, và không thể khước từ sự không ban ra. Nếu chư huynh xem trong chốc lát sự hy sinh theo quan điểm thấp kém, thì hy sinh đối với chư huynh là làm quay chuyển bánh xe đời không ngừng. Mọi vật đều dự phần vào đó, dù một cách hữu ý hay vô tâm. Sự hợp tác của chúng có tính cách hữu ý nhiều hay ít là tuỳ theo chúng đã tiến hoá đến đâu. Sự hy sinh theo cách đó đã được trình bày rõ rệt, còn rõ rệt hơn là ở bất cứ nơi nào khác, trong kinh Bhagavad Gita (khúc ca của Thượng Đế), một trong những thánh kinh của Ấn Độ, nói về bánh xe của sự sống trong đó chư huynh biết được điều cần biết, là cách thức hợp nhất sự hy sinh với hành động. Thượng Đế, Vị Sư Phụ cao cả nói:

        “Thế gian bị ràng buộc bởi mọi hành động nào mà không có sự hy sinh làm mục đích. Vậy hỡi con cái của Kounti, trong khi hành động nhà ngươi phải lấy sự hy sinh làm mục đích và tự giải thoát ra khỏi mọi điều ràng buộc.”

 Ngược dòng thời gian để hoàn thành sự tuần hoàn của sự hy sinh do sự giúp đỡ lẫn nhau, đại Từ Phụ nói tiếp:

 “Trong thời gian xưa, xa xôi, sau khi đã do một hành động hy sinh khiến cho nhân loại tự bản thể Ngài sinh ra, Thượng Đế, Chúa Tể của sự sinh hoá nói: “Do việc nầy, các ngươi sẽ sinh con cái, truyền tử lưu tôn; đối với các ngươi việc nầy là kamaduk (nghĩa là dòng sữa của dục vọng); các ngươi hãy lấy mà nuôi dưỡng những thần minh; cầu mong các thần minh cũng lấy đó mà nuôi dưỡng các ngươi. Tự nuôi dưỡng lẫn nhau như thế, các thần minh và các ngươi sẽ có được an phước tối cao. Vì các thần minh được sự hy sinh nuôi dưỡng, sẽ ban cho các ngươi những điều mà các ngươi mong muốn thụ hưởng.” Thật vậy, kẻ nào thụ hưởng những món của thần minh ban phát cho mà không có gì để trả lại các Ngài, thì kẻ đó chính là một tên trộm cắp.... Các sinh vật cần có đồ ăn mới sống được; nhờ có mưa mới có đồ ăn; nhờ hy sinh cúng lễ mới có mưa; nguồn cội của hy sinh là hành động. Biết rằng sự hy sinh phát sinh từ đức Brahma, đức Thượng Đế và nguồn cội của đức Thượng Đế là Brahman, trường tồn bất diệt, Ngài thấm nhuần vạn vật, thế nên Ngài vẫn có mặt trong sự hy sinh. Kẻ nào ở cõi hạ giới nầy mà không tuân theo sự vận chuyển tuần hoàn của sự sống thì sẽ phạm tội trong cách sống của mình, mặc dù sung sướng theo giác quan, kẻ đó đang sống một cuộc đời vô ích.”

...Sự tượng trưng nầy dạy cho dân gian biết đời sống chuyển động theo vòng tròn, họ phải hiểu trong bản chất của nó, sự hành động phải là sự hy sinh, và tất cả mọi hành động đều bắt buộc phải có tính cách hy sinh, nói theo cách khác, ta phải hành động vì đó là điều lành, chớ không phải vì lý do nào khác; phải hành động để cho con người được điều hoà với định luật; phải hành động vì đấy là cách con người ứng đối với định luật, đó là phần cộng tác trong công nghiệp chung. Theo thuyết nầy thì sự hy sinh là sợi dây bằng vàng liên kết vạn vật trong thế giới hữu hình nầy. Và hành động là căn bản của sự hy sinh, hành động phát sinh nơi đức Thượng Đế sáng tạo, Ngài tự biểu lộ trong vũ trụ, nên người ta nói rằng Brahman, đức Thượng Đế ngự trị trong mỗi sự hy sinh. Từ đó mỗi bổn phận đều được coi như là một bổn phận đối với thế gian, không ham muốn gì cho cá nhân mình, không muốn điều lợi ích riêng tư, không mong mỏi kiếm được cái gì cho bản ngã chia rẽ - chính ở bản ngã nầy ta thấy lộ ra lý do thấp hèn ti tiện, ích kỷ ngự sau sự hy sinh - Đó là đặc tính của sự luyện kim, nó góp sức làm quay bánh xe của đời sống, làm đầy đủ bổn phận mình vì mến yêu bổn phận, biến hoá sự hành động thành một sự hy sinh, đốt cháy những sợi dây ràng buộc của dục vọng và giải thoát con người đã được giác ngộ. Được ngọn lửa minh triết tinh luyện như vậy, sự hành động không còn ràng buộc được linh hồn nữa. Linh hồn hợp tác với Thượng Đế trong thiên nhiên, và mỗi hành động được hiến dâng lên bàn thờ của bổn phận đều trở thành một sức mạnh làm quay chuyển bánh xe của đời sống, nhưng không còn có thể trói buộc linh hồn được nữa.

 Sự trao đổi bất biến, sự giúp đỡ lẫn nhau nầy là hình thức của định luật hy sinh. Sự biến đổi đã xong, việc làm đã được thực hiện như là bổn phận, thì trở nên thành phần sự điều hoà của vũ trụ, thúc đẩy sự tiến hoá và giúp cho nòi giống tiến bộ một cách rõ ràng. Công việc của tân tín đồ ở sân ngoài là tự luyện tập lần lần để hành động trong tinh thần hy sinh đó, hiểu rõ ràng rằng làm như vậy mà không tìm kiếm, không mong mỏi một mối lợi gì, không nài xin một phần thưởng nào, làm việc vì bổn phận, chớ không vì một lý do nào khác. Hành động như vậy là thực hiện khoa luyện kim tinh thần, tinh luyện mỗi hành động trong ngọn lửa của sự minh triết; vì đã tự điều hoà một cách có ý thức với thiên ý trong vũ trụ hữu hình để trở thành một sức mạnh thúc đẩy sự tiến hoá, một năng lực nâng đỡ sự tiến bộ. Tất cả nhân loại đều hưởng được quả tốt của sự hành động nầy; nếu nó không có tính cách hy sinh thì sẽ chỉ đem lại cho kẻ chủ động một kết quả cá nhân mà thôi, và kết quả nầy, đến lượt, lại trở thành sợi dây ràng buộc linh hồn, làm giảm bớt những khả năng tiềm tàng trong điều thiện. Đó là lối tác động của định luật hy sinh được xem xét theo quan điểm thấp kém.

 Nay ta hãy nghiên cứu trên quan điểm cao siêu. 

...khi ta càng sống một cuộc đời thiêng liêng thánh thiện hơn, theo tôi dường như hy sinh có nghĩa là cho ra, ban rải ra phía ngoài. Lý do là ý muốn cho ra, tinh hoa của bản chất là muốn ban rải ra ngoài một vật sở hữu, một vật mà người chủ rất quí trọng, vì đó là một báu vật nên người sở hữu muốn ban phát để giúp đỡ và làm vui lòng kẻ khác.

Vậy lần nầy, từ một quan điểm nội tâm, chớ không phải theo bề ngoài, ta phải coi sự hy sinh trong thiên nhiên như sự cho ra, sự ban rải ra ngoài để làm cho kẻ khác được sung sướng. Vậy sự hy sinh, trong căn bản, là một niềm vui chớ không phải là một nỗi đau khổ; có thể nói đặc tính của sự hy sinh là niềm vui vì được tự hiến dâng. sự hy sinh chính là một sự hiến dâng. Sự hiến dâng nầy được nảy sinh từ nơi một tâm hồn muốn cho ra, một tâm hồn khao khát tự ban rải ra ngoài, muốn mang trọn vẹn hạnh phúc của mình mà chia sớt với kẻ khác, chỉ có lý do duy nhất để hành động như vậy mà thôi, đó là ước vọng duy nhất làm sao tự ban rải ra trong tấm lòng kẻ khác để được hợp nhất với họ trong một niềm vui chung.

...khi lìa bỏ cõi hạ giới, linh hồn cởi bỏ những thể thấp hèn. Linh hồn cởi bỏ xác thân, phách, vía, trí. Chư huynh thấy sự luôn tiến lên cao đó, linh hồn càng ngày càng đến gần Thượng Đế - Ngài chính là bản thể của linh hồn - và càng ngày càng tìm được bản chất cốt yếu của mình (phản bổn hoàn nguyên) - Chư huynh thấy sau cùng, linh hồn còn một thể duy nhất, cao cả nhất, tế nhị, thanh bai đến nỗi khoác thể nầy lên mình, linh hồn chỉ hơi khác biệt chút ít với Thượng Đế mà thôi - đó là tấm màn che trong suốt khiến cho cá nhân được tồn tại, tấm màn cần thiết để chứa đựng trọn vẹn những sự thu hoạch của thời đã qua. Thể nầy có một tên, đó là thể chí phước (the sheath of bliss), gọi thế để nhắc nhở những ai trong cõi đời nầy còn vùng vẫy trong sự vô minh ràng buộc con người, như để nhắc nhở cho mọi người nhớ rằng những sự tiến bộ trong pháp môn Yoga, trong sự hợp nhất với Thượng Đế phải được thực hiện từng giai đoạn một, cho đến khi linh hồn chỉ còn có một mình trong thể chí phước (hạnh phúc tuyệt vời) bao bọc mà thôi. Vì thế, nên người ta nói: “Thượng Đế là chí phước.”

...“Chúng ta hãy cùng nhau đi khắp thế gian và chia sớt với những người khác niềm vui mà chúng ta đã cùng nhau tìm kiếm được.”

 Như thế, theo thuật luyện kim đó, tình yêu sẽ biến đổi thành lòng từ bi thiêng liêng và tự ban rải ra khắp nhân loại, và kẻ xưa kia đã ưa thích thu nhận những món quà của vật mình yêu, nay lại hết sức vui mừng ban rải cho mọi người những điều mà y đã tìm được. Có thể xưa kia tình yêu nầy ích kỷ. Đã hợp nhất một người nam với một người nữ. Rồi được mở rộng ra mà bao gồm phạm vi gia đình, xã hội và đời sống của dòng giống, sau cùng sẽ lan rộng và bao quát cả mọi sinh linh, trong một vũ trụ mà mọi vật đều chứa đựng sự sống. Tình thương nầy không hề mất vẻ sâu xa, nồng nàn, nhiệt thành và sốt sắng; nhưng được lan rộng ra khắp vũ trụ, thay vì tập trung vào một tấm lòng thôi; sẽ thành một đại dương của sự từ bi bao gồm tất cả mọi sinh linh biết cảm xúc. Phép luyện kim tinh thần được áp dụng vào tình thương là vậy.

 Chư huynh có thể theo lối nầy mà lần lượt lấy tất cả những tánh của bản ngã thấp hèn và tinh luyện chúng. Nói tóm lại phương pháp nầy nhắm việc tự giải thoát ra khỏi tánh chia rẽ và lấy ý chí, sự hiểu biết và tánh phân biện mà tiêu diệt. Chư huynh cũng sẽ thấy trọn cả công việc nầy là một niềm vui cho Chơn Nhơn, cho con người thiệt thọ, tuy bản ngã thấp hèn, trong khi mù quáng, có thể tỏ ra vô minh. Khi tin chắc được như vậy, điều mà ta gọi là đau khổ sẽ mất vẻ cực nhọc, khó chịu và trở thành một niềm vui.

 Nơi mà trước kia, có cảm giác đau khổ ngự trị, thì nay niềm vui đang tràn lan và biến đổi sự đau khổ, vì linh hồn đã nhìn thấy, và bản ngã thấp hèn đã bắt đầu hiểu được cứu cánh và mục đích của kiếp người.

...khi ánh sáng chói rạng thì có ngay sự giải thoát, niềm vui, và tiếng cười của con người liền trở nên siêu phàm thoát tục, vì ánh sáng thiêng liêng đã tràn ngập linh hồn, đã giác ngộ, đã trở nên minh triết, và người minh triết thì không bao giờ buồn rầu, vì trong linh hồn đã được giác ngộ một cách phi phàm, sự đau khổ đã bị hoàn toàn tiêu diệt.

...Ở chương II của kinh Pháp Cú Dhammapada, chư huynh sẽ thấy đức tánh nầy được chỉ dẫn một cách rõ ràng và có lẽ với nhiều chi tiết hơn bất cứ đoạn nào khác. Tôi xin trích ra đây:

 “Nếu con người thành thật bắt đầu hành động, nếu không thường quên lảng, nếu những việc làm trong sạch, nếu hành động một cách sáng suốt, nếu tự chủ, nếu sống theo giới luật thì sự vinh quang sẽ tăng trưởng.

 Do sự hoạt động siêng năng, do tánh thành thật, do sự khắc kỷ và tánh trinh khiết, người minh triết có thể tự xây đắp cho mình một hòn đảo mà không một trận hồng thuỷ nào làm ngập lụt được.

 Những kẻ điên khùng đều chạy theo hư danh, đó là những người hiểu biết không chân chánh, người minh triết gìn giữ tánh thành thật của mình như là một báu vật quí giá nhất.

 Bạn đừng theo đuổi những sự vật phù vân, những niềm vui của sự thèm khát tham lam và của tình yêu giả dối. Con người thành thật và ưa suy ngẫm sẽ gặt hái được rất nhiều sự vui mừng.

 Nhờ tánh thành thật, người có học thức đã xua đuổi được tánh khoe khoang, trở nên minh triết, đứng trên những đài cao siêu của sự minh triết, và nhìn những kẻ điên khùng đang ở phía dưới; bình tĩnh nhìn đám đông đang quay cuồng, giống như một người đứng trên một ngọn núi nhìn xuống những kẻ ở đồng bằng.

 Chăm chú ở giữa đáng đông người thường quên lảng, thức tỉnh giữa đám người đang ngủ say, người minh triết tiến bước như một con ngựa chạy đua, để lại phía sau bầy ngựa gầy ốm, vô giá trị.

 Chính nhờ tánh thành thật mà đức Maghavan trở thành chúa tể của các thần minh. Con người ca tụng tánh thành thật, nhưng luôn luôn quở trách tánh bê trễ lười biếng.

 Vị tỳ khưu lấy tánh thành thật làm nỗi vui mừng an lạc, và ghê sợ tật bê trễ lười biếng, có thể di chuyển khắp mọi nơi giống như lửa, đốt cháy những sợi dây lớn nhỏ ràng buộc mình.”

...Khi đọc quyển sách nhỏ “Ánh Sáng trên Đường Đạo” chư huynh sẽ thấy một số điều kiện mà “những lời giảng lý” đã được ghi ở phòng ngoài, ở phía trước cửa thánh điện. Những điều nầy được bày tỏ trong một ngôn ngữ tuy thần bí nhưng ta cũng có thể hiểu được, mặc dù trong một ngôn ngữ thần bí thường có những sự khó khăn phát sinh từ cách hiểu đúng từng chữ theo nghĩa đen thay vì tìm hiểu những sự thật bên trong mà những chữ đó muốn diễn tả ra. Và 4 chân lý cao cả được ghi khắc trong phòng ngoài là:

  “Trước khi thấy được, mắt phải ráo lệ.

 Trước khi có thể nghe được, tai phải điếc, không còn nhạy cảm nữa.

 Trước khi được nói trước Chơn Sư, lưỡi phải mất khả năng làm tổn thương kẻ khác.

  Trước khi linh hồn có thể đứng trước mặt Chơn

Sư thì chân phải được rửa sạch trong tâm huyết.”

Ở trước mỗi cấp bậc là một cửa lớn, và 4 cửa lớn là 4 sự đại điểm đạo. Sự điểm đạo lần thứ nhất mà chư huynh thấy được miêu tả như là sự điểm đạo của “con người nhập lưu” - từ ngữ nầy đã được dùng trong quyển “Tiếng Nói Vô Thinh” và trong rất nhiều tác phẩm công truyền - là sự bước qua thềm thánh điện, sự bước qua rõ ràng, minh bạch, sự nhất quyết đi vào thánh điện, nơi đó người đệ tử đã được điểm đạo không bao giờ còn đi trở ra để lại quay về đời sống thế tục. Không bao giờ còn ra khỏi nơi đó nữa, mặc dù làm việc ở giữa nhân loại, vẫn luôn luôn ở trong trung tâm thánh điện.

 Sự nhập lưu nầy là một cấp bậc nhất định, rõ ràng, và ở trong những tác phẩm công truyền, chư huynh sẽ thấy người đệ tử đi đến trình độ nầy hãy còn tái sinh 7 kiếp nữa. Trong một câu ghi chú trong quyển “Tiếng Nói Vô Thinh” người ta nói một người đệ tử được nhập lưu ít khi đạt được mục đích trong một kiếp sống, và thường phải cần đến 7 kiếp tái sinh nữa mới vượt qua được những cấp bậc cao nhất. Nhưng trong khi đọc sách, chúng ta nên nhớ rằng không nên hiểu những câu nầy đúng theo nghĩa đen: vì những kiếp sống chỉ là những hậu quả và không phải bao giờ cũng được đo lường bằng những sự sinh tử trần gian. Có lẽ những kiếp sống nầy không phải là những kiếp đầu thai ở cõi trần mà là những giai đoạn tiến bộ của con người - tuy nhiên chúng có thể hiểu theo nghĩa những kiếp sống hồng trần. Và những kiếp sống chót của người đệ tử kế tiếp nhau không ngừng nghỉ. Y sống từ kiếp nầy sang kiếp khác, luôn luôn tiến hoá, bao giờ cũng thức tỉnh, không bao giờ lảng quên tiền kiếp. Trong khi những kiếp sống nối tiếp nhau như thế, tất cả những nhược điểm hãy còn sót lại trong bản chất con người phải được loại trừ lần lần từng cái một, một cách trọn vẹn và quả quyết. Đó không phải là những công việc làm dang dở ở sân ngoài, không phải là những sự cố gắng nửa chừng, những sự làm thử và bỏ dở nữa. Ở đây mỗi công việc được khởi đầu phải được hoàn thành trọn vẹn, và dạy chúng ta ở mỗi cấp bậc phải huỷ diệt một số chướng ngại nhất định, một số khuyết điểm của bản tính con người phải được loại trừ triệt để trong khi người đệ tử tiến bước về chỗ toàn thiện toàn mỹ hầu cho Đức Thượng Đế nơi y được biểu lộ hoàn toàn.

 Người ta nói ai vượt qua được sự điểm đạo lần thứ nhì thì chỉ còn phải tái sinh một lần nữa thôi. Chỉ còn phải đầu thai một lần nữa, trước khi chấm dứt chu kỳ sinh tử cưỡng bách; có thể tự ý mà tái sinh nữa, nhưng đó là tự ý muốn như vậy để phụng sự chớ không phải còn bị ràng buộc vào bánh xe luân hồi.

 Vượt qua sự điểm đạo lần thứ nhì và đạt được sự điểm đạo lần thứ ba, người đệ tử “không còn cần phải đầu thai nữa,” vì cùng trong một kiếp sẽ lên cấp bậc thứ tư nó sẽ dẫn đến thềm cửa niết bàn; và bắt đầu từ lúc nầy, không còn định luật nào có thể trói buộc linh hồn vào những cõi hạ giới, vì tất cả những dây trói buộc đã bị cắt đứt và linh hồn được tự do mãi mãi. Cấp bậc thứ tư là cấp bậc của vị La Hán, nơi đó những sự chướng ngại cuối cùng được hoàn toàn tiêu diệt.

...Một khi bước qua được một cấp bậc để đi về phía bên kia, thì người đệ tử nắm được ở trong tay những quyền năng càng ngày càng lớn. Ở phía bên kia, bên trong thánh điện, con mắt của y đã được mở ra, có thể sống và hành động theo một cách thức mà không bao giờ có thể thực hiện được ở phía bên ngoài thềm cửa. Cách thấy, nghe và hành động khiến cho thành một người khác hẳn những người chung quanh, một người có những quyền năng mà người khác không có, có một tầm mắt nhìn không ngờ được, có những kiến thức không hiểu nổi; phải di chuyển, làm việc mà thật ra không phải là một người trong bọn nữa, vì tuy có dự phần vào đời sống chung, là một kẻ khác biệt hẳn, do bản chất. Và nếu như vậy, việc bắt buộc người đệ tử phải có một hạnh kiểm vượt mức những người thường, trước khi được người ta trao cho những quyền năng là một việc rất công bình. Vì một khi đã có những quyền năng đó, chúng hoàn toàn thuộc về người đệ tử, và có thể tuỳ ý sử dụng chúng.

 Chư huynh hãy xem y còn có những nhược điểm rất thông thường của thế tục; như là: những lỗi lầm của những kẻ xung quanh hãy còn làm nổi giận, những việc thường xảy ra trong đời sống hàng ngày còn làm được cho nản lòng, bối rối; chư huynh thử thí dụ y không làm chủ được sự bình tĩnh của mình, không có tấm lòng từ bi luôn luôn tăng trưởng, tấm lòng thiện cảm bao la rộng rãi, chư huynh thử thí dụ khi bị chửi rủa, nổi giận chớ không phát tâm từ bi, quạu quọ chớ không tha thứ, nói tóm lại là hẹp lượng khoan hồng và không kiên nhẫn - nếu thu nhận một người như vậy vào trong thánh điện, nếu đặt vào tay, dù rất ít, những quyền năng phi phàm vượt mức người thường thì kết quả sẽ ra sao? Người ta sẽ lo ngại hay biết chắc chắn rằng những lỗi lầm bé nhỏ đó - rất thông thường đối với những người thế tục - sẽ xảy ra những tai hại kinh khủng. Nếu một người đệ tử hay nổi giận thì những quyền năng mới được nảy nở nơi linh hồn, sức mạnh của ý chí y, sức mãnh liệt của tư tưởng nếu không được ngự trị thì sẽ là nguồn gốc của sự nguy hiểm cho các đồng loại. Thí dụ không lòng khoan dung, không biết thương xót, không thông cảm với những ai còn có những khuyết điểm đã ngự trị được, không hiểu được sự sa ngã là một việc rất dễ dàng, thì người đã được điểm đạo sẽ sống như thế nào giữa nhân loại? Có thể nhìn rõ những tư tưởng, phân biệt những nhược điểm, nhìn thấy cái vòng hào quang mà chúng ta vừa nói đến ở trên, và có thể đọc ở đó như đọc một quyển sách mở rộng, mà biết những nét đặc biệt sâu kín của tánh nết mà con người thường phải giấu giếm nhau dưới lớp che đậy bề ngoài, người có thần nhãn nhìn thấy thực trạng của tâm hồn đồng loại mình, chớ không phải dáng điệu phô trương, một người như vậy rồi sẽ ra sao? Dĩ nhiên không phải là làm một việc chánh đáng hay hữu ích khi trao quyền năng như vậy - đó là quyền năng nhỏ bé nhất của kẻ đã được điểm đạo - cho một người mà những sự thử thách vốn chính mình đã trải qua chưa tập để biết thương xót những người yếu đuối hơn, một kẻ mà sự hồi ức lại những sự lầm lỗi cũ của chính mình không khiến tự cúi xuống để cứu giúp và tội nghiệp cho người tội lỗi nhất trong đám đông gặp trên đường.

...Còn nhiều sự thay đổi khác nữa nơi người đệ tử đã vượt qua thềm thánh điện. Một trong những ân huệ lớn lao nhất mà sự điểm đạo ban cho người đệ tử là có được một trạng thái ý thức luôn luôn sáng suốt không bao giờ bị đứt đoạn, sự chết cũng không có ảnh hưởng gì đối với ý thức đó, sự sinh cũng không làm cho nó quên lảng được. Xuyên qua những kiếp sống đang chờ đợi y, tâm thức cao cả khi đã hoạch đắc được không bao giờ có thể bỏ mất đi hay là mờ ám được. Sự thật là tâm thức cao cả của linh hồn một khi đã phát khởi nơi con người thì không bao giờ còn có thể bị mất đi, nhưng nó không thể hiện ra trong đầu óc của kẻ nào chưa bước qua thềm thánh điện.

...Nhưng đối với ai đã vượt qua thềm thánh điện, sự sanh ly và tử biệt không còn nữa như khi xưa, như hồi còn sống nơi thế tục; có thể cảm thấy sự sanh ly, tử biệt nầy đến một mức độ nào đó, vì cái chướng ngại do sự vô minh chưa được hoàn toàn tiêu diệt, còn có thể bị đau khổ vì sự sanh ly tử biệt, nhưng sự đau đớn nầy không thể bao trùm trọn vẹn lên đời sống thiệt thọ, nó không còn có thể làm cho tâm thức bị đứt quãng. Chỉ khi nào sống trong xác thân mới bị chia ly; và có thể tự ý lìa bỏ xác thân để đi đến nơi mà không gian và thời gian không còn ảnh hưởng được nữa. Cho nên hai mối đau khổ lớn lao của con người từ nay bị hoàn toàn xoá bỏ trong những kiếp vị lai; không còn mất một người bạn nào cả, sự chết không còn có thể cướp mất những người thân yêu đã liên đới nhờ những sợi dây liên lạc của đời sống thiệt thọ. Đối với ta không có sự sanh ly, tử biệt; dưới hình thức đáng sợ nhất, hai nỗi đau khổ nầy của dĩ vãng đã bị hoàn toàn tiêu diệt.

...Không những lương tri liên tục nầy làm cho sự phân ly không còn có thể xảy ra nữa, nhưng còn có nghĩa là trong những kiếp sống vị lai đang chờ đợi, không còn có thể trở lại trạng thái xưa kia trong dĩ vãng; sẽ không còn trở về với đời sống thế tục, vô tâm lãng phí nửa kiếp người vì không biết là mình đang tìm cái chi; không còn tái sinh trong sự vô minh, không biết đến chân lý, không còn bị tấm màn vật chất che phủ làm cho mù quáng và không nhận thức được mục đích thiệt thọ của cuộc đời. Quả thật, sẽ tái sinh nhưng tái sinh trong sự hiểu biết, và để tiến bộ; và bây giờ nếu sự tiến bộ bị chậm lại, nếu không tiến bước một cách liên tục, thì đó chính là do lỗi của mình; đã hoạch đắc được cái lương tri khiến cho có thể tiến bộ được; cho nên nếu có sự ngưng trệ hay chậm chạp, thì đó là vì tại ta, chớ không phải tại sự bắt buộc của cảnh ngộ.

 Một sự thay đổi nữa phát sinh từ những mối tình bằng hữu mới mẻ mà người đệ tử tạo ra; không một đám mây nào có thể khuấy rối được những tình bằng hữu nầy, sự nghi ngờ và lòng hiềm nghi không thể phạm đến, nó bay lượn trên những đám mây mù của thế tục, ở nơi cao siêu nầy sự vật ở hạ giới không có chỗ đứng và không thể quấy nhiễu linh hồn nữa. Vì khi đi vào thánh điện, được giao thiệp với các đại Giáo Chủ, khi bước qua ngưỡng cửa, mắt được trông thấy các vị Chơn Sư, và chỉ một việc tiếp xúc thanh cao như thế cũng đủ thay đổi đời sống mãi mãi; đã tiếp xúc được với sự chân thật vĩnh cửu, những sự phù du không có thể lung lạc như những ngày chưa biết được Thượng Đế vô thuỷ vô chung. Chân y từ đây đã được mãi mãi đứng vững trên tảng đá, và những làn sóng sẽ không còn có thể lôi cuốn đi và làm cho phải vùng vẫy dưới biển cả đang nổi sóng quay cuồng.

...Nhận xét những cấp bậc tối cao mà con người phải vượt qua, khi xem xét những chướng ngại cần phải được tiêu huỷ, chúng ta thấy những giai đoạn cuối cùng của sự yếu đuối của con người lần lần tan mất đi hầu để cho ánh sáng của linh hồn mạnh mẽ, trầm tĩnh và trong sạch chiếu sáng. Cái huyễn tưởng về bản ngã thấp hèn tiêu tan và tất cả mọi người đều được coi như là được hợp nhất với Chơn Ngã. Sự nghi ngờ biến mất và được thay thế bằng sự hiểu biết khi thần trí đã nhận biết được chân lý thì sự nghi ngờ không sao tồn tại được. Chẳng bao lâu, linh hồn sẽ không còn tuỳ thuộc vào những ngoại vật phù du chút nào. Trong khi được tiếp xúc sâu xa với những điều thực tế linh động, thì ngoại vật đều trở về với vị trí thật sự; vẻ bề ngoài không còn thật là quan trọng, và những sự việc xưa nay vẫn chia rẽ con người bây giờ là những bóng mờ, chớ không phải là những sự thật. Tất cả những sự sai biệt giữa các tôn giáo, lễ bái có ít nhiều hiệu quả, tất cả những tục lệ công truyền rất khác nhau đều thuộc về ngoại giới và chúng chỉ là những bức tường ảo ảnh dựng lên để chia rẽ các linh hồn mà thôi. Linh hồn đang tự học sẽ nhìn thấy các mối chướng ngại tối tăm nầy sụp đổ, và những dấu vết yếu đuối của con người tiêu tan và không bao giờ trở lại nữa.

 Kế tiếp, những quyền năng của linh hồn, thị giác và thính giác được phát triển, sự hiểu biết mà từ trước đến nay không ai ngờ bỗng hiện ra tứ phía trong trí; cái trí trở nên hoàn toàn sáng suốt. Giác quan không còn có giới hạn như ở cõi trần nữa. Không còn có sự biệt lập của một vũ trụ như xưa kia, chỉ thỉnh thoảng mới để lọt ra ngoài chỗ nầy, chỗ kia một mảnh vụn dưới hình thức là sự hiểu biết mà thôi. Từ mọi phía, sự hiểu biết liền hiện ra, và trọn cả bề mặt của linh hồn đều trở nên thọ cảm lẹ làng, cho nên sự hoạch đắc sự hiểu biết giống như triều lưu sanh hoá luôn luôn dâng lên cao, như một bầu không khí chói sáng thấm nhuần linh hồn đang tự mở rộng ra tứ phía để thu nhận bầu không khí đó.

...Xa hơn nữa, ta thấy linh hồn tự giải thoát những dục vọng cuối cùng hãy còn bám vào, đó là những đám mây mong manh, những bóng tối cuối cùng của đời sống hồng trần còn có thể ràng buộc linh hồn. Nhưng khi ta đã đi đến điểm đạo cuối cùng, sự điểm đạo nầy thấp hơn cấp tối cao một bậc và làm cho người đệ tử thành một vị La Hán, chúng ta thấy không thể nào quan niệm được ở một trạng thái cao siêu như thế mà còn có những mối chướng ngại và những điều không tinh khiết. Người ta đã viết một cách rất hữu lý rằng con đường của vị La Hán giống như đường của con chim bay trên không gian; giống như chim, Ngài đi mà không để dấu vết lại, dường như Ngài bay bổng mà không đụng chạm vào đâu, không gặp những chướng ngại trong khi Ngài hành động trên từng cao của không gian. Từ trên cảnh giới nầy, một cảm giác an lạc tuyệt vời được ban rải xuống. Người ta nói với chúng ta: không một sự gì còn có thể làm cho Ngài chinh lòng, hay làm lay chuyển Ngài được nữa, những trận dông tố của trần ai không phạm đến Ngài được. Ngài sống trong cảnh thanh tịnh vô biên, trong sự an lạc mà không một sự gì có thể phá khuấy được. Những ai đã biết được trạng thái đó đều đã rán miêu tả; đã nói về những đặc điểm của những người cao như vậy, dĩ nhiên là bằng những danh từ vụng về, thiếu thốn, như thường thấy trong ngôn ngữ của loài người, và những tiếng nói lên dường như chỉ phản chiếu trạng thái tối cao ấy một cách yếu ớt mà thôi. Biết rằng:

...“Vị La Hán rộng lượng, khoan dung như quả địa cầu, như tiếng sét của thần Indra. Ngài giống như một cái hồ trong vắt không có bùn nhơ, Ngài không còn phải tái sinh nữa. Tư tưởng của Ngài yên tĩnh, lời nói và hành động của Ngài cũng bình tĩnh, Ngài nhờ sự thông hiểu chân lý mới được giải thoát, trở thành một người trầm lặng.”

 Và dường như từ sự trầm lặng nầy, chúng ta cảm thấy một cảm giác an lạc, yên tịnh, bình thản, bất biến ban rải xuống; không một sự gì có thể thay đổi hay phá rối được nó, và chúng ta nên hiểu tại sao một người như thế được miêu tả như sau:

 “Người nào đã hoàn thành cuộc du lịch của mình và đã lìa bỏ sự đau khổ; người nào đã tự giải thoát trên mọi phương diện và đã loại trừ mọi chướng ngại, thì không còn phải đau khổ nữa.”

...Đối với ai đã bước qua thềm cửa, thì hỏi có một niềm vui nào, một lời hứa hẹn nào của trần gian lại còn có thể sai khiến họ quay nhìn lại cõi đời mà họ đã bỏ, dù chỉ trong giây lát? Vì những nỗi khó khăn của đường đạo đang ở trước mắt ta còn đáng giá hơn là những niềm vui của hồng trần, những sự đau khổ của đường nầy còn vinh quang hơn những sự thịnh vượng của thế gian. 

...trên đường đạo nầy, mỗi khi tiến về phía trước thì không sao còn lùi lại phía sau được nữa, mỗi sự đau khổ mà ta phải chịu, dù sâu xa đến đâu mặc lòng, cũng là điều tốt lành, vì đã dạy cho ta được bài học.

 Khi sự vô minh được giảm bớt đi, đường đạo trở nên sáng suốt hơn trước, khi sự yếu đuối tiêu tan đi, thì đường đạo được trở nên yên tĩnh hơn trước; khi những làn rung động hồng trần không có thể quấy phá và làm mất lòng ta nữa, thì đường đạo trở nên bình thản êm ả hơn. Riêng chỉ có những Đấng đã thành đạo mới có thể nói rằng ở mức cao nhất của con đường nầy có những gì; chỉ riêng những Đấng cao cả đang đứng ở chót đỉnh để đợi chờ chúng ta trải qua những thế kỷ mới có thể nói lên điều đó được. Nhưng những kẻ mới đặt chân lên những giai đoạn thấp đều biết những nỗi buồn của đường đạo lại là những niềm vui khi ta so sánh chúng với những thú vui hồng trần và bông hoa bé nhỏ nhất mọc lên trên đường đạo có giá trị tương đương với tất cả những bảo vật ở thế gian. Và ánh sáng luôn luôn soi tỏ đường đạo là như thế, khi người đệ tử càng ngày càng tiến bước và chỉ một tia sáng thôi cũng đủ làm cho lu mờ ánh sáng của thái dương hệ ở trần thế. Những ai đi trên đường nầy đều biết sự an tịnh không thể tưởng tượng được, sự hoan lạc mà không một nỗi khốn khó nào của cõi trần làm cho tiêu diệt được; hưởng một sự nhàn hạ vô biên trên một tảng đá mà không một trận địa chấn nào có thể làm cho tan vỡ và niềm chí phước tức là hạnh phúc tuyệt vời luôn luôn đang ngự trị trong thánh điện.