Thứ Năm, 20 tháng 9, 2018

Xây dựng một xã hội tự do - bình đẳng - bác ái


Dựa trên nền tảng Anthroposophy, Steiner đem đến tính thực tiễn cho một xã hội như vậy, và đưa ra các định hướng mang tính cách mạng cho việc xây dựng xã hội đó [1, 2, 3]. Ngay sau thế chiến thứ nhất, ông và những người khác trong phong trào đã đệ trình lên chính phủ mới của Đức những bản phác thảo tâm huyết để xây dựng đất nước mới tiến tới một xã hội như vậy. Nhưng vì các lí do ích kỷ khác nhau, chính phủ Đức gạt đi. (Không lâu sau Hitler lên nắm quyền). Ngày nay, như ta biết, trên thế giới có nhiều cộng đồng nhỏ đang xây dựng các mô hình xã hội nhỏ như vậy theo định hướng từ Steiner. (Riêng ở Đức thì khá lớn, có một ít vài ngân hàng lớn hoạt động dựa trên các định hướng về tiền tệ của ông.) Thật chất, mỗi ngôi trường Waldorf có thể, và rất nên, tiến tới trở thành một xã hội nhỏ như vậy (Steiner có nói vài ý về việc này trong [1]). Các cộng đồng này là các thau trường tôi luyện các ý tưởng xã hội này để khi thời đại thứ 6 của Post-Atlantis đến (khoảng năm 3500 [4]), khi “good race” trong nhân loại bắt đầu định hình rõ rệt, những xã hội như vậy sẽ trở thành hiện thực.
Cho nên, mặc dù một xã hội thực sự tự do, bình đẳng, và bác ái chỉ trở thành hiện thực trong tương lai khi con người đã đạt đến một sự phát triển nhất định, nhưng việc nhìn thấy sự thực tiễn của một xã hội tương lai như vậy có thể là một động lực lớn cho việc phát triển cá nhân hiện tại, và chính việc góp sức xây dựng một cộng đồng nhỏ hiện tại theo các định hướng đó cũng là một con đường để phát triển cá nhân.
Đây là vấn đề mình khá quan tâm từ lâu, và đã đọc các ý tưởng của Steiner trong [1, 2, 3]. Ở đây mình sẽ giới thiệu một vài trong số các điểm quan trọng nhất. Vấn đề này rất rộng (tất nhiên…) nên chắc chắn mình sẽ thiếu sót nhiều điểm quan trọng. Phần giới thiệu này cũng sẽ rất sơ lược và không thể đưa các lập luận đầy đủ của Steiner ở đây, nên người đọc có thể có ấn tượng thiếu thuyết phục. Nếu ai quan tâm hơn mình sẽ trả lời trong khả năng trong phần comment.
1. Steiner nhìn thấy rằng đế phát triển bền vững, một xã hội cần phải được chia làm 3 nhánh độc lập là: Kinh Tế, Luật và Quyền, và Văn Hóa. Nên mô hình này có tên là “three-fold social order”. Mọi hoạt động xã hội nằm trong một trong 3 nhánh này. Mỗi nhánh có các vai trò đặc trưng riêng, và trao đổi liên tục với hai nhánh còn lại, nhưng không được ảnh hưởng trực tiếp vào vai trò nằm trong nhánh khác, tương tự như sự độc lập trong vai trò nhưng trao đổi chặt chẽ của 3 phần thể xác, tâm hồn, và linh hồn trong một con người phát triển.
2. Nhánh Kinh Tế lo đảm bảo “cơm ăn” cho toàn xã hội, nên có thể sánh với phần thể xác của con người, bao gồm sản xuất hàng hóa, phân phối, và mua bán.
3. Nhánh Luật và Quyền lo về phát triển và giữ gìn luật pháp, và đảm bảo quyền lợi về luật của từng người trong xã hội. Nhánh này cũng lo đảm bảo tất cả tài nguyên trong xã hội được sử dụng một cách càng hợp lý càng có thể -- không bị lạm dụng, bù đắp và cân bằng các mặt thiếu thốn và thừa mứa -- trong đó có đất đai, máy móc công nghiệp nặng, và tiền tệ. Nhánh này có thể ví như phần tâm hồn.
4. Nhánh Văn Hóa bao gồm tất cả các hoạt động văn hóa, trong đó có giáo dục, nghiên cứu khoa học, tôn giáo, v.v… Nhánh này có thể ví như linh hồn của xã hội.
5. Việc lưu thông liên tục và trong sáng của tiền tệ có vai trò mấu chốt trong mô hình xã hội này. Mình sẽ nói đến sau về các chỉ định của Steiner làm thế nào để tiền tệ được như vậy. Việc này bảo đảm lượng tiền dư thừa (khổng lồ, theo kinh tế hiện nay cũng thấy) từ hoạt động trong nhánh Kinh Tế được đưa vào nhánh Văn Hóa, thay vì để nhàn rỗi sinh lãi hoặc đầu cơ. Trong nhánh Văn Hóa, lượng tiền đó sẽ đủ để đảm bảo tất cả mọi cá nhân và gia đình có thu nhập tối thiểu (và nhà cửa) phù hợp với hoàn cảnh để có chất lượng sống hợp lý mà không cần đi làm (Đã có vài nước châu Âu đảm bảo thu nhập tối thiểu, như là Thụy Sĩ, mặc dù không biết trong bối cảnh đạo đức thế giới bây giờ thì việc này giữ được bao lâu.) và đồng thời cũng giúp các hoạt động văn hóa như giáo dục, nghiên cứu, v.v… được đầu tư đúng mức.
6. Trong xã hội với tiền tệ lưu thông liên tục và trong sáng như vậy, khi tiền không thể được dùng đầu tư để lại đẻ ra tiền, con người tham gia hoạt động kinh tế không phải để làm giàu (vì không thể) hoặc để kiếm sống (vì đã có thu nhập tối thiểu hợp lý), mà là để cống hiến. Nền kinh tế hoạt động trên sự Bác Ái của cá nhân đối với cộng đồng.
7. Trong một nền kinh tế minh bạch như vậy, nhánh Luật và Quyền có thể đảm bảo sự Bình Đẳng về quyền lợi xã hội của mỗi con người. Mỗi người đều có tiếng nói như nhau, không ai hơn ai, trong bầu cử hay tiến cử người mà mình thấy xứng đáng cho một nhiệm vụ gì đó trong một nhiệm kỳ nào đó. Mỗi người đều có cơ hội trở thành chủ doanh nghiệp, chỉ tùy vào khả năng và một cơ sở tin cậy nào đó, sỡ hữu các nguồn tài nguyên nào đó (như đất đai, máy móc, vốn tiền) tạm thời trong một thời gian có hạn (và có thể gia hạn) đế theo đuổi ý tưởng kinh tế cống hiến của mình. Nếu việc sử dụng tài nguyên này sinh ra lợi nhuận (sau khi trừ đi chi phí hỏng hóc máy móc, trả lương hợp lý cho nhân sự, v.v…), người đó được sỡ hữu riêng cho mình một phần nhỏ của lợi nhuận theo thỏa thuận đã định trước với nhánh Luật và Quyền, phần còn lại được dùng để nuôi chi phí hoạt động trong nhánh và chuyển qua nhánh Văn Hóa.
8. Sự tự do về kinh tế giúp mỗi người có thể theo đuổi các hoạt động văn hóa, theo bất kỳ nguyện vọng cá nhân nào, một cách Tự Do mà không bị ràng buộc bởi nhu cầu tài chính. Nền kinh tế minh bạch và việc bình đẳng trong quyền lợi xã hội cũng ngăn cản việc nhánh Luật và Quyền can thiệp vào các hoạt động văn hóa (như là tuyên truyền chính trị trong giáo dục) và cũng ngăn cản sự ảnh hưởng của các lợi ích kinh tế vào văn hóa (như là chỉ theo đuổi nghiên cứu khoa học sinh ra lợi nhuận tức thời). Ở đây, trong nhánh Văn Hóa, linh hồn của mỗi con người được tự do phát huy và phát triển. Và ngược lại, chính sự tự do này sẽ thúc đẩy sáng tạo lên cao nhất và cũng thực tiễn nhất – qua đó nền kinh tế càng phát triển và sinh lợi nhuận cao và lại càng thúc đẩy các hoạt động văn hóa. Mỗi con người trong xã hội được tự do chọn trong cuộc đời, tùy vào nguyện vọng cống hiến của mình, tiếp tục theo đuổi hoạt động văn hóa, hay tham gia vào hoạt động kinh tế (người lao động hoặc chủ doanh nghiệp), hay hoạt động trong nhánh Luật và Quyền, hoặc nhiều hơn một trong các lĩnh vực này. Vấn đề về sự lười nhác ăn không ngồi rồi được giảm thiểu tối đa, vì qua một nền giáo dục trong tự do nuôi dưỡng con người như vậy, không thể giáo dục ra kẻ lười nhác.
9. Qua đó mà hình thành một xã hội trong đó con người Tự Do theo đuổi hoạt động văn hóa, Bình Đẳng trong quyền lợi xã hội, và Bác Ái trong hoạt động kinh tế.
10. Cuối cùng mình nói qua một vài ý tưởng của Steiner để đảm bảo tiền tệ được lưu thông liên tục và trong sáng (chi tiết có trong [2, 3]). Đây là điểm mấu chốt của mô hình xã hội này. Steiner chỉ định rằng tiền phải có “đát” và giá trị của nó phải giảm dần theo thời gian. Ví dụ như một tờ tiền 500 ngàn in năm 2017 sẽ giảm dần giá trị và sẽ hết hẳn giá trị, chẳng hạn như, sau 10 năm. Ngày nay việc này có thể làm dễ dàng bằng tiền điện tử (giống như Bitcoin) và đã có một ít cộng đồng ở Đức và Mỹ phát hành và lưu hành nội bộ các tiền điện tử tự giảm giá trị như vậy (có thể đổi qua lại với tiền ngoài qua một tỷ giá nào đó). Việc này giúp tiền không bị nhàn rỗi, và các giá trị tiền mất đi khi giảm giá được in lại mới (“đát” mới) và tặng cho nhánh Văn Hóa, giúp nhánh này luôn có một lượng tiền liên tục để hoạt động.
11. Việc bỏ sở hữu cá nhân đất đai, trừ nhà cửa phục vụ nhu cầu sinh sống hợp lý, và chỉ cho phép đất đai chỉ được sở hữu tạm thời cho một ý tưởng kinh tế nào đó như mình nói ở trên giúp dẹp bỏ việc đầu cơ vào nhà đất, vốn là một bệnh nặng ngày nay liên tục đẩy giá trị ảo của nhà đất lên cao và lạm phát mọi nơi.
12. Một ý tưởng khác là tiền không được in và phát hành bởi nhánh Luật và Quyền (như là hiện nay khi tiền được in bừa bãi bởi các chính phủ), mà chỉ được phát hành bởi nhánh Kinh Tế vì chỉ có nhánh này mới minh bạch đủ (khi không bị can thiệp bởi nhánh Luật và Quyền) và hiểu biết về kinh tế đủ để đảm bảo tổng số lượng tiền hiện đang lưu thông trên thị trường luôn xấp xỉ giá trị hàng hóa thật sự được lưu thông, và không được hơn.
Những ý tưởng này không phải do Steiner “nghĩ” ra như các nhà nghiên cứu bây giờ đưa hết giả thuyết này đến giả thuyết khác, mà do ông thấy được các quy luật bản chất của sự phát triển xã hội – các quy luật này nằm trong thế giới tâm linh. Một người hiện đại nào cũng có khả năng khám phá các tri thức và quy luật gốc rễ này, thông qua con đường phát triển con người [5]. Đây là tương lai của mọi nghiên cứu khoa học tự nhiên và xã hội khi thời đại thứ 6 của Post-Atlantis đến. Mình sẽ nói thêm về vấn đề này trong một bài khác [6].
Tham khảo:
[4] “Sự hình thành và tiến hóa của nhân loại”https://www.facebook.com/groups/1011527472258558/permalink/1377910672286901/
[5] “4 giai đoạn phát triển con người”https://www.facebook.com/groups/1011527472258558/permalink/1373318012746167/
[6] "Giới hạn và khủng hoảng của khoa học hiện đại và sự phục sinh của khoa học chân chính"https://www.facebook.com/groups/1011527472258558/permalink/1387115261366442/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét