Thứ Tư, 25 tháng 4, 2018

Thiền và khoa học thần kinh

Bài nói chuyện của Bác sĩ Trịnh Đình Hỷ tại TP.HCM ngày 22.4.2018.



Những niềm vui nhỏ của cô bảo mẫu

Tác giả: Health Coach Nam Phương

Julie Andrews là một huyền thoại của Hollywood, sân khấu Broadway và trong trái tim của những người yêu nhạc kịch. Hai vai diễn nổi tiếng nhất của cô tình cờ đều là bảo mẫu trong “The sound of music” và “Mary Poppins”. Nếu bạn chưa từng xem thì hãy xem ngay nhé! Đó đều là những bộ phim có âm nhạc hoàn hảo, những điệu nhảy vui nhộn, nhiều trẻ em và tiếng cười.

Nhưng trên hết, hai cô bảo mẫu này dạy chúng ta chiến thuật để vui sống từ những điều bình dị. Sau đây là 5 bài học của hai cô bảo mẫu Maria (The sound of music) và Mary (Mary Poppins).

1. Khi buồn phiền, đơn giản hãy nghĩ đến những điều bạn yêu thích.

nghi-den-dieu-minh-yeu-thich

Khi lũ trẻ nhà ông đại tá hốt hoảng không ngủ được vì sợ sấm chớp, cô bảo mẫu ôm lấy chúng và khuyên rằng: Hãy nghĩ đến những thứ tốt đẹp, là các con sẽ không thấy buồn nữa.

“Thứ gì tốt đẹp cơ?”, chúng hỏi.

Và đây là một vài thứ được cô bảo mẫu liệt kê:

Mưa trên hoa hồng và râu của mèo con
Ấm đồng sáng và sợi len ấm
Gói giấy màu nâu được buộc dây
Ngựa con màu kem và quả táo xắt nhuyễn
Chuông cửa và chuông xe trượt tuyết và thịt schnitzel với mì
Những con ngỗng hoang bay cùng mặt trăng trên đôi cánh của chúng
Các cô gái trong bộ váy trắng với sọc xanh xa-tanh
Những bông tuyết rơi trên mũi và lông mi của tôi
Mùa đông tan biến thành mùa xuân…

Bạn hiểu chứ? Bạn chỉ cần hình dung thật rõ ràng trong tâm trí về những điều nho nhỏ: hình ảnh, âm thanh, kí ức, hay bất cứ điều gì bạn tưởng tượng được…Có thể là món bánh của mẹ, chú thỏ con bạn từng nuôi chẳng hạn.

Liệt kê thật nhanh, đừng dừng lại hay nghĩ đến thực tế rằng chúng không còn ở đó nữa. Hãy đơn thuần vui vì trải nghiệm mà chúng mang lại. Để cho chúng phủ ngập tâm trí bạn và bạn sẽ hết buồn rất nhanh, thậm chí mỉm cười lúc nào không biết.

Trong một lần thực sự buồn bã mất ngủ, tôi đã nằm nhắm mắt lại và liệt kê ra những thứ mình yêu thích. Và sáng ra, tôi nhận ra rằng: 90% những điều tôi yêu thích đều gắn với thiên nhiên. Vì vậy, tôi cảm thấy biết ơn cái thực tế rằng tôi đang sống ở trên một ngọn đồi có rất nhiều cây, chim và sóc chuyền cành. Vậy thì có gì buồn đâu!

2. Mỗi công việc cần hoàn thành đều chứa một yếu tố của niềm vui. Khi bạn tìm ra nó, công việc trở thành một trò chơi!

niem-vui-trong-cong-viec

Công việc trông lũ trẻ nghịch nhợm nhà ông George Banks đã khiến nhiều cô bảo mẫu chạy mất dép. Cho đến khi Mary Poppins đến và đương đầu một cách tài tình với thử thách đầu tiên: Dạy lũ trẻ dọn căn phòng lộn xộn của chúng.
Và như bạn có thể đoán về một bộ phim ca nhạc, cô đã hát!

Như con chim dù bận rộn xây tổ, vẫn hót lên một điệu nhạc vui để khích lệ mình hoàn thành công việc.
Như con ong lấy mật hoa, nó không bao giờ ù đến rồi đi mà luôn dừng lại nghỉ, nhầm nháp một chút gì đó.
Như một muỗng đường có thể giúp thuốc dễ nuốt hơn!
Và do đó, nhiệm vụ của ta không còn buồn tẻ, cực nhọc nữa.

3. Học tập là niềm vui khi ta sáng tạo và vui chơi

niem-vui-trong-viec-hoc

Để giúp lũ trẻ không thể ngồi yên nhớ được nốt nhạc, cô Maria đã tạo ra các từ đồng âm với nốt nhạc để chúng dễ nhớ:

Nốt Do với doe - con hươu
Nốt Re với ray - tia nắng
Nốt Mi với me - tôi
Nốt Fa với Far - đường xa
Nốt So với sew - may quần áo
Nốt La - một nốt tiếp theo
Nốt Te với tea - trà uống
Rồi lại trở về với nốt Đô!

Ngoài ra, bạn có thể vừa nhẩm thuộc lòng vừa vui chơi như lũ trẻ: đi xe đạp, nhảy nhót, trèo cây…

niem-vui-trong-viec-hoc

Đây đều là những cách học được hướng dẫn trong các sách chiến thuật tự học. Để không thuộc lòng 1 cách vật vã, bạn hãy gắn những từ vô nghĩa khó nhớ với những hình ảnh tươi tắn, sáng tạo.
Nếu sử dụng từ ngữ khơi gợi giác quan để học về điều gì đó, tâm trí bạn sẽ nhớ chúng rất lâu. ví dụ như may quần áo (tay làm), uống trà (lưỡi nếm), nhìn thấy tia nắng (mắt thấy) chẳng hạn!
Còn khi vận động và vui đùa, tiềm thức của bạn sẽ xử lý những vấn đề khó nhằn nhất mà bạn chẳng hề ý thức được. Và khi quay trở lại với việc học nghiêm túc, bạn đã có được câu trả lời.

Việc học không thể vui và hiệu quả hơn!

4. Hãy vui đùa cùng lũ trẻ bên ngoài thiên nhiên

Có lẽ không cần giải thích nhiều về lợi ích từ việc này. Sự hồn nhiên của trẻ em và vẻ đẹp bình yên của bầu trời xanh hay mặt nước lặng chính là một sự kết hợp hoàn hảo. Bạn sẽ đưa các em bé đi dạo hoặc dã ngoại, ngắm nhìn gương mặt phấn khích của chúng.

Chúng không hề nghĩ đến quá khứ hay tương lai khi vui chơi. Chúng thưởng thưởng thức trọn vẹn những điều tươi đẹp nhất của hiện tại.

vui-dua-cung-lu-tre

Và phần bạn nữa. Đã đến lúc thôi tỏ ra “người lớn” và tham gia cùng với chúng. Đứa trẻ trong bạn đang kêu gào được nô đùa đó!

vui-dua-cung-lu-tre

Nghịch ngợm và lấm bẩn một tí cũng chẳng sao! Nếu bạn là một người lớn có trách nhiệm mà đồng thời vẫn giữ được phẩm chất hồn nhiên, hết mình của một đứa trẻ - bạn sẽ là nhân vật yêu thích của tất cả mọi người.

5. Niềm vui lớn nhất là khi mang lại niềm vui cho người khác!

Hai cô bảo mẫu Maria và Mary không chỉ dạy lũ trẻ chơi đùa, các cô còn dạy chúng cách gần gũi với những người cha khó gần. Thay vì kêu gào cha phải chiều hay chú ý đến mình, hãy tìm cách khiến cha mỉm cười.

niem-vui-cua-cha

Trong hai bộ phim đã nói trên, trái tim giá băng của những ông bố đều tan chảy trước sự nài nỉ của đứa con. Nghỉ một chút và hát, hay đi chơi công viên. Chính lũ trẻ là người kéo bố mình ra khỏi vỏ bọc nghiêm túc và bộc lộ cá tính nồng ấm thực sự.

mang-lai-niem-vui-cho-nguoi-khac
Lũ trẻ làm động lòng tất cả quan khách với bài hát "Chúc ngủ ngon!"

Một khi đã “phá băng” của ai đấy, người đó sẽ mang lại niềm vui cho những người khác nữa. Và niềm vui cứ thế nhân lên gấp bội!

Hãy chia sẻ bài viết này, và rủ ai đó cùng xem (hoặc xem lại lần thứ n!)1 trong 2 bộ phim này nhé ^^


Thứ Ba, 17 tháng 4, 2018

Ba cánh cổng của sự thông thái

Một vị vua có duy nhất một người con trai là một hoàng tử dũng cảm tài giỏi và thông minh. Nhà vua gửi anh ta tới gặp một nhà thông thái để hoàng tử được mở mang nhận thức.
-“Xin hãy khai sáng cho con đường của con”, hoàng tử van nài.
-“Những lời nói của ta sẽ tan biến như những bước chân trên cát, nhà thông thái đáp.
Tuy nhiên, ta sẽ cho con vài chỉ dẫn. Trên đường đi, con sẽ đi qua ba cánh cổng. Hãy đọc những câu viết trên đó. Con sẽ không cưỡng lại được yêu cầu phải làm theo những lời đó. Đừng tìm cách bỏ qua, con sẽ buộc phải sống nữa sống mãi trong điều đó. Ta không thể nói gì hơn. Con phải nếm trải tất cả bằng con tim và thể xác, giờ thì con đi đi. Hãy đi theo con đường ngay phía trước con.”

Nhà thông thái biến mất và hoàng tử bắt đầu bước đi trên đường đời. Chẳng mấy chốc hoàng tử băng qua một cánh cổng lớn trên đó có thể đọc thấy rằng:

“THAY ĐỔI THẾ GIỚI”
-“Đây chính xác là điều mình dự định làm, hoàng tử nghĩ thầm, vì có những điều thú vị và không thú vị trên thế giới này.”
Và anh ta bắt đầu cuộc đấu tranh đầu tiên. Được dẫn dắt bởi lý tưởng, nhiệt huyết, và sức mạnh thúc đẩy phải đương đầu với thế giới, anh ta chịu trách nhiệm, chinh phục, đưa ước vọng đến thực tế. Anh ta trải qua niềm vui và hứng khởi của kẻ đi chinh phục, nhưng con tim không được thanh thản. Anh ta xoay xở thay đổi một số điều nhưng những điều khác thì không thay đổi được.
Nhiều năm trôi qua. Một ngày kia, anh ta gặp lại nhà thông thái:
-“Con đã học được gì trên đường đời?”
-“Con đã học, hoàng từ đáp, cách hiểu được điều gì trong khả năng của con và điều gì ngoài khả năng, hiểu điều gì thuộc về con và điều gì thì không”.
-“Tốt lắm, nhà thông thái nói. Hãy dùng sức mạnh của con để hành động dựa trên điều con có thể. Hãy quên những điều con không thể làm.”
Và nhà thông thái biến mất. Một lúc sau hoàng tử đi qua cánh cổng thứ hai. Người ta có thể đọc thấy rằng:

“THAY ĐỔI NGƯỜI KHÁC”
-“Đây chính xác là điều mình dự định làm, hoàng tử nghĩ thầm. Những người khác mang đến niềm vui và sự thú vị, nhưng cũng gây cho ta nỗi đau va sự cay đắng và sự thất vọng”.
Và anh ta kháng cự lại tất cả những gì làm xáo trộn hay trái ý anh ta. Anh ta đấu tranh nhằm thay đổi tâm hồn họ, và sửa chữa những lỗi lầm của họ. Đây chính là cuộc chiến thứ hai của anh ta.
Nhiều năm nữa trôi qua. Một ngày nọ, khi anh ta đang trầm tư về sự vô ích khi nỗ lực thay đổi người khác, anh ta đi lướt qua nhà thông thái và ông ta hỏi hoàng tử:
-“Con đã học được gì trên đường đời?”
- “Con đã học, hoàng tử đáp, rằng những người khác không phải là nguồn vui hay nỗi đau buồn, thành tựu hay thất bại. Họ chỉ ở đó để làm con nhận thức. Chính con tạo nên cảm xúc cho chính mình.”
-“ Con nói đúng, nhà thông thái nói. Mặc dù điều mà họ đánh thức trong con, họ đã làm con nhận thức chính con. Hãy tỏ lòng biết ơn đối với những ai làm con vui sướng và hạnh phúc. Nhưng cũng phải biết ơn những ai luôn làm con tổn thương và thất vọng, cuộc sống sẽ dạy con. Con còn phải học, và còn cả con đường dài trước mặt.”
Và nhà thông thái biến mất. Một lúc sau, hoàng tử đi qua một cánh cửa nơi có thể đọc thấy những lời rằng:

“THAY ĐỔI CHÍNH BẠN”
-“Nếu chính tôi là nguyên nhân của nhiều vấn đề, đây là điều mà tôi phải giải quyết” hoàng tử nghĩ thầm.
Và anh ta bắt đầu cuộc đấu tranh thứ ba. Anh ta cố chuyển biến tính cách của mình, tranh đấu với sự không hoàn hảo của mình, xoá bỏ khuyết điểm, và thay đổi mọi thứ không phù hợp với lý tưởng của anh ta.
Sau nhiều năm tranh đấu đôi khi thành công đôi khi thất bại, hoàng tử đã gặp lại nhà thông thái và ông ta hỏi hoàng tử:
-“Con đã học được gì trên đường đời?”
-“Con đã học, hoàng tử đáp, rằng một số điều có thể cải thiện được, những điều khác ngược lại và không thể thay đổi được.”
-“Tốt lắm, nhà thông thái nói.
-“Vâng, hoàng tử tiếp tục, nhưng con thấy mệt mỏi khi chống lại mọi thứ và chống lại chính mình. Điều này sẽ không bao giờ kết thúc phải không? Khi nào con sẽ được nghỉ ngơi? Con muốn ngừng đấu tranh, muốn từ bỏ, bỏ hết.”
-“ Đây dường như là bài học sắp tới của con, nhà thông thái nói. Nhưng trước khi tiến xa hơn nữa, hãy đi vòng quanh cánh cửa và nhìn lại con đường mà con đã bước qua”
Và nhà thông thái lại biến mất. Khi hoàng tử nhìn lại phía sau, anh ta thấy cánh cửa thứ ba và nhận ra rằng có thể đọc một lời tiên tri khác ở phía sau:

“CHẤP NHẬN CHÍNH BẠN”
Hoàng tử tự hỏi tại sao anh ta không nhận ra lời chỉ dẫn này khi băng qua cánh cửa đầu tiên, ở phía đối diện.
-“Khi ta mải tranh đấu, ta trở nên mù, anh ta tự nhủ.”
Hoàng tử cũng nhìn thấy, trải dài suốt mặt đất chung quanh anh ta, mọi thứ mà anh ta loại bỏ và đấu tranh bên trong mình:những sai lầm, những mặt xấu, những giới hạn, và tất cả tính ác. Và rồi anh ta học được làm thế nào để tổ chức chúng, chấp nhận chúng và yêu quý chúng. Anh ta đã học cách yêu chính mình mà không so sánh, phán xét, trách móc.
Hoàng tử lại gặp nhà thông thái và ông ta hỏi:
-“Con đã học được gì trên đường đời?”
-“ Con đã học, hoàng tử đáp, rằng ghét bỏ hay chối bỏ chính mình để mà kết án chính mình sẽ không bao giờ có được sự yên bình cho chính mình. Con đã học cách chấp nhận chính mình, một cách hoàn toàn, một cách vô điều kiện.”
-“Tốt lắm, nhà thông thái nói, đây chính là chặng đường đầu tiên của sự thông thái. Giờ thì con hãy đi qua cánh cửa thứ ba một lần nữa.”
Ngay khi hoàng tử đến phía bên kia của cánh cửa, anh ta nhìn thấy mặt sau của cánh cửa thứ hai và nó được ghi rằng:

“CHẤP NHẬN NHỮNG NGƯỜI KHÁC”
Xung quanh mình hoàng tử nhận thấy những người mà anh ta đã gặp trong cuộc đời; những người mà anh ta đã yêu, những người anh ta ghét. Những ai mà anh ta đã giúp đỡ, những người mà anh ta tranh đấu. Nhưng thật bất ngờ, anh ta không thể nhìn thấy những sai lầm của người khác, những sai lầm đã làm anh ta phiền lòng và khiến anh ta phải tranh đấu.
Hoàng tử đến gặp nhà thông thái một lần nữa.
-“Con đã học được gì trên đường đời?”sau cùng nhà thông thái hỏi.
“Con đã học, hoàng tử đáp, rằng nếu con hoà thuận với bản thân, con sẽ không trách móc những người khác, không sợ hãi họ. Con phải học cách chấp nhận những người khác hoàn toàn và không điều kiện.”
-“Tốt lắm,” nhà thông thái nói. Đây là chặng đường thứ hai của sự thông thái. Con có thể đi qua cánh cửa thứ hai.
Khi hoàng tử đến phía bên kia, anh ta nhìn thấy phía sau cánh cửa đầu tiên và đọc thấy:

“CHẤP NHẬN THẾ GIỚI”
-“Thật kì lạ, hoàng tử nghĩ thầm, “Tại sao mình không nhìn thấy lời chỉ dẫn này lần đầu?”
Hoàng tử nhìn quanh mình và nhận thấy thế giới mà anh ta cố chinh phục, biến chuyển, và thay đổi.Anh ta bị choáng ngợp bởi sự tươi sáng và vẻ đẹp của mọi vật. Bởi sự tuyệt mỹ. Và vì nó chính là cùng một thế giới như trước đây. Có phải thế giới đã thay đổi, hay nhận thức đã thay đổi?
Hoàng tử lại đến gặp nhà thông thái và ông hỏi:
-“Con đã học được gì trên đường đời?”
-“Con đã học, hoàng tử đáp, rằng thế giới là chiếc gương của tâm hồn. Tâm hồn của con, trái tim của con không nhìn thấy thế giới , mà nhìn thấy chính nó trong thế giới. Khi tâm hồn và trái tim con reo vui, thế giới dường như cũng vui. Khi chúng buồn rầu, thế giới dường như cũng buồn. Thế giới, không buồn cũng không vui. Nó chỉ là, là tất cả. Nó không phải là thế giới gây phiền toái cho con, mà là ý tưởng con có về nó. Con chấp nhận nó mà không phán xét , hoàn toàn, một cách không điều kiện.
-“Đây là điều thông thái thứ ba, nhà thông thái nói. Hiện giờ con hoà thuận với chính con và với những người khác trên thế giới.”
Một cảm giác sâu sắc của sự yên bình, tĩnh lặng và chế ngự hoàn toàn hoàng tử.
Sự im lặng bên trong anh ta.
-“Con đã sẵn sàng, giờ thì, hãy vượt qua ngưỡng cửa cuối cùng, nhà thông thái nói, Từ sự im lặng của hoàn toàn im lặng”.
Và nhà thông thái biến mất.

(S.T)



Thứ Hai, 16 tháng 4, 2018

Đạo chính là việc con đang làm


...Khi chưa biết Đạo, người ta thấy núi là núi, nhưng sau khi thấm nhuần Đạo rồi người ta cũng sẽ thấy núi vẫn là núi mà thôi. Cũng vậy, người đời làm cái gì thì kẹt vào cái đó, như con đã kẹt vào tu, vào công việc . Khi bắt đầu được khai thị thì lại muốn bỏ tu, bỏ công việc, bỏ hết tất cả. Cuối cùng khi Đạo đã thâm sâu mới thấy ra vẫn là tu, là công việc đó, vẫn làm tất cả, không bỏ thứ gì.

Lúc đầu là thủ (chấp trước), lúc giữa là xả (buông bỏ), sau cùng là bất thủ bất xả (không nắm mà cũng không buông) như Lão Tử nói: “Vô vi nhi vô bất vi”. Vô vi nhưng không việc gì không làm...

Cho đến bây giờ thì Thầy mới hiểu rằng Đạo không thay đổi bất cứ một sinh hoạt nào của ta cả. Đạo chỉ soi sáng tâm hồn để ta có thể sinh hoạt chân, mỹ, thiện hơn mà thôi.

Một người làm nông ngộ đạo sẽ không bỏ cày mà ngược lại cày cấy với năng suất cao hơn. Một học sinh đi học ngộ đạo, sẽ không bỏ học mà còn học hành giỏi hơn. Một công chức đi làm ngộ đạo, sẽ không bỏ công việc mà còn làm việc một cách sáng tạo hơn, xuất sắc hơn. Hãy làm công việc của mình một cách sáng suốt, trầm tĩnh là đạt được chỗ chân của đạo. Hãy làm một cách chân thành, việc nào thông suốt việc đó, luôn hoàn thành chu tất là đạt được chỗ mỹ của đạo. Hãy làm tất cả mọi việc với thiện ý giúp chính mình, giúp cha mẹ, gia đình, xã hội v.v...là đạt được chỗ thiện của đạo.

Đạo là sáng suốt vững chắc, chứ không thể là trạng thái buông lung, hững hờ trước mọi sự. Trái lại mỗi mỗi hành động, mỗi mỗi ý nghĩ, mỗi mỗi lời nói phải rõ ràng, minh bạch, phải đạt chỗ chân, mỹ, thiện vô cùng giản dị của nó.

Học đạo quý vô tâm, 
Làm, nghĩ, nói không lầm,
Sáng trong và lặng lẽ, 
Giản dị mới uyên thâm.

Đạo chính là việc con đang làm. Khi con làm, con nghĩ, con nói minh bạch, không lầm lẫn là đạo. Khi con làm việc với tâm sáng suốt là chân, với tâm trong sạch là thiện, với tâm lặng lẽ là mỹ. Công việc của con như vậy sẽ vô cùng giản dị và vô cùng uyên thâm.

Vậy ra con tưởng có một lý tưởng đạo nào đó ngoài công việc hàng ngày, ngoài bổn phận làm người, ngoài uống, ăn, đi, đứng hay sao? Người ta thường tưởng rằng mình phải đâm bổ vào một lý tưởng siêu thoát, một đạo lý cao siêu, một lối sống phi phàm ra ngoài thế sự. Nhưng họ lầm to, sống như vậy họ chỉ càng trầm luân như những con thiêu thân lao đầu vào ánh sáng.

Ngày nọ có một người Phật tử lật đật dựng xe đạp để vào chùa nghe giảng siêu lý (Abhidhamma) đã không biết rằng chiếc xe đạp của anh ta đè gãy một cành hoa bên tường chùa! Anh ta tưởng có cái gì siêu lý ngoài việc dựng chiếc xe đạp sao cho đàng hoàng, trầm tĩnh, sao cho đừng hại tới ai. Và cứ thế anh ta thả mồi bắt bóng, tìm cái giả, bỏ cái chân, tìm sinh tử bỏ Niết-Bàn mà cứ tưởng rằng mình sẽ đến nơi siêu việt.

Con thương mến,
Hãy sáng suốt, hãy trầm tĩnh, hãy hiền hòa trong mỗi bước đi của mình trên đường đời. Bỏ mất mỗi giây phút là bỏ mất tất cả, vì thể tướng dụng trọn vẹn chính là mỗi bước đi, trong từng giây phút thực tại ngay bây giờ và ở đây.

...Quá khứ không truy tầm 
Tương lai không ước vọng 
Quá khứ đã đoạn tận 
Tương lai thì chưa đến 
Chỉ có pháp hiện tại 
Tuệ quán chính là đây 
Không động, không rung chuyển 
Biết vậy nên tu tập 
Hôm nay nhiệt tâm làm 
Ai biết chết ngày mai ...
(Trích Kinh nhất Dạ Hiền Giả)

Nhưng pháp hiện tại là gì? Là khi con đang làm gì hãy hoàn toàn trọn vẹn với việc làm đó. Khi con dựng xe, hãy hoàn toàn trọn vẹn với việc dựng xe vv... chứ không phải đang đi làm mà mơ bỏ bê, không phải đang dựng xe mà mơ siêu lý...


Ai cũng có cái để tặng


Sau khi đọc "Sống không cần tiền" (https://goo.gl/Qa8t7i) của Mark Boyle , mình hào hứng đặt kế hoạch chuyển dịch sang các dạng thức tương tác không-phụ-thuộc-tiền trong công việc và cuộc sống. Ví dụ như nhận Coach không lấy tiền mà đổi bằng sản phẩm hay dịch vụ vừa đủ dùng.
Rồi mình tìm hiểu thêm về các hình thức Kinh tế Phi tiền tệ và đặc biệt tin tưởng hình thái "Kinh tế quà tặng"- "Gift economy". Trong hình thái kinh tế này, thay vì sử đụng đồng tiền thì con người trao tặng cái khác mà mình có, quảng đại và vô điều kiện. Sẽ có người khác cũng làm thế, và không ai biết chính xác khi nào gặt được quả đã gieo và nhận lại dưới hình thức gì. Nền kinh tế được vận hành làm sao cho cuối cùng thì nhu cầu của mọi thành viên tham gia đều được quan tâm đầy đủ, công bằng. Sức khoẻ, hạnh phúc của tổng thể gắn bó mật thiết với sức khoẻ, hạnh phúc của từng thành viên tương thuộc. Không phải Cho và Nhận riêng lẻ nữa mà là Cho và Cho và Cho...để rồi ai cũng được Nhận.
Bạn cũng có thế nói: "Ủa, nếu cho hoài như vậy thì đến lúc cạn cái để cho, mà vẫn chưa nhận được gì thì sao mà sống?".
Điều đó đúng chỉ khi bạn cho, tặng bằng tiền lưu hành trên thị trường, cái đó là hữu hạn. Nhưng có vô vàn cái khác tiền để Cho đi mà. Để mình kể cho bạn vài câu chuyện trong cộng đồng mình sống:
🌳 Cô giáo yoga, hay gọi là Didi Miira, thường hay nướng bánh pizza thuần chay cho cộng đồng ăn. Có lần cho mình khủng hoảng tinh thần, không thể về nhà mà cũng chẳng biết đi đâu. Lúc đó cô cho mình ở nhờ, nấu cho ít sữa nóng, lắng nghe và xoa dịu mình bằng sự hiện diện ấm áp của cô. Năng lượng an lành của cô lớn đến mức khi cô đi rồi, còn lại 1 mình trong căn phòng của cô, mình vẫn thấy rất bình tâm. Trước khi đi xa, cô thường để mọi người tới nhà và lấy bất cứ cái gì họ cần. Bạn không biết mình đã từng sốc như thế nào khi chứng kiến đồ ở nhà cô cất cánh ra đi nhanh thế nào đâu. Nhưng cô được mọi người thương hay nên góp tiền tặng cô đồ đạc khác, vật liệu nấu nướng, giúp cô tìm phòng tập và khi cô rời đi xa thì người đi tiễn tận sân bay ngồi chật cả xe taxi.
🌳 Emelie và anh Việt, hai người có lớp dancesport nho nhỏ, cũng là nơi để chúng mình tụ tập gắn kết cộng đồng trong thời gian đầu. Emelie còn gặp mình mỗi tuần một lần để nghe mình chia sẻ, như một hình thức "trị liệu tâm lý" miễn phí. Sau này, khi được rủ đi Hội An làm tình nguyện, cả hai người xăng xái đi ngay, sẵn sàng hoãn lại lớp học nhảy đang trên đà phát triển. Năng lượng tích cực của hai người này đã giúp nhiều người trong chúng mình có thói quen vận động thường xuyên, nên mình và những người quen khác thường mời họ đủ thứ món khi họ đến nhà.
🌳 Chị Châu, chủ tiệm bánh nhỏ xinh phong cách Pháp, thường hay tặng bánh cho chùa. Chúng mình rất hay ghé chị để mua chút bánh mỗi khi đi thăm bạn bè, lần nào cũng được chị tặng gì đó, đến mức có lần tôi cầm 7 cái cupcake về bạn tôi hỏi "Vãi, cho thế làm sao mà lời?". Chị cũng dành 1 buổi chiều dạy mình làm bánh pizza, suýt trễ đón con đi học về nữa chứ! Chị sống rộng lượng nên khi cần xây nhà, không hỏi ai mà bạn bè tự động chuyển tiền vào tài khoản cho chị mượn không thời hạn.
🌳 Cô Ngọc và chú Tín, có rất nhiều nhà, và gặp người thì giúp đỡ không phân biệt. Số nóc nhà mà cô chú sở hữu khá nhiều, nhưng không làm kinh tế mà để cho những người tu, người quen ở từ năm này qua tháng khác. Trong số đó, đồng thau lẫn lộn. Có những người đầy an lành nhưng cũng có người chiếm đóng mấy căn cho mục đích riêng, đến mức khi về đến nơi cô chú còn chẳng vào được đến nhà. Trước sự ngạc nhiên của chúng mình, cô chú chưa bao giờ vì những trường hợp đó mà thay đổi cách sống. Chú có tài khám bệnh, mình và bạn bè qua sẽ được khám miễn phí, điều trị không tốn một đồng. Cô thì luôn cho đồ ăn mang về, nhìn tâm tư trên mặt mà động viên, an ủi, khen tặng. Cho nên mỗi lần cô chú cần, mọi người thường không tiếc công. Cái "cần" của cô cũng rất ít, có khi là cần chúng mình giúp làm công quả cho chùa mà thôi.
🌳 Cô Thu và chú Chính, người đã giúp chúng mình thiết kế, xây nhà theo tinh thần tái chế thì liên tục đốt lửa bập bùng, làm đủ các món địa phương mà ai qua cũng được mời vào thưởng thức. Những đêm đó là chất keo tự nhiên gắn kết cộng đồng. Chưa kể là hồi chúng mình chân ướt chân ráo tập làm vườn chẳng sở hữu lấy 1 mẩu đất, cô chú cho chúng mình sử dụng mảnh đất chưa sử dụng, cũng chẳng cần thoả thuận hay điều kiện phải "cống nạp hoa màu" chi cả. Chúng mình cũng tự làm cà phê chủ yếu từ cà phê mọc trên vườn cô chú. Có gì thì cứ thế vui vẻ chia nhau. Khách đến dù trăm lần hay chỉ 1 lần, cũng nhớ không thể quên, thường hay nhớ mà tặng cô chú thức quà phong phú.
🌳 Chị Thuỷ Tiên và Giang, hai linh hồn của Vòng Lâm Viên garden, thường xuyên cho chúng mình những đợt rau dư, rau hiếm, lâu lâu có hạt giống, hay món quà quê, hay những cuốn sách. Vì vậy, họ cũng là những người mà mình không tiếc thời gian để lắng nghe, chia sẻ.
🌳 Cô Mai và chú Sơn, biến cả căn nhà thành câu lạc bộ chia sẻ kiến thức chuyên môn về cà phê. Tình nguyện viên đến vườn cũng theo tinh thần tự nguyện đổi công để được ở lại trang trại học hỏi, nên năng lượng của cả đội thường rất tươi vui, vô tư lự. Vào mùa, chúng mình cũng hay được ké những dịp cô Mai thết đãi cả bọn ăn uống. Sức khoẻ cô yếu, nhưng lại có vị giác tinh tế tuyệt vời, cô nấu món gì cũng mất cả buổi, cứ chầm chậm làm thôi mà ăn gì cũng ngon. Cô như người mẹ thứ hai, cùng những bữa cơm đó mang lại cảm giác gia đình cho nhiều người con ở xa.
🌳 Anh Tuấn, người có sở hữu ở mức tối thiểu, lang thang mà mỗi lần nghe thấy chúng mình đang chuẩn bị làm gì đó như dọn nhà là xông đến giúp. Mà với rất nhiều người khác cũng thế, cứ có anh giúp là yên tâm đỡ bao nhiêu việc nặng nhọc. Thành ra chẳng sở hữu mà đi đâu cũng được mời lại, thết đãi thôi rồi.
🌳 Chưa kể rất nhiều người bạn khác mình không thể kể hết ở đây. Trong ảnh là các bạn sinh viên khoa nông nghiệp, chưa gặp chúng mình lần nào, mà nghe giới thiệu đã tình nguyện tới cuốc giúp miếng đất, để đón...1 đoàn khách không quen biết khác.
...
Người tặng kiến thức, kĩ năng.
Người tặng thức quà tự tay làm lấy.
Người tặng công lao động.
Người tặng việc sử dụng không gian, mảnh đất, mái nhà khi ta cần.
Người tặng thời gian, ưu tiên trong cuộc sống của họ.
Người tặng sự lắng nghe, sự hiện diện ấm áp.
Ai cũng có cái để tặng!
Mỗi người trong số đó đều khiến mình nhìn lại những mong đợi, niềm tin, thái độ của mình khi trao tặng:
Mình tặng vì mong đợi hồi đáp gì chăng?
Mình đang tặng cái họ cần hay vì mình không cần nữa?
Hay mình tặng chỉ vì tình yêu và niềm vui thuần tuý của việc trao tặng?
Mỗi cái Tặng của họ đều kích hoạt những cái Tặng khác của những người chứng kiến. Mình thấy chúng như những làn sóng lan đầy xa khơi, chẳng thể thấy điểm dừng.
-----

Xem thêm:
"Kinh tế quà tặng" là gì?: https://goo.gl/tiX1TP
Review "Sống không cần tiền": https://goo.gl/zZCaxx



Thứ Tư, 11 tháng 4, 2018

7 ngày để chuyển sang lối sống không rác thải

Tác giả: Đinh Thùy Diên

Mình mất chừng 9 tháng để tìm hiểu và thay đổi thói quen sống. Nhìn lại thì có thể làm ngần ấy việc trong một tuần chăng?

NGÀY 1: NHỮNG SẢN PHẨM DÙNG MỘT LẦN

 Nhà có quá nhiều túi bóng mỗi lần đi chợ về. Đi ra hàng uống nước thì họ đưa cho cốc nhựa, cốc giấy với ống hút. Ăn ngoài thì họ đưa không hộp xốp thì thìa nhựa, đũa tre. Tất cả đều là những thứ dùng một lần rồi vứt.
----> Tuyệt đối không dùng đồ dùng một lần.

Trừ khi nó được làm từ chất liệu sinh học có thể phân hủy an toàn.

Giải pháp: Mang túi vải và âu cơm (hoặc hộp nhựa) đi chợ. Túi vải để đựng rau củ, âu cơm đựng những đồ nước. Đi uống cafe cũng mang theo lọ thủy tinh để mua. Tìm mua cái ống hút tre nếu mà thích dùng ống hút quá. (Đối với các quán cafe thì có 2 sự lựa chọn nữa là ống hút inox hoặc ống hút cỏ bàng)

Thế là không còn cần đến túi bóng nữa nhé.

NGÀY 2: Ủ PHÂN

À nhưng mà, bây giờ không có túi bóng thì làm gì có cái gì đựng những rác trong quá trình làm bữa? Như là vỏ rau củ quả ấy.

----> Phải học ủ phân thôi. Dễ lắm.

Rác lúc làm bữa bỏ vào bát. Nhà có vườn thì tốt quá: đào cái hố, cứ thế đổ những rác hữu cơ vào xong lấp đi là sau nó thành phân, không thì chất đống lên lâu ngày nó cũng thành phân. Còn không có vườn thì kiếm cái thùng, đục lỗ, cứ một lớp rác hữu cơ thì một lớp đất mỏng, thỉnh thoảng đảo lên, giữ ẩm, sau một tháng thì cũng có phân để trồng cây. Nhớ nhé, phân cần có: các chất hữu cơ, độ ẩm, oxi, vi sinh vật. Có video hướng dẫn cách ủ phân kìa.

Không tự ủ phân được thì làm cái túi bằng giấy, gom lại rồi đem cho người ta ủ cho, hoặc đựng vào xô đem đi. Thật tốt nếu mỗi khu dân cư đều có một nơi ủ phân dành cho những gia đình không có vườn.

(Không dùng loại túi sinh học đang bán ở các siêu thị bây giờ nhé, loại đó không tốt cho môi trường đâu)

NGÀY 3: THAY THẾ CHẤT HÓA HỌC

Thực ra, cái đầu tiên cần thay đổi phải là dừng việc dùng những chất hóa học lại. Biết là những hạt vi nhựa trong nhiều loại kem đánh răng hay sữa rửa mặt đều rất độc hại. Và hơn nữa, hàng tháng lại có thêm bao nhiêu chai lọ vứt ra môi trường. Nên là:

----> Cần thay thế các loại chất tẩy rửa.

Đánh răng bằng dầu dừa, gội đầu bằng bồ kết, giặt quần áo bằng bồ hòn hoặc muối hạt, tẩy rửa bằng muối với chanh, rửa mặt bằng nước từ lá trà xanh. Tóm lại là với bằng ấy thứ thì có thể thay thế được hết những loại chất tẩy rửa hiện có trong nhà. Nhưng mà cũng không có nhiều thời gian, nên là tìm những nơi họ làm những chất tẩy rửa tự nhiên để trong lọ thủy tinh với gốm ấy (nhưng cần khuyến khích họ tái sử dụng những lọ này khi mình mua lần sau), không thì thương lượng với họ, bảo là cho em mua bằng lọ được không ạ.

Cái này là lâu nhất này. Vì nếu họ không có bán thì mình phải tự làm, với tùy điều kiện nơi mình ở có loại nào thì mình dùng loại đó. Xem ông bà mình ngày xưa sống như nào rồi xem cách nào thì hợp với mình.

NGÀY 4: ĐỒ NHỰA VÀ CÁC SẢN PHẨM ĐÓNG GÓI

Thay thế những vật dụng có thể. Chuyển qua dùng bàn chải tre, bông tăm thân giấy hoặc gỗ, là con gái thì thôi không dùng bvs bình thường nữa, mà tập quen với dùng bvs vải hoặc Mooncup, cũng đừng dùng cái nịt đen nhỏ nhỏ nữa. Hay làm handmade như mình thì tự dưng phải không dùng băng keo, keo 502, hay là bìa mô hình nữa, tự nấu keo mà làm, rồi làm bằng những vật liệu tự nhiên.

Người thích vẽ thì tự dưng phải chuyển qua dùng những loại màu tự nhiên. Thấy cái gì trong nhà rác thì đổi dần dần.

Mà nhất là đồ ăn có đóng bao bì, nhiều rác nhất luôn. Nên thành ra, tự dưng mình phải học nấu ăn. Kẻo bạn bè đến nhà lại không có đồ ngồi ăn vui. Học làm các thứ từ những nguyên liệu gần nhà ấy. Dần dần rồi tự dưng mình quen, với tay nghề cũng giỏi hơn nhiều. Còn không thì mình lại tìm những nơi họ làm đồ ăn homemade ấy, bảo họ là cho em mang hộp đến mua nha, rồi họ quen, mình tới cái là họ bảo đâu, đưa hộp đây.

Cái này là tùy nhu cầu mỗi người nhưng nếu buộc phải mua gì thì mình thường ưu tiên mua những thứ đựng trong hộp kim loại - có thể dễ dàng tái chế.

Tuy nhiên, tiêu dùng những nông sản được trồng thuận tự nhiên từ những nông trang gần nơi mình ở là tốt nhất.

NGÀY 5: PHÂN LOẠI RÁC

Qua mấy ngày mình dọn nhà các thứ thì bây giờ mình soạn đồ đạc trong nhà xem, có những gì đem cho được, những gì cần vứt đi.

----> Thành ra mình phải học cách phân loại rác.

Có vài loại rác thôi, rác hữu cơ thì mình ủ thành phân rồi, rác vô cơ thì phải chia ra là: loại tái chế được, tức là những thứ mà những cô đồng nát sẽ mua (giấy, kim loại, xốp hạt to, chai lọ nhựa nhớ rửa sạch trước); loại rác thải độc hại (thủy ngân, bóng huỳnh quang) và những loại hỗn tạp cần tiêu hủy hoặc chôn; loại rác thải điện tử (pin, điện thoại,...) thu gom ở những nơi chuyên xử lý những rác thải này.

Nhân tiện dọn nhà thì mình chuyển qua sống tối giản luôn.
(Phân loại rác tại nguồn là thực sự cần thiết, dù mình thải ra ít rác hay nhiều rác!)

NGÀY 6: TÁI CHẾ, TÁI SỬ DỤNG

Túi làm từ áo cũ và vải dư

Cái này là mình phải tự làm nè. Nếu mà có đủ quần áo rồi thì đừng mua thêm nữa (như mình thì là không may thêm nữa) xem có tự sửa hoặc làm nó thành cái gì khác được không, như là túi vải nè, tạp dề, thảm,... Quần áo hiện đại đa phần làm từ những cây trồng dùng nhiều chất hóa học, in màu hóa học, lúc phân hủy ra vẫn độc, thành ra mình dành tiền mua đồ của những người trồng hữu cơ, nhuộm vải bằng nguyên liệu tự nhiên ấy. Hoặc mình cũng tự nhuộm đồ cũ của mình luôn. Cũng có thể mua hoặc trao đổi những đồ cũ phù hợp với mình, vì thực sự lĩnh vực thời trang bây giờ đang tạo ra rất nhiều rác khó tái chế.

Với những thứ khác cũng vậy, ưu tiên dùng đồ có thể tái sử dụng hoặc tái chế dễ dàng, hoặc là dùng hẳn những đồ thuần tự nhiên, bền vững.

NGÀY 7: NGHĨ và LÀM

Cây bạc hà mình trồng thử trong túi vải nay đã chết

Hết rồi, ngày thứ 7 này là mình tự dành thời giờ để mình nghĩ xem còn gì mình làm được không. Mua cái gì thì cũng phải nghĩ xem nó đến từ đâu, xong rồi nó đi về đâu. Thay đổi đến khi nó thành thói quen thì cũng lâu, thành ra lúc nào cũng phải để ý, có khi còn phải chăm chỉ tìm những thứ thay thế cho sở thích hiện tại của mình nữa.

Nhưng chúng ta có lẽ chẳng tuyệt đối được, vì đôi khi có những cái không có vật liệu thay thế. Như mình vẫn chụp máy phim một tháng một cuộn. Mình cũng từng làm phim từ những vật liệu không thể phân hủy, mà hồi đó hay bây giờ thì mình vẫn không hối hận gì (bây giờ thì mình chuyển qua dùng những nguyên liệu tự nhiên hoặc tái sử dụng, tận dụng những nguyên liệu còn dư).

Để thấy sự thay đổi đang diễn ra như nào, thì mình kể bạn nghe, trong 9 tháng qua, mình đã nghe có hòn đảo nọ đưa ra luật cấm sử dụng túi nylon, hay quốc gia nọ vừa thông qua một điều luật rằng tất cả mọi loại cốc đĩa nhựa đều phải được làm bằng các chất liệu có nguồn gốc sinh học tới năm 2020, hay là đã có cả một ngôi làng không rác thải.

Mình tin là trong tương lai công nghệ sẽ thay đổi đủ để chúng ta không còn tàn phá môi trường nữa. Còn bây giờ thì mình làm những điều trong khả năng của mình thôi.

Ngày thứ 7 này thực ra rất dài, vì mình phải làm nó hàng ngày, có khi chỉ là nhớ bảo cô chủ quán là cháu không dùng ống hút mà thôi.


Các bạn có thể xem rất chi tiết những lý do vì sao, và những giải pháp thay đổi qua album ‘100 điều nhỏ nhặt tớ làm cho trái đất trong 100 ngày’ của chị Trang Nguyen này:
Những nơi bạn có thể tìm mua những sản phẩm thân thiện với môi trường:
Cửa hàng 3T (HCM - ống hút tre, ống hút cỏ bàng, chiếu cỏ bàng, túi cói,....)
Sạp hàng Chàng Sen (HN - bàn chải tre, ống hút inox, tre, cỏ)
VietHerb - Thuốc nam của người Việt (Gội đầu thảo dược, lọ rửa mặt đựng trong lọ gốm,...)
XanhShop.com (HCM - tất cả mọi loại đồ ăn không đóng bao bì, hoặc đựng trong lọ có thể đổi được)
Hoa Đất - Tiêu dùng an lành (HN- - đồ ăn lành mạnh, đựng trong lọ đổi được)
Bếp Mộc Lan (HN - bếp nấu ăn chay, đựng hộp từ bã mía hoặc lọ, dầu ăn đựng trong chai thủy tinh đổi được)
Papa's Dreamer - Xà bông của Ba (HN - Xà bông hữu cơ)
Zó Project (HN - giấy dó)
Kilomet109 (Quần áo làm từ vải trồng hữu cơ và nhuộm tự nhiên)
Hemp - vải Lanh (Vải hữu cơ và nhuộm tự nhiên)
Nhặt lá, đá ống bơ (HN - Túi vải và đồ làm từ vải nhuộm tự nhiên)
Green Lady Vietnam (Bvs vải hữu cơ)
Uni Organicbread (HN - bánh homemade không đóng gói)
LÀNH (HN - thực phẩm sạch và chương trình tái sử dụng lọ)
TRE SHOP (HN - các sản phẩm từ tre)
Vietnam Sustainable Space (Chương trình trao đổi đồ cũ)
Các địa điểm thu gom rác điện tử theo dõi tại: Việt Nam Tái Chế
(Đây là những nơi mình biết, hi vọng có thể bổ sung thêm)
Mẹo nhỏ khi nhà đôi khi vẫn có rác nho nhỏ như: Rửa sạch, để khô, nhét chúng vào một cái chai nhựa. Sau này có thể mình gom lại cùng nhau xây nhà.

Tài liệu về giáo dục Steiner

Ngân JP

Bộ tài liệu Steiner và thông tin Steiner mà mình biết nhé. Phần lớn thông tin do anh Tran Minh Hai tổng hợp và biên soạn.

1. Các bài viết tổng hợp về Steiner 
https://drive.google.com/open?id=0ByriZduIhNFbd0t2Nk80c2YxTmM

2. Sách Steiner 
https://drive.google.com/open?id=0ByriZduIhNFbVE5LQ2tkbV9UNUU

3. Những câu chuyện chữa lành - Steiner 
https://drive.google.com/open?id=0ByriZduIhNFbSndNRWVlQ3l5Y1k

4. Các trường mầm non Steiner tại Việt Nam
 Tre Xanh Steiner Inspired School
https://www.facebook.com/trexanh.kindergarten/

 Trường mầm non Hà Nội Steiner 
http://hanoisteiner.edu.vn/

 Mầm non Búp Măng Non 
https://www.facebook.com/BupMangNonSteiner/

 Hoa Xuyến Chi Steiner Inspired School 
https://www.facebook.com/HoaXuyenChiBidensPilosa/

 Warm Nest 
https://www.facebook.com/SteinerVietnam/

 Tịnh Trúc Gia 
https://www.facebook.com/tinhtrucgia/

 Trường mẫu giáo Bồ Công Anh 
https://www.facebook.com/boconganh.kindergarten/

 Trường mầm non Bông Gạo 
https://www.facebook.com/kapoksteinerschool/

5. Các page/ blog về Steiner tại Việt Nam 

 Page Steiner Việt Nam 
https://www.facebook.com/waldorfsteinervietnam/

 C Hương Nguyễn 
https://www.facebook.com/profile.php?id=601563991&lst=829202240%3A601563991%3A1499062464&sk=notes

 C Phan Le Minh 
https://www.facebook.com/minh.phanle.98/media_set?set=a.10211370986577022.1073742072.1432162508&type=3

 Steiner Groups 
https://www.facebook.com/groups/steinereducation/?ref=br_rs
https://www.facebook.com/groups/1996215060599940/?ref=br_rs
https://www.facebook.com/groups/1810188865932157/ 

6. Blog/ Website nước ngoài về Steiner 
http://www.ecswe.net/
http://www.iaswece.org/home/
http://www.rsarchive.org/Books/
https://rudolfsteinerquotes.wordpress.com/
http://www.steinereducation.edu.au/
http://www.anthroposophy.org/rudolf-steiner-library/
http://www.rudolfsteineraudio.com/ 
http://www.waldorflibrary.org/




Con đã có đường đi


Một chuỗi những sự kiện liên tiếp kể từ chuyến đi Gaia Ashram hồi tháng 2 đến giờ, đã khiến mình thay đổi hẳn góc nhìn về công việc của mình cũng như các tổ chức phát triển. Và chưa bao giờ mình cảm thấy sáng rõ hơn con đường mình đi và cách mình đi như bây giờ. Và mình cảm thấy cần chia sẻ điều này với mọi người, như là câu chuyện và hành trình cá nhân của mình. Mong rằng chia sẻ của mình hữu ích với những ai đọc được.

Gaia Ashram và Khóa học Thúc đẩy viên

“Muốn giúp mọi người học có chiều sâu, hãy tạo ra không gian an toàn để họ được thể hiện.”

Lẽ ra câu chuyện này phải được chia sẻ từ một tháng rưỡi trước, khi mình đi Gaia Ashram về.

Hồi đó, khóa học mình tham gia là khóa tập huấn dành cho thúc đẩy viên (facilitator). Khóa học kéo dài 2 tuần, là điều mình đã thấy lạ lúc đầu vì bởi các khóa tập huấn thúc đẩy viên thông thường chỉ kéo dài 3 - 5 ngày. Nhưng chỉ sau vài ngày đầu, mình đã hiểu tại sao khóa học lại phải dài như thế.

Là vì người giảng viên muốn tạo cho bọn mình không gian thoải mái nhất có thể, để làm quen, tương tác, xây dựng niềm tin, trải nghiệm, chiêm nghiệm, để tự tìm ra điều mình muốn học và tự học điều mình cần. Và những điều đó cần có thời gian. Và thời gian ở đó cho mình một trải nghiệm vô cùng đặc biệt, về việc tự quan sát bản thân, quan sát thái độ, quan sát diễn biến tâm thức của chính mình. Cái cảm giác đó, sự thực hành đó, mình vẫn còn giữ được đến bây giờ, như chìa khóa vạn năng giúp mình mở ra được nhiều cánh cửa và trả lời được nhiều câu hỏi đặt ra trong mỗi tình huống.

Giống như trong khóa thiền Vipassana mình được học về ba loại trí tuệ: Trí tuệ sách vở. Trí tuệ tư duy. Và trí tuệ thực chứng. Sự thực chứng ấy mới là của-mình, ngấm sâu và thấm đẫm vào tiềm thức.
Nhờ công cụ ấy, mà trong suốt khóa học mình tự chiêm nghiệm được nhiều điều. Về việc học tập có sự tham gia. Về việc thế nào là vai trò của người điều phối. Nó thể hiện rõ nhất ở hai điều:

Một: Chị Om

Chị Om là người điều phối với năng lượng giống như không khí.

Sự hiện diện của chị chẳng nổi bật, hòa vào cùng không gian. Và như không khí, sự hiện diện của chị làm bọn mình cảm thấy dễ chịu và dễ thở. Sự hiện diện của chị tạo ra chính không gian an toàn để bọn mình có thể tự học. 

Không hề như những gì vẫn được quảng cáo trong các khóa học facilitator: Kỹ năng thuyết trình, kỹ năng đọc tâm lý, kỹ năng lãnh đạo, vân vân mây mây. Chị Om lùi lại phía sau, nhường sân khấu cho bọn mình, nhưng vẫn điều hòa được không khí của lớp học và đảm bảo nội dung cần học.

Vì trong một khóa tập huấn, người tham gia mới là trung tâm, không phải người thúc đẩy. Vai trò của người thúc đẩy, chính là làm cho người tham gia cảm thấy họ là trung tâm.

Hai: Mình - như một điều phối viên

Trong khóa học, mỗi người sẽ có 30 phút solo-facilitate về chủ đề bất kỳ. Bọn mình có nguyên ngày chủ nhật được nghỉ để chuẩn bị về chủ đề, xây dựng kết cấu và nội dung.

3/4 ngày hôm đó, sau khi chọn xong chủ đề, mình lao vào xây dựng nội dung, cố gắng áp dụng các công cụ holistic learning như đã được học, cố gắng cài cắm thông điệp và tạo flow cho session, cố gắng đoán định xem nếu mình làm A thì người nghe có thể phản ứng và tiếp nhận theo cách B C D như thế nào, làm sao để lái họ về đúng cái ý mà mình muốn họ hiểu (giống mình).

Và mình thấy mệt, mệt vô cùng. Vì thực tế là mỗi người có một background và cách tư duy riêng. Họ có thể tiếp nhận nội dung và thông điệp của mình theo bảy bảy bốn chín cách khác nhau, và nếu mình muốn đoán định hay kiểm soát tất cả những cái đó, thì chẳng khác nào lao đầu vào hố đen.

Và rồi mình nhận ra, mình mệt là vì mình muốn cố nhét cách nghĩ của mình vào đầu người nghe. Mình muốn đứng ở vị thế ở-trên, vị thế cho-đi, còn họ là người ở-dưới và chỉ-nhận. Không khác gì mình có một quả bóng, với 7 cái rổ di động. 

Thế rồi mình xoay góc nhìn.

Nếu muốn nâng người khác lên, thì bạn cần đặt mình bên dưới họ. Nếu muốn học hỏi từ người khác, bạn cũng cần đặt mình bên dưới họ. 

Mình có 7 người vô cùng giỏi giang ở đây, sao phải đóng khung họ vào ý hiểu hạn hẹp của mình? Sao không tận dụng chính sự giỏi giang của họ để phát triển và vun đắp thêm vào tri thức của mình? 
Đến lúc nghĩ như vậy, thì việc thiết kế session trở nên nhẹ nhàng và uyển chuyển vô cùng, vì bất kể là người nghe phản ứng thế nào, mình vẫn có thể đón nhận và phát triển từ đó.

Tất nhiên, nó đi kèm với điều cốt lõi: Tinh thần lắng nghe và khiêm nhường học hỏi.

Và tinh thần lắng nghe khiêm nhường ấy, cùng với tinh thần phục vụ vô vị lợi, là điều mà mình - với mong muốn trở thành một thúc đẩy viên tốt - sẽ luôn cần bồi đắp cho bản thân mọi lúc mọi nơi. Nếu như có 1 tiếng để thúc đẩy/tập huấn, thì mình biết sẽ cần ít nhất 1 ngày để xây dựng nội dung chu đáo, cần 1 tháng để tự nuôi tinh thần và tình yêu và niềm tin của mình vào chủ đề thúc đẩy/tập huấn, và cần 1 năm để nuôi tinh thần phục vụ, chia sẻ, lắng nghe, học hỏi và nâng đỡ trong mình.

Em cảm ơn cả Stoney nữa, vì bài viết về tinh thần phục vụ của chị đã giúp em tỉnh ra điều này.

Nâng cao nhận thức?

Nhờ trải nghiệm tại Gaia Ashram mà sau khi trở về, thái độ khi làm dự án của mình khác hẳn. Mình thu lại về sau hơn, thể hiện ít hơn và lắng nghe nhiều hơn.

Nhờ sự lắng nghe ấy, mà mình nhận thấy có một điều không hợp lý lắm với cụm từ “Nâng cao Nhận thức” mà các tổ chức phát triển vẫn hay dùng. Vì thật ra thì, ai nâng cao cho ai? Ai ở trên, ai ở dưới, ai đúng, ai sai?

Bản thân mỗi người đều có những trải nghiệm đáng giá riêng. Ai cũng có điều đáng để học hỏi. Nhận thức của mỗi người trong một thời điểm, sẽ tương ứng với tất cả những trải nghiệm bồi đắp trong họ từ bé đến giờ, và không ai giống ai. Điều này đúng cả ở cấp độ cá nhân cũng như cộng đồng. Khi đặt bản thân ở vị thế cao hơn, tức là tự khẳng định chỉ mình là đúng, và bỏ lỡ cơ hội học hỏi từ người khác. Trong công việc phát triển, nó còn là việc người làm phát triển không có niềm tin vào những người họ làm cùng, phân tách ra thành bên đi cho và “đối tượng hưởng lợi”, khiến cho mối quan hệ trở thành xin cho, ban phát, khai hóa văn minh... Dẫn đến việc đôi khi ta mang lại một giải pháp không phù hợp, chưa nói đến chuyện tạo ra thêm vấn đề thay vì giải quyết vấn đề. Rồi vô vàn tình huống ta tạo ra tâm lý ỷ lại, tạo ra sự thực-dân-hóa-kiểu-mới, làm hỏng luôn cả vốn tri thức bản địa, những thứ một khi mất đi gần như không thể lấy lại. Vì ngay từ đầu ta không có tâm thế bình đẳng, không có niềm tin vào tri thức bản địa, không nghĩ đến đồng sáng tạo mà chỉ mang công cụ của mình đi ốp vào những cộng đồng khác, dù là với ý định tốt đẹp...

Thôi đi xa quá, quay trở lại câu chuyện về nâng cao nhận thức.

Lấy ví dụ là biến đổi khí hậu. Bà con dân tộc thiểu số ở một số địa phương miền núi có thể không biết BĐKH là gì. Nhưng luật lục ngàn đời của họ là giữ đất giữ rừng. Như vậy có thể nói họ kém nhận thức hơn không? 

Hay cô giúp việc nhà chị bạn mình, học không cao, nhưng cô chẳng bao giờ ăn hàng quán vì cô biết những thức ăn đó là độc hại và ăn không ngon bằng đồ tự nấu. Cô vẫn trồng cây lấy lá gội đầu vì đó là cách xưa giờ quê cô vẫn làm. Như vậy có thể nói cô ít học hơn không?

Vì thế đối với mình, câu chuyện không còn là “nâng cao nhận thức” nữa rồi.

Mà là Chia sẻ và Tái kết nối

Mình nhận thấy một điều: Sở dĩ do toàn cầu hóa, vòng đời sản phẩm bị kéo dài lê thê, công việc bị phức tạp hóa, chúng ta không còn thấy được bức tranh toàn cảnh của vấn đề. Mọi thứ bị ngăn che, phân mảnh, đứt kết nối. Không như khi xưa thời tự cấp tự túc khi ta biết được tròn vẹn vòng đời của một món đồ, ngày nay có đứa trẻ chỉ biết con gà là miếng đùi đóng trong khay, hay người nông dân hồn nhiên vứt rác nhựa ra vườn những tưởng nó sẽ mục xuống như lá cây.

Mỗi chúng ta chỉ đang ôm một phần mảnh ghép của bức tranh khổng lồ và chằng chịt chi tiết, không hề biết đến những mảnh ghép còn lại, và mất đi kết nối với thiên nhiên và với mọi người.
Bởi vậy nên thay vì nói là nâng cao nhận thức, mình sẽ nói là chia sẻ đi. Chia sẻ mảnh ghép câu chuyện của mình với mọi người, kết nối với những mảnh ghép của họ, và nhận lại những mảnh ghép ấy để hoàn thiện câu chuyện của mình. 

Và qua sự chia sẻ ấy, biết đâu những mảnh ghép bỏ quên trong họ sẽ được đánh thức. Giống như hôm qua mình và chị Vũ Thảo đến trường báo chí nói chuyện thời trang bền vững, có bạn nam người Nùng đã tự hào kể rằng thời bé chính bạn đã từng cùng gia đình trồng bông dệt vải nhuộm chàm, trải nghiệm mà mình rất mong sẽ có dịp được nếm. Bạn có chia sẻ rằng nhờ câu chuyện của chị Thảo, mà bạn mới biết những việc thường ngày bạn từng làm đó nó có giá trị đến thế nào. 


Mình chỉ ôm một chiếc đèn, nhưng nếu lần sờ sẽ tìm được đến những chiếc đèn khác. Nếu tất cả đèn được thắp lên, thì mọi chuyện sẽ thật sáng tỏ.

Đó chính là sự Tái Kết Nối mình muốn nói đến.

Trong chúng ta đều đã có ký ức về sự gắn kết và trân trọng thiên nhiên, trân trọng con người. Chẳng qua là đã bị vùi quên đi bởi bao nhiêu toan tính khác, dẫn đến thái độ coi thiên nhiên và con người như hàng hóa, đánh giá giá trị chỉ qua tiền bạc và lợi ích mang lại cho bản thân. Việc cần làm là phủi bụi và nắm lại sợi dây kết nối ấy.

Một điều thú vị khác mình nhận ra trên hành trình này, ấy là mọi giá trị tốt đẹp đều gắn kết với nhau. Bắt đầu từ việc ăn chay do không thể giết động vật, mình lần theo sợi dây và dần tìm đến các giá trị về môi trường sinh thái từ nông nghiệp đến may mặc, từ bỏ đồ nhựa, từ bỏ hóa chất, rồi tìm đến những giá trị cũ như bồ hòn bồ kết, đồ tre đồ gốm, rồi lại nắm lấy sợi dây văn hóa, lại mê mẩn tâm huyết nghệ nhân... những điều mà mình chưa từng tưởng tượng ra là sẽ chạm được vào gần bốn năm trước, khi bắt đầu ăn chay. 

Điều kỳ diệu của sự kết nối ấy, là nó đánh động vào tâm thức của mình và buộc mình phải thay đổi hành vi lối sống để sống đúng với giá trị. Nó khác với việc người nghiện thuốc lá ngày ngày nhìn những hình ảnh kinh dị trên vỏ bao rồi vẫn hút. Nó là gì đó nằm sâu bên trong và được cảm nhận bằng trái tim chứ không chỉ bằng trí óc đơn thuần nữa rồi.

“Nếu bạn muốn đóng một con tàu, đừng hô hào nhân công đi kiếm gỗ và đừng giao họ công việc và nhiệm vụ, thay vào đó hãy khiến họ hướng về sự bao la vô tận của biển khơi.”   (Antoine de Saint-Exupéry)

Và thế là bây giờ mình đã biết mình phải làm gì.

Nếu cứ ngày này tháng khác đi nói với người ta theo kiểu nâng cao nhận thức, muốn người ta cứ phải nghĩ giống mình thì mệt mỏi lắm. Thay vào đó, mình muốn chia sẻ và kể chuyện, cho đi và nhận lại những mảnh ghép, và đánh thức lại những kết nối bị lãng quên. Làm sao để chỉ cần mồi lửa và mọi người sẽ tự giữ lửa mà không cần mình. Chỉ cần lay động hạt giống có sẵn bên trong và mọi người sẽ tự tưới tẩm hạt giống đó mà không cần mình. Chưa kể, nếu mỗi chúng ta đều có lửa, chúng ta sẽ tiếp lửa được cho nhau, và ngọn lửa ấy sẽ không bao giờ tắt.

Bếp lửa ở An Nhiên. Lửa luôn là thứ gắn kết con người, từ thuở hồng hoang cho đến bây giờ.

Trong-lúc-này, đó là niềm tin mà mình có. Mình sẽ thử sống và làm việc với niềm tin ấy, xem mọi thứ sẽ ra sao.

Mà có ra sao cũng chẳng sao, vì mình đã làm tốt nhất có thể, và vì dù chuyện gì xảy ra thì đó sẽ đều là những bài học mới.

Và bạn, người đang đọc. Cảm ơn bạn đã đọc đến đây.

Mong rằng những chia sẻ của mình đã có ích với bạn.

Nguyện cho tất cả hằng được an vui.


HN, 9.4.18