Thứ Năm, 13 tháng 9, 2018

Liều thuốc chung


1. "Nhiều công ty nỗ lực xử lý số lượng rác thải nhựa từ sản phẩm của họ thừa nhận việc này sẽ làm giảm lợi nhuận. Chẳng hạn như Coca-Cola sản xuất ra 38.250 tấn bao bì nhựa ở Anh Quốc mỗi năm và ước tính cho thấy công ty này bán hơn 110 tỷ chai nhựa sử dụng một lần khắp toàn cầu."

Tôi hay nói rằng thật ra chúng ta luôn phải trả đúng giá cho một sản phẩm. Nếu trả ít bằng tiền, thì cái giá môi trường và xã hội sẽ cao. Lợi nhuận của Coca hay các tập đoàn FMCG khác có được, thật ra là nhờ "ăn quỵt" của thiên nhiên: Họ không chịu trách nhiệm xử lý những vấn đề về rác thải nhựa do chính họ gây ra, thứ vật liệu nhẹ, rẻ, tiện đã giúp họ đưa đẩy hàng hóa đi khắp thế giới. Nếu các tập đoàn FMCG phải tự chịu trách nhiệm cho thứ mà họ sản xuất, thì giá sẽ không bao giờ rẻ được như vậy.

Giống như câu chuyện đứa trẻ ngày nào cũng được cho ăn kẹo xong đến lúc không được cho ăn thì tức tối giận dữ cho rằng người lớn đang đối xử tệ bạc với mình, nhà sản xuất lẽ ra phải có trách nhiệm dành một phần lợi nhuận để xử lý vấn đề môi trường do họ tạo ra, chứ không phải bây giờ lại complain là bị giảm lợi nhuận vì việc đó. Ăn của rừng thì phải biết rưng rưng nước mắt chứ, thật. Mà đời cha ăn dày quá, thì đến đời con sẽ chỉ còn toàn rác nhựa thôi. Có ai nghĩ đến tương lai con cháu mình khi ở thời điểm này mình lạm dụng đồ nhựa không?

2. "Một chai nhựa đựng thức uống 330ml có khoảng 18 gram vật liệu, trong khi một chai thủy tinh có thể cân nặng từ 190g đến 250g. Vận chuyển thức uống trong những container hàng nặng hơn đòi hỏi tăng 40% nhiên liệu, và thải ra môi trường nhiều khí CO2 ô nhiễm hơn, khiến chi phí vận tải tăng lên gấp 5 lần trên mỗi chai."

"Hầu hết thực phẩm ta mua từ siêu thị được gói chặt trong màng bọc thực phẩm kín và khay bảo vệ. Cách này khiến thịt tươi được giữ trong môi trường không có oxy, giúp chống ôi thiu. Các loại trái cây đắt tiền và rau cũng tránh khỏi bị trầy xước làm giảm giá trị, nghĩa là chúng sẽ dễ bán hơn. Đóng gói nho thành từng hộp nhựa riêng được cho là cắt giảm lãng phí thực phẩm đến 75%."

Trong trường hợp này, thì vấn đề không hẳn là ta đóng gói thực phẩm trong chất liệu gì, mà gốc rễ là việc thực phẩm bị áp lực vận chuyển đi xa, và phải được bảo quản trong thời gian dài - thứ vấn đề gây ra do mô hình sản xuất tập trung và toàn cầu hóa. Nó sẽ được giải quyết nếu chúng ta chuyển về mô hình sản xuất phi tập trung và tiêu thụ sản phẩm địa phương, đồng nghĩa với việc say goodbye với hàng hóa công nghiệp và đồ nhập khẩu. Well, dù biết việc kiềm chế ham muốn này nó khó (con người tham sân si mà), nhưng giải quyết vấn đề theo cách này dễ hơn và bền vững hơn rất nhiều so với việc xà quần nghĩ ra một loại bao bì hay một cách tái chế hay một cách vận chuyển đỡ hại hơn về mặt này nhưng lại hại hơn về mặt khác.

Mình đã nói với ai là 2 năm rồi một đứa ăn chay và thích nấm như mình không dám mua nấm về nấu, vì gần như tất cả nấm bán ở chợ hay siêu thị đều bọc trong nhựa chưa?

3. "Nhưng Anthony Ryan nhận thấy nhiều vấn đề khác khi các loại bao bì phân hủy sinh học tăng lên. "Nó chỉ chữa được triệu chứng, chứ không trị được căn bệnh," ông nói. "Nếu căn bệnh là xã hội luôn vứt đi mọi thứ, thì bao bì tự phân hủy sinh học chỉ khuyến khích mọi người vứt bỏ thêm nhiều thứ hơn.""

Đây là điều mình đã nói rất nhiều lần rồi, nên không nói lại nữa : ) Làm ơn, đừng giật những tít kiểu "phát minh này sẽ cứu thế giới" hay gì đó đại loại thế cho mấy đồ một lần phân hủy được/ăn được. Chừng nào thói quen vứt bỏ và tiêu thụ vô trách nhiệm còn chưa thay đổi, thì chừng đó chẳng có gì cứu được thế giới cả.

4. Thầy châm cứu của mình chắc có cách bốc thuốc chẳng giống ai, vì tất cả bệnh nhân, bất kể là bệnh gì, đều uống cùng 1 loại thuốc như nhau. Chẳng qua là liều lượng sẽ thay đổi, tùy thể trạng và trạng thái bệnh tật. Thầy bảo hồi đầu thầy từng bốc riêng, xong thấy thật ra nguyên nhân bệnh tật đều quy về 1 mối à, nên cho uống cùng 1 loại thuốc cho nhanh.

Với các vấn đề môi trường, bình đẳng, giới, nhân quyền, văn hóa... cũng vậy. Tôn trọng, kết nối, biết ơn và chịu trách nhiệm là liều thuốc chung. Riêng với các vấn đề sinh thái, thì cụ thể là tiết giảm, phi tập trung hóa, địa phương, thủ công, tự nhiên, nhỏ là đẹp :) Mắc chi cứ chẻ nhỏ vấn đề rồi ai lo việc nấy, lo mảng của mình thì lại vô tình phá mảng của người khác, rồi xà quần đau đầu suy nghĩ tranh cãi ngôn từ kỹ thuật này nọ chỉ để giải quyết vấn đề bề mặt, thấy mệt gì đâu.

À là mình tự kê đơn thế, nhưng cũng có thể mình là lang băm, không biết : )) Tự dưng nhớ câu: "Đau khổ là chung cho tất cả, nên phương thuốc cũng là chung cho tất cả." Hãy học Vipassana, hehe.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét