Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2019

Thiền Quán

Tác giả: Không Không

Thực hành Thiền Quán để thấy được rung động của Tâm và các Thể.

Giới làm nền tảng cho định
Định hỗ trợ cho tuệ
Tuệ diệt trừ vô minh.

Thiền quán, hay còn gọi là thiền tuệ, giúp hành giả thấy được sự thật như nó là, giúp trí tuệ tăng trưởng, dần dần dẫn đến giác ngộ, giải thoát.

Bài viết này xin giới thiệu sơ qua cách thực hành để thấy được rung động (hay sinh diệt) của tâm và các thân thể, thấy được sự vô thường, khổ, vô ngã của chúng, từ đó buông bỏ dần dần dính mắc giữa tâm và các thân thể, nhờ đó mà khổ đau sẽ dần dần được loại trừ. Tuy vậy, để chứng nghiệm được Niết Bàn và diệt trừ hoàn toàn khổ đau, thì cần nhiều hơn là phương pháp thực hành này.


Trước khi thiền quán nên thiền định, tức là nhập vào cận định hoặc một bậc thiền nào đó, khi đó tâm được tập trung, thanh tịnh, nhờ vậy mà quá trình thiền quán sẽ rõ ràng, sáng suốt hơn, đi sâu vào bản chất sự vật hơn.


Khi thực hành thiền quán mà tâm còn nhiều vọng tưởng, còn nhiều tư tưởng lăn xăn chạy trong đầu, thì sẽ rất khó để thấy sâu xa bản chất của sự vật, sẽ khó thấy sự thật như nó là. Thiền định giúp áp chế niệm tượng rất tốt.

Bài thực hành này nên thực hành thứ tự theo từng bước, từ thân xác đến cảm xúc, đến tư tưởng và đến tâm. Hay còn gọi là thể xác, thể vía, thể trí và tâm. Càng lên cao các thể càng thanh nhẹ và càng rung động nhanh hơn, vật chất cấu tạo nên chúng cũng thưa thớt và rời rạc hơn. Muốn thấy được cái rung động cao thì trước tiên ta phải thấy được cái rung động thấp.

Thứ tự thiền quán:
1. Quán thân (thể xác)
2. Quán cảm thọ (thể vía)
3. Quán tư tưởng (thể trí)
4. Quán tâm

I. QUÁN THÂN

Như tôi đã từng giới thiệu, toàn bộ thân xác chúng ta chỉ bao gồm 4 yếu tố, đó là:
- Chất đặc (đất)
- Chất lỏng (nước)
- Chất khí (gió)

- Chất ether (lửa)



Khi thực hành thiền quán, ta dùng tâm để ghi nhận/cảm nhận/nhận biết rung động của chúng thông qua các đặc tính sau đây:


1. Chất đặc: cứng và mềm
2. Chất lỏng: chảy và kết dính
3. Chất khí : vận động và lưu chuyển
4. Chất ether : nóng và lạnh, năng lượng hút và năng lượng đẩy trong cơ thể.


-Đầu tiên ta cảm nhận đắc tính cứng của răng hay của xương chẳng hạn. Sau đó, phát triển đặc tính cứng này ra toàn thân. Phải thấy được nó có ở toàn thân, chứ không phải chỉ có ở trên những bộ phận đặc cứng như ta thường nghĩ. Sau đó, cảm nhận đặc tính mềm trên toàn thân, rồi đến đặc tính chảy....đến đặc tính đẩy cuối cùng.



-Chánh niệm liên tục 10 đặc tính này trên toàn thân, cho tới khi nào ta có thể thấy cả 10 đặc tính trên toàn thân gần như trong cùng một lúc. 



-Giữ nó trong vòng nửa tiếng ta sẽ thấy thân được an tịnh và ánh sáng rực rỡ phát sinh, khi ấy ta đạt được cận định.


Lúc này, thể xác ta, cái mà ta thường chấp là một khối, giờ đây vỡ ra thành vô số hạt phân tử tròn nhỏ rung động liên tục, được gọi là các phân tử thể xác. Lúc này ta cảm nhận/thấy/nhận biết được rung động của các phân tử thể xác.


-Sau khi thấy được rung động của các phân tử thể xác, ta thấy rằng cả 10 đặc tính này cũng đều có trên cùng 1 phân tử riêng lẻ. Do đó, tiếp tục duy trì 10 đặc tính này trên các phân tử riêng lẻ trên toàn bộ thân xác (có hàng tỷ phân tử nhỏ bé này trên thân thể chúng ta).


-Duy trì ghi nhận liên tục trên chúng, ta sẽ thấy các phân tử này lại vỡ ra thành nhiều hạt nhỏ bé hơn, rung động nhanh hơn và nhẹ nhàng hơn, tôi gọi nó là các nguyên tử thể xác.


Sau khi thấy được các hạt nguyên tử thể xác, ta quán sát các tính chất của chúng như sau:



1. Các hạt nguyên tử thể xác này luôn sinh diệt (rung động) và thay đổi không ngừng, cho nên chúng là vô thường.



2. Các hạt nguyên tử thể xác này luôn bị sinh diệt và thay đổi, luôn chịu bức bách bởi sinh diệt và thay đổi, chúng không thể ngừng sự sinh diệt của chúng lại được, chúng không thể ngừng sự thay đổi của chúng lại được, nên chúng là khổ.


3. Vì chúng luôn luôn sinh diệt và luôn bị bức bách bởi sinh diệt, ta không thể ngừng tiến trình này lại được, ta không thể làm gì với sự sinh diệt, sự thay đổi của chúng, cho nên chúng là vô ngã, không phải là của ta, không phải là ta, không phải tự ngã của ta.


-Sau khi quán sát thấy được tính vô thường, khổ, vô ngã của các hạt nguyên tử thân xác trong thân thể mình, ta cũng cần phải quán sát được rằng các vật chất thuộc cõi hạ giới , các vật chất thuộc cõi hạ giới của toàn bộ vũ trụ, cũng được cấu tạo bởi các nguyên tử thể xác và cũng có tính chất vô thường, khổ, vô ngã như vậy. 



-Rồi tiếp tục, ta cũng phải quán sát thấy rằng, các vật chất này, dù quá khứ, hiện tại hay vị lai, cũng đều có tính chất tương tự như vậy.


Đến đây, ta có thể chấm dứt phần quán Thân.

***Ta biết rằng vạn vật trong vũ trụ này là thay đổi và chuyển động không ngừng, bản chất của chúng là như vậy. Dù bạn có ý chí và có sức mạnh đến đâu, bạn không thể nào dừng sự thay đổi của chúng. Cái mà ta thấy vật chất đứng yên, thực chất chỉ là hình ảnh do mắt ta nhận được, chứ không phải là bản chất của vật ấy. Một vật, dù là bất cứ thứ gì trong vũ trụ này, sẽ không bao giờ có thể đứng yên một chỗ. Nếu vũ trụ này đứng yên 1 giây khắc nào, thì nó sẽ bị tan rã ngay lập tức.

Thân ta, cũng như các vật chất bên ngoài (sắc uẩn), được cấu tạo bởi những nguyên tử vô cùng nhỏ bé và thay đổi liên tục, cho nên thân ta và các vật chất cũng sẽ thay đổi liên tục. Nếu ta muốn chúng ngừng thay đổi, điều này là không thể nào. Cho nên, buông bỏ dính mắc với chúng là điều nên làm. Chấp nhận sự thay đổi của chúng, chúng có thể sinh, có thể già, có thể chết, có thể mất, có thể còn, có thể hư, có thể lành...đừng dính mắc vào chúng. Chấp nhận và để chúng tự nhiên như chúng là.
Khi quán thấy thân vô thường, khổ, vô ngã liên tục, tâm sẽ dần dần buông bỏ được thân. Khi kết thúc bài thiền bạn sẽ không còn cảm giác hay sức nặng của thân nữa. Đó là điều tuyệt vời bạn sẽ thấy được nếu thực hành đúng đắn và rốt ráo.

II. QUÁN CẢM THỌ

Cảm thọ là gì. Cảm thọ tức là những cảm giác, cảm xúc, tình cảm, dục vọng...của con người. Chúng được chi phối bởi sự rung động liên tục của thể vía, một thể vi tế hơn thể xác.

Cảm thọ gồm có 6 loại như sau:
1. Thọ khổ (thuộc về thân)
2. Thọ lạc (thuộc về thân)
3. Thọ ưu (thuộc về tâm)
4. Thọ hỷ (thuộc về tâm)
(Bốn thọ này được chi phối bởi phần cảm dục của thể vía)
5. Thọ xả (thuộc thân)
6. Thọ xả (thuộc tâm)
(Hai thọ này được chi phối bởi phần năng lượng astral của thể vía)

+ Thọ khổ: là những cảm giác đau đớn, ngứa ngáy, khó chịu, chói tai, đắng lưỡi...sinh ra ở 5 giác quan.
+ Thọ lạc: là những cảm giác khỏe khắn, dễ chịu, mát mẻ, êm ái...sinh ra ở 5 giác quan.
+ Thọ ưu: là những cảm xúc buồn rầu, lo lắng, sầu bi, ưu não, bực tức, khó chịu...phát sinh từ tâm.
+ Thọ hỷ: là những cảm xúc vui vẻ, hân hoan, hỷ lạc...phát sinh từ tâm.
+ Thọ xả: là cái không khổ không lạc, không hỷ không ưu, chỉ là cảm giác năng lượng.


-Đầu tiên, ta nên quan sát thọ khổ trên toàn thân trước. Mặc dù ta thấy rằng thọ khổ chỉ có ở một vài nơi nào đó trên thân thể, nơi mà ta có thể cảm nhận được nó khi nó mạnh lên, tuy vậy, thọ khổ là có mặt ở mọi nơi trong toàn thân thể. Lấy một thọ khổ nào đó mạnh mẽ trên thân, sau đó quán chiếu nó ra toàn cơ thể, bạn sẽ cảm nhận được nó có ở trong toàn thân.



-Sau đó, tiếp tục quán sát thọ lạc, thọ dễ chịu trên toàn thân. Tiếp theo là thọ xả thuộc về thân, thọ ưu, thọ hỷ, và thọ xả thuộc tâm. Lưu ý chỉ chú tâm vào các cảm thọ, không chú tâm vào các phần thân thể.


-Thực hành quán sát liên tục theo thứ tự thọ khổ --> thọ lạc --> thọ xả (thân) --> thọ ưu --> thọ hỷ --> thọ xả (tâm) cho đến khi ta có thể cảm nhận được 6 loại thọ này cùng một lúc trên toàn thân.

Giữ ghi nhận này trên một thời gian, ta sẽ thấy được toàn bộ các cảm thọ của chúng ta vỡ ra thành vô số hạt phần tử nhỏ khác nhau, tôi gọi nó là phân tử cảm xúc.



Lúc này ta sẽ thấy rõ ràng rung động của các hạt phân tử cảm thọ này.



-Sau đó tập trung vào các phân tử cảm thọ riêng lẻ, ta cũng thấy mỗi phân tử cũng bao gồm cả 6 loại cảm thọ trên. Tiếp tục quán sát 6 loại cảm thọ trên toàn bộ các phần tử cảm thọ riêng lẻ này, ta sẽ thấy các hạt này vỡ ra thành các hạt cảm thọ nhẹ hơn và rung động nhanh hơn, tôi gọi nó là các nguyên tử cảm thọ. 



-Tập trung vào sự rung động của các hạt nguyên tử cảm thọ này trên toàn thân một thời gian, ta sẽ làm triệt tiêu dần các cảm thọ có trên thân. 


Lưu ý những hạt nguyên tử cảm thọ này là những hạt vật chất nhỏ bé và vi tế, chúng nhỏ hơn và rung động nhanh hơn hạt nguyên tử thể xác rất nhiều, tuy vậy ta hoàn toàn có thể nắm bắt được chúng, do tâm ta rung động nhanh hơn chúng rất nhiều.


Sau khi thấy được các hạt nguyên tử cảm thọ, ta quán sát các tính chất của chúng như sau:



1. Các hạt nguyên tử cảm thọ này luôn sinh diệt (rung động) và thay đổi không ngừng, cho nên chúng là vô thường.



2. Các hạt nguyên tử cảm thọ này luôn bị sinh diệt và thay đổi, luôn chịu bức bách bởi sinh diệt và thay đổi, chúng không thể ngừng sự sinh diệt của chúng lại được, chúng không thể ngừng sự thay đổi của chúng lại được, nên chúng là khổ.


3. Vì chúng luôn luôn sinh diệt và luôn bị bức bách bởi sinh diệt, ta không thể ngừng tiến trình này lại được, ta không thể làm gì với sự sinh diệt, sự thay đổi của chúng, cho nên chúng là vô ngã, không phải là của ta, không phải là ta, không phải tự ngã của ta.

-Sau khi quán sát thấy được tính vô thường, khổ, vô ngã của các hạt nguyên tử cảm thọ trong thể vía mình, ta cũng cần phải quán sát được rằng các vật chất thuộc cõi trung giới , các vật chất thuộc cõi trung giới của toàn bộ vũ trụ, cũng được cấu tạo bởi các nguyên tử cảm thọ và cũng có tính chất vô thường, khổ, vô ngã như vậy. 


-Rồi tiếp tục, ta cũng phải quán sát thấy rằng, các hạt cảm thọ này, dù quá khứ, hiện tại hay vị lai, cũng đều có tính chất tương tự như vậy.


Đến đây, ta có thể chấm dứt phần quán Cảm Thọ.


***Thể vía chi phối cảm thọ của chúng ta, được cấu tạo bởi vô số hạt nguyên tử cảm thọ khác nhau, chúng rung động liên tục với các tần số khác nhau để tạo nên các sắc thái và các loại cảm giác, cảm xúc khác nhau. Có vô số các tần số khác nhau cho nên cũng có vô số loại cảm thọ khác nhau, các cảm thọ là có nhiều vô kể và dao động theo một dải tần liên tục. Phân chia theo 6 loại là để ta dễ phân biệt và cảm nhận, chứ thực chất có vô số loại cảm xúc ứng với các tần số khác nhau, một trong số chúng được chúng ta đặt tên như vui, mừng, lo lắng, sợ hãi, đau đớn, buồn rầu, ngứa ngáy, khó chịu...


Có những loại cảm xúc phức tạp như hoang mang, bâng khuâng, buồn vui lẫn lộn...là sự kết hợp của nhiều nguyên tử cảm xúc khác nhau với những tần số dao động khác nhau.


Cảm xúc tương tợ như ánh sáng vậy. Ánh sáng là sóng điện từ có vô số tần số dao động khác nhau, mỗi tần số ứng với một màu ánh sáng, tuy vậy, khi nhìn lên cầu vồng, ta thường chia nó ra thành 7 màu khác nhau cho dễ phân biệt, nhưng thực chất chúng là có vô số màu. 


Mặc dù vậy, khi gộp chung tất cả ánh sáng với nhau, ta có được ánh sáng trắng. Khi gộp chung tất cả cảm xúc lại với nhau, ta có thứ được gọi là tình yêu. Tình yêu thực chất là sự trộn chung của vô số các cảm xúc khác nhau. Và từ tình yêu mà các cảm xúc khác có mặt.

Thể vía liên kết chặt chẽ với thể xác và thể trí, là cây cầu trung gian giữa thể xác và thể trí. Nó rộng hơn thể xác một chút (khoảng 20cm). Phần liên kết với thể xác tạo ra cảm giác, chủ yếu nằm phía trong thể xác. Phần liên kết với thể trí tạo ra cảm xúc, nằm cả bên trong và bên ngoài thân xác một chút. Khi thực hành thiền quán ta sẽ cảm nhận được chúng.

III. QUÁN TƯ TƯỞNG

Tư tưởng là gì? Tư tưởng là những quan niệm, những khái niệm, những định nghĩa, những suy nghĩ, tư duy, lập luận, phân tích, tính toán...của con người.


Tư tưởng do thể trí đảm nhiệm, có 4 phần chủ yếu:



1. Tưởng thô: bao gồm những ý nghĩ, kiến thức, khái niệm, tri thức, hiểu biết, các dữ liệu về âm thanh, hình ảnh, mùi vị...về sự vật, sự việc cụ thể, có thể định danh được, có thể nắm bắt được, có thể tưởng tượng ra được.



2. Hành thô: bao gồm việc tư duy, suy luận, tính toán, phân tích, nghiên cứu, lập trình...chủ yếu là chức năng xử lý các tưởng thuộc về phần thô.



3. Tưởng vi tế: bao gồm những quan niệm, định nghĩa, dữ liệu, kiến thức, hiểu biết...thuộc về sự vật sự việc siêu hình, trừu tượng, không thể tưởng tượng, không thể nắm bắt bằng khái niệm rõ ràng được. Ví dụ như thời gian, các cảm xúc, tình yêu, lòng tự hào, linh hồn, sự vô hạn, sự vô biên, Niết bàn, Thượng đế...


4. Hành vi tế: phân tích và xử lý các dữ liệu dưới dạng vi tế, trừu tượng, siêu hình.

Hãy tưởng tượng, tưởng giống như bộ nhớ máy tính, còn hành là con chip xử lý. Tưởng có chức năng lưu trữ, hành có chức năng xử lý. Tưởng và hành thường đi chung với nhau, ta gọi chúng là tư tưởng, là chức năng của thể trí.


Tưởng và hành cụ thể là những tư tưởng, suy nghĩ thông thường của chúng ta, cho nên đa phần ai cũng biết về nó. Tuy vậy, tưởng và hành vi tế rất khó thấy. Ta có thể biết về điều gì đó, tuy nhiên lại không thể diễn dịch nó ra được, gọi là tư tưởng vi tế.



Ví dụ khi ta nói về tình yêu chẳng hạn. Không ai có thể định nghĩa về tình yêu một cách rõ ràng được. Ta có thể biết yêu thực sự là gì, nhưng để tưởng tượng về nó, ta không thể làm được điều đó, bởi nó không phải là cái gì đó cụ thể để tưởng tượng được.



Cũng như sự vô biên chẳng hạn, làm thế nào dùng trí để thấy được cái vô biên. Ta chỉ có thể biết về nó, chứ không tưởng tượng được nó. 


Tưởng và hành vi tế này thường chi phối bộ khung nhận thức, tính tình, tính cách của một người trong nhiều kiếp sống.


-Sau khi nắm được 4 loại tư tưởng này, giờ đây ta hãy ghi nhận nó phát sinh trong mình:



+ Hãy quan sát những suy nghĩ trong mình, hay tưởng nhớ về một vật gì đó, nó có thể phát sinh ở bất kỳ đâu trong thân thể, hoặc ở ngoài thân thể một chút. Khi một suy nghĩ khởi lên, ta sẽ nhận thấy có một sự rung động nào đó nơi suy nghĩ đó phát sinh. Cố gắng ghi nhận nó và phát triển nó ra toàn cơ thể.



+ Sau đó, hãy khởi lên ý định đứng dậy, hoặc ý định giơ cánh tay lên nhưng đừng hành động, ta sẽ thấy có một dòng hạt rung động không ngừng bên trong cơ thể, hãy nắm lấy rung động đó và phát triển ra toàn cơ thể, cả bên trong lẫn bên ngoài thân thể 1 chút, khoảng 20-50cm.



-Liên tục ghi nhận 2 loại rung động này trên toàn thân, ta sẽ thấy các hạt phát ra ánh sáng đang rung động và thay đổi liên tục, ta có thể dùng tâm để quan sát được chúng. Đây là các hạt phân tử tư tưởng.


-Tiếp tục chú tâm và ghi nhận các hạt này, ta sẽ thấy chúng rung động nhanh hơn, sau đó chúng vỡ ra thành các hạt sáng nhỏ hơn và nhẹ hơn, hầu như ta không thể cảm nhận được khối lượng của chúng, chúng rung động rất nhanh và liên tục chuyển động. Đây chính là các hạt nguyên tử tư tưởng.


Sau khi thấy được các hạt nguyên tử tư tưởng, ta quán sát các tính chất của chúng như sau:



1. Các hạt nguyên tử tư tưởng này luôn sinh diệt (rung động) và thay đổi không ngừng, cho nên chúng là vô thường.



2. Các hạt nguyên tử tư tưởng này luôn bị sinh diệt và thay đổi, luôn chịu bức bách bởi sinh diệt và thay đổi, chúng không thể ngừng sự sinh diệt của chúng lại được, chúng không thể ngừng sự thay đổi của chúng lại được, nên chúng là khổ.


3. Vì chúng luôn luôn sinh diệt và luôn bị bức bách bởi sinh diệt, ta không thể ngừng tiến trình này lại được, ta không thể làm gì với sự sinh diệt, sự thay đổi của chúng, cho nên chúng là vô ngã, không phải là của ta, không phải là ta, không phải tự ngã của ta.


-Sau khi quán sát thấy được tính vô thường, khổ, vô ngã của các hạt nguyên tử tư tưởng trong mình, ta cũng cần phải quán sát được rằng các hạt tư tưởng thuộc cõi thượng giới, các hạt tư tưởng thuộc cõi thượng giới của toàn bộ vũ trụ, cũng được cấu tạo bởi các nguyên tử tư tưởng và cũng có tính chất vô thường, khổ, vô ngã như vậy. 



-Rồi tiếp tục, ta cũng phải quán sát thấy rằng, các hạt tư tưởng này, dù quá khứ, hiện tại hay vị lai, cũng đều có tính chất tương tự như vậy.


Đến đây, ta có thể chấm dứt phần quán Tư Tưởng.


***Để tôi ví dụ sự khác nhau các hạt cho các bạn thấy, các bạn có thể tưởng tượng chúng như là các hạt này cũng được (mặc dù chưa được chứng minh). Như hạt nguyên tử thể xác, bạn có thể xem chúng là các hạt nhân nguyên tử, hạt nguyên tử cảm thọ là các hạt âm điện electron, còn nguyên tử tư tưởng là các hạt sáng photon. Các hạt càng lên cao càng thanh nhẹ và vi tế hơn rất nhiều so với các hạt thấp hơn. Càng lên cao chúng càng rung động nhanh hơn.


Tuy vậy, chúng lại có liên kết chặt chẽ với nhau trong cơ thể, đảm nhiệm các chức năng khác nhau và là công cụ, phương tiện để tâm sử dụng cho mục đích trải nghiệm và sáng tạo của mình trong tam giới. Chúng cũng là các hạt cơ bản cấu tạo nên 3 cảnh giới hạ giới, trung giới và thượng giới của Trái Đất.

IV. QUÁN TÂM


Tâm là gì. Tâm là sự ghi nhận, nhận biết, cảm nhận hoạt động của các đối tượng là các thể và môi trường xung quanh. Tâm cung cấp một phần năng lượng cho các thể hoạt động và điều khiển chúng. Tuy vậy, không phải lúc nào tâm cũng điều khiển được các thể, ngoại trừ những người đã biết tâm là gì và trụ được tâm thức trên tâm.



Nhờ có tâm mà ta có thể ghi nhận được rung động của các hạt nguyên tử thể xác, cảm thọ và tư tưởng. Tâm dẫn đầu các pháp và điều khiển các pháp.


Tâm được ví như môi trường, không gian chứa các hạt nguyên tử thể xác, nguyên tử cảm thọ, nguyên tử tư tưởng, cho nên bất kỳ hoạt động nào của chúng, tâm đều nhận biết và ghi nhận được cả.


Thiền quán thực chất là dùng tâm để quán.


Sau khi đã thực hành quán sát thân, cảm thọ, tư tưởng, giờ đây ta bắt đầu quán sát tâm. Cần dùng cái gì để quán sát tâm. Đó là dùng tâm để quán sát tâm.


Khi quán sát các thể, ta sẽ thấy có một cái gì đó ghi nhận và nhận biết các thể, đó chính là tâm. Vì vậy, muốn biết về tâm, ta chỉ cần tập trung vào sự ghi nhận/nhận biết mà thôi, bỏ qua tất cả các đối tượng khác.


Ta thấy rằng tâm sẽ sinh lên và diệt đi liên tục để nắm bắt lấy các đối tượng. Mỗi 1 lần sinh lên và diệt đi (rung động), tâm chỉ bắt duy nhất một đối tượng, như là một hình ảnh, một âm thanh, một cảm xúc, một tư tưởng...Vì tâm rung động rất nhanh,khoảng chục triệu lần trên giây, nên ta thấy tâm có vẻ như là liên tục và là một khối, tuy vậy, tâm cũng được cấu tạo bởi những hạt rất nhỏ và rung động rất nhanh.

-Chú tâm liên tục vào sự ghi nhận/nhận biết, dần dần ta sẽ cảm nhận được rung động của tâm. Chỉ nên thực hành quán tâm khi ta đã thực hành thuần thục quán thân, quán cảm thọ và quán tư tưởng, bởi tâm rất vi tế nên không dễ dàng để thấy rung động của nó khi nó vẫn còn dính chặt vào các thể.


Nếu thực hành đúng, ta sẽ thấy có một tâm khởi lên bắt lấy đối tượng, sau đó một tâm liền kề ghi nhận tâm bắt đối tượng đó, tiếp theo một tâm khởi lên bắt đối tượng khác, và có một tâm liền kề sinh lên ghi nhận tâm ấy, cứ liên tục như vậy. Chúng diễn ra tự nhiên và liên tục như vậy mà không có sự tác ý nào khởi lên từ sự ý thức chủ quan của ta. Nó diễn ra một cách tự động. Thực hành đúng đắn sẽ thấy điều đó.


-Quá trình này diễn ra tự động và liên tục như vậy, trong một thời gian dài, dần dần ta sẽ nhận thức ra rằng thực ra có vô số hạt cấu tạo nên tâm đang cùng nhau sinh lên và diệt đi để bắt lấy đối tượng. Dần dần ta sẽ thấy chúng rõ ràng hơn, đó là các hạt nguyên tử cấu tạo nên tâm.

Giờ đây, ta sẽ quán sát các nguyên tử cấu tạo nên tâm này là vô thường, khổ, vô ngã:


1. Các hạt nguyên tử này luôn sinh diệt (rung động) và thay đổi không ngừng, cho nên chúng là vô thường.



2. Các hạt nguyên tử này luôn bị sinh diệt và thay đổi, luôn chịu bức bách bởi sinh diệt và thay đổi, chúng không thể ngừng sự sinh diệt của chúng lại được, chúng không thể ngừng sự thay đổi của chúng lại được, nên chúng là khổ.


3. Vì chúng luôn luôn sinh diệt và luôn bị bức bách bởi sinh diệt, ta không thể ngừng tiến trình này lại được, ta không thể làm gì với sự sinh diệt, sự thay đổi của chúng, cho nên chúng là vô ngã, không phải là của ta, không phải là ta, không phải tự ngã của ta.

Ta cũng quán sát rằng tâm dù ở thế giới này hay thế giới khác, của người này hay của người khác, ở quá khứ hiện tại hay vị lai, đều có cùng tính chất như vậy.


Nếu tâm không phải là ta, thì cái gì mới thực sự là ta? Khi nào chứng được Niết Bàn, bạn sẽ biết điều đó.


Nhiều người nói rằng Niết Bàn là cái đại ngã, cái ngã to lớn, bao gồm hết mọi cái ngã trong đó. 

Nhiều người nói rằng nó không thuộc về của ai hết, không lệ thuộc vào bất kỳ yếu tố nào hết, cho nên nó là vô ngã.


Đối với tôi, Niết Bàn là trạng thái thoát khỏi tham sân si, là trạng thái không có khổ đau, không có sinh diệt, chỉ có sự an lạc, bình yên và hợp nhất.


Khi bạn thực hành pháp quán này một cách thuần thục, dần dần bạn sẽ buông bỏ dần sự dính mắc giữa tâm và các thân thể, do đó mà khổ đau dần đần được giảm trừ.



Sau đó, nếu quán tâm một cách thuần thục, bạn sẽ dần dần buông bỏ được tâm, buông bỏ được ngã thức. Nếu có đủ ba la mật và trí tuệ sắc bén, bạn sẽ chứng ngộ được Niết Bàn, là cái không sinh diệt, không khổ đau, là cái thường hằng, bất biến, an lạc và thanh tịnh.



Đủ ba la mật là gì? Là thực hiện đầy đủ 10 pháp ba la mật, gồm có: bố thí, trì giới, xuất gia, trí tuệ, tinh tấn, nhẫn nại, chân thật, quyết định, tâm từ, tâm xả (tâm buông bỏ).


Trí tuệ sắc bén là gì? Đó là hiểu biết rõ ràng khổ, nguyên nhân của khổ, con đường diệt khổ, luật nhân quả và luân hồi, bản chất vô thường, khổ, vô ngã của mọi vật, bản chất sinh trụ dị diệt của vạn vật thế gian.

Chúc các bạn an lạc và sớm chứng ngộ Niết Bàn.

Nguyện cho vạn vật được thái bình,
Mong cho tất cả sớm thoát khỏi mọi khổ đau

Thứ Tư, 20 tháng 3, 2019

Thiền Định và Thiền Tuệ

Tác giả: Không Không

Giới làm nền tảng cho định
Định hỗ trợ cho tuệ
Tuệ diệt trừ vô minh.

Thiền trong Phật giáo có 2 loại:
1. Thiền định/thiền chỉ/thiền tịnh
2. Thiền tuệ/thiền quán/thiền minh sát

-Thiền định là:
+ Giữ cho tâm thanh tịnh
+ Giữ cho tâm tập trung
+ Giữ cho tâm không xao động
+ Giữ cho tâm liên tục trên một đối tượng nào đó như 1 tư tưởng, 1 khái niệm, 1 cảm xúc, 1 hình ảnh, 1 âm thanh...
+ Có thể bao gồm thiền âm thanh, thiền ánh sáng, thiền nhảy, thiền ngủ, tụng kinh, niệm Phật...

-Thiền tuệ là:
+ Quán chiếu các đối tượng
+ Quán chiếu bản chất, đặc tính, đặc trưng của đối tượng
+ Quán chiếu những sự vật, sự việc có liên quan đến đối tượng
+ Quán chiếu các quy luật vận hành cuộc sống, các quy luật của thiên nhiên, bản chất con người...
+ Giúp phát sinh trí tuệ, hiểu biết, minh triết
+ Đoạn trừ được vô minh, si mê, phiền não, khổ đau.
+ Có thể bao gồm thiền quán tứ niệm xứ, thiền minh sát, thiền quán thất giác chi, thiền chánh niệm, thiền phồng xẹp...

-Ngoài ra còn có các thiền bổ trợ cho 2 loại thiền này như thiền khí công, thiền kết nối năng lượng, thiền khai mở luân xa...và nhiều loại khác nữa.

Bài viết sau đây xin giới thiệu vài nét về thiền định.

-Trước khi thiền định nên giữ giới. Giữ giới giúp tâm thanh tịnh, nhờ đó mà định phát triển. Khi định phát triển, tâm trí được tập trung, thực hành thiền quán được dễ dàng, trí tuệ sẽ mau phát sinh.

-Thiền định thực chất là giữ tâm liên tục trên một đối tượng cụ thể nào đó và không thay đổi trong suốt thời gian hành thiền.

Ví như thiền hơi thở thì chỉ biết đến hơi thở mà không biết gì nữa. Thiền tâm từ thì chỉ biết đến lòng từ, mà không chú tâm vào những cảm xúc khác.

-Các hoạt động thường có của tâm đối với đối tượng trong thiền định:
1. Tâm hướng về đối tượng (tầm)
2. Tâm duy trì trên đối tượng (tứ)
3. Tâm vui thích trên đối tượng (hỷ)
4. Tâm an lạc trên đối tượng (lạc)
5. Sự hợp nhất giữa tâm và đối tượng (nhất tâm)

-Các bậc thiền

1. Sơ thiền. Tâm liên tục hướng tâm và duy trì trên đối tượng, đi kèm với đó là hỷ lạc và sự nhất tâm tương đối trên đối tượng. Điều này có nghĩa là không có hoặc rất ít niệm tưởng khởi lên trong quá trình nhập thiền. Nếu có thì chỉ có khoảng 2-3 niệm khởi lên trong 1h nhập thiền. Nhập thiền sẽ giúp áp chế niệm tưởng.

2. Nhị thiền. Loại bỏ tầm và tứ, chỉ có sự hỷ lạc và nhất tâm tương đối trên đối tượng.

3. Tam thiền. Loại bỏ hỷ, chỉ còn sự an lạc và nhất tâm trên đối tượng.

4. Tứ thiền. Chỉ còn sự nhất tâm liên tục trên đối tượng. Đến đây niệm tưởng hoàn toàn bị loại bỏ. Chỉ còn tâm và đối tượng.

5. Không vô biên xứ định. Sự nhất tâm trên đối tượng là hư không vô biên.

6. Thức vô biên xứ định. Sự nhất tâm trên đối tượng là cái biết về hư không vô biên.

7. Vô sở hữu xứ định. Sự nhất tâm trên đối tượng là sự trống rỗng, chẳng có hư không và cũng chẳng có gì cả.

8. Phi tưởng phi phi tưởng định. Sự nhất tâm trên đối tượng là sự buông bỏ cái trống rỗng ở trên.
Các bậc thiền định vô sắc (5-8) rất vi tế, chớ nên dùng trí mà hiểu được nó. Khi nào thực sự đạt đến tứ thiền, loại bỏ được hoàn toàn niệm tưởng, lúc ấy ta mới có thể hành được 4 bậc thiền vô sắc này.

-Nói về kỹ thuật một chút, thì:
+ Nếu tâm duy trì liên tục trên rung động cao nhất của cái trí cụ thể, ta có tứ thiền sắc giới.
+ Nếu tâm duy trì liên tục trên rung động cao nhất của cái trí trừu tượng, ta có phi tưởng phi phi tưởng định.
+ Nếu tâm duy trì liên tục trên rung động cao nhất của cái vía, tức là ta có cận định.

-Không dễ dàng để có thể đắc thiền, ngoại trừ ý chí kiên định liên tục để giữ tâm trên đối tượng và không phân tán đi nơi khác. Trong thời buổi hiện nay, tìm được người đắc thiền là rất hiếm. Trong khoảng 1000 người có tu tập thì chỉ có 1-2 người là có khả năng đắc thiền mà thôi.

***Những lợi ích khi thực hành thiền định
1. Tâm an lạc, thanh tịnh
Thiền định giúp kiểm soát thân tâm, làm cho tâm kiểm soát được cái trí, không cho nó chảy nhảy, bắt cảnh lung tung, nhờ đó mà tâm được an lạc, thanh tịnh.

2. Thân thể an vui, nhẹ nhàng
Trong thực hành thiền định, khi tâm được an lạc, tâm sẽ sản sinh ra nguồn năng lượng mạnh mẽ và tác động đến các phần trong thân thể, nhờ đó mà thân thể được khỏe mạnh, nhẹ nhàng, tỉnh táo, các bệnh tật được giảm trừ.

3. Tăng trưởng thiện pháp
Thiền định giúp kiểm soát tư tưởng, không cho nó khởi lên những tư tưởng tham sân, không để phát sinh những cảm xúc buồn vui hỷ nộ ái ố, nhờ đó mà những tư tưởng bất thiện bị ngăn chặn, những tư tưởng thiện lành có cơ hội nảy sinh.
Nếu đắc thiền thì tâm thiện của thiền sẽ sinh khởi liên tục, vì vậy người đắc thiền là người có phước báu vô kể, nếu cúng dường đến người này phước báu cũng lớn hơn đối với những người chưa đắc thiền.

4. Hỗ trợ thiền minh sát
Thiền định làm tâm trí tập trung, sáng suốt, nhờ đó làm nền tảng rất tốt cho thiền tuệ hoạt động hiệu quả. Giới định tuệ là tam học rất quan trọng đối với Phật giáo.

5. Tạo ra nơi tái sinh tốt
Đắc thiền sắc giới (1-4) và duy trì nó cho đến lúc chết sẽ được tái sinh ngay vào cõi sắc giới/cõi hạ thiên/cõi tịnh độ thấp, mà không đi qua cõi dục/cõi trung giới. Đây là một trú xứ tốt để tái sinh. Tái sinh cõi này không có các cảnh dục nên không có những sự đau khổ đi kèm với các dục lạc.
Đắc thiền vô sắc giới(5-8) sẽ tái sinh nơi cõi vô sắc giới, có tuổi thọ dài vô kể, tính bằng kiếp Trái Đất.

6. Đắc thần thông
Các loại thần thông như túc mạng thông, thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, biến hóa thông đều phải đạt được thông qua thiền định.
Khi thiền định đạt đến thuần thục có thể luyện tập thêm các phương pháp khác để đắc được các thần thông. Tuy nhiên, Đức Phật không khuyến khích để tập luyện các phương pháp này.

7. Đạt diệt tận định
Muốn đạt diệt tận định, mức định thứ 9, cần phải có 8 mức định trước đi kèm. Trong diệt tận định, hành giả trải nghiệm trực tiếp Niết Bàn vô vi siêu thế.

***Làm thế nào để phát triển thiền định
1. Giữ giới trong sạch. Tránh thực hiện các pháp bất thiện thuộc thân khẩu ý
2. Loại dần 5 pháp chướng ngại. Đó là tham dục, sân hận, phóng dật trạo cử, hồn trầm thụy miên, hoài nghi
3. Tăng cường 5 pháp giác ngộ. Đó là tín, tấn, niệm, định, tuệ.

Mục 1 & 2 tôi đã trình bày trong các bài viết trước. Giờ đây tôi xin nói sơ qua về mục 3, tăng cường 5 pháp giác ngộ.

1. Niệm
Niệm tức là chánh niệm. Niệm là cần thiết trong mọi trường hợp. Chánh niệm là luôn ghi nhớ, luôn hay biết mọi thứ mà mình đang làm, đang nói, đang nghĩ.

Chánh niệm tức dùng tâm để ghi nhận tất cả các hoạt động của các thân thể. Làm việc gì thì biết việc đó, mà không suy nghĩ hay để ý những việc khác. Ví dụ như đi biết đi, đứng biết đứng, ngồi biết ngồi, buồn biết buồn, vui biết vui, suy nghĩ biết suy nghĩ (cái này thì khó đối với nhiều người, thường thì nghĩ xong rồi họ mới biết mình nghĩ, tuy vậy, suy nghĩ không phải mình, nên hãy dùng tâm để biết suy nghĩ đang hoạt động).

Chánh niệm là trụ vào tâm để quán chiếu và ghi nhận các thân thể, nên chánh niệm là cần thiết để phát triển tâm và loại dần sự dính mắc giữa tâm đối với các thể.

2. Tấn
Tấn tức là tinh tấn, chuyên cần, cố gắng. Có cố gắng mới có thành công. Cố gắng cũng rất cần trường hợp trường hợp này.

Tuy vậy, sự cố gắng thái quá, tức là bất chấp mọi thứ để đạt được mục tiêu, thường đưa đến sự dính mắc. Đó là điều không tốt.

Sự tinh tấn thái quá nhiều khi sẽ dẫn đến mất cân bằng, sẽ gây ra sự khó khăn trong hành thiền, ví dụ như tinh tấn nhiều kiểu ép xác sẽ làm thân mệt mỏi, thiếu sức sống, từ đó mà tâm cũng chẳng an tịnh.

Tinh tấn quá ít sẽ dẫn đến lười biếng, giải đãi, uể oải, dễ dẫn đến hôn trầm, buồn ngủ.

3. Định
Định tức định tĩnh, tập trung, không tán loạn. Đây chủ yếu có liên quan đến cái trí. Cái trí thường xuyên bắt cảnh này cảnh kia, chạy nhảy lung tung và suy nghĩ về đủ mọi thứ trên đời. Một người không thể đắc định nếu cứ luôn suy nghĩ và phóng dật về mọi thứ.

Định giúp an tịnh cái trí, bắt nó chỉ tập trung trên 1 đối tượng, nhờ đó mà ta dễ dàng đắc thiền hơn.

4. Tuệ
Tuệ tức là trí tuệ, là hiểu biết đúng đắn. Trí tuệ là cần thiết để đắc thiền. Muốn hành thiền cần phải có trí tuệ để thực sự hiểu biết quá trình hoạt động của tâm cũng như các tư tưởng và cảm xúc, nắm bắt được quá trình hành thiền, các bước thực hiện. Đọc kinh sách, hiểu về giáo lý, thân cận bậc thiện tri thức, nghe pháp, ghi chép tiến trình hành thiền...là các pháp rất tốt để phát sinh trí tuệ.

5. Tín
Tín tức sự tín tâm, lòng tin, đức tin. Tăng trưởng tín tâm sẽ giúp ta thực hành thiền được vững bền và mau chóng đắc thiền hơn. Vì vậy, lòng tin rất quan trọng. Đối với bậc Thánh nhập lưu, cái cần phải diệt trừ hoàn toàn là thân kiến, hoài nghi và giới cấm thủ. Do đó, có lòng tin là điều rất quan trọng để đắc thiền và Niết Bàn.

Tín đối trị hoài nghi
Định đối trị với phóng dật, trạo cử
Tấn đối trị với hôn trầm thụy miên
Niệm & tuệ đối trị với tham sân.

-Nên có sự quân bình trên 5 chi pháp này để có thể đắc được thiền.
+Niệm là luôn cần thiết
+Nếu tín mạnh, tuệ yếu: dễ rơi vào mê tín, cả tin, tức là dễ tin vào những điều sai lầm, mù quáng, tà thuật...do có lòng tin mà thiếu trí tuệ.
+Nếu tín yếu, tuệ mạnh : dễ rơi vào xét đoán, nghi ngờ, ngã mạn...do có trí tuệ mà thiếu lòng tin. Thật ra, có những thứ ta có thể biết nhưng khi thực hành thì lại hoàn toàn khác, không giống như những gì lý thuyết đã nêu. Và hơn nữa, nếu còn ở thể gian thì không thể hiểu hết những điều thuộc về thế gian.
+Nếu định mạnh, tấn yếu: dễ dẫn đến thụ động, lười biếng, giãi đãi, thiếu ý chí, thiếu nghị lực quyết tâm.
+Nếu định yếu, tấn mạnh : dễ tăng thêm sự tán loạn, mất tập trung, từ đó mà trạo cử, phóng dật phát sinh.

Vì vậy cần có sự cân bằng và phát triển cùng lúc cả 5 yếu tố này để có thể đắc thiền, đắc định, mau chóng chứng ngộ Niết bàn, giải thoát mọi khổ đau.

Đến đây xin kết thúc phần thiền định.

Nguyện cho vạn vật được thái bình,
Mong cho tất cả sớm chứng ngộ Niết Bàn.

Thứ Hai, 18 tháng 3, 2019

Tâm và Tam Giới

Tác giả: Không Không

Tâm vốn không thuộc tam giới.
Tâm nằm ngoài tam giới.
Tâm rung động rất nhanh.
Tâm luôn an lạc.

Tam giới được tạo ra.
Tâm háo hức muốn trải nghiệm tam giới.
Tâm muốn trải nghiệm các rung động nặng nề.
Tâm muốn trải nghiệm các tầng thứ vật lý.

Tâm rung động quá nhanh.
Tâm không thể trải nghiệm trực tiếp tam giới.
Các phương tiện được tạo ra.
Tâm liên kết với các phương tiện để trải nghiệm tam giới.

Tam giới là gì? Tam giới bao gồm 3 giới:
1. Hạ giới/cõi trần/cõi dương gian
2. Trung giới/cõi âm/thế giới bên kia cửa tử
3. Thượng giới/cõi tịnh độ/cõi trời chân phúc

Các phương tiện là gì? Có 3 phương tiện:
1. Thể xác - thân thể
2. Thể vía - cảm xúc
3. Thể trí - tư tưởng

Chúng hoạt động thế nào?
1. Thể xác hoạt động ở cõi hạ giới
2. Thể vía hoạt động ở cõi trung giới
3. Thể trí hoạt động ở cõi thượng giới
Tâm liên kết chặt chẽ với 3 phương tiện. Cả 3 thể/phương tiện cũng liên kết chặt chẽ với nhau. Tâm dùng các thể để trải nghiệm tam giới.

Điều gì xảy ra lần đầu tiên. Tâm học cách làm việc với 3 thể. Ban đầu cả 4 hoạt động không đồng bộ với nhau. Có những vấp ngã, có những bài học, có những khó khăn.

Điều gì xảy ra sau đó. Tâm quá đam mê những cảnh sắc tuyệt vời của tam giới. Tâm dính mắc với các thể và tam giới. Tâm nghĩ mình là các thể.
- Khi thân xác đau, tâm nghĩ rằng tâm đau
- Khi cảm xúc buồn, tâm nghĩ rằng tâm buồn
- Khi tư tưởng tham lam, tâm nghĩ rằng tâm tham lam.
- Khi tư tưởng sân hận, tâm nghĩ rằng tâm sân hận.
Ồ. Tâm không buồn, tâm không đau. Nhưng tâm nghĩ tâm buồn, tâm đau.
Tâm không tham, không sân. Nhưng tâm nghĩ tâm tham, tâm sân.

Thật kỳ lạ!

Các thân thể luôn thay đổi. Các thân thể thay đổi theo thay đổi của tam giới. Các thân thể thay đổi theo nhân duyên.
Tâm dính chặt vào các thân thể. Tâm cũng bị thay đổi theo tam giới. Tâm thay đổi theo nhân duyên. Tâm thay đổi theo các thể.

Tâm trở nên bất lực, mất tự do, bị xiềng xích, bị dẫn dắt.

Thay vì tự do, giờ tâm mất tự do.
Thay vì làm chủ, giờ tâm bị nô lệ.
Thay vì trải nghiệm, giờ tâm bị cuốn theo dòng đời.

-->Thay vì AN LẠC, giờ tâm KHỔ ĐAU.

Làm thể nào để không khổ đau?

Tâm đừng dính mắc với các thể và tam giới nữa.

Làm thế nào để không dính mắc với các thể và tam giới?


Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2019

Cách làm việc của Tâm và các Thể


Tâm là gì?

Tâm là sự nhận biết, sự ghi nhận, sự cảm nhận các đối tượng.
Có 2 loại đối tượng:
1. Đối tượng bên trong: là các thân thể như thân xác, các cảm giác, cảm xúc, tư tưởng...
2. Đối tượng bên ngoài: đó là ánh sáng, âm thanh, màu, mùi, vị, pháp...nhận được thông qua 6 căn.

Các thân thể:
Có 3 loại thân thể chính:
1. Thể xác: chi phối các chức năng hoạt động sinh tồn, trải nghiệm và sáng tạo.
2. Thể vía: chi phối các chức năng cảm giác, cảm xúc, tình cảm, dục vọng...
3. Thể trí: chi phối các chức năng suy nghĩ, lý luận, tư duy...

Các thể chính này, mỗi thể lại chia ra làm 2 thể phụ, nên ta có 6 loại thân thể:

1. Thể xác đậm đặc: bao gồm các chất đặc, chất lỏng, chất khí. Chi phối các chức năng hoạt động, trải nghiệm và sáng tạo trực tiếp đối với cõi trần đậm đặc

2. Thể phách/thể ether/thể dĩ thái: bao gồm 4 chất dĩ thái. 
+ Chất dĩ thái 4 tạo nên hệ thống năng lượng, sinh lực và luân xa của con người. 
+ Chất dĩ thái 3 là môi trường truyền dẫn cho âm thanh.
+ Chất dĩ thái 2 là môi trường truyền dẫn cho ánh sáng.
+Chất dĩ thái 1, thanh nhất, là nguồn gốc của điện.

3. Thể tình cảm/cảm dục: chi phối các cảm giác, cảm thọ, dục vọng, tình cảm, cảm xúc của con người.

4. Thể astral: chi phối các chức năng kết nối, năng lượng cho các cảm xúc. Là cầu nối giữa tư tưởng và cảm xúc, là nơi tạo ra các hình tư tưởng.

5. Thể trí cụ thể: chi phối các chức năng suy nghĩ, tư tưởng, tư duy, tính toán...thuộc về những sự vật, sự việc cụ thể, thô kệch. Đây là cái ta gọi là ý thức.

6. Thể trí trừu tượng (thể nhân quả-causal body): chi phối các chức năng suy nghĩ, tư tưởng, tư duy, tính toán...những thứ trừu tượng, vi tế, siêu hình. Nó còn có chức năng lưu trữ nghiệp, các hợp đồng, thỏa thuận nghiệp, dữ liệu các kiếp sống quá khứ. Đây gọi là phần tiềm thức.

Tâm là một phần thuộc về cái mà chúng ta gọi là siêu ý thức.

Giờ đây, ta sẽ xem xét cách tâm và các thân thể làm việc với nhau.

Tâm là sự ghi nhận, nhận biết các đối tượng. Tâm còn có chức năng điều khiển, dẫn dắt, cung cấp năng lượng cho sự hoạt động của các thân thể. Cho nên gọi tâm là dẫn đầu các pháp, vạn pháp do tâm tạo.

Khi ta hướng tâm (tác ý) đến một tư tưởng nào đó, ví dụ như tư tưởng sân hận chẳng hạn, ta cung cấp năng lượng cho tư tưởng sân đó hoạt động, cùng với đó ta dẫn dắt tư tưởng này theo hướng mạnh lên hoặc theo hướng giảm đi theo ý muốn của tâm.

Cũng như khi ta hướng tâm đến một cơn đau, ta cung cấp năng lượng cho cảm giác đau đó hoạt động, vì vậy ta thấy chúng càng đau hơn.

Tất nhiên không phải lúc nào tâm cũng có thể hoàn toàn dẫn dắt và điều khiển được các thân thể, đây chỉ là trường hợp của những người giác ngộ, còn đa phần các thường nhân, tâm của họ thường bị các thân thể dẫn dắt và bị chúng lôi đi. 

Trong những kiếp đầu đầu thai, tâm thường bị các thân thể dẫn dắt. Ví như một kiệu xe được kéo bởi 3 con ngựa. Tâm là người điều khiển xe, 3 con ngựa là 3 thể xác, vía và trí. Ban đầu 3 con ngựa này chưa được thuần chủng, tâm còn yếu ớt nên chúng thường lôi xe đi theo hướng mà chúng thích. Sau một thời gian dài tái sinh, tâm dần lớn mạnh và thuần thục hơn, nên sẽ dần dần điều khiển được 3 con ngựa, 3 thân thể.

Cho nên cũng cần một số lượng tái sinh nhất định để tâm có thể điều khiển hoàn toàn các thân thể và tự do hơn trong việc trải nghiệm và sáng tạo của mình. 

Nhiều người không chịu cố gắng, không chịu quyết tâm trong việc thuần thục các thân thể, cứ để chúng lôi đi hoài hoài, do đó mà cứ tái sinh hoài hoài, không thoát ra khỏi chúng được. Đó là những người luôn chạy theo những cảm xúc-thể vía (đa phần là phụ nữ) và những người luôn chạy theo lý trí-thể trí (đa phần là đàn ông), mà không có sự kiểm soát và điều khiển chúng. Bí quyết để ra khỏi luân hồi, đạt Thánh quả A La Hán (người được 4 lần điểm đạo) chính là cân bằng các thân thể và kiểm soát được hoàn toàn chúng. Không dễ dàng gì để buông bỏ hoàn toàn những dính mắc với các thân thể và thế giới bên ngoài, tuy nhiên, nếu không buông bỏ và kiểm soát bản thân, ta sẽ chẳng bao giờ có thể ra khỏi luân hồi và thoát được mọi khổ đau. Những quả vị ngọt ngào nhất luôn đòi hỏi những sự cố gắng lớn lao nhất. Cho nên, cái gì cũng có giá cũng chúng.

Tận hưởng mọi khoái lạc trần gian, đi tìm mọi thú vui trong tam giới, chạy theo những suy nghĩ và cảm xúc...mà không có sự chỉ dẫn từ tâm, bạn sẽ đi vào hố sâu của đau khổ. Tuy vậy, khổ đau hay hạnh phúc, là tùy ở nơi bạn chọn. Bạn hoàn toàn có thể chọn khác đi, chọn hành động khác đi, chọn suy nghĩ khác đi, chọn cách sống khác đi.

Đi vào kỹ thuật một chút, tâm là các vật chất vô cùng vi tế và cực nhỏ, rung động cực kỳ nhanh, (trong cõi giới của nó là khoảng 1 tỷ tỷ tỷ lần trong 1 giây-10^27 Hz), luôn luôn rung động để bắt lấy các đối tượng là các tín hiệu đến từ thể xác, thể vía và thể trí. 

Các hạt vật chất của tâm tạo nên một môi trường, không gian để 3 thân thể hoạt động. Như chúng ta biết trong thể xác có rất nhiều khoảng không, trong khoảng không này có rất nhiều nguyên tử thể vía, thể trí và tâm. Trong thể vía này lại có rất nhiều khoảng không, khoảng không này có rất nhiều nguyên tử thể trí và tâm. Trong thể trí cũng có rất nhiều khoảng không, trong những khoảng không này có rất nhiều vật chất của tâm. Do vậy mà các vật chất của tâm có đầy trong không gian 3 thân thể, tuy nhiên, có một điểm tập trung năng lượng của nó ở ngay trái tim, nên nhiều người nghĩ tim là nơi tâm phát sinh, nơi tâm dựa vào, tuy vậy mà tâm có ở khắp mọi nơi trong 3 thân thể, ngoài ra nó còn liên kết với mọi vất chất thuộc tâm khác ở bên ngoài, cho nên, tâm có thể đi bất kỳ đâu mà nó muốn. Điểm tập trung năng lượng này của tâm, đối với một số người, có thể duy chuyển đi nơi khác chứ không nhất thiết phải là ở nơi trái tim, ví dụ như lên đầu hoặc đi xuống bụng chẳng hạn. 

Vì tâm bao bọc cả 3 thân thể nên bất kỳ rung động nào của 3 thân thể, tâm đều biết cả. Hay nói cách khác, bất kỳ cảm giác, cảm xúc, tư tưởng, suy nghĩ nào tâm đều biết cả. Có những thứ tâm có thể biết nhưng ý thức thì không biết được, ví dụ như những lúc không chánh niệm hoặc những khi ngủ mơ.

Nhiều người không hiểu tâm là gì, do bởi họ quá dính mắc vào các cảm xúc và suy nghĩ, là các chức năng của thể vía và thể trí, họ cứ nghĩ các cảm xúc và suy nghĩ ấy là mình, nhiều người tệ hơn còn nghĩ thân xác là mình. Nhiều người khá hơn cho tâm là cái ngã của mình. Tuy nhiên, không có gì là mình cả. Còn nghĩ về một cái ngã nào đó, tức là chưa thực sự giác ngộ. Giác ngộ là vô ngã, là không còn ngã nữa. Rất nhiều người sẽ không tài nào hiểu được. Tuy vậy, sau khi tu tập và đạt được sự giác ngộ, bạn sẽ hiểu.

Tâm tiếp xúc với thế giới này nhờ 3 thân thể (hay 6 thân thể phụ). Các thân thể này ví như tay chân của con người vậy. Nếu không có những bộ phận này, tâm khó lòng mà tác động đến thế giới vật chất được.

Các chức năng, hoạt động, suy nghĩ, cảm xúc... của con người đều dựa vào các thân thể này mà có. Tâm tác động tới chúng thông qua năng lượng và rung động. Khi tâm muốn thực hiện điều gì đó, tâm sẽ rung động liên tục và gửi tín hiệu xuống thể trí. Thể trí sẽ phiên dịch ra và tác động lên thể vía. Thể vía sẽ tác động lên thể sinh lực để cung cấp năng lượng cho thân hoạt động và não bộ để điều khiển thân hoạt động đúng quy trình. Sau đó thân hoạt động và gửi tín hiệu trở lại cho thể phách, thể vía và thể trí, sau đó thể trí gửi thông tin lên tâm và tâm trải nghiệm kết quả. Ngoài ra, mỗi một rung động của thân, của thể vía, tâm đều biết cả, cho nên tâm không chỉ biết những thông tin thể trí gửi lên mà còn biết cả những cảm xúc, những cảm thọ của thân nữa.

Đó là một quy trình đơn giản, tuy nhiên, thật sự có vô số các kết cấu, quy trình khác có thể xảy ra. Về cơ bản, tất cả đều đang hoạt động và rung động không ngừng bên trong chúng ta. Tâm mang năng lượng rất lớn và rung động nhanh, khi có thể trụ vào tâm, ta sẽ cảm nhận được sự an lạc và bình yên.

Giờ đây, ta sẽ bàn về các thân thể.

Thể thấp bên dưới tâm là thể trí trừu tượng (tưởng + hành vi tế)
Thể này có 3 chức năng chính:

1. Là cầu nối giữa tâm và các thân thể khác. Tâm truyền tín hiệu xuống thông qua thể này và các tín hiệu được truyền lên tâm thông qua thể này. Các tín hiệu ở đây là các thông tin, còn các rung động của các thể thì tâm luôn nhận biết ngay tức thì.

2. Lưu trữ dữ liệu của tất cả các kiếp sống của một người (tưởng vi tế) (tiềm thức).

3. Đảm nhiệm xử lý và phân tích các dữ liệu trừu tượng, siêu hình, vi tế, các quan niệm, định nghĩa, khái niệm... Điều này tạo ra tính cách, các bước ngoặc cuộc sống, mục tiêu kiếp sống của một người. Trước khi đầu thai, thể này phân tích và xử lý các dữ liệu thuộc về kiếp vừa qua và các kiếp quá khứ, đánh giá tình hình, dưới sự giúp đỡ của các Tinh quân nghiệp quả và các trưởng lão, sau đó sẽ lựa chọn một kiếp sống với những hoàn cảnh, với những tính cách, với những mối quan hệ...mà phù hợp với nghiệp quả và mục tiêu của tâm (hay còn gọi là linh hồn). Đây gọi là hành vi tế.

Thể này có tuổi thọ rất lâu dài, nó sẽ tồn tại cho tới khi nào tâm không còn cần nó nữa, tức là lúc bạn đạt được giải thoát và thanh toán toàn bộ nghiệp quả. Lúc đó tâm sẽ buông bỏ luôn thể này và rời khỏi tam giới.

Một người đạt cứu cánh Niết Bàn, giải thoát, có thể có 2 con đường để lựa chọn:

+Một là, nhập trực tiếp vào Niết Bàn, hay hòa nhập vào Tinh thần, Thượng đế, và an hưởng quả vị giải thoát, thanh tịnh, an lạc, bất tử.

+Hai là, tiếp tục luân hồi trong các cảnh giới của Thái dương hệ, sau đó lại tiếp tục luân hồi trên các cảnh giới của vũ trụ. Thời gian luân hồi lúc này có thể tính bằng tỷ năm, tỷ tỷ năm...Thời gian trong các cảnh giới này ít có ý nghĩa.

Tâm làm việc với năng lượng và các rung động, còn thể trí trừu tượng này làm việc với các biểu tượng và màu sắc. Người có nhãn thông sẽ thấy thể trí trừu tượng này biểu hiện ra dưới các hình thức biểu tượng và màu sắc đi kèm khi chúng hoạt động. Ví dụ như một tư tưởng thanh cao sẽ biểu hiện ra dưới dạng các ngôi sao sáng chói nhiều màu sắc. Một tình yêu cao thượng sẽ biểu hiện ra dưới dạng các hình trái tim màu hồng rực rỡ cuộn vào nhau...

Bạn cũng có thể thấy các biểu tượng này trên các vòng tròn trên các cánh đồng của những ETs để lại, mục đích của họ là kích thích tư tưởng trừu tượng của con người. Có vài thông tin được ẩn giấu trong đó.

Bạn có thể cảm nhận sự rung động của thể này khi đạt được Định Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Thể tiếp theo của con người đó là thể trí cụ thể, hay còn gọi là hạ trí (tưởng + hành cụ thể)
Thể hạ trí này chi phối những tư tưởng, suy nghĩ, tư duy, tính toán, lập luận, phân tính...thường thấy ở một người bình thường. Nhiều người xem nó là cái ngã của mình.
Thể này có chức năng chính là thể trung gian giữa thể vía và thể trí trừu tượng, cung cấp và xử lý các thông tin thu được từ các giác quan, gửi lên cho thể thượng trí và tâm. Thể này thu thập thông tin từ bên ngoài, kết hợp với thông tin đến từ tiềm thức, cùng với sự tác động từ siêu ý thức (tâm-linh hồn), xử lý và phân tích chúng để tạo nên hiểu biết cho chính mình (tri thức).
Nó còn lưu lại tất cả thông tin về những sự vật, sự việc mà nó đã thấy, xử lý và biết trong kiếp sống hiện thời, ta gọi đây là tưởng cụ thể.
Tưởng là sự ghi nhớ, lưu lại của tâm trí về một sự vật, sự việc nào đó. Ví dụ như khi ta nhìn một vật, nhờ tưởng ta biết đó là bông hoa chứ không phải là cục đất, khi ta nhìn một bông hoa, nhờ tưởng này mà ta biết ngay đó là hoa hồng, chứ không phải hoa huệ. Tưởng lưu lại và ghi nhớ. Tưởng hoạt động như một bộ nhớ của máy tính. Còn hành, tức là những xử lý và tính toán, hoạt động như con chip xử lý. Hành hay còn gọi là tư, tưởng và hành gọi chung là tư tưởng, là một chức năng của thể trí (trí cụ thể + trí từu tượng).

Thể trí cụ thể làm việc với các hình dạng và màu sắc. Thể trí này là cái ta dễ dàng nhận biết nhất. Khi một suy nghĩ khởi lên, ta biết ngay đó là nó. Khi tính toán một điều gì đó, ta biết là nó đang hoạt động. Khi dự tính làm một việc gì đó, ta biết là đó là hoạt động của thể trí này. Thể trí này tác động lên thể vía, thể phách để điều khiển cơ thể hoạt động, đồng thời thông qua thể vía tác động lên não bộ để diễn dịch các chuỗi thông tin để từ đó điều khiển thân xác hoạt động một cách theo thứ tự.
Ví dụ như khi ta dự tính đi ăn cơm, thể trí sẽ tạo ra một hình ảnh ăn cơm, sau đó gửi đến thể vía, sẽ có một cảm giác muốn ăn ở thể vía, thể vía sau đó sẽ cảm giác này lên thể phách, sau đó thể phách sẽ tác động lên thân xác để nó hoạt động. Cùng lúc đó, thể trí cũng tác động lên não bộ thông qua thể vía, não sẽ phân tích nên làm việc gì ưu tiên trước, như đi đến nhà bếp, lấy thức ăn, ngồi xuống, ăn... và kết hợp các động tác như chân thế nào, tay thế nào, mắt nhìn đâu...

Thể trí cụ thể được cấu tạo bởi những hạt sáng rung động liên tục, mà chỉ khi hành thiền ta mới dễ dàng thấy được. Đạt đến tứ thiền sắc giới, ta sẽ dễ dàng thấy được rung động của thể trí cụ thể này.

Bên dưới thể trí là thể vía.
Thể vía có 2 thể phụ, đó là thể cảm dục và thể astral (thiên về mặt năng lượng). Thể cảm dục chi phối các chức năng về cảm giác, dục vọng, cảm xúc của con người. Nó rung động thấp hơn thể astral, là thể chi phối năng lượng cho cảm xúc và tạo hình tư tưởng cho con người. Hai thể này cũng tương tự như thể xác và thể phách. Thể xác là đậm đặc hơn, nặng nề hơn, còn thể ether là nhẹ nhàng và vi tế hơn, thể ether chủ yếu đảm nhiệm về mặt năng lượng, duy trì hoạt động của thể xác, đồng thời đáp ứng với những rung động từ thể vía. Thể astral cũng là thể cung cấp năng lượng và duy trì sự hoạt động của các cảm thọ và dục vọng, đồng thời nó cũng đáp ứng với những rung động đến từ thể trí, vì vậy nó tạo ra cho con người các cảm thọ thuộc về tâm như dễ chịu, an lạc hay khổ đau. Tất nhiên tất cả chỉ là các rung động, gọi là cảm giác, cảm xúc, hay tình cảm...chẳng qua là do chúng ta đặt tên cho chúng - các rung động khác nhau.

Các cảm giác, cảm xúc là những thứ rất dễ nhất biết đối với chúng ta, tuy nhiên nhiều người còn chưa biết về hoạt động của thể astral. Thật ra nó là năng lượng đi cùng với các cảm xúc. Khi bạn tức giận, bạn có năng lượng tức giận đi cùng, đôi khi nó rất mạnh mẽ. Khi bạn lạc quan yêu đời, bạn sẽ cảm giác một năng lượng sống dồi dào, thoải mái, an lạc. Thể astral này cung cấp năng lượng cho các cảm xúc. Nó có thể mạnh hoặc yếu, có thể dễ chịu hoặc khó chịu. Đôi khi bạn có một niềm vui nào đó, nếu không được thể astral cung cấp năng lượng cho, niềm vui ấy sẽ qua đi rất nhanh. Khi không được cung cấp năng lượng, các cảm xúc mau chóng suy yếu và mất sức sống.

Thể vía cũng có bộ lưu trữ các cảm xúc của nó. Có những cảm xúc thường rất dễ xuất hiện đối với một người, nhưng lại khó xuất hiện đối với người khác hơn, do bởi các cảm xúc này chưa được lưu trữ trong bộ nhớ thể vía. Thật ra tất cả 6 thân thể thấp đều có bộ lưu trữ thông tin của nó, tất cả các thân thể đều có bộ phận ghi nhớ dữ liệu của chúng. Bạn cũng sẽ thấy điều này ở những thể cao hơn. Cơ bản thì tất cả đều có sự ghi lưu, ngay ở cấp độ nguyên tử, tế bào.

Thể bên dưới thể vía là thể xác hồng trần. Thể này có 2 thể phụ, thể xác đậm đặc là cái mà ta thấy được, bao gồm rắn lỏng khí, còn thể phách/ dĩ thái là thể sinh lực mắt thường không nhìn thấy được, thực ra chất khí là chất mà mắt người bình thường còn chưa thể thấy được thì chất dĩ thái, là chất nhỏ và nhẹ hơn chất khí rất nhiều, họ cũng không thể nào thấy được.
Thể dĩ thái đảm nhiệm cho vai trò duy trì năng lượng hoạt động của cơ thể. Nó nhận lệnh từ thể vía truyền xuống và điều động cơ thể hoạt động, đồng thời nó cũng truyền tín hiệu mà thể xác nhận được lên cho thể vía.
Thể dĩ thái là nơi mà các nhà luyện khí công tác động đến, là nơi chứa các luân xa, các huyệt đạo, hệ thống năng lượng, hệ thống điện. Thể dĩ thái hiện nay chưa được rèn luyện đúng mức, cho nên nó chưa thể là dẫn thể để con người có thể hoạt động ở cõi ether. Cho nên, con người sau khi chết sẽ ở trong thể ether một thời gian, sau đó một thời gian thể này tan rã và con người sẽ hoạt động trong thể vía bên cõi trung giới. Đây gọi là giai đoạn thân trung ấm.
Tuy nhiên, giờ đây có rất nhiều môn phái chú tâm đến thể dĩ thái này và tác động đến nó, có thể kể đến trường phái nhân điện, trường sinh học, pháp luân công...(tất nhiên là họ không chỉ tác động tới thể này mà còn đề cao về việc rèn luyện tâm tính trong tu tập). Luyện tập tốt thể này, sẽ cho ta năng lượng dồi dào, chống lại sự tấn công của bệnh tật và các thế lực trong thế giới cõi âm, tạo nên một cơ thể khỏe mạnh và bền bỉ, chắc chắn là sẽ dễ tu tập hơn rất nhiều. Tốt hơn nữa, nó sẽ giúp chuyển đổi cơ thể vật lý sang cơ thể ether, biến cơ thể chúng ta thành cơ thể ánh sáng, cơ thể bất tử. Lúc đó chúng ta có thể hoạt động ở cõi ether, là cõi thiên đường tại thế, là nơi hoạt động của các dân chúng thần tiên, những người mà có thể chúng ta được nghe đâu đó trong các câu chuyện cổ tích. Vâng, chuyện cổ tích trong một vài trường hợp nào đó là có thật.

Thể mà chúng ta nhìn thấy và làm việc với nó nhiều nhất là thể xác. Nó là cái mà ta dùng để tiếp xúc và tác động đến các vật chất thuộc cõi trần vật lý (cõi trần là cõi gồm có vật lý + ether). Do bởi ý thức của Mẹ Trái Đất đang đặt tâm vào cõi trần vật lý, nên cõi này có sự đa dạng và cấu hình phức tạp hơn các cõi còn lại. Trong tương lai khi Mẹ Trái Đất chuyển tâm thức qua sinh hoạt ở cõi ether, thì cõi này sẽ được linh hoạt và con người sẽ chuyển sang hoạt động ở cõi ấy. Lưu ý Trái Đất cũng là một sinh vật sống và cũng đang trên đường tiến hóa của mình, tuy nhiên ở đường tiến hóa rất khác với con người. Trong tương lai nếu muốn, chúng ta cũng có thể mang một cơ thể là cả một hành tinh. Tất cả mọi thứ đều có thể xảy ra. Tất cả mọi thứ đều chứa sự sống.

Thể vật lý là thể mà chúng ta biết rõ, cho nên tôi sẽ không nói nhiều về nó. Tuy nhiên, nó không bao giờ hoạt động một mình cả, mà luôn có sự tác động, điều hướng, dẫn dắt từ các thể bên trên, mà gần nhất là thể ether. Khi thân xác bị bệnh, không chỉ do sự tác động của các yếu tố bên ngoài như vi khuẩn, thời tiết, thức ăn... mà còn là do sự hư hỏng từ các thân thể bên trên, sau đó chúng thể hiện ra thân xác. Có những căn bệnh không đến từ thể xác mà lại đến từ các thể cao cấp hơn. Do đó, một người chữa lành nên biết về sự hoạt động của 6 thân thể thấp này.

Thể ether duy trì sự sống cho thể xác, không có thể này con người sẽ không thể hoạt động được và đi đến cái chết. Chết thực chất là chuyển sang hoạt động ở cõi khác, chứ sự chết chưa bao giờ có nghĩa là biến mất hoàn toàn cả.

Tóm lại, tâm là cái điều khiển tất cả, nhận thức tất cả các thể. Các thân thể chỉ là các phương tiện cho tâm tiếp xúc với các thế giới thấp (bao gồm hạ giới, trung giới và thượng giới). Tâm chịu trách nhiệm duy trì sự hoạt động của các thân thể và cung cấp năng lượng cho chúng. Mục đích của tâm là trải nghiệm, học hỏi và sáng tạo. Học hỏi chỉ là phần nhỏ, trong giai đoạn đầu của quá trình đầu thai, cái quan trọng của tâm đó là trải nghiệm và sáng tạo. Tuy nhiên, để có thể trải nghiệm và sáng tạo tốt, tâm phải điều khiển được các thân thể và không bị dính mắc với chúng cũng như với các thế giới thấp. Khi nào tâm có thể điều khiển và kiểm soát hoàn toàn 6 thân thể thấp là thể xác, thể phách, thể cảm dục, thể astral, thể hạ trí, thể thượng trí, lúc ấy tâm sẽ có được tự do tự tại, hạnh phúc và bình yên.




Thứ Hai, 11 tháng 3, 2019

Khía Cạnh Tâm Linh của Tiền Bạc

Nguồn: Facebook Thy Nguyễn

Quy luật 1. Tiền là trung tính
Tiền không xấu cũng không tốt. Chỉ cần xem nó như một công cụ để có phục vụ những mục đích tốt đẹp cho cuộc sống.

Quy luật 2: Suy nghĩ phong phú
Nhìn thấy sự phong phú ở khắp mọi nơi trong cuộc sống.

Quy luật 3: Không phạm tội
Kiếm tiền với sự trung thực và đạo đức.

Quy luật 4:Tiền là dành cho bạn chứ không phải bạn sống vì tiền
Tiền chỉ là phương tiện để đi đến nơi bạn muốn đến trong cuộc đời.

Quy luât 5: Tiền không thu hút tiền
Ý tưởng thu hút tiền.

Quy luật 7: Không chọn con đường tắt để có tiền
Đó là một trong những quy luật tinh thần quan trọng nhất của tiền bạc. Bạn không thể có được sự giác ngộ tâm linh chỉ với một cái búng tay. Nếu bạn nhận được nó, bạn không thể xử lý nó. Rất có thể, bạn sẽ ở trong một bệnh viện tâm thần. Tương tự, nếu bạn kiếm được hàng triệu đô la mà không làm bất cứ điều gì (giàu bất ngờ…) thì chắc chắn rằng bạn sẽ mất nó trong tương lai gần.

Quy luật 8: Không có cạnh tranh
Tâm linh là một hành trình cá nhân. Tương tự, để có được tiền phụ thuộc vào một tư duy cụ thể. Đó là một hành trình cá nhân. Trong thế giới ngày nay, những người kiếm tiền không phải là đối thủ mà là đối tác. Họ làm việc cùng nhau và hỗ trợ lẫn nhau và giúp nhân loại có tiền.

Quy luật 9: Không chiếm hữu
Nếu bạn định kiếm tiền để kiểm soát thế giới, sớm muộn người khác cũng sẽ lấy nó từ bạn. Những người chơi lớn là những người sở hữu tiền. Họ đối xử với mọi người như hàng hóa. Và nếu bạn có suy nghĩ đó, hãy thay đổi nó. Bạn nên thu tiền cho dịch vụ của nhân loại. Nếu bạn có tâm lý này thì tiền sẽ đổ về bạn. Đây là một trong những nguyên tắc cơ bản quy luật tâm linh của tiền trong thế giới hiện đại.

Quy luật 11: Trò chơi tiền bạc và luật tâm linh
Bạn sẽ chết với hai bàn tay trắng. Tài sản thật ở trong bạn đó chính là bạn. Nếu bạn quên mình trong trò chơi kiếm tiền - bạn đã mất mọi thứ ngay cả khi bạn là một triệu phú. Giữ tính cá nhân của bạn nguyên vẹn và nó không nên phụ thuộc vào tiền. Hãy kiếm tiền như một trò chơi trung thực.

Quy luật 12: Lòng biết ơn
Lòng biết ơn là một công cụ mạnh mẽ trong tâm linh, nó mang lại sự hài lòng, hòa bình và hài hòa trong cuộc sống. Bạn cần kiên nhẫn vô hạn và kiên cường để giàu có. Và điều đó đi kèm với lòng biết ơn. Bất cứ điều gì bạn kiếm được thậm chí một xu một ngày, hãy cảm thấy biết ơn về nó. Và với tâm trí bình yên đó, hãy đưa ra quyết định kiếm tiền tiếp theo của bạn.


Thứ Ba, 5 tháng 3, 2019

Vẻ đẹp của người phụ nữ


Một người phụ nữ có giáo dưỡng, có nội tâm tốt sẽ không quên dặn lòng 'tu' 4 điều này:

Ăn nói nho nhã

Một người có học thức, có khí chất hay không thì qua lời ăn tiếng nói cũng có thể nhìn thấy đôi phần. Một người có khí chất không bao giờ buông những lời tục tĩu cũng như không đàm luận những chuyện dung tục, càng không thể mở miệng mắng chửi người khác. Đối với một người phụ nữ có khí chất, đó càng là những hành vi cực kỳ thô lỗ.

“Chim khôn kêu tiếng rảnh rangNgười khôn nói tiếng dịu dàng, dễ nghe”

Người phụ nữ có khí chất sẽ biết dưỡng mình thành ‘người khôn’, chính là người sống có nhân nghĩa, biết đối nhân xử thế đúng mực, đúng chuẩn ở đời. Người xưa từng nói “lạt mềm buộc chặt” – lời nói dịu dàng, nho nhã thể hiện phẩm cách tốt đẹp của người phụ nữ sẽ khiến người khác phải yêu mến và tôn trọng.

Đức độ

Phụ nữ có khí chất luôn là người đức độ, họ hiểu được kiếp sống nhân sinh, hiểu được bản thân mình nên cũng hiểu được vạn vật trên đời đều do nhân quả, làm người thành hay bại cũng chỉ từ một chữ đức. Vậy nên trong quan niệm sống hàng đầu của những người phụ nữ có khí chất, chính là sống nhân đức, thiện lương. Họ yêu thương, chăm sóc và vun vén cho gia đình, là hậu phương vững chắc của chồng, là niềm tin và tấm gương tốt đẹp cho con cháu.

Cổ ngữ có câu: “Hậu đức tải vật” (Đức dày chở vạn vật), làm người chỉ cần có đức hạnh tốt thì chuyện gì cũng thành. Trái lại, người không có đức lớn thì chẳng việc nào thành công. Người xưa khuyên răn chúng ta cần phải vui vẻ chịu thiệt, nghĩ cho người khác mới có thể làm nên việc lớn, cũng lại là ý đó.

Tự tin

Phụ nữ có khí chất luôn là những người tràn đầy sự tự tin. Một người có tự tin ắt biết tìm cho mình sự bình yên trong tâm, tìm được chính mình. Tự tin ở đây không chỉ là sự thể hiện bề ngoài mà là từ nội tâm bên trong. Một người phụ nữ có khí chất thì dù rơi vào tình huống, hoàn cảnh nào cũng đều thể hiện được sự tự tin của mình.

Tự tin không thể dựa vào vật chất kim tiền bên ngoài mà là sự thấu hiểu, hàm dưỡng tự bên trong. Chỉ một người có đủ đầy hàm dưỡng, có kiến thức và sự thấu hiểu về bản thân cũng như cuộc sống, biết mình là ai, mình cần gì thì khi đó họ mới có được sự tự tin thực sự.

Khiêm tốn

Biết nhún nhường thì muôn phần được lợi, còn cao ngạo, tự mãn thì chỉ có chuốc họa vào thân. Cổ ngữ có câu: “Khiêm thụ ích, mãn chiêu tổn” cũng là ý như vậy. Chỉ có bảo trì tâm thái khiêm tốn, người ta mới có thể học hỏi cái hay từ người khác và có được cơ hội trưởng thành. Khoe khoang quá chỉ chứng minh cho sự vô tri của mình mà thôi. Chỉ mới có một chút thu hoạch đã kiêu căng tự mãn, như vậy chẳng khác nào khiến bản thân thụt lùi, mãi không thể tiến bước.

Người phụ nữ biết khiêm nhường, nhu mì tựa như nước vậy. Nước chảy về chỗ thấp, gặp chướng ngại vật biết tự động rẽ tránh, sẽ không đối đầu đối kháng. Người phụ nữ khiêm nhường trong gia đình cũng như vậy, họ sẵn sàng chịu thiệt, biết hạ mình xuống để nâng gia đình lên. Khiêm nhường ở đây không phải là tự ti, yếu đuối, mà chính là tình yêu thương và lòng bao dung rộng lớn của người vợ, người mẹ trong gia đình.

Tất cả những gì người phụ nữ thể hiện ra ngoài đều là do tu dưỡng?

Phụ nữ ngày nay càng nên có nội tâm tốt thì cuộc sống sẽ luôn hạnh phúc, vì chúng ta đều biết tầm quan trọng của nội tâm là vẻ đẹp cao quý nhất.

Người phụ nữ nên giữ cho mình một trái tim lương thiện, tu dưỡng sự thiện lương sẽ nhận được ngày càng nhiều phúc báo. Việc tu dưỡng trái tim lương thiện cũng sẽ ảnh hưởng nhiều đến tính cách.

Một người phụ nữ đẹp cần hiểu lời nào nên nói lời nào không, khi nói chuyện cũng cần có sự khoan thai, điềm tĩnh, nhẹ nhàng.

Làm một người phụ nữ có nội tâm phong phú, tình cảm tràn đầy, dịu dàng tốt bụng, đơn thuần đáng yêu, quyến rũ tươi sáng, nhẹ nhàng lãng mạn, tinh tế rộng lượng. Đó đều là những điều khiến người khác đánh giá cao.

Phụ nữ xuất chúng không chỉ ở vẻ ngoài mà còn vẻ đẹp nội tâm. Để biết được vẻ đẹp nội tâm của một người phụ nữ thì thông qua việc làm hàng ngày mà biết được người phụ nữ này sẽ nhận được bao nhiêu phúc báo. Khi nói chuyện, chúng ta cũng có thể thấy được sự khôn ngoan và thông minh của họ. Người phụ nữ được tu dưỡng tốt thường không nói nhiều nhưng sẽ liên tiếng khi cần thiết, lời nói không gai góc nhưng đầy trí tuệ thâm sâu.

Người phụ nữ có tu dưỡng sẽ giống như một người bảo vệ, quyết định sự hưng suy của một gia tộc. Đức hạnh của người phụ nữ cũng không thể che dấu, chúng đều được biểu lộ ra bên ngoài. Người phụ nữ được tu dưỡng tốt, họ sẵn sàng chịu khổ cùng chồng và kính trọng cha mẹ hai bên.

Họ biết cách qúy trọng và yêu thương, sẵn sàng buông xuống ước vọng giàu sang, không ghen ghét so bì với sự giàu sang của người khác. Họ sẽ không vì tiền mà trở thành người vô lương tâm, nhạo báng mọi người.

Ngay cả lời nói họ cũng chú ý tu dưỡng. Lời nói mang theo thiện niệm, rõ ràng mà ngọt ngào dễ nghe.

Phụ nữ tu dưỡng về mặt đạo đức cũng sẽ là bồi đắp lớn nhất, khiến cho thần thái của người phụ nữ trở nên thực sự cao thượng, khiến người ta ngưỡng mộ và trân trọng từ nội tâm chứ không phải là vì bị thu hút bởi nhan sắc.


Các Quy Tắc Vàng Trong Thực Hành Phát Triển Tâm Linh

Nguồn: Trích từ Sổ Tay Thăng Thiên Toàn Tập
Tác giả:  Joshua David Stone

1. Nhìn mọi người, động vật, thực vật và khoáng vật như là Thượng Đế đến thăm bạn trong hình hài vật lý. Xem tất cả mọi người và mọi thứ, kể cả chính bạn, như một hóa thân của Cái Tôi Vĩnh Cửu (Eternal Self).

2. ...Cách thức dễ dàng để thực hành tình yêu vô điều kiện là khi bạn nhớ ra rằng Thiên Tính hiện thân trong mọi hình thức.

4. Ngồi thiền hàng ngày. Cầu nguyện là nói chuyện với Thượng Đế; Thiền là lắng nghe và trải nghiệm Thượng Đế.

16. Dành cuộc đời của mình để phụng sự nhân loại. Tuy nhiên hãy chắc chắn rằng bạn tự phụng sự cho chính mình trước, vì vậy bạn sẽ phụng sự hết mình và không bị trở nên sáo rỗng.

18. Đi theo con đường Trung Đạo. Giữ cân bằng mọi lúc.

19. Thực hành những lời khẳng định và sự hình dung tích cực.

28. Vượt lên tính nhị nguyên, duy trì sự bình an nội tâm. Điều này có nghĩa là học cách giữ sự bình thản và trong trạng thái thư thái, an nhiên cho dù bạn có lợi nhuận hay thua lỗ, niềm vui hay nỗi đau, bệnh tật hay sức khỏe, chiến thắng hay thất bại, cho dù mọi người khen ngợi hay chỉ trích bạn.

30. Học cách phát triển tình yêu bản thân. Nếu bạn không yêu chính mình, bạn sẽ tìm kiếm tình yêu, sự đánh giá, sự tán thành và sự chấp nhận từ người khác, điều đó sẽ khiến bạn hoàn toàn bị mất cân bằng.

38. Trở thành sự từ bỏ, sự hy sinh, sự quên mình (renunciate), không còn dính mắc. Đây là chìa khóa để vượt qua cấp điểm đạo thứ 4 - sự giải thoát khỏi bánh xe luân hồi. Đó là sự thề nguyện để sống trong đời sống với sự không dính mắc hoàn toàn, nhưng vẫn tham gia trong việc phụng sự và biểu lộ Thượng Đế.

40. Tu tập để trở nên thành một người hoàn hảo và là hiện thân của đức hạnh trong mọi việc bạn làm.

47. Hãy xem tất cả các sai lầm đơn giản chỉ là các trải nghiệm để học hỏi, để đạt được những cục vàng của trí tuệ. Tha thứ cho bản thân và tiến về phía trước.

51. Giúp đỡ người nghèo, bệnh tật và tàn tật.

55. Giữ sạch môi trường bên trong và bên ngoài của bạn.

56. Mỗi tối trước khi đi ngủ, yêu cầu được dạy dỗ trên cõi giới bên trong bởi linh hồn, chân thần và các Chân Sư Thăng Thiên của bạn. Tận dụng thời gian khi ngủ của bạn để tăng tốc con đường tiến hóa tâm linh của bạn.

57. Từ bỏ tất cả các loại thuốc, cà phê, rượu và chất kích thích nhân tạo và cắt giảm đường và đồ ngọt.

63. Hãy siêu vượt lên tất cả các niềm tin rằng bạn là vượt trội hay thua kém bất kỳ ai khác. Tất cả đều là Cái Tôi Vĩnh Cửu trong sự thật, bất kể cấp điểm đạo nào của họ.

64. Tìm cách để hợp tác và không bao giờ cạnh tranh. Đừng bao giờ so sánh bản thân với người khác, chỉ so sánh bản thân với chính mình.

71. Uống đủ lượng nước theo nhu cầu của cơ thể, tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời và không khí trong lành.

72. Liên tục phân biệt giữa cái thực và cái không thực, giữa vĩnh cửu và vô thường, giữa sự thật và ảo tưởng, giữa diện mạo vật lý và thực tại thực sự ẩn đằng sau mọi hình tướng.

75. Thực hành tình yêu, sự thân ái với tất cả chúng sinh.

84. Hãy dành cho bản thân một khoảng thời gian hàng ngày để tự phân tích, quán xét, tự kiểm điểm bản thân, đặc biệt là lúc trước khi đi ngủ.

109. Ghé thăm thánh địa và các địa điểm tâm linh mạnh mẽ trên hành tinh.

111. Thực hiện lời tuyên thệ để im lặng một thời gian nào đó trong ngày và thực hành kiểm soát lời nói. Trong trường huyền môn của Pythagoras (Đức Kuthumi) tại Crotona, các môn đệ phải giữ im lặng trong 3 năm trước khi họ được phép bắt đầu khai tâm đi vào những bị ẩn huyền môn. Chúng ta chắc chắn có thể thực hiện điều này một chút mỗi ngày.

118. Phát triển phẩm chất của một chiến binh tâm linh dũng cảm, trong cuộc sống. Thật ra, bạn là một chiến binh tâm linh vĩ đại đang chiến đấu chống lại sự quyến rũ hay ảo cảm (glamour), ảo ảnh (illusion) và ảo tưởng (maya), và chỉ tìm kiếm cái tôi thực sự.

119. Thảo luận và kết duyên cùng những người bạn đang hướng tới mục tiêu phát triển tâm linh. Dành thời gian của bạn để nâng cao tinh thần với các lớp học tâm linh, bài giảng và các hội thảo. Đi để thấy các vị thánh và hiền nhân khu vực bạn sống. Tránh kết duyên cùng những người, tổ chức bị điều khiển bởi bản ngã thấp hơn của họ. Khi bạn ở xung quanh những kiểu người đó, bạn hãy tự bảo vệ và tự vệ tâm linh.

121. Đơn giản hóa cuộc sống của bạn. Giảm mong muốn và nhu cầu của bạn.

123. Hãy có trí phân biệt để biết đâu là chế độ ăn tốt lành dành cho tâm trí, cảm xúc và tâm linh của bạn. Đừng lãng phí thời gian của bạn để đọc các tiểu thuyết vô giá trị, xem những bộ phim bạo lực, xem các chương trình truyền hình vô nghĩa hay mang tính bạo lực. Tất cả mọi thứ bạn trải nghiệm đều tạo ra một ấn tượng trong tiềm thức của bạn.

124. Cung cấp 10 phần trăm lương, tiền bạc hoặc năng lượng của bạn cho một số hoạt động từ thiện.

137. Hãy tích cực và lạc quan trong mọi việc.