Thứ Ba, 27 tháng 3, 2018

Đời sống huyền bí của con người



Diễn giả: Phạm Đình Mai


"Hội Thông Thiên Học được sáng lập không phải để dạy những điều mới mẻ hoặc các phương pháp khai mở “quyền năng tâm linh”. Sứ mạng duy nhất của hội là thắp lại ngọn đuốc chân lý, ngọn đuốc này đã bị tắt quá lâu đối với phần đông nhân loại, ngoại trừ đối với một số ít người. Với sứ mạng này, hội giữ cho chân lý sống động bằng cách gây dựng mối quan hệ huynh đệ trong nhân loại, vốn là mảnh đất duy nhất mà hạt giống tốt có thể được gieo trồng. Chúng tôi xin cảnh báo những người đang mưu cầu tri thức tinh thần trong hàng ngũ hội viên cũng như ngoài hội, là hãy đề phòng những người rêu rao giảng dạy các phương pháp dễ dàng đạt được quyền năng tâm linh. Mọi quyền năng tâm linh bậc cao sẽ đến khi con người đã tinh luyện khá hoàn hảo các thể của mình."

H.P. Blavatsky
Sự khác biệt giữa quyền năng tâm linh bậc thấp và bậc cao




Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2018

Trị liệu huyền môn

Zim Quỳnh Anh, phỏng dịch từ bài viết của tác giả Leoni Hodgson, PMAFA, MSE (Tâm lý), Tiến sĩ Huyền bí học

Bệnh tật trong nhân loại đã trải qua nhiều hình thức trị liệu qua hàng ngàn năm.

Tiến sĩ Leoni Hodgson, một giảng viên dày dặn kinh nghiệm của trường Morya Federation đã có bài viết phân biệt các loại hình trị bệnh cứu người dựa trên giáo trình "Trị liệu huyền môn" của Chân sư Tây Tạng Djwhal Khul, trong đó, bà nhấn mạnh trị liệu huyền môn (esoteric healing) như một phương pháp chữa lành cao cấp. Sau đây, tôi xin lược dịch bài viết này của tiến sĩ Hodgson nhằm giúp các bạn phân biệt được các loại hình chữa bệnh đang phổ biến trong cuộc sống và hiểu thêm về chữa lành huyền môn.

"Nguyên lý căn bản của phương pháp trị liệu huyền môn là việc nhìn nhận con người không chỉ là một bản thể có lý tính và cảm tính. Bản thể thực chất của con người là chân ngã thiêng liêng ẩn tàng trong mỗi cá nhân. Nguyên do của bệnh tật thì có nhiều, trong đó, nguyên nhân tối cao là do năng lượng tuôn đổ từ linh hồn không lưu chuyển đầy đủ xuống các thể thấp của con người. Trị liệu huyền môn xảy ra khi năng lượng từ linh hồn phóng chiếu được xuống các thể thấp.

Có ba nhóm chữa bệnh chính ngày nay: nhóm những y, bác sĩ theo khoa học hiện đại, phương pháp trị liệu của họ bao gồm thuốc men và phẫu thuật. Nhóm thứ hai là nhóm những nhà trị liệu tâm lý, Phật Buddha được xem là khởi thuỷ của nhóm này, kế tiếp bởi Patanjali, rồi tới Sigmund Freud và Carl Gustav Jung. Nhóm cuối cùng là những nhà trị liệu tâm linh (spiritual healers). Những vị này đóng vai trò như những kênh dẫn tinh khiết giúp cho năng lượng thiêng liêng từ Thượng Đế đến được với cõi thấp của nhân loại.

Nhóm những nhà trị liệu tâm linh lại được chia làm hai loại. Nhóm những người sử dụng đến năng lượng của linh hồn (love-wisdom hay Buddhi) và nhóm chữa trị tâm linh không sử dụng đến năng lượng linh hồn mà vận dụng sinh khí prana hay Chi để chữa trị.

Sinh khí prana có nguồn gốc từ cõi hiện tượng của thái dương hệ, đến từ Mặt trời, làm sinh động mọi sự sống ở cõi hồng trần.

Năng lượng từ linh hồn bắt nguồn từ các cõi tinh thần cao hơn bao gồm thượng trí (higher mental), Buddhi (bồ đề tâm, tâm thức đại đồng) và Atma (Ý Chí).

Để tiếp xúc được với nguồn năng lượng cao này, nhà chữa lành cần xây dựng cầu nối tâm thức (antahkarana) qua việc thiền định và thực hành tâm linh huyền môn.

Do vậy, không nói quá khi xem những nhà trị liệu huyền môn (Esoteric Healers) là những người đã tiến xa về mặt tâm linh. Họ là những người có trí tuệ, thông thái cả về kiến thức huyền môn và ngoại môn. Ở họ biểu lộ những phẩm chất của linh hồn như vô kỷ, vô tổn hại và thấu cảm. Họ hoàn toàn vô ngã nên không gây cản trở gì cho năng lượng đi xuống từ linh hồn.

Cần lưu ý là người có thần nhãn không nhất thiết là người tiến hoá cao về mặt tâm linh. Nhiều người có thông nhãn nhưng còn phàm ngã nên những thứ họ nhìn thấy là ảo ảnh đến từ cõi cảm dục.

Trị liệu huyền môn xảy ra (nếu nhân quả của bệnh nhân cho phép) khi nhà trị liệu đưa năng lượng linh hồn hay tình yêu chảy qua thể dĩ thái của người. Năng lượng này giúp cân bằng và hài hoà cấu trúc vi tế nằm sau cơ thể vật lý của bệnh nhân, theo đó mà tình trạng cân bằng bên trong được lập lại."

Qua đây, ta có thể thấy kết nối với linh hồn, chỉnh hợp các thể, tạo cầu tâm thức là chìa khoá cho một cơ thể cân bằng, hài hoà ở mọi cấp độ. Vì vậy, các bài thiền theo giáo trình của trường Morya là vô cùng hữu ích cho các bạn muốn có sức khoẻ ổn định, bệnh tật tiêu tan (trừ trường hợp nghiệp quả nha, nhưng tích đức, tích phúc, thực hành hạnh vô tổn hại có thể giải trừ phần nào, tăng sức mạnh bền bỉ để vượt qua các món "nợ xấu" phải trả).

Cũng qua đây, khi tiếp xúc với bất kỳ một hình thức trị liệu nào, ta cũng có thể suy ngẫm, đối chiếu xem hình thức đó tác động đến những thể nào trong ba hạ thể và có thể là các thể vi tế hơn. Không hình thức trị bệnh chân chính nào nên bị xem nhẹ. Bởi mỗi hình thức trị liệu sẽ có tác động hàn gắn lên các thể khác nhau của con người. Song kiếm hợp bích, tam kiếm hợp bích hay nhiều kiếm hợp tác sẽ cho hiệu quả nhanh hơn, tổng hoà hơn. :D

Muốn kết nối được với linh hồn thì cần thanh lọc các hạ thể.
Thể vật lý: Ăn uống lành mạnh. Ăn thức ăn lành và sạch. 
Thể cảm dục: điều hoà cảm xúc, không tham sân si, không đá thúng đụng nia, không ném gà ném chó. Yêu cái đẹp. Yêu cái thiện. Yêu không phân biệt. Yêu cả đứa vừa chĩa súng vào mình. :D. 
Thể trí: Thiền Raja yoga


Source link: http://www.brisbanegoodwill.com/esoteric-philosophy/overview-of-spiritual-and-esoteric-healing/

*****
Một số ý kiến trao đổi

Anh Chương: Nếu nói nhóm cuối cùng "những nhà trị liệu tâm linh" là những vị đóng vai trò như những kênh dẫn tinh khiết giúp năng lượng thiêng liêng từ Thượng Đế đến được với cõi thấp của nhân loại thì Phật Gautama là đại diện hoàn hảo nhất. Do đó mình chưa đồng ý kiến với tác giả khi đưa Phật và phương pháp Phật đã trao truyền cho nhân loại là vào nhóm thứ hai. Có thể tác giả chỉ muốn minh hoạ ý tưởng một cách dễ hiểu cho mọi người. Phân tích cặn kẽ có lẽ phương pháp của Phật trao truyền là nhóm thứ 3, và nó bao gồm luôn cả nhóm thứ 2 trong đó.

Zim Quỳnh Anh: Đúng vậy, các nhóm chữa trị có thể trùng lặp vì một vị bác sĩ hiện đại cũng có thể là một nhà tâm lý nếu anh bỏ công tìm hiểu hay cũng là một nhà chữa lành nếu anh bỏ công tu tập, chưa nói đến quả vị như Phật Gautama. Bài viết chỉ chia ra để phân biệt các cấp độ chữa lành thôi. Theo mình hiểu là vậy. Còn phương pháp thứ 3 thì nó thực sự huyền bí. Phương cách đó chủ yếu là đặt tay chữa lành cho bệnh nhân khiến mình xem video của Oral Roberts (bạn search youtube ra) mà cô Leoni nhắc đến trong bài gốc, mình còn cảm thấy nghi ngờ vì nhìn như đang diễn. Hic. Nó tương tự như những câu chuyện Chúa Jesus làm cho người chết 3 ngày sống lại như kể trong Kinh Thánh. Phương pháp tâm linh là chủ yếu là đặt tay chữa lành từ năng lượng linh hồn, còn phương pháp của Phật, theo mình biết thì chú trọng đến khai sáng trí tuệ hơn là phương pháp tâm linh mặc dù trong đó vẫn bao hàm tình yêu đại đồng.

Anh Chương: Về chữa bệnh bằng năng lượng dùng năng lượng từ các cội nguồn cao hơn mình đã đọc cuốn "Bàn tay ánh sáng" của bà Bac-ba-ra người Mỹ, mô tả rất chi tiết, và mình nhận biết là nó hoàn toàn có thực, với con mắt của các học viên tâm linh thì nó không có gì huyền bí. Nhưng ở đây mình không nói tới ý nghĩa cụ thể dùng bàn tay chữa bệnh. Mà mình đề cập đến định nghĩa khái quát của nhóm thứ 3: "những vị đóng vai trò như những kênh dẫn tinh khiết giúp năng lượng thiêng liêng từ Thượng Đế đến được với cõi thấp của nhân loại". Phật Tổ chính là một kênh dẫn năng lượng khổng lồ nhất từng xuất hiện với tư cách con người trên Trái đất mà chúng ta được biết. Đi vào cụ thể thì Phật không dùng năng lượng đó qua bàn tay để chữa bệnh tật thể xác cho nhân loại, mà dùng năng lượng đó để khai sáng trí tuệ và mở rộng lòng từ bi cho nhân loại, tức thiên về chữa bệnh tâm linh, chữa lành các thể thanh của con người, đó mới là gốc bệnh tật của thân xác. Bạn tham khảo thêm ở cuốn sách "Sự hiển lộ của Thánh Đoàn" của Chân sư D.K. để biết thêm về Đấng hoá thân đã đến Trái đất vĩ đại này. Mặc dù Phật tổ đã nhập diệt, nhưng hàng năm tại lễ Wesak vẫn trở lại để truyền chuyển năng lượng của Thượng Đế cho nhân loại.

Minh Triết Mới:  Cám ơn Zim Quynh Anh đã dịch bài viết của cô Leoni. Bài viết chắc chắn sẽ khêu gợi ở các bạn sự hứng thú để tìm hiểu về Esoteric Healing--và nếu các bạn theo học khóa QU, các bạn sẽ được học bài bản trong hai năm cuối của chương trình (năm 4 và 5). Trong trường, cô Nicole Resciniti là Trưởng Bộ Môn Esoteric Healing; Cô và Nhóm cuả Cô có thực hiện các buổi chữa bệnh Huyền Linh cho những ai có yêu cầu (thực hiện qua webinar). Còn Esoteric Healing có 2 phương pháp : Magnetic Healing (chữa bệnh bằng magnetism, prana, thông qua đôi bàn tay), và Radiatory Healing (chữa bệnh bằng năng lượng của linh hồn). Touch therapy hay "đặt tay chữa lành" là phương pháp magnetic healing.

Anh Khoa: Theo góc nhìn của mình thì Phật Gautama là toàn năng nên bao gồm luôn cả 2 nhóm trị liệu tâm lý và tâm linh; nhưng theo kinh nguyên thủy thì Phật Gautama có phải là nhà trị liệu tâm linh không thì mình chưa đọc được (bạn nào biết đoạn kinh nói việc này thì dẫn chứng dùm). Nhưng nhìn qua Phật giáo Trung quốc (Đại thừa), Phật giáo Tây tạng (Mật tông) thì có rất nhiều nhóm thứ 3 - Trị liệu tâm linh.



Vấn đề dẫn kênh và những người dẫn kênh


Ngày nay có một sự bùng nổ các giáo lý và cách thức giao tiếp bằng tâm linh trên địa cầu chúng ta trong vòng 150 năm qua. Một số giáo lý chính cống, đến từ những nguồn huyền môn đáng tin cậy như Helena Blavatsky hay Alice Bailey. Theo quan điểm của tôi thì hầu hết những kiến giải của các giáo lý chân chính ít nhiều không đáng tin cậy, tệ hơn là những kiến giải này chứa đầy những méo mó, những thành kiến cá nhân, hay những điều hoàn toàn vô nghĩa lý. Nhiều “linh hồn trẻ”- những người phát triển tính phân biện trong thể trí và chưa nghiên cứu giáo lý huyền môn từ nguồn đáng tin cậy, bị “sa lầy” vào những nhà tiên tri dởm và những lời tiên tri của họ. Điều này sẽ tiếp tục cho đến khi người đạo sinh phát triển một chu trình hoài nghi và trở nên biết cách phân biệt hơn. Bài viết này sẽ khảo cứu về chủ đề trên.

A. Những cấp độ tâm thức trên hành tinh của chúng ta

1. Có 7 cấp độ tâm thức trên Địa Cầu. Bốn mức cao của tâm thức chúng ta gọi chung là mức “tâm linh” hay con người siêu việt, bởi vì chúng nằm ngoài tầm nhận thức thông thường của nhân loại.
· Tâm thức Thượng đế nằm ở cảnh giới cao nhất của Thượng Đế hay tầng thứ nhất.
· Những tia sáng tinh thần của chúng ta nằm ở cảnh giới Chân Thần tức cõi thứ hai.
· Bản thể tam nguyên tinh thần của chúng ta bao trùm tầng thứ 3, thứ 4 và thứ 5, tương đương với cõi Atma, cõi Bồ đề và cõi Thượng Trí.
· Linh hồn con người chúng ta hay vị trí tăng trưởng của minh triết nằm ở tầng 5, cõi Thượng Trí tầng.
· Tâm trí của nhân loại nằm ở tầng 5, cõi Hạ Trí.
· Các cảm xúc của chúng ta bắt nguồn từ cõi cảm dục tầng thứ 6
· Cơ thể vật lý của chúng ta nằm ở cõi hồng trần tầng thứ 7.

2. Mục đích tinh thần cao nhất của nhân loại là trở nên ý thức được về mặt tâm linh. Đó là, để tăng trưởng tâm thức, lên tới các cõi cao- nhằm tạo nên một kênh dẫn tâm thức từ não bộ, đến tâm trí, tới linh hồn thông tuệ, rồi đến tam nguyên tinh thần.

3. Chúng ta đạt được điều này; chúng ta nâng mức độ tâm thức thành công qua các cảnh giới khi chúng ta học từ những trải nghiệm dành cho mình qua các kiếp luân hồi khác nhau. Chúng ta cũng đẩy nhanh quá trình tạo dựng mối liên kết bên trong (đường antahkarana hay cầu vồng) qua tham thiền tập trung tâm trí bằng phương pháp huyền môn. (Hình thức tham thiền sử dụng tâm trí như một công cụ phân tích).

4. Những cảnh giới cao hơn của tâm thức và giao tiếp không hiển hiện với chúng ta cho đến khi ta đã xây dựng thành công đường liên kết bên trong.

5. Khi sự giao tiếp hay chuyển di năng lượng bắt nguồn từ bất cứ cảnh giới nào, chúng thoái hoá về chất lượng trên đường giáng hạ xuống các cõi thấp hơn, cuối cùng chúng làm kiệt quệ năng lượng ở cõi hình thể.

6. Ví dụ như, một thông điệp bắt nguồn từ Cõi Atma tam thể thượng, chỉ có thể được tri nhận đúng nguyên bản tinh khiết của nó bởi những người thức tỉnh về mặt tâm thức ở cõi đó hoặc cõi cao hơn nó. Bất cứ ai khác dưới cấp độ đó sẽ nhận được thông điệp đã bị thoái hoá. Càng ở cấp độ thấp của bậc thang tâm thức thì thông điệp nhận được càng bị méo mó.

B. Nhà thần bí học- những người tập trung vào thế giới cảm xúc

1. Hầu hết nhân loại trên Trái Đất chưa phát triển một thể trí có tính phân biện cao, thay vào đó là các cảm xúc. Họ không suy tư các vấn đề một cách cẩn trọng hay nhìn vào các bằng chứng và dữ kiện thực tế, tuy nhiên, họ đưa ra quyết định dựa trên cách họ cảm thấy hay bằng những gì họ được chỉ dạy.

2. Về mặt tiến hoá, họ mới chỉ hoà hợp mối liên kết tâm thức từ cõi hiện tượng đến cõi cảm dục.

3. Những người chấp nhận thông tin qua dẫn kênh một cách mù quáng, thường nằm trong nhóm này.

4. Những người trong nhóm này mà cũng có mong ước được kết nối với Thượng Đế hay với thế giới tinh thần của họ, được gọi là “những nhà thần bí”.

5. Nhiều nhà thần bí tin rằng sự giác ngộ tâm linh hay sự đoàn tụ với đấng Thiêng Liêng có thể xảy ra bằng phương cách dâng hiến. Bằng sự mong ước, hy vọng, cầu nguyện và mong mỏi được đoàn tụ. Mặc dù việc làm đó có thể có hiệu quả trong quá khứ đối với các giống dân trẻ, thì hình thức này không còn phù hợp và không có hiệu quả đối với con người hiện đại, những người mà nhiệm vụ của họ là phát triển trí tuệ.

6. ẢO CẢM: những người như vậy là nạn nhân của một vấn đề tâm lý riêng biệt được gọi là Ảo cảm. Đây là xu hướng làm méo mó thực tại do có thành kiến cảm xúc. Vì họ mong muốn và hi vọng điều gì đó là có thật, nhưng người như vậy ám thị bản thân mình vào việc tin tưởng rằng nó sẽ là như vậy, ngay cả khi không có một bằng chứng xác đáng nào để củng cố cho niềm tin này.

Ngay cả những nhà thần bí và những nhà huyền môn cao cấp (những người đã sử dụng đến thể trí) cũng cần cảnh giác trước những ảo cảm hấp dẫn này. Họ có thể từ rất sớm mong mỏi được liên hệ và giao tiếp với Thượng Đế, Tôn sư hay Thầy dạy của mình, tới nỗi họ có thể sẵn sàng diễn dịch những “linh ảnh” hay ấn tượng họ nhận được như thể đến từ nguồn thiêng liêng. Số khác có thể thuyết phục bản thân rằng họ là những người nhận được sự chú ý đặc biệt từ Chân Sư.

7. Nếu một giọng nói được nghe thấy bởi một người chưa phát triển về mặt tâm linh (theo phương pháp huyền môn), thì 99.99% là nó tới từ một nguồn không phải tinh thần, mà từ những cảnh giới không biểu lộ như cõi trung giới hay cảm xúc. Đây là cảnh giới của ảo ảnh nơi những cảm xúc, giấc mơ và sự tưởng tượng của nhân loại quy tụ. Chúng tạo nên hình hài và những người nghi ngờ và nhìn thấy chúng hay nghe thấy chúng, gọi những ảo ảnh đó là tinh thần. Nhưng chúng chỉ có thể hiện lên vào lãnh địa thấp kém của trí tưởng tượng và sự sống của lòng mong ước của con người. Những cõi tinh thần thật sự nằm cao hơn. Các Chân sư hay các vị Thánh không sống ở cõi cảm dục.

8. Tuy nhiên, điều quan trọng cần biết là giai đoạn thần bí là một quá trình tự nhiên và bình thường tất cả chúng ta đều đi qua, trên hành trình của linh hồn tiến đến sự giác ngộ.

C. Tầm quan trọng của Trí tuệ trong sự tăng trưởng tinh thần

1. Đức Phật Gautama đã sử dụng trí tuệ của mình để dẫn ngài trên con đường giác ngộ. Toàn bộ triết học Phật giáo tập trung vào việc phát triển trí tuệ như một công cụ để đạt được giác ngộ và thông thái.

2. Những người sử dụng thể trí của mình đôi khi được gọi là Nhà huyền học hay Nhà huyền môn, để phân biệt họ với những nhà thần bí của cùng một loại hình thực hành nhưng không phải là nhà huyền môn.

3. Nếu ta xét lại danh sách các cảnh giới và sự thăng thượng tiến hoá, khi thể trí sống động và hoạt động, đường nối tâm thức sẽ trải ra tới cả cõi hiện tượng, cõi tình cảm và cõi trí. Ở giai đoạn này, những thể cao hơn ở các cõi cao hơn- bao gồm linh hồn đều chưa thể tiếp cận được và chưa phát triển. Cho đến khi công việc nội tại này hoàn thành, con người không thể giao tiếp một cách tỉnh thức và rõ ràng với những thực thể cư ngụ ở những địa hạt siêu nhân loại.

4. Tâm trí con người là công cụ cho phép chúng ta kết nối với các cõi cao hơn.

5. Đôi khi, những nhà thần bí thực sự làm được việc là vượt qua thể trí bằng việc ước vọng và mong ngóng được hợp nhất với Thượng Đế nhưng nếu vậy, đó chỉ là tạm thời và thường không thể làm lại được theo ý muốn. Vậy thì, kể cả khi kết nối thực sự được thiết lập thì khi thông điệp được truyền xuống dưới và được diễn giải lại bởi một thể trí chưa phát triển thì thông điệp đó cũng chứa đầy sự méo mó bởi vì thể trí đó chưa được huấn luyện để là một công cụ ghi nhận chính xác chân lý và thực tại.

6. Một thể trí phát triển và có luyện tập để phân biện, là tối quan trọng trong việc rèn luyện tâm linh. Những nhà thần bí không luyện tập theo đường lối này có thể không muốn nghe sự thật là dường như những nhân vật đáng ngờ “không liên quan đến tâm linh” thường hay can dự vào. Họ đã xây dựng đường kết nối cao hơn và trong tương lai, sẽ tái kết nối với khía cạnh thần bí của mình và tiến khá xa trên Con đường phát triển tâm linh.

D. Vấn đề của việc dẫn kênh

1. Một nhà dẫn kênh là người cho rằng mình nhận được thông điệp tâm linh từ một nguồn thiêng liêng cao hơn. Nhưng một nhà dẫn kênh thông thường cũng là một nhà thần bí, người nhận các thông điệp từ nguồn không luân hồi ở cảnh giới cảm dục đầy ảo ảnh. Không có việc tập luyện thể trí đầy đủ, và khi tâm thức tập trung vào bản chất cảm dục, thì con người có thể ảo tưởng bản thân để tin rằng họ nhận được cảm hứng khi nguồn thực sự thường đến từ trong số những thực thể không thuộc cõi tinh thần ở các cảnh giới thấp.

1. Việc giao tiếp tâm linh thực sự phát xuất từ các cảnh giới tinh thần cao hơn với rung động cao và lẹ hơn không thể được tiếp nhận bởi các thể trí và não bộ chưa được chuẩn bị qua quá trình tiến hoá đúng đắn. Nếu vô tình một linh hứng tinh thần thực sự được tiếp nhận bởi một tâm thức còn nhiều ảo cảm hay chú tâm vào các cõi thấp, thì dù thông điệp có đẹp đẽ đến đâu, nó cũng sẽ bị méo mó theo một số đường lối quan trọng và chủ chốt.

“Thời của liên hệ phàm ngã, chú trọng đến phàm ngã và thông điệp mang tính cá nhân đã qua, và đã qua được một thời gian nhất định, lưu trong mạch ảo ảnh, trong cõi cảm dục… Việc thoả mãn ước vọng các nhân, việc đạt được nguyện vọng của đệ tử dự bị và sự tiếp sức cho tham vọng tinh thần không còn có sức lôi cuốn với chúng ta. Những thời kỳ đó vô cùng trầm trọng và cuộc khủng hoảng hiện nay là vô cùng cấp bách.”. Tâm lý học nội môn, quyển I, Alice Bailey, trang 112-113.

E. Người trí huệ vận dụng lưỡi gươm của trí phân biện

Vậy thì làm thế nào chúng ta có thể phân biệt được thông điệp nào là đáng tin cậy?

1. Việc đầu tiên là đọc những cuốn sách được viết bởi những nhà huyền môn đáng tin cậy. Chúng cung cấp cho các học viên những kiến thức đúng đắn về cách thức các thực thể giác ngộ liên hệ với con người trên Trái Đất. Ví dụ, chân sư Tây Tạng từng phát biểu rằng các vị Chân Sư chỉ làm việc với những người đã có mối liên kết thường xuyên với linh hồn của họ.

“ Nhiều nhà huyền môn có thiện chí tin rằng các vị Chân Sư có mối quan tâm đến cá nhân họ, rằng công việc của các Ngài không gì hơn là bảo ban họ một cách riêng tư về cách thức sinh hoạt, cách giải quyết các vấn đề riêng của họ và hướng dẫn một cách chi tiết các việc làm của họ…một người chí nguyện không nằm trong mối quan tâm riêng biệt với một vị Chân Sư cho đến khi người đó đã đạt tới mức tiến hoá mà trong đó, anh giữ được mối liên kết mật thiết với linh hồn của mình tới mức, anh trở thành một người phụng sự có sức thu hút trên toàn cầu. Khi đó, và chỉ khi đó, thì việc Chân Sư đưa ra một tư tưởng và cho anh một lời gợi ý, mới là việc có ích. Lúc này, khi những gợi ý được thực thi, Ngài có thể đưa thêm một số gợi ý khác, tuy nhiên, cần nhấn mạnh ở điểm này rằng, chỉ trong trường hợp có liên quan đến công việc mà người đó cần làm trong lĩnh vực phụng sự.” Các kỳ công của Hercules, Alice Bailey trang 71-72.

Chúng ta cần ghi khắc điều này trong tim, và từ chối lắng nghe những thông điệp vô nghĩa chỉ là ảo ảnh. Các vị Chân Sư thực sự có giao tiếp với những môn sinh CAO CẤP. Nhưng những đệ tử này là những người đã hoàn thành công việc nội tại và có khả năng giữ tâm thức của họ ở các cõi cao bao lâu tuỳ theo sự cần thiết. Đừng cố gắng lừa dối bản thân. Nếu bạn biết rằng bạn còn nhiều việc cần làm cho sự phát triển cá nhân, để thiết lập mối liên hệ vững chắc với linh hồn của mình, thì giọng nói mà bạn nghe thấy chỉ có thể một là từ chính bạn, hai là từ một nguồn không đáng tin cậy ở các cảnh giới thấp.

2. Xem xét cá nhân người dẫn kênh và cuộc đời của họ. Liệu người đó có đủ phẩm chất không?

Đức Jesus nói, “Anh em sẽ biết họ qua những hoa trái của họ. Anh em hãy coi chừng những giáo đồ giả, họ đội lốt cừu mà đến với anh em…Cứ xem họ sinh quả nào, thì biết họ là ai. Ở bụi gai, làm gì có nho mà hái? Trên cây găng, làm gì có vả mà bẻ? Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt…Vì vậy, cứ xem họ sinh quả nào, thì biết họ là ai.”. Kinh thánh. St Mathew 5-15

Xem xét cơ thể vật lý của người đó và tính chất cuộc sống của họ: người đó có – uống quá độ, dùng chất kích thích, sống buông thả, trái đạo đức, thô lỗ trong biểu đạt, gây tổn hại trong lời nói/ suy nghĩ/ hành động, hung hăng khi tức giận, đầy ngạo nghễ, tính khoe khoang, kiêu căng, hay chỉ trích, khẳng định vị trí xã hội, cố gắng kiểm soát tâm trí và tình cảm của bạn, có hào quang không thu hút mà bạn cảm nhận được?

Có những trường hợp là những người dẫn kênh thực sự và cao cấp. Ví dụ như hai nhà thần triết học Helena Blavatsky (1831-1891) và Geoffrey Hodson (1886-1983). Nhưng những linh hồn rất tiến hoá này có thể được nhận ra bởi sự khiêm nhường, sự hiểu biết sâu xa, sự ổn định trong cảm xúc và cuộc sống, một đời sống tính dục cân bằng và trong sáng.

3. Tập luyện thể trí (Buddhist, Raja Yoga): thực hành tham thiền huyền môn và thiết lập mối liên hệ hữu thức mạnh mẽ với linh hồn, bởi vì công cụ xua tan ảo cảm thực sự chính là linh hồn. Có những thực hành khác chúng ta có thể thực hiện nhưng trên đây là những điều đầu tiên có thể nghĩ đến.

F. Kết luận

Có rất nhiều thực thể “tiên tri dởm” đang trao truyền thông điệp. Nhiều người trong số này là những nhà thần bí chân thành hay những nhà huyền môn bị ảo ảnh. Họ dùng những từ ngữ hoa mỹ, đầy tình thương, đem đến cho những nhà huyền bí cảm giác tích cực. Họ lôi cuốn cảm xúc và hư danh. Với những điều như trên, những người tầm đạo chân chính đang tìm kiếm minh triết không nên có điểm gì liên quan. Những bậc thầy đã giác ngộ chỉ trao truyền ngọn lửa chân lý huyền môn. Việc này thường khiến ta cảm thấy khó chịu vì nó xoá bỏ những kỳ vọng không có thật và chúng ta cảm giác như bị phơi bày. Nhưng chính việc xoá bỏ cần thiết những mức độ thô trược trong bản thể này sẽ giúp chúng ta tiến gần hơn đến giới Tinh thần. Hãy tìm kiếm minh triết chân chính và những đệ tử truyền dạy chúng. Không nghe điều gì khác.

Cập nhật Tháng 2 năm 2013





Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2018

Đọc và Năng Lực Thấu Cảm


Tò mò theo đuổi chủ đề thảm họa Holoucaust, tôi tiếp tục xem 2 bộ phim: "Danh sách của Schindler" và "Ngày tàn của Hitler". Cùng xoay quanh đề tài thế chiến thứ 2, cùng dựa trên những nguyên mẫu có thật của lịch sử, một bộ phim mô tả một con người đã bán hết cả gia sản để giải cứu hàng nghìn người Do Thái khỏi các trại tập trung, một bộ phim tái hiện chân dung của kẻ đã đẩy cả nhân loại tới thảm họa diệt chủng. Khoảnh khắc khiến cho Đảng viên quốc xã Oskar Schindler, từ một tay tài phiệt trục lợi từ chiến tranh, quyết định cứu những người Do Thái khỏi cái chết là khi ông nhìn thấy những cảnh tra tấn và giết chóc tàn bạo của quân lính Đức. Có lẽ, trong khoảnh khắc đó, ông đã cảm thấy nỗi đau trên cơ thể của những nạn nhân kia đang xuyên thấm vào da thịt của mình. Nếu Hitler cảm nhận được nỗi đau này, không chắc ông ta đã có thể khởi động cỗ máy chiến tranh cướp đi sinh mạng của hàng triệu người trên thế giới.

Năng lực nhận ra cảm xúc của người khác và thể nghiệm cảm xúc của người khác như thể cảm xúc ở bên trong mình ấy được gọi là năng lực thấu cảm (empathy). Đó là gốc rễ của những tình cảm tốt đẹp của con người: lòng yêu thương, khoan thứ và sự từ bi. Nó là cái có thể khắc chế những tham vọng, cuồng tín, ích kỉ, tức giận…- cái thường dẫn chúng ta đến sự nhẫn tâm và tội ác. Bởi vì, cái ngăn không cho ta giết hại một sinh vật nào đó, không hẳn là do luật pháp, mà là cảm giác ghê rợn đau đớn và không nỡ khi nhìn thấy thân thể của nó đang quằn quại dưới tay của ta. Cái gì ngăn không cho ta cướp bóc tài sản của người khác? Là vì ta sẽ phải dừng lại và suy nghĩ người ta sẽ đau khổ ra sao khi bao nhiêu mồ hôi nước mắt của mình bị tiêu tán. Cái gì ngăn không cho ta lăng mạ người khác? Là vì ta biết người ấy sẽ đau khổ và tủi nhục khi bị lăng mạ.

Tôi thường tự hỏi, trong một xã hội mà đứa trẻ ngày càng ít có cơ hội được tiếp xúc và trải nghiệm những khó khăn, thiếu thốn và nỗi đau của người khác, trong một thế giới mà sự vô cảm đang ngày càng lan rộng như một thứ virus bất trị, liệu có cách nào để dạy cho chúng về sự thấu cảm hay không?

Raymond Mar, một nhà Tâm lí học của trường Đại học York, Canada và Keith Oatley, Giáo sư danh dự ngành Tâm lí học nhận thức của trường Đại học Toronto đã viết trong các công trình nghiên cứu được công bố năm 2009 rằng những người đọc các tác phẩm hư cấu nhiều hơn sẽ thường có khả năng hiểu người khác hơn, thông cảm với họ hơn và biết nhìn thế giới từ điểm nhìn của người khác. Năm 2010, một công trình nghiên cứu của Mar cũng phát hiện ra một kết quả tương tự ở trẻ em: càng được đọc nhiều câu chuyện, thì chúng càng có những suy nghĩ tử tế. Khi đọc một câu chuyện, chúng ta có xu hướng nhập vào thế giới của câu chuyện và trải nghiệm thực tại ảo được gợi nên thông qua các nhân vật, cốt truyện, bối cảnh, tình huống. Thế nhưng, những trải nghiệm ảo đó lại tạo ra những cảm xúc rất thật trong người đọc. Và điều đặc biệt nằm ở chỗ, những trải nghiệm đó lại chuyển hóa thành một phần kinh nghiệm sống của ta và làm gia tăng khả năng thấu hiểu cảm xúc của người khác cũng như kĩ năng xã hội của chúng ta. Đồng thời, thông qua việc đọc các tác phẩm hư cấu, chúng ta học thêm được rất nhiều kiến thức về tâm lí con người.

Như vậy là, ngoài việc cho trẻ tiếp xúc và trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn, có một cách vô cùng đơn giản và tiết kiệm mà ai cũng có thể làm được để nuôi dưỡng sự thấu cảm cho con là cho con đọc nhiều hơn các tác phẩm văn học giàu giá trị nhân văn.

Khi dạy học trong dự án Sách ơi mở ra, tôi càng thấy thấm thía điều này. Những học sinh có vốn đọc phong phú, đã đọc được vài tác phẩm văn học kinh điển trở lên không chỉ có một khả năng diễn đạt vô cùng uyển chuyển, thậm chí vượt hơn rất nhiều so với các bạn cùng trang lứa, mà cũng thường tỏ ra có suy nghĩ chín chắn hơn, có khả năng biểu đạt tốt hơn những cảm xúc và suy nghĩ của mình, cũng như tinh tế và nhạy cảm hơn với những cảm xúc của người khác. Có lần, sau khi kết thúc khóa học, một học sinh đã viết cho tôi một bức thư rất dài và diễn tả những cảm xúc của em về khóa học, và tỏ ra lo lắng cho tôi khi có lần tôi bị ốm và trời mưa mà vẫn cố gắng tới lớp dạy các em. Bức thư đó tôi đã cất giữ như một tài sản vô giá trong sự nghiệp dạy trẻ con của mình.

Vậy làm thế nào để khơi dậy lòng đồng cảm của đứa trẻ khi đọc các tác phẩm hư cấu? Những gợi ý sau có thể sẽ hữu ích cho các phụ huynh và giáo viên:

1. Khuyến khích sự tưởng tượng: để có thể giúp trẻ nhập vào thế giới của các câu chuyện và cảm nhận được không khí của câu chuyện và những cảm xúc của các nhân vật, hãy dừng lại ở những chi tiết miêu tả bối cảnh của câu chuyện và đặt ra các câu hỏi: con nhìn thấy, nghe thấy, sờ thấy, nếm thấy, ngửi thấy những gì khi đọc câu chuyện này. Những câu hỏi này đòi hỏi trẻ phải mở rộng các giác quan, phối hợp với hình dung tưởng tượng để cảm nhận được toàn bộ bầu không khí tinh thần được mô tả trong tác phẩm. Khi đọc đến những chi tiết miêu tả nhân vật, hãy dừng lại và đặt các câu hỏi: nhân vật có hình dáng như thế nào, anh ta đã làm gì, nói gì, nghĩ gì, anh ta cảm thấy như thế nào… Hoạt động này giúp cho trẻ cảm nhận về các nhân vật như những con người đang sống trong cuộc sống thực.

2. Cho trẻ mô tả cảm xúc của mình: hãy dừng lại ở những chi tiết đắt giá, những đoạn mô tả ấn tượng, những sự kiện gay cấn hay những tình huống gây xúc động và đặt ra những câu hỏi: con cảm thấy thế nào khi chứng kiến cảnh tượng đó, con nghĩ gì khi thấy nhân vật hành động như vậy.

3. Đặt mình vào thế giới của câu chuyện: giờ hãy hình dung con không còn là một độc giả nữa, con là người đang có mặt trong câu chuyện và chứng kiến tất cả mọi việc, con sẽ có cảm nhận gì, suy nghĩ gì. Hoặc giả, nếu con là nhân vật, con sẽ cảm thấy thế nào trong tình huống ấy, con sẽ hành động ra sao. Liệu con có ứng xử và hành động giống như nhân vật hay không? Con sẽ bênh vực ai, phản đối ai và tại sao?

4. Để con là tác giả: nếu con là tác giả, con sẽ nghĩ gì khi nhân vật hành động như vậy, con nghĩ gì khi chứng kiến cảnh tượng đó. Liệu con có muốn câu chuyện kết thúc theo một cách khác hay không?

5. Liên hệ với thực tế: con đã bao giờ gặp một cảnh tượng giống như cảnh tượng trong câu chuyện hay chưa? Con có bao giờ gặp một nhân vật có đặc điểm giống với nhân vật trong câu chuyện hay chưa? Hãy so sánh câu chuyện mà con đang đọc với một câu chuyện có thật nào đó trong cuộc sống. Con đã cảm thấy thế nào khi nhìn thấy cảnh tượng đó? Theo con, người ấy sẽ nghĩ gì trong tình huống đó? Theo con tại sao anh ta lại hành động như vậy?

Tất cả những hoạt động này sẽ từng bước từng bước dạy cho con cách mở rộng tưởng tượng, thâm nhập vào thế giới trong câu chuyện, trải nghiệm những tình huống, cảnh ngộ, sự kiện, quang cảnh được mô tả trong câu chuyện và lắng nghe những cảm xúc, cảm giác của mình, thấu hiểu cảm xúc, cảm giác của nhân vật và tác giả, để từ đó có được một năng lực nhìn thấu những cảm xúc và cảm giác của người khác.

Khi đứa trẻ được dạy để nhận ra và biết cách biểu đạt nỗi đau trên cơ thể của mình, cảm giác sợ sệt hay âu lo hay tổn thương hay hạnh phúc trong tâm hồn của mình, đồng thời cảm thấy đau khi người khác đang đau, buồn khi người khác đang buồn, vui khi người khác đang vui, nó sẽ biết chia sẻ, cảm thông, yêu thương, dung thứ, bởi vì nó đã biết vượt ra khỏi khuôn khổ chật hẹp của bản thân mình.
Bản chất của cuộc sống xã hội là sự kết nối và liên hệ. Chúng ta không bao giờ có thể sống đơn độc một mình. Mà chính thấu cảm sẽ là sợi dây vô hình bền chặt để kết nối ta với người khác một cách cởi mở, chân thành. Bởi vì, phàm đã là con người, ai cũng có nhu cầu được thấu hiểu, sẻ chia và thông cảm, được khoan thứ và được đối xử một cách từ bi.

Không có kĩ năng sống nào hết nếu không hiểu được những nguyên tắc cốt lõi đó của sự giao tiếp trong xã hội.
- Nguyễn Ngọc Minh

Đọc đã rồi hãy viết 

Phần lớn mọi người đều không biết được rằng, vấn đề không nằm ở việc viết, mà vấn đề thực sự của con nằm ở chỗ con có cái gì để viết ra hay không. Bởi viết thực chất không đơn thuần là vấn đề kĩ thuật, nếu dạy viết thuần túy như một thứ kĩ thuật, thì sẽ không giải quyết được tận gốc vấn đề. Bản chất của việc viết là một quá trình tự bộc lộ, là quá trình chuyển hóa toàn bộ những suy nghĩ, hiểu biết cảm xúc, trải nghiệm, ấn tượng bên trong ra bên ngoài, dưới dạng ngôn ngữ viết. Như vậy, có hai quá trình đã bị ẩn đi trong bóng tối, bên trong sự viết của trẻ: quá trình tích lũy kiến thức, vốn sống, kinh nghiệm, cảm xúc và quá trình tích lũy từ vựng, ngữ pháp, cách diễn đạt. Viết chỉ là thành quả ngắn ngủi diễn ra trong thời khắc của những quá trình lâu dài hơn, diễn ra âm thầm bên trong một đứa trẻ.

Stephen D.Krashen, cha đẻ của lý thuyết thụ đắc ngôn ngữ thứ hai và người sáng lập phương pháp tiếp cận tự nhiên, người khởi xướng phương pháp dạy ngôn ngữ kết hợp với kiến thức được áp dụng rộng rãi trong các trường học ở Mĩ cũng như khắp thế giới, đã lí giải trình tự tự nhiên của việc thụ đắc ngôn ngữ, đó là đi từ INPUT (đầu vào) đến OUTPUT (đầu ra). Trước khi một con người có thể bộc lộ ngôn ngữ ra bên ngoài, thì dứt khoát cần có một quá trình tích lũy ngôn ngữ ở bên trong.

Giả thiết ĐẦU VÀO (Input hypothesis) của ông cho rằng chúng ta sẽ tích lũy ngôn ngữ qua các kênh nghe, đọc, xem. Và sự tích lũy này sẽ đạt tới hiệu quả cao nhất khi chúng ta tiếp xúc với một nội dung khó hơn một chút so với trình độ hiện tại của chúng ta. Như vậy, để có thể đạt tới trình độ cao trong quá trình tích lũy này, ta phải thường xuyên nghe, xem, đọc những nội dung khó và tìm cách để hiểu nghĩa của chúng. Khi sự tích lũy này đạt tới một chất lượng nào đó, thì các chức năng nói, viết sẽ tự động hình thành mà không cần được dạy, và như vậy, kĩ năng nói và viết bao giờ cũng hình thành muộn hơn rất nhiều so với kĩ năng nghe và đọc. Quá trình tích lũy đầu vào này chỉ có thể đạt hiệu quả cao nhất khi nội dung được tiếp xúc có thể hiểu được, gây hứng thú, không có trình tự văn phạm cụ thể và lượng đủ lớn. Bên cạnh đó, cảm xúc cũng có một vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình này. Cảm xúc chính là cái mà ông gọi là một “bộ lọc” khiến cho cho ngôn ngữ được tiếp nhận trong não bộ hay sẽ bị gạt ra. Trong đó, các yếu tố như động lực, sự tự tin sẽ là dẫn xuất tích cực để quá trình tiếp nhận ngôn ngữ trở nên thuận lợi, đạt tới hiệu quả cao nhất. Ngược lại, sự lo sợ sẽ cản trở quá trình tiếp nhận ngôn ngữ.

Tôi nhớ lại quá trình phát triển ngôn ngữ của mình. Suốt từ năm lớp 1 đến lớp 3, tôi không hề có biểu hiện gì của một học sinh giỏi Văn. Suốt thời gian đó, tôi nạp vào rất nhiều. Ngoài báo Nhi đồng là thứ báo được mẹ tôi đặt hàng tuần cho hai chị em đọc, tôi đã ngốn hết cơ man nào là Tâm thần học, Tâm lí học lứa tuổi (sách của bố), các loại truyện kinh điển của nhà xuất bản Cầu vồng như Bánh mì vĩnh cửu, Bác sĩ Aibolit, Cuộc phiêu lưu của Nam tước Myuhausen. Tôi chép chính tả hàng ngày bằng Tuyển tập thơ Nguyễn Bính (vì chữ tôi quá xấu và sai chính tả be bét)…. Và đến năm lớp 3, bỗng nhiên tôi có nhu cầu được viết. Tôi bắt đầu viết những bài đầu tiên cho mục Kể chuyện theo tranh và sau đó tự viết thơ gửi cho báo Nhi đồng. Lên lớp 5, khi đọc được nhiều hơn nữa, những cuốn sách rất hay và rất dày, tôi thấy trong mình có rất nhiều suy nghĩ và bắt đầu có nhu cầu viết nhật kí. Càng đọc, tôi càng muốn viết. Khi có một cái gì đó đang đầy lên bên trong, tôi có nhu cầu được bộc lộ chúng ra bên ngoài. Và từ năm lớp 7, khi học chuyên Văn, được đọc nhiều hơn nữa những tác phẩm văn học kinh điển trên thế giới, thì nhu cầu viết lại càng mạnh mẽ hơn nữa. Đến năm lớp 10, tôi đã có những đồng nhuận bút đầu tiên nhờ những bài viết đăng trên báo Hoa học trò.

Quá trình viết này gần như độc lập với việc học viết văn trên lớp. Nó là một nhu cầu tự thân, từ bên trong, được bật ra khi sự tích lũy đã đủ đầy, khi thế giới tinh thần bên trong ngày càng trở nên phong phú. Từ những trang viết đó, tôi nhìn thấy chính con người của mình, với những suy tư, mơ mộng, xung đột và non dại của một thời tuổi trẻ nông nổi.

Quá trình tương tự cũng diễn ra với tất cả những con người bình thường khác cũng như với những nhà văn nổi tiếng.

Trong “Nhật kí Anne Frank”, cô bé Anne đã phải sống lẩn trốn trong một căn nhà phụ suốt gần 2 năm trời để thoát khỏi sự truy sát của Đức Quốc xã trong chiến tranh thế giới thứ hai vì cô là người Do Thái. Trong suốt khoảng thời gian này, cô bị cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài, cuộc sống của cô ngày càng trở nên chật chội và ngột ngạt. Thứ duy nhất để kết nối cô với cuộc sống bên ngoài là những cuốn sách được mượn từ thư viện dưới danh nghĩa một nhân viên của bố cô, người đã che chở cho cả gia đình cô và một ô cửa sổ nhỏ mở ra khoảng trời mênh mông ở tầng áp mái. Cuốn nhật kí là người bạn duy nhất để cô có thể chia sẻ những tâm sự thầm kín của mình. Đọc cuốn nhật kí, ta có thể thấy trong vòng hai năm, dù không hề được dạy dỗ chi hết về kĩ thuật viết văn, nhưng năng lực viết của Anne đã tiến bộ vượt bậc. Con người bên trong cô đã trưởng thành một cách vô cùng nhanh chóng để đạt tới những nhận thức vô cùng sâu sắc về bản thân cũng như về thế giới. Chỉ hoàn toàn bằng con đường tự học và tự đọc, Anne đã thực sự đạt tới độ chín trong văn chương. Cuốn nhật kí của cô, được xuất bản sau khi cô qua đời trong trại tập trung của phát xít Đức, đã làm rung động toàn thế giới và cũng thường được coi là một trong những tác phẩm văn học điển hình của thể loại nhật kí.
Macxim Gorki kể lại trong “Thời thơ ấu”, rằng điều kì diệu nhất đối với ông là từ nhỏ, tuy sống trong môi trường nhem nhuốc của những người dưới đáy, nhưng ông đã được đọc những cuốn sách rất hay. Mỗi cuốn sách mở ra cho ông cả một thế giới rộng lớn, khơi dậy trong ông hoài bão vươn lên trong cuộc sống, đánh thức những cảm xúc tốt đẹp trong con người ông, và thôi thúc ông viết để bộc lộ toàn bộ thế giới tinh thần đó ra bên ngoài. Và sách chính là thứ đã cứu vớt toàn bộ cuộc đời ông. Mặc dù không được đào tạo qua trường lớp, nhưng chính việc đọc đã khiến Macxim Gorki trở thành một trong những nhà văn vĩ đại nhất nước Nga.

Những câu chuyện thực tế này khiến cho tôi luôn tin rằng, con đường tự nhiên để hình thành cái gọi là năng lực ngôn ngữ của một đứa trẻ là từ INPUT đến OUTPUT, từ tích lũy đến bộc lộ, từ tiếp nhận đến tạo lập. Muốn một đứa trẻ có thể làm chủ được ngôn ngữ của mình, cần bắt đầu bằng việc dạy cho chúng biết tiếp nhận ngôn ngữ một cách hiệu quả thông qua kênh xem, nghe và đọc. Nghe ở đây không đơn thuần là nghe bằng tai, nghe âm thanh, mà là quá trình nghe hiểu. Và đọc ở đây không đơn thuần là đọc bằng mắt, mà là quá trình đọc hiểu, là quá trình mà đứa trẻ huy động toàn bộ kiến thức nền, những kinh nghiệm, năng lực tư duy, vốn từ vựng và sự hiểu biết ngữ pháp… để lí giải văn bản. Và như vậy, nghe hay đọc, về thực chất là quá trình huy động toàn bộ sức mạnh tinh thần để tiếp nhận thông tin. Và việc này lặp lại càng nhiều, tới một mức độ nào đó, sẽ mài sắc năng lực tư duy, mở rộng vốn từ vựng, ngữ pháp, làm giàu cảm xúc, gia tăng kinh nghiệm sống…, những nền tảng không thể thiếu để con có thể nói tốt, viết tốt trong giai đoạn sau này. Trong suốt quá trình này, thì cảm xúc luôn là một chất xúc tác vô cùng quan trọng để gia tăng hiệu quả của quá trình tích lũy.

Tuy nhiên, vì quá trình tích lũy này diễn ra trong một thời gian dài, và điều đặc biệt là nó diễn ra trong bóng tối mà không bộc lộ ra bên ngoài, nên rất khó có thể nhận ra sự thay đổi của đứa trẻ. Trong suốt giai đoạn tích lũy này, đứa trẻ dường như không hoạt bát hơn trong việc nói năng, cũng chưa chắc đã có nhu cầu được viết, vẫn viết lách lộn xộn và kết quả học tập môn văn dường như không cải thiện. Theo nhà ngôn ngữ học Stephen Krashen, quá trình này thường diễn ra trong vòng 6 tháng, lâu hay mau tùy thuộc vào lượng ngôn ngữ mà trẻ nạp vào và ông gọi đó là giai đoạn im lặng.
Trong suốt giai đoạn im lặng này, tuy bề ngoài ngôn ngữ của trẻ dường như không có gì thay đổi, nhưng thực chất quá trình thụ đắc ngôn ngữ vẫn đang diễn ra một cách vô cùng sôi động ở bên trong. Trẻ liên tục thu nhận và xử lí thông tin mà nó tiếp nhận được, để cất trữ vào trong bộ nhớ, để hình thành những kho chứa ngôn ngữ bí mật cho toàn bộ quãng đường sau này. Montessori cũng nhắc đến giai đoạn im lặng trước khi trẻ biết nói, giai đoạn chuẩn bị cho sự bùng nổ về ngôn ngữ sẽ diễn ra vào thời điểm trẻ được hai tuổi rưỡi.

Vì thế, đọc đã rồi hãy viết. Các phụ huynh cũng như các giáo viên nên tôn trọng tiến trình thụ đắc ngôn ngữ một cách tự nhiên đó của trẻ, không nên vì những mục đích thực dụng trước mắt mà can thiệp thô bạo vào quá trình phát triển đó. Hãy kiên trì khuyến khích, kiên trì chờ đợi, và cho trẻ cơ hội tự tạo dựng nên một thế giới tinh thần phong phú bên trong, trước khi đòi hỏi những sự bộc lộ hời hợt bề ngoài. Hãy chấp nhận giai đoạn im lặng của con như chấp nhận một tiến trình tất yếu để hình thành nên năng lực nội tại về ngôn ngữ. Hãy gia tăng chút ít gia vị cảm xúc tích cực vào hành trình cùng con chiếm lĩnh một ngôn ngữ.

Và người lớn cũng cần hiểu được rằng, cái gọi là năng lực ngôn ngữ hoàn toàn không đồng nhất với kết quả học tập môn Ngữ văn. Năng lực ngôn ngữ là khả năng làm chủ ngôn ngữ, là năng lực tiếp nhận thông tin một cách hiệu quả, là năng lực tự do biểu đạt những cảm xúc, suy nghĩ thật bên trong của trẻ để giúp trẻ có thể hiểu được người khác, hiểu được chính mình và làm cho người khác hiểu mình. Giống như việc chăm sóc một cái cây, việc tạo nên một bộ rễ và thân cây khỏe mạnh để cái cây tự vươn lên hấp thụ ánh sáng và dưỡng chất quan trọng hơn nhiều so với việc bón phân đạm để thúc cây mau lớn, việc tạo nên một năng lực ngôn ngữ thật sự quan trọng hơn rất nhiều so với việc đạt tới những thành tích phù phiếm. Và tôi nghĩ, đó mới là con đường mà những nhà giáo dục chân chính và những bố mẹ hiểu biết cần theo đuổi.