Thứ Hai, 24 tháng 9, 2018

Cám dỗ của Lucifer và vai trò của Đức Phật

Tác giả: Trình Huỳnh

(Hiểu post này cần các kiến thức mình nói trong post về “4 giai đoạn phát triển con người”)

Tất cả những gì xảy ra trong thế giới vật chất và thế giới tâm linh, từ lúc vũ trụ được khai sinh, đều được lưu lại trong một nơi tạm dịch là “kho” Akashic (Akashic record) trong thế giới tâm linh. Những người đã đi xa đủ trong giai đoạn Đất (trong post link từ trên) có thể đọc được kho này, thấy được mọi chi tiết trong lịch sử và truyền lại cho đời những kiến thức thích hợp cho giai đoạn tiến hóa lúc đó (nhưng không phải ai đọc được đều đã là người đi xa – mình sẽ nói thêm sau trong post này). Ở đây mình bàn một chút về những gì Steiner truyền lại từ những gì ông thấy về sự xuất hiện của Lucifer, và sau đó là Phật và vai trò của ông.

Trong post này và tất cả post khác của mình, những gì mình không chắc chắn mà chỉ phỏng đoán theo sự hiểu tốt nhất thì mình sẽ nói “theo mình” hay “có lẽ” hay đại loại vậy (hoặc cố gắng làm rõ như vậy trong ngữ cảnh). Còn ngoài ra là những cái mình đã chắn chắn trong lòng mình, hoặc là từ thấm hiểu ý Steiner nói gì, hoặc là từ trải nghiệm trực tiếp. Mình không cố gắng thuyết phục mà chỉ nói những thứ đã hiểu hoặc trải nghiệm. Tri thức tâm linh không bao giờ chứng minh được, nhưng mỗi chân lý vĩnh hằng là một ngọn lửa vĩnh cửu. Có một ý rất quan trọng từ Stener là không nên chỉ nghe một kiến thức tâm linh gì đó mà nói lại cho người khác hay làm hành động gì triển khai từ nó khi mà chưa hiểu nó. Một người khi tới lúc sẵn sàng tiếp nhận một chân lý, trong lòng sẽ như là có mồi lửa chờ sẵn, và khi có một ngọn lửa chân lý tới, nó sẽ châm bùng lên ngọn lửa mới trong lòng người đó. Khi đã đốt, những ngọn lửa chân lý vĩnh cửu bất diệt này mãi mãi đi theo linh hồn người đó, chứ không chỉ làm ấm lòng một thời gian rồi nguội như khi nghe một bài diễn thuyết hay. Nếu một người nghe một kiến thức tâm linh mà chưa hiểu nó, trong lòng chưa có ngọn lửa đó và không thể thổi tiếp chân lý vào lòng người khác. Nhưng nếu cố tình truyền đạt kiến thức mà chưa hiểu về nó, thì dần dần kiến thức đó sẽ bị bóp méo qua lưu truyền, vì thiếu lửa, và bị lạm dụng trong dự án này dự án kia. Đây là một lí do chính mà giáo dục Waldorf đang dần xuống cấp. Ngoài một ít người tâm huyết, đa phần người ta thực thi giáo dục Waldorf mà không đủ tâm huyết để cố gắng hiểu nó. Ai có tâm huyết đủ với Waldorf mà biết thực trạng đang xuống cấp như vậy sẽ càng tâm huyết hơn. Nhưng ai mà sau khi nghe giáo dục Waldorf đang xuống cấp mà dè bỉu nó thì chỉ cho thấy là người đó chưa thấy được những chân lý đằng sau nền giáo dục đó, và chưa thấy là mọi loại giáo dục khác chỉ có xuống cấp nhanh hơn.

Trong post “4 giai đoạn phát triển con người” mình có nói là Lucifer cám dỗ ta chỉ biết bám chặt vào những thứ đã có mà quên mất là cần phải tiếp tục vươn lên. Quan trọng nhất là việc giữ khư khư cái “tôi” ích kỷ và chỉ tìm mọi cách để thỏa mãn nó. Một thể hiện điển hình là chú trọng hình thức và vẻ đẹp bề ngoài. Ngoài ra, một “thủ đoạn” rất lợi hại hay được dùng của Lucifer để cho sự cám dỗ này khó đỡ hơn là, ngay trước khi một tâm hồn vào đời, Lucifer cho tâm hồn đó một khả năng hay tài năng hơn người đặc biệt, ví dụ như tài năng một ngành khoa học nào đó, nói năng lưu loát, hay khả năng nhìn vào thế giới tâm linh, để suốt cuộc đời người đó sẽ bị chính khả năng này của mình ràng buộc, “sướng” với nó, mà quên mất tiếp tục phát triển bản thân. Một cách rất dễ để phân biệt một tài năng có phải từ do chính linh hồn phát triển của người đó tự có hay từ Lucifer: đó là, vì tài năng là một thứ phù du, nên một linh hồn phát triển luôn có khả năng trau dồi tài năng đến một mức cao trong nhiều lĩnh vực đa dạng của đời sống -- ở đâu mà xã hội thời thế cần thì người đó có thể nhảy vô, học lại từ đầu nếu cần, và làm tốt; còn tài năng từ Lucifer cho thì chỉ gói gọn trong một lĩnh vực cụ thể nào đó, nếu bị khuất phục bởi cám dỗ thì người đó suốt đời chỉ làm giỏi những cái đã giỏi, và bất lực khi phải chuyển qua cái khác. Nhìn xung quanh ta thấy nhan nhản các ví dụ tài năng Lucifer này.

Nên ta thấy Lucifer là nguồn gốc của mọi ẩu đả và chiến tranh của con người. Một người cho dù mang tài năng của mình ra giúp đời với danh nghĩa phụng sự xã hội đi nữa nhưng nếu còn bị chi phối bởi cám dỗ này thì trước hay sau cũng sẽ tìm cách bành trướng.

Và một sự kiện quan trọng trong lịch sử là Lucifer đầu thai đâu đó ở Trung Quốc khoảng năm 3000 trước CN và bắt đầu một sự ảnh hưởng nhân loại mạnh hơn từ đó (khi đọc Steiner nói vậy mình mới nghĩ – hèn chi văn hóa TQ đẹp đẽ bề ngoài như vậy, và hèn chi lịch sử cổ đại ở đó toàn là chiến tranh này đến chiến tranh khác, có lẽ là độc nhất vô nhị trong thời cổ đại. Mình chưa đọc thấy Steiner nêu đích danh tên của nhân vật mà Lucifer đầu thai vô đó).

Và sự xuất hiện của Phật Thích Ca khoảng năm 500 trước CN và sự lan rộng của đạo Phật vào TQ và các vùng xung quanh đóng vai trò to lớn để kìm hãm sự bành trướng của Lucifer. Tư duy của con người thời bấy giờ chưa phát triển. Khả năng lý luận mà con người có bây giờ, Anthroposphy cho ta biết là nó chỉ mới bắt đầu từ khoảng năm 1500 trở đi (bắt đầu bằng thời Phục Hưng). Trong bối cảnh tư duy chưa phát triển đó, để kìm hãm sự ích kỷ của cái tôi, Phật Thích Ca dạy rằng cái tôi này chỉ là phù du cần phải gạt đi. Xét theo một góc độ nào đó thì cái tôi chưa phát triển lúc đó đúng là phù du thật. Giả sử mình có sinh ra vào thời đó, có thấy trước là tư duy nhân loại sẽ còn lâu mới đến, và xã hội xung quanh sẽ “ngu muội” trong cám dỗ của Lucifer từ giờ đến đó, thì đúng là mình cũng chưa biết cách gì hay hơn ngoài việc dạy con người bỏ cái tôi này và theo đuổi một cuộc sống thanh đạm bình an.

(Steiner cũng có nói về vai trò của các hiền triết TQ xưa như Lão Tử -- chắc có lẽ cũng có một phần đóng vai trò trên nhưng mình chưa đọc.)

Cái tôi, hay bãn ngã, của con người là cái mà làm cho mỗi con người là một thực thể có một không hai trong toàn nhân loại. Từ kiếp này đến kiếp khác, mỗi cái tôi “được” đối phó với các loại thử thách khác nhau và như vậy phát triển các thế mạnh khác nhau. Đây chính là cái tạo nên ý nghĩa cho sự phát triển cá nhân của riêng từng con người. Trong sự phát triển cá nhân đó ta dần dần cảm thấy sự đóng góp có một không hai của mình cho cả tiến hóa của nhân loại.

Với tư duy, con người sẽ dần dần nhận ra điều đó. Và chính vì dần dần nhận ra giá trị thật của bản ngã của mình mà mới vượt qua được sự ích kỷ mà không đánh mất chính mình.

Ngày nay, Phật Thích Ca không xuất hiện nữa để dạy ta phải bỏ cái tôi. Nhưng thay vào đó chính là cám dỗ của Ahriman (mình có nói đến trong post “4 giai đoạn phát triển con người”) làm cho con người ảo tưởng là cái gì trên đời cũng là ảo tưởng! Nhưng khác với Phật kêu gọi con người sống cuộc đời thanh đạm, Ahriman thì đẩy những con người đã phục tùng hắn sang Lucifer, làm những người này mê hoặc với ảo tưởng mà chỉ biết theo đuổi những giá trị bên ngoài. Bị chi phối bởi hai thế lực này, con người hiện đại ngày càng hiếu thắng. Tâm hồn sống cả đời chỉ biết chạy theo ảo tưởng mà không được nuôi dưỡng tâm linh. Khi chết, các tâm hồn này hoàn toàn mất phương hướng trong một thế giới tâm linh mà mình đã quay lưng lại trong suốt cuộc đời (Steiner nói về việc này rất nhiều chỗ). Sự mất phương hướng này, cộng với việc phải qua Kamaloka (Steiner tả trong quyển Theosophy – chỗ trong thế giới tâm linh mà một tâm hồn phải đi qua để “rửa” những hành động hay ham muốn xấu xa trong kiếp vừa chấm dứt) và trải nghiệm những hậu quả chính mình đã gây ra (Steiner nói rằng những sự đau đớn mà tâm hồn có thể trải nghiệm trong giai đoạn này có thể hơn mọi đau đớn trong thế giới vật chất), làm cho một tâm hồn nhận ra mình không học được gì từ kiếp mới trải qua, thậm chí còn gây nghiệt quả, nên tâm hồn đó sẽ nhanh chóng quay lại đầu thai để làm lại trong một kiếp mới. Và cứ thế mà có thể cứ lẩn quẩn. Nhân loại xuống cấp càng xuống cấp nhanh hơn.

Và chính nhờ vậy mà mình thấy thú vị khi biết về vai trò của Phật Thích Ca ngày nay, ngay lúc này. Mặc dù ông không đầu thai nữa nhưng Phật vẫn luôn đóng góp vào tiến hóa của nhân loại từ thế giới tâm linh. Cụ thể là ngày nay, Phật Thích Ca đóng ở một nơi nhất định (Steiner có chỉ chính xác trong các bài giảng) mà mọi linh hồn đều phải đi qua sau khi chết. Ở nơi đó, nhất là đối với các vong hồn hoàn toàn mất phương hướng và đầy hiếu chiến, Phật dạy các vong hồn đó sự bình an. Một phần lớn nhờ ông mà các linh hồn đó quay trờ lại trái đất với sự chuẩn bị tốt hơn.

Qua những gì mình hiểu về Phật Thích Ca, mình thấy ông đúng là một người thầy lớn của nhân loại.

(Chú thích: Anthroposphy dùng chữ “Phật” (Buddha) để chỉ đến một giai đoạn phát triển cao của con người, sau khi thanh lọc được “etheric body”. Phật Thích Ca là một trong những người đầu tiên như vậy.)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét