Thứ Năm, 30 tháng 1, 2020

Bài tập: Tiền và Nền Kinh Tế

[VCIL Travel School 2019] Follow up week 3: MONEY and ECONOMY

Chào mọi người! để chuẩn bị cho buổi họp mặt tiếp theo của chúng ta vào 20:00 ngày 5/2/2020 thì em xin "lì xì" mọi người một ít "bài tập" để chúng ta có thể thảo luận với nhau hôm đó. Chủ đề tuần này của chúng ta sẽ về Tiền và Nền Kinh tế

1) Cấp độ hệ thống: Mời mọi người xem 2 video sau (bằng Tiếng Anh)
Sacred Economic ( https://www.youtube.com/watch?v=-GoFzU3cRE4&t=215s)   giải thích "sơ lược và ngắn gọn" về cách vận hành của nền kinh tế hiện đại.

The Connection Between the Economy and the Environment (https://www.youtube.com/watch?v=6Bkz0z0Xro8&t=629s)  về mối liên hệ giữa cách nền kinh tế vận hành với cách sử dụng tài nguyên thiên nhiên của chúng ta.

2)     Cấp độ nhóm: Bài này giống như challenge cuối chương trình Travel School, ai chưa làm thì hãy thử thực hiện, còn làm rồi thì có thể thử làm lại, vì mỗi lần mang đến những trải nghiệm mới không lần nào giống lần nào cả!

Tặng một người lạ mà mọi người hoàn toàn không quen biết một đồ vật/điều/ việc làm gì đó mà mọi người cảm thấy họ đang cần. Có thể là gặp một người trên đường rồi mời họ một bữa ăn, hoặc mua một cái chăn hay gối cho một người vô gia cư, hoặc là cho đi nhờ xe, vân vân. Quan sát những suy nghĩ và cảm nhận của bản thân trong suốt quá trình này.

3)    Cấp độ cá nhân: Câu hỏi chính để mọi người chiêm nghiệm/reflection/ quan sát trong cuộc sống hằng ngày của mình đó là: "What is the relationship between you and money?" ( Mối quan hệ của bạn với tiền là như thế nào?).

Dưới đây là một số câu hỏi mang tính chất gợi mở để giúp mọi người có thể hiểu hơn về đề tài mà em đưa ra, mọi người có thể tự đặt câu hỏi theo cách riêng của mình hay có những quan sát không nhằm trả lời bất cứ câu hỏi nào nhưng đều liên quan tới câu chuyện của chúng ta về Tiền thì đều ổn hết nhé!

Tiền là gì và tại sao mọi người lại cần tiền? Mọi người thường dùng tiền vào việc gì? 
Mọi người cảm thấy thế nào khi thực hiện một giao dịch (transaction)/ mua (purchase) một sản phẩm gì đó bằng "tiền" ?

Mọi người cảm thấy thế nào khi được nhận hay cho đi một món quà? Nó khác thế nào so với những đồ vật mọi người mua ở một cửa hàng nào đó? 

Một mối quan hệ được gọi là bạn bè hay người thân trong gia đình khác gì so với  giao người bán-người mua?

Mọi người cảm thấy như thế nào khi nhận/ cho tiền lì xì? Qua năm tháng, mọi người có cảm nhận điều gì thay đổi trong văn hóa " lì xì" không? 

Với việc nền kinh tế đất nước đang ngày càng phát triển, thì có một đồ vật/ tài nguyên đã từng sử dụng miễn phí nhưng bây giờ mọi người phải bỏ tiền ra mua không? 

Đối với từng cá nhân thì bao nhiêu tiền trong tài khoản ngân hàng làm mọi người người cảm thấy "an toàn và đầy đủ"? Mọi người cảm thấy thế nào khi trong tài khoản ngân hàng của mình còn dưới 200 ngàn VND so với 20 triệu VND?

Thái độ của mọi người đối với một vật mà mọi người "sỡ hữu" như thế nào? ( Ví dụ khi đồ vật bị mất hay khi một ai đó hỏi mượn) 
Vân vân....

Hình thức trả bài: Mọi người hãy ghi chú lại những gì mình nhận ra trong cả 3 bài tập và viết thành một bài post trong đăng trong group này trước 8h tối ngày 5/2/2020 nhé ( Lấy tiêu đề là [VCIL Travel School follow up tuần 3: Money and Economy])! Chúng ta sẽ dùng những bài đó làm dữ kiện (data point để giúp chúng ta hiểu hơn về nền kinh tế trong câu chuyện mới và cũ)

Chúc mọi người làm bài tập vui! Thân ái!
p/s: Có đoạn nào chưa rõ thì mọi người thoải mái đặt câu hỏi với có tài liệu liên quan thú vị thì comment bên dưới nha!

Reference đọc thêm cho học sinh giỏi chuyên cần:
Về Gift economy: 
Quyển The Gift by Lewis Hyde là tác phẩm kinh điển trong giới "thay thế" viết về vòng tròn trao tặng, cách nó hoạt động và tác động như thế nào. 
Reclaiming the gift culture edit by Shikshantar: http://www.swaraj.org/shikshantar/giftculture.pdf
Sách Sacred Economics by Charles Eisenstein bản online free: http://sacred-economics.com/read-online/

Anh Vũ


Thứ Ba, 28 tháng 1, 2020

Thông điệp của Hy Vọng

Trích: Con Người và các Thể - Annie Besant

...Nhìn khắp nhân loại bằng mắt trần, ta thấy toàn sự suy đồi, đau khổ, vô vọng. Nhưng khi quan sát bằng nhãn quan cao hơn, ta thấy nhân loại xuất hiện duới một phương diện hoàn toàn khác. Thật ra ta vẫn thấy sự đau khổ và suy đồi, nhưng ta biết rằng chúng chỉ tạm thời, chúng thuộc về giai đoạn non trẻ của nhân loại, và nhân loại sẽ vượt qua nó.

Đây là thông điệp của hy vọng mà Minh Triết Thiêng Liêng mang đến cho thế giới tây phương, một thông điệp của sự giải phóng thế giới khỏi mọi thống khổ, không phải trong giấc mơ mà trên thực tế, không phải chỉ là hy vọng suông mà là sự xác quyết.

...Tất cả những kiếp sống chúng ta được nối kết nhau, không kiếp sống nào có thể bị tách rời khỏi những kiếp sống trước và sau nó. Nói cho đúng nghĩa, chúng ta chỉ có một sự sống, trong đó cái mà chúng ta gọi là những kiếp sống, thật ra chỉ là những chuỗi ngày của một sự sống duy nhất ấy. Chúng ta không bao giờ bắt đầu một cuộc sống mới với một tờ giấy trắng, để viết nên một câu chuyện hoàn toàn mới, mà chỉ bắt đầu một chương mới, triển khai từ cốt chuyện cũ. Khi chết, chúng ta không thể vất đi trách nhiệm nhân quả của kiếp vừa qua, cũng như khi đi ngủ chúng ta không thể xóa bỏ những món tiền mà chúng ta có trách nhiệm phải trả của ngày hôm qua. Nếu hôm nay mắc phải nợ nần, ngày mai chúng ta không thể tự do thoát khỏi trả nợ, nó sẽ theo đuổi chúng ta cho đến khi trả xong.

Con người có sự sống không gián đoạn; những kiếp sống trần gian được kết nối nhau, không tách rời. Tiến trình thanh lọc và phát triển cũng liên tục, và phải được thực hiện xuyên qua nhiều kiếp sống liên tục ở thế gian.

...Ta học cách tách rời Chân Ngã khỏi những thể, ‘‘bước’’ ra ngoài dẫn thể, để biết rằng ta vẫn tồn tại ở bên ngoài dẫn thể với một tâm thức rộng mở hơn khi ta còn ở bên trong nó, và ta không có cảm giác tùy thuộc vào nó. Khi đạt được kinh nghiệm này, ta không còn đồng hóa Chân Ngã với những thể, cũng không bao giờ nhầm lẫn ta là chiếc áo mà ta đang mặc.

Sự thông hiểu rõ ràng bằng trí tuệ ở trong tầm với của tất cả chúng ta, chúng ta có thể tập phân biệt giữa Chân Ngã – con người thật – và những thể của nó. Khi làm thế, ta bước ra khỏi ảo tưởng mà phần đông nguời đời còn bị bao bọc. Nhờ đó thái độ chúng ta đối với cuộc sống và thế gian sẽ hoàn toàn thay đổi. Nó sẽ nâng ta lên vùng yên tĩnh, vượt trên những thay đổi vô thường của cuộc đời hữu hạn, cùng những rối ren nhỏ nhặt hàng ngày, để nhận thấy được mối tương quan thật sự giữa cái luôn luôn thay đổi và cái tương đối trường tồn. Ta sẽ cảm nhận sự khác biệt giữa một người ở giữa biển khơi, bị những làn sóng bao phủ, xô đẩy, vùi dập, và một người đứng trên tảng đá vững chắc không hề hấn bởi những làn sóng nhấp nhô bên dưới.

... Con người có thể thúc đẩy sự phát triển tâm thức ở những cõi cao, nếu họ kiên nhẫn, cố gắng và can đảm. Họ phải cố gắng sống nhiều hơn với cái ngã trường tồn, không tiêu phí tư tưởng và năng lượng vào những chuyện tầm phào, không trường tồn của cuộc đời thế tục. Tôi không có ý nói con người phải sống mơ mộng, không thực tế, trở nên một thành viên vô dụng của gia đình và xã hội. Trái lại, con người phải thi hành một cách hoàn hảo mọi trách nhiệm ở cõi trần. Họ không thể làm công việc cẩu thả, không hoàn hảo như người kém phát triển. Đối với họ, trách nhiệm là trách nhiệm, họ phải đền trả lại hoàn toàn khoản nợ mà thế gian đã cung cấp cho họ.

Con người phải hoàn tất mọi trách nhiệm một cách hoàn hảo với tất cả khả năng mình, nhưng niềm vui thích thật sự không đặt vào những sự vật này, và tư tưởng họ không bị ràng buộc vào kết quả của những việc làm này. Ngay sau khi đã hoàn thành bổn phận, tư tưởng họ quay về sự sống trường tồn, thăng hoa năng lực lên cấp độ cao cả, bắt đầu sống ở đó và thẩm định giá trị những điều tầm thường, vô bổ của đời sống thế gian.

Thực hành đều đặn công việc đó, và tự huấn luyện tư tưởng trừu tượng cao cả, con người bắt đầu làm sinh động những đường nối kết trong tâm thức, và mang vào cuộc sống ở cõi thấp tâm thức của chính họ.

...Người muốn thanh lọc thể xác phải tức khắc bắt đầu loại bỏ các thực phẩm không trong sạch, độc hại cho sự cấu tạo những phần tử trong cơ thể. Họ phải kiêng cữ rượu và những thực phẩm có chứa rượu, vì chúng đem vào cơ thể những phân tử rất ô uế. Rượu là thực phẩm do sự thối rữa tạo ra, tự nó không những đáng ghê tởm, mà còn thu hút con người. Sự thu hút này lan truyền đến những người khác cùng sự ham muốn, trong đó có những cư dân vô hình đáng thương hại vất vưởng ở cõi trung giới.

...Bằng tư tưởng cao thượng, thể vía sẽ được thanh lọc, dù ta không để ý đến, sự thanh lọc vẫn thực hiện có hiệu quả.

...Khi tiếp tục làm trong sạch hóa cơ thể bằng cách nuôi dưỡng nó với những thức ăn, thức uống trong sạch, loại trừ những thức ăn ô nhiễm như máu động vật, rượu và các loại thực phẩm bốc mùi hôi, đang tan rã, đồng thời chúng ta cũng làm trong sạch hóa thể vía và thu hút vào nó những chất liệu thanh nhẹ, mịn màng từ cõi trung giới. Sự kiện này không những quan trọng cho cuộc đời hiện tại, mà nó cũng rất quan trọng cho trạng thái sau khi chết, cho tình trạng chúng ta ở cõi trung giới, và cũng là nhân tố quyết định cho loại cơ thể mà chúng ta sẽ có được ở kiếp sau.

...Khi ta thanh lọc hóa thể xác, đồng thời ta cũng thu hút những chất liệu thanh cao cõi trung giới, tạo ra thể vía trong sạch hơn.

...Khi biết được một cách chắc chắn về sự hiện tồn của Chân Ngã, và xác thân chỉ là một bộ y phục có thể mặc vào hay cởi ra tùy ý, nó không phải dụng cụ cần thiết của tư tưởng và sự sống, Người ấy sẽ có một cuộc sống linh hoạt hơn, tư tưởng không bị trở ngại và giới hạn bởi thể xác.

Khi đạt đến giai đoạn này, con người bắt đầu hiểu biết nhiều hơn về thế giới, trong đó có sự sống của chính họ, và thấy rõ hơn mục đích, cũng như khả năng cao cả của nhân loại. ...Con người trở nên linh hoạt trên những cõi cao, rộng rãi, sử dụng được những năng lực mạnh mẽ hơn, và trên tất cả là họ nhận mình như một người phụng sự các Bậc Thánh Thiện trong việc trợ giúp nhân loại.

Đối với người ấy, sự quan trọng của cuộc sống cõi vật chất có một tỷ lệ hợp lý, không điều gì xảy ra ở cõi trần có thể ảnh hưởng nhiều đến họ như lúc họ chưa nhận biết có một sự sống phong phú đầy đủ hơn. Sự chết của xác thân không làm tổn hại gì cho họ, cũng như cho những người mà họ muốn giúp đỡ. Vai trò của cuộc sống trần gian chỉ như một một phần rất nhỏ trong toàn thể sinh hoạt của con người. Cuộc đời không có vẻ đen tối như trước kia, vì được ánh sáng từ những vùng cao cả chiếu soi.

...Khi bắt đầu hiểu biết một phần nào về nhân thể, chúng ta coi sự tiến hóa như mục đích xác định trong đời sống chúng ta. Chúng ta phải cố gắng suy tưởng một cách không ích kỷ để làm cho nhân thể tăng trưởng và linh hoạt. Con người tiến hóa từ đời này qua đời khác, từ thế kỷ này qua thế kỷ khác, từ thiên niên kỷ này qua thiên niên kỷ khác. Chúng ta có thể cố ý thúc đẩy sự tiến hóa này bằng cách làm việc hòa điệu với ý chí thiêng liêng, và thực hành mục đích của kiếp sống chúng ta. Khi được đan vào cấu trúc của nhân thể, không có điều tốt nào sẽ bị mất đi, không điều gì bị tan biến, vì đây là con người thật sự, sống vĩnh viễn.

...Đối với người đã phát triển năng lực, minh triết và tình thương cao thượng, sẽ có ngày họ bước qua một cửa lớn, đánh dấu một giai đoạn nổi bật trên đường tiến hóa, đó là cánh cửa của sự điểm đạo. Người đạo đồ được Đức Thầy hướng dẫn đi xuyên qua khỏi cửa và tiến lên lần đầu tiên vào thể bồ đề, để có được kinh nghiệm về sự đồng nhất hiện tồn giữa những chia rẽ đa dạng của thế giới vật chất. Người đạo đồ cũng nhận thấy sự đồng nhất hiện hữu giữa những chia rẽ đa dạng nơi cõi trung giới và ngay cả cõi trí. Khi vượt lên khỏi những cõi thấp, người đạo đồ khoác vào thể bồ đề, lần đầu tiên có kinh nghiệm về sự đồng nhất và nhận thấy sự chia rẽ chỉ thuộc vào 3 cõi thấp. Họ cảm thấy là một với tất cả, mà tâm thức của chính họ không bị mất; tâm thức họ có thể bành truớng và bao gồm tâm thức mọi người, đúng ra nó trở thành một với những tâm thức khác. Đây là sự hợp nhất mà sau đó con người luôn luôn khao khát có trở lại, sự hợp nhất họ đã cảm nhận rất thật, mà ở những cõi thấp không thể nào có được dù hết sức cố gắng. Kinh nghiệm này vượt quá những giấc mơ cao tột của họ, và họ nhận thấy tất cả nhân loại là một với Bản Ngã thâm sâu nhất của họ.

...Người đã đến trình độ hợp nhất, thời gian lẫn không gian đều bị họ chinh phục, và chúng không còn là rào cản đối với họ. Càng leo lên mỗi giai đoạn cao hơn, con người càng thấy ít rào cản hơn; thí dụ như vật chất thuộc cõi trung giới ít phân chia hơn vật chất cõi trần, và sự ngăn cách giữa một người với các huynh đệ của họ giảm đi rất nhiều. Thể vía di chuyển rất nhanh chóng, có thể nói con người đã chinh phục thời gian và không gian, vì họ đi xuyên qua không gian nhanh đến nỗi họ cảm thấy chúng mất khả năng chia cắt họ và các bạn bè.

Lên đến cõi trí, con người có được năng lực cao hơn. Khi nghĩ đến một nơi chốn, họ hiện diện ngay nơi đó; khi nghĩ đến một người bạn, người bạn hiện diện trước mặt họ. Tâm thức con người vượt quá giới hạn của vật chất, không gian và thời gian, và con người hiện diện bất cứ nơi nào mà họ muốn. Mọi vật mà họ thấy, họ thấy ngay tức khắc vào lúc mà họ chú ý đến chúng. Mọi âm thanh mà họ nghe, họ nghe toàn thể âm thanh như một ấn tượng đơn độc. Vật chất, không gian và thời gian, như được biết đến ở cõi trần, đều không tồn tại ở cõi trí, chuỗi nối tiếp không còn hiện hữu trong ‘‘hiện tại vĩnh cửu’’.

Khi con người lên cao hơn, hàng rào ngăn cách giữa những tâm thức biến mất, họ cảm nhận là một với những tâm thức khác, họ có thể suy nghĩ như người khác suy nghĩ, cảm giác như người khác cảm giác, nhận biết như người khác nhận biết. Con người có thể xâm nhập vào giới hạn của người khác trong một lúc, để hiểu chính xác người ấy đang nghĩ gì, nhưng vẫn giữ trọn ý thức của riêng mình. Họ có thể sử dụng kiến thức thâm sâu hơn để giúp đỡ tư tưởng bị giới hạn, hẹp hòi, bằng cách tự đồng hóa với tư tưởng đó để làm cho nó mở rộng một cách nhẹ nhàng giới hạn của nó. Khi không còn chia cách với những kẻ khác, họ đảm nhận nhiệm vụ mới trong thiên nhiên; họ nhận thấy Chân Ngã là một trong tất cả, và từ cõi đại đồng này họ gởi năng lượng xuống thế gian. Ngay đối với những động vật thấp thỏi, họ cũng có thể cảm nhận được chúng hiện tồn như thế nào trong thế giới, và họ có thể giúp đỡ theo đúng nhu cầu của chúng.

Như thế, họ chinh phục không phải vì họ, mà vì tất cả. Họ đạt được năng lực mạnh mẽ chỉ để phụng sự vạn vật đang ở nấc thang tiến hóa thấp kém hơn. Bằng cách này, họ trở nên tự ý thức khắp nơi trên thế giới, họ có thể học đáp ứng với mọi tiếng kêu bi thương, mọi cảm giác vui sướng hay đau khổ. Khi đạt đến trình độ cao tột này, họ có tất cả, họ là một vị Chân Sư, ‘‘người không còn gì phải học hỏi nữa’’. Không phải ở mỗi lúc, tâm thức của Chân Sư chứa tất cả mọi kiến thức, nhưng không điều gì mà Ngài không biết được khi tâm thức Ngài chú ý vào nó. Trong vòng tiến hóa này, không có gì Ngài không thông hiểu, và như thế Ngài có thể trợ giúp tất cả.

Đó là sự khải hoàn tối hậu của con người.

...Điều bí nhiệm là khi con người phát triển, tâm thức dần dần mở rộng ra để bao gồm càng ngày càng nhiều, trong khi nó trở nên trong sáng hơn, sống động hơn, mà không mất sự nhận thức về chính nó. Khi một điểm đã trở thành một khối hình cầu, khối cầu nhận thấy chính nó là một điểm. Mỗi điểm chứa đựng tất cả, và tự biết nó là một với những điểm khác. Cái bên ngoài được thấy như là sự phản ảnh của cái bên trong. Thực Tại là Sự Sống Duy Nhất, và sự dị biệt chỉ là ảo ảnh cần được khắc phục.

Trích: Con Người và các Thể - Annie Besant


Thứ Tư, 15 tháng 1, 2020

Phân biệt canh tác hữu cơ, canh tác thuận tự nhiên, và canh tác đa dạng sinh học

Tác giả: Jerry Do

Trước giờ có rất nhiều bạn nhắn tin hỏi tôi canh tác hữu cơ khác canh tác thuận tự nhiên như thế nào, làm sao phân biệt canh tác thuận tự nhiên (natural farming) và canh tác đa dạng sinh học (bio dynamic). Ba loại hình canh tác này thực ra rất khác nhau nhưng vì chúng cho ra sản phẩm có độ “sạch” khá tương đồng nên người tiêu dùng rất khó phân biệt nếu chỉ dựa vào sản phẩm.

1. Canh tác thuận tự nhiên (natural farming):

Đây là tập hợp những loại hình canh tác bền vững, tuyệt đối tôn trọng các quy luật vận hành của tạo hóa và dựa hoàn toàn vào thiên nhiên cũng như môi trường sống xung quanh để làm nông nghiệp. Mọi loại phân thuốc tổng hợp đều không được phép sử dụng, các kĩ thuật xen canh/luân canh được tận dụng để tăng độ màu mỡ cho đất và chống xói mòn. Đất đai luôn có đủ thời gian “nghỉ ngơi” sau mỗi vụ thu hoạch và nguyên lý “trả lại cho đất” luôn được áp dụng triệt để (chỉ lấy những gì chúng ta thực sự cần, còn lại tất cả phải trả về cho đất). Điểm nổi bật của canh tác thuận tự nhiên là hạn chế những tác động của con người (như bón phân, làm cỏ, tưới tiêu, cày xới…) đối với các quá trình tương tác của tự nhiên. Một trong những người tiên phong thực hiện phương thức canh tác này trên thế giới là một nông dân người Nhật có tên là Masanobu Fukuoka. Thực ra mô hình canh tác thuận tự nhiên đã có từ rất lâu trước khi ngài Fukuoka được biết đến vì nó chính là nông nghiệp truyền thống mà cha ông chúng ta đã thực hành và kế thừa qua nhiều thế hệ.

Hai đại diện tiêu biểu của canh tác thuận tự nhiên là:

a) Permaculture: mô hình canh tác này “bắt chước” sự vận hành của các hệ sinh thái trên Trái đất (đặc biệt là rừng), thiết kế vườn gồm nhiều tầng tán chú trọng đa dạng sinh học và tuân thủ chặt chẽ các điều kiện tự nhiên và địa lý của khu vực để biến khu vườn thành một hệ sinh thái thu nhỏ bền vững nằm trong tổng thể các hệ sinh thái to lớn hơn. Mô hình này có thể áp dụng cho các hộ nông dân nhỏ lẻ (không có diện tích đất canh tác lớn) và đặc biệt đề cao khía cạnh trí tuệ, đạo đức của nông nghiệp bền vững.

b) Agroforestry: mô hình canh tác xen kẽ với rừng, nương nhờ sự đa dạng và cân bằng sinh học sẵn có của rừng để kết hợp trồng cấy/chăn nuôi, giúp đất đai thêm màu mỡ và chống xói mòn. Mô hình này được áp dụng rất thành công ở Châu Phi và Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, canh tác thuận tự nhiên có điểm yếu là không có tiêu chuẩn hay quy định khắt khe về hạ tầng như canh tác hữu cơ hoặc canh tác đa dạng sinh học. Khi môi trường sống xung quanh bị ô nhiễm, canh tác thuận tự nhiên rất dễ bị nhiễm độc từ đất đai, nguồn nước, không khí…Nếu muốn tạo ra sản phẩm thực sự “sạch”, các chủ vườn bắt buộc phải thực hiện thanh lọc và cách ly hạ tầng nông nghiệp.

2. Canh tác hữu cơ (organic farming):

Đây cũng là mô hình canh tác bền vững nhưng khác biệt ở chỗ áp dụng triệt để những thành tựu của công nghệ sinh học và dựa trên những quy chuẩn hữu cơ (vd: USDA Organic, EU Organic, Organic JAS, Bio Suisse…) để kiểm soát quy trình canh tác/thu hoạch/bảo quản/xử lý/đóng gói cũng như các yếu tố hạ tầng như đất đai, nguồn nước, không khí, nhà xưởng, máy móc…

Thực ra từ “organic” trong tiếng Anh không có từ tương ứng trong tiếng Việt nên người ta hay dịch tạm là “hữu cơ”. Trong tiếng Anh, từ “organic” bắt nguồn từ chữ “organism” (sinh vật sống) và “organ” (các bộ phận chức năng của một cơ thể sống). Organic farming hiểu đơn giản là phương thức canh tác dựa trên các sinh vật sống để tạo ra sự cân bằng sinh học một cách bền vững.

Đặc điểm nổi bật của canh tác hữu cơ là các yếu tố đầu vào phải đạt chuẩn hữu cơ (thành phần 100% hữu cơ và được chấp nhận sử dụng), ví dụ: phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học ngăn sâu bọ, các loại kháng sinh từ thảo dược hỗ trợ cây trồng…Đặc điểm này khiến canh tác hữu cơ rất dễ bị nhầm với canh tác thuận tự nhiên. Canh tác hữu cơ vẫn có thể trồng chuyên canh một loại cây trên một diện tích lớn, không bắt buộc xen canh/luân canh như canh tác thuận tự nhiên, miễn sao đáp ứng các quy chuẩn hữu cơ là được. Chăn nuôi hữu cơ vẫn cho phép dùng các loại vacxin/kháng sinh trong danh mục quy định.

Mặc dù không bắt buộc nhưng nếu muốn tiết kiệm chi phí và công sức thì vườn canh tác hữu cơ vẫn phải áp dụng các nguyên lý tự nhiên như xen canh/luân canh, đa dạng cây trồng/vật nuôi, tuần hoàn chất dinh dưỡng…

Công nghệ phổ biến nhất trong canh tác hữu cơ hiện nay là EM (Effective Microorganism – vi sinh vật hoạt động), bắt nguồn từ giáo sư người Nhật có tên là Teruo Higa. Công nghệ này dựa vào việc bổ sung các EM có tác dụng chuyển hóa các hợp chất hữu cơ trong đất thành chất dinh dưỡng mà cây hấp thụ được. Theo giáo sư Higa, ước tính có khoảng 80 chủng EM tham gia tích cực vào quá trình này, chia làm 3 loại: EM xấu (tiêu cực), EM tốt (tích cực), và EM trung tính. Trong bất cứ môi trường nào (đất, nước, không khí, hệ tiêu hóa), tỉ lệ giữa EM xấu và EM tốt đóng vai trò then chốt quyết định sức khỏe của hệ sinh thái vì EM trung tính sẽ trở thành EM xấu hoặc EM tốt tùy thuộc vào các điều kiện của môi trường xung quanh chúng.

Mặc dù được áp dụng tại hơn 60 quốc gia, công nghệ EM vẫn tồn tại nhiều vấn đề mà nhà sản xuất cần phải lưu ý:

a) Các chủng EM khi đưa vào những hệ sinh thái nhất định sẽ tương tác với các chủng EM hiện hữu. Việc các “khách lạ” này sẽ làm biến đổi hệ sinh thái ra sao vẫn còn là một vấn đề mà khoa học hiện đại chưa lường hết được. Tuy nhiên, có một điều chúng ta biết chắc chắn là hệ sinh thái chỉ khỏe mạnh khi các EM phối hợp “nhuần nhuyễn” và “ăn ý” để đạt tới một trạng thái cân bằng bền vững.
b) Thực tế áp dụng cho thấy nhiều loại EM “lạ” khi đưa vào hệ sinh thái thường không tồn tại được lâu và bị “lép vế” rất nhanh. Do vậy, nhà sản xuất phải liên tục bổ sung EM để duy trì tác dụng lên cây trồng, dẫn đến chi phí tăng và phụ thuộc vào nguồn cung EM.
c) Đa số các loại phân vi sinh bán rộng rãi trên thị trường chỉ bổ sung các loại EM chuyển hóa các nguyên tố đa/trung lượng (N, P, K, C…) nhưng sự khác biệt về chất lượng sản phẩm lại chủ yếu đến từ việc chuyển hóa các nguyên tố vi lượng (hơn 100 nguyên tố). Nhà sx sử dụng công nghệ EM bắt buộc phải có kiến thức sâu rộng trong lĩnh vực hóa sinh để tiến hành các thí nghiệm chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.
d) Khi sử dụng các loại phân vi sinh, nhà sx cần chú ý thành phần nguyên liệu ủ vì hoàn toàn có khả năng nguyên liệu bị nhiễm các tạp chất độc hại từ quá trình chăn nuôi công nghiệp hoặc canh tác hóa học.

Bên cạnh công nghệ EM, một công nghệ khác đang được phát triển thời gian gần đây là MS (viết tắt của Microbial Stimulation). Thay vì bổ sung các EM “lạ” bên ngoài vào hệ sinh thái, các loại phân bón đặc biệt có thành phần hữu cơ được đưa vào để kích thích môi trường xung quanh, từ đó hoán chuyển tỉ lệ EM tốt-xấu của cộng đồng hiện hữu và tạo ra các tác dụng tích cực lên cây trồng cũng như chất lượng sản phẩm. Điểm mạnh của công nghệ này là chi phí thấp và có thể áp dụng cải tạo mọi loại đất, dù “nghèo” cỡ nào cũng được. Vì vậy canh tác hữu cơ không nhất thiết phải ứng dụng EM và ngược lại thành phần phân bón chứa EM cũng chưa chắc 100% hữu cơ.

Hiện nay các quốc gia đi đầu trong công nghệ MS như Hoa Kỳ và Israel đang đầu tư nhiều tiền bạc và công sức để “học hỏi” từ hệ sinh thái của rừng nguyên sinh vốn được xem là cân bằng và bền vững nhất trên Trái Đất.

Nhiều nhà sx rất hay sử dụng cụm từ “hướng hữu cơ” trong quảng cáo hoặc trên bao bì sản phẩm. Thực ra canh tác hữu cơ hoàn toàn không tồn tại khái niệm này, mà chỉ có 2 trạng thái: (1) Đang chuyển đổi (tức là đang trong quá trình hoàn thiện và khắc phục để xin cấp chứng nhận); (2) Đạt chuẩn (vườn đã đạt quy chuẩn và được cấp chứng nhận cho diện tích canh tác hữu cơ cụ thể).

3. Canh tác đa dạng sinh học (bio dynamic):

Đây là mô hình canh tác nông nghiệp hình thành từ những ý tưởng về giáo dục/xã hội/môi trường/chiêm tinh học của nhà triết học Rudolf Steiner. Thực ra trong tiếng Việt không có thuật ngữ tương đương nên tôi dịch tạm là canh tác đa dạng sinh học. Về bản chất bio dynamic cũng là một mô hình canh tác hữu cơ nhưng bổ sung thêm những quy định hết sức ngặt nghèo như sau (cụ thể hóa bằng các bộ quy chuẩn khắt khe):

-Đa dạng sinh học (bio diversity): vườn phải kết hợp luân canh/xen canh nhiều loại cây trồng vật nuôi, chia làm nhiều khu vực và tầng tán khác nhau để tối ưu hóa quan hệ cộng sinh giữa các loài.
-Hệ sinh thái khép kín: vườn được vận hành như một hệ sinh thái khép kín và cách ly với môi trường bên ngoài.
-Tuần hoàn dưỡng chất: vườn phải tự sản xuất cây/con giống và chủ động nguồn dinh dưỡng/phân bón trên cơ sở tuần hoàn khép kín, dưỡng chất được luân chuyển sử dụng cho các nhóm cây trồng/vật nuôi khác nhau. Khi mới chuyển đổi từ canh tác hữu cơ, vườn vẫn được cho phép sử dụng một tỉ lệ nhất định các loại phân bón/thức ăn hữu cơ mua từ bên ngoài (khoảng 50%), nhưng phải có lộ trình hướng đến việc tự chủ hoàn toàn.

Nhìn một cách tổng thể, bio dynamic chính là sự kết hợp của canh tác hữu cơ và canh tác thuận tự nhiên do sự kế thừa những đặc điểm riêng biệt của cả hai mô hình này.

Để có thể xin cấp chứng nhận bio dynamic thì trước tiên vườn phải đạt chuẩn organic. Hiện nay hai quy chuẩn canh tác bio dynamic phổ biến và uy tín nhất trên thế giới là Demeter USA (Hoa Kỳ) và Demeter EU (Châu Âu). Đức và Hoa Kỳ cũng là hai quốc gia có diện tích canh tác bio dynamic lớn nhất trên thế giới.

Kết bài

Canh tác thuận tự nhiên, canh tác hữu cơ, hay canh tác đa dạng sinh học đều là những loại hình canh tác bền vững, thân thiện với môi trường và tạo ra những sản phẩm sạch. Tuy nhiên chúng đều là những loại hình canh tác đòi hỏi chất xám và sự đam mê nghiên cứu tìm tòi của nhà sản xuất. Chỉ cần chịu khó quan sát, các bạn sẽ phân biệt được ngay các mô hình canh tác này và đẳng cấp cũng như trình độ của mỗi nhà sản xuất luôn thể hiện rất rõ qua chất lượng sản phẩm. Như tôi đã từng nói trong một bài viết, “giấc mơ” hữu cơ nào cũng đáng quý nên mô hình nào cũng đáng được trân trọng. Chỉ có điều các bạn phải trung thực với những gì các bạn có thể làm và can đảm đi tới cuối con đường đã lựa chọn.

Chúc các bạn sức khỏe và những lựa chọn sáng suốt,

Sài Gòn, 09/09/2018

Jerry Do

Tài liệu tham khảo:
https://www.demeter-usa.org/downloads/Organic-vs-Biodynamic.pdf
https://en.wikipedia.org/wiki/Biodynamic_agriculture
https://en.wikipedia.org/wiki/Organic_farming
https://en.wikipedia.org/wiki/Permaculture
https://mountaincreekwholefoods.com.au/organic-vs-biodynamic/
https://www.bellamysorganic.com.au/blog/what-is-the-difference-between-biodynamic-and-organic-farming/
https://en.wikipedia.org/wiki/Agroforestry
https://en.wikipedia.org/wiki/Effective_microorganism
https://aem.asm.org/content/80/10/3034
https://www.whoi.edu/oceanus/feature/minerals-made-by-microbes
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5610682/
https://www.researchgate.net/publication/225116198_Significance_of_earthworms_in_stimulating_soil_microbial_activity

Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2020

Con Người

Tác giả: Không Không

- Con người là sự kết hợp giữa linh hồn và các thân thể, là một phần năng lượng của linh hồn đang nhúng vào các thân thể người vượn.

Có 3 loại thân thể chính:
1. Thể xác: chi phối các chức năng hoạt động, trải nghiệm, sáng tạo của con người
2. Thể cảm dục: chi phối các chức năng cảm giác, dục vọng, cảm xúc...
3. Thể trí: chi phối các chức năng suy nghĩ, tưởng tượng, tư duy, tính toán, phân tích...

Phần năng lượng linh hồn trong con người, thường được gọi là tiểu hồn, hay còn được gọi là tâm, thần thức, là phần mà linh hồn gửi vào trong tam giới (hay thế giới vật lý) để học hỏi, trải nghiệm và sáng tạo thêm. Phần này người đời thường hay gọi là lương tri, hay lương tâm, thường trú ngụ nơi trái tim của mỗi con người. Nó thường là phần sáng suốt hơn những phần khác, tuy vậy, đôi khi nó bị các tư tưởng và cảm xúc tiêu cực che lấp, làm nó trở nên u mê, đen tối và mờ mịt.

Tam giới, là trường tiến hóa chính của con người, gồm có 3 cảnh giới chính:
1. Cõi hạ giới (thế giới của vật chất đậm đặc): chia làm hai phần, phần vật chất đậm đặc gồm có con người, động vật, thực vật, khoáng vật sinh sống, phần vật chất ether gồm có các tinh linh, tiên nữ, các chú lùn, các loài rồng, yêu tinh, yêu quái...cư ngụ.
2. Cõi trung giới (thế giới của dục vọng và cảm xúc): chia làm hai phần, phần thứ nhất tính từ cõi địa ngục trở lên đến cõi trời 33, phần thứ hai tính từ cõi dạ ma trở lên đến cõi tha hóa tự tại.
3. Cõi thượng giới (thế giới của tư tưởng): chia làm hai phần, hạ thiên sắc giới và thượng thiên vô sắc giới, là nơi cư ngụ của các vị phạm thiên sắc giới và phạm thiên vô sắc.

(Ở đây trong Phật giáo có thể có cách chia khác, đó là cõi hạ giới và cõi trung giới được gộp chung thành cõi dục giới, cõi thượng giới chia làm hai cõi, là sắc giới và vô sắc giới. Nên tam giới trong Phật giáo là dục giới, sắc giới và vô sắc giới)

Các thế giới cao hơn, là trường tiến hóa chính của linh hồn, gồm có các cảnh giới chính:
1. Cõi bồ đề: thế giới của tình yêu và minh triết.
2. Cõi ý chí: là thế giới của ý chí và tinh thần.
3. Cõi hợp nhất: thế giới của sự hợp nhất và sáng tạo.
4. Cõi thiêng liêng: thế giới của Thượng đế, thế giới của năng lượng Sự Sống.

Tam giới, chính là nơi mà các tiểu hồn luân hồi, tái sinh đi tái sinh lại để học hỏi, trải nghiệm. Cho đến khi nào tiểu hồn có thể học hết các bài học, trải nghiệm hết mọi thứ mình cần trải nghiệm ở tam giới, lúc ấy tiểu hồn có thể rời khỏi tam giới, trở về hợp nhất với linh hồn và sinh hoạt ở cõi bồ đề, cõi giới của các bậc giác ngộ. Từ đây, linh hồn cùng với tiểu hồn tiếp tục học hỏi và tiến hóa đi lên các thế giới cao hơn.

***Nhiều người hỏi rằng khi tiểu hồn hợp nhất với linh hồn thì tiểu hồn còn ý thức, còn thấy là mình nữa không?

Một người còn dính mắc nhiều vào tâm trí, còn thấy có ta, có tôi, còn thấy mình tách biệt với mọi người, thì mới còn trong đầu những câu hỏi như vậy.
Vì các bạn chưa thoát khỏi sự hoạt động của tâm trí, chưa thoát khỏi sự đồng hóa với tâm trí, chưa thoát khỏi sự dính mắc với tâm trí, các bạn chưa chứng nghiệm được trạng thái tâm thức cao hơn, cho nên các bạn còn ý thức về một bản ngã, về một cái tôi nào đó tồn tại trong mình.
Khi vượt qua khỏi tâm trí, các bạn sẽ trải nghiệm một trạng thái khác lạ, một trạng thái không có ngã, không còn thấy mình là một khối gì đó tách biệt với những thứ bên ngoài, các bạn thấy mình bao la rộng lớn, hợp nhất với mọi thứ xung quanh, các bạn chứng ngộ một trạng thái an lạc và tỉnh thức, các bạn vẫn có sự thấy biết, tuy vậy các bạn không còn cho là có mình có ta nữa. Và trong trạng thái đó, các bạn sẽ không còn ý niệm nào về cái tôi, cái ta tách biệt, và cũng không thấy cái bản ngã thực sự nào tồn tại trong mình, các bạn cũng sẽ không còn đặt câu hỏi sau khi Niết bàn còn ta hay không còn ta, khi hợp nhất với linh hồn liệu có còn ta không?

Hãy cố gắng tu tập để chứng nghiệm trạng thái tôi vừa nói, đừng cố gắng đặt câu hỏi về tôi hay ta nữa. Bởi nếu có giải đáp được thắc mắc đó, chúng chỉ làm thỏa mãn tâm trí của bạn, chúng chỉ làm tăng thêm sức mạnh của tâm trí, mà không đưa đến sự chứng nghiệm thực sự nào. Hãy đến để mà thấy. Hãy kinh nghiệm rồi bạn sẽ biết.

- Ba cảnh giới thấp của Trái đất, thực ra chỉ là những cõi phụ cho sự học hỏi và tiến hóa của linh hồn, các thế giới cao hơn mới là trường tiến hóa chính của linh hồn. Do đó, linh hồn chỉ gửi các tiểu hồn của mình xuống nơi đây để học hỏi và trải nghiệm.

Tuy vậy, khi xuống nơi đây, trường vật chất rung động quá nặng nề, do đó làm hạ thấp rung động của tiểu hồn, cùng với quá trình học hỏi và trải nghiệm, đã làm cho các tiểu hồn quên mất mình là ai và trở nên dính mắc nặng nề với thế giới vật chất. Điều này gây trở ngại đến sự tiến hóa và đi lên các cõi giới cao hơn của linh hồn.

Giống như việc bạn đi công tác xa Nhà một thời gian. Khi công tác ở nơi đó, mọi thứ quá đẹp đẽ và tuyệt vời, làm cho bạn ham thích sống ở đó mà chẳng muốn trở về Nhà nữa. Và khi bạn ở đó một thời gian khá lâu, bạn chẳng còn nhớ được đường trở về Nhà nữa.

Cũng vậy, các tiểu hồn khi ở Trái đất quá lâu, trở nên dính mắc vào các cảnh vật nơi đây, do đó mà quên mất bản thân mình và không còn có khả năng để trở về thế giới linh hồn được nữa.
Cho nên Thượng đế mới gửi các linh hồn giác ngộ, các vị Phật, các vị Chúa, các bậc Minh sư, Đạo sư trở xuống thế gian, đưa ra các pháp môn để giúp tiểu hồn nhớ lại mình thực sự là ai, giúp các tiểu hồn phát triển năng lực tình yêu và minh triết, đồng thời buông bỏ các dính mắc với thế giới vật chất, với các thân thể vật lý nặng trược, không cho chúng là mình, là ta, là của ta nữa.

Do đó, con đường giải thoát có thể có nhiều, tuy vậy, tất cả chúng đều có một mục đích duy nhất là đưa các tiểu hồn thoát khỏi sự kìm kẹp của các thế giới vật lý, thoát khỏi vòng luân hồi khổ đau, trở về với thế giới của sự giải thoát, thế giới của các linh hồn giác ngộ.

- Bạn có còn dính mắc với thân xác vật chất này không, bạn có còn cho nó là mình không, bạn có còn dính mắc với những thứ xung quanh mình, bạn có còn cho nhà này là của tôi, xe này là của tôi không, bạn có còn cho người này là vợ tôi, người này là con của tôi, người này là anh em của tôi...

Bạn có kiểm soát được các khía cạnh cảm xúc của mình chưa, bạn có còn tham lam, sân hận không, khi bạn tức giận ai đó, bạn có biết cách kiểm soát nó chưa, bạn có biết cách chữa lành và để nó ra đi được chưa, hay bạn cứ chạy theo cơn giận ấy và để cơn giận ấy âm ỉ trong bạn. Khi tham dục nổi lên, bạn có biết cách điều phục nó chưa, bạn có biết cách buông bỏ nó chưa, hay bạn còn cho nó là mình, bạn nuông chiều nó, bạn để nó kiểm soát bạn?

Bạn có còn cho mình khác biệt với mọi người không, bạn có còn nghĩ bạn thông minh hơn ai đó, bạn có còn nghĩ bạn xinh đẹp hơn ai đó, thông minh, tài giỏi, tốt bụng, xấu xa, thấp hèn, cao thượng..hơn một ai đó. Khi nhìn thấy cái đẹp gì đó, tâm bạn có xao động không, bạn có mong muốn nhìn nó không? Khi nghe, ngửi, nếm, xúc chạm một điều gì khả ý khả ái, bạn có ham thích nó, bạn có muốn nó là của mình không, bạn có tìm cách chiếm lấy nó hay muốn có nó nhiều hơn nữa không?

Bạn đã biết cách điều phục những suy nghĩ của mình chưa, bạn đã biết cách dừng suy nghĩ của mình trong 5 phút, 10 phút, 1 tiếng hay 2 tiếng chưa, hay bạn để cho những suy nghĩ cứ liên tục chạy trong đầu bạn suốt 24/24 giờ, bạn có hối hận về vấn đề gì đó không, bạn đã biết cách vượt qua nó chưa?
Bạn có hay bị buồn ngủ, rã rượi, mệt mỏi không, bạn đã biết cách điều phục nó chưa. Bạn có hay suy nghĩ lung tung không, bạn có biết cách định nó vào một đối tượng nào đó trong 1, 2 hoặc 3 giờ chưa? Bạn có ham thích được sống trên thiên đường, bạn có ham thích được sống trong cõi trời chân phúc, bạn có mong muốn được là chư thiên, bạn có mong muốn được là phạm thiên không?

Nếu bạn có tất cả những vấn đề trên, điều đó có nghĩa là bạn vẫn còn những dính mắc với thân thể, cảm xúc và tư tưởng, bạn vẫn còn chưa buông bỏ, xả ly được chúng hoàn toàn, do đó mà có thể bạn vẫn còn trong luân hồi và tái sinh.

- Luân hồi tái sinh không phải là hình phạt gì đó ghê gớm hay ngục tù tăm tối mà bạn cần phải thoát ra khỏi nó. Thực ra, nó được thiết kế để giúp cho bạn học hỏi và trải nghiệm tốt hơn.
Tuy nhiên, nếu bạn không thức tỉnh, không biết mình thực sự là ai, thì bạn rất dễ bị dòng đời lôi kéo, khiến cho bạn mất tự do và khiến cho bạn đau khổ.
Và nếu bạn không buông bỏ dính mắc với các cảnh vật cũng như với các thân thể, thì có thể bạn sẽ vẫn tạo ra nghiệp lực lôi kéo bạn trong luân hồi dài lâu.
Và lúc này, luân hồi có thể là ngục tù thực sự đối với bạn.

Cho nên, nếu bạn không muốn đau khổ và thoát ra khỏi luân hồi, nếu bạn muốn trải nghiệm thế gian một cách tự do tự tại, nếu bạn muốn trở về thế giới linh hồn, hãy sớm thức tỉnh, hãy biết mình thực sự là ai, hãy buông bỏ các dính mắc với thế giới vật chất này.

Nguyện cho vạn vật được thái bình,
Mong cho tất cả sớm thoát khỏi mọi khổ đau.

Thượng Đế và Linh Hồn

Tác giả: Không Không

THƯỢNG ĐẾ

Có nhiều quan điểm khác nhau về Thượng đế.
Các giáo lý Phật giáo tin rằng không có Thượng đế, không có sáng tạo chủ nào cả, tất cả mọi thứ đều là do duyên sinh, do nhân duyên mà hình thành.
Nhiều nhà khoa học thời nay tin rằng mọi thứ được hình thành một cách ngẫu nhiên, theo một số quy luật nào đó, mà không tin vào Thượng đế, cũng như nhân quả báo ứng đời này đời sau.
Các giáo lý của Thiên Chúa giáo, Ấn độ giáo, Hồi giáo...thì tin rằng Thượng Đế (Thiên Chúa) là đấng cao cả nhất, đấng sáng tạo ra hết thảy mọi thứ, trong đó có cả linh hồn con người.

Thượng đế mà tôi muốn nói ở đây, chẳng phải là một vị vua trời nào đó ở cõi trời 33 (đao lợi) như người ta thường gọi là vua trời đế thích, cũng chẳng phải là vị vua trời Brahma nào đó ở cõi Hạ Thiên, cõi Phạm Thiên Sắc Giới. Thượng đế mà tôi muốn nói ở đây, như mọi người thường nói, là vị sáng tạo ra tất cả mọi thứ, là vị ở cõi giới cao nhất trong vũ trụ.
Vậy có thực sự Thượng Đế sáng tạo ra hết thảy mọi thứ, tất cả các cõi giới, tất cả các linh hồn? Hay tất cả đều là nhân duyên, đều do duyên sinh khởi, và trong đó, Thượng đế cũng có thể là một chúng sinh nào đó được sinh ra đầu tiên trong vũ trụ? Tôi để bạn tự trả lời câu hỏi này.

Bài viết này chỉ là câu chuyện của tôi về Thượng đế, niềm tin của tôi về Thượng đế, sự thấy biết của tôi về Thượng đế. Nó có thể đúng, hoặc nó có thể sai. Tôi chỉ kể ra đây, câu chuyện của tôi về Thượng đế. Nếu bạn có đọc nó, đừng vội tin nó, hãy xem đây như là một bài viết, một lý thuyết tham khảo mà thôi.

"Vũ trụ thuở ban sơ là một bầu khí vô cực hỗn độn vô tận vô biên, không bắt đầu, không kết thúc. Lúc này chưa có bất cứ thứ gì tồn tại cả, chưa có một cảnh giới nào hình thành cả, mà chỉ có các chất khí vô cực rung động, di chuyển rất nhanh. Lúc này, Thượng Đế cũng chưa có mặt.

Sau một thời gian không xác định, hoặc có thể nói thời gian lúc này chưa bắt đầu, các hạt khí vô cực này mới va chạm vào nhau, tương tác với nhau, hấp dẫn lẫn nhau, dần dần hình thành một khối khí vô cực, có khả năng tự nhận biết, tự nhận thức, tự phản ứng, tự lưu trữ thông tin, đây gọi là Thượng Đế.

Cũng giống như trong thuở ban sơ của Trái đất, các giọt Côaxecva được hình thành thông qua quá trình lý hóa của môi trường tự nhiên, là sự kết hợp của các chất khí khác nhau, có khả năng tự nhận thức, tự sinh sản và tự lưu trữ thông tin, sau đó chúng mới dần dần tiến hóa thành các sinh vật đơn bào, đa bào, sau đó là dạng người vượn ngày nay. Cũng vậy, Thượng đế được hình thành từ thuở ban sơ của vũ trụ trong bầu khí vô cực hỗn loạn. Những chất khí này dao động rất nhanh, nhanh nhất trong vũ trụ, chúng tương tác và kết hợp với nhau dần dần tạo thành một khối khí có khả năng tự nhận thức, tự sinh sản và tự lưu trữ thông tin, ấy chính là Thượng đế.

Khi Thượng đế được hình thành, Thượng đế bắt đầu tự tìm hiểu về chính mình, Thượng đế tương tác với môi trường khí vô cực xung quanh để hình thành thế giới cho riêng mình, đây là cõi đầu tiên của vũ trụ, hay thế giới của Thượng đế. Sau đó, với mong muốn trải nghiệm, sáng tạo và tự biết chính mình, Ngài bắt đầu kết hợp các hạt vô cực lại với nhau, để tạo ra các cảnh giới khác nhau trong vũ trụ (cho nên tất cả các cõi giới đều từ một hạt vật chất mà tạo nên).

Khi các cảnh giới hình thành, Ngài lại tiếp tục kết hợp các hạt vật chất trong cảnh giới ấy lại với nhau để tạo ra các hình thể, các mô hình năng lượng, các dạng chúng sinh khác nhau. Khi các hình thể, các dạng sống được hình thành, chúng cũng có khả năng tự hoạt động, tự nhận thức, tự sinh sản và tự lưu trữ thông tin. Bất kỳ một hình dạng, một thể thức sống nào trong vũ trụ cũng đều có khả năng tự nhận thức và tự lưu trữ thông tin. Và các dạng chúng sinh khác nhau, thực chất là các mô hình năng lượng khác nhau.

Khi Thượng đế kết hợp các hạt khí lại với nhau, rung động của chúng bị giảm đi, nhờ đó Thượng đế có thể kinh nghiệm tất cả các tần số rung động cao thấp khác nhau của vật chất.

Ta có thể thấy rằng, Thượng đế có thể do duyên của vũ trụ thuở ban sơ mà hình thành, và các cảnh giới, các chúng sinh, các hình thể sống, có thể do Thượng đế sáng tạo nên. Sáng tạo ở đây không có nghĩa là tạo ra thứ gì đó từ hư không, mà là tạo nên, tạo tác nên từ những thứ đã có sẵn, từ nguyên liệu đã có sẵn của vũ trụ.

Có thể nói mọi thứ do nhân duyên hình thành cũng đúng, bởi vì nguyên lý sáng tạo đầu tiên, là Thượng Đế, là do duyên mà hình thành. Có thể nói vũ trụ và chúng sinh do Thượng đế sáng tạo nên cũng đúng, bởi tất cả mọi thứ đều từ Thượng đế mà tạo nên.

Ta cũng sẽ thấy điều tương tự ở ngay chính trên Trái đất mà ta đang sống. Khi Trái đất lúc mới hình thành, các loại khoáng vật, thực vật, động vật loại nhỏ, đều do sự tiến hóa tự nhiên mà hình thành, lúc này chưa có bàn tay chúng sinh có ý thức nào tác động đến. Khi Trái đất trải qua hơn 3 tỷ năm, lúc ấy mới có các Đấng sáng tạo và các thiên thần tiến tới để phát triển các loại chúng sinh khác nhau và giúp các chúng sinh ấy phát triển, nhờ đó mà chúng ta mới có người vượn, các giống dân, các loại động vật, các loại thực vật phong phú và đa dạng như ngày nay. Quá trình tiến hóa là song đôi, vừa có chọn lọc tự nhiên, vừa có bàn tay từ các chúng sinh của các cõi giới cao hơn tác động vào.
Cũng vậy, vũ trụ chúng ta được như ngày nay, vừa là tiến hóa, chọn lọc tự nhiên, vừa có sự phát triển của các chúng sinh có ý thức, của các thiên thần, của Thượng Đế.

Trở lại quá trình hình thành của vũ trụ. Sau khi các cõi giới, các dạng chúng sinh khác nhau được hình thành, Thượng đế bắt đầu quá trình sinh sản của mình, hay có thể nói là quá trình tự phân chia cơ thể, để tạo ra các con cái của Ngài, ấy chính là các điểm linh quang của Thượng đế, các Linh hồn. Các linh hồn, ví như một tế bào trong cơ thể Thượng đế, mang đầy đủ các thông tin di truyền của Thượng đế, có khả năng để phát triển để trở thành Thượng đế, có khả năng sáng tạo ra các vũ trụ, có khả năng sinh ra những đứa con cũng y như Thượng đế vậy.

Cũng như con người, là sự kết hợp di truyền của cha và mẹ, ban đầu chỉ là một tế bào nhỏ bé, sau đó chúng phát triển, thu hút thêm vật chất từ bên ngoài, dần dần hình thành nên một con người đầy đủ. Sau đó chúng phát triển, lớn lên dựa theo những đặc tính di truyền đã có sẵn, kết hợp với quá trình tương tác với môi trường sống bên ngoài, chúng trở thành những con người trưởng thành, có những đặc điểm giống như cha mẹ của chúng, có những khả năng làm việc như cha mẹ của chúng, và chúng cũng có khả năng sinh sản như cha mẹ của chúng vậy.
Hay như các loài thảo mộc, ngũ cốc, khi được hình thành qua quá trình phát triển tự nhiên, đến một giai đoạn nào đó, chúng có khả năng tự đâm hoa, kết trái. Sau đó những hạt giống của chúng, sẽ lìa khỏi chúng, rơi vào đất. Dần dần những hạt giống này, dựa trên sức sống của bản thân, cùng với sự tác động của các yếu tố bên ngoài, cũng phát triển thành những cái cây y như cha mẹ của chúng, và chúng cũng có khả năng sinh sản như những cái cây cha mẹ vậy.

Vậy, tại sao Thượng đế cần phải sinh ra các Linh hồn? Bởi vì, thứ nhất, Thượng đế muốn có bạn, muốn có những chúng sinh có ý thức có thể nói chuyện cùng Thượng đế, có thể hiểu được Thượng đế. Ví như người cha già, muốn có những đứa con, để vị cha ấy có thể nói chuyện với chúng, có thể chia sẻ những kinh nghiệm cho chúng, có thể dạy dỗ chúng lớn khôn.
Thứ hai, Thượng đế cần những Linh hồn để quản trị các thế giới mà Ngài mới sáng tạo nên, Ngài cần những đứa con của Ngài để chúng có thể quản trị và phát triển các thế giới mà mình sáng tạo nên, vì dù sao những đứa con của Ngài cũng có trình độ hiểu biết và khả năng làm việc tốt hơn những tạo vật khác, bởi những đứa con của Ngài mang các đặc điểm di truyền của Cha chúng. Nếu không có những đứa con của Ngài, vũ trụ sẽ không được to lớn và phát triển như ngày nay. Những đứa con của Thượng đế thì khác với những sinh vật có ý thức khác do Thượng đế tạo nên, do bởi chúng mang những thông tin di truyền và một phần hiểu biết của Thượng đế. Những đứa con này ấy chính là các Linh hồn hay các nhóm Linh hồn.

Các linh hồn, sau khi được thai nghén từ Thượng đế, bắt đầu tách rời khỏi Thượng đế, đi vào các vương quốc tinh thần và vật lý đã có sẵn, học cách kết hợp với các dạng sống đã có sẵn, duy trì, phát triển chúng, học cách sáng tạo như Thượng đế đã sáng tạo. Sau đó chúng sẽ lớn lên, đầy đủ hiểu biết, và bắt đầu tạo ra các vũ trụ y như Thượng đế đã tạo ra vậy.

Có 2 loại thế giới cho Linh hồn học hỏi và sáng tạo.
Thứ nhất, đó là các thế giới tinh thần. Linh hồn có thể lựa chọn quá trình học hỏi và sáng tạo của mình bắt đầu từ các thế giới tinh thần, học cách sử dụng các năng lực thuộc thế giới tinh thần như năng lực tình yêu thiêng liêng, năng lực minh triết, năng lực ý chí, năng lực của sự hợp nhất.
Thứ hai, đó là các cảnh giới vật lý. Linh hồn có thể học hỏi và phát triển thêm ở các cảnh giới vật lý, học cách sử dụng các năng lực tư tưởng, năng lực cảm xúc, năng lực sử dụng vật chất đậm đặc.

Sau khi đã học hỏi, sử dụng và làm chủ hoàn toàn các năng lực tinh thần cũng như các năng lực vật lý, Linh hồn bắt đầu quá trình sáng tạo của mình bằng cách tạo ra các vũ trụ, duy trì và quản lý các vũ trụ, mở rộng và phát triển chúng. Ngoài ra, linh hồn lúc này cũng có khả năng sinh ra những đứa con để hướng dẫn và dạy dỗ chúng trở thành Thượng đế như chính mình vậy.
Cũng giống như người cha, người mẹ sinh ra chúng ta. Sau đó chúng ta lớn lên, đủ trưởng thành, chúng ta cũng bắt đầu sinh ra những đứa con như cha mẹ của chúng ta vậy. Chúng ta chỉ có thể sinh ra những đứa con khi chúng ta trưởng thành ở một mức độ nào đó, cũng vậy, linh hồn cũng có thể sinh ra các linh hồn khi linh hồn tiến hóa đến một mức độ nào đó. Thật ra, trên sao dưới vậy.

Do đó, mỗi một linh hồn mang một sứ mệnh to lớn, mỗi một linh hồn có một tiềm năng vĩ đại. Linh hồn không đầu thai xuống Trái đất chỉ để trải nghiệm đi trải nghiệm lại quá trình sinh ra, lớn lên, đi học, đi làm, lấy vợ, lấy chồng, sinh con đẻ cái, hưởng thụ cuộc sống, hưởng thụ tuổi già rồi chết đi một cách vô ích.
Tất nhiên, đó là những quá trình mà linh hồn cần phải học lúc ban đầu, nhưng sau đó linh hồn cần phải học các bài học cao hơn, đó là nắm lấy các quy luật vận hành cuộc sống, các quy luật điều khiển thiên nhiên, học cách kiểm soát, điều khiển các khía cạnh cảm xúc, khía cạnh tư tưởng của chính mình, học cách sử dụng các năng lực tinh thần cao hơn như tình yêu tinh khiết, minh triết, ý chí, vận dụng các trường năng lượng cho mục đích tạo tác, sáng tạo...

Linh hồn đến với Trái đất không chỉ là sinh ra và chết đi như một người bình thường.
Mỗi một linh hồn có một sứ mệnh to lớn.
Mỗi một linh hồn có một tiềm năng vĩ đại!

Đây là câu chuyện của tôi về Thượng Đế.
Có thể câu chuyện của bạn về Thượng Đế khác câu chuyện của tôi.
Hoặc cũng có thể bạn chẳng có câu chuyện nào về Thượng Đế cả.
Nhưng không sao.
Dù bạn tin có Thượng Đế hay không tin có Thượng Đế, bạn vẫn có thể sống và giác ngộ như bao người đã từng sống và giác ngộ.

Nguyện cho vạn vật được thái bình,
Mong cho tất cả sớm thoát khỏi mọi khổ đau.


LINH HỒN

Linh hồn là một điểm linh quang của Thượng Đế, là một tế bào của Thượng đế, được sinh ra từ Thượng đế, mang các đặc điểm duy truyền và một phần hiểu biết của Thượng đế, cho nên linh hồn có khả năng để phát triển trở thành Thượng đế vậy.

Quê hương đích thực của các Linh hồn là thế giới Thượng đế, bởi linh hồn là những đứa con của Thượng đế. Tuy vậy, linh hồn bắt đầu quá trình học hỏi và sáng tạo của mình từ thế giới bồ đề trở lên, là thế giới của tình yêu và minh triết, sau đó tiến lên thế giới của ý chí, rồi đến thế giới của sự hợp nhất.
Sau khi các cảnh giới vật lý được hình thành (ở Trái đất gọi là tam giới) thì nhiều linh hồn bắt đầu mở rộng quá trình học hỏi của mình sâu hơn nữa, bằng cách phân các mảnh năng lượng(các tiểu hồn) của mình xuống các thế giới vật lý, mang lấy các dạng thân thể khác nhau, từ đó mà có con người. Con người là sự kết hợp của linh hồn và các thân thể người vượn có ý thức.

Quá trình từ Thượng đế sinh ra các linh hồn cũng như quá trình từ người mẹ sinh ra những đứa con. Những đứa con này mang đầy đủ đặc tính di truyền được thừa hưởng từ bố mẹ cho nên chúng có khả năng để phát triển thành một con người toàn vẹn và đầy đủ.
Còn các tiểu hồn ví như các cơ quan, các bộ phận của con người ấy, chúng luôn liên kết với nhau và đảm nhiệm các chức năng khác nhau trong cơ thể. Các bộ phận này không thể rời cơ thể để tạo thành các cơ thể mới giống như người mẹ sinh ra những đứa con được.

Thượng đế sinh ra các linh hồn, là phần tinh thần của con người. Còn cha mẹ trần thế, sinh ra thể xác cho con người.
Đối với các linh hồn, Thượng đế là người cha, người mẹ. Đối với Thượng đế, các linh hồn là những đứa con thân yêu của mình. Do vậy, Thượng đế rất mực yêu thương linh hồn, Thượng đế không phán xét con cái của mình, Thượng đế không xử tội những đứa con của mình. Những điều Thượng đế làm, điều là muốn tốt cho linh hồn, để cho chúng được học hỏi, được phát triển, được trưởng thành. Thượng đế đặt ra luật nhân quả, nghiệp báo, mục đích là để những linh hồn được học hỏi, được trải nghiệm, được hưởng hết tất cả mọi khía cạnh khác nhau của đời sống.

Luân hồi nghiệp báo không phải là cái gì đó mà bắt buộc chúng ta phải nhận lấy tất cả mọi nghiệp xấu ác mà chúng ta đã gây ra trong quá khứ. Mục đích của luân hồi nghiệp quả là tạo cho chúng ta những bài học để chúng ta trưởng thành. Khi chúng ta đã học được tất cả các bài học và hiểu biết trọn vẹn, luân hồi nghiệp quả không còn cần thiết nữa.

Luân hồi nghiệp báo buộc chúng ta phải chịu trách nhiệm cho những gì chúng ta đã gây ra, nhờ đó chúng tạo ra các bài học cho chúng ta. Khi chúng ta làm những việc tốt đẹp, chúng ta nhận lại sự tốt đẹp. Khi chúng ta làm những việc không tốt đẹp, chúng ta nhận lại những kết quả không tốt đẹp.

Một khía cạnh khác của luân hồi nghiệp quả, đó cũng chính là luật hấp dẫn và luật đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Khi chúng ta phát ra những năng lượng tốt lành, chúng ta sẽ thu hút những năng lượng tốt lành đến với mình. Khi chúng ta phát ra những năng lượng xấu xa, chúng ta sẽ thu hút những điều xấu xa đến với mình.

Luân hồi nghiệp báo mục đích là để giúp chúng ta học hỏi, trải nghiệm đầy đủ, chứ không phải để xử tội những gì chúng ta gây ra. Thượng đế không xử tội các linh hồn.

Thượng đế sinh ra linh hồn, hướng dẫn, dạy dỗ, nuôi nấng và rất mực yêu thương linh hồn, cũng như người cha, người mẹ đối với con cái vậy.
Chúng ta có thể tin vào sự tồn tại của Thượng đế, hoặc không tin vào sự tồn tại của Ngài, nhưng dù sao thì Ngài vẫn yêu thương chúng ta bình đẳng như nhau. Thượng đế không yêu cầu sự phục tùng tuyệt đối của chúng ta đối với Ngài, cũng không cố gắng trừng phạt nặng nề con cái của Ngài. Những gì Ngài muốn, là giúp đỡ, hướng dẫn chúng ta ngày một hiểu biết hơn, ngày một tiến hóa hơn, để có thể trở thành Thượng đế giống như Ngài trong tương lai.
Cũng như những người cha người mẹ trần thế của chúng ta, luôn mong muốn những đứa con của mình lớn khôn và trưởng thành, luôn mong muốn những điều tốt nhất cho con cái của mình, luôn mong muốn chúng cũng có thể giống như mình trong tương lai.

Thượng đế không bắt buộc các linh hồn phải tôn sùng, phải lễ lạy, phải thờ bái Ngài. Nếu có mong muốn, Ngài chỉ mong muốn các linh hồn biết yêu thương nhau, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau, cùng với đó cũng phải tự rèn luyện bản thân, nỗ lực hết mình để học hỏi và tiến hóa.

Thượng đế rất yêu thương chúng ta.
Ngược lại, đối với chúng ta, ít nhất phải có nghĩa vụ tôn trọng những lời chỉ dạy của Người, hay những người anh Cả mà Người gửi xuống trần gian. Chúng ta nên cố gắng lắng nghe, học hỏi từ lời chỉ dạy của các vị ấy, đồng thời chúng ta cũng nên có thái độ kính trọng, tôn trọng bậc sinh thành nên mình, Thượng đế của chúng ta.
Đồng thời, chúng ta phải biết yêu thương những người anh em của mình, cũng đều là những đứa con của Thượng đế, chứ không ghét bỏ, tranh giành, đấu đá, thù hận, giết hại lẫn nhau. Mặc dù linh hồn không thực sự bị giết hại, nhưng linh hồn có thể bị tổn thương, do những việc xấu mà các linh hồn khác gây nên. Và có thể có những tổn thương, phải mất rất nhiều kiếp luân hồi mới được chữa lành.

Thượng đế là bao la, vĩ đại. Cơ thể Thượng đế là cả vũ trụ này, vì vậy bất kỳ nơi đâu Thượng đế cũng có mặt, bất kỳ nơi đâu Thượng đế cũng đều thấy biết. Do đó, bất kỳ con người nhân loại nào mong muốn nói chuyện với Thượng đế, cũng đều có thể giao tiếp cùng Người.

Việc có thể câu thông, có thể giao tiếp cùng Thượng đế có thể là điều gì đó lạ lùng, là không thể nào có được đối với hầu hết mọi người đang sống trên Trái đất này. Tuy vậy, Thượng đế không ở xa con người, Thượng đế ở gần bên con người, Thượng đế ở xung quanh, Thượng đế ở bên trong con người.
Chúng ta nên biết rằng ở các thế giới cao hơn, linh hồn đồng hành và đồng sáng tạo cùng Thượng đế. Thượng đế đối với các linh hồn lúc này không phải là ai đó, không phải là cái gì đó không thể với tới được. Ở các thế giới cao hơn, Thượng đế và các linh hồn luôn gần gũi với nhau.

Bao lâu ta còn tham ái, còn dính mắc quá nhiều vào thế giới vật chất, vào thân thể nặng trược này, vào các cảm xúc tiêu cực, vào các tư tưởng tiêu cực, bao lâu ta còn chưa phát triển được năng lực tình yêu và minh triết thực sự của mình, thì bấy giờ ta vẫn còn mang lấy những rung động nặng nề, và dù Thượng đế có nói chuyện cùng ta, có ở ngay trước mặt ta, ta cũng không thể nào nghe thấy, không thể nào nhìn thấy được Ngài.

Hãy lặng yên mọi sự ồn ào của tâm trí, hãy cởi bỏ hết mọi lo lắng âu lo của thế gian đời thường, hãy vứt bỏ hết mọi cảm xúc đang xáo trộn trong mình, hãy đi sâu vào trong nội tâm, hãy lắng nghe âm thanh vang vọng từ trái tim của bạn.
Những tư tưởng cao cả nhất, những ngôn từ sáng sủa nhất, những cảm xúc vĩ đại nhất là đến từ Thượng đế. Những thứ khác là đến từ nguồn khác.
Lời của Thượng đế nói, bao giờ cũng là chân lý, bao giờ cũng kèm theo năng lượng yêu thương, nhẹ nhàng, cảm giác vui sướng và an lạc. Hãy luôn kết nối với Thượng đế để có thể học hỏi và lắng nghe những lời hướng dẫn từ Ngài. Lắng nghe lời Thượng đế, là một lợi ích rất lớn đối với sự tiến hóa phát triển của mỗi linh hồn, bởi Thượng đế là một người có trí tuệ vĩ đại nhất, có tình yêu thương bao la nhất trong vũ trụ này.

Thượng đế luôn yêu thương con người.
Thượng đế không ghét bỏ con người.
Thượng đế không xử tội con người.
Thượng đế không phán xét con người.
Hãy yêu thương Thượng đế.
Hãy tôn trọng Thượng đế.
Hãy lắng nghe lời hướng dẫn từ Ngài.

Nguyện cho vạn vật được thái bình
Mong cho tất cả sớm thoát khỏi mọi khổ đau.