Thứ Tư, 16 tháng 1, 2019

Công thức món rau củ quả tươi


Có rất nhiều cách để chúng ta ăn rau, trong đó ăn tươi rau củ quả là tốt nhất nhưng không phải ai cũng dễ dàng ăn được. Mình sẽ giới thiệu các bạn một số cách ăn rau dưới dạng salad và gỏi cuốn với nước xốt và chấm để các bạn dễ dàng ăn từng rổ rau to tướng mà vẫn thấy ngon lành, thèm thuồng. Sau một thời gian, các bạn sẽ thấy việc ăn rau tươi ngon và ngọt hơn rất nhiều so với ăn rau đã qua chế biến. Trước khi vào thực đơn, mình nói qua về lợi ích của việc ăn rau củ quả tươi sống. Và nói qua về cần kết hợp gì khi ăn chế độ nhiều rau củ quả để cơ thể không bị âm, bị mệt.

Theo thời gian, càng ngày khoa học càng chứng minh: việc ăn tươi thô 70-80% rau củ quả sẽ giúp cơ thể nhận được nguyên vẹn lượng enzym, diệp lục, nhóm khoáng vi lượng, chất chống oxi hoá, chất xơ và trường năng lượng tần số cao có trong rau củ quả. Vào mùa lạnh giảm xuống còn 60-70% rau củ quả tươi, 20-30% còn lại là ngũ cốc trong đó nhóm protein chỉ nên chiếm tỉ trọng 5-10% tuỳ đối tượng lao động nặng hay người chơi thể thao cần xây dựng cơ bắp. Trong rau củ quả tươi cũng chiếm 1 lượng protein, amino acid nên không nhất nhất nghĩ rằng ăn rau củ quả không là sẽ thiếu protein. Quá trình gia nhiệt khi nấu nướng sẽ khiến dinh dưỡng trong rau củ quả mất đi gần hết, chỉ còn lại xơ là chính. Việc nhai thô rau củ quả tươi cũng tạo công suất cho cơ hàm hoạt động nhiều hơn giúp nước bọt tiết ra nhiều hơn, enzym có trong nước bọt sẽ giúp tiêu hoá bớt lượng thức ăn đến hơn một nửa, phần còn lại sẽ là sự hoạt động của nhóm enzym dạ dày và ruột. Việc nhai chậm thực phẩm tươi thô sẽ giảm áp lực cho tiêu hoá. Từ đó cơ thể không mất nhiều năng lượng để tiêu hoá thức ăn thì chúng ta sẽ có nhiều năng lượng hơn để hoạt động các việc khác: hệ tiêu hoá ko làm việc nhiều thì đầu óc sẽ tỉnh táo, cơ bắp sẽ được nhận năng lượng nhanh hơn để vận động tốt hơn, tiêu hoá không còn nặng nề thì sẽ ngủ ngon và sâu hơn. Vì vậy mà bác sĩ Yoshinori Nagumo nói Ăn ít để khoẻ là vậy đó.

Bên cạnh đó, việc ăn thô sống rau củ quả tươi sẽ giúp cơ thể nhận được nguyên vẹn khoáng vi lượng, chất chống oxi hoá thì cơ bắp sẽ hồi phục rất nhanh. Mình đã thử nghiệm trên bản thân và thằng em là gymer hơn 10 năm ăn thịt, giờ chuyển qua ăn chay nhiều rau củ quả tươi ( nó cứ xay sống rồi uống dưới dạng smoothies ), nó bảo "công nhận e uống rau củ quả tươi, cơ bắp em hồi phục nhanh, tập được nặng hơn và cơ to nhanh hơn so với ngày xưa ăn nhiều đạm động vật. Ngày xưa không tập nặng như bây giờ mà tập về em đau nhức cơ đến hơn 2 ngày mới hồi phục. Giờ chỉ mất có khoảng 6h. Mà càng tập càng sung." Và bản thân mình cũng vậy, thuần chay giờ chỉ ăn mỗi rau củ quả tươi là chính, đẩy tạ nặng, da mặt sáng đẹp.

Các bạn đừng thắc mắc một chế độ ăn đến 80% rau củ quả sẽ bị âm người, dễ mắc bệnh. Ăn xong vác giầy ra vận động chi dưới thật nhiều, chơi thể thao, cơ bắp tăng sinh nhiệt, uống nước nhiều khi tập luyện để trung hoà acid lactic, bài tiết chất độc qua mồ hôi ra ngoài cơ thể thì sẽ dương hoá cơ thể, cân bằng kiềm toan, bệnh tật sẽ hết. Acid lactic tiết ra khi tập thể thao liên tục, cường độ cao gây mỏi cơ bắp. Nếu không uống nhiều nước khi tập thể dục, lượng acid lactic tồn đọng tích tụ lâu ngày trong máu sẽ gây mất cân bằng kiềm toan trong cơ thể, nhiều chứng bệnh tự miễn phát triển từ đây.

Tối trước đi ngủ, các bạn tập cách hít thở sâu 100 nhịp hít vào thật sâu, thở ra thật chậm để nhận được nhiều oxi, đẩy hết carbon dioxide của cả một ngày ta hô hấp bằng mũi và qua da ra ngoài, các bạn sẽ dễ ngủ cực kỳ. Cách hít thở sâu cũng giúp phổi bài tiết chất độc, tránh acid máu do tích tụ lâu ngày carbon dioxide. Dung tích phổi mà trải ra thì bằng cả cái sân golf nên hãy học cách hít sâu, thở chậm.

Cuối cùng, để kết: các bạn hãy nhìn vào bức tranh của tạo hoá và tự hỏi: vì sao những cọng rau, cái lá lại có màu xanh đẹp vậy, quả tươi lại nhiều màu sắc thế và những bông hoa lại mơn mởn, đủ màu sắc như vậy? Tất cả rau, củ hoa quả lại có mùi thơm như vậy? Vì bản thân chúng chứa rất nhiều chất chống oxi hoá và mang nhiều năng lượng của vũ trụ. Chúng ta ăn thanh điển vũ trụ, sống theo đúng bản năng gốc là nhai thô, vận động ( hái lượm ) thì chúng ta sẽ có làn da mơn mởn, tươi sáng và một cơ thể tràn đầy năng lượng sống. Chúng ta là những gì chúng ta ăn.

1. SALAD RAU MÁ CỦ SEN



Rau má có tính mát, vị nhẫn đắng, bổ gan. Gan ưa đồ đắng nên cứ tích cực ăn đồ đắng.

Salad rau má, củ sen:

- Rau má
- Củ sen bào vỏ ngâm nước muối để ko thâm đen, xắt mỏng đến đâu ngâm nước muối đến đó. Khi nào trộn salad mới vớt ra.
- Cà chua thái tròn hoặc múi cau tuỳ thích.

Nước xốt:

- 2 Quả chà là
- 1 tép tỏi
- 2 tbsp dầu olive ép lạnh nguyên chất
- 2 tbsp nước tương
- 3 tsp nấm men dinh dưỡng
- 1 xíu muối nếu còn nhạt
- 1 quả chanh dây
- 2 tpsp nước lọc

Tất cả xay mịn. Trộn salad.

2. RAW VEGAN ROLLS


Ngon ở xốt chấm. Một cách để nhét được cả rổ rau vô bụng 😊

Xốt:

- 3 tsp bơ hạt điều không muối
- 3 tsp nấm men dinh dưỡng
- 2 tbsp nước tương
- 2 tbsp dầu olive ép lạnh hoặc dầu thực vật ép lạnh ko mùi
- Nước cốt 1 quả chanh ta ( loại chanh Bắc )
- 1 tép tỏi
- 5 tbsp nước lọc

Tất cả xay đều. Ai thích ăn chua hơn, mặn hơn thì thêm xíu muối và tăng lượng cốt chanh. Cắt thêm ớt ăn cực ngon. Thích ăn ngọt thì thêm tí syrup hoặc thêm 1 quả chà là vô xay cùng. Nhưng mình thấy vị như vầy là ngon rồi. Bố và chồng mình rất thích. Cả nhà nhoắng cái hết cả rổ to rau sống.

Rau: cà rốt, dưa leo, hành tây, xà lách, các loại lá gia vị, xoài chua, chuối chát, ...

Hành tây muốn ăn sống bớt hăng, thái xong các bạn ngâm vô nước đá khoảng 30-45' trước khi ăn.

3. SALAD LÁ GIA VỊ



Các loại lá gia vị giàu tính kháng viêm, kháng histamine cao, khả năng chữa lành tổn thương cho cơ thể rất tốt. Ngày nào cũng nên ăn: diếp cá, tía tô, húng quế, húng lủi, bạc hà,... Chỉ cần thay đổi cách thức và nước xốt một xíu là chúng ta có thể ăn raw vegan dễ dàng hơn, ngon miệng hơn.

Nước xốt trộn salad hôm nay:

- Nước ép táo và chanh dây: muốn chua ngọt thế nào bạn điều chỉnh theo ý thích. Tạo ngọt cho salad từ táo, chua từ chanh dây.
- 2 tbsp dầu olive ép lạnh.
- 1 tép tỏi.
- 1 xíu tiêu đen xay
- 1 xíu tamari hoặc nước tương
- 1 xíu muối hồng
- 1 xíu nấm men dinh dưỡng
Cho hết vào máy xay đánh vài vòng cho đều. Bỏ ra trộn salad. 

* Bạn nào thích trộn salad vị beo béo như salad Nga thì cho thêm bơ hạt vào mix cùng. 
* Có thể cuốn vào bánh tráng rồi chấm nước xốt ăn nếu thích ăn cuốn.

4. LEKIMA SAUCE


Ngon hơn cả xốt trứng gà mặn. Sauce: 5 người lớn ăn

- Cơm 1 quả lekima cỡ trung, chín nứt vỏ.
- 2 tsp muối hầm. Ai nêm muối hồng thì bớt lượng lại vì muối hồng mặn hơn.
- 1-2 tép tỏi.
- 5- 6 tbsp nước lọc.
- 2 tbsp dầu olive ép lạnh.
- 1 tbsp nấm men dinh dưỡng ( có thể điều chỉnh bớt lượng nếu muốn sauce ít béo hơn hoặc tăng lượng tuỳ thích ).
- Nước cốt 1 quả chanh ta ( loại chanh Bắc. Tuỳ chỉnh nếu thích chua hơn ).
- 2 tsp hạt tiêu đen đã xay nhỏ.
- Tất cả cho máy xay xay nhuyễn mịn.
- Cắt thêm ớt bỏ vô xốt để vị được hài hoà. Rất ngon luôn. Còn không cho ớt vô, ăn vị hơi béo.

Cái vị của sauce này giống loại mayonnaise cheese í. Y vậy luôn. Ngon lắm. Có thể trộn salad hoặc spaghetti.

5. AVOCADO SAUCE


- Cơm 1/2 quả bơ sáp tròn.
- 3 tbsp dầu bơ ép lạnh ( ko có dầu bơ thì dùng dầu ép lạnh ko mùi khác cũng được ).
- 2 tbsp nấm men dinh dưỡng.
- 2 tsp muối hầm.
- 3 tsp syrup. Hoặc tạo ngọt bằng chính quả dâu ngọt. Bảo đảm ngon ;)
- 2 tsp tiêu đen xay.
- Nước cốt 4 quả tắc ( dùng nước cốt tắc, sauce sẽ có mùi thơm hơn chanh ).
- 7-8 tbsp nước lọc.
- Tất cả xay mịn.

Trộn lên salad. Ai ăn cuốn nhớ cắt thêm ớt vô, ngon lắm. 

6. SALAD KHỔ QUA 


Bổ gan nè. Đủ vị của cuộc đời: chua, cay, mặn, ngọt, đắng. Ăn giòn rụm, nhẫn nhẫn đắng, cuối họng còn lại là vị ngọt hậu của khổ qua. Đúng là khổ tận cam lai, nếm cay đắng xong sẽ hưởng hậu ngọt.

Ngon nhất trong các món salad bữa giờ mình làm.

Cách làm:

- Chọn mướp đắng ( khổ qua ) loại gai to, ít gai thì sẽ ít đắng. Bạn nào thích phê pha đắng hơn thì chọn loại mướp xanh đậm, nhiều gai ( Bitter gourd ). Rửa sạch, bổ đôi bỏ hạt. Lấy dao bào bào từng miếng mỏng. Càng mỏng ăn càng ngon. Sau khi bào xong mướp thì cho vô tô nước đá ngâm trong 30-45 phút. Thi thoảng lấy tay bóp bóp. Bạn sẽ thấy ra rất nhiều bọt. Cái nước này đắng lắm í. Mục đích ngâm nước đá và bóp như vầy là làm cho mướp giòn và bớt đắng.

- Nguyên liệu khác gồm: củ cải đỏ bào mỏng, cà chua bi bổ đôi, 3-4 củ hành tím thái mỏng, 1 quả ớt đỏ bỏ hạt thái mỏng, mè trắng rang thơm.

* Trộn salad gồm: 
- 1 xíu nước tương
- 1 xíu muối hồng
- 1 tsp hạt tiêu đen
- Vài tép tỏi
- 1 tbsp dầu mè nguyên chất
- 1 tbsp dầu olive ép lạnh
- Nước cốt 1 quả chanh Bắc
- 2 tbsp nấm men dinh dưỡng
- 1 tbsp hạt mè trắng rang
- 5-6 tbsp nước lọc
- 2 quả chà là
- Tất cả bỏ vô xay mịn. Trộn lên salad. Gia giảm lại cho vừa khẩu vị khi bạn nếm salad. Sau khi nếm mình thấy hơi nhạt thì mình nêm thêm xíu nước tương nữa.

Trộn xong bạn rắc thêm mè rang, cắt thêm ớt để trang trí. Khi ăn trộn lại một lần nữa cho vị cay của ớt ngấm vô salad, ngon tuyệt luôn í.

Cách ăn: Ăn mấy gắp liên tục thấy cổ phê pha đắng rồi thì gắp 1 miếng cà chua bi ăn. Lúc này mới thấy sao cà chua bi ngọt thế, ngon thế, cuộc đời hạnh phúc thế. Xong lại nhớ những cảm giác cay đắng lại gắp liên tiếp mấy miếng salad ăn. Cứ vậy cho đến hết đĩa. Vị cay nhè nhẹ từ những miếng ớt dính vô, bùi thơm của hạt mè rất ngon. Ăn thanh mát lắm.

Nên cho 1 tsp dầu mè để tạo mùi thơm kết hợp 1 tsp dầu olive để cân bằng lượng omega 6-3 trong món này mọi người nhé.

7. SALAD NẤM MỠ


Giờ mới biết: nấm mỡ này ăn sống được mà còn rất ngon nữa chứ 🙂

Thành phần gồm: 

- Các loại ớt chuông, ăn đủ màu sắc trong rau củ quả để nhận được nhiều chất chống oxi hoá. 
- Nấm mỡ nâu, rửa sạch làm lạnh để loại bỏ agaritine.
- Hành lá, ngò rí.

Trộn salad gồm:

- 2-3 tbsp dầu olive ép lạnh ( tuỳ mọi người thích độ béo cho salad ). Thực ra khi ăn raw vegan, chúng ta cần 1 lượng chất béo lành mạnh để cơ thể hấp thu vitamine trong rau, củ quả nên các bạn đừng ngại dầu.
- 1 xíu muối hồng
- 1 xíu tiêu đen
- 2 tbsp nấm men dinh dưỡng
- 2 tsp bột tỏi hoặc vài tép tỏi sống. Mình thích ăn tỏi sống hơn vì nó chữa viêm và phòng các chứng cảm rất tốt.
- Nước cốt 1 quả chanh Bắc.
- Tất cả trộn đều.

Ăn vị nấm mỡ để sống thế này rất giòn, ngọt và beo béo. Ớt chuông thì ngọt lịm. Hành lá và tỏi rất giàu Quercetin là chất chống oxi hoá. Ăn như vầy, mình ăn được nhiều hành sống hơn. Khi gia nhiệt, quercetin đã bị mất đi gần hết. Vì vậy bạn hãy ăn sống. Có người chữa khỏi viêm da cơ địa nhờ chăm chỉ ngày ngày ăn 300gr hành lá sống đấy.

Thực ra mình cũng rất đắn đo khi thử ăn sống nấm mỡ. Và mình tìm đọc thì thấy trong nấm có 1 lượng độc tố agaritine. Nhưng khi làm lạnh, sấy khô, gia nhiệt hay thậm chí bảo quản ở ngăn mát siêu thị thì lượng agaritine này đã bị phá huỷ. Và các nghiên cứu của Thuỵ Sỹ chỉ ra rằng, ăn nấm sống để mắc nguy cơ bị ung thư do nhiễm độc từ agaritine là phải 500 kiếp ăn nấm sống như thế mới bị. Có nghĩa là nguy cơ gần như không có. Cho nên có thể ăn sống được loại nấm mà nhà sản xuất có ghi chú ăn được. Mình tìm thực đơn raw vegan thì cũng thấy bọn nó xơi ngang loại nấm mỡ này. Quả thật ăn sống nó rất giòn, ngọt và béo. Tuy nhiên mình cũng không ăn nhiều nấm đâu tuy là ăn nấm mỡ này da mình không bị nổi mẩn. Thi thoảng đổi vị và khám phá một cái mới thôi. Mọi người tham khảo nhé.

8. SALAD BƯỞI



Thành phần gồm: xà lách Radichio tím, húng quế, húng chanh, hương thảo và bưởi, quả olive.
Gia vị trộn: dầu olive, muối hồng, nấm men dinh dưỡng, bột tỏi, tiêu đen xay, nước cốt chanh. 

* Lá hương thảo trộn vô để tạo mùi thơm cho salad chứ khi ăn nhặt bỏ ra nha. Ai ăn được thì rất tốt luôn mà nó đắng kinh dị nên mình chỉ ăn được vài cọng.

9. YOGURT DỪA


Rau củ quả ăn với yogurt dừa.

Yogurt dừa:

200gr cơm dừa non xay mịn nhuyễn với xíu nước thành sữa dừa đặc đặc, cho 1/2 gói men kefir vào quấy đều, ủ nhiệt độ phòng đến khi mùi men chua thơm, nổi khí đầy mặt sữa, thành phẩm lên men chua thì cất tủ lạnh.

* Có thể tạo ngọt bằng đường dừa tuỳ ý.

Khi ăn với salad thì thêm xíu muối, tiêu, nấm men dinh dưỡng. Hoặc ăn dạng ngọt thì thêm syrup.

10. GỎI CỦ SEN


- 2 đốt củ sen, chọn loại củ sen non ăn sẽ mềm ngọt. Rửa sạch, bào vỏ. Thả vào nồi nước có pha 2 thìa cà phê muối, đem luộc 5 phút, thái mỏng ngâm vô nước đá lạnh. Thái miếng nào là phải ngâm vô nước luôn.
- 2 trái ớt sừng loại ngọt, thái sợi, ngâm nước đá lạnh.
- 1 trái dưa leo rửa sạch, bào mỏng, ngâm nước đá lạnh.
- 1 củ cà rốt bào sợi, ngâm nước đá lạnh.
- Nước xốt trộn gỏi: 3 thìa soup dầu hào chay ( ko có thì thay bằng nước tương ), 1 xíu muối hồng, 1 thìa cà phê tỏi băm, 1 thìa cà phê ớt băm, 2 thìa soup nước cốt chanh, 3-4 thìa cà phê đường dừa, 1 thìa soup dầu ăn ép lạnh. Nêm nếm chua mặn ngọt tuỳ ý.
- Vớt củ quả ra để ráo nước. Trộn nước xốt gỏi vào đảo đều, để 15 phút cho ngấm gia vị.
- Rắc đậu phộng rang và ăn kèm với các loại rau gia vị: húng quế, húng lủi rất ngon.

* Củ sen nên chọn loại củ vẫn còn nguyên vỏ. Đừng mua loại bào vỏ, thát lát sẵn trong siêu thị, ăn sẽ cứng ko ngon. Nên luộc nhanh, từ khi nước sôi vớt ra chỉ tầm 5 phút để củ sen vẫn giữ được độ giòn.
* Các loại rau củ bào xong ngâm nước đá lạnh để giúp giòn hơn khi ăn.
* Củ sen làm gỏi ăn vừa ngọt, vừa giòn, ngon và rất lạ.

11. SALAD ỚT CHUÔNG, NẤM KIM CHÂM


Salad ớt chuông, nấm kim châm (xào chín tái với dầu oliu và tỏi), hành tím, ớt, thì là, hạt mè. Xốt: dầu olive, tiêu, bột tỏi, xíu muối, nước xào nấm, chanh, chút nấm men dinh dưỡng.

12. CHÁO ĂN VỚI RONG BIỂN TƯƠI TRỘN DẦU MÈ


- Cháo quinoa nấu cùng gạo xát dối ăn với rong biển tươi trộn dầu mè.
- Salad ớt chuông đỏ + ngò tây + nấm mỡ nâu. Lần này nấm mỡ nâu mình phi hành tỏi cho thơm, xào tái nhanh qua chút lửa, nêm xíu tamari. 

Trộn gồm: dầu olive, xíu muối hồng, nước xào nấm tiết ra, xíu chanh, nấm men dinh dưỡng, hạt tiêu. Ăn ớt chuông ngọt lịm, ngò tây thơm, ăn hết cả 2 đĩa trong ảnh cùng tô cháo 😋.

13. RAU CỦ CUỐN BÁNH TRÁNG


Rau củ quả cuốn bánh tráng, chấm xốt bơ đậu phộng, mù tạt vàng Dijon.

Xốt:

- 2 tbsp Bơ đậu phộng mịn, xíu muối hồng, 2tbsp nấm men dinh dưỡng, 1 tsp mù tạt vàng Dijon, xíu tiêu, 2 tsp bột tỏi, xíu nước cốt chanh, 3 tbsp nước lọc, mix đều trong máy xay cho mịn.

Thứ Ba, 15 tháng 1, 2019

Hoạt động bước đi theo đường thẳng


FREEDOM WRITERS - NHỮNG NHÀ VĂN TỰ DO

Một bộ phim truyền cảm hứng giáo dục, một bộ phim có thể sẽ lấy đi ít nước mắt của bạn.

Và là một bộ phim, mà bạn có thể tìm thấy rất nhiều những hoạt động để xây dựng một lớp học đồng cảm, xây dựng cây cầu nối giữa các phe phái trong lớp học.

Như trích đoạn này - HOẠT ĐỘNG BƯỚC ĐI THEO ĐƯỜNG THẲNG.

✅✅ Bước đi theo đường thẳng là một hoạt động để xây dựng sự đồng cảm và hiểu biết thông qua chuyển động và suy ngẫm. Một đường băng được đặt trên sàn ở giữa lớp. Học sinh được chia đôi, đứng cách khoảng 5 bước khỏi mỗi bên của dòng, đối mặt với nhau trong im lặng. Giáo viên đọc ra một loạt các câu hỏi, liên quan từ ít tới nhiều đến đời sống cá nhân. Nếu học sinh trả lời có, họ âm thầm tiến lại gần đường băng và dừng lại.

✅✅ Sau khoảng 5 giây yên lặng suy nghĩ, học sinh trở lại vị trí của mình. Giáo viên tiếp tục đọc một loạt 15-20 câu hỏi. Mức độ liên quan cá nhân gia tăng càng nhiều về sau: Tôi đã bị mất một thành viên trong gia đình, tôi đã phải ở lại đêm trong bệnh viện, tôi đã bị bắt nạt ở trường. Cuối cùng, học sinh trở về chỗ của mình và suy ngẫm về những gì họ đã học được.

🍁🍁🍁 Cô giáo trong trích đoạn đã khởi xướng hoạt động, khi cô nhận thấy các nhóm học sinh đa sắc tộc chỉ đứng và nói chuyện theo màu da/ quốc gia của họ, chưa từng đứng gần một người đến từ nền văn hoá khác, và nhìn vào mắt nhau. Cũng như mỗi người chỉ giữ sự quan tâm, nỗi lòng của mình và nghĩ rằng những gì mình trải qua là to tát nhất.

🌈🌈🌈 Qua hoạt động, tất cả sẽ hiểu nhau hơn và hiểu rằng ai cũng có câu chuyện của riêng mình. Cuối cùng thì ĐỒNG CẢM là yếu tố quan trong nhất trong mọi mối quan hệ (RELATIONSHIP - R), và R là một yếu tố trong mô hình hạnh phúc P.E.R.M.A.



Thứ Hai, 14 tháng 1, 2019

Lấy người học làm trung tâm

Tác giả: Nguyễn Thanh Thúy
 Learner Centered Pedagogy Principles. Image:University of Wisconsin-Madison

Thực ra khái niệm "lấy người học làm trung tâm" bấy lâu nay rất thịnh hành và rất hay được nhắc tới ở mình, tuy nhiên vì nó chỉ là một CÁCH TIẾP CẬN (approach) nên không thể có hướng dẫn rõ ràng chính xác cho giáo viên phải làm gì. Cái khó của mọi thứ dưới tên "approach" là người ta chỉ tiệm cận được nó bằng cách dần dần điều chỉnh bản thân mình HƯỚNG tới cái đó, và chỉ bằng cách hiểu rõ những thứ KHÔNG PHẢI nó, người thực hiện mới có thể TỰ TÌM RA và cụ thể hoá cái khái niệm đó sao cho đúng trong hoàn cảnh của chính mình. 

Chính vì thế, khi đi tìm literature cho khái niệm này, hầu hết những bài mình đọc đều chỉ dừng lại ở những khái niệm chung chung, và vấn đề của mọi thứ chung chung chính là ở chỗ mỗi người sẽ có thể diễn giải nó theo cách của riêng họ - dẫn tới kết quả hoặc quá cứng nhắc (chỉ được vầy mà ko được vầy), hoặc hiểu lệch hoàn toàn vấn đề cần hướng tới. 

Đó là lý do mà khi mình tìm được cuốn LEARNER-CENTERED TEACHING: FIVE KEY CHANGES TO PRACTICE của Maryellen Weimer (2002), mình thấy nó rất hữu ích vì nó chỉ ra được tổng quát những khía cạnh có thể ảnh hưởng tới việc thực hành lý thuyết này. Trong phần tóm tắt - diễn giải này, mình sẽ tập trung vào làm rõ góc nhìn của GIÁO VIÊN: họ sẽ cần phải lĩnh hội được những vấn đề gì/các mảng kiến thức nào, cũng như các yếu tố BÊN NGOÀI có thể gây ảnh hưởng tới cách hiểu và thực hành của họ dưới tinh thần này. 

👤1, GIÁO VIÊN

Để có thể thực hành được "lấy người học làm trung tâm", một giáo viên cần có hướng để (1) phát triển cách dạy của mình; (2) nhận biết bản thân và những thứ tạo ra rào cản cho nhận thức về bản thân; (3) hiểu bản chất của kiểm tra đánh giá; (4) xử lý các biểu hiện bất hợp tác. 

🌺 PHÁT TRIỂN CÁCH GIẢNG DẠY:

Muốn "lấy người học làm trung tâm", một giáo viên cần phải biết (a) suy tư theo hướng đó; (b) lên kế hoạch giảng dạy; (c) nhận diện cách hướng dẫn giảng dạy của mình; (d) biết đặt kỳ vọng đúng chỗ 

(a) SUY TƯ

Có những điều về lý thuyết này mà chúng ta cần hiểu:

- Đây là một cách TIẾP CẬN, chứ không chỉ đơn thuần là kỹ thuật. Có nghĩa là bất kỳ hành động nào tương tác giữa bạn và học trò, trực tiếp hoặc gián tiếp, đều có ý nghĩa tạo nên sự thành công/không thành công của quá trình hỗ trợ học tập này. Nó sẽ không chỉ đơn thuần là đưa ra một project rồi bảo học sinh làm, mà còn là cách các bạn nói, các bạn nhìn, các bạn nhận xét... khi đối diện với học sinh. 

- Chính vì nó chỉ là tiếp cận, nên mọi thứ không có tính bất biến. Chúng ta phải nhìn mọi hoạt động ở trên lớp ở cái cốt lõi, cái tinh thần cần duy trì - và xây dựng các phương pháp đa dạng chứ không chỉ vài hoạt động theo dự án mà đã đủ. 

- Chính thầy cô phải là người tự kiểm tra và đánh giá cách giảng dạy của bản thân, tự nhận xét sự tiến bộ của mình dựa trên một quá trình làm - suy nghĩ - học hỏi/tìm hiểu - thay đổi. 

- Chúng ta cần hiểu được rằng để chuyển được sang cách làm này thì ý thức về vai trò của giáo viên trong lớp phải thay đổi. Chúng ta không còn giữ vai trò TRUYỀN THỤ, không phải là người như cha mẹ thứ hai... nữa, chúng ta chỉ là người bạn đồng hành, người chỉ dẫn, người hỗ trợ... mà thôi! 

(b) LÊN KẾ HOẠCH GIẢNG DẠY

Việc lên kế hoạch này là điều cần thiết, giúp nhìn ra được quá trình mình dạy như thế nào, chỗ nào mình tưởng-vậy mà hoá ra là không-phải-vậy, cũng như lúc nào thì việc can thiệp của mình vào hoạt động học tập của học sinh (ngắt lời, sửa lỗi, tham gia thảo luận, đặt câu hỏi gợi ý...) là hợp lý, lúc nào là... zô ziêng. 

(c) NHẬN DIỆN CÁCH GIẢNG DẠY CỦA MÌNH 

Mình phải hiểu mình đang làm gì, những cái mình đang làm nó ứng với lý thuyết nào, tại sao lý thuyết đó không hiệu quả/không tốt cho học trò... Mình càng hiểu về từng hành động của mình, mình càng dễ thuyết phục bản thân và thực sự tìm kiếm sự thay đổi và cải thiện. 

Điều này dẫn tới một điểm quan trọng là cần dành thời gian để đọc và học. Khi MUỐN hiểu, bạn sẽ phài tìm tài liệu/người hướng dẫn. Nhưng tin mình đi, quá trình này chỉ vất vả thời gian đầu thôi, cứ kiên trì mà đi - rồi sẽ đến!

(d) BIẾT ĐẶT KỲ VỌNG ĐÚNG CHỖ

Ở đây, cái đơn giản nhất cần nhớ đó là kết quả chúng ta hướng tới là gì?! Điểm số có nói lên được những nỗ lực đã và đang diễn ra trong lớp học của ta hay không? Hay ta nên nhìn vào sự háo hức của học sinh với kiến thức mới? Hay những chỉ dấu khác về quá trình tìm tòi học hỏi của các bạn ấy - thay vì chỉ một hai kết quả cứng nhắc?!

🌺 NHẬN BIẾT BẢN THÂN VÀ NHỮNG THỨ TẠO RA RÀO CẢN CHO NHẬN THỨC ẤY 

Qúa trình giảng dạy thực ra là quá trình chúng ta SỐNG trong vai trò một giáo viên, nghĩa là chúng ta là chính chúng ta trong cuộc sống hàng ngày với đủ thứ hỉ nộ ái ố. Nếu không nhận ra những giới hạn, những định kiến sẵn có trong người mình, chúng ta rất dễ để chúng ảnh hưởng tới tính chuyên nghiệp (professionalism) khi làm nghề, dẫn tới những cư xử không phù hợp với môi trường này. 

Có ba rào cản chính mà các nghiên cứu đã chỉ ra:

- Giáo viên thiếu kiến thức về BẢN CHẤT việc dạy và học. Ở đây, hai quá trình này chính là những hoạt động có sắp xếp nhất định nhằm đạt được các mục đích nhất định, vì thế, mỗi thao tác, mỗi bước đều có ý nghĩa riêng của nó. 

- Sử dụng sai công cụ kiểm tra đánh giá. Như đã nói ở trên, khi quá trình hướng dẫn học tập đặt học sinh vào trong nhóm để giải quyết các vấn đề thực tế - thì liệu dùng các bài kiểm tra kiến thưucs sách giáo khoa, tính điểm đúng-sai đơn thuần có đánh giá được chính xác cái học sinh thu được sau khi tập trung làm dự án hay không? Liệu những điểm số ấy có thể hiện sự phát triển nhận thức, tinh thần ham học hỏi, cũng như nỗ lực của các em hay không? 

- Gíao viên không nhận ra mình đang để cảm xúc chi phối các hoạt động mình làm. Ví dụ như nhiều giáo viên có chuyện buồn bực ở nhà, bước chân vào lớp học lại mang theo nỗi bực dọc đó để đối xử với học trò - mà không hề nhận biết được việc đó. Điều này sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều tới kết quả mà họ đạt được trong quá trình dạy học. 

🌺 HIỂU BẢN CHẤT CỦA KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ: 

Với 'lấy người học làm trung tâm", mục tiêu của đánh giá là ghi nhận thông tin từ phía người học để xem họ tiến bộ/khác đi thế nào từ hoạt động học tập, chỗ nào họ cần được giúp đỡ, chỗ nào họ đã học được, chỗ nào khiến họ hứng thú..., từ đó, giáo viên sẽ có những điều chỉnh để buổi học sau sẽ hiệu quả hơn buổi học trước, và cả thầy cô và học trò đều phát triển trên con đường dài. 

Vì thế, giáo viên cần biết cách để: 

- Phản hồi lại cho học sinh như thế nào: cách chữa bài, cách nhận xét... 

- Nhận ra các biẻu hiện KHÁC NHAU của việc học và tự quản lý việc học từ phía học sinh 

- Tiếp nhận tích cực và hỗ trợ việc đặt câu hỏi của học trò 

- Tạo điều kiện cho học trò tham gia vào quá trình kiểm tra đánh giá lẫn nhau. 

🌺 XỬ LÝ CÁC BIỂU HIỆN BẤT HỢP TÁC

- Hiểu được tại sao học sinh lại không muốn tiến hành hoạt động cụ thể được giao. 

- Nhận diện được những biểu hiện thiếu hợp tác này

- Học cách trao đổi để giúp học sinh vượt qua được cái khó khăn khiến các em ko muốn làm việc

👥 2, CÁC YẾU TỐ BÊN NGOÀI CÓ THỂ ẢNH HƯỞNG TỚI CHÚNG TA

🤔(a) Quan niệm dân gian về vai trò của người thầy. Chính quan niệm ăn sâu bén rễ này sẽ kìm hãm việc thay đổi, tạo ra sự hạn chế về nhận thức cái mới, cũng như khiến cách chúng ta cư xử sẽ phản lại những gì chúng ta đang nghĩ là mình đang cố làm. 

🤔(b) Ý thức về quyền quyết định trong trường, để từ đó tìm cách thoả hiệp với cấp trên (quyết định về nội dung chương trình, quyết định về cách kiểm tra đánh giá)

🤔(c) Phải hiểu được về nội dung chương trình mình đang giảng dạy hướng tới mục đích gì, và cấu trúc của nó có thể gây khó khăn gì cho việc tổ chức hoạt động học tập theo hướng "lấy người học làm trung tâm" của chúng ta.

🤔(d) Phải nắm được các nguyên tắc xây dựng môi trường học tập thuận lợi cho việc học, cũng như xây dựng tính tự chủ của học trò, trong đó:

- Để thuận lợi cho việc học, cần: 

+ Tạo cơ hội cho tương tác giữa người dạy và người học, cũng như phải thể hiện được sự quan tâm thực sự từ thầy cô tới việc học của trò. 

+ Học sinh cần chủ động tham gia vào tất cả các hoạt động trong lớp

+ Học sinh hiểu nhau và thân thiện với nhau tới mức nào

+ Học sinh yêu thích lớp học đến đâu 

+ Các hoạt động trong lớp được tổ chức rõ ràng và chặt chẽ

+ Các bài tập cần cosuwj đổi mới 

+ Học sinh cần được phép đưa ra quyết định cho việc học của mình và những nhu cầu học tập riêng của cá nhân được được thầy cô quan tâm đầy đủ.

- Để thuận lợi cho việc tạo dựng lòng tự chủ và tinh thần trách nhiệm của học trò:

+ Cần hiểu rõ ai có trách nhiệm thực hiện cụ thể việc gì trong quá trình dạy và học

+ Cần nắm ddược quy trình logic của dạy và học, nhìn ra được mối liên quan giữa hành động và kết quả - thay vì chỉ tập trung vào kỷ luật

+ Cần có sự thống nhất giữa lời nói và hành động 

🤔(e) Cần tìm cách thoả hiệp nếu các quy định và thói quen thực hiện dạy học của môi trường làm việc chưa thuận lợi cho định hướng này

🤔(f) Hiểu hạn chế của cơ chế kiểm tra đánh giá cũ, để từ đó thiết lập các hướng đánh giá mới tương thích với việc thay đổi trong dạy và học. 

Đến đây, hẳn các thầy cô đã thấy là không hề dễ tí nào để có thể tuyên bố rằng chúng ta đang dạy "lấy người học làm trung tâm" phải không?! Muốn có được nó, vừa đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ bản thân mình, vừa phải có phối hợp từ phía nhà trường và học trò nữa. Nhưng dĩ nhiên, sẽ không bao giờ có cái gì nếu chúng ta không bước những bước đầu tiên: tự chúng ta tìm cách thay đổi chúng ta trước, và cái thay đổi đó, biết đâu, chính là bước đầu ta thay đổi chính vận mệnh của mình sau đó thì sao?! 

Bài trên mình tổng hợp, cấu trúc lại và (tự) diễn giải từ nguồn sau (nếu các thầy cô quan tâm đọc nguyên bản): https://drive.google.com/open?id=11x25cINNhxWW_nqGIWrvVuJeTGLfBIsM

Thứ Năm, 10 tháng 1, 2019

Tự gìn giữ cho chính mình


Trích đoạn:

"Để cho sự vật được tự nhiên cũng không có nghĩa là ta buông xuôi và không làm gì hết, mà là hành động với một tuệ giác, tiếp nhận với một tâm rộng mở. Ngài Ajahn Chah nói,
    "Bạn có để ý rằng mỗi sự vật tự nó có một lối phát triển riêng không. Khi ta đã cố hết sức mình rồi thì ta hãy để cho luật tự nhiên, nhân quả vận hành theo luật của nó. Ta bao giờ cũng phải cố gắng, tùy theo sức của mình, nhưng tuệ giác hay niềm vui đến với ta mau hay chậm, điều đó hoàn toàn không tùy thuộc vào mình.
    Cũng như khi bạn trồng một cây, ta không thể nào bắt buộc cây mọc mau hay chậm được. Cây có nhịp độ phát triển riêng của nó. Bổn phận riêng của bạn là đào đất, tưới nước, bón phân, chăm sóc nó. Và bạn cũng chỉ có thể làm được bấy nhiêu thôi. Còn sự phát triển là tùy thuộc vào cây. Nhưng nếu bạn cứ làm như thế, bạn đừng lo, cây bạn trồng sẽ xanh tươi, sẽ phát triển."

"...khả năng giúp đỡ người khác của ta hoàn toàn tùy thuộc vào sự vững vàng và quân bình của chính mình.

"Khi ta hộ trì cho chính ta là ta đang hộ trì cho người khác
Khi ta đang hộ trì cho người khác là ta đang hộ trì cho chính ta
Này các thầy, thế nào là trong khi hộ trì cho mình ta hộ trì người khác?
Bằng cách thực tập chánh niệm và làm cho nó được tăng trưởng
Và thế nào là trong khi hộ trì cho người khác là ta hộ trì cho mình?
Bằng cách nhẫn nhịn, bất hại và tình thương."
(Kinh Tương Ưng Bộ)

Ta hãy tự hộ trì cho mình bằng một sự cảm nhận trọn vẹn để thấy rõ những gì đang xảy ra, và ta hãy hộ trì cho người khác bằng tình thương và không làm điều gì gây hại cho ai. Trong cuôc sống này chúng ta rất cần sự nương tựa vào nhau, nhưng sự vững vàng ấy bắt đầu bằng một thái độ biết tự gìn giữ cho chính mình."

~ Nguyễn Duy Nhiên



Nghệ thuật của những khoảnh khắc chú tâm


Trong một lần nói chuyện, tôi đã hỏi
- Văn hoá của trường bạn là gì?
- Văn hoá của trường tôi là Yêu Thương và Tôn Trọng.
- Bạn làm thế nào để dạy văn hoá Yêu Thương và Tôn Trọng?
- Chúng tôi đã làm A, B, C….
- Vậy trẻ và giáo viên ở đây có nhận ra/ ý thức được những khoảnh khắc mà họ ĐƯỢC YÊU THƯƠNG và TÔN TRỌNG, hoặc những khoảnh khắc mà họ đang YÊU THƯƠNG và TÔN TRỌNG người khác không? 
- …………

🍁 Ta thường dạy văn hoá và đạo đức nhà trường bằng cách kể những câu chuyện: “Như thế này là yêu thương, như thế này là tôn trọng, cần phải làm thế này, thế này…”, và ngược lại “như thế này là không đúng với văn hoá yêu thương, tôn trọng, không được làm thế này, thế này…”. Ta cũng thường tập trung quá mức vào việc mô tả, phân tích, xử lí những trường hợp cư xử sai văn hoá và đạo đức. Cách tiếp cận này chỉ dùng để khắc phục những cái sai đã xảy ra. Cách tốt hơn nữa là ta nên gieo trồng những điều đúng.

🍁 Sau một tiết học về yêu thương và tôn trọng, giáo viên thường tập trung chú ý những trẻ chưa cư xử đúng để điều chỉnh cho trẻ cư xử hợp với văn hoá. Trẻ cũng từ đó hay chú ý để "méc" cô những bạn khác chưa cư xử yêu thương và tôn trọng.

🍁 Ta chưa từng nghĩ đến việc sau một bài học, ta sẽ hướng dẫn trẻ chú tâm tìm khoảnh khắc trẻ ĐƯỢC YÊU THƯƠNG TÔN TRỌNG và ngược lại. Điều này quả thật rất đơn giản, theo một cách triển khai ở BeeBlue, chúng tôi sẽ có 2 lọ “tình yêu của mình” (lọ 1), và “tình yêu của người khác” (lọ 2).

❤️ Bất cứ khi nào, trẻ nhận thức được bản thân đang thể hiện một điều yêu thương, trẻ sẽ bỏ một mảnh giấy vào lọ 1. 
❤️ Bất cứ khi nào, trẻ quan sát được người nào đó đang thể hiện một điều một yêu thương, trẻ sẽ bỏ một mảnh giấy vào lọ 2.

🍁 Trẻ có thể làm việc này bất cứ lúc nào trong ngày, làm bao nhiêu lần cũng được. Khi trẻ có sự chú tâm để nhận thức những khoảnh khắc của tình yêu, trẻ sẽ hiểu đâu là tình yêu, nhận thức rằng mình nhận được nhiều yêu thương, mở rộng cảm xúc tích cực với cuộc sống. Và đó là Giáo Dục Tích Cực. Thay vì tập trung suy nghĩ về những điều tiêu cực, để rồi luôn cảm thấy mình chưa được yêu thương và tôn trọng đủ, ta hãy dành sự chú tâm cho những khoảnh khắc tích cực để cảm nhận rằng có nhiều yêu thương trong cuộc sống này.

🍁 Giáo Dục Tích Cực không chỉ thực hiện với trẻ, đối tượng của Giáo Dục Tích Cực là cả giáo viên và phụ huynh. Mọi đối tượng đều được yêu cầu dành sự chú tâm của bản thân để nghĩ về những khoảnh khắc tích cực trong cuộc sống. Tâm hồn mỗi người là một khu vườn, nếu có cỏ dại mọc trong vườn cũng là chuyện bình thường. Nhổ cỏ (sửa những điều sai) thì cũng được thôi, nhưng muốn vườn đẹp hơn thì ta nên trồng hoa (gieo trồng những điều tốt).

🍁 Giáo Dục Tích Cực không dạy trẻ luôn luôn vui cười, hay nghĩ rằng đời luôn đẹp. Khi một câu chuyện buồn xảy ra, Giáo Dục Tích Cực cũng không nói rằng hãy nghĩ đến khía cạnh khác của câu chuyện và vui lên. Chuyện buồn thì mình phải buồn thôi. Chỉ là thay vì dồn hết sự chú ý cho câu chuyện buồn, ta hãy dành thời gian quan sát xem có khoảnh khắc nào tích cực trong cuộc sống này.

🌈🌈🌈 Nghệ thuật của những khoảnh khắc chú tâm là vậy!!!


Giáo Dục Tích Cực - dựa trên điểm mạnh


Giáo Dục Tích Cực là sự kết hợp của Giáo Dục truyền thống và Giáo Dục Hạnh Phúc. Giáo Dục Tích Cực nhấn mạnh rằng việc huấn luyện tinh thần cũng quan trọng như việc giảng dạy kiến thức.

Giáo Dục Tích Cực dựa trên ba trụ cột lý thuyết chính
✅ Mô hình hạnh phúc PERMA của Martin Seligman.
✅ 24 điểm mạnh nhân cách của Chris Peterson.
✅ Lý thuyết xây dựng và mở rộng cảm xúc tích cực của Barbara Fredrickson.

Mỗi trường học đều có một triết lý giáo dục, lấy một số giá trị làm giá trị cốt lõi để phát triển. Trước Giáo Dục Tích Cực, nhiều trường học cũng dựa theo một triết lý nào đó, để giáo dục phát triển nhân cách kết hợp với giáo dục văn hoá. Tuy nhiên, việc giáo dục nhân cách chỉ áp dụng trong một vài giá trị cốt lõi bị giới hạn bởi tôn giáo, văn hoá, hay chính trị.

🍁 Ngược lại, 24 điểm mạnh nhân cách, chia làm 6 lớp nhân đức của Chris Peterson là một tập hợp đầy đủ, vượt qua khỏi mọi sự khác biệt về tôn giáo, văn hoá, lịch sử. Mỗi cá nhân đều được tạo cơ hội để nuôi dưỡng 24 điểm mạnh nhân cách này, từ đó họ sẽ có một một sức khoẻ tâm thần bền vững, và có khả năng SỐNG HẠNH PHÚC.

🍁 HẠNH PHÚC trong Giáo Dục Tích Cực được định nghĩa cụ thể bằng mô hình PERMA của Martin Seligman, chỉ rõ những thành phần của Hạnh Phúc, và làm thế nào để đạt được từng phần của Hạnh Phúc.

🍁 Giáo Dục Tích Cực là ứng dụng của Tâm Lý Học Tích Cực vào Giáo Dục, nên cách giảng dạy của Giáo Dục Tích Cực là giảng dạy để nuôi dưỡng, nhận diện những điểm mạnh, điều tốt đẹp, chứ không phải giảng dạy để khắc phục điểm yếu. Vì vậy, Giáo Dục Tích Cực còn được gọi là Giáo Dục dựa trên điểm mạnh.

Mục tiêu của Giáo Dục Tích Cực là tạo ra những cá nhân HẠNH PHÚC và THÀNH CÔNG. Cuối cùng thì, giáo dục là niềm vui được cắp sách đến trường, là ánh sáng văn minh, là ca tụng nhân bản.


6 LỚP ĐỨC TÍNH và 24 ĐIỂM MẠNH TÍNH CÁCH

✅✅✅ Trong khuôn khổ của Tâm lý học tích cực, Dr Martin Seligman cùng các cộng sự đã nghiên cứu tất cả các truyền thống tôn giáo và triết học lớn trên thế giới để nhận thấy rằng 24 điểm mạnh tính cách, chia làm 6 lớp đức tính dưới đây được chia sẻ rộng khắp bởi tất cả các nền văn hóa trong suốt ba thiên niên kỷ qua.

✅✅✅ 24 điểm mạnh tính cách được sử dụng thế nào trong Giáo Dục Tích Cực?
🌱🌱 Giáo viên, phụ huynh, học sinh hiểu các hành động gắn liền với từng điểm mạnh tính cách, định nghĩa, nhận diện được điểm mạnh tính cách.

🌷🌷 Giáo viên, phụ huynh, học sinh gọi tên được điểm mạnh tính cách của bản thân. Mỗi người sử dụng điểm mạnh của mình để sống, dạy và học. 

🌻🌻 Phát triển bản thân bằng cách nuôi dưỡng điểm mạnh, đồng thời sử dụng điểm mạnh để nâng cao điểm chưa mạnh. 

🌼🌼 Sử dụng điểm mạnh của mỗi người để đối thoại, cư xử, làm việc với nhau.

✅✅✅ Chúng tôi đã làm như thế nào?
🌱🌱 Định nghĩa điểm mạnh Ham Hiểu Biết bằng các hành động: quan tâm đến mọi thứ, luôn đặt câu hỏi, để ý chi tiết, muốn biết lí do của mọi việc. 

🌷🌷 Định nghĩa điểm mạnh Bao Dung bằng các hành động: không giữ một mối hận thù, không nhắc lại lỗi của bạn, thể hiện tình cảm sau những lỗi lầm. 

🌻🌻 Qua các hành động của trẻ, đánh giá trẻ có điểm mạnh Ham Hiểu Biết, chưa có điểm mạnh Bao Dung. 

🌼🌼 Phát triển, bồi đắp điểm mạnh Ham Hiểu Biết của trẻ, cung cấp một môi trường, những dự án để trẻ luôn có cơ hội đặt câu hỏi, từ đó trẻ sẽ nâng cao được thành tích học tập bằng chính điểm mạnh tính cách nội tại của trẻ. 

🌞🌞 Hướng dẫn trẻ sử dụng điểm mạnh Ham Hiểu Biết để đặt câu hỏi, để ý chi tiết và tìm hiểu lí do khi một người khác làm điều chưa tốt/ lỗi lầm với trẻ. Từ đó trẻ sử dụng chính điểm mạnh nội tại của mình để hiểu hơn về người xung quanh, có cơ hội nâng cao điểm chưa mạnh là Bao Dung ở trẻ. 

🌈🌈🌈 Và đó chính là Giáo Dục dựa trên điểm mạnh. Cách giáo dục này tràn đầy tinh thần của Giáo Dục Tích Cực - chú tâm vào những khoảnh khắc tích cực. Để hạnh phúc và thành công trong đời, mỗi người nên chú ý bồi đắp điểm mạnh của mình, nâng cao điểm yếu bằng cách sử dụng điểm mạnh. Tính cách của mỗi người là một khu vườn, nếu có cỏ dại mọc trong vườn cũng là chuyện bình thường. Nhổ cỏ (khắc phụ điểm yếu) thì cũng được thôi, nhưng muốn vườn đẹp hơn thì ta nên trồng hoa (bồi đắp điểm mạnh).

Tham khảo: 
Đọc thêm loạt bài về 24 điểm mạnh tính cách tại Page Tâm lý học tích cực


Giáo Dục Tích Cực - PERMA Model – Lý thuyết hạnh phúc


HẠNH PHÚC là gì?
Mục đích của Giáo Dục Tích Cực là để hướng tới một cuộc sống HẠNH PHÚC? Vậy HẠNH PHÚC là gì?

🍁 Hạnh Phúc là một sự lựa chọn.
🍁 Hạnh Phúc là không cần nỗ lực.
🍁 Hạnh Phúc là bằng lòng với hiện tại.
………

Rất rất nhiều những lời khuyên như thế về Hạnh Phúc, nhưng đều không định nghĩa được thoả đáng để nhiều người cùng có một cái nhìn chung về Hạnh Phúc. Muốn giáo dục để hướng tới một cuộc sống Hạnh Phúc, trước hết giáo viên, phụ huynh, học sinh phải có chung một quan điểm Hạnh Phúc được định nghĩa như thế nào? Một người cần như thế nào, cả về thể chất và tâm hồn để được gọi là Hạnh Phúc? Và làm cách nào để đạt được Hạnh Phúc?



Giáo Dục Tích Cực dựa trên Tâm Lý Học Tích Cực để định nghĩa Hạnh Phúc theo mô hình năm mặt của PERMA. Một người được gọi là HẠNH PHÚC khi:

🇵 - Positive Emotions – Trải qua những cảm xúc tích cực trong cuộc sống như vui vẻ, hứng thú, thoả mãn, tự hào,… và tràn đầy tình yêu.

🇪 - Positive Engagement – Là người chơi trong chính cuộc đời của mình, có tư duy hành động, có kế hoạch để làm việc.

🇷 - Positive Relationship – Có những mối quan hệ tin cậy và gắn kết để chia sẻ, trao nhận yêu thương.

🇲 - Positive Meaning – Tìm thấy ý nghĩa trong việc mình làm, trong cuộc sống mình đang chọn lựa, có khả năng hiện thực hoá lí tưởng của bản thân.

🇦 - Positive Accomplishment - Cảm nhận được rằng cuộc đời của mình thành công, tự hào về thành tựu của bản thân.

Và Giáo Dục Tích Cực là một chương trình giáo dục giúp người dạy và người học cùng trải qua 5 yếu tố trên. Giáo Dục Tích Cực đưa ra những chiến lược cụ thể để đo lường và cải thiện năm yếu tố của mô hình P.E.R.M.A, từ đó hướng tới một cuộc sống HẠNH PHÚC.

PERMA Model – Lý thuyết hạnh phúc

🍀 Hạnh phúc là một khái niệm khó định nghĩa. Đôi khi, ta nhìn nó giống như Chén Thánh: thần thoại, tuyệt vời, nhưng có lẽ không thể đạt được. Dù vậy, Tâm Lý Học Tích Cực cho rằng hạnh phúc là kết quả tự nhiên sau khi ta xây dựng niềm an lạc và sự hài lòng với cuộc sống. Dr Martin Seligman đã dành nhiều năm để phát triển một lý thuyết về hạnh phúc. Ông muốn xác định các thành phần xây dựng nên hạnh phúc. Ông đã vẽ ra một mô hình năm mặt của hạnh phúc được gọi là mô hình P.E.R.M.A.

🇵 – Positive Emotion – Cảm xúc tích cực
Khi một người hỏi bạn liệu bạn có hài lòng với cuộc sống này không, câu trả lời của bạn thường phụ thuộc nhiều vào tâm trạng lúc đó. Nếu bạn đang cảm thấy tích cực, bạn sẽ nhìn về quá khứ với một tâm trạng vui vẻ, nhìn ra tương lai với niềm hi vọng, và thưởng thức niềm vui trong hiện tại.

🍀 Tại sao cần cảm xúc tích cực?
Ảnh hưởng của cảm xúc tích cực không chỉ là mang lại nụ cười trên gương mặt. Cảm xúc đó còn giúp ta làm việc và học tập tốt hơn, thúc đẩy sức khoẻ thể chất, làm vững mạnh các mối quan hệ. Nó cũng cổ vũ ta sáng tạo, nắm lấy cơ hội, nhìn ra tương lai với niềm hi vọng cùng tinh thần lạc quan.

Cuộc đời ai cũng trải qua những cung bậc cao và thấp, nhưng ta sẽ làm hại chính mình khi mãi chìm đắm trong những cung bậc thấp. Nếu ta nhìn về quá khứ với ánh mắt hối tiếc và đau khổ, ta sẽ trở nên giận dữ và bi quan. Vì vậy, nhận ra cảm xúc tích cực trong lòng mình là điều vô cùng quan trọng, để từ đó ta có thể thưởng thức hiện tại mà không cần lo lắng hay hối hận.

🍀 Làm thế nào để nuôi dưỡng cảm xúc tích cực?
Điều gì làm ta thấy đời mình tốt đẹp? Đó có thể là dành thời gian cho gia đình, bạn bè, tham gia những hoạt động yêu thích, tập thể dục, đi ra ngoài thiên nhiên, ăn món ngon. Cần chắc chắn ta luôn có thời gian cho những việc đó trong cuộc sống của mình. Nghiên cứu Tâm Lý Học Tích Cực cũng xác nhận có những kỹ năng và bài tập có thể thúc đẩy trải nghiệm cảm xúc tích cực trong ta. Chúng ta có thể học để cảm nhận những cảm xúc này mạnh mẽ hơn, trải nghiệm chúng lâu hơn.

Nhiều người có khuynh hướng tự nhiên là kì vọng điều tồi tệ, nhìn vào mặt xấu, và tránh các rủi ro. Nếu chúng ta học cách nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực trong cuộc đời, ta sẽ bắt đầu hi vọng cho điều tốt, nhìn thấy mặt tốt, và học cách nắm lấy cơ hội khi chúng đến.

🇪 – Engagement – Tham gia
Ta sẽ không phát triển khi ta không làm gì cả. Nhưng khi chúng ta bắt đầu tham gia vào chính cuộc đời mình, ta sẽ trở nên hấp thụ. Ta bước vào trạng thái dòng chảy. Trong Tâm Lý Học Tích Cực, dòng chảy được mô tả là trạng thái ngâm mình hoàn toàn vui sướng vào thời điểm hiện tại.

🍀 Tại sao cần tham gia?
Chỉ một từ thôi: quán tính. Khi bạn đang nằm trên giường, thường rất khó để thuyết phục bạn tung chăn và để chân xuống sàn. Bạn lo lắng về cái lạnh. Bạn nằm trên giường, bạn suy nghĩ nhưng không đạt được điều gì. Khi bạn đang chạy, bạn không hỏi điều gì cả. Bạn bay trong không gian: bước chân này trước bước chân kia, và cứ thế, bởi vì nó phải thế. Bạn hấp thụ hoàn toàn trong khoảnh khắc hiện tại.

Không phải mọi người đều thích chạy, có lẽ bạn sẽ cảm thấy điều này khi bạn chơi nhạc, vẽ, khiêu vũ và nấu ăn. Nếu bạn có một công việc mà bạn yêu thích, có lẽ bạn sẽ cảm thấy điều này khi đang làm việc. Chúng ta gần như sử dụng trọn vẹn những tiềm năng độc đáo của riêng mình khi được tham gia vào những hoạt động hấp thụ và gợi cảm hứng.

🍀 Tham gia bằng cách nào?
Hầu hết công việc của Tâm Lý Học Tích cực là để xác định và nuôi dưỡng thế mạnh, đức hạnh và tài năng cá nhân. Khi ta xác định được những thế mạnh lớn nhất của mình, ta sẽ tham gia một cách có ý thức vào những việc mà ta cảm thấy tự tin, có kết quả và có giá trị. Ta cũng sẽ học được những kĩ năng nuôi dưỡng niềm vui và tập trung vào hiện tại. Chánh niệm là một kỹ năng đáng giá, nên được dạy. Sử dụng chánh niệm, bạn học được cách phát triển một nhận thức hoàn toàn và rõ ràng về hiện tại, cả trong thể chất và tinh thần.

🇷 – Relationships – Quan hệ
Con người là một loại động vật xã hội. Chúng ta cần kết nối, tình yêu, sự liên lạc cảm xúc với người khác. Chúng ta nâng cao sự hài lòng của riêng mình bằng cách xây dựng một mạng lưới quan hệ xung quanh, với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm, và tất cả những người khác trong cuộc đời ta.

🍀 Tại sao cần mối quan hệ?
“Vấn đề được chia sẻ là vấn đề giảm một nửa”. Hạnh phúc được chia sẻ là hạnh phúc bình phương. Khi ta chia sẻ niềm vui với những người mà ta yêu quí, ta thậm chí còn thấy vui hơn. Và khi ta yêu, ta sẽ trở nên đáng yêu.

Khi ta chỉ có một mình, ta đánh mất nhận thức về thế giới, ta quên rằng người khác có thể có những gánh nặng hơn ta. Nhưng khi ta để mọi người bước vào cuộc sống của mình, ta nhớ cho đi, như cách mà ta nhận lại. Khi chúng ta thuộc về một cộng đồng, ta có một mạng lưới hỗ trợ xung quanh mình.

🍀 Bằng cách nào để có mối quan hệ?
Xây dựng và duy trì mối quan hệ với mọi người là điều quan trọng trong cuộc đời, nhưng nó cũng quan trọng như thế để nhận ra sự khác biệt giữa một mối quan hệ lành mạnh, và mối quan hệ huỷ hoại.

Điểm chính của mọi mối quan hệ là phải cân bằng. Nó không chỉ là bao bọc xung quanh bản thân ta bằng “tình bạn”, mà ta còn phải lắng nghe, chia sẻ, cố gắng duy trì kết nối, và làm cho những kết nối đó mạnh mẽ hơn.

🇲 – Meaning – Ý Nghĩa
Ta làm tốt nhất khi ta dành trọn thời gian của mình cho thứ gì đó, lớn hơn bản thân chúng ta. Nó có thể là lòng trung thành tôn giáo, làm việc tập thể, gia đình, nguyên nhân chính trị, từ thiện, một mục tiêu chuyên nghiệp hoặc sáng tạo.

🍀 Tại sao cần có ý nghĩa?
Nghiên cứu chỉ ra rằng con người thuộc về một cộng đồng và theo đuổi một mục tiêu chung thường hạnh phúc hơn những người không có. Cảm thấy việc mình làm thống nhất với giá trị và niềm tin chung cũng là một điều quan trọng. Ngày qua ngày, nếu ta tin rằng việc mình làm có giá trị, ta sẽ có một cảm giác hạnh phúc và tự tin nghĩ rằng ta đã sử dụng thời gian và năng lực của mình cho những việc tốt.

🍀 Bằng cách nào, việc làm của ta có ý nghĩa?
Bạn đánh giá cao nhất điều gì trong thế giới này? Nó có thể là gia đình, học tập và tôn giáo của bạn. Cũng có thể, bạn cảm thấy mãnh liệt khi nghĩ đến việc giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hoặc bảo vệ môi trường. Khi bạn đã xác định được vấn đề quan trọng nhất với bạn, hãy tìm những người cùng chí hướng, làm việc cùng với họ cho những điều cả hai cùng quan tâm. Bạn có thể tìm thấy ý nghĩa trong cuộc đời sự nghiệp, cũng như trong cuộc sống cá nhân.

🇦 – Accomplishment- Thành tựu
Chúng ta đều được dạy rằng “chiến thắng không phải là tất cả”. Vâng, chúng ta nên phấn đấu vì sự thành công, nhưng thưởng thức cuộc chơi còn quan trọng hơn. Tuy nhiên, đôi khi con người cần chiến thắng. Mục tiêu và tham vọng là để làm gì, khi chúng ta không bao giờ đạt đến chúng. Để đạt được sự hài lòng và niềm hạnh phúc, chúng ta phải nhìn lại cuộc sống của mình với một cảm giác có thành tựu “Tôi đã làm điều đó, và tôi đã làm tốt”.

🍀 Tại sao cần thành tựu?
Tạo ra và làm việc hướng theo mục tiêu giúp chúng ta tham gia và xây dựng niềm hi vọng về tương lai. Những thành công trong quá khứ giúp ta cảm thấy tự tin và lạc quan hơn về những hi vọng cho tương lai. Không có gì là xấu và ích kỉ khi bạn tự hào về những thành tựu của mình. Khi bạn cảm thấy tốt về bản thân mình, bạn dường như chia sẻ những kỹ năng của bạn nhiều hơn. Bạn có động lực để làm việc tốt hơn và gặt hái ở lần sau. Bạn thậm chí còn truyền cảm hứng cho những người xung quanh để đạt được mục tiêu của riêng họ.

🍀 Đạt thành tựu bằng cách nào?
Điều quan trọng là phải đặt cho mình những mục tiêu hữu hình và đặt chúng trong tầm nhìn. Trong tư vấn về Tâm Lý Học Tích Cực, chúng tôi khuyến khích bạn xác định tham vọng, và nuôi dưỡng những thế mạnh mà bạn cần để đạt được chúng. Nuôi dưỡng tinh thần phục hồi sau những thất bại cũng là điều cực kì quan trọng. Thành công không phải luôn đến dễ dàng, nhưng nếu chúng ta còn tích cực và tập trung, chúng ta sẽ không bao giờ từ bỏ khi nghịch cảnh đến.

Nguồn tham khảo:
P.E.R.M.A Model – Well-being theory – https://www.relate.melbourne/well-being-theory
Người tổng hợp: Tanya Chi
Bản quyền dịch: Nhóm Cánh Diều.

Tham khảo các bài viết về P.E.R.M.A Model tại CÁNH DIỀU PROJECT.


Giáo Dục Tích Cực - Một triết lý giáo dục mới


HẠNH PHÚC LÀ MỤC TIÊU CỦA GIÁO DỤC

“Mục tiêu cuối cùng của giáo dục là gì?” - cách đây hơn 10 năm, một phong trào giáo dục đã đi tìm và tìm ra câu trả lời cho riêng mình và đang dần trở thành ngọn cờ mạnh mẽ trong nghiên cứu cũng như thực hành giáo dục trên thế giới hiện nay, đó là phong trào Giáo dục tích cực.

Giáo dục tích cực hướng đến giảm căng thẳng và tăng hạnh phúc cho cả học sinh và giáo viên. 

Trụ cột của một triết lý giáo dục mới

Trong bài báo mở đầu cuốn sách “Handbook of Positive Psychology” (NXB Oxford), cha đẻ của lĩnh vực Tâm lý học tích cực - TS Martin E.P Seligman - đã kể câu chuyện về cơ duyên ông tìm đến và nghiên cứu về lĩnh vực này: Lần đó, Seligman đang nhổ cỏ dại trong vườn thì cô con gái Nikki của ông chạy nhảy xung quanh và ném những nắm cỏ lên không trung, thật cao, thật cao. Khi ông mắng Nikki, cô bé đã nói: “Ba hãy nhớ lại trước sinh nhật lần thứ 5 của con. Lúc đó con là một cô bé không ngừng rên rỉ, khóc lóc. Sau năm 5 tuổi, con đã quyết định ngừng việc đó lại. Và ba à, nếu con đã có thể làm như thế thì ba, ba cũng có thể ngừng lại việc cằn nhằn của mình”. Khoảnh khắc lóe sáng này đã giúp Seligman nhận ra một bài học cho ông và các đồng nghiệp của mình, đó là việc nuôi dạy trẻ nhỏ không đơn giản chỉ là quá trình sửa chữa và khắc phục những điểm yếu của chúng mà (quan trọng hơn) là quá trình nhận ra, ghi nhận và nuôi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp để giúp chúng tìm ra con đường đạt được cuộc sống viên mãn dựa trên những phẩm hạnh này.

Ý tưởng đó đã thôi thúc Seligman tập trung nghiên cứu và mở ra một nhánh mới trong Khoa học tâm lý: Trong 2 năm 1998 và 1999, khi được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Tâm lý học Hoa kỳ (APA), Seligman đã lấy Tâm lý học tích cực làm chủ đề thảo luận và nghiên cứu chuyên sâu. Ông cùng với hai cộng sự thân thiết là Mihaly Csikszentmihalyi và Christopher Peterson đã thiết lập mô hình hạnh phúc PERMA, đưa ra những gợi ý về 5 thành phần giúp kiến tạo nên một đời sống hạnh phúc. Nhóm của ông cũng đưa ra lý thuyết về điểm mạnh nhân cách VIA (Values in action inventory of Strengths), nghiên cứu về 6 lớp nhân đức (Virtue) và 24 điểm mạnh nhân cách (Character strengths) của con người xuyên suốt các nền văn hoá và các thời đại, tôn giáo khác nhau, đưa tới một cái nhìn tích cực và có tính xây dựng về con người, đồng thời giúp mở rộng suy nghĩ hợp tác – phát triển giữa các cá nhân với nhau. Lý thuyết VIA đã được GS.Howard Gardner – cha đẻ của Lý thuyết Đa trí thông minh - đánh giá là “một trong những sáng kiến quan trọng nhất trong Tâm lý học nửa thế kỷ qua”.

Trải qua hơn 30 năm nghiên cứu và thực hành, Tâm lý học tích cực đã được công nhận như một nhánh của Khoa học tâm lý, bổ sung cho những lý thuyết về Bệnh học, để giúp con người không những bù đắp được điểm yếu của họ, trở nên bình thường mà còn có thể hướng tới một đời sống hạnh phúc và an lạc.

Tâm lý học tích cực đã được ứng dụng rất hiệu quả vào giáo dục, tạo ra những can thiệp thực chứng giúp xây dựng Nhà trường Hạnh phúc; Lớp học Hạnh phúc…, từ đó trở thành lý thuyết trụ cột của một triết lý, một phong trào giáo dục mới, đó là Giáo dục tích cực.

Nâng cao cảm nhận hạnh phúc và cải thiện thành tích học tập

Trong một cuộc nói chuyện với thính giả là các nhà giáo dục và phụ huynh, TS Seligman đưa ra 2 câu hỏi:

Câu hỏi 1: Bằng 2 từ, xin mời các bạn hãy nói lên ước muốn về cuộc sống của con bạn sau này.

Với câu hỏi này, có rất nhiều câu trả lời như thành công, vui vẻ, giàu có… Tuy nhiên phần lớn các thính giả có mặt ngày hôm đó đã trả lời rằng họ muốn con mình có một đời sống hạnh phúc, an lạc, và hài lòng.

Câu hỏi 2: Nhà trường hiện tại đang dạy gì cho những đứa trẻ?

Câu trả lời liệt kê hàng loạt các môn học như Toán, Ngôn ngữ, Vật lý, Công nghệ thông tin, hay Lịch sử, Triết học. Những nhà trường hiện đại được nhắc tới ở đây chưa từng có một chương trình bài bản về hạnh phúc để dạy cho học sinh của mình.

Từ hai câu hỏi này, Seligman đã định nghĩa về Giáo dục tích cực như sau: “Giáo dục tích cực dựa trên hạnh phúc của trẻ được xem như một liệu pháp đối phó với trầm cảm, một phương tiện để tăng sự hài lòng trong cuộc sống và như một trợ giúp để học tập tốt hơn và tư duy sáng tạo hơn”.

Ông cho rằng, giáo dục tích cực được xây nên từ một số trụ cột như: Giáo dục dựa trên sự ghi nhận, đánh giá cao và thúc đẩy điểm mạnh của học sinh; Tạo ra những cải thiện có thể đo lường được về hạnh phúc và hành vi của học sinh; Tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh tham gia vào việc học tập sáng tạo và nâng cao thành tích.

Giáo dục tích cực được thiết kế và triển khai theo nguyên lý của Giáo dục dựa trên bằng chứng, vì vậy không thể thiếu sự đo lường và kiểm tra – đánh giá cả chương trình lẫn kết quả thực hành. Sự đo lường trong Giáo dục tích cực bao gồm 3 thành tố chính:

Thứ nhất: Đo lường Hạnh phúc bằng việc sử dụng các thang đo trong mô hình EPOCH (Kern, Benson, Steinberg, & Steinberg, 2016) đối với trẻ em, và PERMA-Profiler (Butler & Kern, 2016) dựa trên việc phân tích mô hình PERMA và sự tương quan của nó tới cảm nhận hạnh phúc chủ quan và sự hài lòng trong cuộc sống của học sinh, giáo viên và nhân viên trong trường.

Thứ hai: Đo lường về sự “Không hạnh phúc” với các nhân tố như trầm cảm, lo âu, sử dụng các thang đo như Thang đo trầm cảm ở trẻ em (Kovacs, 2004); Thang đo trầm cảm cho trẻ em; Thang đo lo âu dành cho trẻ em và người lớn (Beck, Steer, & Brown, 1996 ; Radloff, 1977). Những nhân tố này được cho là những yếu tố cản trở học sinh đạt được cuộc sống hạnh phúc.

Thứ ba: Đo lường thành tích học tập được tiến hành bằng việc sử dụng điểm thi của học sinh trong các kỳ thi trong năm học hoặc điểm trung bình cả kỳ học/năm học.

Với 3 hình thức đánh giá và đo lường nêu trên, Giáo dục tích cực một lần nữa khẳng định mục tiêu của mình, đó là “Nâng cao cảm nhận hạnh phúc và hài lòng cho học sinh, đồng thời cải thiện thành tích học tập trong nhà trường”.

Hành trình Giáo dục tích cực đã trải qua hơn 10 năm hình thành và phát triển. Cho tới nay, các mô hình trường học đi theo và áp dụng triết lý, chương trình giảng dạy của Giáo dục tích cực đã xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Khá nhiều các bài báo học thuật, các cuốn sách viết về Giáo dục tích cực đã được xuất bản. Hiệp hội Giáo dục tích cực quốc tế (IPEN) cũng được thành lập vào năm 2014, đặt trụ sở tại London. Seligman chính là một trong những người thành lập nên tổ chức này và hiện nay vẫn là thành viên.

Trong bài báo đăng ở Global Happiness Policy Report 2018 – báo cáo của Hội đồng Hạnh phúc toàn cầu (GHC) nhằm cung cấp các bằng chứng và khuyến nghị chính sách về các mô hình tốt nhất để thúc đẩy hạnh phúc - TS Seligman điểm qua một số chương trình; trường học; và các trung tâm giáo dục, nghiên cứu và sức khoẻ tâm thần… đã áp dụng thành công Giáo dục tích cực.

Trong số đó, có trường nội trú Geelong (GGS) của Úc, nơi đầu tiên trên thế giới áp dụng mô hình Giáo dục tích cực vào năm 2008 và thành lập Viện nghiên cứu, giáo dục tích cực vào năm 2014. Đến nay, Geelong đã tổ chức hàng trăm hội thảo và các buổi đào tạo, chuyển giao mô hình giáo dục tích cực cho các nhà giáo dục và các trường học khắp nơi trên thế giới.

Nghiên cứu theo chiều dọc trong vòng 3 năm (2014 – 2016), của Đại học Melbourne đã đánh giá kết quả áp dụng Giáo dục tích cực tại GGS như sau: Cả học sinh Lớp 9 và Lớp 10 trong chương trình Giáo dục tích cực đã cải thiện đáng kể sức khỏe tâm thần (giảm các triệu chứng trầm cảm và lo lắng) và gia tăng sự hạnh phúc (ví dụ, sự hài lòng trong cuộc sống, cảm xúc tích cực…) so với các học sinh trong nhóm đối chứng không tham gia Giáo dục tích cực. Kết thúc 3 năm học, học sinh tại GGS đã báo cáo mức độ hài lòng, hạnh phúc, lòng biết ơn và sự kiên trì cao hơn đáng kể so với học sinh trong nhóm đối chứng.

Bài báo của Seligman còn cho biết, năm 2014, tại thành phố Tăng Thành thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc hơn 10.000 hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm đã được đào tạo về Giáo dục tích cực bởi Trung tâm nghiên cứu Tâm lý tích cực thuộc Đại học Thanh Hoa. Tính đến tháng 10/2017, có khoảng 350 - 400 trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông ở thành phố này đã áp dụng Giáo dục tích cực, với 260.000 học sinh, và 80.000 giáo viên đã được đào tạo về Giáo dục tích cực. Kết quả, theo các báo cáo, Giáo dục tích cực đã giúp các giáo viên nâng cao sự tận tâm với nghề; nâng cao thành tích học tập cho học sinh trong năm 2017 so với các năm trước, đồng thời giảm tỷ lệ học sinh tự tử.

Trong khi đó, cũng theo bài báo, ở Bhutan, Chương trình Giáo dục tích cực được đưa vào dự án Tổng Hạnh phúc Quốc gia (GNH). Bộ Giáo dục và Đào tạo Bhutan đã kết hợp với Trung tâm Tâm lý tích cực tại Đại học Pennsylvania để hợp tác phát triển Chương trình giảng dạy GNH nhằm vào mười kỹ năng sống tích cực cho học sinh từ lớp 7 tới 12. Kết quả, Giáo dục tích cực đã đồng thời làm gia tăng sự an lạc và kết quả trong kỳ thi tiêu chuẩn quốc gia cho học sinh (Adler, 2016).

Giáo dục tích cực đã đến Việt Nam

Đánh giá hồ sơ học tập dựa trên việc quan sát và mô tả điểm mạnh của học sinh - phụ huynh cũng tham gia lên lớp như giáo viên, các dự án giáo dục tại trường đều được liên kết với gia đình… đó là những điều khác biệt đang diễn ra tại một ngôi trường áp dụng triết lý Giáo dục tích cực.

Các giáo viên chụp lại những hành động thể hiện tình yêu thương/ lòng tốt của trẻ với người xung quanh, sau đó in ra và triển lãm tại trường vào cuối tháng. Nguồn: BeeBlue House

Các giáo viên chụp lại những hành động thể hiện tình yêu thương/ lòng tốt của trẻ với người xung quanh, sau đó in ra và triển lãm tại trường vào cuối tháng. Nguồn: BeeBlue House

Những yếu tố làm nên Ngôi trường Hạnh phúc

Khi trào lưu Giáo dục mới đang rất thịnh hành tại Việt Nam, cùng với sự nổi lên của các triết lý, phương pháp giáo dục như Montessori, Steiner, Reggio Emilia thì Giáo dục tích cực vẫn còn là một cái tên xa lạ. Khác với những triết lý giáo dục kể trên, Giáo dục tích cực được xây dựng dựa trên nền tảng của Khoa học tâm lý, Giáo dục dựa trên bằng chứng kết hợp với kinh nghiệm thực hành của những nhà chuyên môn.

Tại Việt Nam, hiện nay đã có dự án phi lợi nhuận Cánh Diều được thực hiện từ năm 2017 với Fanpage Tâm lý học tích cực là nơi tổ chức nghiên cứu, dịch thuật và phổ biến kiến thức về Tâm lý học tích cực và ứng dụng của nó vào các mặt của đời sống. Có gần 10.000 độc giả thường xuyên theo dõi Facebook và Website của dự án.

Về Giáo dục tích cực, tại Việt Nam đã có một trường mầm non tư thục nhỏ tại TPHCM tuyên bố đi theo triết lý Giáo dục tích cực nhằm xây dựng một ngôi trường Hạnh phúc theo mô hình PERMA+ (P = Positive Emotion - Cảm xúc tích cực / E = Positive Engagement - Tham gia tích cực / R = Positive Relationship - Mối quan hệ tích cực / M = Positive Meaning - Ý nghĩa tích cực / A = Positive Accomplishment - Thành tựu tích cực / H = Positive Health - Sức khoẻ tích cực).

Chương trình Giáo dục tích cực tại đây đã được triển khai gần một học kỳ dưới sự giám sát và cố vấn từ Hội đồng chuyên môn của trường dựa trên cách tiếp cận Giáo dục dựa trên bằng chứng, có sự đo lường chặt chẽ về các nhân tố: Phát triển cảm xúc xã hội; Mức độ trải nghiệm cảm xúc tích cực và tiêu cực dành cho trẻ em mầm non; Đánh giá sự hài lòng của trẻ; Đánh giá sự hài lòng của phụ huynh và các ý kiến góp ý, đóng góp của họ.

Bảng cảm xúc: Mỗi ngày, trẻ có thể chọn 1 khuôn mặt tương ứng với cảm xúc của mình (vui; buồn; tức giận; sợ hãi..) và giáo viên sẽ dựa vào đó để trợ giúp trẻ tìm ra nguyên nhân của cảm xúc đó. Nguồn: BeeBlue House

Bảng cảm xúc: Mỗi ngày, trẻ có thể chọn 1 khuôn mặt tương ứng với cảm xúc của mình (vui; buồn; tức giận; sợ hãi..) và giáo viên sẽ dựa vào đó để trợ giúp trẻ tìm ra nguyên nhân của cảm xúc đó. Nguồn: BeeBlue House

Bộ hồ sơ giảng dạy tại trường bao gồm hơn 40 mục tiêu, bao trong đó có: Giáo dục cảm xúc cho trẻ, dạy trẻ nhận diện và diễn đạt các cảm xúc thông qua lời nói và hành động; Các ứng xử phù hợp và tôn trọng đối với cảm xúc của người khác; Cung cấp cơ hội cho trẻ được kết nối và làm việc cùng bạn bè một cách tích cực ngoài những giờ trẻ học cá nhân; Hướng dẫn trẻ cách tạo lập và duy trì mối quan hệ, xử lý các xung đột trong quá trình làm việc chung bằng lời nói và hành động tích cực; Hướng dẫn trẻ bộc lộ cảm xúc và thực hành sự trân trọng, lòng biết ơn những gì được trao tặng và tự làm ra trong cuộc sống hàng ngày…

Với mỗi mục tiêu, giáo viên sẽ dùng 03 bằng chứng (kế hoạch giảng dạy, hình ảnh hoặc clip chụp lại hành động của trẻ…) để chứng minh và được hỗ trợ, giám sát bởi Hội đồng sư phạm nhà trường.

Các đoạn phỏng vấn với giáo viên được sử dụng để phân tích hiệu quả của chương trình trên các phương diện: Sự thay đổi tích cực của học sinh, của giáo viên về kỹ năng nghề nghiệp và sự hài lòng trong công việc; Sự thay đổi trong mối quan hệ giữa giáo viên – phụ huynh.
Chương trình được thiết kế thực nghiệm như một nghiên cứu theo chiều dọc. Vì vậy các thang đo, bảng hỏi sẽ được sử dụng trước khi đưa chương trình vào vận hành và được đánh giá lại sau 3 và 6 tháng.

Nguyên tắc “ai cũng có điểm mạnh”

Tại ngôi trường này, triết lý Giáo dục tích cực bao trùm lên toàn bộ những định hướng về xây dựng văn hóa nhà trường, chương trình học, phương pháp giảng dạy và mục tiêu giáo dục. Ngoài ra, Giáo dục tích cực còn là một chương trình được đưa vào giảng dạy trực tiếp.
Việc triển khai Giáo dục tích cực được diễn ra dưới những hình thức sau:

Thứ nhất, các can thiệp Tâm lý học tích cực như “Ba điều tốt”; “Bức thư của Lòng biết ơn”; “Can thiệp hướng tương lai”; “Can thiệp điểm mạnh ” được áp dụng cho toàn trường với mục đích nâng cao cảm nhận hạnh phúc chủ quan và sự hài lòng cho toàn bộ giáo viên, nhân viên trong nhà trường.

Thứ hai, chương trình Giáo dục cảm xúc được đưa vào giảng dạy hàng tuần tại nhà trường như một môn học vừa có tính riêng biệt, vừa có tính kết hợp cho học sinh từ khối lớp Bé – Nhỡ đến Lớn. Cảm xúc cũng trở thành văn hóa lớp học với Bảng cảm xúc, Lọ cảm xúc được đặt tại các lớp giúp trẻ tự mình thực hành hàng ngày, ngoài những tiết học được giảng dạy bởi giáo viên.

Thứ ba, chương trình Giáo dục Nhân cách được tổ chức hàng tháng, mỗi tháng một chủ đề khác nhau, được quy định bởi Vòng quay điểm mạnh, bao gồm 24 điểm mạnh trong lý thuyết điểm mạnh nhân cách VIA như: Dũng cảm, Sáng tạo, Hài hước, Tình yêu học tập, Biết ơn, Bao dung, Tử tế, Tò mò… Chẳng hạn, với chủ đề “Biết ơn”, khối lớp bé sẽ đọc những câu chuyện và học những bài hát về lòng biết ơn. Khối lớp Nhỡ và Lớn sẽ thảo luận về lòng biết ơn; viết những bức thư (học sinh kể - giáo viên ghi lại) thể hiện lòng biết ơn của trẻ với người mà trẻ muốn và gửi đi. Sự ngẫu nhiên của Vòng quay sẽ giúp tránh được việc ưu tiên quá mức cho những nhóm Nhân cách riêng biệt.

Ngoài ra, tại trường, việc đánh giá hồ sơ học tập đều dựa trên việc quan sát và mô tả điểm mạnh của trẻ và dựa trên chính những điểm mạnh đó, giáo viên sẽ lập ra chương trình giáo dục cho toàn trường và từng cá nhân để trẻ phát huy những điểm mạnh vốn có cũng như phát triển những gì chưa biểu hiện mạnh mẽ trong thời điểm hiện tại.

Thứ 4, mối quan hệ Nhà trường – Học sinh – Phụ huynh không chỉ dừng lại ở việc giáo viên trao đổi với phụ huynh về tình hình học tập của trẻ tại lớp. Mỗi tuần, tại ngôi trường này, một phụ huynh sẽ đảm nhiệm làm giáo viên và đến lớp dạy cho toàn bộ học sinh trong trường về một chủ đề bất kỳ (Nấu ăn; Hát; Vẽ; Làm mộc…). Tất cả những dự án giáo dục tại trường đều được liên kết với gia đình như: Dự án “Mang điều tốt về nhà” (Tháng Lòng tốt); Dự án “Mang gia đình đến lớp” (Tháng Tình yêu)… Ngay cả việc đánh giá điểm mạnh của học sinh cũng dựa trên việc kết hợp báo cáo của phụ huynh và giáo viên. Trường còn tổ chức “Đêm ngủ tại trường” giúp trẻ khám phá trường ở một góc nhìn mới và tăng thêm sự gắn bó của trẻ với nhà trường.

Được biết, ngoài ngôi trường mầm non nói trên, ở TPHCM hiện còn có một trường quốc tế lớn cũng đang áp dụng Giáo dục tích cực và sắp tới, một mô hình Giáo dục tích cực mang thương hiệu Việt Nam sẽ được công bố. Mặc dù các trường tư thục và quốc tế đang đi đầu, nhưng điều đó không có nghĩa Giáo dục tích cực không thể triển khai tại các trường công lập với quy mô học sinh lớn, như những gì đang diễn ra ở Trung Quốc, Bhutan, Singapore, và Úc. Các trường học tại Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng triết lý và phương pháp Giáo dục tích cực vào giảng dạy hoặc xây dựng văn hóa nhà trường dưới sự hướng dẫn và đào tạo của đội ngũ chuyên gia.

Nói về vấn đề này, Tiến sĩ Giáo dục Đỗ Thị Ngọc Quyên cho rằng, “Thời gian qua, trong môi trường nhà trường phổ thông đã xảy ra rất nhiều vụ việc nghiêm trọng liên quan tới quan hệ thầy, trò và phụ huynh, trong đó những đứa trẻ chịu sự tổn thương nặng nề. Giáo viên và những người quản lý giáo dục cũng trở thành nạn nhân của sự thiếu nhận thức, hiểu biết về vai trò của giáo dục, về phương pháp giáo dục và sư phạm đúng đắn, dẫn tới những phản ứng và hậu quả từ tiêu cực đến cực đoan của nhiều bên. Nếu họ được trang bị kiến thức về Giáo dục tích cực và công cụ sư phạm đúng đắn, các sự việc đau lòng này đã không xảy ra. Để hạn chế những sự việc như vậy, đồng thời thúc đẩy hiệu quả giáo dục, giáo viên phổ thông rất cần được đào tạo về các phương pháp Giáo dục tích cực.”

Trước khi khép lại bài viết, tác giả xin trích dẫn tâm sự của một cô giáo tại ngôi trường mầm non đang giảng dạy chương trình Giáo dục tích cực nói trên: “Điều đầu tiên giáo dục tích cực mang lại cho tôi và học trò của mình là mối quan hệ tích cực giữa cô và trò. Biết ơn nhau, yêu thương nhau, cùng nhau sáng tạo, cùng nhau kiên trì, cùng nhau dám nói lên và bảo vệ quan điểm của mình, cùng nhau ghi nhận thành tựu, cùng nhìn nhau dựa trên điểm mạnh – đó là những việc tôi và học trò của mình đã và đang cùng nhau.”

Tài liệu tham khảo:

Jeanne Nakamura & Mihaly Csikszentmihalyi, 2002. The Concept of Flow. Handbook of Positive Psychology (pp. 89-105). Oxford University Press, 2002.
Luthans,F.(2002). The need for and the meaning of positive organizational behavior. Journal of Organizational Behavior, 23, 695-706.
Martin E. P. Seligman (2011). Flourish: A visionary new understanding of happiness and well-being. New York, NY: Free Press.
Martin E. P. Seligman, 2018. Positive Education. Global Happiness Policy Report 2018 (pp. 53-73).
Martin E. P. Seligman, 2002. Positive Psychology, Positive Prevention, and Positive Therapy. Handbook of Positive Psychology (pp. 3-12). Oxford University Press, 2002.
Norrish, J. M., Williams, P., O’Connor, M., & Robinson, J. (2013). An applied framework for positive education. International Journal of Wellbeing, 3(2), 147-161.
Park, N., Peterson, C., & Seligman, M. E. P. (2004). Strengths of character and well-being. Journal of Social and Clinical Psychology, 23(5), 603-619.
Tülay Bozkurt (2014). New Horizons In Education: Positive Education And Emerging Leadership Roles Of Counselors. Social and Behavioral Sciences 140 (2014) 452 – 461
Nguyễn Minh Thành