Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2020

Các phương pháp bảo vệ người phụng sự

"Con đường Tinh luyện phải đi trước Con đường Khai ngộ. Các Ngài nhấn mạnh rằng phải kiến tạo khả năng tinh thần trước khi được phép mở quan năng thần thông an toàn. Các Ngài đòi hỏi môn sinh phải phụng sự nhân loại hằng ngày, trong suốt cuộc đời, trước khi y được phép vận dụng những sức mạnh của thiên nhiên, được phép chế ngự các tinh linh, hợp tác với các thiên thần và được học các phương thức và nghi lễ, những câu thần chú và các khẩu quyết để làm phát lộ các mãnh lực ấy.

Mục tiêu mà một người bước vào đường đạo không phải là nhằm phát triển bản thân, mà là tự trang bị để phụng sự nhân loại tốt hơn. Chăm chăm phát triển bản thân mà không quan tâm đến việc phụng sự là bước vào con đường tà đạo. Việc phụng sự trước tiên phải bắt đầu từ những nhóm có liên hệ gần gũi nhất với y: gia đình, cơ quan, đoàn thể. Khi năng lực phụng sự của y gia tăng, y sẽ nới rộng môi trường phụng sự ra lớn hơn nữa như quốc gia, thế giới...

“Không phải tất cả các tai nạn đều do nghiệp quả, vì người đệ tử thường đã vượt qua phần lớn nghiệp quả loại này”.

...Giờ đây những phương pháp nào có thể được sử dụng để bảo toàn người phụng sự nhân loại? Làm thế nào để bảo đảm an toàn cho họ trong cuộc xung đột hiện tại và trong cuộc xung đột còn lớn lao hơn của các thế kỷ sắp đến?

1. Hãy nhận thức rằng sự thanh khiết của tất cả các thể là điều kiện tiên quyết. Nếu một vị Hắc đạo chế ngự được một người nào thì điều ấy chứng tỏ rằng cuộc sống y có một vài nhược điểm. Cánh cửa xâm nhập phải do người đó tự mở ra, và kẽ hở mà sức mạnh độc hại có thể tràn vào phải do chủ nhân các thể tự tạo. Vì thế cần phải thận trọng gìn giữ xác thân hết sức sạch sẽ, chỉ có những tình cảm thanh khiết, vững vàng trong thể tình cảm, và tư tưởng trong thể trí phải thật thanh cao. Khi làm được như vậy, sẽ có sự điều hợp trong các hạ thể và Người suy tưởng (Chân ngã) ở nội tâm sẽ ngăn được mọi sự xâm nhập.

2. Hãy chấm dứt mọi nỗi sợ hãi. Những mãnh lực thăng thượng tiến hóa rung động mau lẹ hơn các mãnh lực tiến hóa giáng hạ, đây có thể hiểu là yếu tố an toàn. Sự sợ hãi làm suy yếu; suy yếu làm tan rã; một điểm yếu vỡ ra tạo nên khoảng trống, qua đó mãnh lực ác hại có thể xâm nhập. Yếu tố xâm nhập là sự sợ hãi của chính đương sự, y tự mở ra cánh cửa theo cách đó.

3. Hãy điềm tĩnh, vững vàng dù điều gì xảy ra cũng vậy. Chân bạn có thể chìm trong bùn lầy của mặt đất, nhưng đầu bạn có thể tắm trong ánh nắng mặt trời ở trên cao. Hãy nhận biết bùn lầy của thế gian nhưng đừng để bị nhiễm bẩn.

4. Hãy biết cách dùng lương tri và áp dụng lương tri vào vấn đề đang có. Hãy ngủ nhiều và trong khi ngủ tìm cách làm cho cơ thể trở nên tích cực. Hãy cố gắng làm công việc trên cõi tình cảm và giữ gìn sự an tịnh nội tâm. Đừng bắt thân xác làm việc quá mệt mỏi, và chơi đùa bất cứ khi nào có dịp. Những giờ ngơi nghỉ, thư thả giúp điều chỉnh, ngăn ngừa những sự căng thẳng về sau."

~ Trích "Những nguy hiểm cần tránh khi tham thiền" (Thư về Tham Thiền Huyền Môn - Chân Sư D.K. qua Alice Bailey)



Khi hạ trí thống trị

"Cái trí là “kẻ giết chết sự thật” cũng như “người làm hiển lộ sự thật.” Tuy nhiên, nó chỉ làm hiển lộ, khi nó được soi sáng bởi linh hồn, và hoạt động cùng với trái tim. Khi ý thức chỉ tập trung vào mỗi tâm trí, đến nỗi bỏ ra ngoài những phương diện khác của hệ thống năng lượng của con người, thì một điều kiện rất nguy hiểm xuất hiện mà nó có thể dẫn đến “con đường tả đạo."

Lý trí và logic là những chức năng giá trị (và chỉ ít người trong gia đình nhân loại đã nuôi dưỡng được chúng đến mức độ đáng kể nào), nhưng khi quá mức, chúng phá hủy sự ngẫu hứng, tính sáng tạo và một sự trân trọng điều tốt đẹp của cuộc sống. Cuộc sống trở nên không có niềm vui và máy móc."
~ Michael Robbins

"Những ai phát triển hạ trí quá mức, không kiểm soát, dễ bước vào con đường tả đạo hơn hết. Khi Hạ trí không là công cụ cho Thượng trí hay Linh hồn, mà trở thành yếu tố thống trị trong phàm ngã tam phân thì sẽ dẫn đến sự kiêu căng, chia rẽ, cô lập… và tất yếu sẽ đưa đến con đường tả đạo."
~ Thư về tham thiền huyền môn

Thứ Tư, 22 tháng 4, 2020

Thế giới thời Corana

Trích đoạn từ bản dịch bài viết của triết gia Charles Eisenstein 

"Một phân tích SÂU và XA hơn, về những viễn cảnh cho thế giới hậu Corona và về những tầng sâu ý thức hệ thống nằm dưới cách mà chúng ta (đặc biệt là nước Mỹ, nơi tác giả sống) phản ứng với biến cố toàn cầu này. Đọng lại là lời nhắc nhở chúng ta hành động từ tình yêu chứ không phải nỗi sợ hãi." ~ Thảo Kin 

..."Một mối nguy hiểm khác không nằm trong thống kê là hệ miễn dịch suy giảm vì vệ sinh và giãn cách thái quá. Ngoài tiếp xúc xã hội, tiếp xúc với thế giới vi sinh vật cũng rất cần thiết cho sức khoẻ của chúng ta. Nói chung, vi sinh vật không phải là kẻ thù của loài người, mà là đồng minh sức khoẻ của ta. Một hệ vi sinh đường ruột đa dạng bao gồm vi khuẩn, vi rút, nấm men, và các sinh vật khác đóng vai trò quan trọng đối với một hệ miễn dịch tốt. Sự đa dạng của hệ vi sinh này được duy trì bằng việc tiếp xúc với thế giới bên ngoài và với người khác. Rửa tay quá nhiều, lạm dụng kháng sinh, giữ vệ sinh tới mức vô trùng, và thiếu tiếp xúc với người khác có thể mang lại nhiều tác hại hơn là lợi ích. Các bệnh dị ứng và rối loạn miễn dịch có thể sẽ thay thế các bệnh lây nhiễm, nhưng đồng thời mức độ nguy hiểm cũng sẽ cao hơn. Về mặt xã hội lẫn sinh học, sức khoẻ phụ thuộc vào cộng đồng. Sự sống không thể phát triển khi bị cô lập.

...Kiểu tư duy chiến-tranh-chống-vi-khuẩn mang lại kết quả tương tự như chiến tranh chống khủng bố, chiến tranh chống tội phạm, chiến tranh chống cần sa, và hàng trăm ngàn cuộc chiến về chính trị và vấn đề cá nhân khác. Đầu tiên là chiến tranh lại không ngừng đẻ ra thêm chiến tranh. Sau đó thì mọi người sẽ bắt đầu bớt chú ý những điều kiện căn bản gây nên bệnh tật, khủng bố, tội phạm, cần sa, và các vấn đề tương tự. 

...Dù các chính trị gia liên tục tuyên bố rằng họ ủng hộ chiến tranh vì hoà bình, trong khi thực tế là chiến tranh chỉ tạo ra thêm nhiều chiến tranh hơn mà thôi. Ném bom các nước khác để diệt trừ khủng bố không chỉ cố tình bỏ qua điều kiện căn bản tạo nên khủng bố mà còn làm cho tình hình trầm trọng hơn. Giam giữ các thành phần phạm tội không chỉ bỏ qua điều kiện căn bản tạo nên tội phạm, mà ngược lại, lựa chọn này tạo nên các nguyên nhân đó bằng cách chia cắt gia đình và cộng đồng, ngoài ra còn đẩy những người đi tù lún sâu hơn vào văn hoá phạm tội. Lại còn cả những chế độ phụ thuộc thuốc kháng sinh, vắc-xin, thuốc kháng virus, và các loại thuốc khác đang tàn phá hệ sinh thái cơ thể người-vốn là nền tảng của một hệ miễn dịch khỏe mạnh. Những chiến dịch phun thuốc quy mô lớn khởi đầu vì sốt Zika, sốt xuất huyết, và giờ là Covid-19 sẽ gây ra thiệt hại không ngờ tới hệ sinh thái tự nhiên. Đã có ai trong chúng ta xem xét tới những ảnh hưởng của việc đổ hàng tấn chất kháng virus ra hệ sinh thái? Chỉ những người có tư duy chia cắt mới nghĩ ra những chính sách như thế (đã được thực hiện khắp nơi ở Trung Quốc và Ấn Độ), và họ không hề hiểu rằng virus là một phần không thể thiếu của sự sống.

...Virus có vai trò không thể thiếu đối với sự tiến hoá, không những của con người mà của tất các sinh vật nhân chuẩn. Virus có khả năng truyền ADN từ sinh vật này sang sinh vật khác, đôi khi cài ADN vào vật chất di truyền (và từ đó truyền sang các thế hệ sau). Với tên gọi sự truyền gen chiều ngang, đây là một cơ chế chính của quá trình tiến hoá, nhờ đó mà sự sống tiến lên nhanh hơn nhiều so với khi chỉ có đột biến ngẫu nhiên. Như Lynn Margulis từng nói, chúng ta và virus là một.

...một phong trào chăm sóc sức khỏe theo phương pháp điều trị thay thế và đổi mới toàn diện đang phát triển mạnh mẽ. Phong trào này ủng hộ việc sử dụng các loại thảo mộc, thiền, và yoga để tăng cường hệ miễn dịch; thừa nhận tầm quan trọng của các mặt tâm linh và tình cảm đối với sức khỏe con người, chẳng hạn như sức mạnh của thái độ và niềm tin đối với bệnh tật hoặc khả năng chữa lành.

...Trên khắp thế giới, ta được nghe những câu chuyện của tình đoàn kết và sự chữa lành. ...Có lẽ chúng ta đang trên con đường tới một câu chuyện mới. Hãy tưởng tượng cảnh không quân Ý dùng nhạc phim Pavoratti, quân đội Tây Ban Nha phụng sự giúp dân, hay cảnh sát giao thông chơi đàn guitar để truyền cảm hứng. Các công ty bất ngờ tăng lương cho nhân viên. Người dân Canada bắt đầu phong trào “Thương lái tốt bụng”(Kindness Mongering). Cô bé 6 tuổi đáng yêu ở Úc trao tặng hết số tiền bà tiên răng cho cô. Một học sinh lớp 8 ở Nhật làm 612 cái khẩu trang và học sinh ở khắp nơi giúp người già mua đồ nhu yếu phẩm. Cuba gửi đội quân áo trắng (bác sĩ) tới hỗ trợ nước Ý. Một chủ nhà đồng ý để người thuê nhà ở lại không lấy tiền, một bài thơ của linh mục người Ailen lan truyền khắp nơi, những nhà hoạt động xã hội bị khuyết tật sản xuất dung dịch khử trùng tay. Hãy tưởng tượng mà xem. Đôi khi chính cơn khủng hoảng đã soi chiếu động lực thôi thúc ẩn sâu bên trong chúng ta – con người luôn phản ứng với lòng trắc ẩn.

...Như Rebecca Solnit mô tả trong cuốn sách tuyệt vời của cô – “Thiên đường xây trong địa ngục”(A Paradise Built in Hell) – thảm họa thường giải phóng tình đoàn kết. Một thế giới đẹp tươi đang trôi ngay dưới lớp bề mặt, sẵn sàng nhô lên bất cứ khi nào hệ thống đang kìm nó dưới nước thả lỏng tay.
Trong một thời gian dài, chúng ta, với vai trò là một cộng đồng, đã bất lực đứng nhìn một xã hội tha hoá. Cho dù đó là sức khoẻ giảm sút, hạ tầng mục ruỗng, sự trầm uất, nạn tự tử, nghiện ngập, suy thoái sinh thái hay sự tập trung tiền của (vào tay một số ít), những triệu chứng của bất ổn xã hội trong thế giới phát triển đã rõ ràng, nhưng chúng ta vẫn bị vướng mắc trong chính những khuôn mẫu và hệ thống đã tạo ra chúng. Giờ đây, Covid tặng cho chúng ta một cơ hội để khởi động lại.

Hàng ngàn con đường rẽ nhánh trước mắt chúng ta. Một thu nhập cơ bản toàn cầu có thể đặt dấu chấm hết cho sự bấp bênh tài chính, và sức sáng tạo nở hoa khi hàng ngàn người thoát khỏi những công việc mà Covid cho ta thấy là không thực sự cần thiết như ta vẫn nghĩ.

...Điều gì sẽ chỉ lối cho chúng ta khi bước trên những ngã rẽ này, cho dù là cá nhân hay cùng cả tập thể? Ở mỗi giao lộ, ta cần nhận thức rõ mình đang theo đuổi điều gì: nỗi sợ hay tình yêu, bảo toàn cho bản thân hay tinh thần hào hiệp.

Cô đơn là nỗi sợ hãi nguyên thuỷ của con người, và xã hội hiện đại làm cho chúng ta ngày một cô đơn. Nhưng thời điểm hợp nhất đã tới. Mọi hành động của tình thương, lòng tốt, sự dũng cảm và hào hiệp sẽ hàn gắn chúng ta khỏi câu chuyện chia cách, bởi nó củng cố cho cả người hành động và người được nhận rằng chúng ta ở đây cùng nhau.

...Chính cái tên của đại dịch này cho chúng ta một manh mối: corona virus. Corona có nghĩa là ngai vàng. Đại dịch corona virus mới cũng có thể hiểu là “Một lễ đăng quang cho tất cả”. Ngay từ giờ ta đã cảm nhận được sức mạnh của những gì chúng ta có thể trở thành. Một quyền tự chủ thực sự không bị dẫn dắt bởi nỗi sợ sự sống hay sợ cái chết. Một chủ quyền không đi kèm với sự thống trị hay chinh phạt (đó là một nguyên mẫu bóng tối, Bạo chúa). Một chủ quyền thực sự vì con người, vì sự sống và tôn trọng chủ quyền của tất cả mọi người. Triều đại corona đánh dấu sự chuyển mình của vô thức thành ý thức, sự hỗn loạn kết tinh thành trật tự, sự siêu việt của việc biến ép buộc thành lựa chọn. Chúng ta trở thành người thống trị những thứ vốn thống trị chúng ta. Một trật tự thế giới mới mà những người theo thuyết âm mưu lo sợ chính là bóng tối của một viễn cảnh huy hoàng đối với những sinh linh tự do. Khi không còn là nô lệ của sự sợ hãi, chúng ta có thể mang lại trật tự cho vương quốc loài người và xây dựng một xã hội mà ta mong muốn dựa trên tình yêu thương đang tỏa sáng từ những khe nứt của cái thế giới chia cắt."

Charles Eisenstein - Nhóm dịch - The Forest Vietnam



Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2020

Viết cho nhành lan

Tác giả: Đặng Mai Anh

Image may contain: outdoor

Viết cho nhành lan trong phòng, đã bầu bạn với tôi qua suốt một mùa đông.
-------------

Hoàng tử bé sống trên tiểu tinh cầu B612, có ba quả núi lửa (một quả không còn hoạt động). Giữa những cây baobab, cậu có một bông hồng quý báu mà hạt giống hoa không rõ đã theo cơn gió nào bay đến tinh cầu của cậu. Bông hoa hồng đỏng đảnh, kiêu kỳ, luôn bảo cậu rằng: “Em thật đặc biệt”, đặc biệt hơn tất thảy các bông hoa trên đời và là duy nhất trong vũ trụ, để Hoàng Tử Bé phải nâng niu và chiều chuộng.

Đến một ngày Hoàng Tử Bé bỏ đi, chu du xuống Trái Đất, cậu tìm thấy một vườn hoa hồng. Chỉ trong một thửa đất nhỏ đã có biết bao là những bông hoa giống y như hoa hồng đặc biệt của cậu. Cậu trộm nghĩ: Nếu biết điều này hẳn bông hoa của cậu sẽ hổ thẹn lắm vì nàng không hề đặc biệt như nàng nghĩ. Hẳn hoa hồng phải luôn nói thế vì nàng mong manh quá (chỉ có bốn cái gai nhỏ để bảo vệ mình), có thể bởi vì thế nàng luôn phải nhấn mạnh nàng là điều đặc biệt trên đời để cậu yêu thương nàng.

Khi biết bông hoa của mình không đặc biệt như vẫn tưởng, liệu cậu có còn thương yêu?

--------------

Tôi là người học trò nhỏ, sống trong căn hộ số 13 (số 3 trên cửa nhà đã bị rơi mất). Tôi có ba cây bút máy (một cây vừa làm mất gần đây). Tôi cũng có một nhành lan, tình cờ tìm thấy giữa những ngày cuối thu. Khác với bông hoa hồng của Hoàng tử bé, nhành lan của tôi thật mộc mạc và dịu dàng. Tôi chưa thấy em đỏng đảnh bao giờ, dù em rất bướng bỉnh. Em không có bốn cái gai như hoa hồng nhỏ, nhưng em rất cứng cáp, và đồng thời cũng thật nhạy cảm. Rất khác với hoa hồng, em chẳng đòi hỏi bao giờ. Tôi đoán kể cả khi em rất muốn một điều gì đó (một vốc nước mát, một cái nâng niu cành lá, hoặc một cái nhìn âu yếm của tôi), em cũng sẽ không nói.
Nhành lan chưa bao giờ nói với tôi: “Em đặc biệt lắm đây nhé!”. Em vẫn cứ nhắc đi nhắc lại với tôi rằng nếu không phải em thì tôi cũng sẽ tìm được một nhành hoa khác, rằng em chẳng có gì khác biệt hơn. Rồi, em vẫn cứ thắc mắc mãi vì sao tôi lại yêu thương em như thế.

Tôi thường không cố cãi với em, vì tôi biết em nói đúng. Vạn vật trên đời, kể cả con người, có thể không khác biệt nhiều như chúng ta vẫn cố gắng tin và đem thuyết phục người khác. Giả mà nhành lan có hỏi tôi: “Em đặc biệt ở điểm nào?”, chắc tôi cũng không biết phải trả lời em sao. Em thật mộc mạc, nhưng cũng có những loài hoa mộc mạc chẳng kém. Em thật dịu dàng, nhưng không chỉ duy nhất em như vậy. Em thật bướng bỉnh, nhưng không chắc chỉ mỗi em như thế.

Như một thói quen của người thích viết và vì em sẽ ưa bắt bẻ, tôi vẫn luôn cẩn trọng với từ ngữ của mình. Nếu nhành lan của tôi có để ý, em sẽ thấy tôi chưa bao giờ bảo em là điều đặc biệt, chưa bao giờ tôi bảo em thật khác biệt, hiếm hoi.

Tôi đã chỉ thì thầm với em rằng: “Em thật quý báu. Hãy nhớ rằng em là một điều quý báu”.

---------------

Hoàng Tử Bé gặp một con cáo trên sa mạc. Con cáo khiến cậu nhận ra một bông hồng có thể giống hàng triệu bông hồng khác, một con cáo có thể giống hệt hàng vạn con cáo khác. Nhưng, chỉ có một con cáo là bạn cậu. Và, bông hồng của cậu vẫn là duy nhất, bởi giữa rất nhiều bông hoa trên đời, đó là bông hoa duy nhất tự tay cậu đã tưới, đã che chắn nàng bằng bầu kính mỗi đêm, chính là nàng đã ngồi nghe cậu, đã luôn là người nói trước và thỉnh thoảng cả hai im lặng.

“Chính thời gian và tình cảm cậu dành cho đóa hồng của cậu đã khiến nàng quan trọng với cậu đến thế”, con cáo nói.

---------------

Tôi biết chứ, biết chứ hỡi nhành lan của tôi! Rằng ở một lúc nào khác, ở một nơi chốn khác, rất có thể tôi tìm được một nhành lan khác cũng mộc mạc, dịu dàng, bướng bỉnh và nhạy cảm như em. Nhưng, vào những ngày đầu đông năm nay, tôi đã nhìn thấy em chứ không phải một nhành lan khác. Vào những buổi sáng cuối năm, đã chỉ có em đong đưa trong nắng mới, đã chỉ có em nhìn tôi lao xao cười, đã chỉ có em tôi vẫn âu yếm nhìn. Là em, chính em, không phải bông hoa nào khác.
Với những người khác tôi không rõ, nhưng với tôi - với tôi, em thật là quý báu!

Những gì quý báu nhất lại không thấy được bằng mắt và tả được bằng lời, như tôi chẳng bao giờ có thể giải thích hết cho nhành lan của tôi vì sao em quý báu.
Tôi chỉ biết lặp đi lặp lại, cho đến khi nhành lan tin lời tôi lúc nào không hay. Để em không cần phải như đóa hồng của Hoàng Tử Bé phải cố khoác lác rằng nàng khác biệt so với tất thảy những bông hoa. Kể cả khi có một triệu nhành lan khác trên đời, em sẽ vẫn là duy nhất, để chỉ cần nghe làn gió khẽ đưa hương tôi vẫn biết đó là nhành lan của tôi.

Em đâu cần phải hiếm hoi để là một điều quý báu. Đâu cần phải khác biệt để trở thành duy nhất.

----------------

Theo một cách khó hiểu nào đó, chúng ta luôn muốn mình đặc biệt, giữa 8 tỷ người hay trong mắt ai đó (dù thật ra chúng ta không nhất thiết phải thế). Có thể chúng ta giống nhau nhiều hơn là khác biệt, và điều đó chẳng làm cho chúng mình tầm thường đi.
Không phải ai cũng dễ được nhận ra giữa đám đông và nổi bật giữa rất nhiều người, nhưng một điều chắc chắn, từ khi sinh ra chúng ta đã là duy nhất. Như cách mà đóa hồng là duy nhất với Hoàng Tử Bé, và nhành lan là duy nhất với tôi.







Hiểu về chính mình



HIỂU MÌNH ĐỂ LÀM GÌ?

Bạn thân mến,

Tôi vẫn nghĩ rằng vấn đề lớn nhất trên thế giới không phải là chúng ta bị thiếu các nhà thông thái mà là thiếu những người có khả năng tự nhận thức về bản thân và sở hữu trí tuệ cảm xúc. Trạng thái bình an là điều vô cùng cần thiết tạo nên sự thịnh vượng trong cuộc sống của mỗi cá nhân và điều lớn nhất có thể đánh cắp sự bình an của mỗi người chính là những lầm tưởng hay sự không hiểu chính bản thân mình và không hiểu người khác. Bạn càng hiểu rõ bản thân mình, bạn càng có thể hiểu người khác tốt hơn.

Nhà toán học, vật lý, nhà phát minh và triết gia Blaise Pascal đã từng nói rằng: “Tất cả các vấn đề của nhân loại đều xuất phát từ việc con người không có khả năng ngồi yên một mình trong phòng.” Đúng vậy, bạn có biết rằng trí tuệ và sự minh triết bên trong bạn chỉ có thể được khám phá trong những khoảnh khắc tĩnh lặng như vậy. Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại, chúng ta thường dành phần lớn thời gian để chạy xa khỏi chính mình, trong khi điều cần làm là chúng ta nên chạy về phía chính mình gần hơn, gần hơn nữa...

Bạn có biết hành trình hiểu về chính mình được kết nối thông qua mối quan hệ của chúng ta với những người khác, nhưng nó cũng kết nối thông qua mối quan hệ của chúng ta với vũ trụ và Đấng sáng tạo. Những gì chúng ta tin về Đấng sáng tạo và những phẩm chất thiêng liêng mà Đấng sáng tạo với chúng ta rất quan trọng đối với những gì chúng ta tin về chính bản thân mình.

Hiểu về chính mình bản chất là về việc nhận thức được bạn thực sự là ai, hơn là những gì nền văn hoá, giáo dục hay tôn giáo đã nói với bạn rằng bạn nên là. Khám phá bản thân vì vậy là về việc bạn không còn phấn đấu để trở thành những gì bạn nghĩ người khác sẽ ngưỡng mộ hay mong muốn nhìn thấy từ bạn. Lắng nghe người khác là điều quan trọng vì chúng ta học hỏi và lớn lên từ quan điểm của những người khác. Nhưng lắng nghe chính mình cũng quan trọng không kém. Chính là khi bạn dành thời gian một mình, cho chính mình, trong môi trường xung quanh yên bình. Môi trường xung quanh yên bình không có nghĩa là một môi trường vật lý im lặng tuyệt đối. Nó có nghĩa là bạn cho phép mình ở trong sự vắng mặt của phiền nhiễu và những tác động bên ngoài. Nếu bạn luôn luôn lắng nghe người khác mà quên việc lắng nghe chính mình, bạn sẽ trở thành một phiên bản tổng hợp của những người khác mà đánh mất đi con người thực sự độc đáo của chính mình.

Bạn chỉ có thể nghe thấy trí tuệ và những nguồn ý tưởng sâu sắc nhất bên trong bạn khi bạn tạo ra một khoảng trống trong chính mình để chúng được lắng nghe. Không có thời gian để chiêm nghiệm về chính mình, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc phát triển một triết lý sống cá nhân cho bản thân. Không có thời gian cho bản thân, bạn sẽ không có bất cứ điều gì có thể giúp bạn cân bằng. Lúc đó bạn rất dễ rơi vào tất cả các loại cạm bẫy và khó khăn trong việc chống lại những ảnh hưởng không tích cực của môi trường xung quanh.

Vì vậy mỗi ngày, bạn phải tạo ra và bảo vệ thời gian yên tĩnh cho riêng bạn và thực sự sử dụng nó một cách nghiêm túc. Đây sẽ là thời gian chúng ta kết nối với Đấng thiêng liêng bên trong bạn. Đây là thời gian thiêng liêng dành riêng cho bạn để bạn kết nối với con người thật sự bên trong mình. Đây là khi bạn được nhắc nhở chính mình làm thế nào để được bình yên trong cơn bão và về tầm quan trọng của tình yêu, trong đó có tình yêu tự thân, yêu thương chính mình vô điều kiện... Đây là nơi bạn sẽ tìm thấy sự an ổn và những chỉ dẫn đúng đắn cho cuộc sống của chính mình.

Hiểu về chính mình và ở với chính mình có quan trọng với bạn không? Với tôi, nó thực sự là điều quan trọng nhất mà tôi dành cho chính bản thân mình như một phước lành vào mỗi ngày.



Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2020

Ba câu hỏi của nhà vua



BA CÂU TRẢ LỜI MÀU NHIỆM

..."Nhà vua ấy Tolstoy không biết tên. Một hôm vua nghĩ rằng: "Giá mà vua trả lời được ba câu hỏi thì vua sẽ không bao giờ bị thất bại trong bất cứ công việc nào." Ba câu hỏi ấy là:

1. Làm sao để biết được thời gian nào là thời gian thuận lợi nhất cho mỗi công việc?
2. Làm sao để biết được nhân vật nào là nhân vật quan trọng nhất mà ta phải chú trọng?
3. Làm sao để biết được công việc nào là công việc cần thiết nhất mà ta phải thực hiện?

..."chỉ có một thời gian quan trọng mà thôi, đó là thời gian hiện tại, là giờ phút hiện tại. Giờ phút hiện tại quan trọng bởi vì đó là thời gian duy nhất trong đó ta có thể làm chủ được ta. Và nhân vật quan trọng nhất là người đang cụ thể sống với ta, đang đứng trước mặt ta, bởi vì ai biết được mình sẽ đương đầu làm việc với những kẻ nào trong tương lai. Công việc quan trọng nhất là công việc làm cho người đang cụ thể sống bên ta, đang đứng trước mặt ta được hạnh phúc. Bởi vì đó là ý nghĩa chính của đời sống”.

Trích câu chuyện "Ba câu hỏi khó của nhà vua" trong "Phép lạ của sự tỉnh thức" - Thích Nhất Hạnh
https://langmai.org/tang-kinh-cac/vien-sach/thien-tap/phep-la-cua-su-tinh-thuc/ba-cau-tra-loi-mau-nhiem/
Photo credit: http://www.learning-living.com/2013/02/leo-tolstoy-three-questions.html




Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2020

Những nấc thang vàng

Artist Joseph Parker

NHỮNG NẤC THANG VÀNG
(dẫn đến Ngôi Đền Minh Triết Thiêng Liêng ~ H. Blavatsky)
"Một đời sống trong sạch,
Môt tinh thần cởi mở,
Một tâm hồn thanh khiết,
Một trí tuệ nhiệt thành,
Một sự trực nhận tinh thần,
Một tình huynh đệ hữu ái với tất cả mọi sinh linh,
Một lòng sẵn sàng nhận lấy và cho ra những lời khuyên và chỉ dẫn,
Một dạ trung thành trong bổn phận với bậc Huấn Sư,
Một lòng quả quyết tuân theo mệnh lệnh của Chân Lý khi chúng ta tin tưởng nơi bậc Huấn Sư, và tin rằng Ngài nắm giữ chân lý ấy.
Một dạ dũng cảm chịu đựng bất công xảy đến cho riêng mình,
Một sự mạnh dạn tuyên bố các tôn chỉ,
Một lòng can đảm biện hộ cho ai bị đối xử bất công,
Và hằng lưu tâm đến lý tưởng của sự tiến bộ của nhân sinh 
Và sự hoàn thiện như khoa Minh Triết Bí Truyền mô tả.
Đây là những nấc thang vàng dẫn người học đạo tới đền
Minh Triết Thiêng Liêng."

THE GOLDEN STAIRS 
"A clean life, an open mind,
A pure heart, an eager intellect,
An unveiled spiritual perception,
A brotherliness for all,
A readiness to give and receive advice and instruction,
A loyal sense of duty to the Teacher,
A willing obedience to the behests of TRUTH,
once we have placed our confidence in,
And believe that the Teacher to be in possession of it;
A courageous endurance of personal injustice,
A brave declaration of principles,
A valiant defense of those who are unjustly attacked,
And a constant eye to the ideal of human progression,
And perfection which the secret science depicts -
These are the golden stairs
Up the steps of which the learner may climb
To the Temple of Divine Wisdom"
~ H. Blavatsky

Tranh của họa sĩ Joseph Parker 

Xem thêm Luận giải "Những Nấc Thang Vàng" của John Algeo