Thứ Năm, 20 tháng 9, 2018

Người đẹp và quái vật - Câu chuyện về con đường thành người


Mình rất thích truyện "Beauty and the Beast", ở đây xin trình bày một cách hiểu qua lăng kính của Anthroposophy về sự tiến hóa của con người được bộc lộ một phần nào qua câu truyện.

Mỗi câu truyện fairy tales, trước khi bị thương mại hóa, cho chúng ta một góc nhìn vào bức tranh tổng thể của sự phát triển con người. Mỗi câu truyện là một lời nói từ các Gods, rót vào tai người xưa như một nguồn cảm hứng, một lời dạy, một thông điệp cho nhân loại có giá trị mãi đến bây giờ và về sau. Người xưa, hoặc người hiện đại có khả năng nhận nguồn cảm hứng này, dùng các hình ảnh thế gian để truyền tải các thông điệp này.

Giá trị vĩnh hằng của fairy tales đặc biệt thể hiện qua sự bắt đầu bởi "Ngày xửa ngày xưa", vốn không phải có ý là câu truyện chỉ nói về một sự kiện trong quá khứ. Trong một tương lai xa chúng ta sẽ kể lại các câu truyện này vẫn bắt đầu bằng "Ngày xửa ngày xưa" nhưng khi đó người kể nhận ra rằng chính mình đã là một nhân chứng cho sự phát triển con người vĩ đại bộc lộ qua câu truyện mình đang kể. Câu truyện mà mình đang đọc -- chính mình đã hoặc đang đi qua. Chính mình là một nhân chứng khách quan.

Beauty and the Beast có nhiều phiên bản hơi khác nhau (cơ bản giống phần đầu truyện “The Singing, Springing Lark” trong tập truyện Grims), cho góc nhìn từ những khía cạnh hơi khác nhau của cùng một con đường. Qua thời gian các phiên bản cũng bị thương mai hóa, hư cấu xuyên tạc, nhất là từ Walt Disney. Những sự hư cấu này có thể rất có hại với sự lớn lên của trẻ nhỏ. Hiểu biết về con người giúp chúng ta nhận biết được chỗ nào là hư cấu, chỗ nào thật. Cách hiểu fairy tales dựa trên Anthroposphy không phải tùy tiện, mà một cách khách quan chỉ ra thông điệp ẩn ý đằng sau các hình ảnh và nhân vật trong fairy tales. (Nên khi hiểu được vài câu truyện, ta có thể theo các motifs đó mà hiểu rất nhiều các câu truyện khác, mặc dù mỗi câu truyện miêu tả một góc nhìn khác nhau.)

(Mình có viết thêm về vấn đề này trong bài sau:

Một điều rất quan trọng trong giáo dục Waldorf là khi kể cho trẻ nghe truyện fairy tales, ta không nên đọc từ sách, mà nên kể từ thuộc lòng và từ tâm hồn đã hiểu câu truyện. Và *tuyệt đối* chỉ kể truyện, chứ không phân tích cho trẻ. Sự phân tích chỉ dành riêng cho người kể.

Sau đây mình dùng một phiên bản mà mình hiện tâm ý nhất. Trước hết tóm tắt vài ý chính dùng lời của mình và sau đó trình bày cách hiểu nó.

----------------------------------------------

BEAUTY AND THE BEAST

Ngày xửa ngày xưa có một gia đình thương gia đã mất vợ có ba cô con gái. Cả ba đều xinh đẹp, nhưng cô út xinh đẹp hơn cả. Một hôm người cha có việc đi xa, hỏi các con muốn mình đem về quà gì. Cô cả và cô thứ hai muốn áo đầm đẹp và trân châu, còn cô út, đứa con ông yêu nhất, muốn một đóa hồng trắng.

Người thương gia khi xong việc dễ dàng mua được quà cho hai cô con gái đầu, nhưng không tài nào tìm được hoa hồng trắng. Ông đành đi về trong thất vọng. Trên đường về, ông bị bão tuyết đưa lạc sâu vào một khu rừng lạ, mất ngựa và tất cả đồ đạc. Mệt rã rời và đói lã, ông thấy ở đằng xa có một ánh sáng và đi tới. Đó là một lâu đài xập xệ như bị bỏ hoang từ lâu. Và ông nhận ra đây là lâu đài ma quái mà người đời hay đồn đại. Nhưng quá mệt, đói, và không có đường khác trong rừng sâu, ông bước đến, và kỳ lạ thay, cửa tự mở cho ông vào, đèn tự sáng, trên bàn đã có thịt và nước để sẵn. Ông ăn uống hả hê, và ngủ một giấc. Khi tỉnh dậy, ông bất ngờ tìm thấy tất cả đồ đạc của mình mất trong bão được xếp gọn để kế bên, và còn có một con ngựa khỏe mạnh gần đó đưa ông về. Thầm cảm kích sự giúp đỡ vô hình của người chủ lâu đài, ông dắt ngựa ra ngoài chuẩn bị về. Và khi đó tình cờ ông thấy có một bụi hoa hồng trắng. Quá mỹ mãn ông chọn một đóa đẹp nhất cho con gái út.

Nhưng ngay lúc đó có một con quái vật to lớn hung dữ nhảy ra trước mặt ông. Quật ngã ông, nó gào lên “Ta đã đối xử ngươi tử tế, tại sao dám bứt đóa hồng xinh đẹp của ta? Ngươi phải chết!”. Quá sợ hãi, người thương gia vội nói “Tôi chỉ bứt đóa hồng này cho con gái của tôi.”. Nghe vậy con quái vật nói “Ta sẽ tha cho ngươi về nếu người con gái đó đến tự nguyện đến đây thay ngươi.”. Người thương gia từ chối nhưng van xin “Hãy cho tôi về để từ biệt các con. Tôi thề sẽ quay lại nộp mạng.”. Con quái vật đồng ý: “Con ngựa của ta sẽ đưa ngươi về. Dùng con ngựa đó mà quay lại đây.”

Người thương gia quay về, lòng buồn rũ rượi. Gặn hỏi cuối cùng người con gái út mới biết chuyện gì đã xảy ra. Ngay lập tức nàng nhảy lên con ngựa đang đứng đợi ở ngoài và phóng một mình đến lâu đài của con quái vật.

Đến nơi, nàng dũng cảm bước vào. Lâu đài cũ kỹ nhưng nàng luôn được phục vụ nhiệt tình bởi các người hầu vô hình. Còn con quái vật chủ lâu đài chỉ đến vào mỗi buổi tối, đứng trong bóng tối vì không muốn cho nàng thấy và sợ, và nói chuyện với nàng. Mỗi buổi tối nó đều cầu hôn với nàng, và luôn bị nàng từ chối.

Cuộc sống trong lâu đài dần trải qua. Cô gái dần dần cảm thấy cô đơn. Mặc dù các cuộc nói chuyện buổi tối rất thú vị như tâm tình với tri kỷ, nhưng nàng không thể chấp nhận yêu một con quái vật mà thật sự nàng chưa bao giờ thấy, và càng ngày càng không thể chịu đựng sự cô đơn khi tối hết và ngày dài đến.

Đến một lúc chịu không nổi nữa, nàng muốn đối mặt nhận diện con quái vật. Nàng đặt một cái gương, và đến tối khi con quái vật ra nói chuyện với nàng, nhìn vào gương, nàng nhìn thấy bộ mặt khủng khiếp. Quá cay đắng, trong đêm nàng lên ngựa bỏ chạy ngay về nhà cũ.

Cuộc sống cũ, quanh quẩn với hai người chị, đối với nàng giờ trở nên quá vô vị. Nàng dần cảm thấy nhớ da diết lâu đài cũ kỹ và con quái vật. Không lâu sau, nàng trở lại lâu đài.

Lần này trở lại, bước vào chỗ cũ, mọi thứ không còn như trước. Không còn một người hầu nào ra tiếp đón. Nàng chạy tìm và cuối cùng tìm được con quái vật nằm như đã chết, chỉ còn thoi thóp yếu ớt. Hoàn toàn bất lực và cảm thấy như chính mình cũng đang chết, cô gục khóc trên thân của người yêu. Nhưng huyền diệu thay, nước mắt tình yêu của cô biến thân hình quái vật dần thành một chàng trai tuấn tú khỏe mạnh và ngồi dậy, nói với nàng rằng mình vốn là một hoàng tử nhưng bị một lời nguyền biết thành quái vật và chỉ quay trở lại thành người nếu có một cô gái tự nguyện yêu mình.

Trong chớp mắt lâu đài trở nên cực kỳ nguy nga lộng lẫy. Đám cưới được tổ chức tráng lệ linh đình, khách bốn phương đều đến dự. Hai người trở thành vua và hoàng hậu mới, cai trị đất nước từ đó và mãi về sau.

----------------------------------------------

Giải thích:

"Gia đình thương gia đã mất vợ" nói về một người (hay cả nhân loại) đã hoàn toàn quên hẳn gốc gác divine của mình, và phải lo việc hoàn toàn trần tục để tồn tại. Nhưng gia đình này có "ba cô con gái xinh đẹp". Con cái trỏ đến tương lai. Ba cô gái này là ba giai đoạn phát triển tâm hồn của con người. Giai đoạn thứ nhất, gọi là sentient soul trong Anthroposophy, là tâm hồn biết cảm xúc. Giai đoạn thứ hai, intellectual soul, là tâm hồn biết tư duy. Và cuối cùng, cô con gái đẹp nhất và được cha yêu nhất, là consciousness soul, là tâm hồn biết nhận thức bản thân, biết kết hợp tư duy và sự ấm áp của trái tim để hiểu chính mình và thế giới, từ đó tìm lại gốc gác của mình. Nên cô gái út không bận tâm đến vẻ đẹp bề ngoài mà muốn một đóa hồng trắng. Màu trắng trong fairy tales tượng trưng cho sự trong sáng tinh khiết của tâm hồn, không những về mặt đạo đức mà còn về tư duy -- rõ ràng và không bị vẩn đục bởi các định kiến. Ngoài ra "đóa hồng trắng" còn tượng trưng cho sự vươn lên của tâm hồn. Màu thông thường của hoa hồng là màu đỏ đục của máu, thường tượng trưng cho các ham muốn ích kỷ. "Đóa hồng trắng" trỏ đến một mục tiêu cao cả của tâm hồn nhận thức: thanh lọc hết tất cả các ham muốn ích kỷ của mình, biến đỏ đục thành trắng.

Nhưng dễ gì tìm được hoa hồng trắng (hiểu một cách sâu sắc hơn chứ không phải hoa hồng trắng bán ngoài chợ ngày nay), nếu không được số phận đưa đẩy? Trong cái tưởng như là rủi ro nhất của số phận, người thương gia được đưa đến lâu đài. Lâu đài chính là thế giới tâm linh. Đối với tâm hồn của một người chưa phát triển, thế giới tâm linh là thế giới ma quái, đáng sợ, và cũ kỹ. Nhưng đối với tâm hồn một người được số phận đưa đẩy tới, thế giới tâm linh bắt đầu hé mở những yếu tố đẹp đẽ và tương lai của nó. Trong thế giới này người cha tìm được hoa hồng trắng làm quà cho con gái yêu.

Nhưng hoa hồng trắng không phải muốn lấy là lấy! Nó được người chủ của thế giới tâm linh – con quái vật -- canh giữ (Hình tượng con quái vật còn có khía cạnh khác, sẽ nói đến sau. Truyện này cũng không nói đến khía cạnh ai tạo ra số phận đưa người cha tới) Nhưng khi con quái vật nghe được có một cô gái muốn có đóa hồng trắng, nó liền muốn gặp cô gái, vì nó hy vọng sẽ tìm được người chủ tương lai của lâu đài!

Người cha trở về. Cô gái sau khi nghe chuyện lập tức lên ngựa phóng đến lâu đài. Không phải chỉ vì cô muốn cha khỏi chết, mà là cô biết chỗ nào có không những một mà nhiều hoa hồng trắng, chỗ đó cô phải tới. Trong fairy tales, con ngựa là con vật tượng trưng cho tư duy. Có được trí tuệ từ thế giới tâm linh ban cho, cô gái từ nay có thể ra vào giữa hai thế giới tâm linh và trần tục một cách tự do mà không cần số phận đưa đẩy.

Tại lâu đài, cô được các thế lực vô hình giúp đỡ. Một người đi trên con đường thành người của mình bắt đầu từ đây càng được thế lực tâm linh hỗ trợ. Nhưng người chủ lâu đài – con quái vật – chưa thể hiện hình trước cô được. Ở đây con quái vật tượng trưng cho một khía cạnh khác mà người nào cũng phải gặp khi đi trên con đường này. Đó chính là con quái vật của tất cả “thú tính”, những ham muốn ích kỷ từ nhỏ đến lớn của mình. Nhưng một tâm hồn nhận thức chỉ nhận diện được con quái vật của chính mình khi tâm hồn đó phát triển đến một mức độ nào đó. Thời gian lẻ loi trong lâu đài, những cuộc trò chuyện tâm giao, là thời gian đưa tâm hồn đó phát triển. (Việc các cuộc trò chuyện chỉ xảy ra ban đêm có ẩn ý nhưng mình chưa nói tới ở đây.) Khi đã tới lúc, nhìn vào gương, cô gái sửng sốt trước các thú tính chưa được thuần hóa của mình, và bỏ trốn quay về thế giới trần tục.

Còn những việc còn lại – làm sao cô gái thuần hóa con quái vật – truyện đã nói rõ. Một tâm hồn khi đã phát triển không còn chỉ nhận sự hỗ trợ từ thế giới tâm linh nữa, mà còn làm đẹp nó thêm. Và ngược lại, thế giới tâm linh cần nhân loại cho sứ mệnh tương lai của nó, thể hiện qua việc tại sao khi cô gái quay lại lâu đài, con quái vật chỉ còn thoi thóp. Cô gái và hoàng tử trở thành người cai trị vương quốc, tâm linh cũng như trần gian.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét