Thứ Năm, 20 tháng 9, 2018

Tầm nhìn của Steiner về tương lai con người, năm 3500

Tác giả: Trình Huỳnh

Xây dựng thiên đường ở Hạ Giới

Sự phát triển trong thiên nhiên, của con người, của nhân loại và trái đất, không phải là một sự tuyến tính đều đều mà bao gồm những cú "nhảy vọt". Với bản chất từ chối các lực tâm linh, khoa học duy vật không bao giờ có thể giải thích được các cú nhảy vọt như vậy. Không chỉ đầy rẫy trong thiên nhiên, như từ hạt nảy ra mầm, từ cành cây khô khan sang xuân bỗng đâm chồi nảy lộc, mà còn trong con người: thay răng khoảng bảy tuổi, nhận thức về sự tách biệt giữa bản thân và thế giới khoảng chín tuổi, dậy thì, ... 

Với nhãn quan tâm linh, Steiner truyền tải cho ta rằng những cú nhảy vọt kỳ diệu như vậy cũng có trong sự phát triển của cả nhân loại và trái đất. Bản chất tâm hồn của nhân loại ngày nay khác với mới cách đây hai ngàn năm, và sẽ khác chỉ hai ngàn năm nữa. Thế giới quy luật tự nhiên bên ngoài đã và cũng sẽ thay đổi. Mọi thành tựu khoa học từ thời Phục Hưng không phải tự dưng mà có, mà do nhân loại lần đầu tiên trên diện rộng có được khả năng tư duy trí óc. Nguồn trí tuệ sâu thẳm của vũ trụ mà cả chiều dài tiến hóa trước đó đã truyền biết bao cảm hứng dẫn dắt nhân loại từ bên ngoài thông qua nhãn quan tâm linh xưa, nay đã đi vào trong tâm hồn của mỗi con người. Trong khi con người từ xưa đến mới cách đây một ngàn năm vẫn còn chút nhãn quan tâm linh đế tiếp cận sự dẫn dắt từ bên ngoài đó, nay mọi vết tích của nhãn quan xưa chỉ còn thấy được các thực thể ngược tiến hóa hoặc các ảnh hưởng của họ. Thời đại hai ngàn năm hiện nay từ thời Phục Hưng đến khoảng năm 3500 là thời đại thử thách ý chí con người: cất bước hành trình từ tư duy trí óc đến tư duy của trái tim, tìm được trong nội tâm của mình nguồn trí tuệ đó, và qua đó mới phục hồi nhãn quan tâm linh xưa. Đây là thử thách đặc biệt của thời đại này, trước nay chưa bao giờ có, và trong tương lai sẽ không bao giờ lặp lại nữa.

Cụm từ tư duy của trái tim khó mà giải thích trong vài dòng, nhưng đó là nơi mà tư duy logic và cảm xúc hợp nhất, là nơi mà trí tuệ đưa tình yêu thăng hoa vượt lên trên máu mủ và mọi rào cản biên giới, là nơi mà mọi tình yêu truyền thống có thể tìm thấy sự tự do, và cũng là nơi mà sự tự do sinh ra tình yêu mới.

Trong sự dẫn dắt nhân loại xưa, các thần linh đã truyền tải cho con người các giá trị và lý tưởng cao quý đẹp đẽ nhất, trong đó có tình cảm và hy sinh cho nhau giữa người và người: tình cảm nam nữ, tình cảm máu mủ, tình cảm khắng khít trong xóm làng, trong cộng đồng, v.v. Các truyền thuyết, truyện cổ tích và dân gian cho ta thấy các tình cảm đó có thể sâu đậm đến dường nào, hoặc ít nhất là những lý tưởng cao thượng muốn vươn đến của người xưa. Trong sự dẫn dắt của mình, các thần linh đưa người và người đến gắn bó với nhau. Mặc dù ngày nay các thần linh đã thôi nhiệm vụ và thay vào đó là các thế lực phản tiến hóa, nhưng ngày xưa mỗi dòng tộc và mỗi cộng đồng đều được một thần linh dẫn dắt và truyền tải cho các lý tưởng cao thượng. Nhưng cũng chính các thần linh cách đây năm trăm năm đã ban tặng cho nhân loại tư duy trí óc. Và tư duy trí óc cùng với hệ quả là chủ nghĩa duy vật của nó đã và đang với tốc độ nhanh chóng khai tử mọi tình cảm gắn bó khắng khít xưa.

Tại sao các thần linh trước thì dẫn dắt con người hướng đến các giá trị tình cảm đẹp đẽ, sau thì lại ban tặng con người tư duy trí óc, biết trước rằng nó có thể sẽ khai tử mọi tình cảm xưa?

Bởi vì con người không được tạo nên để được dẫn dắt mãi! Chỉ có con đường thông qua tư duy trí óc, con người mới trưởng thành để tự kiến tạo nên tình yêu trong tự do! Mỗi con người ngày nay, nếu các kiếp ngày xưa đã sống hết mình trong sự dẫn dắt của thần linh, sẽ thấy rõ sự nông cạn, hời hợt của xã hội hiện đại, và với nội lực đã xây dựng từ các kiếp trước đó cùng với khả năng tư duy trí óc mới, sẽ tìm được đến nguồn trí tuệ ngày xưa đã dẫn dắt mình mà hiện nay đã vào ở trong tâm hồn. Còn những ai chưa đi vào chiều sâu của tư duy trí óc và nghĩ rằng không cần nó mình vẫn có thể có tình yêu đủ, thực chất chỉ đang ảo tưởng chưa nếm đủ thử thách của tình yêu. 

Vậy điều gì sẽ xảy ra với những con người với ý chí của mình hành trình tìm đến tình yêu trong tự do đó? Steiner cho ta biết rằng có nhiều cú "nhảy vọt" trong tiến hóa sắp đến với họ. Những cú nhảy vọt trong sự phát triển đó sẽ đưa những con người này đến với nhau, hình thành nên các cộng đồng khắng khít mới. Nhưng khác với các cộng đồng ngày xưa vốn thường được lập nên rồi sớm muộn gì cũng suy tàn -- bởi các thần linh dẫn dắt chúng bỏ đi khi xong nhiệm vụ -- những cộng đồng tương lai do chính con người kiến tạo nên với tình yêu trong tự do này sẽ vững bền mãi mãi. 

Vậy các cú nhảy vọt trong tiến hóa đó là gì mà sẽ đưa con người đến với nhau trong tự do và phát triển cộng đồng? Ví dụ một số ý mà Steiner nói như:

Khoảng năm 3500 trở đi, các con người đó sẽ tự phát triển được lòng thông cảm sâu đậm cho người khác. Ngày nay lòng thông cảm đó chỉ mới là một hạt giống trong tâm hồn. Nhưng vào thời đại tương lai đó, khi một người lạ ở gần ta thấy đau, ta cũng sẽ thấy đau sâu sắc như chính ta bị đau. 

Cũng từ khoảng năm 3500 trở đi, khả năng tư duy logic sẽ gắn chặt với đạo đức. Những vết tích còn lại của sự ích kỷ trong bản ngã sẽ ảnh hưởng đến khả năng tư duy.

Cũng khoảng năm 3500 trở đi, khi đã có được tư duy của trái tim, con người cũng dần làm chủ được lực sống (từ thể sức sống). Những con người này sẽ phát triển được máy móc chạy bằng năng lượng từ lực sống, một phần để đối chọi với máy mọc chạy bằng năng lượng từ lực chết của khoa học duy vật. Khoa học duy vật (trong đó có trí tuệ nhân tạo) trong tương lai sẽ phát triển lên đến đỉnh rất cao, làm chủ được mọi lực chết khổng lồ trong thế giới vật chất (như lực nguyên tử). Một phần để đối chọi lại, các con người phát triển sẽ tạo nên các máy móc chạy bằng lực sống. Lực sống, vốn đến từ vũ trụ, tự nó có thể sản sinh, như cây cối tự chúng sản sinh nhờ lực sống (nên không tuân theo quy luật bảo toàn năng lượng). Nên kho năng lượng từ lực sống là đúng nghĩa vô tận, không phải giới hạn như năng lượng của lực chết. Và vì chỉ những con người đã có được tư duy của trái tim mới làm chủ được lực sống, máy móc chạy bằng lực sống chỉ có thể được sử dụng và phục vụ trong các cộng đồng của những con người như vậy. 

Trong khi những con người đã bị chủ nghĩa duy vật khuất phục sẽ tự đấu đá với nhau trong sự ích kỷ của mình để giành nhau năng lượng chết càng ngày càng cạn kiệt và cuối cùng tự hủy diệt nhau trong một cuộc chiến tàn khốc nhất lịch sử nhân loại vào thiên niên kỷ tám, các cộng đồng của những con người phát triển sẽ được bảo vệ sang trang lịch sử mới (Steiner nói ông không được tiết lộ việc bảo vệ đó sẽ như thế nào.) 

Cũng vào khoảng thiên niên kỷ tám đó khi lịch sử sang trang, luân hồi của loài người cũng chấm dứt. Nhân loại mới đã giải phóng mình khỏi cái chết và vòng quay luân hồi.

Những cộng đồng trên -- bắt đầu hình thành từ khoảng năm 3500 -- là những "thiên đường ở hạ giới" mà mình để trong tựa bài.


Còn một ý cuối cùng. Vào thiên niên tám, khi lịch sử sang trang, sau đó sẽ là gì? Đâu đó Steiner nói rằng các nền văn minh xưa sẽ được lặp lại, nhưng mình không thấy ông không nói cụ thể vậy nghĩa là gì. Nhưng với một sự hoài cổ trong người, mình có một nguyện vọng lớn rằng, khi đó nhân loại sẽ cùng nhau xây dựng lại những nền văn minh huy hoàng xưa và ở trong đó, chúng ta sống với nhau đúng nghĩa với những lý tưởng cao đẹp mà ngày xưa các thần linh đã truyền tải. Trong khi các nền văn mình xưa đó được dựng lên và sớm suy tàn do suy thoái của loài người, thì các nền văn mình cổ được nhân loại xây dựng lại trong tương lai đó sẽ được kéo dài bền vững, theo đúng nguyện vọng và nhu cầu của những con người tự do.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét