Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2022

Sức mạnh của vòng tròn

Tác giả: Nam Taro

9 BẢO BỐI TẠO NÊN SỨC MẠNH CỦA VÒNG TRÒN

Có phải cứ xếp ghế thành hình một vòng tròn để mọi người thảo luận với nhau là chúng ta sẽ có một vòng tròn không? Không.

Có phải cứ để tất cả mọi người chia sẻ thì chúng ta sẽ có một vòng tròn? Không hẳn.

Có phải cứ khiến mọi thứ chậm lại thì chúng ta sẽ có một vòng tròn? Không nhất thiết.

Nếu chúng ta chỉ nhìn vào hình thái như bên trên, thì sẽ không hiểu hết được bản chất của không gian vòng tròn, và tự chúng ta cũng đang giới hạn khả năng ứng dụng rộng rãi của vòng tròn trong nhiều lĩnh vực.

Vòng tròn là một không gian giao tiếp đặc thù. Vòng tròn luôn có quy trình mạch lạc nhằm phát huy khả năng lắng nghe và biểu đạt giữa tất cả các thành viên, từ đó gợi mở kết nối sâu sắc và các góc nhìn đa chiều. Vì tính đặc thù này mà vòng tròn được lựa chọn để làm phương tiện thảo luận những vấn đề phức tạp, giải quyết những xung đột sâu sắc hoặc tạo không gian để chuyển hóa những cảm xúc khó.

Tùy vào mỗi mục tiêu như trên mà hình thái vòng tròn có thể linh hoạt thay đổi, nhưng các hình thái này đều dựa trên sự kết hợp của 9 yếu tố, hay bọn mình gọi vui là "9 bảo bối" tạo nên sức mạnh đích thực của vòng tròn.

9 bảo bối này là nền tảng thực hành căn bản đã được đúc kết qua hàng chục năm kinh nghiệm của cộng đồng The Circle Way quốc tế. Tùy vào độ "vững" mà mình cần cho không gian vòng tròn, chúng ta sẽ kết hợp một vài hoặc tất cả các bảo bối này lại với nhau. Nên nhớ rằng không nhất thiết lúc nào cũng cần đem hết cả 9 bảo bối ra!

1. Ý ĐỊNH: 

Lý do nào đủ quan trọng để những người tham gia vòng tròn muốn hiện diện và lắng nghe-chia sẻ? Ý định càng rõ thì những người đến với vòng tròn càng hiểu vì sao mình cần ở đây và mang trong mình sự thôi thúc để kết nối.

2. NUÔI DƯỠNG TRUNG TÂM VÒNG TRÒN:

Trung tâm là một (hoặc nhiều) vật mang ý nghĩa biểu tượng được đặt ở giữa vòng tròn để nhắc người tham gia về lý do chúng ta hiện diện ở đây. Mọi người cùng nuôi dưỡng trung tâm vòng tròn bằng cách để tâm vào ý định ban đầu của vòng tròn, và nhắc nhở nhau cùng quay lại ý định này những khi cả nhóm gặp trắc trở.

3. BA NGUYÊN TẮC VÀNG:

Sau đây là ba nguyên tắc luôn được đọc lên trong các vòng tròn. (1) Ai cũng có khả năng dẫn dắt và đóng góp trong vòng tròn, (2) Thành ý và trách nhiệm đến từ tất cả các thành viên mới có thể tạo nên trải nghiệm vòng tròn đúng nghĩa, (3) Tin tưởng vào trí tuệ toàn thể của nhóm.

4. BA LỜI MỜI THỰC HÀNH CĂN BẢN:

Sau đây là lời mời được đọc lên để tạo cảm hứng cho quá trình lắng nghe và biểu đạt của các thành viên. (1) Lắng nghe với sự chú tâm, (2) Biểu đạt với sự để tâm, (3) Toàn tâm nuôi dưỡng vòng tròn.

5. ĐIỂM CHUYỂN GIAO:

Mọi vòng tròn đều bắt đầu với một hoạt động/nghi thức mang ý nghĩa chuyển giao (từ không gian thông thường sang không gian vòng tròn). Điểm chuyển giao có thể mang nhiều hình thức sáng tạo: một tiếng chuông, một lời chào, một vài giây yên tĩnh, một bài hát/bài thơ, v.v. Điểm chuyển giao giúp người tham gia chậm rãi tập trung năng lượng để hiện diện trong vòng tròn.

6. HỎI THĂM / CHECK-IN:

Vòng tròn khởi động bằng việc các thành viên lần lượt phản hồi một câu hỏi. Tùy vào ý định của người/nhóm điều phối và đặc thù của bối cảnh mà câu hỏi check-in có thể mang mục đích tạo sự kết nối thông qua việc mời gọi chia sẻ một điều gì đó cá nhân, hoặc giúp người tham gia làm rõ mục tiêu vòng tròn bằng cách chia sẻ nhu cầu khi tham gia vòng tròn của mình. Hỏi thăm/ Check-in là hoạt động đặc trưng của vòng tròn giúp người tham gia làm quen dần với thực hành lắng nghe chú tâm và biểu đạt để tâm trước khi bước vào vòng chia sẻ sâu hơn.    

7. THỎA THUẬN:

Tùy vào mức độ phức tạp và nhạy cảm của bối cảnh nhóm mà người điều phối có thể đề xuất, hoặc cùng với nhóm thảo luận một số các thỏa thuận cần thiết, nhằm khuyến khích các hành động mang tính xây dựng trong quá trình diễn ra vòng tròn.  

8. NGƯỜI BẢO HỘ NĂNG LƯỢNG NHÓM:

Trong một không gian vòng tròn sẽ luôn có một hoặc nhiều vai trò "người bảo hộ". Người này có trách nhiệm để ý năng lượng cũng như nhịp điệu trong vòng tròn và hỗ trợ người điều phối khi cần thiết. Trong mô hình của Phương pháp Vòng tròn (The Circle Way) thì người bảo hộ luôn mang theo mình một cái chuông. Người này sẽ rung chuông để cả nhóm có một vài khoảnh khắc yên lặng và điều hòa lại năng lượng. Người bảo hộ nắm vai trò quan trọng khi không gian dung chứa nhiều mâu thuẫn tiềm tàng hoặc cảm xúc khó.  

9. CHÀO NHAU RA VỀ/ CHECK-OUT:

Đây là hoạt động ra dấu kết thúc vòng tròn và tạo bước đệm cho người tham gia chuyển giao ra khỏi vòng tròn. Vòng tròn gói lại bằng việc mỗi người lần lượt phản hồi một câu hỏi nhằm mục đích đúc kết lại trải nghiệm vòng tròn. Câu hỏi check-out được thiết kế để giúp người tham gia định hình điều quan trọng mình đã tiếp thu, ngẫm nghĩ về tinh thần nhóm hoặc tập trung vào hành động mình muốn làm sau khi vòng tròn kết thúc. Một hoạt động check-out hiệu quả sẽ giúp người tham gia thêm tin tưởng vào sức mạnh vòng tròn.

LẮNG NGHE LÀ DÁM THAY ĐỔI

"Lắng nghe một người là khi mình thực sự gặp được người đó như họ đang là, với tất cả những phẩm chất, hi vọng, ước mơ, âu lo, sợ hãi,... mà không kì vọng họ phải thay đổi điều gì về bản thân họ. Lắng nghe thực sự là lựa chọn để tin vào người đối diện rằng họ hãy cứ là họ như khoảnh khắc này là đủ, dù mọi thứ có đang mông lung thế nào, đổ vỡ thế nào. 

Lắng nghe thực sự cũng là việc mình có sẵn sàng đón nhận tất cả những điều mình không biết-không hiểu-thậm chí có định kiến từ chia sẻ của người khác, và sẵn lòng để bản thân của mình được chuyển hóa để nhìn thế giới rộng lớn và đa chiều hơn không. 

Lắng nghe sẽ dễ hơn nếu mình nghe những điều mình đã biết, đã quen và đã tin, nhưng chúng ta sẽ lắng nghe thế nào khi cảm xúc, trải nghiệm hay thế giới quan của người đối diện hoàn toàn nằm ngoài phạm vị nhận thức của mình? 

Nói một cách giản dị nhất, vòng tròn là không gian neo giữ thực hành lắng nghe trong những bối cảnh phức tạp như trên. Thực hành lắng nghe trong vòng tròn là quá trình chúng ta trao quyền cho những tiếng nói chưa được/ít khi được lên tiếng. Có thể vì sự mất cân bằng quyền lực, vì tiếng nói đa số, vì những thiên kiến-định kiến, mà những tiếng nói này không được lắng nghe, nhưng đây lại là những tiếng nói mang đến những góc nhìn mới, thách thức lối mòn tư duy và mang lại những thay đổi quan trọng cho tổ chức/cộng đồng. 

Vậy nếu chúng ta mong muốn sự đổi mới, thì đơn giản thôi - hoặc không đơn giản chút nào - là (1) biết lắng nghe thực sự, và (2) tạo ra được không gian để mỗi tiếng nói cần lên tiếng được lắng nghe một cách toàn vẹn. 

Suy rộng ra thì một tổ chức hay một cộng đồng dám lắng nghe là một tổ chức hay cộng đồng đã luôn sẵn sàng cho sự thay đổi."

~ Nam Taro