Lời dạy của Chân Sư D.K - Giải thích bởi Chú L.K.
Để tiếp tục những chỉ dạy về Khoa học Tham Thiền, tôi muốn nhắc các bạn rằng chúng ta đang tiếp tục xây dựng nội dung này dựa trên những nguyên lý nền tảng đã được đưa ra trước đây (trong cuốn sách Đường Đạo trong Kỷ Nguyên Mới, quyển I), và rằng những mục tiêu dài hạn và mục đích trước mắt vẫn giữ nguyên. Mối quan tâm của chúng ta hiện nay là mang lại sự hợp nhất cho nhóm trên cơ sở tình thương, và điều này đòi hỏi sự khơi hoạt luân xa tim mạnh mẽ hơn. Về điều này, để tôi nhắc lại điều tôi đã từng đề cập, bởi nó tạo nên dẫn nhập thích hợp cho những gì tôi sẽ yêu cầu các bạn làm ở đây:
“Thật ra, chỉ từ luân xa tim mà các tuyến năng lượng có thể chảy ra, nối kết và liên quan mật thiết với nhau. Do đó, tôi sẽ đưa ra cho các bạn một bài tham thiền nhóm nhằm kích thích luân xa tim đi vào hoạt động, kết nối luân xa tim (nằm giữa hai bả vai) với trung tâm lực ở đầu thông qua trung gian là một luân xa tim nữa nằm trong luân xa đỉnh đầu (hoa sen ngàn cánh). Luân xa tim này khi phát xạ và có từ tính đầy đủ sẽ liên kết các bạn với nhau và với thế giới theo một cách hoàn toàn mới. Cũng luân xa này, khi được kết nối với luân xa tùng thái dương nhờ một hoạt động ý chí của linh hồn, sẽ giúp tạo nên cách tương tác bằng viễn cảm, điều đang rất được mong đợi và sẽ đóng góp hữu ích cho công việc của Thánh Đoàn—miễn là nó được thiết lập trong một nhóm các đệ tử thệ nguyện, hiến mình cho hoạt động phụng sự nhân loại. Như vậy, những người này có thể tin tưởng được.”
Đây là bài tham thiền dùng tăng cường sự hợp nhất nhóm các đệ tử, và sự hợp nhất nhóm này dựa trên tình thương, được phát triển thông qua luân xa tim chứ không dựa trên luân xa tùng thái dương. Dù chúng ta chưa phải là đệ tử chính thức của chân sư, nhưng bài tham thiền cũng giúp tăng cường mối liên kết nhóm giữa các thành viên lại nhau.
Trong hầu hết nhân loại, luân xa đang phát triển mạnh nhất là luân xa tùng thái dương. Luân xa tùng thái dương là cửa ngõ để các mãnh lực cõi trung giới đi vào chúng ta và cũng là cửa ngõ để thể cảm xúc tiếp xúc với cõi trung giới. Nó giữ một vai trò cực quan trọng trong đời sống của một thường nhân, và mục tiêu quan trọng của người chí nguyện là kiểm soát được nó. Y phải chuyển hoá dục vọng thành nguyện vọng (aspiration).
Đa phần nhân loại ngày nay sống trong dục vọng, dù đó là dục vọng tốt, dục vọng tinh thần hay những ham muốn xấu xa hoặc ích kỷ. Đức D.K dùng một câu bao trọn điều nầy: nhân loại (chưa giác ngộ và thường nhân) sống, chuyển động, và tồn tại thông qua luân xa tùng thái dương nầy. Đối với một thường nhân những ham muốn, dục vọng lại là những động lực giúp họ tiến hóa. Những ham muốn, tham vọng, xúc động chính thực đều là năng lượng hay mãnh lực trên cõi trung giới vì “Tất cả đều là năng lượng”.
Luân xa tùng thái dương cũng là cơ quan mà các đồng tử và các nhà thấu thị (bậc thấp) sử dụng để tiếp xúc với cõi trung giới. Nhãn thông bậc thấp liên quan với luân xa tùng thái dương, trong khi nhãn thông bậc cao liên quan đến luân xa Ajna.
Tất cả những rối loạn và bệnh tật của các cơ quan nằm dưới hoành cách mô như bao tử, gan ... đều do hoạt động rối loạn của luân xa này.
Đức D.K gọi luân xa tùng thái dương là một "great clearing house"— một trung tâm xử lý lớn—của tất cả năng lượng nằm dưới cơ hoành. Các năng lượng xuất phát từ ba luân xa chính (luân xa xương cùng, luân xa lá lách, luân xa gốc) và các luân xa phụ khác dưới cơ hoành hay cách mô đều chuyển đến luân xa tùng thái dương trước khi chuyển dịch đến các luân xa tương ứng cao hơn. Năng lượng của luân xa xương cùng sẽ chuyển dịch đến luân xa cuống họng, năng lượng của luân xa đáy cột sống sẽ chuyển đến luân xa đỉnh đầu, còn năng lượng của luân xa tùng thái dương sẽ chuyển đến luân xa tim.
Cơ quan biểu hiện ngoại tại của luân xa nầy là tuyến tụy (pancreas), bao tử và gan. Các cơ quan nầy được nuôi dưỡng bởi lực từ luân xa nầy. Đức D.K nói rằng hiểu biết điều nầy một cách đúng đắn sẽ giúp con người chống được các bệnh tật của ba cơ quan nói trên. Bằng cách kiểm soát luân xa tùng thái dương, cũng như tiếp nhận và phóng thích các năng lượng tập trung trong luân xa nầy một cách đúng cách sẽ giúp thanh lọc, tăng cường sức mạnh và bảo vệ ba cơ quan trọng yếu nêu trên.
Một số sách tiếng Việt dịch luân xa tùng thái dương (Solar Plexus Center) là bí huyệt đan điền là không chính xác. Huyệt đan điền nằm dưới rốn khoảng 3cm, gần với luân xa xương cùng hơn, còn luân xa tùng thái dương nằm ở phía sau lưng, đối diện phần dưới chỗ lõm giữa ngực. Việc nhận diện đúng vị trí của luân xa thì việc tham thiền mới hiệu quả.
Vị trí các luân xa
Hoạt động của luân xa tim không bao giờ biểu lộ trong mối quan hệ với các cá nhân. Đây là một sự thật cơ bản. Điều tàn phá hầu hết các đệ tử là khả năng của luân xa tùng thái dương (khi được thanh khiết hoá và thánh hoá), đồng hoá nó với các cá nhân. Nhưng luân xa tim không thể phản ứng ngoại trừ dưới động lực của nhóm, niềm hạnh phúc và bất hạnh của nhóm, cùng các mối quan hệ nhóm.
Luân xa tim là tương ứng bậc cao của luân xa tùng thái dương. Luân xa tim có 12 cánh, nằm ở phía sau lưng, giữa hai bờ vai. Nó thể hiện năng lượng của cung 2, cung của Minh triết và Tình thương. Luân xa nầy được khai mở hoàn chỉnh sau kỳ điểm đạo thứ hai, khi đó con người đã làm chủ được dục vọng và chuyển hóa nó thành bác ái và tình thương. Đức D.K nói rằng hoạt động của luân xa tim không bao giờ dính dáng với cá nhân. Luân xa tim chỉ phản ứng với những xung động của tập thể, những hạnh phúc hoặc bất hạnh của tập thể. Nói tóm tắt, nó là luân xa của nhóm, của đoàn thể. Một người mẹ có lòng thương con vô biên, có thể linh cảm được những mối hiểm nguy mà đứa con đang gặp phải, những linh cảm đó xuất phát từ luân xa tùng thái dương chứ không phải từ luân xa tim. Một bậc giáo chủ có lòng thương đến cả nhân loại, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, thì tình thương đó mới có thể xem là xuất phát từ luân xa tim.
Do đó đức D.K mới nói rằng luân xa nầy chỉ khai mở hoàn chỉnh sau kỳ điểm đạo thứ hai, vì chỉ khi đó con người đã làm chủ những dục ham muốn cá nhân, đã chuyển hoá chúng thành bác ái và tinh thương, y không còn mong cầu chi cá nhân mà chỉ hướng đến phụng sự cho cộng đồng, cho đoàn thể mà y sống trong đó. Đức D.K yêu cầu các đệ tử của Ngài hãy quán tưởng lên câu nói sau trong kinh thánh "Con người nghĩ thế nào trong trái tim của y, y sẽ trở nên như thế đó". Ngài nói rằng "suy nghĩ trong trái tim" (thinking in the heart) khác hoàn toàn với cảm nhận trong tim (feeling in the heart). Nó hàm ý một tâm trí phát triển mạnh mẽ, đi theo đó là tính phân biện. Nó cũng hàm ý con người đã chuyển hoá dục vọng thành tình thương, đã chuyển dịch năng lượng của luân xa tùng thái dương vào luân xa tim. Và hoa sen 12 cánh trong luân xa đỉnh đầu khi đó cũng đã khai mở phần nào. Bất kỳ sự phát triển và hoạt động của các luân xa đều phản ảnh và tác động lên luân xa 1000 cánh ở đỉnh đầu. Trong cấu trúc của luân xa đỉnh đầu, ta thấy vòng trong có 12 cánh và vòng ngoài 960 cánh, và giữa luân xa tim 12 cánh và vòng trong 12 cánh của luân xa đỉnh đầu có một sự tương ứng mật thiết. Vòng trong này còn gọi là luân xa 12 cánh trong đỉnh đầu.
Đức D.K dạy rằng có ba luân xa trong con người tiếp nhận năng lượng của Tam thể thượng (Spiritual Triad) khi đường Antahkarana đã thiết lập, nối liền phàm ngã và chơn thần. Luân xa đỉnh đầu khi đó tiếp nhận năng lượng từ Atma, hay Khía cạnh Ý chí thiêng liêng. Luân xa tim tiếp nhận năng lượng từ Buddhi, hay Tình thương thiêng liêng, còn luân xa cổ họng tiếp nhận năng lượng từ Manas, hay Trí tuệ đại đồng.
Tuyến nội tiết tương ứng với luân xa tim là tuyến ức (thymus gland). Tuyến ức là nơi trưởng thành của tế bào T (Tế bào bạch cầu của hệ miễn dịch). Tuyến ức gồm có hai thùy, nằm phía trước lồng ngực. Mỗi thùy được phân chia thành nhiều tiểu thùy ngăn cách nhau bởi các vách sợi và mỗi tiểu thùy có vùng vỏ bên ngoài và vùng tủy bên trong.
Tuyến ức của trẻ em và người trưởng thành
Một đặc điểm của tuyến ức là nó phát triển mạnh nhất trong giai đoạn từ sau khi sanh đến khi trước dậy thì, sau đó nó thoái hoá dần, nhỏ hẳn đi. Đức D.K nói rằng ở giai đoạn hiện tại người ta biết rất ít về tuyến ức. Lý do tại sao tuyến ức lại thoái hoá và giảm dần hoạt động trong người trưởng thành là bởi vì sự mất cân bằng của hệ nội tiết không đảm bảo sự hoạt động an toàn và đầy đủ của tuyến ức trong người trưởng thành.
Tâm lý học hiện đại khi kết hợp với y học đã nhận thấy rằng khi tuyến nầy hoạt động quá mức sẽ khiến con người vô đạo đức và vô trách nhiệm Khi con người đã học hỏi về bản chất của trách nhiệm, chúng ta thấy những dấu hiệu đầu tiên của sự chỉnh hợp với linh hồn, tách ly phàm ngã và hướng về tập thể, và khi đó, song song với sự phát triển nầy, ta sẽ thấy tuyến ức hoạt động một cách đúng đắn. Hiện nay mọi người chưa nhận ra mối quan hệ giữa tuyến tùng và tuyến ức, cũng như của cả hai đối với Luân xa ở đáy cột sống. Khi mà Tam thể thượng đã thể hiện tích cực qua phàm ngã, cả ba luân xa nầy và ba tuyến nội tiết biểu hiện ngoại tại của chúng sẽ hoạt động một cách kết hợp để điều khiến và chi phối toàn thể con người.
Khi tuyến tùng trong con người trưởng thành hoạt động một cách đầy đủ (hiện nay chưa được thế) khi đó Ý-chí-hướng-thiện thiêng liêng (Will-to-good) sẽ thể hiện và con người sẽ đạt đến mục đích thiêng liêng (divine purpose). Tương tự khi tuyến ức cũng họat động hoàn chỉnh trong con người trưởng thành thì thiện ý (goodwill) sẽ biểu lộ và thiên cơ sẽ bắt đầu thực thi. Đây là bước đầu tiên hướng đến tình thương, thiết lập mối quan hệ đúng đắn giữa nhân loại và hòa bình. Hiện nay thiện chí đang thể hiện khắp thế giới, điều đó cho ta thấy luân xa tim bắt đầu hoạt động, và cũng chứng tỏ rằng luân xa tim trong đỉnh đầu cũng bắt đầu khai mở như là hậu quả của sự gia tăng họat động của luân xa tim trên xương sống.
Có hai điểm ánh sáng sinh động bên trong luân xa tùng thái dương khiến luân xa này hết sức quan trọng; nó là trung tâm xử lý cho các luân xa bên dưới cơ hoành đến các luân xa ở trên cơ hoành. Một điểm sáng kết hợp với đời sống cảm dục và tâm linh bậc thấp, còn điểm sáng kia được đưa vào hoạt động khi có dòng lưu nhập từ luân xa đầu. Ở đây, tôi muốn nhắc các bạn rằng những luân xa phía trên và phía dưới luân xa tùng thái dương đều chỉ có một điểm sáng năng lượng, trong khi luân xa tùng thái dương có hai điểm sáng sinh động—một điểm sáng có và hoạt động từ rất lâu, là biểu hiện của đời sống của thể cảm dục hay thể thông linh bậc thấp. Điểm sáng còn lại đang chờ linh hồn đưa vào hoạt động hữu thức. Khi điều này xảy ra, sự thức tỉnh đối với những vấn đề cao cả của đời sống khiến người đệ tử trở nên nhạy cảm với “những làn sóng năng lực thông linh” bậc cao (theo cách gọi của huyền bí gia Tây Tạng) của thế giới tinh thần.
Đến đây là phần kiến thức bí truyền về luân xa tùng thái dương mà đức DK lần đầu tiết lộ cho chúng ta. Ngài nói trong luân xa tùng thái dương có hai điểm sáng sinh động.
Trong hai điểm sáng đó, một điểm đã thức tỉnh hay được khơi hoạt từ rất lâu, từ khi thể cảm xúc của con người phát triển. Nó gắn liền với những dục vọng, xúc cảm thông thường của con người.
Còn điểm sáng thứ hai chưa thức tỉnh trong đa số nhân loại, và chỉ khi nào con người biết hướng về linh hồn, chịu sự kiểm soát của linh hồn thì nó dần thức tỉnh. Ngài nó nó đường chờ “linh hồn đưa vào hoạt động hữu thức”. Đây là điểm làm luân xa tùng thái dương đặc biệt khác với tất cả các luân xa khác, vì trong các luân xa khác chỉ có một điểm sáng sinh động mà thôi. Cũng như cõi trung giới cũng đặc biệt khác với cõi trần và cõi trí, vì cõi trần và cõi trí được chia thành hai nửa (phân cảnh giới dĩ thái và phân cảnh giới hồng trần đậm đặc; cõi trí cụ thể và cõi trí trừu tượng).
Tất cả những điều này ở mức độ nào đó là khái niệm mới lạ đối với những nhà huyền bí học và thần triết gia bậc trung, và là một trong những điều hoàn toàn mới được chỉ dạy cho các đệ tử (đang chuẩn bị điểm đạo). Sự thật này nằm đàng sau phương pháp tham thiền mà tôi sẽ đưa ra cho các bạn. Phương pháp này chia làm hai phần—một khía cạnh hay kĩ thuật tham thiền sẽ kéo dài trong 6 tháng đầu, kĩ thuật còn lại được thực hiện trong 6 tháng tiếp theo. Bài tham thiền 2 giai đoạn này là bài tham thiền nhóm nên trước hết sẽ tạo hiệu ứng cho toàn nhóm. Điều này cần được mỗi đệ tử nhận thức một cách cẩn trọng.
Tất cả các đệ tử trong nhóm của Chân sư DK (trừ một người duy nhất) đều đã được điểm đạo lần thứ nhất, và đa số đang chuẩn bị cho lần điểm đạo thứ hai. Trong kỳ điểm đạo thứ hai thì ứng viên điểm đạo phải kiểm soát và tinh luyện thể cảm xúc, và bài tham thiền này được dạy cho các ứng viên để thực hiện điều đó nhanh chóng.
Tôi muốn các bạn suy ngẫm thật kĩ về những điều đã được truyền đạt. Bài thực hành tham thiền tôi muốn truyền đạt cho các bạn chia làm hai phần:
Giai đoạn I: Là giai đoạn mà năng lượng của luân xa tim được nâng lên đến luân xa đầu qua nguyện vọng tinh thần được kiểm soát và điều hướng—được kích thích một cách có chủ ý, nhận thức về mặt trí tuệ, và thôi thúc về mặt cảm xúc. Ở đây tôi đang chọn từ ngữ một cách cẩn thận để đạt được ý nghĩa biểu tượng của chúng.
Giai đoạn II: Tiếp theo, hữu ý phóng năng lượng tinh thần từ luân xa đầu đến luân xa tùng thái dương bằng tác động của ý chí. Việc này sẽ dẫn đến sự thức động của điểm năng lượng hiện còn ngủ yên phía sau (hay đúng hơn là bên trong) của trung tâm đã được khai mở và hoạt động.
Các bạn sẽ thấy rõ rằng bài giai đoạn I tập trung đến điều được gọi một cách bí truyền là “sự rút lui về trung tâm của cảm hứng,” và hôm nay tôi kêu gọi tất cả các bạn thực hiện điều này trước khi bắt đầu công việc chi tiết và xác định của nhóm vốn sẽ được vạch ra sau này. Dưới định luật chu kỳ, sẽ có những thời kỳ đi ra rồi và có những thời kỳ trở về, có thời kỳ phát triển trong công việc phụng sự hướng về ngoại biên hoạt động và có thời kỳ trừu xuất hữu thức tâm thức từ ngoại biên và tập trung trở lại vào trung tâm của sự sống. Tôi kêu gọi các bạn tiếp tục và duy trì sự rút lui này một cách hữu thức cho đến kỳ trăng tròn tháng Năm. Các bạn có thể xem đây như là giai đoạn chỉnh hợp cá nhân và là công việc chuẩn bị khi mỗi người trong các bạn được cần đến, trước khi bạn bận tập tham thiền với nhóm trong suốt thời gian còn lại trong năm, kể từ sau tháng Năm. Giai đoạn II và sự thành công của nó phụ thuộc rất lớn ở sự thành công đạt được trong giai đoạn I.
Bài tham thiền khá tinh tế, và chúng ta phải đọc thật kỹ những hướng dẫn của Ngài để thực hành được chính xác. Và việc tham thiền phải được thực hành với sự đều đặn nhất có thể. Kết quả tham thiền của giai đoạn 2 phụ thuộc vào giai đoạn 1.
Bản thân giai đoạn I được chia làm hai phần, và tôi kêu gọi các bạn chú ý tới những phần này. Phần thứ nhất của giai đoạn I là một bài tham thiền sinh động ngắn, thực hiện vào mỗi sáng một cách đều đặn nhất có thể. Phần hai là quá trình suy ngẫm hay nhận thức được vun bồi vốn sẽ kiểm soát những hoạt động hàng ngày của các bạn. Thái độ hạn định này nên là việc hồi tưởng thường xuyên về mục đích và mục tiêu, và một quá trình của cái được gọi là “sống có chủ đích”. Điều này có nghĩa nỗ lực sống một cách có ý thức tại trung tâm và từ đó hoạt động ra bên ngoài thông qua các hoạt động mang tính phát xạ và từ tính. Ở đây, tôi không nói một cách biểu tượng mà chính xác nó là như vậy, bởi đó tất cả chỉ là vấn đề tập trung tâm thức. Nếu thái độ trên được giữ vững cho đến kỳ trăng tròn tháng Năm, mỗi hạt giống cá nhân bên trong chu vi của nhóm (chúng ta có thể gọi một cách tượng trưng là vỏ bao hạt giống) sẽ trở nên những đơn vị năng lượng (năng lượng tinh thần) sống động và mạnh mẽ, và giai đoạn tiếp theo của hoạt động và tương tác nhóm cũng sẽ có khả năng đạt được những thành tựu tương ứng.
Giai đoạn một cũng bao gồm 2 phần: bài tham thiền ngắn buổi sáng, và phần duy trì thái độ tham thiền đó suốt cả ngày, là “quá trình suy ngẫm hay nhận thức được vun bồi vốn sẽ kiểm soát những hoạt động hàng ngày của các bạn”.
Để thực hiện tiến trình dẫn đến cuộc sống phát xạ và từ tính này, phương pháp thực hành được gợi ý như sau:
BÀI THAM THIỀN I
1. Cả nhóm quán tưởng về sự chỉnh hợp của linh hồn và phàm nhân, dùng sự tưởng tượng sáng tạo trong tiến trình này. Đây là “sự cảm nhận” hay hoạt động ở cấp tình cảm.
Toàn nhóm không nhất thiết ngồi cùng nhau để tham thiền (vì các đệ tử của Ngài sống ở nhiều nước khác nhau), mà chúng ta trong lúc thiền hướng về nhau để thực hiện tham thiền. Bước đầu tiên là hình dung (“cảm”) sự chỉnh hợp giữa linh hồn và phàm ngã.
2. Xem như có mối liên hệ của luân xa tùng thái dương, luân xa tim và luân xa đầu, với tiêu điểm ý thức này tập trung vào vùng luân xa giữa hai chân mày. Thực hiện điều này trong trí.
Nhận thức rằng có mối quan hệ giữa ba luân xa trên, và đây là nhận thức trong trí của ta. Tập trung nhận thức vào luân xa ajna vì trung tâm này là nơi điều khiển năng lượng trong cơ thể.
3. Khi đã thực hiện và nhận thức được điều này, thì bước kế tiếp là tập trung nguyện vọng tinh thần và tư tưởng vào luân xa tim. Tưởng tượng luân xa này ở ngay giữa hai bả vai. Phải nhận thức rằng năng lượng tư tưởng được tập trung rõ rệt ở đó.
Ngài nhắc lại luân xa tim nằm sau lưng, giữa hai bả vai, chứ không phải tại vị trí quả tim. Tập trung nguyện vọng tinh thần và tư tưởng vào đó để chuẩn bị quá trình đưa năng lượng đi lên luân xa đỉnh đầu.
4. Rồi hữu ý và tưởng tượng rút nguyện vọng, sự sống và lòng sùng kính từ luân xa này đến luân xa ở phía trên đầu (hoa sen ngàn cánh), và hữu ý tập trung ở đó.
Tưởng tượng năng lượng tập trung ở đó di chuyển đến luân xa đỉnh đầu, hữu ý tập trung ở đó.
5. Khi đã đến giai đoạn này, và hữu thức nhận biết được vị trí và hoạt động đang được giữ vững một cách nhẹ nhàng, thì đọc thánh ngữ OM, thật nhẹ ba lần, thở ra hướng về:
Linh hồn OM
Huyền giai Tinh thần OM
Nhân loại OM
Cả ba yếu tố này nay được nhận biết là một tam giác lực được liên kết rõ rệt.
Khi năng lượng, tư tưởng đã ổn định ở luân xa đỉnh đầu thì đọc linh ngữ OM ba lần, Ngài nhắc thật nhẹ nhàng. Mỗi khi đọc linh ngữ, ta thở ra và hình dung năng lượng tuôn về linh hồn (đấng Thái dương Thiên Thần), Huyền Giai (Thánh Đoàn), và nhân loại.
Tưởng tượng cả ba họp thành một tam giác lực liên kết rõ rệt.
6. Rồi thành tâm (lưu ý thâm nghĩa của hai từ này) đọc Bài chú nguyện Hợp nhất:
Những người con của nhân loại là một, và tôi là một với họ.
Tôi tìm cách yêu thương mà không thù ghét;
Tôi tìm cách phụng sự và không đòi hỏi công việc thích hợp;
Tôi tìm cách chữa lành, không gây đau khổ.
Cầu xin sự khổ đau đem lại phần thưởng thích đáng của ánh sáng và tình thương.
Cầu xin linh hồn chế ngự ngoại thể, và cuộc sống và mọi biến cố,
Và làm hiển lộ tình thương đang ẩn trong các diễn biến hiện thời.
Cầu xin tầm nhìn tinh thần đến cùng sự với thông hiểu.
Cầu xin tương lai tỏ rõ.
Cầu xin sự kết hợp nội tâm biểu dương và các chia rẽ bên ngoài tan biến.
Cầu xin tình thuơng chế ngự.
Cầu xin mọi người yêu thuơng.
Đây là phần quan trọng. Mantran hợp nhất dùng để khơi hoạt và chuyển hoá luân xa tim. Khi đọc mantram, ta cảm nhận trong trái tim và quán tưởng ý nghĩa của mantram trong trí của mình.
7. Nỗ lực giữ nguyên sự tái tập trung này cả ngày và luôn nhớ về bài tham thiền buổi sáng.
Bài thiền này chỉ nên mất vài phút nhưng nếu được thực hiện một cách hoàn toàn tỉnh thức và với sự tập trung cao độ, sẽ cho ra hiệu quả hữu hiệu và tiềm năng cao nhất—cao hơn tất cả những gì các bạn có thể nghĩ ra. Toàn bài tham thiền trên kéo dài không quá 10 phút, sau khi các bạn quen với quy trình, nền tảng chắc chắn sẽ được thiết lập cho công việc và hoạt động tham thiền của toàn nhóm, là điều tôi sẽ đưa ra cho các bạn vào tháng Năm khi tôi đưa cho các bạn những huấn thị cá nhân và cho cả nhóm.
Lời nhắc nhở của Ngài: duy trì tinh thần của bài tham thiền suốt cả ngày.
Giải đáp thắc mắc - Chú LK
1. Bản chất cảm xúc là gì? Và tại sao lại tập trung vào "bản chất cảm xúc" ở bước 1.
Bản chất cảm xúc = astral nature = Thể cảm xúc, thể tình cảm. Và tại sao lại tập trung vào "bản chất cảm xúc"? Bài thiền I và II nhằm chuyển hoá năng lượng của luân xa tùng thái dương chính là để chuyển hoá thể cảm xúc trong chúng ta. Khi các bạn bắt đầu bước vào đường đạo, các bạn được dạy lập hạnh, xây dựng tính tốt… Năm Giới răn và năm giới tuân thủ của Raja Yoga nằm trong mục đích này. Các bạn cũng được dạy những phương pháp khác nhau để lập hạnh như suy nghĩ đến các tính tốt, đối lập với các tính xấu mà các bạn muốn loại bỏ, hoặc cũng có thể hình dung hình ảnh của Chân sư trong trái tim… Tất cả đều là phương pháp lập hạnh. Khi tính tốt đã phát triển trong bạn thì bạn sẽ dần thay đổi thể cảm xúc và thông qua đó tác động đến luân xa tùng thái dương.
Nhưng cũng có những phương pháp bí truyền khác nhằm hỗ trợ và thực hiện nhanh hơn việc lập hạnh, đó là mục đích của bài tham thiền I và II. Bài I và II giúp khai mở luân xa tim là luân xa tương ứng bậc cao của luân xa tùng thái dương, và chuyển dịch năng lượng của luân xa tùng thái dương đến luân xa tim và từ đó đến luân xa tim trong đỉnh đầu. Đây là phương pháp trực tiếp tác động lên luân xa tùng thái dương và giúp chuyển năng lượng của nó lên luân xa cao, thay vì để việc đó xảy theo triến trình tự nhiên. Luân xa tùng thái dương là luân xa liên hệ mật thiết với thể tình cảm, khi đã chuyển năng lượng của nó đến luân xa cao hơn thì ta đã chuyển hoá những cảm xúc của mình thành những nguyện vọng tinh thần cao cả. Do đó trong bài thiền các bạn thấy sử dụng đầy đủ các phương pháp tưởng tượng sáng tạo, hình dung, thánh ngữ OM, Mantram Unification (Bài Chú nguyện Hợp Nhất).
Trong bước I Chân sư DK nói “Cả nhóm quán tưởng về sự chỉnh hợp của linh hồn và phàm nhân, dùng sự tưởng tượng sáng tạo trong tiến trình này. Đây là ‘sự cảm nhận’ hay hoạt động ở cấp tình cảm. Ta tưởng tượng và cảm thấy, cảm nhận được sự chỉnh hợp giữa phàm ngã của ta và linh hồn. Bước I này hoạt động thuần về cảm xúc. Chỉ “cảm” nhận trong giai đoạn này.
Sau 6 tháng thực hành đều đặn bài thiền nhóm I, bạn có thể bước vào giai đoạn thực hành bài thiền nhóm II.
1. Bản chất cảm xúc là gì? Và tại sao lại tập trung vào "bản chất cảm xúc" ở bước 1.
Bản chất cảm xúc = astral nature = Thể cảm xúc, thể tình cảm. Và tại sao lại tập trung vào "bản chất cảm xúc"? Bài thiền I và II nhằm chuyển hoá năng lượng của luân xa tùng thái dương chính là để chuyển hoá thể cảm xúc trong chúng ta. Khi các bạn bắt đầu bước vào đường đạo, các bạn được dạy lập hạnh, xây dựng tính tốt… Năm Giới răn và năm giới tuân thủ của Raja Yoga nằm trong mục đích này. Các bạn cũng được dạy những phương pháp khác nhau để lập hạnh như suy nghĩ đến các tính tốt, đối lập với các tính xấu mà các bạn muốn loại bỏ, hoặc cũng có thể hình dung hình ảnh của Chân sư trong trái tim… Tất cả đều là phương pháp lập hạnh. Khi tính tốt đã phát triển trong bạn thì bạn sẽ dần thay đổi thể cảm xúc và thông qua đó tác động đến luân xa tùng thái dương.
Nhưng cũng có những phương pháp bí truyền khác nhằm hỗ trợ và thực hiện nhanh hơn việc lập hạnh, đó là mục đích của bài tham thiền I và II. Bài I và II giúp khai mở luân xa tim là luân xa tương ứng bậc cao của luân xa tùng thái dương, và chuyển dịch năng lượng của luân xa tùng thái dương đến luân xa tim và từ đó đến luân xa tim trong đỉnh đầu. Đây là phương pháp trực tiếp tác động lên luân xa tùng thái dương và giúp chuyển năng lượng của nó lên luân xa cao, thay vì để việc đó xảy theo triến trình tự nhiên. Luân xa tùng thái dương là luân xa liên hệ mật thiết với thể tình cảm, khi đã chuyển năng lượng của nó đến luân xa cao hơn thì ta đã chuyển hoá những cảm xúc của mình thành những nguyện vọng tinh thần cao cả. Do đó trong bài thiền các bạn thấy sử dụng đầy đủ các phương pháp tưởng tượng sáng tạo, hình dung, thánh ngữ OM, Mantram Unification (Bài Chú nguyện Hợp Nhất).
Trong bước I Chân sư DK nói “Cả nhóm quán tưởng về sự chỉnh hợp của linh hồn và phàm nhân, dùng sự tưởng tượng sáng tạo trong tiến trình này. Đây là ‘sự cảm nhận’ hay hoạt động ở cấp tình cảm. Ta tưởng tượng và cảm thấy, cảm nhận được sự chỉnh hợp giữa phàm ngã của ta và linh hồn. Bước I này hoạt động thuần về cảm xúc. Chỉ “cảm” nhận trong giai đoạn này.
2. Bước 4: "Như là một nhóm quán tưởng hay tưởng rút nguyện vọng, sự sống và lòng sùng kính từ LX tim đến LX ở trên đầu". Câu hỏi: Nguyện vọng, sự sống, lòng súng kính ở đây là gì?
Nguyện vọng (aspiration) là những ước muốn tinh thần cao cả, thí dụ bạn mong muốn trở thành con người tốt, người con hiếu thảo, giúp đỡ nhân loại. Đó cũng là ham muốn, nhưng ham muốn cao cả, có bản chất tốt đẹp, không ích kỷ, không riêng tư. Sự Sống = Life, liên quan đến tinh thần, Chân thần. Các bạn biết Sinh Mệnh Tuyến (Life Thead, Sutratma) đi từ Chân thần và trụ tại trái tim. Lòng Sùng kính = devotion: lòng tôn kính hết mực, ví dụ một đệ tử hết lòng tôn kính Chân sư của mình, một học trò hết mực tôn kính thầy dạy của mình. Những người thiên về trí tuệ thì thường thiếu lòng sùng kính, do đó nên phát triển lòng sùng kính song song với trí tuệ, con đường thần bì phải đi song song với con đường huyền bí.
Thông thường, nguyện vọng, lòng sùng kính là những cảm xúc, do đó liên quan đến luân xa tùng thái dương. Nhưng ở đây đức DK nói “rút nguyện vọng, sự sống, lòng sùng kính của luân xa tim đến luân xa đỉnh đầu”, ta có thể hiểu và thực hành như sau:
- Trước tiên tập trung ở luân xa tùng thái dương, nghĩ và khơi dậy những nguyện vọng tinh thần, lòng sùng kính của chúng ta.
- Chuyển tiếp đến luân xa tim và cũng lại nghĩ và khơi dậy những nguyện vọng tinh thần, lòng sùng kính. Nhớ lời dạy của Chân sư rằng: “Hoạt động của luân xa tim không bao giờ biểu lộ trong mối quan hệ với các cá nhân. Đây là một sự thật cơ bản. Điều tàn phá hầu hết các đệ tử là khả năng của luân xa tùng thái dương (khi được thanh khiết hoá và thánh hoá), đồng hoá nó với các cá nhân. Nhưng luân xa tim không thể phản ứng ngoại trừ dưới động lực của nhóm, niềm hạnh phúc và bất hạnh của nhóm, cùng các mối quan hệ nhóm”. Do đó, nguyện vọng, lòng sùng tính ở đây có bản chất vô kỷ, không riêng tư. Chúng ta cảm nhận sự khác biệt của lòng sùng kính, nguyện vọng khi tập trung tại 2 luân xa.
- Trong trích dẫn trên, có một câu cũng khá khó hiểu là “Điều tàn phá hầu hết các đệ tử là khả năng của luân xa tùng thái dương (khi được thanh khiết hoá và thánh hoá), đồng hoá nó với các cá nhân”. Khi luân xa tùng thái dương phát triển mạnh thì con người dễ đồng hoá và cảm nhận được tình cảm của cá nhân khác, những người có liên quan với mình. Ví dụ người mẹ có thể cảm nhận từng nỗi vui buồn của con mình…Chính khả năng cảm nhận quá mạnh này “tàn phá” người đệ tử nếu họ không kiểm soát được những cảm xúc đó.
Hi vọng những giải thích trên sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn bài thiền, và các bạn sẽ thực hành đúng cách hơn. Khi thực hành bài I và II một thời gian, bạn hãy so sánh con người mình trước và sau tham thiền đã thay đổi chuyển hoá như thế nào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét