Trong một số kinh sách Đông phương cổ xưa, chúng ta được dạy rằng mục tiêu của nguyên tử chất liệu là ngã thức. Do đó, mục tiêu đối với nguyên tử con người, kẻ đã có ngã thức, kẻ đã biệt lập ngã tính và đang tự dẫn dắt bằng ý chí của mình là gì? Điều gì đang nằm trước mắt con người? Đơn giản là sự mở rộng tâm thức để bao gồm tâm thức của Sự Sống vĩ đại, hay Đấng cao cả mà con người chính là một tế bào trong cơ thể Ngài. Thí dụ, thể xác chúng ta được làm bằng vô số các sự sống nhỏ hơn, hay các nguyên tử, mỗi một trong các nguyên tử đó riêng biệt với nguyên tử lân cận nó, mỗi một trong các nguyên tử được phân biệt bằng hoạt động nội tại của chính nó, và mỗi một nguyên tử tạo thành một khối cầu đang nắm giữ bên trong chu vi của nó các khối cầu nhỏ khác hay các âm điện tử.
Chúng ta đi qua một thời kỳ dài hay chu kỳ của nhiều kiếp sống, trong đó, chúng ta tự đồng nhất hóa chính chúng ta với hình hài, và như thế là một với phi ngã mà chúng ta không nhận ra sự dị biệt, chúng ta hoàn toàn bận bịu với những gì phù du và không thường tồn. Chính sự đồng nhất hóa này với phi ngã đã đưa tới mọi khổ đau, bất mãn, phiền muộn trên thế gian, và tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng qua phản ứng này của ngã đối với phi ngã, tất nhiên chúng ta học được và sau rốt thoát ra khỏi cái không thường tồn và giả tạm. Chu kỳ đồng nhất hóa với cái giả tạm này đi song song với giai đoạn ngã thức cá nhân. Khi nguyên tử của vật chất tìm thấy con đường đi vào hình hài nào đó và đưa thêm phần đóng góp (quota) sức sống của nó vào một đơn vị lớn hơn, như thế, qua sự phát triển tiến hóa của tâm thức, nguyên tử con người cũng đạt đến một trình độ mà nhờ đó nó nhận biết được vị trí của nó trong một Tổng Thể lớn hơn, và gánh vác trách nhiệm của nó trong hoạt động tập thể. Đây là giai đoạn mà một số lớn nhân loại hiện nay đang nhận thức được sự dị biệt giữa chân với giả, giữa thường tồn với không thường tồn; nhờ sự đớn đau và khổ sở, họ đang thức tỉnh trước nhận thức rằng phingã không đủ, và họ đang tìm kiếm bên ngoài cũng như bên trong, những gì sẽ đáp ứng một cách thích hợp hơn với các nhu cầu của họ. Con người đang tìm cách để hiểu được chính mình, để tìm thấy Thiên giới (kingdom of God) trong chính mình và qua Khoa Tâm Trí Học (Mental Science), Tân Tư Tưởng (New Thought), cùng việc nghiên cứu tâm lý học, con người sẽ đi đến các nhận thức nhất định vốn sẽ tỏ ra vô cùng quý giá (invaluable) đối với nhân loại. Do đó, người ta tìm thấy được chỉ dẫn rằng giai đoạn hình hài (form stage) đang tiến tới nhanh chóng, và rằng con người đang đi ra khỏi giai đoạn nguyên tử, tiến vào một giai đoạn tốt đẹp và to tát hơn rất nhiều. Con người đang bắt đầu nhận thức được sự rung động của Đấng vĩ đại đó mà trong cơ thể Ngài, con người chỉ là một nguyên tử, và ở một phương cách nhỏ hơn, con người đang bắt đầu tạo được một đáp ứng hữu thức với tiếng gọi vĩ đại đó, và bắt đầu tìm được các vận hà có thể có được, nhờ đó con người có thể hiểu được Đấng Cao Cả đó mà y cảm nhận được nhưng cho đến nay không biết được. Nếu bền chí trong việc này, con người sẽ tìm được nhóm mà y thuộc về, và lúc bấy giờ, sẽ thay đổi trung tâm của y. Con người sẽ không còn bị giới hạn bởi bức tường nguyên tử nhỏ bé của chính mình nữa, mà sẽ vượt qua nó, và đến phiên y, trở thành một thành phần hữu thức, linh hoạt, sáng suốt của Tổng Thể vĩ đại.
Sự thay đổi này được mang lại như thế nào? Giai đoạn nguyên tử được phát triển bằng năm giác quan, và qua việc sử dụng quan năng phân biện. Giai đoạn mà con người thức tỉnh trước nhận thức tập thể và trở thành người tham dự hữu thức vào các hoạt động của tập thể, được mang lại theo hai cách: qua sự thiền định và qua một loạt các cuộc điểm đạo.
Sự thiền định đích thực vốn đòi hỏi việc nỗ lực mãnh liệt nhất của thể trí, việc kiểm soát tư tưởng tới mức tối đa, và một thái độ không tiêu cực, cũng không tích cực, mà quân bình đồng đều giữa cả hai. Trong các Thánh kinh Đông phương, một người đang cố gắng thiền định và đạt được kết quả của nó, được mô tả như sau và từ việc nghiên cứu các lời này mà nhiều sự trợ giúp và giác ngộ có thể đến với chúng ta: “Vị Maha Yogi, nhà đại khổ hạnh, nơi vị này có tập trung sự hoàn thiện cao nhất của sám hối khắt khe và thiền định trừu tượng, nhờ đó đạt được các quyền năng vô giới hạn, các kỳ diệu và các huyền nhiệm được thể hiện, tri thức tinh thần cao siêu nhất được hoạch đắc, và sự hợp nhất với Đại Tinh Thần của vũ trụ sau rốt được đạt tới.” Ở đây, việc hợp nhất với sự sống tập thể được cho là sản phẩm của thiền định, và không có phương pháp nào khác để đạt tới cả.
Thiền định chân chính (mà các giai đoạn sơ khởi của nó là định trí và nỗ lực hướng tới bất cứ đường lối tư tưởng đặc biệt nào) sẽ dị biệt đối với từng người khác nhau và các kiểu mẫu (types) khác nhau. Người mộ đạo, nhà thần bí (the mystic), sẽ tập trung sự chú ý của mình vào sự sống bên trong hình hài, vào Thượng Đế, vào Đức Christ, hoặc vào những gì biểu hiện được cho y cái lý tưởng. Nhà kinh doanh hoặc nhà chuyên môn, vào những giờ dành cho công việc, tập trung hết mức vào vấn đề đang có trước mắt, và y giữ cho sự chú tâm của mình gắn chặt vào vấn đề đặc biệt mà y phải giải quyết, đó là y đang học cách tham thiền. Sau này, khi y tiến đến chiều hướng tâm linh hơn của việc thiền định, y sẽ thấy rằng mình đã đi được phần khó nhất của đoạn đường. Người nào đang đọc một quyển sách khó và dùng hết sức mạnh và năng lực của bộ óc để đọc và thu được trong sách những gì nằm sau các hàng chữ viết thì coi như lúc đó y đang thực hành thiền định bằng hết khả năng của mình. Tôi nói điều này để khích lệ cho bạn, bởi vì chúng ta đang sống trong một chu kỳ mà trong đó các sách về thiền định đều dễ tìm được. Tất cả các sách đó đều biểu hiện một khía cạnh chân lý nào đó, và có lẽ đang làm được nhiều điều tốt lành, nhưng có thể chúng không biểu hiện cho những gì tốt đẹp nhất cho bất cứ cá nhân đặc biệt nào. Chúng ta cần tìm ra cách định trí riêng cho chúng ta, để xác định được phương pháp tiếp cận riêng của chúng ta đối với những gì nằm bên trong, và để nghiên cứu cho chính chúng ta vấn đề thiền định này.
Ở đây, tôi muốn gióng lên một lời cảnh cáo. Hãy tránh xa các trường phái và các phương pháp nào đang kết hợp các hình thức tập thở với việc tham thiền, đang giảng dạy các loại tư thế xác thân khác nhau và dạy cho các môn sinh của họ tập trung sự chú tâm vào các cơ quan thể xác hay là các bí huyệt. Những người theo đuổi các phương pháp này đều đang đi đến thảm họa. Ngoài việc bị liên lụy với các nguy hiểm xác thân, với nguy cơ điên loạn và các rối loạn thần kinh ra, họ còn bận rộn với hình tướng, vốn là nhân tố hạn chế (limitation), chứ không lo lắng về tinh thần, vốn là sự sống. Mục tiêu sẽ không đạt được bằng cách đó đâu. Đối với đa số chúng ta, việc tập trung trí tuệ cốt dẫn đến việc kiểm soát thể trí, và năng lực để suy tư sáng suốt, và để chỉ nghĩ đến những gì mà chúng ta muốn nghĩ, việc tập trung trí tuệ này phải đi trước việc thiền định đích thực, đó là một điều mà ít người biết rõ. Tôi không thể bàn rộng về việc tham thiền đích thực ở đây được, cách tham thiền này sẽ dẫn đến kết quả là có một thay đổi rõ rệt đối với việc an trụ (polarisation), nó sẽ mở ra cho con người các lĩnh vực kinh nghiệm mà từ trước đến nay không ai ngờ tới, nó sẽ tiết lộ cho con người các tiếp xúc mà cho đến nay con người vẫn chưa hiểu được và nó sẽ giúp cho con người tìm thấy được chỗ đứng của mình trong tập thể.
Con người không còn bị giới hạn bởi bức tường của sự sống cá nhân của mình nữa, mà sẽ bắt đầu hòa nhập sự sống đó vào trong tổng thể vĩ đại hơn. Con người sẽ không còn bận tâm với những sự việc lợi lộc ích kỷ nữa, mà sẽ đặt hết chú tâm của mình vào các vấn đề của tập thể. Con người sẽ không còn dành hết thời gian của mình vào việc vun trồng cho chủ thể riêng của mình nữa, mà sẽ tìm cách hiểu được Chủ Thể (Identity) vĩ đại mà y là một phần trong đó. Đây mới thực sự là những gì mà tất cả những người tiến hóa bắt đầu làm hoặc ít hoặc nhiều. Kẻ thường nhân có thể hiểu được điều đó chút ít thôi, còn các đại tư tưởng gia như Edison và các vị khác nữa mới đạt đến giải pháp cho các bài toán của họ theo đường lối thiền định.
Bằng việc định trí nghiền ngẫm, bằng việc thường xuyên hồi niệm và bằng nỗ lực bền bĩ cho đường lối suy tưởng đặc biệt đang thu hút họ, các nhà tư tưởng vĩ đại này tạo được nhiều kết quả, họ khai thác được các nguồn cung cấp bên trong của linh hứng và của quyền năng, và từ các cõi phụ cao của cõi trí, họ đưa xuống các kết quả tạo được phúc lợi cho tập thể. Khi chính chúng ta đã làm được một số công việc theo đường lối thiền định, khi chúng ta vun trồng lợi ích tập thể chứ không phải tư lợi, khi chúng ta đã phát triển được các thể xác mạnh khỏe và trong sạch, các thể tình cảm được kiềm chế và không còn bị dục vọng chế ngự nữa, khi chúng ta có được các thể trí trở thành khí cụ của chúng ta chứ không còn là chủ của chúng ta nữa, thì bấy giờ chúng ta sẽ biết được ý nghĩa thực sự của việc thiền định.
Khi một người, nhờ thiền định mà tạo được sự tiếp xúc với nhóm mà mình tùy thuộc vào, do đó, ngày càng trở nên có được ý thức tập thể, thì bấy giờ, người ấy ở vào vị thế chiếm hữu những gì được gọi là một loạt các cuộc điểm đạo. Các cuộc điểm đạo này chỉ là các mở rộng tâm thức, được mang lại với sự trợ giúp của các Đấng Cao Cả đã đạt được mục tiêu, các Đấng đã đồng nhất hóa chính các Ngài với tập thể, và các Ngài là một phần hữu thức của cơ thể Đức Hành Tinh Thượng Đế (Heavenly Man). Với sự phụ giúp của các Ngài và qua sự trợ giúp của các Ngài, một người sẽ từ từ khơi hoạt được cái nhận thức vốn dĩ có nơi các Ngài. Ngày nay, ở khắp nơi đều có được sự lưu tâm lớn lao vào vấn đề điểm đạo này, và một sự nhấn mạnh quá nhiều được đặt vào khía cạnh nghi lễ của nó. Chúng ta cần nhớ rằng mọi sự khai mở tâm thức lớn lao đều là một cuộc điểm đạo. Mọi bước tiến tới theo con đường hiểu biết đều là một cuộc điểm đạo. Khi một nguyên tử vật chất được kiến tạo thành hình hài, thì đối với nguyên tử đó, đó là một cuộc điểm đạo. Nó trở nên hiểu biết được một loại mãnh lực khác, và phạm vi tiếp xúc của nó trở nên rộng lớn hơn. Khi tâm thức của giới thực vật và giới động vật được hòa lẫn, đồng thời sự sống chuyển từ giới thấp sang giới cao hơn, thì đó là một cuộc điểm đạo. Khi tâm thức của con vật được mở rộng thành tâm thức của con người, thì một cuộc điểm đạo khác còn lớn hơn nữa xảy ra.
Tất cả bốn giới đều được tiến vào bằng một cuộc điểm đạo, hay là qua một sự mở rộng tâm thức. Hiện nay, trước mắt của gia đình nhân loại có tồn tại giới thứ năm hay giới tinh thần, và giới này cũng được tiến vào qua một cuộc điểm đạo nào đó, như những ai hiểu được Kinh Tân Ước một cách sáng suốt đều có thể nhận thấy.
Và trong tất cả các trường hợp này, các cuộc điểm đạo đều đã xảy ra nhờ sự trợ giúp của các Đấng đã thấu suốt. Như vậy, trong hệ thống tiến hóa, chúng ta không có các lổ hổng to lớn giữa giới này với giới khác, giữa một trạng thái hiểu biết này với trạng thái hiểu biết khác, mà là có sự phát triển tâm thức một cách từ từ và là sự phát triển mà trong đó chúng ta, tức mỗi người trong chúng ta, đã và sẽ có phần đóng góp của chúng ta. Nếu chúng ta có thể nhớ lại tính phổ cập (universality) này của điểm đạo thì chúng ta sẽ có một quan điểm cân xứng tốt đẹp hơn liên quan tới nó. Mọi lúc mà chúng ta trở nên hiểu biết hơn về môi trường quanh ta và cái tích chứa của trí óc chúng ta tăng lên thì đó là một cuộc điểm đạo ở một mức độ nhỏ bé. Mọi lúc mà chân trời chúng ta mở rộng, chúng ta suy tư và nhìn thấy một cách khoáng đạt hơn, thì đó là một cuộc điểm đạo, và đối với chúng ta, trong đó có ẩn tàng giá trị của chính sự sống và cái to tát của cơ may của chúng ta.
Một điểm nữa mà tôi muốn nêu ra ở đây là: mọi cuộc điểm đạo phải là tự khai mở (selfinitiated). Khi sự trợ giúp nhất định được mang lại cho chúng ta từ các cội nguồn bên ngoài, thì giai đoạn cuối cùng đó không đạt tới được bởi vì có các Đấng Cao Cả lo lắng để giúp chúng ta, các Ngài đến với chúng ta nơi nào mà chúng ta hiện hữu và tìm cách nâng chúng ta lên. Cuộc điểm đạo đến với chúng ta bởi vì chúng ta đã làm được công việc cần thiết và không gì có thể chận nó xảy tới. Đó là quyền lợi của chúng ta.
Các Đấng đã được điểm đạo đều có thể và sẽ trợ giúp chúng ta, nhưng bàn tay các Ngài bị bó chặt cho đến khi chúng ta đã làm xong phần công việc của chúng ta. Do đó, không gì mà chúng ta làm để tăng thêm sự hữu ích của chúng ta trong cõi đời, không giai đoạn nào mà chúng ta chọn để tạo các thể hoàn hảo hơn, không nỗ lực nào mà chúng ta làm để có được sự tự kiềm chế và để trang bị cho thể trí chúng ta, lại bị mất đi bao giờ. Chính mọi điều mà chúng ta đưa thêm vào tổng số mà chúng ta đang chất chồng để một ngày nào đó sẽ đưa chúng ta đến một thiên khải lớn, mỗi nỗ lực hằng giờ, hằng ngày mà chúng ta tạo ra, đang làm nổi lên làn sóng năng lượng, làn sóng này sẽ cuốn chúng ta đến cánh cửa điểm đạo. Ý nghĩa của từ ngữ “điểm đạo” (“initiation”) là “bước vào” (“to go into”). Đơn giản là nó hàm ý rằng một đạo đồ (initiate) là một người đã bước được các bước đầu tiên vào giới tinh thần và đã có được loạt thiên khải tinh thần đầu tiên, mỗi loạt là một chìa khóa đưa đến một thiên khải còn lớn hơn nữa.
Nơi con người, khi con người tiến hóa và phát triển thì có hai giai đoạn có thể cùng được nhận thấy. Trong giai đoạn ban đầu hay giai đoạn nguyên tử (atomic stage), toàn bộ trung tâm chú ý của con người nằm trong chính y, trong chính phạm vi của y, nơi mà tính chất ích kỷ là luật của bản thể y, một giai đoạn tiến hóa có tính chất che chở cần thiết. Y thuần là ích kỷ và bận tâm trước tiên với các sự việc riêng của y. Giai đoạn này được nối tiếp bằng giai đoạn sau, trong đó tâm thức con người bắt đầu mở rộng, các chú tâm của con người bắt đầu nằm bên ngoài phạm vi đặc biệt của riêng y, và tới giai đoạn mà y cảm thông với nhóm mà y thuộc vào. Giai đoạn này có thể được xem như tương ứng với giai đoạn phóng xạ. Bây giờ, con người không những là một sự sống trụ vào bản ngã (selfcentred life) mà y cũng đang bắt đầu có một ảnh hưởng nhất định lên môi trường chung quanh y. Y chuyển sự chú tâm của y từ sự sống ích kỷ cá nhân của riêng mình và đang tìm kiếm trung tâm lớn hơn của mình. Từ chỗ chỉ là một nguyên tử, đến lượt y trở thành một điện tử và tiến vào dưới ảnh hưởng của Sự Sống trung ương vĩ đại đang nắm giữ y trong phạm vi ảnh hưởng của Sự Sống đó.
...Một trong các phát triển đầu tiên và quan trọng nhất sẽ là việc đáp ứng hữu thức với mọi rung động và mọi tiếp xúc nghĩa là năng lực đáp ứng với phi ngã trên mọi cõi.
Chúng ta hoàn toàn có thể gặp số lớn người, những người nam và nữ cao quý, và không có ấn tượng gì về họ. Chúng ta có thể đi ngang qua họ mà không nhận biết họ, và như vậy chúng ta bỏ lỡ những gì mà họ phải mang lại cho chúng ta. Cách nay hai ngàn năm, điều này đã xảy ra ở Palestine có liên quan với Đức Christ. Tại sao? Bởi vì chính chúng ta chưa đủ cao quý để đáp ứng được với họ. Nơi chúng ta hãy còn thiếu thốn một điều gì đó, cho nên chúng ta không thể hiểu hay cảm nhận được rung động đặc biệt của họ. Tôi đã nghe nói và tôi nghĩ điều đó rất đúng, rằng nếu Đức Christ xuống cõi trần lần nữa và bước đi giữa con người như Ngài đã làm trước kia, Ngài có thể sống giữa chúng ta hết ngày này qua ngày khác và chúng ta không nhận ra bất cứ điều gì rất khác lạ nơi Ngài với những người tốt lành và vị tha khác mà chúng ta được biết. Chúng ta chưa vun trồng trong chính chúng ta khả năng đáp ứng với thiên tính trong huynh đệ chúng ta. Thường thường, chúng ta chỉ thấy được những gì xấu và thô và phần lớn là nhận biết các lỗi lầm của huynh đệ chúng ta. Tuy thế, chúng ta không nhạy cảm (insensitive) với người tốt lành nhất.
Một phát triển khác sẽ là phát triển mà chúng ta sẽ có thể hoạt động một cách hữu thức trên mọi cảnh giới hiện tồn. Hiện nay, chúng ta hoạt động hữu thức trên cõi trần và có được một ít người có thể cũng hoạt động được một cách hữu thức trên cõi tinh anh kế đó được gọi là cõi cảm dục (một từ ngữ mà tôi rất không thích vì nó không gợi được trong trí chúng ta một ý nghĩa thực sự nào cả) hay là cõi của bản chất tình cảm, mà con người trở nên linh hoạt trên đó khi ra khỏi thể xác vào những lúc ngủ hay ngay sau khi chết. Rất ít người có thể hoạt động trên cõi trí trong tâm thức hoàn toàn tỉnh thức, và còn ít người hơn nữa có thể hoạt động trên cõi tinh thần. Mục đích của tiến hóa là ở chỗ chúng ta sẽ hoạt động một cách hữu thức, với luôn luôn có được nhận thức đầy đủ trên cõi trần, cõi tình cảm và cõi trí. Đây là thành đạt vĩ đại mà một ngày nào đó sẽ thuộc về chúng ta. Lúc bấy giờ, chúng ta sẽ biết được những gì mà chúng ta làm mọi giờ trong ngày chứ không phải chỉ vào khoảng mười bốn giờ trong số hai mươi tư giờ. Hiện nay, chúng ta vẫn còn không hiểu biết về nơi nào mà chủ thể suy tư thực sự có mặt trong các giờ mà chúng ta ngủ. Chúng ta không biết gì về các hoạt động của chủ thể ấy cả, cũng không biết gì về tình trạng chung quanh chủ thể đó. Một ngày nào đó, chúng ta sẽ tận dụng và dùng được hết mọi phút, mọi giờ trong ngày.
Một mục tiêu tiến hóa khác là mục tiêu tam phân, và đó là chúng ta nên có sự quyết tâm hay ý chí, bác ái và năng lực phối hợp. Cho đến nay, điều này không được như thế. Hiện nay, chúng ta có nhiều năng lực sáng suốt liên tục biểu lộ, nhưng thật ra rất hiếm khi gặp được một người mà trọn cả sự sống của y được làm sinh động bằng một mục tiêu chính yếu, được tuân theo một cách kiên trì, và được linh hoạt và được khởi xướng bằng tình thương tác động qua hoạt động sáng suốt. Tuy nhiên, thời cơ đang đến, khi chúng ta mở rộng tâm thức của chúng ta đến một mức độ như thế và trở nên linh hoạt trong chính chúng ta đến nỗi chúng ta sẽ trở nên có năng lực phóng xạ (radioactive). Bấy giờ, chúng ta sẽ xúc tiến một mục tiêu nhất định, mục tiêu này sẽ là hậu quả của tình thương và đạt đến đích của chúng ta bằng phương tiện trí tuệ. Đây là tất cả những gì mà Thượng Đế đang làm, có phải thế không? Ở giai đoạn phát triển hiện nay, chắc chắn là chúng ta có trí tuệ, nhưng cho đến nay, có rất ít người có được bác ái. Có thể chúng ta có một ít tình thương đối với những người mà chúng ta tiếp xúc hay gặp gỡ, và có tình thương nhiều hơn dành cho gia đình và bạn bè gần gũi của chúng ta, nhưng gần như chúng ta không biết gì về tình thương tập thể. Mặc dù những người theo chủ nghĩa lý tưởng vĩ đại của nhân loại có nói cho chúng ta biết về tình thương tập thể, tuy vậy, thật ra chúng ta ở vào giai đoạn chỉ có thể đáp ứng được phần nào với tình thương đó và cảm thấy rằng đó là điều mà chúng ta muốn thấy được thực hiện. Tốt hơn hết là nhớ rằng chúng ta càng suy tưởng theo các đường lối vị tha một cách rõ rệt như thế thì chúng ta càng sẽ kiến tạo được một cái gì đó có giá trị rất lớn, và sẽ mở mang theo các mức độ chậm chạp và khó nhọc, các nguyên tắc sơ đẳng của một tâm thức tập thể thực sự, mà cho đến nay vẫn còn xa cách với hầu hết chúng ta.
Có nhiều phát triển khác nữa trong diễn trình tiến hóa mà chúng ta có thể bàn đến, và hiện nay chúng còn xa cách đến nỗi hầu như không thể nhận biết được chúng trừ phi chúng ta có được loại trí óc đặc biệt để có thể suy tư một cách trừu tượng phần nào. Có giai đoạn mà trong đó chúng ta có thể siêu việt được thời gian và không gian, chẳng hạn như khi tâm thức của tập thể ở trong tất cả mọi phần của hành tinh sẽ trở thành tâm thức của chúng ta, và khi chúng ta dễ dàng tiếp xúc được với tâm thức của một người bạn ở Ấn Độ, Phi Châu hoặc nơi nào khác như nó đang ở đây, khoảng cách và sự tách biệt sẽ không còn là chướng ngại cho sự giao lưu nữa. Chúng ta có thể thấy những biểu hiện này ở một số người có khả năng giao tiếp bằng viễn cảm hoặc có khả năng trắc tâm.
...Điều hiển nhiên đối với đa số các nhà tư tưởng, đó là, nhờ đã bắt đầu nghiên cứu về phóng xạ, khoa học sắp khám phá bản chất của sức mạnh trong chính nguyên tử là gì. Rất có thể là ngay bây giờ, chúng ta sẽ khai thác năng lượng của chất liệu nguyên tử cho mỗi mục đích cần thiết, để sưởi ấm, để thắp sáng và cho những gì mà tôi có thể gọi là động cơ thúc đẩy (motivation) của mọi việc đang diễn ra trên thế giới. Cho đến nay, con người còn quá ích kỷ nên không thể được tin cậy với việc phân phối năng lượng nguyên tử. Sự khám phá đó có thể sẽ đi song song với việc phát triển tâm thức tập thể. Chỉ khi nào con người trở nên có tính phóng xạ và có thể làm việc và suy tư bằng các thuật ngữ tập thể, thì mới là an toàn hay khôn ngoan cho y khi sử dụng sức mạnh tiềm tàng trong nguyên tử. Mọi sự việc trong thiên nhiên đều được phối kết một cách tốt đẹp và không gì có thể được khám phá hay sử dụng trước khi đúng lúc. Chỉ khi nào con người trở nên không còn ích kỷ nữa thì sức mạnh phi thường này mới được phép chuyển vào tay con người. Tuy nhiên, tôi tin rằng chúng ta có thể dựa vào khoa học để tạo ra những bước phi thường khi hiểu được năng lượng nguyên tử.
Kế đó, song hành với cuộc tiến hóa của con người, chúng ta có thể mong đợi con người chế ngự được không khí. Có một lĩnh vực (sphere) rung động rộng lớn, hay cõi (plane) trong thái dương hệ mà trong một số sách vở huyền linh, người ta gọi là cõi trực giác. Trong văn liệu Đông phương, cõi đó được gọi là cõi Bồ Đề (Buddhic plane) và biểu tượng của cõi Bồ Đề là không khí (air).
Toàn bộ khuynh hướng tiến hóa là hướng về sự tổng hợp. Khi chúng ta có khuynh hướng cụ thể hóa thì chúng ta có sự không thuần nhất (heterogeneity); còn khi chúng ta hoạt động hướng tới tinh thần, chúng ta sẽ có khuynh hướng tiến tới sự hợp nhất: cho nên trong thế giới tôn giáo, chúng ta có thể tìm kiếm sự hợp nhất để làm cho nó xuất hiện. Mặc dù thế, có một tinh thần khoan dung lớn lao ở khắp nơi hơn là cách đây năm mươi năm. Nhưng đã gần đến lúc mà sự hợp nhất lớn lao căn bản đang nằm dưới tất cả các tôn giáo khác nhau, và sự thật là mỗi tôn giáo là một phần tất yếu của tổng thể vĩ đại duy nhất sẽ được con người ở khắp nơi nhận biết, và nhờ sự nhận thức này, chúng ta sẽ có sự đơn giản hóa của tôn giáo. Chúng ta sẽ nhấn mạnh và sử dụng các sự kiện chính yếu lớn lao, còn các dị biệt nhỏ nhoi và tầm thường của cách tổ chức và của cách giải thích sẽ không được để ý đến.
Lần nữa, chúng ta có thể hy vọng một sự kiện rất lý thú liên quan đến gia đình nhân loại sẽ xảy ra, vào lúc mà tâm thức tập thể, trên một phạm vi rộng lớn hơn, trở nên mục tiêu hữu thức của con người thì điều gì sẽ xảy ra? Ấy là lúc con người đặt chân lên “Thánh Đạo”, theo cách gọi của giới tôn giáo. Ấy là lúc con người dứt khoát là chế ngự được mình, đang cố gắng để sống cuộc sống tinh thần, không còn chấp nhận sống cuộc sống ích kỷ của nguyên tử nữa. Ấy là lúc con người tìm kiếm chỗ của mình bên trong một tổng thể to lớn hơn, tìm ra chỗ đó nhờ nỗ lực tự khai mở của mình, và kế đó, hợp nhất chính mình với tập thể đó. Đây là tất cả những gì được giáo lý về Thánh Đạo đề cập tới trong các giáo hội Tin Lành, Cơ Đốc và Phật giáo. Tất cả các giáo hội đó giảng dạy việc bước lên Thánh Đạo, gọi bằng các tên gọi khác nhau như là Thánh Đạo (the Way), Bát Chánh Đạo, Con đường Giác Ngộ hay Con đường Thánh Thiện (Path of Holiness). Tuy nhiên, đó là Con Đường Duy Nhất, bao giờ cũng chiếu sáng, ngày càng đưa đến hoàn thiện.
Chúng ta cũng có thể hy vọng sự phát triển của năng lực suy tư trừu tượng và mong đợi việc khơi hoạt trực giác. Khi các giống dân chính đã nối tiếp nhau trên hành tinh, thì bao giờ cũng có sự khai mở được ấn định, có hướng dẫn của các quyền năng của linh hồn và một trình tự được sắp xếp một cách rõ rệt. Trong căn chủng thứ ba, căn chủng Lemurian, trạng thái vật chất của con người được đưa đến một trình độ hoàn thiện cao. Sau đó, trong giống dân có trước giống dân của chúng ta, giống dân Atlantean (vốn bị nhận chìm trong trận hồng thủy), bản chất tình cảm của con người được phát triển. Kế đó, trong giống dân Aryan, hay giống dân thứ năm chúng ta, sự phát triển hạ trí cụ thể là mục tiêu, và chúng ta đang phát triển điều này theo mỗi thập niên. Một ít người cũng đang bắt đầu phát triển năng lực suy tư bằng các thuật ngữ trừu tượng.
Để có khả năng nhận được linh hứng thì thể trí con người phải đạt tới một giai đoạn tiến hóa mà lúc đó con người nằm dưới sự kiểm soát của thượng ngã của chính mình, tức Thượng Đế nội tâm, một cách hữu thức và một cách tích cực. Nhờ sự tiếp xúc nhất định, chủ thể nội tâm đó, tức Chân Ngã, có thể kiểm soát bộ óc hồng trần của mình, cho phép con người đưa ra các quyết định, hiểu được chân lý, ngoài khả năng lý luận một cách tổng quát, Thượng Đế nội tâm này có thể cho phép con người nói, viết và chuyển đạt được chân lý mà không dùng đến hạ trí. Chân lý ẩn tàng trong chính chúng ta. Khi chúng ta có thể tiếp xúc với Thượng Đế nội tâm của chính chúng ta thì mọi chân lý đều sẽ được tiết lộ cho chúng ta. Chúng ta sẽ trở thành Chủ Thể Tri Thức (Knowers). Nhưng đây là một điều tích cực chứ không phải là điều tiêu cực và có nghĩa là đặt chính mình chỉnh hợp hữu thức trực tiếp với Chân Ngã hay là Thượng Ngã, chứ không phải để mặc phàm ngã của mình cho bất cứ một thực thể hoặc âm ma (spook) qua đường nào đi vào cũng được.
Việc kẻ thường nhân tiếp xúc được với Thượng ngã của y hiện nay có thể thỉnh thoảng xảy ra nhưng không thường lắm. Chỉ trong khoảnh khắc nỗ lực cao của chúng ta, chỉ vào lúc có các khủng hoảng lớn trong cuộc đời chúng ta, và chỉ dưới hình thức kết quả của việc tuân thủ giới luật lâu dài và tham thiền bền bĩ, thì việc đó mới xảy ra. Nhưng một ngày nào đó, chúng ta sẽ cai quản toàn thể các kiếp sống của chúng ta, không theo quan điểm cá nhân, vị kỷ, mà theo quan điểm của Thượng Đế nội tại, Đấng vốn là một thiên khải trực tiếp của Tinh Thần trên cõi cao siêu nhất.
Điều cuối cùng mà tôi cố gắng đưa ra tối nay vốn là mục tiêu đối với mỗi người trong chúng ta, đó là việc phát triển các năng lực của linh hồn, hay của tâm (psyche). Điều này có nghĩa rằng là bạn và tôi sắp trở thành những nhà tâm thông (psychics). Nhưng tôi không dùng từ ngữ “tâm thông” này theo như người ta thường hiểu, cũng không theo ý nghĩa bao hàm thường ngày của nó. Theo nghĩa đen thì “tâm” là “linh hồn bên trong” (soul within) hay là Chân Ngã (higher Self), nó nhô ra khỏi phàm ngã tam phân, giống như con bướm thoát ra khỏi cái kén (chrysalics). Chính cái thực tại đẹp đẽ đó, mà chúng ta sắp tạo ra như là kết quả của một hay nhiều kiếp sống của chúng ta, giáng hạ nơi đây. Các mãnh lực tâm thông thực sự là các mãnh lực đưa chúng ta tiếp xúc với tập thể. Các sức mạnh của thể xác mà chúng ta sử dụng hằng ngày đưa chúng ta tiếp xúc với các cá nhân, nhưng khi chúng ta đã phát triển được các quyền năng của linh hồn và đã mở được các tiềm năng của nó, chúng ta sẽ là các nhà tâm thông thực sự. Bây giờ, các quyền năng này là gì?
Một là kiểm soát vật chất một cách hữu thức. Đa số chúng ta đều kiểm soát được thể xác chúng ta một cách hữu thức, bắt chúng thi hành các mệnh lệnh của chúng ta trên cõi trần. Một số trong chúng ta kiểm soát được các xúc cảm của chúng ta một cách hữu thức, nhưng rất ít người trong chúng ta có thể kiểm soát được thể trí. Đa số chúng ta đều bị dục vọng và tư tưởng của chúng ta kiềm chế. Nhưng sắp tới lúc chúng ta sẽ kiềm chế phàm ngã tam phân của chúng ta một cách hữu thức. Lúc đó, đối với chúng ta, thời gian sẽ không tồn tại nữa. Chúng ta sẽ có được sự liên tục tâm thức trên ba cõi hiện tồn cõi trần, cõi cảm dục và cõi trí vốn sẽ cho phép chúng ta sống như là Thượng Đế đang sống trong chính chỗ trừu xuất siêu hình, tức Hiện Tại Vĩnh Cửu (Eternal Now).
Một quyền năng khác của linh hồn là trắc tâm thuật (psychometry). Vậy trắc tâm thuật là gì? Nó có thể được định nghĩa như là khả năng chọn một vật gì hữu hình (tangible something), có thể thuộc về một cá nhân, và qua trung gian của vật hữu hình đó, làm cho chính mình giao tiếp được với cá nhân đó hay với nhóm các cá nhân. Trắc tâm là định luật liên kết các ý tưởng được áp dụng cho tính chất rung động của lực với mục đích đạt được hiểu biết.
Lại nữa, nhân loại sẽ trở nên có nhĩ thông (clairaudient) và có nhãn thông (clairvoyant), nghĩa là khả năng để nghe và thấy một cách rõ ràng và chính xác trên các cõi tinh anh như chúng ta nghe và thấy trên cõi hồng trần này. Nó sẽ bao hàm khả năng để nghe và thấy tất cả những gì liên quan đến tập thể nghĩa là nghe và thấy trong các bề đo thứ tư và thứ năm. Tôi không có đủ trình độ của một nhà toán học để có thể giải thích các bề đo này, và chính tôi cũng thấy rất là mù mờ khi nghiên cứu các bề đo đó, nhưng có một minh họa mà tôi nhận được có thể làm cho toàn bộ sự việc có phần sáng tỏ hơn. Một tư tưởng gia trẻ tuổi người Thụy Điển đã giải thích cho tôi như sau:
“Chiều đo thứ tư là khả năng để thấy xuyên qua và chung quanh một vật. Chiều đo thứ năm là khả năng, thí dụ, chọn con mắt và nhờ con mắt đó làm cho chính mình giao tiếp được với tất cả các con mắt khác trong thái dương hệ. Thấy được trong bề đo thứ sáu có thể được định nghĩa như là năng lực để lấy một hòn đá cuội (pebble) ngoài bờ biển và nhờ viên đá đó đặt cho chính mình hòa hợp với (in accord with) toàn thể hành tinh. Bây giờ, trong bề đo thứ năm, nơi mà bạn chọn (took) con mắt, bạn bị giới hạn vào một đường lối biểu lộ đặc thù, còn trong trường hợp của bề đo thứ sáu, nơi mà bạn chọn một hòn đá cuội, bạn được đặt giao tiếp với toàn bộ hành tinh”. Đây là một sự việc rất xa trước mắt chúng ta, nhưng thật là lý thú khi nói đến và nắm giữ một hứa hẹn cho mỗi người và cho tất cả.
Không có thời gian để bàn đến các quyền năng khác, cũng như tôi không thể liệt kê tất cả các quyền năng đó là gì. Việc chữa trị bằng cách tiếp xúc sẽ nằm trong số các quyền năng đó. Việc vận dụng các lưu chất từ điện (magnetic fluids) và việc sáng tạo hữu thức bằng màu sắc và âm thanh là các quyền năng khác nữa. Vào lúc này, tất cả những gì thực sự có liên quan đến chúng ta là chúng ta phải kiểm soát chúng ta một cách hữu thức, ra sức tiến đến ngày càng nhiều dưới sự kiểm soát của chủ thể nội tâm, nỗ lực để trở nên phóng xạ và để phát triển tâm thức tập thể.
***
nói một cách đơn sơ, sự tiến hóa nguyên tử có thể được chia thành hai phần hay hai giai đoạn, một giai đoạn được gọi là giai đoạn nguyên tử, còn giai đoạn kia, vì thiếu thuật ngữ chính xác hơn, chúng ta gọi là giai đoạn phóng xạ (radioactive stage). Giai đoạn nguyên tử là giai đoạn trong đó nguyên tử theo đuổi sự sống ích kỷ của riêng nó, hoàn toàn liên quan với sự tiến hóa của riêng nó và hậu quả của các tiếp xúc mà nó tạo ra. Khi sự tiến hóa tiếp nối, điều trở nên rõ rệt là vào đúng lúc, nguyên tử bắt đầu phản ứng với một sự sống lớn hơn ở ngoài chính nó, và trong giai đoạn này, bạn có được thời kỳ tương tự với giai đoạn kiến tạo hình hài, trong đó các nguyên tử vật chất này bị thu hút bởi một tích năng (charge of energy) lớn hơn hay là điện lực dương (positive electrical force) (nếu bạn thích gọi như thế) vốn lôi kéo các nguyên tử hay hút các nguyên tử vào chính nó và nhờ chúng mà tạo được một hình hài. Bấy giờ đến lượt các nguyên tử vật chất này trở thành các điện tử. Kế đó, chúng ta đã thấy, làm thế nào mà trong trường hợp của bạn và của tôi, cũng như trong trường hợp của mọi đơn vị hữu ngã thức, cùng một phương thức được noi theo, và rằng chúng ta có một sự sống trung tâm nắm giữ trong phạm vi ảnh hưởng của nó các nguyên tử, tạo thành các thể khác nhau, thể trí, thể tình cảm và thể xác. Chúng ta biểu lộ, hoạt động, sinh hoạt và thể hiện mục đích của chúng ta bằng cách hút về phía chúng ta các nguyên tử vật chất thích hợp cho nhu cầu chúng ta, và nhờ đó, chúng ta có thể tạo được các tiếp xúc cần thiết. Các nguyên tử này thuộc về chúng ta, sự sống trung ương, giống như các âm điện tử đối với điện tích dương ở trung tâm trong nguyên tử vật chất. Kế đó, chúng ta cũng đã thấy rằng nếu điều này là đúng, nghĩa là, có một giai đoạn tự tập trung (selfcentred), hay giai đoạn thuần túy nguyên tử, đối với nguyên tử, và đối với nguyên tử con người, kế đó lại đối với nguyên tử của hành tinh, ngự trị bởi sự sống tinh thần trung ương của nó, thì chúng ta sẽ có thể khẳng định một cách hợp lý cho một tình trạng sự việc tương tự như thế. Như vậy, chúng ta được đưa vào lĩnh vực suy luận. Kế đó, chúng ta xét coi có phải tất cả những gì đang xảy ra trên hành tinh chúng ta có thể nào không do tình trạng tự tập trung của Đấng Thông Linh, Ngài đang thể hiện các mục tiêu của Ngài bằng cách đó. Sau cùng, chúng ta chuyển sang cùng ý tưởng liên quan đến chính thái dương hệ.
Bấy giờ chúng ta chuyển qua xem xét giai đoạn hai, giai đoạn mà nhà khoa học đã nghiên cứu liên quan với nguyên tử của nhà hóa học và nhà vật lý trong hai mươi năm qua, tức giai đoạn phóng xạ. Chúng ta đã thấy làm sao có một tình trạng tương tự với tình trạng này trong sự tiến hóa của nguyên tử con người và có một giai đoạn đi trước nó, song song với giai đoạn nguyên tử, trong đó con người thuần là ích kỷ (selfish), hoàn toàn tập trung vào bản ngã (selfcentred) và không chú ý đến phúc lợi của tập thể mà y là một phần trong đó. Giai đoạn tiên khởi này rất rõ rệt trên thế giới ngày nay. Một tỉ lệ lớn của nhân loại hiện đang ở trong giai đoạn nguyên tử, nhưng chúng ta phải nhớ rằng đó là một giai đoạn bảo vệ và cần thiết. Mỗi đơn vị của gia đình nhân loại đều phải vượt qua giai đoạn này trong tiến trình tìm kiếm vị trí của mình bên trong nhóm, và cho phép nó phát triển một điều gì đó có giá trị để cống hiến cho nhóm đó khi tiến nhập vào giai đoạn hai.
Ngày nay, trên thế giới cũng có các đơn vị của gia đình nhân loại đang đi vào giai đoạn hai, họ đang trở nên có tính phóng xạ và có sức thu hút (magnetic), họ ảnh hưởng đến các hình hài khác và đang trở nên có tập thể thức; họ đang ra khỏi giai đoạn “Tôi hiện hữu” (“I am” stage), bước vào giai đoạn nhận thức “Tôi là Cái Đó” (“I am that” realisation); họ đang bắt đầu nhận biết được sự sống và mục tiêu của Đấng Thông Linh vĩ đại (great Entity) mà họ là một phần của cơ thể Ngài; họ đang trở nên biết được mục tiêu ở đàng sau của Sự Sống của Hành Tinh Thượng Đế, Đấng vốn là xung lực bên trong nằm phía sau biểu lộ bên ngoài trên địa cầu chúng ta. Họ đang bắt đầu hợp tác với các kế hoạch của Ngài, để hoạt động cho việc cải thiện nhóm của họ. Sự dị biệt giữa họ với các nguyên tử khác của gia đình nhân loại là ở chỗ hiện giờ họ có được tập thể thức, họ có được một chân trời rộng lớn hơn, một nhận thức tập thể và một mục tiêu to tát hơn. Đồng thời, họ không mất đi ngã thức của họ, cũng không mất đi chủ thể cá biệt của riêng họ, và sự sống hình cầu (spheroidal life) của riêng họ vẫn còn, nhưng họ đặt toàn thể sức lực và năng lượng đang tuôn chảy qua họ không phải vào trong việc thể hiện kế hoạch riêng của họ, mà là vào trong một sự hợp tác sáng suốt với Sự Sống vĩ đại hơn mà họ là một phần trong đó. Những người như thế hãy còn ít, nhưng khi số lượng của họ trở nên ngày càng nhiều, thì bấy giờ, chúng ta có thể trông chờ có được một đổi thay trong tình hình thế giới, lúc đó sẽ xảy đến cái mà Thánh Paul nhắc đến khi ông nói: “Không nên có sự phân chia nào trong cơ thể, mà các chi thể nên có cùng sự quan tâm lẫn nhau. Nếu một chi thể đau yếu, mọi chi thể cùng đau với nó, hay một chi thể được tôn vinh, mọi chi thể nên cùng vui với nó… nói chung, chính cùng một Thượng Đế đang hành động. Có thiên hình vạn trạng năng khiếu, nhưng cùng một tinh thần; có các sai biệt về việc chăm sóc (hay phụng sự) nhưng cùng một Chúa Tể (Lord).”
Khi tất cả chúng ta đều có tập thể thức, khi tất cả chúng ta đều biết rõ mục tiêu nằm đàng sau sự biểu lộ trên hành tinh chúng ta, khi chúng ta được linh hoạt một cách hữu thức và dồn mọi năng lực của chúng ta vào việc thể hiện các kế hoạch tập thể, bấy giờ, chúng ta sẽ có những gì mà người Cơ Đốc giáo gọi là “thời đại hoàng kim” (millennium”).
Các cổ thư Đông phương nêu ra rằng bảy ngôi sao của chòm sao Đại Hùng (Great Bear), bảy ngôi sao của chòm sao Rua (Pleiades) và mặt trời Sirius (Thiên Lang) đều có một liên hệ rất chặt chẽ với thái dương hệ chúng ta, và rằng chúng nắm giữ một liên quan từ điển tâm linh mật thiết với Thái Dương Thượng Đế của chúng ta.
Chúng ta đã thấy rằng mục tiêu đối với nguyên tử vật chất là ngã thức, và đối với Đấng Thông Linh đang tiến hóa thông qua một hành tinh, thì mục tiêu có lẽ là Thiên thức (God consciousness). Bây giờ, dĩ nhiên, khi bạn coi như không có các từ Thái Dương Thượng Đế, tuy nhiên, đối với Ngài cũng phải có mục tiêu. Bạn có thể gọi mục tiêu đó là Tuyệt Đối Thức (Absolute Consciousness) tùy ý bạn. Chúng ta lại làm rõ điều này. Chúng ta đã được dạy rằng cơ thể chúng ta được làm bằng vô số các sự sống nhỏ bé, hay là các tế bào, hay các nguyên tử, mỗi thứ đều có tâm thức cá nhân của riêng nó. Tâm thức này tương ứng với ngã thức của nó. Xét chung, theo quan điểm của nguyên tử, tâm thức của thể xác có thể được xem như là tập thể thức của nguyên tử đó. Kế đó, chúng ta có tâm thức của con người, tức chủ thể tư tưởng. Con người là kẻ làm linh hoạt thể xác và chuyển nó cho ý chí của con người nghĩa là cho nguyên tử trong thể xác của y, tương tự với những gì mà chúng ta có thể gọi là Thiên thức. Nhận thức của ngã thức chúng ta thì khác xa với nhận thức của nguyên tử, giống như tâm thức của Thái Dương Thượng Đế khác xa với tâm thức chúng ta. Bây giờ, so với nguyên tử trong cơ thể chúng ta, thì tâm thức của Thái Dương Thượng Đế có thể được gọi là Tuyệt Đối Thức, có phải không? Ý tưởng này được nới rộng đến nguyên tử con người, đến nguyên tử hành tinh, và bạn có thể khẳng định xa hơn rằng Thái Dương Thượng Đế vươn lên đến một tâm thức vượt ngoài tâm thức riêng của Ngài, tương tự với tâm thức đang trải rộng giữa nguyên tử trong cơ thể bạn với Ngài. Ở đây, bạn có một viễn cảnh (vista) rất kỳ diệu đang mở ra. Tuy nhiên, trong chính nó, điều này rất đáng khích lệ; vì nếu chúng ta nghiên cứu tế bào trong thể xác một cách chặt chẽ, và xem xét con đường dài đã được vượt qua giữa tâm thức của nó với những gì mà một người hiện đang biết là thuộc về mình, chúng ta có được cho chính chúng ta cái hứa hẹn và cái hy vọng của sự thành đạt trong tương lai, và động cơ thúc đẩy để tồn tại trong nỗ lực của chúng ta.
Từ lâu, các cổ thư Đông phương đã cất giấu nhiều chân lý mà chỉ bây giờ mới bắt đầu in vào tâm thức của người phương Tây. Các sách này đã giảng dạy tính phóng xạ của vật chất cách đây nhiều ngàn năm, và như thế, có lẽ, sau rốt có một số chân lý tương đương trong giáo lý của các sách đó về các chòm sao. Có lẽ trong các ngôi sao mà chúng ta có thể thấy được trong các vòm trời xa và trong sự sống đang phát triển trong các ngôi sao đó, chúng ta có mục tiêu của Thái Dương Thượng Đế của chúng ta, và các ảnh hưởng đang tuôn đổ về phía Ngài, thu hút Ngài về phía các ngôi sao đó và vào đúng lúc, làm cho Ngài trở nên phát xạ (radioactive). Trong các cổ thư Đông phương có nói rằng trong mặt trời Sirius có ẩn tàng cội nguồn của minh triết, và, ảnh hưởng hay năng lượng của bác ái lan tỏa từ nơi đây. Kế đó, các cổ thư cũng nói rằng có một chòm sao thậm chí còn liên hệ với Thái Dương Thượng Đế của chúng ta một cách mật thiết hơn nữa, lý do là vì cho đến nay, Ngài không tiến hóa một cách đầy đủ để cho Ngài có thể đáp ứng hoàn toàn với mặt trời Sirius, dầu vậy, Ngài vẫn có thể đáp ứng với ảnh hưởng của thất tỉ muội (7 sisters, 7 chị em) của chòm sao Rua. Nhóm này là một nhóm đáng để ý nhất. Nếu bạn giở tự điển và tra cứu từ ngữ “điện khí” (“electricity”), bạn sẽ thấy tự điển gợi ý rằng chữ “electricity” có thể được truy nguyên đến ngôi sao Electra, một trong thất tỉ muội , và một số người cho là Pleiad nhỏ bị thất tung (the little lost Pleiad).
Các huấn sư Đông phương nói rằng trong cái bí nhiệm của điện có ẩn tàng mọi tri thức, và khi chúng ta thấu hiểu được điều đó thì chúng ta sẽ biết được tất cả những gì cần biết. Những gì mà mối liên hệ của chòm sao Rua có thể có đối với thái dương hệ chúng ta, chúng ta không thể nói được, dầu vậy, ngay cả Thánh Kinh Cơ Đốc giáo của chúng ta cũng biết được điều đó, và Job nói đến “các ảnh hưởng êm ái của chòm sao Rua”, trong lúc một số Thánh kinh Đông phương xác định rằng mối liên hệ đó nằm trong âm thanh hoặc rung động. Có lẽ chòm sao Rua là cội nguồn của sự sống nguyên tử của Thượng Đế chúng ta, trạng thái thông tuệ linh hoạt, trạng thái đó vốn được phát triển trước tiên, và chúng ta có thể gọi đó là chất điện (electrical matter).
Kế đó có chòm sao Đại Hùng (Great Bear, Gấu lớn). Trong các sách vở Đông phương, có nhiều điều lý thú được nói về mối liên hệ giữa Đại Hùng Tinh với chòm sao Rua. Thất tỉ muội được nói đến là bảy hiền thê (wives) của bảy ngôi sao của chòm Đại Hùng. Bây giờ chân lý gì có thể ở đàng sau truyền thuyết đó? Nếu chòm sao Rua là cội nguồn của biểu lộ về điện, tức trạng thái linh hoạt thông tuệ của thái dương hệ, và năng lượng của chúng vốn làm linh hoạt mọi vật chất, có lẽ chúng có thể tiêu biểu cho trạng thái âm, mà đối cực, hay là trạng thái dương, là bảy hiền phu (husbands, chồng) của chúng, tức bảy ngôi sao thuộc chòm Đại Hùng Tinh. Có lẽ sự phối hợp của cả hai là những gì tạo ra thái dương hệ chúng ta. Có lẽ hai kiểu mẫu năng lượng này, một từ chòm sao Rua và năng lượng kia từ chòm sao Đại Hùng Tinh, gặp nhau, và khi kết hợp lại sẽ tạo ra sự bừng sáng trong bầu trời mà chúng ta gọi là thái dương hệ của chúng ta.
Mối liên hệ của hai chòm sao này, hay đúng hơn mối quan hệ chủ quan của chúng, chắc chắn phải có một căn bản thực sự nào đó, nếu không chúng ta sẽ không thấy chuyện đó được nói bóng gió đến trong các thần thoại khác nhau. Phải có một điều gì đó nối kết chúng, trong hằng hà sa số các chòm sao, với thái dương hệ của chúng ta. Nhưng khi chúng ta cố gán cho liên hệ đó một ứng dụng hoàn toàn vật chất thì chúng ta đi lạc đường. Nếu chúng ta trình bày sự liên hệ đó theo các đường lối của sự sống chủ quan và nối kết liên hệ đó với năng lượng, tính chất, hoặc là mãnh lực, thì chúng ta có thể tình cờ tìm thấy chân lý và học hỏi được một ít sự thật có thể ẩn dưới những gì mà mới nhìn qua dường như là một truyền thuyết vô nghĩa. Bất cứ điều gì mở rộng tầm kiến thức của chúng ta, cho phép chúng ta có được cái nhìn rộng rãi và một tầm mắt rõ ràng hơn về những gì đang xảy ra trong quá trình tiến hóa, rất có giá trị đối với chúng ta, không những vì sự tích lũy các sự kiện đã được xác định là có giá trị, mà còn vì những gì cho phép chúng ta làm được trong chính chúng ta nữa, đó là năng lực suy tư của chúng ta bằng các thuật ngữ rộng rãi và khoáng đạt hơn cũng tăng lên, chúng ta có thể nhìn quá cái quan điểm tập trung vào cái ngã của chúng ta và có thể bao gồm trong tâm thức chúng ta các trạng thái khác hơn là trạng thái của chính ta. Khi làm điều này là chúng ta đang phát triển ý thức tập thể, và sau rốt, chúng ta sẽ hiểu được rằng các sự kiện kỳ diệu ở bề ngoài mà chúng ta đã đấu tranh và hy sinh qua bao thời đại và được nhấn mạnh như là toàn bộ chân lý, sau rốt chỉ là các phần nhỏ của một kế hoạch, và là các phần vô cùng nhỏ của một tổng thể vĩ đại. Do đó, có lẽ khi chúng ta trở lại cõi trần lần nữa, và có thể nhìn trở lại vào các sự vật làm chúng ta lưu ý ngày nay mà chúng ta xem là rất quan trọng, chúng ta sẽ thấy các sự kiện đó sai lầm biết bao nhiêu, khi mà lúc bấy giờ, chúng ta hiểu được chúng. Sau rốt, các sự kiện đó không có gì là quan trọng nữa, các sự kiện của thế kỷ qua không phải là các sự kiện ngày nay, và trong thế kỷ tới, các nhà khoa học có thể cười nhạo các khẳng định có tính giáo điều của chúng ta và tự hỏi làm sao mà chúng ta lại có thể xem xét vấn đề như ta đã làm. Đó là sự phát triển của sự sống và mối liên hệ của sự sống với mọi vật chung quanh mới thực sự quan trọng. Và, trên hết, ảnh hưởng mà chúng ta đang có trên những người mà chúng ta hợp tác, và công việc chúng ta làm, dù tốt dù xấu, cũng có ảnh hưởng đến tập thể, trong đó có chúng ta.
Alice A. Bailey
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét