Thứ Hai, 31 tháng 8, 2020

Nơi bình an

 Trích "The Spiritual Life" - Annie Besant

        Nhiều người than phiền đời sống trong thế giới văn minh quá nhanh, náo động và vội vàng, họ thường tự bào chữa “Tôi không có thì giờ.” Người ta thường xem báo chí thay vì đọc sách, xem quảng cáo thay vì tìm đọc những bài luận giải, phê bình người khác thay vì tìm hiểu họ. Càng ngày chúng ta càng chú ý đến những sự việc nông cạn trong đời sống: sự thành công của một thương gia, những quyền hành nhỏ nhoi trong xã hội, danh tiếng tạm thời trong giới chính trị hoặc văn chương… để đạt được chúng, người ta phải làm việc cực nhọc, tìm mưu kế và phấn đấu.

Khi làm việc gì, con người muốn có kết quả ngay, nếu không thì xem như thất bại. Con người khi thấy mục đích bên ngoài, thường cố gắng vượt nhanh đến mục đích đó trong tư thế của người thắng cuộc để nhận lãnh những tràng vỗ tay hoan hô của quần chúng. Danh vọng vững chắc được tạo dựng bởi nhiều năm làm việc không ngừng; cực nhọc suốt đời ngoài đồng, khi đến mùa gặt thì người gieo hạt đã khuất bóng; lý tưởng cao đẹp vượt khỏi tầm với của người bình thường, quá lớn để có thể đạt được trong một kiếp sống... do đó người đời không tiếp nhận được. Tinh thần của thời đại được tóm tắt trong câu nói châm biếm của một hiền triết Trung Hoa: “Con người nhìn vào quả trứng, mong nghe tiếng gáy của nó.”  Chúng ta thường than phiền thiên nhiên quá chậm chạp, nhưng chúng ta quên rằng những gì chúng ta đạt được quá nhanh thì không có chiều sâu.

Đối với một số người, cuộc đời con người không giống như đời sống tạm bợ của những con côn trùng nhỏ bé nhảy múa dưới ánh mặt trời. Đôi khi trong tâm con người phát ra những tiếng thì thầm êm dịu nhắc nhở họ rằng tất cả những sự việc có vẻ như xung đột, vội vàng chỉ là những cuốn phim trên màn ảnh. Những thành đạt trong thương trường, trong xã hội được công chúng ngưỡng mộ chỉ là những điều nhỏ nhặt như những bọt bèo nhấp nhô trên mặt nước; ganh tỵ, và cạnh tranh cay đắng là theo đuổi những điều không giá trị. 


THIÊN NHIÊN LÀ LIỀU THUỐC TRẤN AN


Giả thử chúng ta đến sống tại một thành phố có nếp sống vội vã trong một tuần hay một tháng; chúng ta cảm thấy hơi bị kích động, cố gắng để đạt được vài thắng lợi nhỏ, với niềm hy vọng tầm thường, niềm đau do những sự chán nản, bất hòa do sự va chạm giữa cái ngã ích kỷ với những cái ngã khác cũng ích kỷ không kém. Sau đó chúng ta rời bỏ nơi huyên náo này và đến một vùng núi non thanh tịnh vắng vẻ. Nơi đây, chúng ta chỉ nghe những âm điệu hài hòa của thiên nhiên xen lẫn với những lúc yên lặng: tiếng thác nước đổ dồn dập sau cơn mưa đêm qua, tiếng lá xào xạc dưới chân con thỏ rừng nhút nhát, tiếng khuấy động xì xào gây nên bởi con vịt nước bơi ra từ lùm lau sậy, tiếng róc rách do xoáy nước vỗ lên những tảng đá cuội doc theo bờ suối, tiếng vo vo của những con côn trùng bay lướt qua đám cỏ rậm, tiếng đớp mồi của con cá trong hồ nước dưới bóng cây. Nơi đây, tâm trí ta trở nên tĩnh lặng, êm dịu lại do được tiếp xúc với thiên nhiên, xa rời đời sống thế tục. Khi nhìn lại, ta thấy rõ xã hội đang quay cuồng, điên rồ trong những công việc và những trò giải trí. Từ bầu không khí an tịnh, nhìn ra ngoài, ta không cảm thấy xao xuyến với sự thành công hay thất bại trong những xung đột nhỏ nhặt; cũng như không có gì đáng để ý nếu có người nào đó coi thường, hoặc ngợi khen ta. Khi rời xa những khuấy động, chúng ta có được tầm nhìn viễn cảnh, và thấy những sự vật bên ngoài đóng một vai trò rất nhỏ trong sự sống chân thật của chúng ta.


THỜI GIAN LÀ LIỀU THUỐC TRỊ BỆNH


Khoảng cách thời gian, và không gian cũng làm cho ta quân bình trong sự phán đoán cuộc sống. Sau mười năm trôi qua, khi nhìn lại những thử thách, vui buồn, hy vọng và thất vọng trong quá khứ, ta ngạc nhiên không biết vì sao ta đã tiêu phí quá nhiều năng lực vào những việc nhỏ nhặt không giá trị. Đối với một người đã thay đổi nhiều cá tính, khi hồi tưởng lại những niềm đau thấu xương trước kia, họ cũng thấy chúng có vẻ xa lạ. Sự sống của ta hoàn toàn bị ràng buộc vào sự sống của người khác, và bất cứ giá trị riêng tư nào của ta hình như cũng thuộc về người mà chúng ta yêu thương. Khi bị người ấy phản bội, chúng ta tưởng như cuộc sống này đã chấm dứt, tim chúng ta tan vỡ, nhưng chỉ sau một thời gian, vết thương được chữa lành. Ngày nay, sau mười năm, ta không khỏi rùng mình khi nhìn lại nỗi thống khổ đã có lần sắp làm tan vỡ cuộc đời ta; khi nhớ lại những kích động và tức giận điên rồ, cũng như những lời nói đắng cay đã làm mất đi một người bạn tốt. Trước kia, đôi khi ta bị kích thích quá đáng khi thành công trong công việc mà ta cho là khó khăn; nay nhớ lại đó chỉ là điều nhỏ nhặt đã được thổi phồng lên; và thấy được nó chỉ là một phần nhỏ trong cuộc sống, nó chỉ là một điểm, nhưng có lần đã chiếm trọn cả bầu trời.

Trong niềm an tịnh, xuyên qua không gian và thời gian, ta suy tưởng về những thành bại trong quá khứ, cũng như những đau khổ sẽ xâm nhập trở lại khi ta quay về cuộc sống hàng ngày. Những việc tầm thường cũ trong bộ áo mới sẽ chiếm hết thì giờ của ta; những niềm vui, những nỗi buồn với bộ mặt mới sẽ làm chủ ta. Một lần nữa, cuộc sống của ta lại bị bào mòn bởi những lo âu không ý nghĩa, những tranh cãi nhỏ nhặt, những ham muốn vụn vặt, và những thất vọng phi lý. Thánh kinh Bhagavad Gita có nói: “Sự xao xuyến của những giác quan sẽ biến mất do sức mạnh của trái tim.”

Có phải sự việc luôn luôn như vậy không? Vì chúng ta phải sống trong thế gian, phải đóng một vai trò trong bi kịch của cuộc đời, và phảỉ chịu ảnh hưởng của những sự vật tạm bợ. Liệu chúng ta có thể tìm được một nơi bình an, cách biệt, trong khi phải sống và bị vây quanh bởi những sự việc thế gian?


SỰ BÌNH AN CỦA CHÂN NGÃ


Mỗi người là một Thực Thể Bất Tử trong lớp áo xác thân, được sinh động bởi những ham muốn và đam mê. Ta kết nối lớp áo xác thân bằng sợi chỉ của bản chất trường tồn, sợi chỉ này là cái trí. Rất khó kiểm soát cái trí, vì nó luôn thay đổi và chạy lang thang theo những sự vật thế gian. Nó linh hoạt do những ham muốn và đam mê, hy vọng và sợ hãi. Cái trí muốn trải nghiệm tất cả những thú vui cảm giác, nó bị lóa mắt, điếc tai bởi ánh sáng và huyên náo từ cảnh vật chung quanh. Trong kinh Bhagavad Gita, Arjuna đã than phiền: “cái trí rất biến động, hỗn loạn, mạnh mẽ và bướng bỉnh.”

Ngự bên trên cái trí quay cuồng này là cái Ta Chân Thật hay cái Ngã Tinh Thần, nó hiện diện như một chứng nhân thầm lặng, tự tại. Đây là nơi bình an, tĩnh lặng, sóng gió ba đào ở bên dưới không thể chạm đến được. Vì chân ngã trường tồn, với nó mọi sự vật tạm bợ theo thời gian đều không quan trọng, chúng chỉ có công dụng mang lại sự hiểu biết và kinh nghiệm về điều tốt lẫn xấu. Chân ngã sống trong thân thể như một cái nhà bằng đất, nó học biết sự sinh tử, được mất, vui buồn, và sướng khổ. Nó nhìn những sự việc trải qua như những ảo ảnh, không gợn sóng nào có thể làm mất đi sự tĩnh lặng, tự tại của nó. Nếu có một việc đau buồn ảnh hưởng đến cái vỏ bên ngoài của nó, thì nó chỉ đơn giản ghi nhận sự hài hoà bị gián đoạn. Sự đau khổ được tiếp nhận như dấu hiệu cho biết thất bại, nó thu nhặt như một bài học cho tương lai. Vì chân ngã phải chinh phục cõi vật chất, tinh luyện và thăng hoa nó, và chỉ bằng sự đau khổ chân ngã mới có thể học được cách xử sự.

Như thế, con đường bí mật đưa đến Nơi Bình An là học cách đồng hóa tâm thức chúng ta với chân ngã thật sự, thay vì với phàm ngã tạm bợ. Ta tự đồng hóa với thể trí, và não bộ hoạt động trong xác thân. Ta tự đồng hóa với những đam mê và ham muốn, cho nên ta thường nói: “tôi hy vọng, tôi lo sợ…” Ta tự đồng hóa với thể xác, mà thật ra nó chỉ là một cái máy mà chúng ta dùng để tiếp xúc với thế giới vật chất. Khi tất cả những thành phần của bản chất chúng ta được linh động do sự tiếp xúc với vật chất bên ngoài, và cảm nhận sự quay cuồng của đời sống vật chất xung quanh, lúc ấy tâm thức chúng ta cũng bị ảnh hưởng theo. Kinh B. Gita có nói: “Đam mê tràn vào cướp đi trái tim không được kiểm soát, và kiến thức tinh thần như con thuyền trên biển động giữa cơn giông bão.” Kết quả là chúng ta bị kích thích, mất quân bình, tức giận, cảm thấy bị thuơng tổn, phẫn uất, điên cuồng, đau khổ; tất cả những thứ đó làm mất đi sự bình an và sức mạnh.


BA ĐƯỜNG LỐI DẪN ĐẾN SỰ BÌNH AN


Khi bắt đầu đặt chân trên đường đạo để đến nơi bình an, chúng ta phải cố gắng đồng hóa tâm thức chúng ta với chân ngã, thấy như nó thấy, phán đoán như nó phán đoán. Đây là vấn đề thực hành, chớ không phải nói suông, tuy chưa làm được nhưng chúng ta thử bắt đầu thực hành ba phương pháp sau: (1) Tách rời khỏi những đối tượng của giác quan, (2) làm việc tốt mà không màng đến kết quả, (3) tham thiền và luôn luôn hướng về chân ngã. Chúng ta hãy lần lượt nghiên cứu những phương pháp trên.

Ta có thể thực hành phương pháp đầu tiên bằng cách thường xuyên tuân giữ qui luật một cách khôn ngoan. Hãy tập lãnh đạm đối với những điều gây bực bội nhỏ nhặt, những chuyện tán gẫu vui chơi, những thú vui xác thân, khoan dung và dễ dãi chấp nhận những điều từ bên ngoài đến, không tránh né mà cũng không mong mỏi những điều vui thú hay đau buồn nhỏ nhặt. Dần dần, ta tập được tánh lãnh đạm mà ta không ngờ, những khó khăn nhỏ nhặt xảy ra có thể gây khó chịu cho người khác, nhưng không ảnh hưởng đến tâm trí ta. Nhờ vậy ta mới rảnh tay giúp đỡ những người chung quanh đang bị phiền phức bởi những khó khăn; và ta có thể trợ giúp cho cuộc sống của những người chưa hiểu biết bằng chúng ta được dễ dàng hơn. Để đạt được đức tánh này, sự điều độ là then chốt. Trong B. Gita có đề cập như sau: “Hỡi Arjuna, qui luật hoàn hảo không thể đạt được bởi người ăn quá nhiều hay quá ít, hoặc bởi người có thói quen ngủ quá nhiều hay quá ít. Người muốn diệt đau khổ phải điều độ trong sự ăn uống, giải trí, hoạt động , và ngủ nghỉ.” Xác thân không thể bị phá hủy, nó phải được huấn luyện.

Phương pháp thứ hai là không màng đến kết quả. Điều này không có nghĩa là không để ý đến kết quả của việc ta làm để rút tỉa kinh nghiệm cho bước đi kế tiếp. Chúng ta có được kinh nghiệm từ sự xem xét kết quả, và từ đó trở nên khôn ngoan. Khi một hành động đã được thực hiện với sự suy xét cẩn thận, với năng lực mạnh mẽ, và ý nguyện trong sạch; sau đó, chúng ta cứ để tự nhiên, không lo lắng gì đến kết quả. Hành động đã thực hiện, không thể thu hồi lại được, lo lắng không có ích gì. Khi kết quả đến, ta ghi nhận như một lời dạy, không quá vui mừng hay hối tiếc. Sự vui mừng hay hối tiếc chỉ làm cho ta không chú tâm thực hiện bổn phận hiện tại, và làm suy giảm tiềm lực của ta. Giả thử kết quả của việc làm là có hại, người khôn ngoan sẽ nói: “Tôi đã làm sai, tôi phải tránh lỗi lầm tương tự trong tương lai; hối hận chỉ làm suy giảm năng lực trong công việc hiện tại, mà không thay đổi được kết quả do hành động lỗi lầm của tôi. Vì thế, thay vì để mất thì giờ cho sự hối hận, tôi chú tâm làm việc cho tốt hơn.”

Tách rời khỏi kết quả của hành động làm cho cái trí an tịnh, từ đó chúng ta có thể tập trung hữu hiệu vào mỗi công việc. Kinh B. Gita nói: “Ai  hiến dâng hành động không vụ lợi cho Đấng Tối Cao, thì không có tội lỗi nào chạm đến họ, như nước không thể thấm vào lá sen. Người hiến dâng chân thật có trái tim tinh khiết, họ hành động bằng xác thân và các giác quan, với lý trí và sự hiểu biết, họ không màng những lợi lộc riêng tư. Người hiến dâng không bị trói buộc vào kết quả của hành động sẽ đạt được sự an tịnh; trong khi người hành động do lòng ham muốn, và đeo níu vào kết quả sẽ bị trói buộc.”

Phương pháp thứ ba, tham thiền, là cách thức đem lại nhiều kết quả nhất và cũng là cách thức khó khăn nhất. Người tập tham thiền phải thường xuyên cố gắng nhận ra lý lịch của mình từ chân ngã, và ý thức mình chính là chân ngã đó. Cái trí hay thay đổi, và thường chạy theo sự vật bên ngoài, ta phải chinh phục nó, và đem nó trở về nội tâm. Việc này phải thực hành suốt đời, và nó sẽ đem ta đến nơi bình an. Ta phải thường xuyên làm tươi mới sự cố gắng và duy trì tính kiên nhẫn. Mỗi ngày ta cần để riêng ra một khoảng thời gian, vào giờ nhất định, tự thu mình lại như con rùa thu gọn vào cái mai của nó, hồi nhớ lại bản chất trường tồn của ta; không để những điều tạm bợ, những biến cố ở thế gian ảnh hưởng đến ta.

Khi năng lực tinh thần trong chân ngã tăng trưởng, chẳng những chúng ta được bình an mà còn được minh triết. Vì khi không còn ham muốn cá nhân, và nhận ra được bản chất trường tồn, chúng ta sẽ không còn tư kiến hay thành kiến khi phán đoán mọi việc. “Khi đạt đến trạng thái an tịnh, con người xa lánh được tất cả phiền phức, cái trí dễ dàng chú tâm vào một sự việc, và đạt được minh triết. Nếu tâm và trí không an tịnh, ta sẽ không thể đạt được minh triết. Với lòng kiên nhẫn, con người sẽ dần dần đạt được những mức độ của sự an tịnh. Phúc lạc tối thượng chắc chắc sẽ đến với bậc hiền triết đã có cái trí bình an, đã khắc phục được những dục vọng và đam mê; vị ấy luôn luôn an trụ trong chân ngã, thoát khỏi mọi ràng buộc của tội lỗi.”

Đây là ba cấp bậc của con đường dẫn đến Nơi Bình An. Đến được nơi đây là đã chinh phục được Thời Gian và sự Chết. “Trên con đường quanh co dẫn đến tận đỉnh núi, cánh của “con chim bình an” quạt phía trước người hành hương mệt mỏi, và cuối cùng người ấy tìm được sự an tịnh không bao giờ mất.”


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét