Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2020

Siddhartha – Câu chuyện dòng sông, câu chuyện đời người

Nguồn: Vườn Thiền - Chân Vĩ Nghiêm

HÀNH TRÌNH ĐI TÌM BẢN THỂ VÀ Ý NGHĨA CUỘC ĐỜI

"Nhân vật chính trong truyện mang tên Siddhartha, cái tên của Đức Phật thời còn tại thế. Tuy nhiên nhân vật Siddhartha trong truyện không phải là Đức Phật, tuy rằng gia thế, xuất thân của anh tương tự như gia thế của Đức Phật trước khi xuất gia. Siddhartha cũng như nhiều nhân vật của Hermann Hesse, bắt đầu xuất hiện trong truyện là bắt đầu một hành trình. Đó là một hành trình dài và vô cùng nhọc nhằn để đi tìm bản thể của mình.

Siddhartha đã có một cuộc sống ấm êm định sẵn: là “con trai khôi ngô của một người Bà La Môn, lớn lên dưới mái gia đình êm ấm”. Anh là niềm tự hào của gia đình, niềm ao ước của các cô gái xinh đẹp và cao quý nhất bởi sự mẫn tiệp, khát khao hiểu biết và vẻ ngoài khôi ngô, tuấn tú của mình. Tuy nhiên, chính anh lại không hài lòng với cuộc sống của mình. Điều làm Siddhartha trăn trở là câu hỏi lớn về bản ngã. Anh hoang mang không biết “tìm linh hồn ở nơi đâu? Nó ở chỗ nào, trái tim vĩnh cửu của nó đập chốn nào, còn đâu khác nếu không phải trong tự ngã của ta, trong thâm sâu, trong sự bất diệt mà ai cũng có”. Khi không khám phá ra con đường để đi đến chính bản ngã của mình, thì cuộc sống sẽ trở nên vô nghĩa, con người chỉ nắm bắt được những thứ hời hợt trên bề mặt. Sắc đẹp, địa vị, của cải, sự kính trọng của người đời đều không làm Siddhartha mảy may xúc động. Anh quyết tâm phải đi tìm bản thể.

Hành trình đi tìm bản thể của Siddhartha đầy nhọc nhằn, khổ ải và vấp phải không ít những sai lầm. Thoạt đầu anh làm sa môn, tu theo trường  phái khổ hạnh, nhưng càng tu càng nhận thấy điều ấy không giúp ích gì được cho mình. Đến khi gặp được Đức Phật, được người thuyết pháp, Siddhartha vẫn không thấy mình bị thuyết phục trong khi bạn anh, Govinda, đã nhanh chóng quy y theo Đức Thế Tôn vì đã tìm thấy con đường đi của bản thân. Chia tay người bạn thân thiết nhất, một mình Siddhartha cô độc trên con đường đi tìm bản thể. Anh ngẫm ngợi và chợt nhận ra điều quan trọng: bản thể của mỗi người không nằm ở đâu khác ngoài chính bản thân. 

Chân lý mà anh vừa giác ngộ đã khiến anh tỉnh thức. Hóa ra mỗi cá nhân là một vũ trụ riêng biệt chứa đầy bí mật, không giống với bất cứ cá nhân nào khác trên mặt đất này. Cuộc đời mỗi cá nhân đẹp đẽ hay bất hạnh, đều không phụ thuộc vào ai khác, mà chỉ phụ thuộc vào chính bản thân mình: “Ý nghĩa và bản chất không ẩn nấp đâu đó đằng sau sự vật, chúng ở trong sự vật, trong mọi sự vật”.

Nhưng cũng chính lúc bàng hoàng tỉnh thức, là lúc Siddhartha nhận ra sự cô đơn đến cùng cực của mình. Nếu mỗi cá nhân là một vũ trụ, thì thuộc tính của cá nhân là cô đơn. Anh sẽ không đứng chung hàng ngũ với bất kỳ ai nữa, không thuộc về bất cứ một tập hợp nào. Kẻ cô đơn ấy bước những bước đầu tiên trong cuộc sống mới đã được thức tỉnh. Anh không còn là sa môn và tự nhủ phải nếm trải tất thảy những sắc màu cuộc sống luôn luôn biến đổi để làm giàu trải nghiệm của mình. Thế giới hiện lên trong mắt anh như lần đầu tiên được tạo ra, với đầy đủ mọi vẻ đẹp đáng kinh ngạc của mình. Anh hối hả sống, hối hả thưởng thức mọi dạng thức của cuộc đời, kể từ việc học ái tình ở một cô gái điếm xinh đẹp đến việc học kiếm tiền ở một nhà buôn nổi tiếng, học bài bạc ở đám người tục lụy. Khi có tất thảy trong tay rồi anh lại đâm chán ghét và kinh hãi tất thảy; lại thấy cuộc đời trở nên trống rỗng và vô nghĩa. Chính vì thế mà anh quyết định trầm mình trên một dòng sông.  Nhưng âm thanh thầm thì của dòng sông đã giữ anh lại với đời. Anh một lần nữa thức tỉnh để nhận ra chỉ có buông tay, chấm dứt tất cả mọi sự căm ghét ngu ngốc, mọi tham lam danh lợi, mọi toan tính tầm thường, trở về thanh sạch như trẻ thơ, là con người đến được với “ngã” ở trong lòng.

Lần thức tỉnh thứ hai của Siddhartha bên dòng sông vô cùng quan trọng. Nếu lần thức tỉnh trước giúp anh nhận ra: kiến thức có thể học được từ vô vàn giáo lý, nhưng sự thông thái chỉ đến từ kinh nghiệm, từ trải nghiệm của chính bản thân; thì lần thức tỉnh này đã giúp anh biết buông tay. Khi con người biết buông tay là khi người ta đã thấu hiểu bản chất cuộc đời. Tất cả mọi thứ, kể cả bản thân mỗi cá nhân cũng chỉ là giả tạm. Rồi cái chết sẽ đến và mang mọi người đi. Sự vĩnh cửu trong tâm hồn mới là đáng nói. Sự vĩnh cửu ấy là biết sống thanh thản và yêu thương tất cả vô điều kiện. Siddhartha đã tìm được bản thể của mình, dẫu cho anh có phải trả giá bằng gần cả cuộc đời với đủ mọi cung bậc đắng cay, hạnh phúc.

Giống như nhiều nhân vật khác của Hermann Hesse, anh chàng Siddhartha cũng được đặt trong một hành trình dài, nhọc nhằn đi tìm bản thể của mình. Mỗi bước đường đời là một vỡ lẽ. Trải qua rất nhiều ngộ nhận, rất nhiều lần trả giá đắt, con người cũng đến được với chân lý giản dị: trở lại sự trong trẻo thơ trẻ là đến được với bản thể thanh sạch nhất. Cốt lõi của cuộc sống này là biết yêu thương. Chỉ tình yêu thương vô điều kiện mới mang lại hạnh phúc và ý nghĩa đích thực cho con người. Mọi tranh giành, âm mưu, toan tính đều là vô nghĩa trước sự vĩnh hằng của thời gian và sự hữu hạn của đời người.

...Ở nhiều bản dịch, tiểu thuyết Siddhartha được lấy tên là “Câu chuyện dòng sông”. Dòng sông chính là hình ảnh ẩn dụ thiêng liêng về sự sống. Câu chuyện dòng sông chính là câu chuyện đi tìm chân lý, đi tìm bản thể, tìm ý nghĩa đích thực của cuộc sống này."

~ Chân Vĩ Nghiêm



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét