(Theo gợi ý của một người bạn, Phố xin phép lược dịch bài “Beginning Anew” của Thầy Thích Nhất Hạnh đăng tải trên trang Lion’s Roar. Nội dung bài viết được trích thành hai phần. Phần một giới thiệu các bước thực hành phương pháp Làm Mới – Beginning Anew dựa trên bài viết của Thầy. Phần hai đề cập đến Cái ôm Tỉnh thức – Hugging meditation. Trong sự hạn chế của khả năng chuyển ngữ, mình không xưng “tôi” theo danh xưng của Thầy, cũng như “chúng tôi” vì không sinh hoạt trong cộng đồng Làng Mai. Các trích đoạn được để trong phần ngoặc kép được viết dưới hình thức ngôi thứ ba trần thuật, trên nỗ lực hiểu và diễn đạt lại lời khuyên của Thầy, bên cạnh đó bổ sung một số hiểu biết của cá nhân mình. Mong mọi người cởi mở đón nhận).
_()_
“Không nhằm mục đích kêu gọi sự tha thứ, phương thức Làm Mới hướng đến thay đổi trí óc và trái tim của chúng ta, từ đó chuyển hóa những vô minh đã gây ra biết bao hành vi, lời nói, ý nghĩ sai lầm, và dung dưỡng một tâm trí yêu thương. Thay vì ôm ấp trong tâm tư những cảm giác day dứt và xấu hổ, chúng ta có thể và bắt đầu trải nghiệm niềm vui được sống. Tất cả những sai lầm đều bắt nguồn từ tri giác vọng tưởng. Và cũng thông qua tri giác ấy, ta có thể nỗ lực thực hành để khép lại những sai lầm.
Tại Làng Mai, hàng tuần các tăng thân vẫn đều đặn thực tập phương thức Làm Mới – Beginning Anew. Trong các buổi thực tập, mọi người an tọa thành vòng tròn với một bình hoa tươi đặt chính giữa, nương theo hơi thở và sự mào đầu của người dẫn dắt. Quá trình này gồm ba bước: tưới hoa, bày tỏ sự hối tiếc và chia sẻ về những tổn thương/khó khăn. Đây là một điều kiện thuận lợi để ngăn ngừa những cảm giác tổn thương chất chứa và tạo nên bối cảnh thuận lợi để cộng đồng tăng thân an tâm chia sẻ.
Ở bước tưới hoa, khi ai đó sẵn sàng nói, anh hoặc cô ấy sẽ mở rộng lòng bàn tay và những người còn lại cũng hưởng ứng để mời bạn mình lên tiếng. Sau đó, người ấy sẽ đứng lên, tiến tới cầm bình hoa rồi quay về chỗ ngồi. Sự bộc bạch qua ngôn từ của người ấy đẹp tựa bông hoa mà người đang nâng niu. Trong quá trình tưới tẩm, mỗi người sẽ thừa nhận những phẩm chất lành mạnh và tuyệt vời của những người khác. Đó là những lời nói chân thành tận đáy lòng, chứ không phải là lời lẽ sáo rỗng đãi bôi. Bất cứ ai cũng đều có những điểm thiện lành mà ta có thể nhận diện và công nhận. Không một ai ngắt lời người đang giữ bông hoa. Anh/cô ấy có thể nói bao lâu tùy nhu cầu, và những người khác thực hành lắng nghe với tinh thần chánh niệm.
Ở bước thứ hai, chúng ta sẽ bộc lộ lòng hối tiếc đối với bất cứ điều gì mà mình đã gây ra tổn thương cho người khác. Đôi khi chỉ một cụm từ bất cẩn cũng có thể khiến người khác buồn lòng. Thực hành Làm Mới là cơ hội để chúng ta đối diện với một số tiếc nuối đã xảy đến trong tuần và tháo gỡ nó trong lòng.
Với bước thứ ba, chúng ta bày tỏ về những điều khiến mình bị tổn thương. Thực hành ái ngữ là điểm mấu chốt trong quá trình này. Chúng ta cất lời để chữa lành cộng đồng chứ không gây tổn hại cộng đồng. Chúng ta chia sẻ một cách thẳng thắn, nhưng không chủ ý tạo thêm những chống đối. Chúng ta không bao giờ đổ lỗi, hay dấy lên những tranh luận. Lắng nghe trong chánh niệm chính là một phần quan trọng của phương pháp này. Khi chúng ta ngồi trong vòng tròn với những người bạn đang thực hành lắng nghe chú tâm, phát ngôn của chúng ta sẽ trở nên tươi đẹp và mang tính xây dựng hơn.
Lắng nghe với lòng trắc ẩn là điều vô cùng quan trọng. Chúng ta lắng nghe với sự sẵn lòng giải tỏa nỗi đau của người khác, thay vì phán xét hay tranh luận. Lắng nghe với tất cả sự chú tâm của bản thân. Ngay cả khi chúng ta nghe thấy điều gì đó chưa đúng sự thật, chúng ta vẫn tiếp tục lắng nghe sâu để người ấy có thể bộc bạch nỗi đau và giải tỏa những căng thẳng trong lòng họ. Nếu ta đáp lời hoặc chỉnh lại ý của người ấy, sự thực hành sẽ không mang lại thành quả nào. Chúng ta chỉ việc lắng nghe. Nếu cần đính chính rằng cách nhìn nhận của người ấy chưa đúng, chúng ta có thể trao đổi một cách bình tâm và riêng tư với họ sau một vài ngày.
Tăng thân Làng Mai sẽ khép lại buổi thực tập bằng một bài ca hoặc mời mọi người nắm tay nhau trong vòng tròn và trở về với hơi thở trong vòng một phút. Và đôi khi, bằng những cái ôm tỉnh thức”.
(Dịch từ “Beginning Anew” by Thich Nhat Hanh)
_()_
Trên đây là những mô tả về một buổi thực tập Beginning Anew thật an lạc của tăng thân tại Làng Mai. Bước ra đời sống, phương thức Làm Mới – Beginning có thể diễn ra dưới hình thức linh hoạt hơn, thông thường qua sự có mặt và dành thời gian giữa hai người thân, bạn hữu. Tinh thần của phương thức này có thể được diễn giải lại thành các bước nhỏ như sau:
Bước một, tưới hoa: Chia sẻ những quan sát, cảm nhận của bản thân về những phẩm chất tích cực của người bạn đồng hành, hay bày tỏ lòng biết ơn và trân trọng đối với những ảnh hưởng tích cực mà bạn đã nhận được từ người bạn ấy.
Bước hai, bộc lộ sự hối tiếc: Nói về bất kỳ biểu hiện nào trong hành động, lời nói hay suy nghĩ mà bạn nhận thấy mình đã gây ra tổn thương hoặc cảm thấy có lỗi với người kia.
Bước ba, bày tỏ những tổn thương/khó khăn của chính bản thân mình: Chia sẻ về những hành động, lời nói hay suy nghĩ đến từ người kia đã gây ra sự tổn thương cho bản thân. Nên mô tả những sự việc khách quan đã xảy ra, hoặc cảm xúc của mình, thay vì những quy kết hoặc phán xét chủ quan. Chẳng hạn “Em đã không nhận được một lời giải thích nào từ anh trong thời gian qua. Điều này khiến em cảm thấy buồn và không được tôn trọng”, thay vì “Anh không bao giờ thèm đưa ra lời giải thích nào! Như vậy là thiếu tôn trọng em!”.
Bước bốn, nói lên những điều cần giúp đỡ, mong muốn trợ giúp từ phía người kia. Bạn hy vọng người bạn kia sẽ đồng hành với mình như thế nào? Đồng thời thể hiện những dự định, nỗ lực vun đắp mối quan hệ của mình.
Trong cuộc sống thường nhật, những tiếng nói thường xuất hiện dưới hình thức đối thoại. Hình thức “bất bạo động” này là một cách trao đổi thông tin, giải tỏa tâm tư và cùng tìm đến sự đồng thuận vô cùng hiệu quả. Nhưng cũng nhiều khi, lời nói lại chở theo bao cảm xúc tiêu cực, thậm chí “bạo lực”. Người này đang nói một câu dở dang, người kia đã vội đáp trả mười câu. Tiếng nói đôi khi trở thành công cụ chống trả, lắng nghe đôi khi bị thực hành một cách nửa vời.
Trong các bước của quá trình Làm Mới, bên cạnh sự chân thành và dũng cảm của người nói, người nghe cũng cần mở lòng mình và đi trọn chặng đường lắng nghe chú tâm để tiếp nhận đầy đủ những chia sẻ của bạn mình. Không ngắt lời, không tranh luận hay khởi tâm phán xét cho dù cảm thấy điều người kia nói là đúng hay sai. Điều này hẳn không dễ dàng gì, nhưng chỉ cần quay về với hơi thở, bạn sẽ có điểm nương tựa để lắng nghe tỉnh thức hơn, hạn chế những khuấy động trong tâm và có mặt một cách trọn vẹn cho người bạn đang dành thời gian quý báu bên cạnh mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét