Learner Centered Pedagogy Principles. Image:University of Wisconsin-Madison
Thực ra khái niệm "lấy người học làm trung tâm" bấy lâu nay rất thịnh hành và rất hay được nhắc tới ở mình, tuy nhiên vì nó chỉ là một CÁCH TIẾP CẬN (approach) nên không thể có hướng dẫn rõ ràng chính xác cho giáo viên phải làm gì. Cái khó của mọi thứ dưới tên "approach" là người ta chỉ tiệm cận được nó bằng cách dần dần điều chỉnh bản thân mình HƯỚNG tới cái đó, và chỉ bằng cách hiểu rõ những thứ KHÔNG PHẢI nó, người thực hiện mới có thể TỰ TÌM RA và cụ thể hoá cái khái niệm đó sao cho đúng trong hoàn cảnh của chính mình.
Chính vì thế, khi đi tìm literature cho khái niệm này, hầu hết những bài mình đọc đều chỉ dừng lại ở những khái niệm chung chung, và vấn đề của mọi thứ chung chung chính là ở chỗ mỗi người sẽ có thể diễn giải nó theo cách của riêng họ - dẫn tới kết quả hoặc quá cứng nhắc (chỉ được vầy mà ko được vầy), hoặc hiểu lệch hoàn toàn vấn đề cần hướng tới.
Đó là lý do mà khi mình tìm được cuốn LEARNER-CENTERED TEACHING: FIVE KEY CHANGES TO PRACTICE của Maryellen Weimer (2002), mình thấy nó rất hữu ích vì nó chỉ ra được tổng quát những khía cạnh có thể ảnh hưởng tới việc thực hành lý thuyết này. Trong phần tóm tắt - diễn giải này, mình sẽ tập trung vào làm rõ góc nhìn của GIÁO VIÊN: họ sẽ cần phải lĩnh hội được những vấn đề gì/các mảng kiến thức nào, cũng như các yếu tố BÊN NGOÀI có thể gây ảnh hưởng tới cách hiểu và thực hành của họ dưới tinh thần này.
👤1, GIÁO VIÊN
Để có thể thực hành được "lấy người học làm trung tâm", một giáo viên cần có hướng để (1) phát triển cách dạy của mình; (2) nhận biết bản thân và những thứ tạo ra rào cản cho nhận thức về bản thân; (3) hiểu bản chất của kiểm tra đánh giá; (4) xử lý các biểu hiện bất hợp tác.
🌺 PHÁT TRIỂN CÁCH GIẢNG DẠY:
Muốn "lấy người học làm trung tâm", một giáo viên cần phải biết (a) suy tư theo hướng đó; (b) lên kế hoạch giảng dạy; (c) nhận diện cách hướng dẫn giảng dạy của mình; (d) biết đặt kỳ vọng đúng chỗ
(a) SUY TƯ
Có những điều về lý thuyết này mà chúng ta cần hiểu:
- Đây là một cách TIẾP CẬN, chứ không chỉ đơn thuần là kỹ thuật. Có nghĩa là bất kỳ hành động nào tương tác giữa bạn và học trò, trực tiếp hoặc gián tiếp, đều có ý nghĩa tạo nên sự thành công/không thành công của quá trình hỗ trợ học tập này. Nó sẽ không chỉ đơn thuần là đưa ra một project rồi bảo học sinh làm, mà còn là cách các bạn nói, các bạn nhìn, các bạn nhận xét... khi đối diện với học sinh.
- Chính vì nó chỉ là tiếp cận, nên mọi thứ không có tính bất biến. Chúng ta phải nhìn mọi hoạt động ở trên lớp ở cái cốt lõi, cái tinh thần cần duy trì - và xây dựng các phương pháp đa dạng chứ không chỉ vài hoạt động theo dự án mà đã đủ.
- Chính thầy cô phải là người tự kiểm tra và đánh giá cách giảng dạy của bản thân, tự nhận xét sự tiến bộ của mình dựa trên một quá trình làm - suy nghĩ - học hỏi/tìm hiểu - thay đổi.
- Chúng ta cần hiểu được rằng để chuyển được sang cách làm này thì ý thức về vai trò của giáo viên trong lớp phải thay đổi. Chúng ta không còn giữ vai trò TRUYỀN THỤ, không phải là người như cha mẹ thứ hai... nữa, chúng ta chỉ là người bạn đồng hành, người chỉ dẫn, người hỗ trợ... mà thôi!
(b) LÊN KẾ HOẠCH GIẢNG DẠY
Việc lên kế hoạch này là điều cần thiết, giúp nhìn ra được quá trình mình dạy như thế nào, chỗ nào mình tưởng-vậy mà hoá ra là không-phải-vậy, cũng như lúc nào thì việc can thiệp của mình vào hoạt động học tập của học sinh (ngắt lời, sửa lỗi, tham gia thảo luận, đặt câu hỏi gợi ý...) là hợp lý, lúc nào là... zô ziêng.
(c) NHẬN DIỆN CÁCH GIẢNG DẠY CỦA MÌNH
Mình phải hiểu mình đang làm gì, những cái mình đang làm nó ứng với lý thuyết nào, tại sao lý thuyết đó không hiệu quả/không tốt cho học trò... Mình càng hiểu về từng hành động của mình, mình càng dễ thuyết phục bản thân và thực sự tìm kiếm sự thay đổi và cải thiện.
Điều này dẫn tới một điểm quan trọng là cần dành thời gian để đọc và học. Khi MUỐN hiểu, bạn sẽ phài tìm tài liệu/người hướng dẫn. Nhưng tin mình đi, quá trình này chỉ vất vả thời gian đầu thôi, cứ kiên trì mà đi - rồi sẽ đến!
(d) BIẾT ĐẶT KỲ VỌNG ĐÚNG CHỖ
Ở đây, cái đơn giản nhất cần nhớ đó là kết quả chúng ta hướng tới là gì?! Điểm số có nói lên được những nỗ lực đã và đang diễn ra trong lớp học của ta hay không? Hay ta nên nhìn vào sự háo hức của học sinh với kiến thức mới? Hay những chỉ dấu khác về quá trình tìm tòi học hỏi của các bạn ấy - thay vì chỉ một hai kết quả cứng nhắc?!
🌺 NHẬN BIẾT BẢN THÂN VÀ NHỮNG THỨ TẠO RA RÀO CẢN CHO NHẬN THỨC ẤY
Qúa trình giảng dạy thực ra là quá trình chúng ta SỐNG trong vai trò một giáo viên, nghĩa là chúng ta là chính chúng ta trong cuộc sống hàng ngày với đủ thứ hỉ nộ ái ố. Nếu không nhận ra những giới hạn, những định kiến sẵn có trong người mình, chúng ta rất dễ để chúng ảnh hưởng tới tính chuyên nghiệp (professionalism) khi làm nghề, dẫn tới những cư xử không phù hợp với môi trường này.
Có ba rào cản chính mà các nghiên cứu đã chỉ ra:
- Giáo viên thiếu kiến thức về BẢN CHẤT việc dạy và học. Ở đây, hai quá trình này chính là những hoạt động có sắp xếp nhất định nhằm đạt được các mục đích nhất định, vì thế, mỗi thao tác, mỗi bước đều có ý nghĩa riêng của nó.
- Sử dụng sai công cụ kiểm tra đánh giá. Như đã nói ở trên, khi quá trình hướng dẫn học tập đặt học sinh vào trong nhóm để giải quyết các vấn đề thực tế - thì liệu dùng các bài kiểm tra kiến thưucs sách giáo khoa, tính điểm đúng-sai đơn thuần có đánh giá được chính xác cái học sinh thu được sau khi tập trung làm dự án hay không? Liệu những điểm số ấy có thể hiện sự phát triển nhận thức, tinh thần ham học hỏi, cũng như nỗ lực của các em hay không?
- Gíao viên không nhận ra mình đang để cảm xúc chi phối các hoạt động mình làm. Ví dụ như nhiều giáo viên có chuyện buồn bực ở nhà, bước chân vào lớp học lại mang theo nỗi bực dọc đó để đối xử với học trò - mà không hề nhận biết được việc đó. Điều này sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều tới kết quả mà họ đạt được trong quá trình dạy học.
🌺 HIỂU BẢN CHẤT CỦA KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ:
Với 'lấy người học làm trung tâm", mục tiêu của đánh giá là ghi nhận thông tin từ phía người học để xem họ tiến bộ/khác đi thế nào từ hoạt động học tập, chỗ nào họ cần được giúp đỡ, chỗ nào họ đã học được, chỗ nào khiến họ hứng thú..., từ đó, giáo viên sẽ có những điều chỉnh để buổi học sau sẽ hiệu quả hơn buổi học trước, và cả thầy cô và học trò đều phát triển trên con đường dài.
Vì thế, giáo viên cần biết cách để:
- Phản hồi lại cho học sinh như thế nào: cách chữa bài, cách nhận xét...
- Nhận ra các biẻu hiện KHÁC NHAU của việc học và tự quản lý việc học từ phía học sinh
- Tiếp nhận tích cực và hỗ trợ việc đặt câu hỏi của học trò
- Tạo điều kiện cho học trò tham gia vào quá trình kiểm tra đánh giá lẫn nhau.
🌺 XỬ LÝ CÁC BIỂU HIỆN BẤT HỢP TÁC
- Hiểu được tại sao học sinh lại không muốn tiến hành hoạt động cụ thể được giao.
- Nhận diện được những biểu hiện thiếu hợp tác này
- Học cách trao đổi để giúp học sinh vượt qua được cái khó khăn khiến các em ko muốn làm việc
👥 2, CÁC YẾU TỐ BÊN NGOÀI CÓ THỂ ẢNH HƯỞNG TỚI CHÚNG TA
🤔(a) Quan niệm dân gian về vai trò của người thầy. Chính quan niệm ăn sâu bén rễ này sẽ kìm hãm việc thay đổi, tạo ra sự hạn chế về nhận thức cái mới, cũng như khiến cách chúng ta cư xử sẽ phản lại những gì chúng ta đang nghĩ là mình đang cố làm.
🤔(b) Ý thức về quyền quyết định trong trường, để từ đó tìm cách thoả hiệp với cấp trên (quyết định về nội dung chương trình, quyết định về cách kiểm tra đánh giá)
🤔(c) Phải hiểu được về nội dung chương trình mình đang giảng dạy hướng tới mục đích gì, và cấu trúc của nó có thể gây khó khăn gì cho việc tổ chức hoạt động học tập theo hướng "lấy người học làm trung tâm" của chúng ta.
🤔(d) Phải nắm được các nguyên tắc xây dựng môi trường học tập thuận lợi cho việc học, cũng như xây dựng tính tự chủ của học trò, trong đó:
- Để thuận lợi cho việc học, cần:
+ Tạo cơ hội cho tương tác giữa người dạy và người học, cũng như phải thể hiện được sự quan tâm thực sự từ thầy cô tới việc học của trò.
+ Học sinh cần chủ động tham gia vào tất cả các hoạt động trong lớp
+ Học sinh hiểu nhau và thân thiện với nhau tới mức nào
+ Học sinh yêu thích lớp học đến đâu
+ Các hoạt động trong lớp được tổ chức rõ ràng và chặt chẽ
+ Các bài tập cần cosuwj đổi mới
+ Học sinh cần được phép đưa ra quyết định cho việc học của mình và những nhu cầu học tập riêng của cá nhân được được thầy cô quan tâm đầy đủ.
- Để thuận lợi cho việc tạo dựng lòng tự chủ và tinh thần trách nhiệm của học trò:
+ Cần hiểu rõ ai có trách nhiệm thực hiện cụ thể việc gì trong quá trình dạy và học
+ Cần nắm ddược quy trình logic của dạy và học, nhìn ra được mối liên quan giữa hành động và kết quả - thay vì chỉ tập trung vào kỷ luật
+ Cần có sự thống nhất giữa lời nói và hành động
🤔(e) Cần tìm cách thoả hiệp nếu các quy định và thói quen thực hiện dạy học của môi trường làm việc chưa thuận lợi cho định hướng này
🤔(f) Hiểu hạn chế của cơ chế kiểm tra đánh giá cũ, để từ đó thiết lập các hướng đánh giá mới tương thích với việc thay đổi trong dạy và học.
Đến đây, hẳn các thầy cô đã thấy là không hề dễ tí nào để có thể tuyên bố rằng chúng ta đang dạy "lấy người học làm trung tâm" phải không?! Muốn có được nó, vừa đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ bản thân mình, vừa phải có phối hợp từ phía nhà trường và học trò nữa. Nhưng dĩ nhiên, sẽ không bao giờ có cái gì nếu chúng ta không bước những bước đầu tiên: tự chúng ta tìm cách thay đổi chúng ta trước, và cái thay đổi đó, biết đâu, chính là bước đầu ta thay đổi chính vận mệnh của mình sau đó thì sao?!
Bài trên mình tổng hợp, cấu trúc lại và (tự) diễn giải từ nguồn sau (nếu các thầy cô quan tâm đọc nguyên bản): https://drive.google.com/open?id=11x25cINNhxWW_nqGIWrvVuJeTGLfBIsM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét