Thứ Năm, 10 tháng 1, 2019

Giáo Dục Tích Cực - Một triết lý giáo dục mới


HẠNH PHÚC LÀ MỤC TIÊU CỦA GIÁO DỤC

“Mục tiêu cuối cùng của giáo dục là gì?” - cách đây hơn 10 năm, một phong trào giáo dục đã đi tìm và tìm ra câu trả lời cho riêng mình và đang dần trở thành ngọn cờ mạnh mẽ trong nghiên cứu cũng như thực hành giáo dục trên thế giới hiện nay, đó là phong trào Giáo dục tích cực.

Giáo dục tích cực hướng đến giảm căng thẳng và tăng hạnh phúc cho cả học sinh và giáo viên. 

Trụ cột của một triết lý giáo dục mới

Trong bài báo mở đầu cuốn sách “Handbook of Positive Psychology” (NXB Oxford), cha đẻ của lĩnh vực Tâm lý học tích cực - TS Martin E.P Seligman - đã kể câu chuyện về cơ duyên ông tìm đến và nghiên cứu về lĩnh vực này: Lần đó, Seligman đang nhổ cỏ dại trong vườn thì cô con gái Nikki của ông chạy nhảy xung quanh và ném những nắm cỏ lên không trung, thật cao, thật cao. Khi ông mắng Nikki, cô bé đã nói: “Ba hãy nhớ lại trước sinh nhật lần thứ 5 của con. Lúc đó con là một cô bé không ngừng rên rỉ, khóc lóc. Sau năm 5 tuổi, con đã quyết định ngừng việc đó lại. Và ba à, nếu con đã có thể làm như thế thì ba, ba cũng có thể ngừng lại việc cằn nhằn của mình”. Khoảnh khắc lóe sáng này đã giúp Seligman nhận ra một bài học cho ông và các đồng nghiệp của mình, đó là việc nuôi dạy trẻ nhỏ không đơn giản chỉ là quá trình sửa chữa và khắc phục những điểm yếu của chúng mà (quan trọng hơn) là quá trình nhận ra, ghi nhận và nuôi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp để giúp chúng tìm ra con đường đạt được cuộc sống viên mãn dựa trên những phẩm hạnh này.

Ý tưởng đó đã thôi thúc Seligman tập trung nghiên cứu và mở ra một nhánh mới trong Khoa học tâm lý: Trong 2 năm 1998 và 1999, khi được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Tâm lý học Hoa kỳ (APA), Seligman đã lấy Tâm lý học tích cực làm chủ đề thảo luận và nghiên cứu chuyên sâu. Ông cùng với hai cộng sự thân thiết là Mihaly Csikszentmihalyi và Christopher Peterson đã thiết lập mô hình hạnh phúc PERMA, đưa ra những gợi ý về 5 thành phần giúp kiến tạo nên một đời sống hạnh phúc. Nhóm của ông cũng đưa ra lý thuyết về điểm mạnh nhân cách VIA (Values in action inventory of Strengths), nghiên cứu về 6 lớp nhân đức (Virtue) và 24 điểm mạnh nhân cách (Character strengths) của con người xuyên suốt các nền văn hoá và các thời đại, tôn giáo khác nhau, đưa tới một cái nhìn tích cực và có tính xây dựng về con người, đồng thời giúp mở rộng suy nghĩ hợp tác – phát triển giữa các cá nhân với nhau. Lý thuyết VIA đã được GS.Howard Gardner – cha đẻ của Lý thuyết Đa trí thông minh - đánh giá là “một trong những sáng kiến quan trọng nhất trong Tâm lý học nửa thế kỷ qua”.

Trải qua hơn 30 năm nghiên cứu và thực hành, Tâm lý học tích cực đã được công nhận như một nhánh của Khoa học tâm lý, bổ sung cho những lý thuyết về Bệnh học, để giúp con người không những bù đắp được điểm yếu của họ, trở nên bình thường mà còn có thể hướng tới một đời sống hạnh phúc và an lạc.

Tâm lý học tích cực đã được ứng dụng rất hiệu quả vào giáo dục, tạo ra những can thiệp thực chứng giúp xây dựng Nhà trường Hạnh phúc; Lớp học Hạnh phúc…, từ đó trở thành lý thuyết trụ cột của một triết lý, một phong trào giáo dục mới, đó là Giáo dục tích cực.

Nâng cao cảm nhận hạnh phúc và cải thiện thành tích học tập

Trong một cuộc nói chuyện với thính giả là các nhà giáo dục và phụ huynh, TS Seligman đưa ra 2 câu hỏi:

Câu hỏi 1: Bằng 2 từ, xin mời các bạn hãy nói lên ước muốn về cuộc sống của con bạn sau này.

Với câu hỏi này, có rất nhiều câu trả lời như thành công, vui vẻ, giàu có… Tuy nhiên phần lớn các thính giả có mặt ngày hôm đó đã trả lời rằng họ muốn con mình có một đời sống hạnh phúc, an lạc, và hài lòng.

Câu hỏi 2: Nhà trường hiện tại đang dạy gì cho những đứa trẻ?

Câu trả lời liệt kê hàng loạt các môn học như Toán, Ngôn ngữ, Vật lý, Công nghệ thông tin, hay Lịch sử, Triết học. Những nhà trường hiện đại được nhắc tới ở đây chưa từng có một chương trình bài bản về hạnh phúc để dạy cho học sinh của mình.

Từ hai câu hỏi này, Seligman đã định nghĩa về Giáo dục tích cực như sau: “Giáo dục tích cực dựa trên hạnh phúc của trẻ được xem như một liệu pháp đối phó với trầm cảm, một phương tiện để tăng sự hài lòng trong cuộc sống và như một trợ giúp để học tập tốt hơn và tư duy sáng tạo hơn”.

Ông cho rằng, giáo dục tích cực được xây nên từ một số trụ cột như: Giáo dục dựa trên sự ghi nhận, đánh giá cao và thúc đẩy điểm mạnh của học sinh; Tạo ra những cải thiện có thể đo lường được về hạnh phúc và hành vi của học sinh; Tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh tham gia vào việc học tập sáng tạo và nâng cao thành tích.

Giáo dục tích cực được thiết kế và triển khai theo nguyên lý của Giáo dục dựa trên bằng chứng, vì vậy không thể thiếu sự đo lường và kiểm tra – đánh giá cả chương trình lẫn kết quả thực hành. Sự đo lường trong Giáo dục tích cực bao gồm 3 thành tố chính:

Thứ nhất: Đo lường Hạnh phúc bằng việc sử dụng các thang đo trong mô hình EPOCH (Kern, Benson, Steinberg, & Steinberg, 2016) đối với trẻ em, và PERMA-Profiler (Butler & Kern, 2016) dựa trên việc phân tích mô hình PERMA và sự tương quan của nó tới cảm nhận hạnh phúc chủ quan và sự hài lòng trong cuộc sống của học sinh, giáo viên và nhân viên trong trường.

Thứ hai: Đo lường về sự “Không hạnh phúc” với các nhân tố như trầm cảm, lo âu, sử dụng các thang đo như Thang đo trầm cảm ở trẻ em (Kovacs, 2004); Thang đo trầm cảm cho trẻ em; Thang đo lo âu dành cho trẻ em và người lớn (Beck, Steer, & Brown, 1996 ; Radloff, 1977). Những nhân tố này được cho là những yếu tố cản trở học sinh đạt được cuộc sống hạnh phúc.

Thứ ba: Đo lường thành tích học tập được tiến hành bằng việc sử dụng điểm thi của học sinh trong các kỳ thi trong năm học hoặc điểm trung bình cả kỳ học/năm học.

Với 3 hình thức đánh giá và đo lường nêu trên, Giáo dục tích cực một lần nữa khẳng định mục tiêu của mình, đó là “Nâng cao cảm nhận hạnh phúc và hài lòng cho học sinh, đồng thời cải thiện thành tích học tập trong nhà trường”.

Hành trình Giáo dục tích cực đã trải qua hơn 10 năm hình thành và phát triển. Cho tới nay, các mô hình trường học đi theo và áp dụng triết lý, chương trình giảng dạy của Giáo dục tích cực đã xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Khá nhiều các bài báo học thuật, các cuốn sách viết về Giáo dục tích cực đã được xuất bản. Hiệp hội Giáo dục tích cực quốc tế (IPEN) cũng được thành lập vào năm 2014, đặt trụ sở tại London. Seligman chính là một trong những người thành lập nên tổ chức này và hiện nay vẫn là thành viên.

Trong bài báo đăng ở Global Happiness Policy Report 2018 – báo cáo của Hội đồng Hạnh phúc toàn cầu (GHC) nhằm cung cấp các bằng chứng và khuyến nghị chính sách về các mô hình tốt nhất để thúc đẩy hạnh phúc - TS Seligman điểm qua một số chương trình; trường học; và các trung tâm giáo dục, nghiên cứu và sức khoẻ tâm thần… đã áp dụng thành công Giáo dục tích cực.

Trong số đó, có trường nội trú Geelong (GGS) của Úc, nơi đầu tiên trên thế giới áp dụng mô hình Giáo dục tích cực vào năm 2008 và thành lập Viện nghiên cứu, giáo dục tích cực vào năm 2014. Đến nay, Geelong đã tổ chức hàng trăm hội thảo và các buổi đào tạo, chuyển giao mô hình giáo dục tích cực cho các nhà giáo dục và các trường học khắp nơi trên thế giới.

Nghiên cứu theo chiều dọc trong vòng 3 năm (2014 – 2016), của Đại học Melbourne đã đánh giá kết quả áp dụng Giáo dục tích cực tại GGS như sau: Cả học sinh Lớp 9 và Lớp 10 trong chương trình Giáo dục tích cực đã cải thiện đáng kể sức khỏe tâm thần (giảm các triệu chứng trầm cảm và lo lắng) và gia tăng sự hạnh phúc (ví dụ, sự hài lòng trong cuộc sống, cảm xúc tích cực…) so với các học sinh trong nhóm đối chứng không tham gia Giáo dục tích cực. Kết thúc 3 năm học, học sinh tại GGS đã báo cáo mức độ hài lòng, hạnh phúc, lòng biết ơn và sự kiên trì cao hơn đáng kể so với học sinh trong nhóm đối chứng.

Bài báo của Seligman còn cho biết, năm 2014, tại thành phố Tăng Thành thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc hơn 10.000 hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm đã được đào tạo về Giáo dục tích cực bởi Trung tâm nghiên cứu Tâm lý tích cực thuộc Đại học Thanh Hoa. Tính đến tháng 10/2017, có khoảng 350 - 400 trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông ở thành phố này đã áp dụng Giáo dục tích cực, với 260.000 học sinh, và 80.000 giáo viên đã được đào tạo về Giáo dục tích cực. Kết quả, theo các báo cáo, Giáo dục tích cực đã giúp các giáo viên nâng cao sự tận tâm với nghề; nâng cao thành tích học tập cho học sinh trong năm 2017 so với các năm trước, đồng thời giảm tỷ lệ học sinh tự tử.

Trong khi đó, cũng theo bài báo, ở Bhutan, Chương trình Giáo dục tích cực được đưa vào dự án Tổng Hạnh phúc Quốc gia (GNH). Bộ Giáo dục và Đào tạo Bhutan đã kết hợp với Trung tâm Tâm lý tích cực tại Đại học Pennsylvania để hợp tác phát triển Chương trình giảng dạy GNH nhằm vào mười kỹ năng sống tích cực cho học sinh từ lớp 7 tới 12. Kết quả, Giáo dục tích cực đã đồng thời làm gia tăng sự an lạc và kết quả trong kỳ thi tiêu chuẩn quốc gia cho học sinh (Adler, 2016).

Giáo dục tích cực đã đến Việt Nam

Đánh giá hồ sơ học tập dựa trên việc quan sát và mô tả điểm mạnh của học sinh - phụ huynh cũng tham gia lên lớp như giáo viên, các dự án giáo dục tại trường đều được liên kết với gia đình… đó là những điều khác biệt đang diễn ra tại một ngôi trường áp dụng triết lý Giáo dục tích cực.

Các giáo viên chụp lại những hành động thể hiện tình yêu thương/ lòng tốt của trẻ với người xung quanh, sau đó in ra và triển lãm tại trường vào cuối tháng. Nguồn: BeeBlue House

Các giáo viên chụp lại những hành động thể hiện tình yêu thương/ lòng tốt của trẻ với người xung quanh, sau đó in ra và triển lãm tại trường vào cuối tháng. Nguồn: BeeBlue House

Những yếu tố làm nên Ngôi trường Hạnh phúc

Khi trào lưu Giáo dục mới đang rất thịnh hành tại Việt Nam, cùng với sự nổi lên của các triết lý, phương pháp giáo dục như Montessori, Steiner, Reggio Emilia thì Giáo dục tích cực vẫn còn là một cái tên xa lạ. Khác với những triết lý giáo dục kể trên, Giáo dục tích cực được xây dựng dựa trên nền tảng của Khoa học tâm lý, Giáo dục dựa trên bằng chứng kết hợp với kinh nghiệm thực hành của những nhà chuyên môn.

Tại Việt Nam, hiện nay đã có dự án phi lợi nhuận Cánh Diều được thực hiện từ năm 2017 với Fanpage Tâm lý học tích cực là nơi tổ chức nghiên cứu, dịch thuật và phổ biến kiến thức về Tâm lý học tích cực và ứng dụng của nó vào các mặt của đời sống. Có gần 10.000 độc giả thường xuyên theo dõi Facebook và Website của dự án.

Về Giáo dục tích cực, tại Việt Nam đã có một trường mầm non tư thục nhỏ tại TPHCM tuyên bố đi theo triết lý Giáo dục tích cực nhằm xây dựng một ngôi trường Hạnh phúc theo mô hình PERMA+ (P = Positive Emotion - Cảm xúc tích cực / E = Positive Engagement - Tham gia tích cực / R = Positive Relationship - Mối quan hệ tích cực / M = Positive Meaning - Ý nghĩa tích cực / A = Positive Accomplishment - Thành tựu tích cực / H = Positive Health - Sức khoẻ tích cực).

Chương trình Giáo dục tích cực tại đây đã được triển khai gần một học kỳ dưới sự giám sát và cố vấn từ Hội đồng chuyên môn của trường dựa trên cách tiếp cận Giáo dục dựa trên bằng chứng, có sự đo lường chặt chẽ về các nhân tố: Phát triển cảm xúc xã hội; Mức độ trải nghiệm cảm xúc tích cực và tiêu cực dành cho trẻ em mầm non; Đánh giá sự hài lòng của trẻ; Đánh giá sự hài lòng của phụ huynh và các ý kiến góp ý, đóng góp của họ.

Bảng cảm xúc: Mỗi ngày, trẻ có thể chọn 1 khuôn mặt tương ứng với cảm xúc của mình (vui; buồn; tức giận; sợ hãi..) và giáo viên sẽ dựa vào đó để trợ giúp trẻ tìm ra nguyên nhân của cảm xúc đó. Nguồn: BeeBlue House

Bảng cảm xúc: Mỗi ngày, trẻ có thể chọn 1 khuôn mặt tương ứng với cảm xúc của mình (vui; buồn; tức giận; sợ hãi..) và giáo viên sẽ dựa vào đó để trợ giúp trẻ tìm ra nguyên nhân của cảm xúc đó. Nguồn: BeeBlue House

Bộ hồ sơ giảng dạy tại trường bao gồm hơn 40 mục tiêu, bao trong đó có: Giáo dục cảm xúc cho trẻ, dạy trẻ nhận diện và diễn đạt các cảm xúc thông qua lời nói và hành động; Các ứng xử phù hợp và tôn trọng đối với cảm xúc của người khác; Cung cấp cơ hội cho trẻ được kết nối và làm việc cùng bạn bè một cách tích cực ngoài những giờ trẻ học cá nhân; Hướng dẫn trẻ cách tạo lập và duy trì mối quan hệ, xử lý các xung đột trong quá trình làm việc chung bằng lời nói và hành động tích cực; Hướng dẫn trẻ bộc lộ cảm xúc và thực hành sự trân trọng, lòng biết ơn những gì được trao tặng và tự làm ra trong cuộc sống hàng ngày…

Với mỗi mục tiêu, giáo viên sẽ dùng 03 bằng chứng (kế hoạch giảng dạy, hình ảnh hoặc clip chụp lại hành động của trẻ…) để chứng minh và được hỗ trợ, giám sát bởi Hội đồng sư phạm nhà trường.

Các đoạn phỏng vấn với giáo viên được sử dụng để phân tích hiệu quả của chương trình trên các phương diện: Sự thay đổi tích cực của học sinh, của giáo viên về kỹ năng nghề nghiệp và sự hài lòng trong công việc; Sự thay đổi trong mối quan hệ giữa giáo viên – phụ huynh.
Chương trình được thiết kế thực nghiệm như một nghiên cứu theo chiều dọc. Vì vậy các thang đo, bảng hỏi sẽ được sử dụng trước khi đưa chương trình vào vận hành và được đánh giá lại sau 3 và 6 tháng.

Nguyên tắc “ai cũng có điểm mạnh”

Tại ngôi trường này, triết lý Giáo dục tích cực bao trùm lên toàn bộ những định hướng về xây dựng văn hóa nhà trường, chương trình học, phương pháp giảng dạy và mục tiêu giáo dục. Ngoài ra, Giáo dục tích cực còn là một chương trình được đưa vào giảng dạy trực tiếp.
Việc triển khai Giáo dục tích cực được diễn ra dưới những hình thức sau:

Thứ nhất, các can thiệp Tâm lý học tích cực như “Ba điều tốt”; “Bức thư của Lòng biết ơn”; “Can thiệp hướng tương lai”; “Can thiệp điểm mạnh ” được áp dụng cho toàn trường với mục đích nâng cao cảm nhận hạnh phúc chủ quan và sự hài lòng cho toàn bộ giáo viên, nhân viên trong nhà trường.

Thứ hai, chương trình Giáo dục cảm xúc được đưa vào giảng dạy hàng tuần tại nhà trường như một môn học vừa có tính riêng biệt, vừa có tính kết hợp cho học sinh từ khối lớp Bé – Nhỡ đến Lớn. Cảm xúc cũng trở thành văn hóa lớp học với Bảng cảm xúc, Lọ cảm xúc được đặt tại các lớp giúp trẻ tự mình thực hành hàng ngày, ngoài những tiết học được giảng dạy bởi giáo viên.

Thứ ba, chương trình Giáo dục Nhân cách được tổ chức hàng tháng, mỗi tháng một chủ đề khác nhau, được quy định bởi Vòng quay điểm mạnh, bao gồm 24 điểm mạnh trong lý thuyết điểm mạnh nhân cách VIA như: Dũng cảm, Sáng tạo, Hài hước, Tình yêu học tập, Biết ơn, Bao dung, Tử tế, Tò mò… Chẳng hạn, với chủ đề “Biết ơn”, khối lớp bé sẽ đọc những câu chuyện và học những bài hát về lòng biết ơn. Khối lớp Nhỡ và Lớn sẽ thảo luận về lòng biết ơn; viết những bức thư (học sinh kể - giáo viên ghi lại) thể hiện lòng biết ơn của trẻ với người mà trẻ muốn và gửi đi. Sự ngẫu nhiên của Vòng quay sẽ giúp tránh được việc ưu tiên quá mức cho những nhóm Nhân cách riêng biệt.

Ngoài ra, tại trường, việc đánh giá hồ sơ học tập đều dựa trên việc quan sát và mô tả điểm mạnh của trẻ và dựa trên chính những điểm mạnh đó, giáo viên sẽ lập ra chương trình giáo dục cho toàn trường và từng cá nhân để trẻ phát huy những điểm mạnh vốn có cũng như phát triển những gì chưa biểu hiện mạnh mẽ trong thời điểm hiện tại.

Thứ 4, mối quan hệ Nhà trường – Học sinh – Phụ huynh không chỉ dừng lại ở việc giáo viên trao đổi với phụ huynh về tình hình học tập của trẻ tại lớp. Mỗi tuần, tại ngôi trường này, một phụ huynh sẽ đảm nhiệm làm giáo viên và đến lớp dạy cho toàn bộ học sinh trong trường về một chủ đề bất kỳ (Nấu ăn; Hát; Vẽ; Làm mộc…). Tất cả những dự án giáo dục tại trường đều được liên kết với gia đình như: Dự án “Mang điều tốt về nhà” (Tháng Lòng tốt); Dự án “Mang gia đình đến lớp” (Tháng Tình yêu)… Ngay cả việc đánh giá điểm mạnh của học sinh cũng dựa trên việc kết hợp báo cáo của phụ huynh và giáo viên. Trường còn tổ chức “Đêm ngủ tại trường” giúp trẻ khám phá trường ở một góc nhìn mới và tăng thêm sự gắn bó của trẻ với nhà trường.

Được biết, ngoài ngôi trường mầm non nói trên, ở TPHCM hiện còn có một trường quốc tế lớn cũng đang áp dụng Giáo dục tích cực và sắp tới, một mô hình Giáo dục tích cực mang thương hiệu Việt Nam sẽ được công bố. Mặc dù các trường tư thục và quốc tế đang đi đầu, nhưng điều đó không có nghĩa Giáo dục tích cực không thể triển khai tại các trường công lập với quy mô học sinh lớn, như những gì đang diễn ra ở Trung Quốc, Bhutan, Singapore, và Úc. Các trường học tại Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng triết lý và phương pháp Giáo dục tích cực vào giảng dạy hoặc xây dựng văn hóa nhà trường dưới sự hướng dẫn và đào tạo của đội ngũ chuyên gia.

Nói về vấn đề này, Tiến sĩ Giáo dục Đỗ Thị Ngọc Quyên cho rằng, “Thời gian qua, trong môi trường nhà trường phổ thông đã xảy ra rất nhiều vụ việc nghiêm trọng liên quan tới quan hệ thầy, trò và phụ huynh, trong đó những đứa trẻ chịu sự tổn thương nặng nề. Giáo viên và những người quản lý giáo dục cũng trở thành nạn nhân của sự thiếu nhận thức, hiểu biết về vai trò của giáo dục, về phương pháp giáo dục và sư phạm đúng đắn, dẫn tới những phản ứng và hậu quả từ tiêu cực đến cực đoan của nhiều bên. Nếu họ được trang bị kiến thức về Giáo dục tích cực và công cụ sư phạm đúng đắn, các sự việc đau lòng này đã không xảy ra. Để hạn chế những sự việc như vậy, đồng thời thúc đẩy hiệu quả giáo dục, giáo viên phổ thông rất cần được đào tạo về các phương pháp Giáo dục tích cực.”

Trước khi khép lại bài viết, tác giả xin trích dẫn tâm sự của một cô giáo tại ngôi trường mầm non đang giảng dạy chương trình Giáo dục tích cực nói trên: “Điều đầu tiên giáo dục tích cực mang lại cho tôi và học trò của mình là mối quan hệ tích cực giữa cô và trò. Biết ơn nhau, yêu thương nhau, cùng nhau sáng tạo, cùng nhau kiên trì, cùng nhau dám nói lên và bảo vệ quan điểm của mình, cùng nhau ghi nhận thành tựu, cùng nhìn nhau dựa trên điểm mạnh – đó là những việc tôi và học trò của mình đã và đang cùng nhau.”

Tài liệu tham khảo:

Jeanne Nakamura & Mihaly Csikszentmihalyi, 2002. The Concept of Flow. Handbook of Positive Psychology (pp. 89-105). Oxford University Press, 2002.
Luthans,F.(2002). The need for and the meaning of positive organizational behavior. Journal of Organizational Behavior, 23, 695-706.
Martin E. P. Seligman (2011). Flourish: A visionary new understanding of happiness and well-being. New York, NY: Free Press.
Martin E. P. Seligman, 2018. Positive Education. Global Happiness Policy Report 2018 (pp. 53-73).
Martin E. P. Seligman, 2002. Positive Psychology, Positive Prevention, and Positive Therapy. Handbook of Positive Psychology (pp. 3-12). Oxford University Press, 2002.
Norrish, J. M., Williams, P., O’Connor, M., & Robinson, J. (2013). An applied framework for positive education. International Journal of Wellbeing, 3(2), 147-161.
Park, N., Peterson, C., & Seligman, M. E. P. (2004). Strengths of character and well-being. Journal of Social and Clinical Psychology, 23(5), 603-619.
Tülay Bozkurt (2014). New Horizons In Education: Positive Education And Emerging Leadership Roles Of Counselors. Social and Behavioral Sciences 140 (2014) 452 – 461
Nguyễn Minh Thành




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét