Thứ Hai, 13 tháng 8, 2018

Nghịch lý cuộc đời


Kĩ năng này—khả năng từ bỏ kiểm soát khi ta muốn nó nhất—là một trong những kĩ năng quan trọng nhất một người có thể phát triển. Nó quan trọng không chỉ cho SEAL, mà còn cho cả cuộc sống.

Hầu hết người ta cho rằng quan hệ giữa nỗ lực và thành quả đơn thuần là một-một. Chúng ta hay nghĩ rằng làm việc nhiều gấp đôi đồng nghĩa với kết quả lớn gấp đôi.

Rằng quan tâm người kia gấp đôi sẽ khiến mỗi người cảm thấy được yêu thương gấp đôi. Rằng hét lên quan điểm của bạn to gấp đôi thì bạn sẽ đúng gấp đôi.

...Hầu hết hoạt động trong cuộc sống không đi theo đường thẳng nỗ lực/thành quả tuyến tính vì chúng không đơn giản hay máy móc. Hầu hết hoạt động đều phức tạp, đòi hỏi cố gắng từ tinh thần và/hoặc cảm xúc, và yêu cầu sự thích nghi. Vì thế, hầu hết hoạt động đều tạo ra một đường cong hiệu suất giảm dần:

Đường cong nghịch đảo là đường cong lạ kì của “Vùng Chạng Vạng”, khi nỗ lực và thành quả tỉ lệ nghịch với nhau—nghĩa là, bạn càng đặt nhiều nỗ lực vào việc gì, bạn càng thất bại trong việc đó.

Drown-proofing tuân theo một đường cong nghịch đảo. Bạn càng cố gắng ngoi lên mặt nước, bạn càng thất bại. Tương tự, bạn càng khao khát để thở, bạn càng dễ sặc vài ngụm nước hồ hòa nước tiểu.

Đúng, chỉ một vài điều trong cuộc sống tuân theo đường cong nghịch đảo. Nhưng một vài điều ấy lại cực kì quan trọng. Thực ra, tôi cho rằng những trải nghiệm và mục tiêu quan trọng nhất của cuộc đời đều tuân theo đường cong nghịch đảo.

Nỗ lực và thành quả tỉ lệ thuận với nhau khi hành động đơn giản và máy móc. Nỗ lực và thành quả có quan hệ hiệu suất giảm dần khi hành động phức tạp và nhiều chiều hơn.

Nhưng khi hành động hoàn toàn thuộc về tâm lý—trải nghiệm chỉ tồn tại bên trong ý thức của chúng ta—quan hệ giữa nỗ lực và thành quả trở thành nghịch đảo.

Mưu cầu hạnh phúc sẽ kéo bạn ra xa khỏi nó. Nỗ lực để kiểm soát cảm xúc tốt hơn chỉ khiến bạn mất kiểm soát. Khát khao cho sự tự do to lớn hơn thường khiến ta cảm thấy bị mắc bẫy. Nhu cầu được yêu thương và chấp nhận ngăn cản chúng ta yêu thương và chấp nhận chính bản thân mình.

Aldous Huxley từng viết,

    “Chúng ta càng cố gắng làm điều gì với ý chí có ý thức của mình bao nhiêu, thì chúng ta càng khó thành công bấy nhiêu. Thành thạo và thành quả chỉ đến với những người đã học được nghệ thuật đầy nghịch lý của việc làm và không làm, hay hoà hợp được nghỉ ngơi và hành động.”


Những phần cốt lõi nhất trong tâm trí con người đều đầy nghịch lý. Đó là bởi khi ta cố gắng tạo ra một trạng thái tâm thức nào đó một cách có ý thức, sự mong muốn trạng thái tâm thức ấy lại tạo nên một trạng thái tâm thức khác biệt và thường đối lập với cái mà chúng ta muốn tạo.

Đây chính là “Luật Trái ngược” tôi đã giải thích trong Chương 1 của Nghệ Thuật Tinh Tế của Việc Đếch Quan Tâm: mong muốn một trải nghiệm tích cực bản thân nó đã là một trải nghiệm tiêu cực; chấp nhận một trải nghiệm tiêu cực là một trải nghiệm tích cực.

Song điều này áp dụng với hầu hết—nếu không muốn nói là tất cả—các khía cạnh của sức khoẻ tinh thần và các mối quan hệ:

1. Kiểm soát—Ta càng cố gắng kiểm soát những thôi thúc và cảm xúc của chính mình bao nhiêu, ta càng thấy bất lực bấy nhiêu. Đời sống cảm xúc của chúng ta là bất kham và thường không thể kiểm soát, và mong muốn kiểm soát nó sẽ chỉ khiến nó tệ đi. Ngược lại, chúng ta càng chấp nhận những cảm xúc và thôi thúc, chúng ta càng biết cách định hướng và xử lý chúng.

2. Tự do—Mong muốn triền miên có nhiều tự do hơn trớ trêu thay giới hạn chúng ta theo nhiều cách. Tương tự, ta chỉ thực sự tự do khi ta giới hạn chính mình—bằng việc chọn và tuân theo một vài điều trong cuộc sống.

3. Hạnh phúc
—Cố gắng hạnh phúc chỉ khiến ta thêm bất hạnh. Chấp nhận sự bất hạnh lại khiến ta hạnh phúc.

4. An toàn—Cố gắng khiến mình cảm thấy an toàn hơn tạo ra nhiều cảm giác bất an hơn. Ngược lại, trở nên thoải mái với sự bất định lại cho phép ta cảm thấy an toàn.

5. Tình yêu—Chúng ta càng cố gắng khiến người khác yêu và chấp nhận ta, thì càng ít cơ hội họ làm như vậy, và quan trọng nhất, càng ít cơ hội ta yêu và chấp nhận chính mình.

6. Tôn trọng—Chúng ta càng đòi hỏi sự tôn trọng, thì người khác càng ít tôn trọng ta. Chính ta khi tôn trọng người khác nhiều hơn, họ sẽ tôn trọng ta nhiều hơn.

7. Niềm tin—Ta càng cố gắng khiến mọi người tin mình thì họ càng ít tin ta hơn. Khi ta tin người khác nhiều hơn, họ cũng tin ta nhiều hơn.

8. Tự tin—Càng cố gắng cảm thấy tự tin bao nhiêu, thì càng cảm thấy bất an và lo lắng bấy nhiêu. Khi chúng ta biết cách chấp nhận lỗi lầm của mình hơn, chúng ta sẽ thoải mái hơn khi là chính mình.

9. Thay đổi—Càng mong muốn thay đổi bản thân chúng ta càng thấy mình chưa thay đổi đủ. Trong khi đó, càng chấp nhận bản thân mình thì chúng ta càng phát triển và trưởng thành, vì chúng ta sẽ rất bận rộn với những điều thú vị và mới mẻ đến mức chẳng nhận ra điều đó nữa.

10. Ý nghĩa—Chúng ta càng theo đuổi một mục đích hay ý nghĩa sống sâu sắc hơn, thì chúng ta càng trở nên tự ám và nông cạn hơn. Chúng ta càng thêm vào ý nghĩa cho cuộc sống của những người khác, chúng ta sẽ càng cảm thấy những ảnh hưởng sâu sắc hơn.

Những trải nghiệm tâm lý, nội tâm này tuân theo đường cong nghịch đảo vì chúng vừa là nguyên nhân vừa là hệ quả của một thứ duy nhất: tâm trí của chúng ta. Khi bạn khát khao hạnh phúc, tâm trí của bạn cùng lúc ấy chính là thứ đang khao khát và trở thành mục tiêu của chính những khao khát trong nó.

Khi nói tới những mục tiêu cao cả, trừu tượng, hiện sinh này, tâm trí của chúng ta giống như một chú chó mà sau một đời đuổi bắt thành công nhiều sinh vật bé nhỏ, quay đầu lại và áp dụng chiến thuật tương tự với cái đuôi của chính mình. Với con chó, điều này có vẻ logic. Dù sao thì rượt đuổi cũng đã giúp nó tóm được mọi thứ khác trong đời mình. Thế thì cái đuôi cũng đâu có gì khác?

Nhưng một con chó không bao giờ bắt được đuôi của chính nó. Càng đuổi, đuôi nó càng chạy đi. Đó là bởi chú chó không có một góc nhìn để nhận ra rằng nó và đuôi nó chính xác là một.

Việc bây giờ là hãy nhìn thẳng vào tâm trí bạn—một thứ tuyệt vời đã học được cách đuổi bắt nhiều sinh vật suốt đời nó—và bảo nó đừng đuổi bắt đuôi mình nữa. Bảo nó đừng đuổi theo ý nghĩa và tự do và hạnh phúc nữa vì chúng chỉ khiến nó rời xa hơn thôi. Bảo nó rằng nó sẽ đạt được điều nó muốn khi biết từ bỏ ham muốn. Chỉ cho nó rằng cách duy nhất để trồi lên mặt nước là để cho bản thân mình chìm xuống.

Và chúng ta làm điều này bằng cách nào? Bằng cách buông bỏ, từ bỏ, đầu hàng, quy phục. Không phải vì yếu đuối, mà vì sự tôn trọng với một sự thật rằng thế giới vượt quá đôi tay của chúng ta. Nhận ra rằng chúng ta thật mỏng manh và hữu hạn và chỉ là những hạt bụi tạm thời trong dòng thời gian vô tận. Bạn làm được điều đó khi biết buông bỏ kiểm soát, không phải vì bạn thấy bất lực, mà vì bạn thực sự mạnh mẽ. Vì bạn quyết định buông bỏ những điều vượt ra khỏi tầm kiểm soát của bạn. Bạn quyết định chấp nhận rằng đôi khi, người ta không thích bạn, đôi khi bạn sẽ thất bại, và thường là bạn đếch biết mình đang làm gì.

Bạn dựa lưng vào nỗi sợ và sự bất định, và ngay khi bạn nghĩ rằng mình sắp chết chìm, khoảnh khắc bạn chạm đến đáy bể, nó sẽ phóng bạn trở lại sự cứu vớt của cuộc đời.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét