Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2018

Những trạng thái tâm thức khi tâm trí dừng lại


Thực sự, tâm trí bạn chỉ là một chức năng của thể trí, hoạt động ở cõi hạ thiên. Trên thực tại này có rất nhiều thực khác khi mà cái trí của bạn không còn hoạt động nữa. 

Có 4 thực tại chính khi mà tâm trí bạn dừng lại:

1. Khi bạn đạt đến Tứ Thiền

Tứ thiền nghĩa là gì. Đây là một mức định trong thiền định. Trong tứ thiền, tâm thức của bạn đặt hoàn toàn vào cái trí, duy trì cái trí trên một đối tượng nhất định và không thay đổi theo thời gian. Người ta còn gọi là nhất tâm.

Đối tượng đó có thể là tướng của hơi thở (nimitta), đất, nước, gió, lửa, xanh, đỏ ,vàng, trắng hay bất kỳ thứ gì có tính chất ít thay đổi.

Khi tâm thức bạn duy trì cái trí liên tục trên một trong các đối tượng ấy, trong một khoảng thời gian nào đó, ta gọi là tứ thiền.

Một người đạt được định này, sẽ chế ngự được thân xác, cảm xúc và cái trí, khiến cho nó không dao động và chú tâm liên tục trên một đối tượng. Và tâm vị ấy sẽ luôn cảm thấy thanh tịnh, nhẹ nhàng và an lạc. Đây là một mức định mà không dễ để một người có tâm trí luôn dao động có thể đạt được. Trong khoảng ngàn người nhiều lắm khoảng 1-2 người là có thể đạt được nếu cố gắng thực hành.
Người đạt được định này và duy trì được nó cho đến lúc chết thì sẽ tái sinh làm Phạm Thiên trên cõi hữu sắc, hay không gian 5 chiều, nơi mà thời gian bị biến đổi.

2. Khi bạn đạt đến Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Định

Đây là một loại định trong thiền định. Loại định này là ưu việt hơn loại định trên. 

Khi bạn đạt đến định này, tâm thức bạn đặt hoàn toàn trên cõi thượng trí, hay cõi nhân quả, là nơi ngự của chân ngã.

Định này tập trung trên tưởng vi tế của con người (nên người ta gọi là phi tưởng phi phi tưởng, tức là không phải là tưởng mà cũng không phải không có tưởng). Tưởng vi tế này chi phối hầu như toàn bộ cuộc sống của con người phàm tục. Nó giống như bộ khung sườn, bộ quy tắc để con người sống và hoạt động theo chúng. 

• Mục đích của chúng chỉ là học hỏi và kinh nghiệm, cho nên nơi này chứa những quy định về nhân quả và nghiệp quả cho người phàm trần hoạt động theo chúng. Đa phần con người ít có ý thức về loại tưởng này. Nó là một phần của chân ngã.

• Một người có tâm thức trong định này, sẽ không thấy bất kỳ tư tưởng nào sanh khởi lên, nhưng họ vẫn biết là có cái gì đó trong nó, chứ không phải là không có gì. Tâm trí trong định này hoàn toàn không hoạt động được nữa cho nên con người sẽ cảm nhận một sự thanh tịnh an lạc và rất nhẹ nhàng.

• Nếu không tiếp tục nghiên cứu học học và hành thiền thêm, nhiều người sẽ nhầm lẫn cho rằng mình đạt đạo và Niết Bàn, bởi vì nó rất thanh nhẹ và tự tại. 

• Một người đạt được định này, có thể tương thông với chân ngã của mình, có thể biết quá khứ vị lai, những ảnh hưởng của nghiệp quả lên đời sống của chính mình. Họ còn có thể được cho biết những hoạch định về cuộc sống trong kiếp hiện tại. Tuy nhiên, thông tin được truyền xuống có thể không chính xác như bạn nghĩ. Và nó cũng không hoàn toàn minh triết bởi mỗi chân ngã ở trên kia cũng đang học hỏi và tiến hóa, trừ những chân ngã đã đi xa trên con đường đạo và đạt đến sự giác ngộ.

• Người đạt định này sau khi chết sẽ đi thẳng lên thế giới chân ngã, mà không dừng chân tại cõi trung giới và cõi hạ thiên, do bởi tâm thức của họ tương thông với cõi chân ngã này.

3. Người đạt đến tâm thức Bồ Đề

Là người thông qua thiền định và thiền minh sát, đưa tâm thức mình lên cõi bồ đề, vượt qua cõi nhân quả. Đây là nơi mà tâm thức của một người có tình yêu thương đại đồng và có minh triết vĩ đại. 

Họ là những người tiến rất xa trên con đường đạo, là nơi của những vị thánh và của các bậc bồ tát. Nơi đây con người có thể biết được tâm thức của người khác, có thể hòa làm một với tâm thức ấy. 

Những người có tâm thức bồ đề có một tình yêu thương to lớn kết hợp với minh triết thiêng liêng, nên khi tiếp xúc với họ ta sẽ thấy một sự từ bi to lớn tỏa ra xung quanh và một sự hiểu biết sâu sắc trên nhiều lĩnh vực. 

Một người đạt được tâm thức này thì luôn yêu thương mọi người, mọi vật dù họ có là ai. Đó là tình bác ái cao cả. Họ là những người đã điều khiển được tư tưởng, cảm xúc cũng như xác thân của mình nên họ tỏa ra một sự an lạc và tự tại to lớn. Họ cũng là những diễn giả, thuyết pháp nổi tiếng, có nhiều người tụ tập xung quanh họ, nghe những lời họ nói, không chỉ là sự hiểu biết và minh triết của họ, mà còn là sự gần gũi và từ bi của họ nữa.

Một người có tâm thức bồ đề, có thể mang một thân xác phàm trần hoặc có thể không, do bởi mức tiến hóa của họ. Họ có thể ở lại trên cõi bồ đề mà không mang lấy thân xác phàm trần, tiếp tục học hỏi trên đó cho đến khi đạt đến tâm thức Niết bàn.

4. Người đạt đến tâm thức Niết Bàn

Người đạt đến tâm thức Niết Bàn, thấy và biết mọi tâm thức chúng sinh, hòa làm một với tâm thức chúng sinh, thấy mình và tất cả chúng sinh đều như nhau. Đây là tâm thức của những bậc giải thoát, của các vị Phật.

Trong Niết Bàn tất cả đều như nhau, nhưng mỗi linh hồn lại có những phẩm cách khác nhau, có chức năng và nhiệm vụ khác nhau. Đây có thể là nghịch lý và khó hiểu.

Ví như một tế bào trong cơ thể con người. Con người chúng ta, giống như 1 vũ trụ đối với tế bào. Các tế bào nhìn lên con người cũng như con người nhìn lên vũ trụ vậy.

Giả như một tế bào có tư tưởng và hiểu biết như 1 con người thì sẽ như thế nào?

Nó thấy và biết mọi hoạt động của cơ thể, cũng như thấy biết mọi chức năng, nhiệm vụ của các bộ phận, các tế bào khác. Lúc ấy tế bào đó sẽ là một tế bào tuyệt vời, có trí tuệ siêu việt, thấy và biết hầu như mọi vấn đề. Tuy nhiên, tế bào ấy sẽ không biến mất, không chạy đi đâu cả. Nó vẫn luôn là tế bào đó, tiếp tục thực hiện chức năng và nhiệm vụ của nó, để giúp cơ thể khỏe mạnh và phát triển. Tuy nhiên, lúc này nó biết mình là một với cơ thể, là một với tất cả các tế bào khác. Nó hiểu chức năng và hoạt động của cơ thể và các tế bào khác. Chắc chắn nó sẽ làm những điều giúp cơ thể khỏe mạnh và phát triển tốt hơn. Nó biết các tế bào khác, nó biết tâm thức những tế bào khác, nó biết các quy luật hoạt động của cơ thể, vì vậy nó sẽ sống có ích hơn, sẽ làm mọi cách để giúp cho cơ thể khỏe mạnh, cùng với đó giúp các tế bào khác nhận ra sự vĩ đại của chính mình.

Cũng giống như một người đạt tâm thức Niết Bàn, họ sẽ thấy mình trong tất cả, thấy mình là một với tất cả, thấy tâm thức của mình và tâm thức của tất cả chúng sinh, tuy thế mà họ vẫn giữ những phẩm chất riêng biệt, trí tuệ riêng biệt so với các linh hồn khác.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét