Tác giả: Khánh Thủy
Trước hết cần giải thích rõ unschooling là gì. Theo định nghĩa của giáo sư Peter Gray (Boston University) thì các gia đình theo phương pháp này không gửi con đến trường mà để trẻ TỰ CHỊU TRÁCH NHIỆM GIÁO DỤC CHÍNH MÌNH. Cụ thể, họ không cho con theo 1 chương trình học tương tự như ở trường, không yêu cầu con làm bài tập, và không đo lường tiến bộ của con bằng các bài kiểm tra hay các kỳ thi. Thay vào đó, họ cho trẻ tự do theo đuổi sở thích & các mối quan tâm của chúng, theo cách riêng của trẻ, và học những gì trẻ cảm thấy cần thiết trong quá trình tìm hiểu những gì chúng đang hứng thú. Giáo trình của unschooling chính là môi trường sống, là bất cứ thứ gì đang có sẵn cho trẻ đắm mình vào đó, là không khí, là nước, là sự sống đang diễn ra từng giây từng phút. Nói chung, các unschoolers xem cuộc sống & việc học là 1 thể thống nhất không tách rời nhau. Cần nhớ là vai trò của cha mẹ khi này không phải là thay thế công việc của 1 giáo viên mà là đồng hành bên con, tin tưởng con, và bằng nhiều cách khác nhau, cung cấp 1 môi trường phù hợp để con tự giáo dục mình thông qua các nguồn tài nguyên dồi dào trong cuộc sống.
Như vậy, theo kiểu unschooling thì học tiếng Anh từ độ tuổi nào không quan trọng. Người quyết định có học hay không, học theo kiểu nào & nhanh chậm ra sao chính là NGƯỜI HỌC chứ không phải cha mẹ, thầy cô hay các chuyên gia giáo dục tiếng tăm nào. Điều mà người lớn chúng ta có thể làm và cần ghi tâm là nếu trẻ được tạo điều kiện “sống” trong một môi trường giàu tiếng Anh để rồi thấy hứng thú với ngôn ngữ này thì trẻ sẽ có thể tự học được 1 cách dễ dàng.
Hãy nghĩ về cách mà trẻ học nói tiếng mẹ đẻ. Từ lúc sinh ra cho tới khi trẻ chính thức biết nói, các cha mẹ có cần phải dạy con hay gửi con tới 1 trung tâm tiếng Việt nào để trẻ học nói không? Câu trả lời hiển nhiên là không. Chính xác hơn là trẻ TỰ DẠY chính mình. Trẻ học nói, kể cả học đọc, học viết đơn giản thông qua những tiếp xúc hàng ngày với những người xung quanh, và đó chính là unschooling, là học thông qua cuộc sống, hay nói cách khác, giữa “học” & “sống” không có ranh giới, học tập & cuộc sống là một. Như vậy, cách dạy và học ngoại ngữ tốt nhất chính là mô phỏng và tái dựng lại môi trường sống cho gần giống nhất với môi trường mà ở đó trẻ học tiếng mẹ đẻ. Vì thế một trong hai cha mẹ cần có một số vốn liếng tiếng Anh nhất định. Nhà nào không giỏi tiếng Anh, không tương tác với con được nhiều thì hiệu quả đương nhiên sẽ phải kém hơn.
Hiểu sâu hơn theo phương pháp unschooling thì việc học của trẻ không phải là quá trình trẻ học 1 kỹ năng cụ thể nào vì chính kỹ năng đó. Nói cách khác, unschoolers học tiếng Anh KHÔNG PHẢI vì bản thân tiếng Anh mà tiếng Anh chỉ là bước đệm để trẻ đạt được 1 mục tiêu cụ thể nào đó. Điều này đúng với bất cứ kỹ năng nào khác mà trẻ muốn đạt được. Trẻ sẽ học chỉ khi thấy nó có-ý-nghĩa với cuộc sống của trẻ, và sẽ học chúng 1 cách vui vẻ và hứng thú vì TỰ THÂN trẻ muốn học chúng. Ví dụ, ở nhà mình, mình chưa bao giờ kéo con ngồi xuống và nói, “Con này, bây giờ chúng ta cùng nhau học tiếng Anh nhé”, hay “Mình đọc quyển sách này để học tiếng Anh nào”. Đơn giản mình nói chuyện tiếng Anh với con từ nhỏ (tỉ lệ 50/50 giữa Anh & Việt), cho con xem những bộ phim hoạt hình hoàn toàn bằng tiếng Anh (phim mà có phụ đề tiếng Việt thì lấy giấy dán che lại), thường xuyên đọc cho con nghe những quyển sách thật hấp dẫn, đọc to, rõ, thỉnh thoảng chỉ tay vào mặt chữ, con có hỏi thì mình giải thích, không thì thôi để tự hiểu. Như vậy mục tiêu của trẻ là được trò chuyện với mẹ, được xem những bộ phim hoạt hình yêu thích, được đọc những quyển sách tuyệt vời bằng tiếng Anh chứ không phải trẻ đang cố học tiếng Anh như 1 kỹ năng đơn lẻ. Ding dong! Một ngày nào đó con “bỗng dưng” nói được tiếng Anh, đọc được tiếng Anh, viết luôn được bằng tiếng Anh. Hiệu quả thực tế là hè năm ngoái khi mới 7 tuổi, con đã có thể say sưa đọc một mạch 7 quyển tiểu thuyết Harry Potter bằng tiếng Anh dày cộm trong vòng chưa tới 1 tháng, sau đó cũng thử sáng tác đủ thứ truyện bằng Anh ngữ. Hiện giờ, mọi thông tin con tìm hiểu gần như hoàn toàn bằng tiếng Anh, tất nhiên bằng tiếng Việt cũng được nhưng rõ ràng là số lượng hạn chế và chất lượng thấp hơn rất nhiều.
Vì vậy, để giúp con học tốt tiếng Anh, điều trước tiên và quan trọng nhất là các bạn phải khéo léo tạo ra một môi trường kích thích nhu cầu học tập tự nhiên của trẻ. Do vậy, trẻ càng nhỏ thì càng dễ tác động và khả năng thành công sẽ cao hơn. Các bạn hãy cho con NGHE có-ý-nghĩa thật nhiều (không phải kiểu cứ bật đĩa tiếng Anh phát ra rả vào óc con suốt ngày nhé) bằng cách TRÒ CHUYỆN hàng ngày với con, (chưa tự tin thì cẩn thận kiểm tra lại phát âm & ngữ pháp), và ĐỌC cho con nghe những quyển truyện thú vị (giọng không tốt thì kiếm quyển nào có thu âm đọc sẵn). Đây là 2 cách hiệu quả nhất vì nó có sự tương tác có ý nghĩa giữa người dạy và người học. Kế đến là các bộ phim hoạt hình, các kênh hay trên Youtube nhưng lưu ý cần giới hạn thời gian. Tốt nhất là con xem tới đâu, cha mẹ tương tác với con tới đó. Ví dụ con đang xem tới màu sắc thì mẹ có thể chơi trò đố con màu sắc các đồ vật trong nhà. Các bạn đừng sốt ruột nhé, cũng giống như khi trẻ học tiếng mẹ đẻ, phải rất lâu sau quá trình nghe như thế này thì trẻ mới bắt đầu nói (con mình cũng mất cả năm trời nghe mẹ lảm nhảm tiếng Anh 1 mình thì mới chịu trả lời bằng những từ tiếng Anh đầu tiên). Với trẻ lớn thì cha mẹ phải nhọc công hơn nhiều để giúp trẻ thấy thích và muốn học nó, nhưng cơ bản vẫn theo trình tự nghe xong mới tới nói – đọc – viết.
Để làm được những điều trên, cha mẹ cần tự học ngôn ngữ này tới một mức đủ để giao tiếp đơn giản được hàng ngày với con. Cha mẹ nào lười mà không chịu học thì thôi đành thua, vì mình không thể dạy người khác thứ gì mà mình không biết. Với lại để tiết kiệm mấy trăm triệu học phí tiếng Anh và công đưa đón con đến trường suốt hơn chục năm trời thì cha mẹ dành chút thời gian học lại thứ tiếng mình đã từng học chẳng phải quá lợi sao. Đó là chưa tính đến việc giỏi tiếng Anh cũng sẽ giúp ích cho công việc và quá trình phát triển bản thân của chính cha mẹ nữa. Chỉ cần làm tốt mấy năm đầu đời thì sau này con sẽ tự học và cha mẹ sẽ nhàn nhã vô cùng.
Đến bây giờ, khi chính thức unschool cho con, mình mới thấy con quá may mắn khi đã được xây dựng thành công kỹ năng ngôn ngữ này ngay từ nhỏ. Trẻ càng lớn thì cha mẹ càng tránh can thiệp vào việc các con sẽ học gì và cũng đừng bị kỳ vọng nào đó của mình làm hỏng quá trình học tự nhiên của con và khiến mình thất vọng khi chuyện học của con không diễn ra như mong đợi. Unschoolers sẽ tự biết mình muốn học gì và cần học gì trong quá trình sống mỗi ngày. Phương châm “phát triển toàn diện” kiểu giáo dục tiến bộ không phải là mục tiêu mà phụ huynh unschooling hướng tới. Đối với tiếng Anh hoặc bất cứ kỹ năng nào khác cũng vậy, việc của cha mẹ là tạo môi trường cho phép bản năng giáo dục tự nhiên của đứa trẻ hoạt động hiệu quả, tin tưởng và sẵn sàng hỗ trợ khi trẻ cần, còn học sớm hay trễ 1 chút chẳng thành vấn đề, không học cũng chẳng sao, khi nào trẻ thích và cần thì sẽ học (mà không cần thì học làm gì nhỉ, và khi bọn chúng đã muốn thì có mà cản đằng trời ^^).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét