Nguồn: VCIL
https://www.facebook.com/notes/vcil-vietnamese-community-of-independent-learners/v%E1%BB%81-unschooling/2325095821056440/
Từ sự kiện Unschooling Hội An vừa qua trở về, chúng tôi nhận được nhiều sự quan tâm từ các anh chị đang có định hướng tìm hiểu và thực hành unschool hoặc nhiều phương pháp giáo dục thay thế khác. Mỗi góc nhìn có thể từng cá nhân, từng gia đình soi chiếu nhiều vấn đề khác nhau, thế nên chúng tôi mạn phép chia sẻ với mọi người một góc nhìn về Unschooling mà chúng tôi đã góp nhặt được trong quá trình tìm hiểu về giáo dục thay thế.
Đây là ghi chép từ sự kiện chia sẻ về Unschooling được tổ chức tại Tp.HCM từ chị Khánh Thủy ( giáo viên Anh ngữ, có hai bé 9 và 3 tuổi, lúc đầu chọn homeschooling, sau đó chuyển sang unschooling). Bản thân cá nhân tôi, người ghi chép lại buổi chia sẻ, cứ mỗi lần đọc lại đều thấy một góc nhìn mới hay cảm nhận sâu sắc hơn về chia sẻ của chị. Bên dưới chia sẻ là các nguồn thông tin để tìm hiểu sâu hơn về unschooling, homeschooling,...
3 nội dung chính trong buổi nói chuyện : Tâm Linh – Unschooling – Tiếng Anh
Xếp theo thứ tự từ quan trọng nhất đến ít hơn, vì khi hiểu sâu ra thì mọi vấn đề đều được tâm linh giải đáp. Mọi việc̣ đều theo sự dẫn dắt của tâm linh, unschooling hay tiếng Anh cũng chỉ là một công cụ. Khi mất niềm tin, sợ hãi, hay có những câu hỏi trong giáo dục con, trong cuộc sống thì đều tìm đến điểm tựa tâm linh để tìm ra lời giải. Nhờ tâm linh nhìn rõ ra được con đường sẽ đi, chứ trước đó thì chỉ là những mảnh ghép rời rạc.
1. Tâm linh
Tâm linh là gì? Tâm linh đóng vai trò như thế nào trong cuộc sống và trong giáo dục?
Tâm linh là hành trình đi vào thế giới bên trong, là hành trình nội tâm, tìm kiếm những sự thật cuộc đời, chân lý vũ trụ. Mục đích cuối cùng là sống một cuộc đời bình yên, thảnh thơi, nhiều hạnh phúc, niềm vui.
Tâm linh giúp ta trả lời câu hỏi : Ta là ai? Vì sao ta ở đây? Nhờ đó ta hiểu bản thân hơn, hiểu được ý nghĩa của hành trình sống của mình trong thế giới vật chất này. Bài học tâm linh là bài học lớn nhất trong hành trình làm người.
Lỗi phổ biến của các phụ huynh: nhiều khi còn chưa hiểu mình là ai, bản thân mình cần gì, nên không biết mình cần gì ở con mình, cứ loay hoay, chẳng biết mình nên đi đâu về đâu, rồi giữa đường cứ rẽ qua rẽ lại, thấy phương pháp nào cũng hay, cũng muốn thử. Khi mình thực sự hiểu mình thì mình sẽ tìm được con đường giáo dục phù hợp cho con, mới biết cách hỗ trợ cho con.
CHÍNH TÂM LINH LÀ CHÌA KHÓA GIÚP TA TÌM RA PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC CON. Tâm linh là cái cốt lõi và kim chỉ nam
khuyến khích thiền định
HÀNH TRÌNH CỦA LINH HỒN – SOUL’S JOURNEY
Chúng ta được tạo ra bởi một đấng sáng tạo tối cao. Người vì muốn trải nghiệm sự phong phú đa dạng của trái đất, của thế giới vật chất này, nên mới phân mảnh mình ra thành những linh hồn. Những linh hồn đến đây để học hỏi, để trải nghiệm cuộc sống, để tiến hóa tâm linh, và cuối cùng tìm lại & quay về với bản chất đích thực nhất của mình – là CHÂN NGÃ. Vì thế chúng ta là thượng đế, ta là một mảnh của thượng đế để trải nghiệm những điều mới mẻ, kì thú.
(Riêng bản thân người ghi chép thì thấy chỗ này hay lắm. Kiểu tụi mình hay nghe những câu nói trong Nhà giả kim như: “Nếu bạn muốn thực hiện điều gì, cả vũ trụ sẽ chung tay cùng bạn làm điều đó.” Những người làm dự án như mình cũng thấy rõ, đến một thời điểm nào đó, những điều mình mong muốn trước đó tự nhiên thành hình một cách rõ ràng hơn. Mọi thứ được vận hành trơn tru, tốt đẹp. Lúc ấy mình hay tin vào việc tồn tại một năng lượng siêu nhiên trên cuộc đời này(mình hay cảm ơn vũ trụ là thế). Nhưng giờ thì mình hiểu rồi, đấng tối cao muốn mình khám phá và trải nghiệm cuộc đời bao la này, và đấng tối cao thì luôn muốn trải nghiệm những điều hay ho mới mẻ, vậy nếu bản thân mỗi người đều làm được những điều hay ho, mới mẻ, thú vị, không ngừng tìm tòi học hỏi và sáng tạo thì phải chăng đấng tối cao luôn ở bên và hỗ trợ cho những điều đó thành hình rõ ràng hơn. Mình cũng tin vào điều đó ở Gaia school, khi mà trước bữa ăn mọi người đưa tay ra và truyền năng lượng cho nhau trước bữa ăn, và mình cảm nhận được điều đó. Mình cảm nhận được năng lượng của những người đứng bên cạnh mình, là Arron luôn sống trong tỉnh thức, chánh niệm và mỉm cười, là Zeju học tâm lý, đứa con tự do của thế giới khi chẳng nhận đâu là nhà. Và mình tin năng lượng vũ trụ này là có thật. )
5 GIAI ĐOẠN TIẾN HÓA CỦA LINH HỒN: Infant – Baby – Young – Mature – Old. Mỗi giai đoạn phải sống rất nhiều kiếp người. Khi linh hồn xuống làm người thì quên sạch cái tôi đích thực của mình, quên mất mình là ai, bộ nhớ bị xóa sạch.
4 BÀI HỌC CỦA LINH HỒN:
– Body (làm thế nào để tồn tại trong cuộc đời và giải quyêt những nhu cầu căn bản nhất của con người)
– Mind (kiến thức, tri thức)
– Emotion (cảm xúc, tình yêu vô điều kiện)
– Spirit (tâm linh)
Các giai đoạn đều học 4 bài học này, nhưng ở mỗi giai đoạn thì bài học sẽ có mức quan trọng khác nhau. Ở 3 giai đoạn đầu (Infant, Baby, Young) thì những bài học về Body, Mind, Emotions thường là chủ đạo, ở 2 giai đoạn sau (Mature, Old) thì những bài học về tâm linh (Spirit) lại là quan trọng nhất.
Linh hồn hiện diện trong cơ thể vật lý của ta, trong nó luôn có hai lực lượng tranh đấu quyết liệt, là EGO và DIVINE.
Những đặc tính của EGO- bản ngã // DIVINE – chân ngã:
Past – Future // Now
Fear (sợ hãi) // Love
Stress // Peace – Joy
Lack (thiếu thốn) // Contentment (hài lòng),
Dissatisfaction (bất mãn) // Gratitude (biết ơn)
Resistance (phản kháng ) // Acceptance (chấp nhận)
Self (chỉ lo cho mìn ) // Service (vì người khác, phụng sự)
Thoughts (suy nghĩ) // Awareness (ý thức, hiện hữu)
Judgement (phán xét) // Understanding (thấu hiểu)
Plans // Intuition (trực giác)
Distrust life // Trust life
Struggle with life // Flow with life
Greed (tham lam) // Letting go (buông bỏ)
Sufferings (khổ) // Happiness
Bản ngã – hai đặc điểm cơ bản là SỢ HÃI (nên ta luôn tìm kiếm sự an toàn, sự đảm bảo thông qua tiền bạc, quyền lực) và THIẾU THỐN lúc nào cũng muốn hơn, không bao giờ có điểm dừng, hệ quả là rất nhiều lo âu, căng thẳng). Đó chính là gông cùm, vô minh, là khổ, là kẻ thù lớn nhất của kiếp người.
Con người được “lập trình” để tin rằng mình là bản ngã. Thức tỉnh là khi ta hiểu rằng mình không phải là bản ngã và quay về với chân ngã.
Chân ngã – phẩm chất quan trọng nhất là UNCONDITIONAL LOVE (yêu thương vô điều kiện), bởi lẽ đó là trạng thái tự nhiên nhất của chân ngã, nó là chất keo kết nối mọi thứ trong vũ trụ, nó đứng đằng sau lặng lẽ quan sát mọi việc. (Vài ví dụ về Love: cố gắng lái xe an toàn, đi chợ, cười với con, hát hò, ngay cả làm hại ai đó cũng là tình yêu, bởi vì người đó đang yêu chính mình).
CÔNG THỨC QUAN TRỌNG NHẤT:
LOVE = ACCEPTANCE + ATTENTION
ACCEPTANCE: chấp nhận bản thân, những gì đã xảy ra mình sẵn sàng chấp nhận (reality), chấp nhận sự khác biệt (differences), chấp nhận sự khó khăn xảy đến trong cuộc đời (challenges), chấp nhận cả những đổi thay trong cuộc sống (changes – vô thường).
ATTENTION: sự chú ý, tức sống-trong hiện-tại, thực sự chú tâm vào những điều đang làm, không đánh giá, phán xét. Sống với giây phút hiện tại nhìn mọi thứ lúc nào cũng thấy tươi mát, đẹp đẽ, và bình an.
TRONG GIÁO DỤC: Phương pháp hiệu quả nhất chính là GIÁO DỤC BẰNG TÌNH YÊU THƯƠNG. Nó hướng tới những phẩm chất mạnh nhất của chân ngã. Cách thể hiện tình yêu thương cũng theo công thức trên: Love = Attention + Acceptance
+ Acceptance: Yêu con là luôn chấp nhận con, chấp nhận con không như mong đợi của mình, không quàng kì vọng và mơ ước của mình lên con.
+ Attention: Mình ở với con là mình hoàn toàn có mặt bên con, thực sự lắng nghe để hiểu con, từ đó mới biết cách khuyến khích, khơi gợi những suy nghĩ của con
–> Nhờ tâm linh, ta xác định được MỤC ĐÍCH NUÔI DẠY CON sẽ trở thành 1 người có thể nhận biết và quay về sống với chân-ngã của mình, có 1 cuộc đời tự do, hạnh phúc, bình an với 1 tinh thần phụng sự cao cả (chứ không phải trở nên thành đạt theo tiêu chuẩn của xã hội bây giờ). Như vậy, tâm linh là cái la bàn dẫn ta đến ĐÍCH, unschooling là PHƯƠNG TIỆN giáo dục phù hợp nhất để giúp ta đạt tới cái đích Chân-ngã.
2. Unschooling
Unschooling là gì? Unschooling khác homeschooling như thế nào? Mối quan hệ giữa unschooling và tâm linh?
UNCHOOLING LÀ GÌ?
Unchooling là không gửi con đến trường mà để trẻ TỰ CHỊU TRÁCH NHIỆM GIÁO DỤC CHÍNH MÌNH. Không cho con theo 1 chương trình học tương tự như ở trường, không yêu cầu con làm bài tập, và không đo lường tiến bộ của con bằng các bài kiểm tra hay các kỳ thi. Thay vào đó, trẻ tự do theo đuổi sở thích & các mối quan tâm của chúng, theo cách riêng của trẻ, và học những gì trẻ cảm thấy cần thiết trong quá trình tìm hiểu những gì chúng đang hứng thú.
GIÁO TRÌNH CỦA UNSCHOOLING chính là môi trường sống, là bất cứ thứ gì đang có sẵn cho trẻ đắm mình vào đó, là sự sống đang diễn ra từng giây từng phút.
VAI TRÒ CỦA CHA MẸ không phải là thay thế công việc của 1 giáo viên mà là đồng hành bên con, tin tưởng con, hỗ trợ con và cung cấp 1 môi trường phù hợp để con tự giáo dục mình thông qua các nguồn tài nguyên dồi dào trong cuộc sống.
Unschooling không chỉ là 1 lựa chọn giáo dục (educational choice) mà là 1 lối-sống (life choice). Đây là hành trình sống bên nhau của cả gia đình. Trong hành trình đó sẽ nảy sinh việc học khi trẻ có nhu cầu tìm hiều, và đó mới là real learning – học thực sự.
ĐẶC ĐIỂM CHUNG CỦA CÁC GIA ĐÌNH UNSCHOOLING: có mối quan hệ vô cùng gắn bó với nhau, quan tâm tới môi trường, thích đồ homemade và thức ăn thiên nhiên và 1 lối sống không vội vã –> đây là phương pháp giáo dục thuận tự nhiên nhất
UNSCHOOLING KHÁC HOMESCHOOLING VÀ CÁC PP KHÁC NHƯ THẾ NÀO?
Homeschooling giống như học ở trường nhưng thu gọn kích cỡ, đem chương trình học về áp dụng, có giáo trình mang về nhà học áp dụng, tới trường thi chung đến với các bạn (ở nước ngoài) – cơ bản cũng giống như giáo dục truyền thống.
Thừa nhận có nhiều phương pháp như Steiner, Montessori, Reggio Emillia… Về bản chất chúng là giáo-dục-tiến-bộ chứ không phải giáo-dục-tự-do, bởi lẽ vẫn còn phụ thuộc vào những yếu tố tác động khác, như trình độ giáo viên, nội dung học & thời điểm học vẫn là sự áp đặt của người dạy. (Đọc bài của giáo sư Peter Gray để tìm hiểu rõ hơn: https://goo.gl/GEi5yy )
TRIẾT LÝ NỀN TẢNG CỦA UNSCHOOLING (Chị Khánh Thủy nhấn mạnh: nắm được triết lý là điều đầu tiên khi tìm hiểu một cái gì đó, bởi vì đây là cơ sở lựa chọn, không nắm được triết lý sẽ không hiểu cách thức tiến hành và vì sao ta phải tiến hành như thế. Vì không hiểu triết lý nền tảng của unschooling nên phụ huynh có nhiều ngộ nhận & gặp nhiều khó khăn khi thực hiện)
1. Trẻ có khả năng tự định hướng việc học của mình – self-directed. (Về mặt sinh học, chúng ta sinh ra đều có khả năng tự giáo dục, đây là quá trình tự nhiên diễn ra trong suốt lịch sử phát triển của loài người. Bản năng của con người, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, là sự tò mò khám phá thế giới)
2. Trẻ chỉ học tốt nhất khi thực sự hứng thú quan tâm đến một vấn đề.
3. Việc học diễn ra từ tất cả những thứ gì chúng ta tiếp cận trong cuộc sống, học và sống không có ranh giới, cả hai cái đó là một, trường học là cuộc sống.
MÔI TRƯỜNG CỦA UNSCHOOLING. Vai trò của cha mẹ trong Unschooling là tạo môi trường giúp bản năng tự giáo dục của trẻ hoạt động hiệu quả nhất. Đó là một môi trường với 4 yếu tố:
1. Thời gian và sự tự do không giới hạn để trẻ CHƠI và KHÁM PHÁ CUỘC SỐNG. Trong unschooling, chơi tự do cực kì quan trọng.
2. Trẻ có quyền tiếp cận công-cụ hữu hiệu nhất của nền văn hóa mà trẻ đang sống (INTERNET chính là công cụ quan trọng nhất)
3. Trẻ cần được sinh hoạt thường xuyên trong một cộng đồng lành tính (khác độ tuổi, kĩ năng, kiến thức & quan tâm tới nhau)
4. Có người lớn sẵn sàng trả lời các câu hỏi của trẻ & hỗ trợ trẻ trong khả năng.
CÁCH THỨC THỰC HIỆN CỦA CHA MẸ unschooling + tâm linh:
1. Làm gương (tu thân, “Con vào dạ, mạ đi tu”, là tấm gương sống của chân-ngã)
2. Kể chuyện (Telling stories)
3. Tâm tình, trò chuyện, lồng ghép những bài học tâm linh
4. Đọc sách (bản thân cha mẹ cần thường xuyên đọc sách & giúp con yêu thích đọc sách ngay từ nhỏ, đây là công cụ tự-học quan trọng nhất mà con sẽ dùng cả cuộc đời)
5. Cha mẹ cần thường xuyên cập nhật kiến thức về quá trình phát triển tâm sinh lý của trẻ trong mỗi giai đoạn để có cách tiếp cận con hiệu quả nhất
6. Tin tưởng & chấp nhận con, không kỳ vọng kết quả (chắc chắn con sẽ không học theo cách thức và tốc độ mà cha mẹ mong muốn, quan trọng là những gì diễn ra trong đầu trẻ chứ không phải những gì ta thấy ở bên ngoài)
LƯU Ý: mỗi trẻ sẽ có kiểu học khác nhau, đứa thích học theo nhóm, đứa thích học 1 mình, đứa thích đọc sách, đứa thích xem phim, đứa thích trải nghiệm ngoài trời, đứa thích ở nhà… Không có đứa trẻ nào giỏi hay dở. Không có cách học nào tốt hơn cách học nào, chỉ có cách nào phù hợp với trẻ nhất mà thôi.
VÌ SAO CHỌN UNSCHOOLING MÀ KHÔNG LÀ CÁC PP KHÁC?
1. Đây là pp giáo dục thuận tự nhiên nhất
2. Chi phí thấp
3. Không đòi hỏi cha mẹ có kiến thức & kỹ năng chuyên môn
4. Con có được tự do nhiều nhất. (“Con người trước nhất phải là con người tự do. Ý chí tự do là món quà lớn nhất mà cha mẹ dành tặng con” – Doãn Kiến Lợi) — Con tự do, cả gia đình tự do theo.
5. Học tập trở thành̀ niềm vui (vì con chỉ tìm hiểu những gì con thích thú, quan tâm)
6. Con cảm nhận nhiều nhất TÌNH YÊU VÔ ĐIỀU KIỆN của cha mẹ (mẹ gần bên con, xây dựng mối quan hệ chặt chẽ) – tiệm cận nhất với các giá trị tâm linh
Hành trình này là sự tin tưởng tuyệt đối vào con, chấp nhận (acceptance) việc con không nghe lời, con vấp ngã, ta cần kiên nhẫn, tin vào sự thay đổi của trẻ. Trẻ không hư, hoàn toàn không hư, nếu mình là một tấm gương sáng & có đủ niềm tin vào nó. Một đứa trẻ có nền tảng giáo dục tốt không bao giờ “hư”, nền tảng đó có được từ sự yêu thương (sáng suốt), và được cha mẹ tin tưởng, chấp nhận.
Hành trình giáo dục là hành trình có tâm linh soi rọi, luôn hướng đến chân ngã (chân ngã không bao giờ sợ hãi hay lo lắng). Cha mẹ sẽ là 1 farmer – người nông dân (gieo hạt giống tốt vào đất & ngắm nhìn sự trưởng thành của con), chứ không phải là 1 carpenter – thợ gỗ (đục đẽo con thành 1 sản phẩm mà mình mong muốn) vì mỗi con người đều có sứ mệnh sống của riêng mình. Con là con, mình là mình. Con mình không phải là CỦA mình. Mình vẫn còn đang đi tìm bài học của chính mình thì hãy để con đi tìm bài học của chính nó. Giúp con đi được hành trình tâm linh của nó để chính mình cũng có thể đạt được hành trình tâm linh của mình. YÊU THƯƠNG LÀ CHÌA KHÓA CHO TẤT CẢ.
VẬY UNSCHOOLING LÀ PHƯƠNG PHÁP TUYỆT VỜI NHẤT? Không chắc, điều này còn phụ thuộc vào ba mẹ và hành trình của cả hai, quan trọng là cha mẹ cần hiểu mình, hiểu con (với sự định hướng của tâm linh) thì sẽ tự khắc tìm được con đường phù hợp. Nhưng trên hành trình này, cha mẹ luôn không ngừng học tập và trau dồi mỗi ngày, chính cha mẹ cũng phải tu thân và nuôi dưỡng chính mình.
3. Dạy tiếng Anh cho con:
1. Bản thân cha mẹ phải học tiếng Anh đủ giỏi để giao tiếp với con. Mình không thể nào dạy cho người khác những thứ mình không biết.
2. Cha mẹ không giỏi thì cùng học tiếng Anh với con để giúp con có thiện cảm và hứng thú , đây là nền tảng quan trọng để giúp con học tốt tiếng Anh.
3. 2 cách hiệu quả nhất là trò chuyện với con bằng tiếng Anh và đọc sách tiếng Anh cho con, chú ý vào sự tương tác với con.
Tìm hiểu thêm tại bài viết: https://goo.gl/6vh7MF
CÂU HỎI
• Để trẻ tự do, trẻ chơi game miết thì như thế nào?
Thì cứ để trẻ chơi. Chơi game trẻ học được rất nhiều. Chấp nhận unschooling là hoàn toàn đặt niềm tin vào sự lựa chọn của trẻ. Hơn thế nữa, ở lứa tuổi này, chơi là việc quan trọng hơn bao giờ hết, chỉ có thời gian chơi, thời gian rảnh rỗi mới cho trẻ cơ hội sáng tạo và khám phá không ngừng về thế giới xung quanh. Vai trò của phụ huynh là hướng dẫn con, giúp con chọn những game bổ ích, nếu chơi chung với con được thì càng tốt nhưng vẫn để quyền quyết định thuộc về con. Phải nhận thấy một điều là chúng ta càng cố ngăn cấm trẻ tiếp cận với những thứ mà chúng ta nghĩ là xấu thì nó càng khơi gợi sự tò mò trẻ tìm về những điều đó. Trẻ được tự do và tin tưởng thì rồi cũng sẽ nhận thấy chơi game chỉ là 1 trong nhiều lựa chọn khác (con Khánh Thủy rất thích chơi game & được chơi tự do nhưng vẫn thích đọc sách & viết lách nhiều hơn)
• Tài chính của người chọn unschooling?
Chỉ cần đủ sống, thường là 1 người đi làm, 1 người ở nhà với con. Các gia đình unschooling theo đuổi 1 lối sống giản dị, thuận tự nhiên, chi tiêu có ý thức, đề cao những giá trị tinh thần-tâm linh nên không xem trọng vật chất. Ngoài ra, so với gửi con tới trường và đi học thêm các kiểu thì chi phí còn nặng hơn nhiều.
• Unschooling thì phải ra nước ngoài?
Đó là chuyện của tương lai. Unschooling + tâm linh chỉ biết sống trong hiện tại, xây dựng 1 hiện tại bền vững nhất để hướng tới tương lai thông qua tình yêu vô điều kiện & quá trình tu dưỡng không ngừng. Nếu biết sống trong hiện tại, gần với các giá trị cốt lõi nhất của chân ngã, tin tưởng cuộc đời thì cuộc sống sẽ cho ta vô vàn cơ hội không ngờ.
CÁ NHÂN NGƯỜI GHI CHÉP:
• Nếu unschooling thì làm sao kiếm được tiền để sống, đạt được nhiều thành công? Học như thế rồi sẽ lấy cái gì làm thước đo cho nó?
Kiếm tiền để sống thật ra đơn giản lắm. Khi con người ta giảm bớt những nhu cầu cá nhân của mình, thì điều đó đồng nghĩa với việc giảm bớt những yêu cầu hay điều kiện sống cao hơn, con người trở về với những gì tối giản nhất là nhu cầu đủ ăn, đủ mặc. Để trả lời cho câu hỏi này, mọi người có thể xem qua video: Life is easy, Why do we make it so hard
https://goo.gl/QHYbhc và có thêm nhiều góc nhìn mới.
Còn nếu nghĩ về mục đích lớn lao là có nhiều tiền hơn, thì unschooling vẫn đáp ứng được điều đó, khi đưa trẻ được làm điều nó muốn và trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đó. Và chắc chắn, những nghề đó sẽ giúp nó kiếm ra tiền để nuôi sống bản thân (trả lời được câu hỏi làm thế nào để tụi nó có thể kiếm sống)
Dưới góc độ xã hội, chúng ta chẳng thế biết được nghề nghiệp nào có thể cần đến trong vòng 5,10 năm tới. Có những nghề nghiệp mà đôi lúc ta không thế gọi tên, nên dường như lo cho con trở thành ai, kiếm được nghề nghiệp như thế nào dường như không nên trở thành nỗi bận tâm quá lớn vào thời điểm này. Và khi con cái tìm được về chân ngã của chính mình, thì mặc dù xã hội có những biến động như thế nào, đứa trẻ cũng dễ dàng thích nghi.
Nó lại xuất phát từ nỗi sợ hãi. Chẳng có gì nên lấy ra làm thước đo cho sự phát triển của con mình ngoài chính sự trưởng thành mà tự bản thân nó có được. Điều này cũng xuất phát từ nỗi sợ con thua kém người khác (bản ngã), sợ hãi là mình không đi đúng với những lề lối và chuẩn mực xã hội. Khi đặt niềm tin hay kì vọng vào con, cũng là lúc bạn để bản ngã che lấp đi mọi thứ, mong muốn người này phải sống thành công, phải đạt được điều này điều khác, nó không là sự mong muốn từ chính con cái bạn, mà là những ích kỉ cá nhân từ chính bạn. Không phải điều gì bạn nghĩ tốt cũng là tốt cho người khác, không phải điều gì bạn nghĩ phù hợp cũng là phù hợp cho người khác. Ở Unschooling, điều lớn lao nhất mà cha mẹ làm được là cung cấp cho con một môi trường lành tính để con tự khôn lớn, tự té ngã và đứng dây.
• Không tới trường sẽ rất nguy hiểm, tương lai biết như thế nào?
Dường như cha mẹ cũng mất niềm tin là mình không thể giáo dục con. Nó xuất phát từ ngay cả chính vấn đề của ba mẹ khi họ không nhìn nhận được cả sự mong muốn của bản thân mình, nên rất dễ bị hoang mang và cần định hướng từ bên ngoài. Ta cũng cần nhìn nhận lại vị trí của trường học trong xã hội, trường học chỉ là một phương tiện, nếu nhìn tâm linh soi thì chẳng khác gì một nhà tù. Đó chỉ là một sự lựa chọn, bạn vẫn có thể còn nhiều sự lựa chọn khác. Cần phân biệt giữa môi trường học tập và nhà trường. Nhiều người mặc định trường học là không gian học tập duy nhất, nhưng không, bên cạnh trường lớp, trẻ vẫn hoàn toàn có thể gia nhập những cộng đồng tự học, những nhóm học tập khác nhau để tìm hiểu về thứ chúng muốn.
• Không đến trường vậy sẽ không có cái gọi là thầy cô, không có cái gọi là bạn bè, kỉ niệm và nhiều khi ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp của đứa trẻ?
Thật ra unschooling hay homeschooling không phải là hoàn toàn không đến trường, trẻ vẫn có thể đến tham gia các khóa học, lớp học chuyên môn, môi trường giao tiếp không hề bị bó hẹp mà mở rộng hơn, với nhiều dạng đối tượng hơn, các lớp học tập cộng đồng, các bạn đồng trang lứa, và ngay cả các anh chị lớn, các cô chú lớn đều có thể là bạn cùng lớp với bé. Hơn nữa, khả năng giao tiếp không nằm ở việc bé bắt chuyện được với bao nhiêu người lạ, mà nằm ở việc bé nhìn nhận và thấu hiểu suy nghĩ, lời nói của người đối diện như thế nào.
NHỮNG TÁC GIẢ NỔI BẬT
Peter Gray (giáo dục) – Free to learn
Eckhart Tolle (tâm linh) – Thức tỉnh mục đích sống, Sức mạnh của hiện tại
Gina Lake (tâm linh)
Thích Nhất Hạnh (tâm linh)
Doãn Kiến Lợi (giáo dục)
Unschool Vietnam (facebook)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét