"Home là bộ phim tài liệu của đạo diễn Yann Arthus-Bertrand ra mắt vào ngày 5/6/2009 vừa qua nhân Ngày môi trường thế giới. Bộ phim được quay trong vòng 18 tháng với một chiếc máy quay Cineplex. Phim đã lập kỷ lục công chiếu trên hơn 50 quốc gia, trên TV, DVD và Youtube.
Nếu những ai đã từng mê những bộ phim khoa học về môi trường thì không thể bỏ qua phim này. Đó là câu chuyện về một Trái Đất sơ khai, một Trái Đất – mái nhà chung của muôn loài, và một Trái Đất đứng trước biết bao thảm họa do con người gây ra. Chúng ta là ai mà dám cướp đi những gì thiên nhiên ban tặng cho mọi loài? Những cảnh quay hoành tráng trong phim đẹp đến nghẹt thở, mở ra trước mắt một hòn đảo giữa vũ trụ bao la, một thiên đường của muôn loài chứ không riêng gì con người."
Lần đầu tiên trái đất trở thành “chủ thể” trong phim
Tính “độc đáo và đặc biệt” của Home thể hiện ở chỗ đây là bộ phim tài liệu đầu tiên của thế giới làm về đề tài trái đất, như một chủ thể, nhân vật duy nhất, khai thác, phản ánh, phát hiện về nó một cách sâu sắc theo đúng thực tế, từ không trung.
Chúng ta đã từng được xem nhiều bộ phim truyện có hình ảnh được quay trên cao, qua núi, biển, thành phố theo “điểm nhìn” của nhân vật chính lái/ đang ngồi máy bay, đa số các cảnh quay ấy lấy hình ảnh từ trên cao như một bối cảnh của truyện phim hoặc để “phô diễn” kỹ thuật, nghệ thuật quay phim, hoặc “khoe” phong cảnh của thành phố, đất nước ấy.
Một số phim khác của Mỹ, Nga theo thể loại khoa học viễn tưởng, cho nhân vật bay ra ngoài vũ trụ, có cảnh thám hiểm mặt trăng hoặc di chuyển như “bay” trong tàu hoặc ngoài tàu con thoi. Đó là kỹ xảo, vì thực tế chưa có đoàn làm phim truyện nào đưa diễn viên lên diễn xuất trên thiên hà...
Để ra ngoài quỹ đạo Trái Đất, ngày nay, ngoài các phi hành gia làm công tác khoa học vì tương lai loài người, đã có “dịch vụ du lịch siêu đẳng” cho các tỷ phú thám hiểm.
Chị Lê Tuyết Nhung, vốn yêu điện ảnh, lại được phụ trách điện ảnh của Trung tâm Văn hóa Pháp đã dịch phim là Trái đất - ngôi nhà chung, một nhan đề chuẩn và ý nghĩa. Chưa ai đi hết thế giới này và chắc chắn hiếm người được ngắm nhìn thế trái đất từ trên không.
Khổng lồ mà không dàn trải
Thực hiện hơn 2 năm, đây là kết quả của một dự án làm phim khổng lồ, được quay trên không phận, lãnh thổ của 54 nước. Đây là tác phẩm gây chấn động và có một không hai, lay động hàng trăm triệu người trên thế giới để họ biết yêu trái đất này và hành động thiết thực.
Phim có “toàn cảnh” theo ý nghĩa bao quát: đi qua tất cả các châu lục với các bối cảnh đa dạng: lòng đại dương, mặt biển, sông hồ, mặt đất, núi, cùng đủ loại sinh vật sống ở các tầng sinh quyển. Sự công phu không chỉ ở hình ảnh, mà còn ở lời bình.
Ngôn ngữ hình ảnh giàu sức biểu hiện, cực kỳ ấn tượng, đưa người xem qua mọi cảm giác đang trầm trồ mê hoặc vì cảnh đẹp lại giật mình vì nhiều khuôn hình nhức nhối, đau xót. Rừng cháy, những con voi chạy hốt hoảng, rống thảm thiết, biển dầu loang, cá chết, những người phụ nữ Tây Ấn Độ đày ải dưới nắng đào giếng nước.
Phim đồ sộ về tầm vóc, khối lượng hình ảnh phong phú, mà không hề dàn trải. Các cú lia dài qua biển nối liền ngay với cận cảnh bến cảng, tàu cá, những con cá phơi xác, ống kính telezoom xa - rừng nguyên sinh Amazon, tiếp sau là cảnh phim tan tác, rừng cháy. Tất cả liên tục cuộn trào, dâng cao như những lớp sóng, mà cao trào của nó đánh thẳng vào kẻ có tội: con người. Tư duy dồi dào với lối dựng phim hiện đại, nhiều xúc cảm, đã khiến khán giả chăm chú theo dõi từ đầu đến cuối.
Đặc thù của những con số ở đây là thống kê. Các tác giả đã kỳ công tổng kết và đưa chúng ra một cách đích đáng. Xem phim, ta nhận thấy, phải biết ơn, nâng niu sinh vật nhỏ quanh mình, mỗi loài đều có chức năng cho sự sống chung, mà mất nó là mất dần sự cân bằng sinh thái.
Xem phim, ta hoảng sợ vì những gì chúng đã tàn phá, không biết nghĩ cho thế hệ con cháu sau này. Xem phim, ta nhói đau trước đồng loại xa xôi đói khổ đang sống mòn thiếu thốn; những loài thực vật, động vật vĩnh viễn không tồn tại.
Tôi đã nghĩ, Y.Bertrand nếu không là tỷ phú thì cũng làm trong ngành hàng không, mới có điều kiện thực hiện bộ phim kỳ công này. Hóa ra, ông là nhiếp ảnh gia tự do. Sinh 13/3/1946 tại Paris, Y Bertrand được biết đến là một phóng viên, nhà báo luôn đấu tranh bảo vệ môi trường.
Không phải tỷ phú, Yann bỏ tiền túi để thực hiện các cuộc chụp trên không, rồi bán ảnh. Những bức ảnh gây tiếng vang, ông lại được tài trợ, để ông chụp tiếp. Và ông đã làm tập sách ảnh Địa cầu nhìn từ không trung, với 3 triệu bản bán khắp thế giới.
Dự án phim khổng lồ Home, được chuyển thể, lấy cảm hứng từ tập sách ảnh trên, do Yann đạo diễn, vừa viết KB và lời bình chính bởi kinh nghiệm, sự am hiểu qua nhiều chuyến bay và hơn hết là tình yêu cuồng nhiệt với cuộc sống.
Thật thú vị, khi cùng ngày 5/6 phim được chiếu miễn phí tại 100 nước. Ở Hà Nội, hội trường, sảnh L’Espace chật kín, nhiều người ngồi bệt xuống sàn gỗ hoặc đứng suốt 90 phút.
Còn ở Paris, phim chiếu ngoài trời, ngay cạnh tháp Eiffel. Tại Mỹ, phim chiếu miễn phí cho đông đảo khán giả trên màn hình lớn tại Công viên trung tâm New York, Viện nghệ thuật Đương đại Boston. Những người không đến được các điểm công cộng, có thể xem qua Internet, truyền hình DVD, qua web: www.goodplanet/homepress. Có 2 bản phim 90 phút để phát truyền hình và chiếu ngoài trời, bản 2 tiếng để chiếu rạp.
Lần đầu tiên, tại VN, được xem bộ phim có phần générique dài như thế. Trên màn ảnh, tên hàng ngàn người “chạy” bên phải, bên trái là tên và hình ảnh 54 nước, lần lượt theo thứ tự alphabet. Cả phòng chiếu vỗ tay, khán giả của nhiều nước khác màu da bên nhau thân thiện.
Home đã có sức liên kết như thế đấy, từ lúc phim chưa chiếu đến lúc rời phòng chiếu. Màn ảnh hiện tên nước nào mà có khán giả nước đó, những tràng vỗ tay lại rộ lên. Ở Đông Nam Á, đoàn phim quay Indonesia, Thái Lan, không có VN, rất tiếc mà không hiểu tại sao?!
Bộ phim ngốn 10 triệu euro. Nhà sản xuất là một ĐD lớn của Pháp và thế giới Luc Besson, người từng tuyên bố “chống lại Hollywood bằng việc không sang Mỹ làm phim”. Trong đội ngũ viết KB (4 người) còn có một cái tên Việt Nam Yen Le Van. Phần lời bình (3 người) có thêm Tew Fik Fares bên cạnh Isabelle Delanoy (kiêm tham gia viết KB).
Hơn 30 năm trước, Dương Tường đã dịch truyện ngắn tuyệt vời Tuyết trên đỉnh Kilimanjaro của E.Hemingway. Giờ đây, Home cho biết: sắp tới, đến đỉnh núi châu Phi kia sẽ không còn tuyết nữa, tuyết tan cả trên các đỉnh cao nhất của Himalaya. Băng ở Bắc cực mỏng dần và tan, nước biển sẽ dâng, 11/15 thành phố lớn nhất thế giới xây dựng gần sông, biển sẽ phải di dân với 200 triệu người đổi chỗ ở...
Những phong cảnh nên thơ, những cánh đồng ngát xanh, ruộng bậc thang vàng óng, hoa trải dài ngút mắt những thành phố chọc trời rực sáng... là những bức tranh lộng lẫy dựng cùng núi lửa, rừng cháy rụi, biển chết - những “bảng màu loang” của bức tranh tương lai báo động toàn cầu. Tất cả như “chết lặng”, rồi bùng lên tiếng vỗ tay khi phim kết: “Còn chờ gì nữa? Hãy cùng nhau hành động vì trái đất”.
Báo chí Pháp đánh giá cao tác phẩm này của Bertrand. Hãy nghe tâm sự của đạo diễn, ông không nói về tác phẩm mà nói về thông điệp của phim: “Bây giờ mỗi người phải hành động! Điều quan trọng không phải 50% những cánh rừng đã biến mất, mà là 50% còn lại. Chúng ta có 6 tỷ trí tuệ. Bộ phim giúp chúng ta hiểu, tất cả phải có trách nhiệm và hành động ngay, theo cách, tầm của mình”. Y.Bertrand muốn cảnh tỉnh, đánh thức mọi người, hãy chấm dứt những lời đẹp đẽ mà không làm gì cả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét