Cộng hòa, Plato – Tinh hoa trí tuệ trường tồn qua 2000 năm cát bụi thời gian
“Ngô bối phải học đừng ôm thương tích, đừng phí phạm thì giờ khóc lóc, như trẻ con lao đầu vào nhau, mà phải luôn huấn luyện tâm trí băng bó thương tích, điều chỉnh lỗi lầm càng sớm càng quý, trừ khử nỗi buồn bằng chữa trị.”
Cộng hòa là một tác phẩm để đời của nhà triết học được nhiều người xem là vĩ đại nhất mọi thời đại – Plato, kể về cuộc đàm luận triết học của thầy mình – Socrates cùng những triết gia đương thời khác. Tất nhiên, tác phẩm thể hiện tư tưởng của Socrates nhưng thực chất nó đang ẩn giấu tư tưởng của Plato vì nội dung cuộc đàm thoại này được Plato viết nên sau khi người thầy đáng kính Socrates đã qua đời.
Tôi đã mất gần 20 ngày để đọc xong cuốn sách này – thời gian lớn kỷ lục từ trước tới nay trong sự nghiệp đọc sách của bản thân. Tính ra, Cộng hòa có khoảng 656 trang nội dung chính thức (trừ đi lời mở đầu và giới thiệu về tác giả), nếu đọc lên thành tiếng như đang trong cuộc nói chuyện thông thường thì trung bình 1 trang tốn 1 phút 15 giây, suy ra toàn bộ cuộc trò chuyện kéo dài khoảng 13,6 giờ đồng hồ, tức là liên tục từ 9h sáng đến gần 11h đêm không ngừng nghỉ(!)
Nếu chứng kiến những người tham gia nói lặp đi lặp lại một chuyện ở cùng một khía cạnh trong ngần ấy thời gian thì có lẽ tôi đã lạc vào buổi tiệc trà mát mẻ của các triết gia Trâu Quỳ. Nhưng điều đáng nói ở đây đó là một chủ đề được cày xới tường tận từng ngóc ngách không hề trùng lặp nhau suốt hơn 13 tiếng thể hiện sức mạnh ý chí và sự uyên bác phi thường của các triết gia. Đấy là ta hình dung họ như các nhân vật trong tác phẩm. Còn thực tế, ta có thể dễ dàng nhìn ra sự công phu của Plato trong việc mài dũa nội dung và điều tiết cuộc hội thoại của cùng lúc nhiều bộ óc vĩ đại. Ông không những vào vai thầy mình là Socrates mà còn vào vai những người phản biện/ủng hộ ngài ấy.
Triết phẩm này tồn tại được khoảng 2500 năm, sánh ngang với chiều dài tồn tại của Phật Giáo. Những nội dung đã vượt qua được hàng thiên niên kỷ mà vẫn trụ vững giữa cát bụi thời gian thì xứng đáng được coi là kho báu của nhân loại, còn tác giả chắc chắn thuộc bậc vĩ nhân kiệt xuất, ngàn năm mới có một người.
Nội dung chính của tác phẩm bàn luận về định nghĩa công bình chính trực, lợi ích của nó đối với thành quốc, thế nào là người công bình chính trực và phần thưởng dành cho những người công bình chính trực là gì. Nghe tựa đề Cộng hòa, người ta có thể nghĩ về nội dung sẽ nói đến xã hội cộng hòa, thể chế cộng hòa, nhưng trong nội dung không có gì liên quan đến cộng hòa cả. Đây là một chi tiết tạo dấu ấn khác biệt, đáng nhớ cho tác phẩm lẫy lừng này.
Xuyên suốt cuộc đàm thoại, Socrates luôn chú trọng mối liên hệ giữa vật chất và tinh thần, giữa cá nhân và tập thể; sự bình đẳng trong việc lựa chọn nhân tài; tầm quan trọng của triết học và triết gia trong sự hưng thịnh của một thành quốc. Ông hết sức đề cao giá trị của việc giáo dục không chỉ về mặt học thuật mà còn về tư tưởng, đạo đức và lối sống. Đặc biệt, ông tuyệt-đối-không-dung-túng cho sự tiêu cực, phóng đãng hay sự tư hữu cá nhân xuất hiện trong thành quốc dù ở bất kỳ hình thức nào dù là vô tình hay hữu ý.
Ở đây, Socrates đã chỉ ra được bốn phẩm chất cấu thành nên công bình chính trực là: Trí tuệ, can đảm, tiết độ và công bình. Ngoài ra, nội dung cuộc đối thoại đề cập đến cách xây dựng thành quốc hoàn hảo dựa trên nền tảng công bình chính trực (dưới sự cai trị của quân vương triết gia), sự hình thành và phát triển các thể chế chính trị trong mối liên hệ với tâm lý con người trong thành quốc; và cuối cùng là sự bất tử của linh hồn.
Phảng phất trong cuốn sách, ta có thể thấy được nỗi cô đơn và sự bất mãn của bậc thầy triết học đối với cơ chế xã hội đương thời coi thường những hiền nhân kỳ tài mà trọng vọng những kẻ mải mê làm tiền, đánh rơi đạo đức.
“…Triết gia hạng sáng giá vượt bực là đồ vô dụng với đa số nhân dân, đồng thời yêu cầu người đó nếu nói vô dụng thì đừng chê bai người sáng giá mà chê bai người không sử dụng người sáng giá.”
Socrates đã sử dụng phương pháp suy luận logic để tìm ra bốn đặc điểm của công bình chính trực. Ông quan sát thế giới xung quanh (từ việc nhuộm vải, đóng tàu, chữa bệnh, canh gác, chăn nuôi, xây dựng, thậm chí cả việc trộm cắp) để tổng kết lại quy luật vận động chung của chúng. Không chỉ dừng lại ở khả năng am tường lý luận và thấu hiểu bản chất các hiện tượng cuộc sống, ông còn thể hiện kiến thức chuyên môn sâu sắc ở rất nhiều lĩnh vực học thuật, như: Toán học, vật lý, tâm lý học, thần học, chính trị, thiên văn, văn học – nghệ thuật, v.v… Có thể nói ở đây, Socrates (hay Plato) là bậc thầy trên thông thiên văn dưới tường địa lý, một vĩ nhân với bộ óc và tầm nhìn xuất chúng.
Các nội dung trong triết phẩm Cộng hòa có nhiều sắc thái tương đồng trong đạo Phật khiến người đọc không khỏi ngỡ ngàng, như: Tính không, con đường trung đạo và sự trai giới. Tính không tương đương với phẩm chất công bình – điều quan trọng nhất để 3 phẩm chất đầu tiên là trí tuệ, can đảm và tiết độ được tồn tại mà không nhúng chân vào lãnh địa của nhau. Con đường trung đạo thể hiện ở lối sống kỷ luật, tiết độ, tránh xa cực đoan, phóng đãng. Còn sự trai giới thể hiện trong cách giáo dục đàn ông và đàn bà trong thành quốc: Không tà dâm (quan hệ vợ chồng bừa bãi), không nói dối, không uống rượu và các chất gây say, không trộm cắp (tư hữu vàng bạc, của cải riêng tư, là tài sản là của chung thành quốc). Ngoài ra, Cộng hòa cũng đề cập đến các nội dung về luật hấp dẫn (đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu) và quy luật nhân quả báo ứng.
“Chức năng của nhiệt không phải làm cho mọi vật lạnh, mà là chức năng của đối lập của nhiệt. Chức năng của khô không phải làm cho mọi vật ướt, mà là chức năng của đối lập của khô. Như vậy, làm hại con người không phải chức năng của người tử tế, mà là chức năng của đối lập của người tử tế.”
Những lý luận và phân tích của Socrates cực kỳ tinh anh, sắc sảo và thẳng thắn, các luận điểm dường như không thể tìm được kẽ hở. Ông phản biện và chứng minh luận điểm của mình chủ yếu bằng phương pháp loại suy, ngoài ra còn chứng minh bằng mệnh đề tương phản (phủ định), phương pháp tổng hợp, quy nạp, suy luận trực tiếp. Bên cạnh đó, Socrates còn dùng nhiều hình ảnh ẩn dụ, ngụ ngôn, biểu tượng. Tất cả các ngóc ngách của tâm trí được lật tung cày xới, những rối nùi được tháo gỡ một cách ngoạn mục và trí tưởng tượng được thúc lên một tầm cao mới.
“Chúng gọi hổ thẹn là ngu đần, đẩy hổ thẹn vào vòng tủi nhục, lưu vong; chúng gọi tự chế là hèn nhát, thẳng tay vấy bùn bôi nhọ bêu xấu, rồi tống khứ; chúng thuyết phục người thanh niên tiêu pha đắn đo, đúng mức là quê mùa, bần tiện; chúng kêu gọi hằng hà sa số thèm muốn vô dụng đến trợ giúp để xua đuổi tằn tiện, tiết độ khỏi biên cương.”
“Sau khi khoét rỗng, tẩy sạch tâm trí nạn nhân, sẵn sàng long trọng đón nhận lễ nghi truyền thụ huyền bí, bây giờ chúng triệu gọi quá độ, hỗn loạn, hoang phí và xấc xược từ cõi lưu đày trở về. Nhanh như chớp chúng choàng hoa tất cả rất ư lộng lẫy, diễn hành tất cả rất ư trang trọng, tùy tùng theo sau tấp nập, dồn dập. Chúng ngợi ca tất cả, mệnh danh bằng tên hoa mĩ; xấc xược chúng gọi là nho nhã, buông thả là tự do, hoang phí là hào hiệp, trơ trẽn là can đảm. Quý hữu có đồng ý đó là cung cách vì còn trẻ dại thanh niên thay đổi từ người được nuôi dạy giữa thèm muốn cần thiết thành người buông thả, đắm chìm trong thú vui vô ích, không cần thiết không?”
Các lý luận và chứng minh của Socrates vô cùng chặt chẽ, các luận điểm của các bậc triết gia cùng đàm luận bị soi đến tận chân tơ kẽ tóc và bị bẻ gãy từng chút từng chút một. Những vị đó cứ gật gù xuôi theo bậc vĩ nhân đang phản biện mình rồi đến cuối cùng không hiểu mình đã sai ở đâu vì lời kết luận của Socrates hoàn toàn thuyết phục – thứ đối ngược tuyệt đối với luận điểm ban đầu mà các vị kia nêu ra. Ai nấy cũng đều bối rối và ngả nón thán phục. Tuy nhiên, cũng có những kẻ dùng lời lẽ ngụy biện, khích bác, châm chọc, lý sự cùn, thiếu dẫn chứng, lắt léo không tỏ ý xây dựng cũng bị Socrates soi thấu tận tim đen nên buộc phải thoái lui, quy hàng.
Nếu không bàn gì đến nội dung công bình chính trực, thì ta có thể gọi cuộc đàm luận này là một pháp đường truyền đạt những điều tinh hoa tổng hợp nhất về bộ môn logic, là một đấu trường thượng đẳng về tư duy lý luận. Ở đây, nội dung cuốn sách không chỉ nói tới những mặt lợi ích của việc suy luận logic, mà còn nói về mặt trái của nó khi sử dụng không đúng cách (sẽ làm gia tăng ngã mạn trong những kẻ miệng lưỡi chèo chống và thúc đẩy sự cạnh tranh, đối chọi hơn là cùng nhau thảo luận tìm ra sự thật.)
Những người quen với xu hướng nói chuyện cảm tính, cảm giác, không đi vào trọng tâm thì khi đọc Cộng hòa sẽ bị dội ngược ra ngoài vì chức năng phân tích của bộ não phải huy động hết công suất. Khối lượng thông tin cần xử lý là khổng lồ, đặc biệt trong suy luận logic, chúng cần phải được liên kết với nhau chặt chẽ. Để duy trì được một mạng lưới luận điểm dày đặc, vi tế mà không bỏ sót những kẽ hở của chúng, người tham gia phải có một tư duy sắc bén, trí nhớ siêu phàm và óc tưởng tượng đa chiều bậc cao. Đọc Cộng hòa mà không bị đau não, người đó chắc hẳn là Plato rồi.
Trải qua triết phẩm lừng lẫy này, tôi nhận thấy khả năng suy luận logic của mình chỉ là một hạt cát giữa sa mạc. Có những câu, những đoạn, rõ ràng là viết bằng tiếng Việt mà tôi phải đọc đến năm bảy lần mới hiểu được nó đang nói về điều gì. Thậm chí có lúc đọc lại nhiều lần rồi mà không thể nắm bắt nổi nữa, tôi buộc phải bỏ qua để sang nội dung tiếp theo. Mà khổ nỗi, nội dung tiếp theo lại liên quan mật thiết với những gì tôi để dở dang trước đó, nên thành ra lỗ hổng trong việc nắm bắt ý tứ tác giả muốn truyền đạt càng lúc càng lớn.
Tôi thấy mình như một kẻ phàm nhân ngu dốt lạc vào giữa buổi trà đạo của các tiên ông trên cõi trời cao quý. Lời nói của các tiên ông toát ra khí chất siêu phàm thu hút tôi ở lại lắng nghe, dù đôi lúc, vận công não bộ đến mức tối đa, tôi vẫn không hiểu các ngài ấy đang nói gì. Có lẽ, đây là tác phẩm đầu tiên từ trước đến nay khiến tôi có thể trụ lại bằng mọi giá dù biết chắc chắn rằng mình chỉ nắm bắt được 1/1000 tinh túy gì đó mà thôi. Mua một quyển sách chưa tới 200 ngàn mà được dạt về bối cảnh hàng trăm năm trước công nguyên, ngồi quanh đâu đó dỏng tai lên nghe các thánh nhân đàm đạo cũng là một cái giá quá rẻ.
Cuốn sách được liệt vào hàng tinh hoa nhưng không phải tất cả những nội dung ở đó đều dễ dàng được tán đồng và chấp nhận đối với con người thời đại ngày nay. Đơn cử như việc mang thai và sinh sản của người phụ nữ là việc chung để phục vụ thành quốc, đứa con là tài sản chung, không phải của riêng bố mẹ, chúng sẽ được tách ra khỏi bố mẹ để đi rèn luyện trong trường riêng. Trong hôn nhân, việc quan hệ vợ chồng là rất hạn chế, sinh sản chỉ phục vụ mục đích tạo ra thế hệ đời sau, chứ không phải để thỏa mãn nhu cầu tình dục. Đặc biệt trong việc gây giống phải là sự kết hợp giữa những cá thể bố mẹ tốt nhất để sinh ra những đứa con hoàn mĩ nhất. Còn những đứa con dị dạng, yếu kém sẽ bị loại bỏ. Trong đời sống cá nhân, con người phải tuyệt đối thanh đạm, chỉ duy trì nhu cầu sinh hoạt tối thiểu để tồn tại, không tích trữ của cải để hạn chế sự đau khổ gây ra do của cải, và tạo nên sự chênh lệch giàu nghèo.
Đọc cuốn Cộng hòa, tôi cũng học được thêm rất nhiều từ/cụm từ mới giàu hình ảnh trong Tiếng Việt nhờ dịch giả Đỗ Khánh Hoan đầu tư công phu, VD như: Tuổi hạc trăng khuya (về già), nô tỳ nhà tắm (dung tục, thô thiển, bỗ bã), tung mảnh sấp ngửa (phát biểu liều, không rõ căn nguyên), ngắt trái cười còn xanh (kém khôn ngoan), v.v…
Tuy nhiên, các đại từ nhân xưng (ngô bối, tiểu điệt, quý nhân, bỉ phu, tiện nhân, bản nhân, tiên sinh, quý hữu) được sử dụng trong cuốn sách này khá rắc rối và lạ lẫm so với giao tiếp thông thường nên gây ra không ít khó khăn cho cá nhân tôi trong việc phân định ai là người đang phát biểu và người này đang nói về chính mình hay đang nói với đối phương.
Cuốn sách vẫn xuất hiện những lỗi đánh máy rải rác, nhưng lần này do không muốn bỏ lỡ nội dung “nặng đô” của Cộng hòa chỉ vì để ý đến những tiểu tiết hình thức nên tôi bỏ qua hết nhược điểm này. So với độ vĩ đại của tinh thần tác phẩm dung chứa thì những sai sót kia chỉ là cát bụi ngoài da, không đáng đếm xỉa.
Có lẽ, tôi phải mất cả đời trau dồi thêm kiến thức, kinh nghiệm và trí tuệ rồi đọc đi đọc lại triết phẩm này nhiều lần thì mới có cơ may nắm bắt được sâu sắc hơn những nội dung nó truyền đạt. Lần đầu tiên khi review một tác phẩm, tôi cảm thấy mình không xứng đáng để được đưa ra nhận xét về nó. Mọi thang điểm của tôi vỡ vụn khi đứng trước tuyệt phẩm Cộng hòa. Nếu tiếp tục mang thang điểm đó ra dùng thì sẽ chẳng khác gì trò cười cho thiên hạ, tôi sẽ trở thành một tên hề đang lấy con kiến để đo đạc một con khủng long vậy.
Nếu bạn là một kẻ khao khát vẻ đẹp chân chính, trí tuệ đích thực và sự thật tối hậu thì Cộng hòa của Plato là điểm dừng chân hoàn hảo cho cuộc kiếm tìm, bất kể chóng vánh hay lâu dài. Còn bây giờ, tôi xin được khép lại cuộc du ngoạn táo bạo của mình tại đây bằng một đoạn trích tâm đắc nhất trong triết phẩm này. Nó nói về việc cai trị thành quốc nhưng theo tôi nó đang ngầm ngụ ý về việc tu luyện chính mình của con người.
“Thật sự là nếu muốn có thành quốc cai trị tốt đẹp xuất hiện, quý hữu phải tìm cho người cầm quyền tương lai cuộc đời tốt đẹp hơn việc cầm quyền. Vì chỉ khi đó và chỉ ở đó thôi, quý hữu mới có chính quyền do người giàu có thực sự điều khiển, nghĩa là, giàu có không phải về vàng bạc, mà giàu có về khả năng đem lại hạnh phúc, sung sướng, thảnh thơi cho cuộc đời và con người. Trái lại, trong việc trị nước, nếu quý hữu để bọn nghèo đói, thèm khát lợi ích riêng tư cầm quyền, tưởng tượng vị thế ưu tiên, thầm nhủ quyền bính vô hạn, họ sẽ chộp vồ, vơ vét của cải con người thèm muốn, quý hữu sẽ không có thành quốc cai trị tốt đẹp hiện hữu. Khi quyền hành trở thành đối tượng cần giành giật, đó là chiến tranh, đó là nội chiến, chiến tranh trong gia đình, họ tìm cách giết lẫn nhau, mâu thuẫn nội tại hủy hoại cả họ lẫn xứ sở.”
Nguồn: https://triethocduongpho.net/2018/07/14/thdp-review-cong-hoa-plato-tinh-hoa-tri-tue-truong-ton-qua-2000-nam-cat-bui-thoi-gian/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét