Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2019

Thiền Quán

Tác giả: Không Không

Thực hành Thiền Quán để thấy được rung động của Tâm và các Thể.

Giới làm nền tảng cho định
Định hỗ trợ cho tuệ
Tuệ diệt trừ vô minh.

Thiền quán, hay còn gọi là thiền tuệ, giúp hành giả thấy được sự thật như nó là, giúp trí tuệ tăng trưởng, dần dần dẫn đến giác ngộ, giải thoát.

Bài viết này xin giới thiệu sơ qua cách thực hành để thấy được rung động (hay sinh diệt) của tâm và các thân thể, thấy được sự vô thường, khổ, vô ngã của chúng, từ đó buông bỏ dần dần dính mắc giữa tâm và các thân thể, nhờ đó mà khổ đau sẽ dần dần được loại trừ. Tuy vậy, để chứng nghiệm được Niết Bàn và diệt trừ hoàn toàn khổ đau, thì cần nhiều hơn là phương pháp thực hành này.


Trước khi thiền quán nên thiền định, tức là nhập vào cận định hoặc một bậc thiền nào đó, khi đó tâm được tập trung, thanh tịnh, nhờ vậy mà quá trình thiền quán sẽ rõ ràng, sáng suốt hơn, đi sâu vào bản chất sự vật hơn.


Khi thực hành thiền quán mà tâm còn nhiều vọng tưởng, còn nhiều tư tưởng lăn xăn chạy trong đầu, thì sẽ rất khó để thấy sâu xa bản chất của sự vật, sẽ khó thấy sự thật như nó là. Thiền định giúp áp chế niệm tượng rất tốt.

Bài thực hành này nên thực hành thứ tự theo từng bước, từ thân xác đến cảm xúc, đến tư tưởng và đến tâm. Hay còn gọi là thể xác, thể vía, thể trí và tâm. Càng lên cao các thể càng thanh nhẹ và càng rung động nhanh hơn, vật chất cấu tạo nên chúng cũng thưa thớt và rời rạc hơn. Muốn thấy được cái rung động cao thì trước tiên ta phải thấy được cái rung động thấp.

Thứ tự thiền quán:
1. Quán thân (thể xác)
2. Quán cảm thọ (thể vía)
3. Quán tư tưởng (thể trí)
4. Quán tâm

I. QUÁN THÂN

Như tôi đã từng giới thiệu, toàn bộ thân xác chúng ta chỉ bao gồm 4 yếu tố, đó là:
- Chất đặc (đất)
- Chất lỏng (nước)
- Chất khí (gió)

- Chất ether (lửa)



Khi thực hành thiền quán, ta dùng tâm để ghi nhận/cảm nhận/nhận biết rung động của chúng thông qua các đặc tính sau đây:


1. Chất đặc: cứng và mềm
2. Chất lỏng: chảy và kết dính
3. Chất khí : vận động và lưu chuyển
4. Chất ether : nóng và lạnh, năng lượng hút và năng lượng đẩy trong cơ thể.


-Đầu tiên ta cảm nhận đắc tính cứng của răng hay của xương chẳng hạn. Sau đó, phát triển đặc tính cứng này ra toàn thân. Phải thấy được nó có ở toàn thân, chứ không phải chỉ có ở trên những bộ phận đặc cứng như ta thường nghĩ. Sau đó, cảm nhận đặc tính mềm trên toàn thân, rồi đến đặc tính chảy....đến đặc tính đẩy cuối cùng.



-Chánh niệm liên tục 10 đặc tính này trên toàn thân, cho tới khi nào ta có thể thấy cả 10 đặc tính trên toàn thân gần như trong cùng một lúc. 



-Giữ nó trong vòng nửa tiếng ta sẽ thấy thân được an tịnh và ánh sáng rực rỡ phát sinh, khi ấy ta đạt được cận định.


Lúc này, thể xác ta, cái mà ta thường chấp là một khối, giờ đây vỡ ra thành vô số hạt phân tử tròn nhỏ rung động liên tục, được gọi là các phân tử thể xác. Lúc này ta cảm nhận/thấy/nhận biết được rung động của các phân tử thể xác.


-Sau khi thấy được rung động của các phân tử thể xác, ta thấy rằng cả 10 đặc tính này cũng đều có trên cùng 1 phân tử riêng lẻ. Do đó, tiếp tục duy trì 10 đặc tính này trên các phân tử riêng lẻ trên toàn bộ thân xác (có hàng tỷ phân tử nhỏ bé này trên thân thể chúng ta).


-Duy trì ghi nhận liên tục trên chúng, ta sẽ thấy các phân tử này lại vỡ ra thành nhiều hạt nhỏ bé hơn, rung động nhanh hơn và nhẹ nhàng hơn, tôi gọi nó là các nguyên tử thể xác.


Sau khi thấy được các hạt nguyên tử thể xác, ta quán sát các tính chất của chúng như sau:



1. Các hạt nguyên tử thể xác này luôn sinh diệt (rung động) và thay đổi không ngừng, cho nên chúng là vô thường.



2. Các hạt nguyên tử thể xác này luôn bị sinh diệt và thay đổi, luôn chịu bức bách bởi sinh diệt và thay đổi, chúng không thể ngừng sự sinh diệt của chúng lại được, chúng không thể ngừng sự thay đổi của chúng lại được, nên chúng là khổ.


3. Vì chúng luôn luôn sinh diệt và luôn bị bức bách bởi sinh diệt, ta không thể ngừng tiến trình này lại được, ta không thể làm gì với sự sinh diệt, sự thay đổi của chúng, cho nên chúng là vô ngã, không phải là của ta, không phải là ta, không phải tự ngã của ta.


-Sau khi quán sát thấy được tính vô thường, khổ, vô ngã của các hạt nguyên tử thân xác trong thân thể mình, ta cũng cần phải quán sát được rằng các vật chất thuộc cõi hạ giới , các vật chất thuộc cõi hạ giới của toàn bộ vũ trụ, cũng được cấu tạo bởi các nguyên tử thể xác và cũng có tính chất vô thường, khổ, vô ngã như vậy. 



-Rồi tiếp tục, ta cũng phải quán sát thấy rằng, các vật chất này, dù quá khứ, hiện tại hay vị lai, cũng đều có tính chất tương tự như vậy.


Đến đây, ta có thể chấm dứt phần quán Thân.

***Ta biết rằng vạn vật trong vũ trụ này là thay đổi và chuyển động không ngừng, bản chất của chúng là như vậy. Dù bạn có ý chí và có sức mạnh đến đâu, bạn không thể nào dừng sự thay đổi của chúng. Cái mà ta thấy vật chất đứng yên, thực chất chỉ là hình ảnh do mắt ta nhận được, chứ không phải là bản chất của vật ấy. Một vật, dù là bất cứ thứ gì trong vũ trụ này, sẽ không bao giờ có thể đứng yên một chỗ. Nếu vũ trụ này đứng yên 1 giây khắc nào, thì nó sẽ bị tan rã ngay lập tức.

Thân ta, cũng như các vật chất bên ngoài (sắc uẩn), được cấu tạo bởi những nguyên tử vô cùng nhỏ bé và thay đổi liên tục, cho nên thân ta và các vật chất cũng sẽ thay đổi liên tục. Nếu ta muốn chúng ngừng thay đổi, điều này là không thể nào. Cho nên, buông bỏ dính mắc với chúng là điều nên làm. Chấp nhận sự thay đổi của chúng, chúng có thể sinh, có thể già, có thể chết, có thể mất, có thể còn, có thể hư, có thể lành...đừng dính mắc vào chúng. Chấp nhận và để chúng tự nhiên như chúng là.
Khi quán thấy thân vô thường, khổ, vô ngã liên tục, tâm sẽ dần dần buông bỏ được thân. Khi kết thúc bài thiền bạn sẽ không còn cảm giác hay sức nặng của thân nữa. Đó là điều tuyệt vời bạn sẽ thấy được nếu thực hành đúng đắn và rốt ráo.

II. QUÁN CẢM THỌ

Cảm thọ là gì. Cảm thọ tức là những cảm giác, cảm xúc, tình cảm, dục vọng...của con người. Chúng được chi phối bởi sự rung động liên tục của thể vía, một thể vi tế hơn thể xác.

Cảm thọ gồm có 6 loại như sau:
1. Thọ khổ (thuộc về thân)
2. Thọ lạc (thuộc về thân)
3. Thọ ưu (thuộc về tâm)
4. Thọ hỷ (thuộc về tâm)
(Bốn thọ này được chi phối bởi phần cảm dục của thể vía)
5. Thọ xả (thuộc thân)
6. Thọ xả (thuộc tâm)
(Hai thọ này được chi phối bởi phần năng lượng astral của thể vía)

+ Thọ khổ: là những cảm giác đau đớn, ngứa ngáy, khó chịu, chói tai, đắng lưỡi...sinh ra ở 5 giác quan.
+ Thọ lạc: là những cảm giác khỏe khắn, dễ chịu, mát mẻ, êm ái...sinh ra ở 5 giác quan.
+ Thọ ưu: là những cảm xúc buồn rầu, lo lắng, sầu bi, ưu não, bực tức, khó chịu...phát sinh từ tâm.
+ Thọ hỷ: là những cảm xúc vui vẻ, hân hoan, hỷ lạc...phát sinh từ tâm.
+ Thọ xả: là cái không khổ không lạc, không hỷ không ưu, chỉ là cảm giác năng lượng.


-Đầu tiên, ta nên quan sát thọ khổ trên toàn thân trước. Mặc dù ta thấy rằng thọ khổ chỉ có ở một vài nơi nào đó trên thân thể, nơi mà ta có thể cảm nhận được nó khi nó mạnh lên, tuy vậy, thọ khổ là có mặt ở mọi nơi trong toàn thân thể. Lấy một thọ khổ nào đó mạnh mẽ trên thân, sau đó quán chiếu nó ra toàn cơ thể, bạn sẽ cảm nhận được nó có ở trong toàn thân.



-Sau đó, tiếp tục quán sát thọ lạc, thọ dễ chịu trên toàn thân. Tiếp theo là thọ xả thuộc về thân, thọ ưu, thọ hỷ, và thọ xả thuộc tâm. Lưu ý chỉ chú tâm vào các cảm thọ, không chú tâm vào các phần thân thể.


-Thực hành quán sát liên tục theo thứ tự thọ khổ --> thọ lạc --> thọ xả (thân) --> thọ ưu --> thọ hỷ --> thọ xả (tâm) cho đến khi ta có thể cảm nhận được 6 loại thọ này cùng một lúc trên toàn thân.

Giữ ghi nhận này trên một thời gian, ta sẽ thấy được toàn bộ các cảm thọ của chúng ta vỡ ra thành vô số hạt phần tử nhỏ khác nhau, tôi gọi nó là phân tử cảm xúc.



Lúc này ta sẽ thấy rõ ràng rung động của các hạt phân tử cảm thọ này.



-Sau đó tập trung vào các phân tử cảm thọ riêng lẻ, ta cũng thấy mỗi phân tử cũng bao gồm cả 6 loại cảm thọ trên. Tiếp tục quán sát 6 loại cảm thọ trên toàn bộ các phần tử cảm thọ riêng lẻ này, ta sẽ thấy các hạt này vỡ ra thành các hạt cảm thọ nhẹ hơn và rung động nhanh hơn, tôi gọi nó là các nguyên tử cảm thọ. 



-Tập trung vào sự rung động của các hạt nguyên tử cảm thọ này trên toàn thân một thời gian, ta sẽ làm triệt tiêu dần các cảm thọ có trên thân. 


Lưu ý những hạt nguyên tử cảm thọ này là những hạt vật chất nhỏ bé và vi tế, chúng nhỏ hơn và rung động nhanh hơn hạt nguyên tử thể xác rất nhiều, tuy vậy ta hoàn toàn có thể nắm bắt được chúng, do tâm ta rung động nhanh hơn chúng rất nhiều.


Sau khi thấy được các hạt nguyên tử cảm thọ, ta quán sát các tính chất của chúng như sau:



1. Các hạt nguyên tử cảm thọ này luôn sinh diệt (rung động) và thay đổi không ngừng, cho nên chúng là vô thường.



2. Các hạt nguyên tử cảm thọ này luôn bị sinh diệt và thay đổi, luôn chịu bức bách bởi sinh diệt và thay đổi, chúng không thể ngừng sự sinh diệt của chúng lại được, chúng không thể ngừng sự thay đổi của chúng lại được, nên chúng là khổ.


3. Vì chúng luôn luôn sinh diệt và luôn bị bức bách bởi sinh diệt, ta không thể ngừng tiến trình này lại được, ta không thể làm gì với sự sinh diệt, sự thay đổi của chúng, cho nên chúng là vô ngã, không phải là của ta, không phải là ta, không phải tự ngã của ta.

-Sau khi quán sát thấy được tính vô thường, khổ, vô ngã của các hạt nguyên tử cảm thọ trong thể vía mình, ta cũng cần phải quán sát được rằng các vật chất thuộc cõi trung giới , các vật chất thuộc cõi trung giới của toàn bộ vũ trụ, cũng được cấu tạo bởi các nguyên tử cảm thọ và cũng có tính chất vô thường, khổ, vô ngã như vậy. 


-Rồi tiếp tục, ta cũng phải quán sát thấy rằng, các hạt cảm thọ này, dù quá khứ, hiện tại hay vị lai, cũng đều có tính chất tương tự như vậy.


Đến đây, ta có thể chấm dứt phần quán Cảm Thọ.


***Thể vía chi phối cảm thọ của chúng ta, được cấu tạo bởi vô số hạt nguyên tử cảm thọ khác nhau, chúng rung động liên tục với các tần số khác nhau để tạo nên các sắc thái và các loại cảm giác, cảm xúc khác nhau. Có vô số các tần số khác nhau cho nên cũng có vô số loại cảm thọ khác nhau, các cảm thọ là có nhiều vô kể và dao động theo một dải tần liên tục. Phân chia theo 6 loại là để ta dễ phân biệt và cảm nhận, chứ thực chất có vô số loại cảm xúc ứng với các tần số khác nhau, một trong số chúng được chúng ta đặt tên như vui, mừng, lo lắng, sợ hãi, đau đớn, buồn rầu, ngứa ngáy, khó chịu...


Có những loại cảm xúc phức tạp như hoang mang, bâng khuâng, buồn vui lẫn lộn...là sự kết hợp của nhiều nguyên tử cảm xúc khác nhau với những tần số dao động khác nhau.


Cảm xúc tương tợ như ánh sáng vậy. Ánh sáng là sóng điện từ có vô số tần số dao động khác nhau, mỗi tần số ứng với một màu ánh sáng, tuy vậy, khi nhìn lên cầu vồng, ta thường chia nó ra thành 7 màu khác nhau cho dễ phân biệt, nhưng thực chất chúng là có vô số màu. 


Mặc dù vậy, khi gộp chung tất cả ánh sáng với nhau, ta có được ánh sáng trắng. Khi gộp chung tất cả cảm xúc lại với nhau, ta có thứ được gọi là tình yêu. Tình yêu thực chất là sự trộn chung của vô số các cảm xúc khác nhau. Và từ tình yêu mà các cảm xúc khác có mặt.

Thể vía liên kết chặt chẽ với thể xác và thể trí, là cây cầu trung gian giữa thể xác và thể trí. Nó rộng hơn thể xác một chút (khoảng 20cm). Phần liên kết với thể xác tạo ra cảm giác, chủ yếu nằm phía trong thể xác. Phần liên kết với thể trí tạo ra cảm xúc, nằm cả bên trong và bên ngoài thân xác một chút. Khi thực hành thiền quán ta sẽ cảm nhận được chúng.

III. QUÁN TƯ TƯỞNG

Tư tưởng là gì? Tư tưởng là những quan niệm, những khái niệm, những định nghĩa, những suy nghĩ, tư duy, lập luận, phân tích, tính toán...của con người.


Tư tưởng do thể trí đảm nhiệm, có 4 phần chủ yếu:



1. Tưởng thô: bao gồm những ý nghĩ, kiến thức, khái niệm, tri thức, hiểu biết, các dữ liệu về âm thanh, hình ảnh, mùi vị...về sự vật, sự việc cụ thể, có thể định danh được, có thể nắm bắt được, có thể tưởng tượng ra được.



2. Hành thô: bao gồm việc tư duy, suy luận, tính toán, phân tích, nghiên cứu, lập trình...chủ yếu là chức năng xử lý các tưởng thuộc về phần thô.



3. Tưởng vi tế: bao gồm những quan niệm, định nghĩa, dữ liệu, kiến thức, hiểu biết...thuộc về sự vật sự việc siêu hình, trừu tượng, không thể tưởng tượng, không thể nắm bắt bằng khái niệm rõ ràng được. Ví dụ như thời gian, các cảm xúc, tình yêu, lòng tự hào, linh hồn, sự vô hạn, sự vô biên, Niết bàn, Thượng đế...


4. Hành vi tế: phân tích và xử lý các dữ liệu dưới dạng vi tế, trừu tượng, siêu hình.

Hãy tưởng tượng, tưởng giống như bộ nhớ máy tính, còn hành là con chip xử lý. Tưởng có chức năng lưu trữ, hành có chức năng xử lý. Tưởng và hành thường đi chung với nhau, ta gọi chúng là tư tưởng, là chức năng của thể trí.


Tưởng và hành cụ thể là những tư tưởng, suy nghĩ thông thường của chúng ta, cho nên đa phần ai cũng biết về nó. Tuy vậy, tưởng và hành vi tế rất khó thấy. Ta có thể biết về điều gì đó, tuy nhiên lại không thể diễn dịch nó ra được, gọi là tư tưởng vi tế.



Ví dụ khi ta nói về tình yêu chẳng hạn. Không ai có thể định nghĩa về tình yêu một cách rõ ràng được. Ta có thể biết yêu thực sự là gì, nhưng để tưởng tượng về nó, ta không thể làm được điều đó, bởi nó không phải là cái gì đó cụ thể để tưởng tượng được.



Cũng như sự vô biên chẳng hạn, làm thế nào dùng trí để thấy được cái vô biên. Ta chỉ có thể biết về nó, chứ không tưởng tượng được nó. 


Tưởng và hành vi tế này thường chi phối bộ khung nhận thức, tính tình, tính cách của một người trong nhiều kiếp sống.


-Sau khi nắm được 4 loại tư tưởng này, giờ đây ta hãy ghi nhận nó phát sinh trong mình:



+ Hãy quan sát những suy nghĩ trong mình, hay tưởng nhớ về một vật gì đó, nó có thể phát sinh ở bất kỳ đâu trong thân thể, hoặc ở ngoài thân thể một chút. Khi một suy nghĩ khởi lên, ta sẽ nhận thấy có một sự rung động nào đó nơi suy nghĩ đó phát sinh. Cố gắng ghi nhận nó và phát triển nó ra toàn cơ thể.



+ Sau đó, hãy khởi lên ý định đứng dậy, hoặc ý định giơ cánh tay lên nhưng đừng hành động, ta sẽ thấy có một dòng hạt rung động không ngừng bên trong cơ thể, hãy nắm lấy rung động đó và phát triển ra toàn cơ thể, cả bên trong lẫn bên ngoài thân thể 1 chút, khoảng 20-50cm.



-Liên tục ghi nhận 2 loại rung động này trên toàn thân, ta sẽ thấy các hạt phát ra ánh sáng đang rung động và thay đổi liên tục, ta có thể dùng tâm để quan sát được chúng. Đây là các hạt phân tử tư tưởng.


-Tiếp tục chú tâm và ghi nhận các hạt này, ta sẽ thấy chúng rung động nhanh hơn, sau đó chúng vỡ ra thành các hạt sáng nhỏ hơn và nhẹ hơn, hầu như ta không thể cảm nhận được khối lượng của chúng, chúng rung động rất nhanh và liên tục chuyển động. Đây chính là các hạt nguyên tử tư tưởng.


Sau khi thấy được các hạt nguyên tử tư tưởng, ta quán sát các tính chất của chúng như sau:



1. Các hạt nguyên tử tư tưởng này luôn sinh diệt (rung động) và thay đổi không ngừng, cho nên chúng là vô thường.



2. Các hạt nguyên tử tư tưởng này luôn bị sinh diệt và thay đổi, luôn chịu bức bách bởi sinh diệt và thay đổi, chúng không thể ngừng sự sinh diệt của chúng lại được, chúng không thể ngừng sự thay đổi của chúng lại được, nên chúng là khổ.


3. Vì chúng luôn luôn sinh diệt và luôn bị bức bách bởi sinh diệt, ta không thể ngừng tiến trình này lại được, ta không thể làm gì với sự sinh diệt, sự thay đổi của chúng, cho nên chúng là vô ngã, không phải là của ta, không phải là ta, không phải tự ngã của ta.


-Sau khi quán sát thấy được tính vô thường, khổ, vô ngã của các hạt nguyên tử tư tưởng trong mình, ta cũng cần phải quán sát được rằng các hạt tư tưởng thuộc cõi thượng giới, các hạt tư tưởng thuộc cõi thượng giới của toàn bộ vũ trụ, cũng được cấu tạo bởi các nguyên tử tư tưởng và cũng có tính chất vô thường, khổ, vô ngã như vậy. 



-Rồi tiếp tục, ta cũng phải quán sát thấy rằng, các hạt tư tưởng này, dù quá khứ, hiện tại hay vị lai, cũng đều có tính chất tương tự như vậy.


Đến đây, ta có thể chấm dứt phần quán Tư Tưởng.


***Để tôi ví dụ sự khác nhau các hạt cho các bạn thấy, các bạn có thể tưởng tượng chúng như là các hạt này cũng được (mặc dù chưa được chứng minh). Như hạt nguyên tử thể xác, bạn có thể xem chúng là các hạt nhân nguyên tử, hạt nguyên tử cảm thọ là các hạt âm điện electron, còn nguyên tử tư tưởng là các hạt sáng photon. Các hạt càng lên cao càng thanh nhẹ và vi tế hơn rất nhiều so với các hạt thấp hơn. Càng lên cao chúng càng rung động nhanh hơn.


Tuy vậy, chúng lại có liên kết chặt chẽ với nhau trong cơ thể, đảm nhiệm các chức năng khác nhau và là công cụ, phương tiện để tâm sử dụng cho mục đích trải nghiệm và sáng tạo của mình trong tam giới. Chúng cũng là các hạt cơ bản cấu tạo nên 3 cảnh giới hạ giới, trung giới và thượng giới của Trái Đất.

IV. QUÁN TÂM


Tâm là gì. Tâm là sự ghi nhận, nhận biết, cảm nhận hoạt động của các đối tượng là các thể và môi trường xung quanh. Tâm cung cấp một phần năng lượng cho các thể hoạt động và điều khiển chúng. Tuy vậy, không phải lúc nào tâm cũng điều khiển được các thể, ngoại trừ những người đã biết tâm là gì và trụ được tâm thức trên tâm.



Nhờ có tâm mà ta có thể ghi nhận được rung động của các hạt nguyên tử thể xác, cảm thọ và tư tưởng. Tâm dẫn đầu các pháp và điều khiển các pháp.


Tâm được ví như môi trường, không gian chứa các hạt nguyên tử thể xác, nguyên tử cảm thọ, nguyên tử tư tưởng, cho nên bất kỳ hoạt động nào của chúng, tâm đều nhận biết và ghi nhận được cả.


Thiền quán thực chất là dùng tâm để quán.


Sau khi đã thực hành quán sát thân, cảm thọ, tư tưởng, giờ đây ta bắt đầu quán sát tâm. Cần dùng cái gì để quán sát tâm. Đó là dùng tâm để quán sát tâm.


Khi quán sát các thể, ta sẽ thấy có một cái gì đó ghi nhận và nhận biết các thể, đó chính là tâm. Vì vậy, muốn biết về tâm, ta chỉ cần tập trung vào sự ghi nhận/nhận biết mà thôi, bỏ qua tất cả các đối tượng khác.


Ta thấy rằng tâm sẽ sinh lên và diệt đi liên tục để nắm bắt lấy các đối tượng. Mỗi 1 lần sinh lên và diệt đi (rung động), tâm chỉ bắt duy nhất một đối tượng, như là một hình ảnh, một âm thanh, một cảm xúc, một tư tưởng...Vì tâm rung động rất nhanh,khoảng chục triệu lần trên giây, nên ta thấy tâm có vẻ như là liên tục và là một khối, tuy vậy, tâm cũng được cấu tạo bởi những hạt rất nhỏ và rung động rất nhanh.

-Chú tâm liên tục vào sự ghi nhận/nhận biết, dần dần ta sẽ cảm nhận được rung động của tâm. Chỉ nên thực hành quán tâm khi ta đã thực hành thuần thục quán thân, quán cảm thọ và quán tư tưởng, bởi tâm rất vi tế nên không dễ dàng để thấy rung động của nó khi nó vẫn còn dính chặt vào các thể.


Nếu thực hành đúng, ta sẽ thấy có một tâm khởi lên bắt lấy đối tượng, sau đó một tâm liền kề ghi nhận tâm bắt đối tượng đó, tiếp theo một tâm khởi lên bắt đối tượng khác, và có một tâm liền kề sinh lên ghi nhận tâm ấy, cứ liên tục như vậy. Chúng diễn ra tự nhiên và liên tục như vậy mà không có sự tác ý nào khởi lên từ sự ý thức chủ quan của ta. Nó diễn ra một cách tự động. Thực hành đúng đắn sẽ thấy điều đó.


-Quá trình này diễn ra tự động và liên tục như vậy, trong một thời gian dài, dần dần ta sẽ nhận thức ra rằng thực ra có vô số hạt cấu tạo nên tâm đang cùng nhau sinh lên và diệt đi để bắt lấy đối tượng. Dần dần ta sẽ thấy chúng rõ ràng hơn, đó là các hạt nguyên tử cấu tạo nên tâm.

Giờ đây, ta sẽ quán sát các nguyên tử cấu tạo nên tâm này là vô thường, khổ, vô ngã:


1. Các hạt nguyên tử này luôn sinh diệt (rung động) và thay đổi không ngừng, cho nên chúng là vô thường.



2. Các hạt nguyên tử này luôn bị sinh diệt và thay đổi, luôn chịu bức bách bởi sinh diệt và thay đổi, chúng không thể ngừng sự sinh diệt của chúng lại được, chúng không thể ngừng sự thay đổi của chúng lại được, nên chúng là khổ.


3. Vì chúng luôn luôn sinh diệt và luôn bị bức bách bởi sinh diệt, ta không thể ngừng tiến trình này lại được, ta không thể làm gì với sự sinh diệt, sự thay đổi của chúng, cho nên chúng là vô ngã, không phải là của ta, không phải là ta, không phải tự ngã của ta.

Ta cũng quán sát rằng tâm dù ở thế giới này hay thế giới khác, của người này hay của người khác, ở quá khứ hiện tại hay vị lai, đều có cùng tính chất như vậy.


Nếu tâm không phải là ta, thì cái gì mới thực sự là ta? Khi nào chứng được Niết Bàn, bạn sẽ biết điều đó.


Nhiều người nói rằng Niết Bàn là cái đại ngã, cái ngã to lớn, bao gồm hết mọi cái ngã trong đó. 

Nhiều người nói rằng nó không thuộc về của ai hết, không lệ thuộc vào bất kỳ yếu tố nào hết, cho nên nó là vô ngã.


Đối với tôi, Niết Bàn là trạng thái thoát khỏi tham sân si, là trạng thái không có khổ đau, không có sinh diệt, chỉ có sự an lạc, bình yên và hợp nhất.


Khi bạn thực hành pháp quán này một cách thuần thục, dần dần bạn sẽ buông bỏ dần sự dính mắc giữa tâm và các thân thể, do đó mà khổ đau dần đần được giảm trừ.



Sau đó, nếu quán tâm một cách thuần thục, bạn sẽ dần dần buông bỏ được tâm, buông bỏ được ngã thức. Nếu có đủ ba la mật và trí tuệ sắc bén, bạn sẽ chứng ngộ được Niết Bàn, là cái không sinh diệt, không khổ đau, là cái thường hằng, bất biến, an lạc và thanh tịnh.



Đủ ba la mật là gì? Là thực hiện đầy đủ 10 pháp ba la mật, gồm có: bố thí, trì giới, xuất gia, trí tuệ, tinh tấn, nhẫn nại, chân thật, quyết định, tâm từ, tâm xả (tâm buông bỏ).


Trí tuệ sắc bén là gì? Đó là hiểu biết rõ ràng khổ, nguyên nhân của khổ, con đường diệt khổ, luật nhân quả và luân hồi, bản chất vô thường, khổ, vô ngã của mọi vật, bản chất sinh trụ dị diệt của vạn vật thế gian.

Chúc các bạn an lạc và sớm chứng ngộ Niết Bàn.

Nguyện cho vạn vật được thái bình,
Mong cho tất cả sớm thoát khỏi mọi khổ đau

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét