Tác giả: Không Không
Giới làm nền tảng cho định
Định hỗ trợ cho tuệ
Tuệ diệt trừ vô minh.
Thiền trong Phật giáo có 2 loại:
1. Thiền định/thiền chỉ/thiền tịnh
2. Thiền tuệ/thiền quán/thiền minh sát
-Thiền định là:
+ Giữ cho tâm thanh tịnh
+ Giữ cho tâm tập trung
+ Giữ cho tâm không xao động
+ Giữ cho tâm liên tục trên một đối tượng nào đó như 1 tư tưởng, 1 khái niệm, 1 cảm xúc, 1 hình ảnh, 1 âm thanh...
+ Có thể bao gồm thiền âm thanh, thiền ánh sáng, thiền nhảy, thiền ngủ, tụng kinh, niệm Phật...
-Thiền tuệ là:
+ Quán chiếu các đối tượng
+ Quán chiếu bản chất, đặc tính, đặc trưng của đối tượng
+ Quán chiếu những sự vật, sự việc có liên quan đến đối tượng
+ Quán chiếu các quy luật vận hành cuộc sống, các quy luật của thiên nhiên, bản chất con người...
+ Giúp phát sinh trí tuệ, hiểu biết, minh triết
+ Đoạn trừ được vô minh, si mê, phiền não, khổ đau.
+ Có thể bao gồm thiền quán tứ niệm xứ, thiền minh sát, thiền quán thất giác chi, thiền chánh niệm, thiền phồng xẹp...
-Ngoài ra còn có các thiền bổ trợ cho 2 loại thiền này như thiền khí công, thiền kết nối năng lượng, thiền khai mở luân xa...và nhiều loại khác nữa.
Bài viết sau đây xin giới thiệu vài nét về thiền định.
-Trước khi thiền định nên giữ giới. Giữ giới giúp tâm thanh tịnh, nhờ đó mà định phát triển. Khi định phát triển, tâm trí được tập trung, thực hành thiền quán được dễ dàng, trí tuệ sẽ mau phát sinh.
-Thiền định thực chất là giữ tâm liên tục trên một đối tượng cụ thể nào đó và không thay đổi trong suốt thời gian hành thiền.
Ví như thiền hơi thở thì chỉ biết đến hơi thở mà không biết gì nữa. Thiền tâm từ thì chỉ biết đến lòng từ, mà không chú tâm vào những cảm xúc khác.
-Các hoạt động thường có của tâm đối với đối tượng trong thiền định:
1. Tâm hướng về đối tượng (tầm)
2. Tâm duy trì trên đối tượng (tứ)
3. Tâm vui thích trên đối tượng (hỷ)
4. Tâm an lạc trên đối tượng (lạc)
5. Sự hợp nhất giữa tâm và đối tượng (nhất tâm)
-Các bậc thiền
1. Sơ thiền. Tâm liên tục hướng tâm và duy trì trên đối tượng, đi kèm với đó là hỷ lạc và sự nhất tâm tương đối trên đối tượng. Điều này có nghĩa là không có hoặc rất ít niệm tưởng khởi lên trong quá trình nhập thiền. Nếu có thì chỉ có khoảng 2-3 niệm khởi lên trong 1h nhập thiền. Nhập thiền sẽ giúp áp chế niệm tưởng.
2. Nhị thiền. Loại bỏ tầm và tứ, chỉ có sự hỷ lạc và nhất tâm tương đối trên đối tượng.
3. Tam thiền. Loại bỏ hỷ, chỉ còn sự an lạc và nhất tâm trên đối tượng.
4. Tứ thiền. Chỉ còn sự nhất tâm liên tục trên đối tượng. Đến đây niệm tưởng hoàn toàn bị loại bỏ. Chỉ còn tâm và đối tượng.
5. Không vô biên xứ định. Sự nhất tâm trên đối tượng là hư không vô biên.
6. Thức vô biên xứ định. Sự nhất tâm trên đối tượng là cái biết về hư không vô biên.
7. Vô sở hữu xứ định. Sự nhất tâm trên đối tượng là sự trống rỗng, chẳng có hư không và cũng chẳng có gì cả.
8. Phi tưởng phi phi tưởng định. Sự nhất tâm trên đối tượng là sự buông bỏ cái trống rỗng ở trên.
Các bậc thiền định vô sắc (5-8) rất vi tế, chớ nên dùng trí mà hiểu được nó. Khi nào thực sự đạt đến tứ thiền, loại bỏ được hoàn toàn niệm tưởng, lúc ấy ta mới có thể hành được 4 bậc thiền vô sắc này.
-Nói về kỹ thuật một chút, thì:
+ Nếu tâm duy trì liên tục trên rung động cao nhất của cái trí cụ thể, ta có tứ thiền sắc giới.
+ Nếu tâm duy trì liên tục trên rung động cao nhất của cái trí trừu tượng, ta có phi tưởng phi phi tưởng định.
+ Nếu tâm duy trì liên tục trên rung động cao nhất của cái vía, tức là ta có cận định.
-Không dễ dàng để có thể đắc thiền, ngoại trừ ý chí kiên định liên tục để giữ tâm trên đối tượng và không phân tán đi nơi khác. Trong thời buổi hiện nay, tìm được người đắc thiền là rất hiếm. Trong khoảng 1000 người có tu tập thì chỉ có 1-2 người là có khả năng đắc thiền mà thôi.
***Những lợi ích khi thực hành thiền định
1. Tâm an lạc, thanh tịnh
Thiền định giúp kiểm soát thân tâm, làm cho tâm kiểm soát được cái trí, không cho nó chảy nhảy, bắt cảnh lung tung, nhờ đó mà tâm được an lạc, thanh tịnh.
2. Thân thể an vui, nhẹ nhàng
Trong thực hành thiền định, khi tâm được an lạc, tâm sẽ sản sinh ra nguồn năng lượng mạnh mẽ và tác động đến các phần trong thân thể, nhờ đó mà thân thể được khỏe mạnh, nhẹ nhàng, tỉnh táo, các bệnh tật được giảm trừ.
3. Tăng trưởng thiện pháp
Thiền định giúp kiểm soát tư tưởng, không cho nó khởi lên những tư tưởng tham sân, không để phát sinh những cảm xúc buồn vui hỷ nộ ái ố, nhờ đó mà những tư tưởng bất thiện bị ngăn chặn, những tư tưởng thiện lành có cơ hội nảy sinh.
Nếu đắc thiền thì tâm thiện của thiền sẽ sinh khởi liên tục, vì vậy người đắc thiền là người có phước báu vô kể, nếu cúng dường đến người này phước báu cũng lớn hơn đối với những người chưa đắc thiền.
4. Hỗ trợ thiền minh sát
Thiền định làm tâm trí tập trung, sáng suốt, nhờ đó làm nền tảng rất tốt cho thiền tuệ hoạt động hiệu quả. Giới định tuệ là tam học rất quan trọng đối với Phật giáo.
5. Tạo ra nơi tái sinh tốt
Đắc thiền sắc giới (1-4) và duy trì nó cho đến lúc chết sẽ được tái sinh ngay vào cõi sắc giới/cõi hạ thiên/cõi tịnh độ thấp, mà không đi qua cõi dục/cõi trung giới. Đây là một trú xứ tốt để tái sinh. Tái sinh cõi này không có các cảnh dục nên không có những sự đau khổ đi kèm với các dục lạc.
Đắc thiền vô sắc giới(5-8) sẽ tái sinh nơi cõi vô sắc giới, có tuổi thọ dài vô kể, tính bằng kiếp Trái Đất.
6. Đắc thần thông
Các loại thần thông như túc mạng thông, thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, biến hóa thông đều phải đạt được thông qua thiền định.
Khi thiền định đạt đến thuần thục có thể luyện tập thêm các phương pháp khác để đắc được các thần thông. Tuy nhiên, Đức Phật không khuyến khích để tập luyện các phương pháp này.
7. Đạt diệt tận định
Muốn đạt diệt tận định, mức định thứ 9, cần phải có 8 mức định trước đi kèm. Trong diệt tận định, hành giả trải nghiệm trực tiếp Niết Bàn vô vi siêu thế.
***Làm thế nào để phát triển thiền định
1. Giữ giới trong sạch. Tránh thực hiện các pháp bất thiện thuộc thân khẩu ý
2. Loại dần 5 pháp chướng ngại. Đó là tham dục, sân hận, phóng dật trạo cử, hồn trầm thụy miên, hoài nghi
3. Tăng cường 5 pháp giác ngộ. Đó là tín, tấn, niệm, định, tuệ.
Mục 1 & 2 tôi đã trình bày trong các bài viết trước. Giờ đây tôi xin nói sơ qua về mục 3, tăng cường 5 pháp giác ngộ.
1. Niệm
Niệm tức là chánh niệm. Niệm là cần thiết trong mọi trường hợp. Chánh niệm là luôn ghi nhớ, luôn hay biết mọi thứ mà mình đang làm, đang nói, đang nghĩ.
Chánh niệm tức dùng tâm để ghi nhận tất cả các hoạt động của các thân thể. Làm việc gì thì biết việc đó, mà không suy nghĩ hay để ý những việc khác. Ví dụ như đi biết đi, đứng biết đứng, ngồi biết ngồi, buồn biết buồn, vui biết vui, suy nghĩ biết suy nghĩ (cái này thì khó đối với nhiều người, thường thì nghĩ xong rồi họ mới biết mình nghĩ, tuy vậy, suy nghĩ không phải mình, nên hãy dùng tâm để biết suy nghĩ đang hoạt động).
Chánh niệm là trụ vào tâm để quán chiếu và ghi nhận các thân thể, nên chánh niệm là cần thiết để phát triển tâm và loại dần sự dính mắc giữa tâm đối với các thể.
2. Tấn
Tấn tức là tinh tấn, chuyên cần, cố gắng. Có cố gắng mới có thành công. Cố gắng cũng rất cần trường hợp trường hợp này.
Tuy vậy, sự cố gắng thái quá, tức là bất chấp mọi thứ để đạt được mục tiêu, thường đưa đến sự dính mắc. Đó là điều không tốt.
Sự tinh tấn thái quá nhiều khi sẽ dẫn đến mất cân bằng, sẽ gây ra sự khó khăn trong hành thiền, ví dụ như tinh tấn nhiều kiểu ép xác sẽ làm thân mệt mỏi, thiếu sức sống, từ đó mà tâm cũng chẳng an tịnh.
Tinh tấn quá ít sẽ dẫn đến lười biếng, giải đãi, uể oải, dễ dẫn đến hôn trầm, buồn ngủ.
3. Định
Định tức định tĩnh, tập trung, không tán loạn. Đây chủ yếu có liên quan đến cái trí. Cái trí thường xuyên bắt cảnh này cảnh kia, chạy nhảy lung tung và suy nghĩ về đủ mọi thứ trên đời. Một người không thể đắc định nếu cứ luôn suy nghĩ và phóng dật về mọi thứ.
Định giúp an tịnh cái trí, bắt nó chỉ tập trung trên 1 đối tượng, nhờ đó mà ta dễ dàng đắc thiền hơn.
4. Tuệ
Tuệ tức là trí tuệ, là hiểu biết đúng đắn. Trí tuệ là cần thiết để đắc thiền. Muốn hành thiền cần phải có trí tuệ để thực sự hiểu biết quá trình hoạt động của tâm cũng như các tư tưởng và cảm xúc, nắm bắt được quá trình hành thiền, các bước thực hiện. Đọc kinh sách, hiểu về giáo lý, thân cận bậc thiện tri thức, nghe pháp, ghi chép tiến trình hành thiền...là các pháp rất tốt để phát sinh trí tuệ.
5. Tín
Tín tức sự tín tâm, lòng tin, đức tin. Tăng trưởng tín tâm sẽ giúp ta thực hành thiền được vững bền và mau chóng đắc thiền hơn. Vì vậy, lòng tin rất quan trọng. Đối với bậc Thánh nhập lưu, cái cần phải diệt trừ hoàn toàn là thân kiến, hoài nghi và giới cấm thủ. Do đó, có lòng tin là điều rất quan trọng để đắc thiền và Niết Bàn.
Tín đối trị hoài nghi
Định đối trị với phóng dật, trạo cử
Tấn đối trị với hôn trầm thụy miên
Niệm & tuệ đối trị với tham sân.
-Nên có sự quân bình trên 5 chi pháp này để có thể đắc được thiền.
+Niệm là luôn cần thiết
+Nếu tín mạnh, tuệ yếu: dễ rơi vào mê tín, cả tin, tức là dễ tin vào những điều sai lầm, mù quáng, tà thuật...do có lòng tin mà thiếu trí tuệ.
+Nếu tín yếu, tuệ mạnh : dễ rơi vào xét đoán, nghi ngờ, ngã mạn...do có trí tuệ mà thiếu lòng tin. Thật ra, có những thứ ta có thể biết nhưng khi thực hành thì lại hoàn toàn khác, không giống như những gì lý thuyết đã nêu. Và hơn nữa, nếu còn ở thể gian thì không thể hiểu hết những điều thuộc về thế gian.
+Nếu định mạnh, tấn yếu: dễ dẫn đến thụ động, lười biếng, giãi đãi, thiếu ý chí, thiếu nghị lực quyết tâm.
+Nếu định yếu, tấn mạnh : dễ tăng thêm sự tán loạn, mất tập trung, từ đó mà trạo cử, phóng dật phát sinh.
Vì vậy cần có sự cân bằng và phát triển cùng lúc cả 5 yếu tố này để có thể đắc thiền, đắc định, mau chóng chứng ngộ Niết bàn, giải thoát mọi khổ đau.
Đến đây xin kết thúc phần thiền định.
Nguyện cho vạn vật được thái bình,
Mong cho tất cả sớm chứng ngộ Niết Bàn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét