Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2019

Cách làm việc của Tâm và các Thể


Tâm là gì?

Tâm là sự nhận biết, sự ghi nhận, sự cảm nhận các đối tượng.
Có 2 loại đối tượng:
1. Đối tượng bên trong: là các thân thể như thân xác, các cảm giác, cảm xúc, tư tưởng...
2. Đối tượng bên ngoài: đó là ánh sáng, âm thanh, màu, mùi, vị, pháp...nhận được thông qua 6 căn.

Các thân thể:
Có 3 loại thân thể chính:
1. Thể xác: chi phối các chức năng hoạt động sinh tồn, trải nghiệm và sáng tạo.
2. Thể vía: chi phối các chức năng cảm giác, cảm xúc, tình cảm, dục vọng...
3. Thể trí: chi phối các chức năng suy nghĩ, lý luận, tư duy...

Các thể chính này, mỗi thể lại chia ra làm 2 thể phụ, nên ta có 6 loại thân thể:

1. Thể xác đậm đặc: bao gồm các chất đặc, chất lỏng, chất khí. Chi phối các chức năng hoạt động, trải nghiệm và sáng tạo trực tiếp đối với cõi trần đậm đặc

2. Thể phách/thể ether/thể dĩ thái: bao gồm 4 chất dĩ thái. 
+ Chất dĩ thái 4 tạo nên hệ thống năng lượng, sinh lực và luân xa của con người. 
+ Chất dĩ thái 3 là môi trường truyền dẫn cho âm thanh.
+ Chất dĩ thái 2 là môi trường truyền dẫn cho ánh sáng.
+Chất dĩ thái 1, thanh nhất, là nguồn gốc của điện.

3. Thể tình cảm/cảm dục: chi phối các cảm giác, cảm thọ, dục vọng, tình cảm, cảm xúc của con người.

4. Thể astral: chi phối các chức năng kết nối, năng lượng cho các cảm xúc. Là cầu nối giữa tư tưởng và cảm xúc, là nơi tạo ra các hình tư tưởng.

5. Thể trí cụ thể: chi phối các chức năng suy nghĩ, tư tưởng, tư duy, tính toán...thuộc về những sự vật, sự việc cụ thể, thô kệch. Đây là cái ta gọi là ý thức.

6. Thể trí trừu tượng (thể nhân quả-causal body): chi phối các chức năng suy nghĩ, tư tưởng, tư duy, tính toán...những thứ trừu tượng, vi tế, siêu hình. Nó còn có chức năng lưu trữ nghiệp, các hợp đồng, thỏa thuận nghiệp, dữ liệu các kiếp sống quá khứ. Đây gọi là phần tiềm thức.

Tâm là một phần thuộc về cái mà chúng ta gọi là siêu ý thức.

Giờ đây, ta sẽ xem xét cách tâm và các thân thể làm việc với nhau.

Tâm là sự ghi nhận, nhận biết các đối tượng. Tâm còn có chức năng điều khiển, dẫn dắt, cung cấp năng lượng cho sự hoạt động của các thân thể. Cho nên gọi tâm là dẫn đầu các pháp, vạn pháp do tâm tạo.

Khi ta hướng tâm (tác ý) đến một tư tưởng nào đó, ví dụ như tư tưởng sân hận chẳng hạn, ta cung cấp năng lượng cho tư tưởng sân đó hoạt động, cùng với đó ta dẫn dắt tư tưởng này theo hướng mạnh lên hoặc theo hướng giảm đi theo ý muốn của tâm.

Cũng như khi ta hướng tâm đến một cơn đau, ta cung cấp năng lượng cho cảm giác đau đó hoạt động, vì vậy ta thấy chúng càng đau hơn.

Tất nhiên không phải lúc nào tâm cũng có thể hoàn toàn dẫn dắt và điều khiển được các thân thể, đây chỉ là trường hợp của những người giác ngộ, còn đa phần các thường nhân, tâm của họ thường bị các thân thể dẫn dắt và bị chúng lôi đi. 

Trong những kiếp đầu đầu thai, tâm thường bị các thân thể dẫn dắt. Ví như một kiệu xe được kéo bởi 3 con ngựa. Tâm là người điều khiển xe, 3 con ngựa là 3 thể xác, vía và trí. Ban đầu 3 con ngựa này chưa được thuần chủng, tâm còn yếu ớt nên chúng thường lôi xe đi theo hướng mà chúng thích. Sau một thời gian dài tái sinh, tâm dần lớn mạnh và thuần thục hơn, nên sẽ dần dần điều khiển được 3 con ngựa, 3 thân thể.

Cho nên cũng cần một số lượng tái sinh nhất định để tâm có thể điều khiển hoàn toàn các thân thể và tự do hơn trong việc trải nghiệm và sáng tạo của mình. 

Nhiều người không chịu cố gắng, không chịu quyết tâm trong việc thuần thục các thân thể, cứ để chúng lôi đi hoài hoài, do đó mà cứ tái sinh hoài hoài, không thoát ra khỏi chúng được. Đó là những người luôn chạy theo những cảm xúc-thể vía (đa phần là phụ nữ) và những người luôn chạy theo lý trí-thể trí (đa phần là đàn ông), mà không có sự kiểm soát và điều khiển chúng. Bí quyết để ra khỏi luân hồi, đạt Thánh quả A La Hán (người được 4 lần điểm đạo) chính là cân bằng các thân thể và kiểm soát được hoàn toàn chúng. Không dễ dàng gì để buông bỏ hoàn toàn những dính mắc với các thân thể và thế giới bên ngoài, tuy nhiên, nếu không buông bỏ và kiểm soát bản thân, ta sẽ chẳng bao giờ có thể ra khỏi luân hồi và thoát được mọi khổ đau. Những quả vị ngọt ngào nhất luôn đòi hỏi những sự cố gắng lớn lao nhất. Cho nên, cái gì cũng có giá cũng chúng.

Tận hưởng mọi khoái lạc trần gian, đi tìm mọi thú vui trong tam giới, chạy theo những suy nghĩ và cảm xúc...mà không có sự chỉ dẫn từ tâm, bạn sẽ đi vào hố sâu của đau khổ. Tuy vậy, khổ đau hay hạnh phúc, là tùy ở nơi bạn chọn. Bạn hoàn toàn có thể chọn khác đi, chọn hành động khác đi, chọn suy nghĩ khác đi, chọn cách sống khác đi.

Đi vào kỹ thuật một chút, tâm là các vật chất vô cùng vi tế và cực nhỏ, rung động cực kỳ nhanh, (trong cõi giới của nó là khoảng 1 tỷ tỷ tỷ lần trong 1 giây-10^27 Hz), luôn luôn rung động để bắt lấy các đối tượng là các tín hiệu đến từ thể xác, thể vía và thể trí. 

Các hạt vật chất của tâm tạo nên một môi trường, không gian để 3 thân thể hoạt động. Như chúng ta biết trong thể xác có rất nhiều khoảng không, trong khoảng không này có rất nhiều nguyên tử thể vía, thể trí và tâm. Trong thể vía này lại có rất nhiều khoảng không, khoảng không này có rất nhiều nguyên tử thể trí và tâm. Trong thể trí cũng có rất nhiều khoảng không, trong những khoảng không này có rất nhiều vật chất của tâm. Do vậy mà các vật chất của tâm có đầy trong không gian 3 thân thể, tuy nhiên, có một điểm tập trung năng lượng của nó ở ngay trái tim, nên nhiều người nghĩ tim là nơi tâm phát sinh, nơi tâm dựa vào, tuy vậy mà tâm có ở khắp mọi nơi trong 3 thân thể, ngoài ra nó còn liên kết với mọi vất chất thuộc tâm khác ở bên ngoài, cho nên, tâm có thể đi bất kỳ đâu mà nó muốn. Điểm tập trung năng lượng này của tâm, đối với một số người, có thể duy chuyển đi nơi khác chứ không nhất thiết phải là ở nơi trái tim, ví dụ như lên đầu hoặc đi xuống bụng chẳng hạn. 

Vì tâm bao bọc cả 3 thân thể nên bất kỳ rung động nào của 3 thân thể, tâm đều biết cả. Hay nói cách khác, bất kỳ cảm giác, cảm xúc, tư tưởng, suy nghĩ nào tâm đều biết cả. Có những thứ tâm có thể biết nhưng ý thức thì không biết được, ví dụ như những lúc không chánh niệm hoặc những khi ngủ mơ.

Nhiều người không hiểu tâm là gì, do bởi họ quá dính mắc vào các cảm xúc và suy nghĩ, là các chức năng của thể vía và thể trí, họ cứ nghĩ các cảm xúc và suy nghĩ ấy là mình, nhiều người tệ hơn còn nghĩ thân xác là mình. Nhiều người khá hơn cho tâm là cái ngã của mình. Tuy nhiên, không có gì là mình cả. Còn nghĩ về một cái ngã nào đó, tức là chưa thực sự giác ngộ. Giác ngộ là vô ngã, là không còn ngã nữa. Rất nhiều người sẽ không tài nào hiểu được. Tuy vậy, sau khi tu tập và đạt được sự giác ngộ, bạn sẽ hiểu.

Tâm tiếp xúc với thế giới này nhờ 3 thân thể (hay 6 thân thể phụ). Các thân thể này ví như tay chân của con người vậy. Nếu không có những bộ phận này, tâm khó lòng mà tác động đến thế giới vật chất được.

Các chức năng, hoạt động, suy nghĩ, cảm xúc... của con người đều dựa vào các thân thể này mà có. Tâm tác động tới chúng thông qua năng lượng và rung động. Khi tâm muốn thực hiện điều gì đó, tâm sẽ rung động liên tục và gửi tín hiệu xuống thể trí. Thể trí sẽ phiên dịch ra và tác động lên thể vía. Thể vía sẽ tác động lên thể sinh lực để cung cấp năng lượng cho thân hoạt động và não bộ để điều khiển thân hoạt động đúng quy trình. Sau đó thân hoạt động và gửi tín hiệu trở lại cho thể phách, thể vía và thể trí, sau đó thể trí gửi thông tin lên tâm và tâm trải nghiệm kết quả. Ngoài ra, mỗi một rung động của thân, của thể vía, tâm đều biết cả, cho nên tâm không chỉ biết những thông tin thể trí gửi lên mà còn biết cả những cảm xúc, những cảm thọ của thân nữa.

Đó là một quy trình đơn giản, tuy nhiên, thật sự có vô số các kết cấu, quy trình khác có thể xảy ra. Về cơ bản, tất cả đều đang hoạt động và rung động không ngừng bên trong chúng ta. Tâm mang năng lượng rất lớn và rung động nhanh, khi có thể trụ vào tâm, ta sẽ cảm nhận được sự an lạc và bình yên.

Giờ đây, ta sẽ bàn về các thân thể.

Thể thấp bên dưới tâm là thể trí trừu tượng (tưởng + hành vi tế)
Thể này có 3 chức năng chính:

1. Là cầu nối giữa tâm và các thân thể khác. Tâm truyền tín hiệu xuống thông qua thể này và các tín hiệu được truyền lên tâm thông qua thể này. Các tín hiệu ở đây là các thông tin, còn các rung động của các thể thì tâm luôn nhận biết ngay tức thì.

2. Lưu trữ dữ liệu của tất cả các kiếp sống của một người (tưởng vi tế) (tiềm thức).

3. Đảm nhiệm xử lý và phân tích các dữ liệu trừu tượng, siêu hình, vi tế, các quan niệm, định nghĩa, khái niệm... Điều này tạo ra tính cách, các bước ngoặc cuộc sống, mục tiêu kiếp sống của một người. Trước khi đầu thai, thể này phân tích và xử lý các dữ liệu thuộc về kiếp vừa qua và các kiếp quá khứ, đánh giá tình hình, dưới sự giúp đỡ của các Tinh quân nghiệp quả và các trưởng lão, sau đó sẽ lựa chọn một kiếp sống với những hoàn cảnh, với những tính cách, với những mối quan hệ...mà phù hợp với nghiệp quả và mục tiêu của tâm (hay còn gọi là linh hồn). Đây gọi là hành vi tế.

Thể này có tuổi thọ rất lâu dài, nó sẽ tồn tại cho tới khi nào tâm không còn cần nó nữa, tức là lúc bạn đạt được giải thoát và thanh toán toàn bộ nghiệp quả. Lúc đó tâm sẽ buông bỏ luôn thể này và rời khỏi tam giới.

Một người đạt cứu cánh Niết Bàn, giải thoát, có thể có 2 con đường để lựa chọn:

+Một là, nhập trực tiếp vào Niết Bàn, hay hòa nhập vào Tinh thần, Thượng đế, và an hưởng quả vị giải thoát, thanh tịnh, an lạc, bất tử.

+Hai là, tiếp tục luân hồi trong các cảnh giới của Thái dương hệ, sau đó lại tiếp tục luân hồi trên các cảnh giới của vũ trụ. Thời gian luân hồi lúc này có thể tính bằng tỷ năm, tỷ tỷ năm...Thời gian trong các cảnh giới này ít có ý nghĩa.

Tâm làm việc với năng lượng và các rung động, còn thể trí trừu tượng này làm việc với các biểu tượng và màu sắc. Người có nhãn thông sẽ thấy thể trí trừu tượng này biểu hiện ra dưới các hình thức biểu tượng và màu sắc đi kèm khi chúng hoạt động. Ví dụ như một tư tưởng thanh cao sẽ biểu hiện ra dưới dạng các ngôi sao sáng chói nhiều màu sắc. Một tình yêu cao thượng sẽ biểu hiện ra dưới dạng các hình trái tim màu hồng rực rỡ cuộn vào nhau...

Bạn cũng có thể thấy các biểu tượng này trên các vòng tròn trên các cánh đồng của những ETs để lại, mục đích của họ là kích thích tư tưởng trừu tượng của con người. Có vài thông tin được ẩn giấu trong đó.

Bạn có thể cảm nhận sự rung động của thể này khi đạt được Định Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Thể tiếp theo của con người đó là thể trí cụ thể, hay còn gọi là hạ trí (tưởng + hành cụ thể)
Thể hạ trí này chi phối những tư tưởng, suy nghĩ, tư duy, tính toán, lập luận, phân tính...thường thấy ở một người bình thường. Nhiều người xem nó là cái ngã của mình.
Thể này có chức năng chính là thể trung gian giữa thể vía và thể trí trừu tượng, cung cấp và xử lý các thông tin thu được từ các giác quan, gửi lên cho thể thượng trí và tâm. Thể này thu thập thông tin từ bên ngoài, kết hợp với thông tin đến từ tiềm thức, cùng với sự tác động từ siêu ý thức (tâm-linh hồn), xử lý và phân tích chúng để tạo nên hiểu biết cho chính mình (tri thức).
Nó còn lưu lại tất cả thông tin về những sự vật, sự việc mà nó đã thấy, xử lý và biết trong kiếp sống hiện thời, ta gọi đây là tưởng cụ thể.
Tưởng là sự ghi nhớ, lưu lại của tâm trí về một sự vật, sự việc nào đó. Ví dụ như khi ta nhìn một vật, nhờ tưởng ta biết đó là bông hoa chứ không phải là cục đất, khi ta nhìn một bông hoa, nhờ tưởng này mà ta biết ngay đó là hoa hồng, chứ không phải hoa huệ. Tưởng lưu lại và ghi nhớ. Tưởng hoạt động như một bộ nhớ của máy tính. Còn hành, tức là những xử lý và tính toán, hoạt động như con chip xử lý. Hành hay còn gọi là tư, tưởng và hành gọi chung là tư tưởng, là một chức năng của thể trí (trí cụ thể + trí từu tượng).

Thể trí cụ thể làm việc với các hình dạng và màu sắc. Thể trí này là cái ta dễ dàng nhận biết nhất. Khi một suy nghĩ khởi lên, ta biết ngay đó là nó. Khi tính toán một điều gì đó, ta biết là nó đang hoạt động. Khi dự tính làm một việc gì đó, ta biết là đó là hoạt động của thể trí này. Thể trí này tác động lên thể vía, thể phách để điều khiển cơ thể hoạt động, đồng thời thông qua thể vía tác động lên não bộ để diễn dịch các chuỗi thông tin để từ đó điều khiển thân xác hoạt động một cách theo thứ tự.
Ví dụ như khi ta dự tính đi ăn cơm, thể trí sẽ tạo ra một hình ảnh ăn cơm, sau đó gửi đến thể vía, sẽ có một cảm giác muốn ăn ở thể vía, thể vía sau đó sẽ cảm giác này lên thể phách, sau đó thể phách sẽ tác động lên thân xác để nó hoạt động. Cùng lúc đó, thể trí cũng tác động lên não bộ thông qua thể vía, não sẽ phân tích nên làm việc gì ưu tiên trước, như đi đến nhà bếp, lấy thức ăn, ngồi xuống, ăn... và kết hợp các động tác như chân thế nào, tay thế nào, mắt nhìn đâu...

Thể trí cụ thể được cấu tạo bởi những hạt sáng rung động liên tục, mà chỉ khi hành thiền ta mới dễ dàng thấy được. Đạt đến tứ thiền sắc giới, ta sẽ dễ dàng thấy được rung động của thể trí cụ thể này.

Bên dưới thể trí là thể vía.
Thể vía có 2 thể phụ, đó là thể cảm dục và thể astral (thiên về mặt năng lượng). Thể cảm dục chi phối các chức năng về cảm giác, dục vọng, cảm xúc của con người. Nó rung động thấp hơn thể astral, là thể chi phối năng lượng cho cảm xúc và tạo hình tư tưởng cho con người. Hai thể này cũng tương tự như thể xác và thể phách. Thể xác là đậm đặc hơn, nặng nề hơn, còn thể ether là nhẹ nhàng và vi tế hơn, thể ether chủ yếu đảm nhiệm về mặt năng lượng, duy trì hoạt động của thể xác, đồng thời đáp ứng với những rung động từ thể vía. Thể astral cũng là thể cung cấp năng lượng và duy trì sự hoạt động của các cảm thọ và dục vọng, đồng thời nó cũng đáp ứng với những rung động đến từ thể trí, vì vậy nó tạo ra cho con người các cảm thọ thuộc về tâm như dễ chịu, an lạc hay khổ đau. Tất nhiên tất cả chỉ là các rung động, gọi là cảm giác, cảm xúc, hay tình cảm...chẳng qua là do chúng ta đặt tên cho chúng - các rung động khác nhau.

Các cảm giác, cảm xúc là những thứ rất dễ nhất biết đối với chúng ta, tuy nhiên nhiều người còn chưa biết về hoạt động của thể astral. Thật ra nó là năng lượng đi cùng với các cảm xúc. Khi bạn tức giận, bạn có năng lượng tức giận đi cùng, đôi khi nó rất mạnh mẽ. Khi bạn lạc quan yêu đời, bạn sẽ cảm giác một năng lượng sống dồi dào, thoải mái, an lạc. Thể astral này cung cấp năng lượng cho các cảm xúc. Nó có thể mạnh hoặc yếu, có thể dễ chịu hoặc khó chịu. Đôi khi bạn có một niềm vui nào đó, nếu không được thể astral cung cấp năng lượng cho, niềm vui ấy sẽ qua đi rất nhanh. Khi không được cung cấp năng lượng, các cảm xúc mau chóng suy yếu và mất sức sống.

Thể vía cũng có bộ lưu trữ các cảm xúc của nó. Có những cảm xúc thường rất dễ xuất hiện đối với một người, nhưng lại khó xuất hiện đối với người khác hơn, do bởi các cảm xúc này chưa được lưu trữ trong bộ nhớ thể vía. Thật ra tất cả 6 thân thể thấp đều có bộ lưu trữ thông tin của nó, tất cả các thân thể đều có bộ phận ghi nhớ dữ liệu của chúng. Bạn cũng sẽ thấy điều này ở những thể cao hơn. Cơ bản thì tất cả đều có sự ghi lưu, ngay ở cấp độ nguyên tử, tế bào.

Thể bên dưới thể vía là thể xác hồng trần. Thể này có 2 thể phụ, thể xác đậm đặc là cái mà ta thấy được, bao gồm rắn lỏng khí, còn thể phách/ dĩ thái là thể sinh lực mắt thường không nhìn thấy được, thực ra chất khí là chất mà mắt người bình thường còn chưa thể thấy được thì chất dĩ thái, là chất nhỏ và nhẹ hơn chất khí rất nhiều, họ cũng không thể nào thấy được.
Thể dĩ thái đảm nhiệm cho vai trò duy trì năng lượng hoạt động của cơ thể. Nó nhận lệnh từ thể vía truyền xuống và điều động cơ thể hoạt động, đồng thời nó cũng truyền tín hiệu mà thể xác nhận được lên cho thể vía.
Thể dĩ thái là nơi mà các nhà luyện khí công tác động đến, là nơi chứa các luân xa, các huyệt đạo, hệ thống năng lượng, hệ thống điện. Thể dĩ thái hiện nay chưa được rèn luyện đúng mức, cho nên nó chưa thể là dẫn thể để con người có thể hoạt động ở cõi ether. Cho nên, con người sau khi chết sẽ ở trong thể ether một thời gian, sau đó một thời gian thể này tan rã và con người sẽ hoạt động trong thể vía bên cõi trung giới. Đây gọi là giai đoạn thân trung ấm.
Tuy nhiên, giờ đây có rất nhiều môn phái chú tâm đến thể dĩ thái này và tác động đến nó, có thể kể đến trường phái nhân điện, trường sinh học, pháp luân công...(tất nhiên là họ không chỉ tác động tới thể này mà còn đề cao về việc rèn luyện tâm tính trong tu tập). Luyện tập tốt thể này, sẽ cho ta năng lượng dồi dào, chống lại sự tấn công của bệnh tật và các thế lực trong thế giới cõi âm, tạo nên một cơ thể khỏe mạnh và bền bỉ, chắc chắn là sẽ dễ tu tập hơn rất nhiều. Tốt hơn nữa, nó sẽ giúp chuyển đổi cơ thể vật lý sang cơ thể ether, biến cơ thể chúng ta thành cơ thể ánh sáng, cơ thể bất tử. Lúc đó chúng ta có thể hoạt động ở cõi ether, là cõi thiên đường tại thế, là nơi hoạt động của các dân chúng thần tiên, những người mà có thể chúng ta được nghe đâu đó trong các câu chuyện cổ tích. Vâng, chuyện cổ tích trong một vài trường hợp nào đó là có thật.

Thể mà chúng ta nhìn thấy và làm việc với nó nhiều nhất là thể xác. Nó là cái mà ta dùng để tiếp xúc và tác động đến các vật chất thuộc cõi trần vật lý (cõi trần là cõi gồm có vật lý + ether). Do bởi ý thức của Mẹ Trái Đất đang đặt tâm vào cõi trần vật lý, nên cõi này có sự đa dạng và cấu hình phức tạp hơn các cõi còn lại. Trong tương lai khi Mẹ Trái Đất chuyển tâm thức qua sinh hoạt ở cõi ether, thì cõi này sẽ được linh hoạt và con người sẽ chuyển sang hoạt động ở cõi ấy. Lưu ý Trái Đất cũng là một sinh vật sống và cũng đang trên đường tiến hóa của mình, tuy nhiên ở đường tiến hóa rất khác với con người. Trong tương lai nếu muốn, chúng ta cũng có thể mang một cơ thể là cả một hành tinh. Tất cả mọi thứ đều có thể xảy ra. Tất cả mọi thứ đều chứa sự sống.

Thể vật lý là thể mà chúng ta biết rõ, cho nên tôi sẽ không nói nhiều về nó. Tuy nhiên, nó không bao giờ hoạt động một mình cả, mà luôn có sự tác động, điều hướng, dẫn dắt từ các thể bên trên, mà gần nhất là thể ether. Khi thân xác bị bệnh, không chỉ do sự tác động của các yếu tố bên ngoài như vi khuẩn, thời tiết, thức ăn... mà còn là do sự hư hỏng từ các thân thể bên trên, sau đó chúng thể hiện ra thân xác. Có những căn bệnh không đến từ thể xác mà lại đến từ các thể cao cấp hơn. Do đó, một người chữa lành nên biết về sự hoạt động của 6 thân thể thấp này.

Thể ether duy trì sự sống cho thể xác, không có thể này con người sẽ không thể hoạt động được và đi đến cái chết. Chết thực chất là chuyển sang hoạt động ở cõi khác, chứ sự chết chưa bao giờ có nghĩa là biến mất hoàn toàn cả.

Tóm lại, tâm là cái điều khiển tất cả, nhận thức tất cả các thể. Các thân thể chỉ là các phương tiện cho tâm tiếp xúc với các thế giới thấp (bao gồm hạ giới, trung giới và thượng giới). Tâm chịu trách nhiệm duy trì sự hoạt động của các thân thể và cung cấp năng lượng cho chúng. Mục đích của tâm là trải nghiệm, học hỏi và sáng tạo. Học hỏi chỉ là phần nhỏ, trong giai đoạn đầu của quá trình đầu thai, cái quan trọng của tâm đó là trải nghiệm và sáng tạo. Tuy nhiên, để có thể trải nghiệm và sáng tạo tốt, tâm phải điều khiển được các thân thể và không bị dính mắc với chúng cũng như với các thế giới thấp. Khi nào tâm có thể điều khiển và kiểm soát hoàn toàn 6 thân thể thấp là thể xác, thể phách, thể cảm dục, thể astral, thể hạ trí, thể thượng trí, lúc ấy tâm sẽ có được tự do tự tại, hạnh phúc và bình yên.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét