Thứ Ba, 2 tháng 4, 2019

Tìm trong nội tại

"Đó chính là thực trạng tồn tại phổ biến hiện nay ở Việt Nam, một sự trở lại của chủ nghĩa thần quyền, khi nơi nơi đều đang nườm nượp lễ bái, quyên góp xây chùa, dựng tượng, cố gắng càng làm to lớn, rầm rộ thì càng tốt... Chúng ta cần những tiếng nói cảnh tỉnh giống như của đức Đạt Ma xưa kia, nhắc nhở mọi người rằng, tất cả công sức, tiền của mà họ bỏ ra đều 'thiệt không có công đức'. Chúng chỉ có thể mua lấy một sự an tâm tạm thời, với hình dung rằng một đấng linh thiêng ở đâu đó sẽ chứng giám lòng thành và phù hộ cho họ. Còn để có sự an tâm lâu dài, họ phải đi theo con đường chính đạo, đó là đi tìm đấng linh thiêng ở ngay bên trong mình.

...Bước thứ ba có thể coi là một cuộc cách mạng cho mỗi cá nhân, khi sự an định ở bước thứ hai hoàn toàn lột xác lên một tầm mức mới. Nó không còn phải vay mượn sự hỗ trợ từ những điều huyền bí, siêu nhiên, hay những nghi lễ cúng bái nặng nề. Ta nhận thấy rằng sự an định vốn dĩ tự khởi phát trong nội tâm, luôn tiềm ẩn sẵn có bên trong mình, một tồn tại vô điều kiện. Nghĩa là bất kỳ ai cũng tiềm ẩn khả năng tự tìm thấy sự vững vàng một cách vô điều kiện, và tinh thần bác ái vô điều kiện.

Ba bước trên đây chính là một quá trình khai mở, giúp con người tự nhận ra những giá trị nhân văn tinh túy bên trong mình – trong Phật giáo gọi đó là Phật tính. Mọi con đường tôn giáo nếu giúp dẫn dắt cho con người trải nghiệm qua ba bước ấy thì đều có thể coi là chính đạo. Và càng hướng tới bước thứ ba thì thần quyền càng giảm xuống, con người càng tự do và tiến bộ hơn, không còn sự phân biệt, bài xích giữa tôn giáo này với tôn giáo khác, hoặc giữa người theo tôn giáo hay không theo tôn giáo – một tinh thần đại đồng mà những hiền nhân như Mahatma Ganhdi vẫn hướng tới."

~ Phạm Trần Lê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét