Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2020

Bài học từ đại dịch Corona



Con người ngày nay vẫn còn sống hướng ngoại quá nhiều, trong mọi cấp độ từ vĩ mô trong kinh tế, giáo dục đến vi mô như hội họp, đàn đúm. Kể cả trong nhiều người theo đuổi lối sống giản đơn hơn, hướng nội hơn thì tiêu chí cho sự “giản đơn” và “hướng nội” ấy vẫn còn rất bề ngoài. Đối với nhiều người, “thanh tịnh” đòi hỏi việc “tránh các thứ xô bồ bên ngoài”. Vậy chẳng phải tiêu chí của “thanh tịnh” còn dựa vào bên ngoài nhiều lắm sao? Còn “tránh bên ngoài” tức vẫn còn lệ thuộc vào bên ngoài. Việc “tránh bên ngoài” là bước đầu cần thiết để tìm thấy thứ thật sự của mình ở bên trong, nhưng nếu mãi “tránh bên ngoài” vẫn chỉ là “tránh bên ngoài” thì đã bị kéo tuột ra ngoài lại rồi. Mỗi con người vẫn là “con người” chỉ khi nào vẫn còn là một phần thiết yếu của nhân loại.



So với phương Đông, phương Tây nhìn thoạt qua thì có vẻ “đàn đúm” ít hơn nhưng thật chất thì mức độ hướng ngoại không hề kém, chẳng qua thể hiện khác thôi, không hội họp đàm đúm thật thì cũng đắm mình trong đủ loại môi trường ảo. Xét về bản chất, các môi trường ảo này rất tương tự với sự “thanh tịnh” bề ngoài mà nhiều người phương Đông kiếm tìm. Mình sẽ không ngạc nhiên nếu thực tế xảy ra rằng những người chỉ quanh quẩn tìm kiếm sự “thanh tịnh” “tránh bên ngoài” trong kiếp này thì kiếp sau sẽ lọt bẫy vào mớ môi trường ảo ngày càng phình trướng “khủng” ấy.



Ở đây không cần bàn đến các tác hại thông thường của việc sống quá hướng ngoại, mà muốn nói đến cái tác hại lớn nhất, đó là sự ru ngủ cái Tôi. Ai tinh mắt quan sát nội tâm của mình sẽ nhận thấy, và mình mời mọi người làm thế nhiều hơn, là mỗi khi ta tham gia vào hoạt động hướng ngoại, như hội họp hay bất cứ thể loại gì, mỗi khi ta “thả lỏng” mình để “hưởng thụ” một chút cảm xúc gì đó nảy sinh trong sự tương tác (cũng như “tránh tương tác”) của mình với bên ngoài, trong mọi hoạt động lớn nhỏ, có một phần của cái Tôi bị ru ngủ. Đó là vì luôn luôn hoạt động trong tương tác giữa ta và bên ngoài là các thực thể tâm linh có sức mạnh cao hơn chúng ta, mà Anthroposophy gọi tên là các ‘angel’, ‘archangel’, ‘archai’. Cái Tôi của con người bị ngủ gục trước các sức mạnh ấy, trước các cảm xúc ấy, đắm mình trong sự nhiệt tình hướng ngoại. Và trong thời đại bước ngoặt của nhân loại hiện nay--thời đại phát triển tâm hồn nhận thức--thì trong chừng mực mà một sức mạnh làm ru ngủ cái Tôi con người, sức mạnh ấy là ngược tiến hóa, là một cám dỗ. (Để tìm đọc các bài giảng của Steiner trên rsarchive về đề tài này, có thể tra từ khóa “social and anti-social forces site:rsarchive.org”.)



Vậy thì làm thế nào trước bối cảnh này? Như đã nói ở trên, “tránh hướng ngoại” không phải là cách lâu dài, bởi “tránh hướng ngoại” sẽ chóng thoái hóa chỉ còn là “hướng ngoại”, nên nó cùng lắm chỉ là bước đầu để đi tìm cái Tôi. Mục đích là, làm sao để đánh thức cái Tôi để sức mạnh từ nó được trỗi dậy, để có thể từ đó mà hướng ngoại trong tỉnh thức.



Anthroposophy chính là nhằm mục đích này.



Nhưng con người vẫn được giúp đỡ ngay cả trước khi nghiêm túc hành trình Anthroposophy. Một trong những cách được giúp đỡ đó là bệnh tật. Bệnh tật là một cơ hội để cái Tôi tiếp tục được đánh thức (nên nhớ: sự trỗi dậy tỉnh thức của cái Tôi là một quá trình dài). Trẻ nhỏ hay bị sốt, vì cái Tôi đang bắt đầu rục rịch trong chúng. Nhưng nếu ta cho chúng uống thuốc hạ sốt hay các loại thuốc dập tắt triệu chứng, thì cái Tôi sẽ mất cơ hội được đánh thức này, và nếu cứ đánh mất cơ hội như thế thì trẻ khi lớn chỉ còn có thể “ngủ li bì” trong cuộc sống xã hội của nó. Thay vì thế, nên hỗ trợ sức đề kháng của nó để nó vượt qua cơn sốt một cách tự nhiên. Người lớn cũng vậy, chỉ khác là nay ta nên chủ động hợp tác với hệ đề kháng miễn dịch của chính mình. Mỗi lần bệnh là một cơ hội thật sự hướng nội, nếu ta biết chấp nhận căn bệnh mà không dập triệu chứng nhanh với mớ thuốc men, thay vào đó, hỗ trợ sức đề kháng của mình, bình tĩnh nhìn vào triệu chứng của mình, chẩn đoán nó trong chiêm nghiệm, đặt nó trong bối cảnh rộng hơn của cuộc đời, cố gắng hiểu nó. Hiểu nó và hiểu chính mình hơn, mỗi lần như vậy là một lần đánh thức cái Tôi. Ta nên chính là người thầy thuốc của chính mình. Người mới học tập Anthroposophy có thể bắt đầu trải nghiệm sự sâu sắc của Anthroposophy qua việc dùng nó để giải thích bệnh tật và giải thích chính mình, bởi Anthroposophy không giải thích bệnh tật, hay giáo dục, v.v..., một cách riêng lẽ, mà đều kết nối mọi thứ tưởng chừng như riêng lẽ trong cuộc sống lại thành một mối thống nhất về chính mình—quá trình thống nhất này là một sự trỗi dậy của cái Tôi.



Hiểu căn bệnh thông qua hiểu chính mình, đây mới là sức đề kháng mạnh mẽ nhất. Khoa học duy vật cũng thấy được, sỡ dĩ hệ miễn dịch có thể chống lại được virus là do đã tạo được loại kháng thể có khả năng bám đúng khớp vào virus và vì thế vô hiệu hóa virus. Đây chỉ là thể hiện bề ngoài của một sự thật tâm linh—một khi ta đã hiểu được một cám dỗ, một bệnh tật, nó tự khắc được hóa giải, được vô hiệu hóa.



Cách đây hai tuần mình bị bệnh, mắc các triệu chứng thông thường của cảm lạnh và cúm, đỉnh điểm là có hôm ho liên tục, không nói được vì cứ định động đậy thanh quản là ho, cả người tê nhức. Ngay hôm phát bệnh lại trùng với hôm Toronto phát dịch COVID-19 (trước đó vẫn còn yên ổn với chỉ 2 ca, nay đã lên 51), nên có hơi một chút thắc mắc không biết có mắc cùng thứ không. Sau một tuần thì mình hết bệnh, phải chăng nó có phải thứ COVID-19 kia hay không không quan trọng, vấn đề là một tuần đó mình có dịp quan sát căn bệnh rõ hơn trước giờ. Một tuần trải qua vất vả cho gia đình nhưng rất ý nghĩa.



Thế giới ngay bây giờ đang bị sốt COVID-19, như một người đang bị sốt. Việc đóng cửa trường khắp thế giới, các nơi hội họp, hoãn hàng loạt tuyến bay, v.v..., là bước đầu của sự “tránh tương tác”, vì thế nó là một cơ hội để tất cả có dịp hướng nội để nhìn vào chính mình, mặc dù biết rằng sau cùng, qua dịch này, đa phần sẽ lại “vũ như cẩn”. Mình đặc biệt hy vọng phong trào Anthroposophy thế giới sẽ có sức mạnh mới sau cơn dịch này, vì hơn ai hết nó tự biết nó là phong trào tiên phong của thời đại phát triển tâm hồn nhận thức, đánh thức cái Tôi, vì thế hơn ai hết chính phong trào này phải được thử thách. Các cuộc hội họp Anthroposophy ấm áp liệu có tiếp tục trong cơn dịch kéo dài không? Nếu chỉ đơn giản là “có” là có phải cứng đầu cố chấp mù quáng? Nếu “không” thì niềm tin vào Anthroposophy, và niềm tin vào bệnh tật ở đâu mà nay lại tránh cơn dịch? Đúng và sai không đơn giản nằm ở ‘có’ hay ‘không’, hay các hình thức chắp vá thay hội họp. Thử thách ở đây, và cũng là mục đích của dịch bệnh, chính là thử thách xem cái Tôi đã được đánh thức đến đâu.



Tiếng Anh có thành ngữ “a blessing in disguise”, nói về một phước lành đến trong dáng vẻ ngoài thoạt đầu là tai họa. Tùy người mà COVID-19 này có thể đúng là như thế.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét