Thứ Tư, 15 tháng 1, 2020

Phân biệt canh tác hữu cơ, canh tác thuận tự nhiên, và canh tác đa dạng sinh học

Tác giả: Jerry Do

Trước giờ có rất nhiều bạn nhắn tin hỏi tôi canh tác hữu cơ khác canh tác thuận tự nhiên như thế nào, làm sao phân biệt canh tác thuận tự nhiên (natural farming) và canh tác đa dạng sinh học (bio dynamic). Ba loại hình canh tác này thực ra rất khác nhau nhưng vì chúng cho ra sản phẩm có độ “sạch” khá tương đồng nên người tiêu dùng rất khó phân biệt nếu chỉ dựa vào sản phẩm.

1. Canh tác thuận tự nhiên (natural farming):

Đây là tập hợp những loại hình canh tác bền vững, tuyệt đối tôn trọng các quy luật vận hành của tạo hóa và dựa hoàn toàn vào thiên nhiên cũng như môi trường sống xung quanh để làm nông nghiệp. Mọi loại phân thuốc tổng hợp đều không được phép sử dụng, các kĩ thuật xen canh/luân canh được tận dụng để tăng độ màu mỡ cho đất và chống xói mòn. Đất đai luôn có đủ thời gian “nghỉ ngơi” sau mỗi vụ thu hoạch và nguyên lý “trả lại cho đất” luôn được áp dụng triệt để (chỉ lấy những gì chúng ta thực sự cần, còn lại tất cả phải trả về cho đất). Điểm nổi bật của canh tác thuận tự nhiên là hạn chế những tác động của con người (như bón phân, làm cỏ, tưới tiêu, cày xới…) đối với các quá trình tương tác của tự nhiên. Một trong những người tiên phong thực hiện phương thức canh tác này trên thế giới là một nông dân người Nhật có tên là Masanobu Fukuoka. Thực ra mô hình canh tác thuận tự nhiên đã có từ rất lâu trước khi ngài Fukuoka được biết đến vì nó chính là nông nghiệp truyền thống mà cha ông chúng ta đã thực hành và kế thừa qua nhiều thế hệ.

Hai đại diện tiêu biểu của canh tác thuận tự nhiên là:

a) Permaculture: mô hình canh tác này “bắt chước” sự vận hành của các hệ sinh thái trên Trái đất (đặc biệt là rừng), thiết kế vườn gồm nhiều tầng tán chú trọng đa dạng sinh học và tuân thủ chặt chẽ các điều kiện tự nhiên và địa lý của khu vực để biến khu vườn thành một hệ sinh thái thu nhỏ bền vững nằm trong tổng thể các hệ sinh thái to lớn hơn. Mô hình này có thể áp dụng cho các hộ nông dân nhỏ lẻ (không có diện tích đất canh tác lớn) và đặc biệt đề cao khía cạnh trí tuệ, đạo đức của nông nghiệp bền vững.

b) Agroforestry: mô hình canh tác xen kẽ với rừng, nương nhờ sự đa dạng và cân bằng sinh học sẵn có của rừng để kết hợp trồng cấy/chăn nuôi, giúp đất đai thêm màu mỡ và chống xói mòn. Mô hình này được áp dụng rất thành công ở Châu Phi và Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, canh tác thuận tự nhiên có điểm yếu là không có tiêu chuẩn hay quy định khắt khe về hạ tầng như canh tác hữu cơ hoặc canh tác đa dạng sinh học. Khi môi trường sống xung quanh bị ô nhiễm, canh tác thuận tự nhiên rất dễ bị nhiễm độc từ đất đai, nguồn nước, không khí…Nếu muốn tạo ra sản phẩm thực sự “sạch”, các chủ vườn bắt buộc phải thực hiện thanh lọc và cách ly hạ tầng nông nghiệp.

2. Canh tác hữu cơ (organic farming):

Đây cũng là mô hình canh tác bền vững nhưng khác biệt ở chỗ áp dụng triệt để những thành tựu của công nghệ sinh học và dựa trên những quy chuẩn hữu cơ (vd: USDA Organic, EU Organic, Organic JAS, Bio Suisse…) để kiểm soát quy trình canh tác/thu hoạch/bảo quản/xử lý/đóng gói cũng như các yếu tố hạ tầng như đất đai, nguồn nước, không khí, nhà xưởng, máy móc…

Thực ra từ “organic” trong tiếng Anh không có từ tương ứng trong tiếng Việt nên người ta hay dịch tạm là “hữu cơ”. Trong tiếng Anh, từ “organic” bắt nguồn từ chữ “organism” (sinh vật sống) và “organ” (các bộ phận chức năng của một cơ thể sống). Organic farming hiểu đơn giản là phương thức canh tác dựa trên các sinh vật sống để tạo ra sự cân bằng sinh học một cách bền vững.

Đặc điểm nổi bật của canh tác hữu cơ là các yếu tố đầu vào phải đạt chuẩn hữu cơ (thành phần 100% hữu cơ và được chấp nhận sử dụng), ví dụ: phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học ngăn sâu bọ, các loại kháng sinh từ thảo dược hỗ trợ cây trồng…Đặc điểm này khiến canh tác hữu cơ rất dễ bị nhầm với canh tác thuận tự nhiên. Canh tác hữu cơ vẫn có thể trồng chuyên canh một loại cây trên một diện tích lớn, không bắt buộc xen canh/luân canh như canh tác thuận tự nhiên, miễn sao đáp ứng các quy chuẩn hữu cơ là được. Chăn nuôi hữu cơ vẫn cho phép dùng các loại vacxin/kháng sinh trong danh mục quy định.

Mặc dù không bắt buộc nhưng nếu muốn tiết kiệm chi phí và công sức thì vườn canh tác hữu cơ vẫn phải áp dụng các nguyên lý tự nhiên như xen canh/luân canh, đa dạng cây trồng/vật nuôi, tuần hoàn chất dinh dưỡng…

Công nghệ phổ biến nhất trong canh tác hữu cơ hiện nay là EM (Effective Microorganism – vi sinh vật hoạt động), bắt nguồn từ giáo sư người Nhật có tên là Teruo Higa. Công nghệ này dựa vào việc bổ sung các EM có tác dụng chuyển hóa các hợp chất hữu cơ trong đất thành chất dinh dưỡng mà cây hấp thụ được. Theo giáo sư Higa, ước tính có khoảng 80 chủng EM tham gia tích cực vào quá trình này, chia làm 3 loại: EM xấu (tiêu cực), EM tốt (tích cực), và EM trung tính. Trong bất cứ môi trường nào (đất, nước, không khí, hệ tiêu hóa), tỉ lệ giữa EM xấu và EM tốt đóng vai trò then chốt quyết định sức khỏe của hệ sinh thái vì EM trung tính sẽ trở thành EM xấu hoặc EM tốt tùy thuộc vào các điều kiện của môi trường xung quanh chúng.

Mặc dù được áp dụng tại hơn 60 quốc gia, công nghệ EM vẫn tồn tại nhiều vấn đề mà nhà sản xuất cần phải lưu ý:

a) Các chủng EM khi đưa vào những hệ sinh thái nhất định sẽ tương tác với các chủng EM hiện hữu. Việc các “khách lạ” này sẽ làm biến đổi hệ sinh thái ra sao vẫn còn là một vấn đề mà khoa học hiện đại chưa lường hết được. Tuy nhiên, có một điều chúng ta biết chắc chắn là hệ sinh thái chỉ khỏe mạnh khi các EM phối hợp “nhuần nhuyễn” và “ăn ý” để đạt tới một trạng thái cân bằng bền vững.
b) Thực tế áp dụng cho thấy nhiều loại EM “lạ” khi đưa vào hệ sinh thái thường không tồn tại được lâu và bị “lép vế” rất nhanh. Do vậy, nhà sản xuất phải liên tục bổ sung EM để duy trì tác dụng lên cây trồng, dẫn đến chi phí tăng và phụ thuộc vào nguồn cung EM.
c) Đa số các loại phân vi sinh bán rộng rãi trên thị trường chỉ bổ sung các loại EM chuyển hóa các nguyên tố đa/trung lượng (N, P, K, C…) nhưng sự khác biệt về chất lượng sản phẩm lại chủ yếu đến từ việc chuyển hóa các nguyên tố vi lượng (hơn 100 nguyên tố). Nhà sx sử dụng công nghệ EM bắt buộc phải có kiến thức sâu rộng trong lĩnh vực hóa sinh để tiến hành các thí nghiệm chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.
d) Khi sử dụng các loại phân vi sinh, nhà sx cần chú ý thành phần nguyên liệu ủ vì hoàn toàn có khả năng nguyên liệu bị nhiễm các tạp chất độc hại từ quá trình chăn nuôi công nghiệp hoặc canh tác hóa học.

Bên cạnh công nghệ EM, một công nghệ khác đang được phát triển thời gian gần đây là MS (viết tắt của Microbial Stimulation). Thay vì bổ sung các EM “lạ” bên ngoài vào hệ sinh thái, các loại phân bón đặc biệt có thành phần hữu cơ được đưa vào để kích thích môi trường xung quanh, từ đó hoán chuyển tỉ lệ EM tốt-xấu của cộng đồng hiện hữu và tạo ra các tác dụng tích cực lên cây trồng cũng như chất lượng sản phẩm. Điểm mạnh của công nghệ này là chi phí thấp và có thể áp dụng cải tạo mọi loại đất, dù “nghèo” cỡ nào cũng được. Vì vậy canh tác hữu cơ không nhất thiết phải ứng dụng EM và ngược lại thành phần phân bón chứa EM cũng chưa chắc 100% hữu cơ.

Hiện nay các quốc gia đi đầu trong công nghệ MS như Hoa Kỳ và Israel đang đầu tư nhiều tiền bạc và công sức để “học hỏi” từ hệ sinh thái của rừng nguyên sinh vốn được xem là cân bằng và bền vững nhất trên Trái Đất.

Nhiều nhà sx rất hay sử dụng cụm từ “hướng hữu cơ” trong quảng cáo hoặc trên bao bì sản phẩm. Thực ra canh tác hữu cơ hoàn toàn không tồn tại khái niệm này, mà chỉ có 2 trạng thái: (1) Đang chuyển đổi (tức là đang trong quá trình hoàn thiện và khắc phục để xin cấp chứng nhận); (2) Đạt chuẩn (vườn đã đạt quy chuẩn và được cấp chứng nhận cho diện tích canh tác hữu cơ cụ thể).

3. Canh tác đa dạng sinh học (bio dynamic):

Đây là mô hình canh tác nông nghiệp hình thành từ những ý tưởng về giáo dục/xã hội/môi trường/chiêm tinh học của nhà triết học Rudolf Steiner. Thực ra trong tiếng Việt không có thuật ngữ tương đương nên tôi dịch tạm là canh tác đa dạng sinh học. Về bản chất bio dynamic cũng là một mô hình canh tác hữu cơ nhưng bổ sung thêm những quy định hết sức ngặt nghèo như sau (cụ thể hóa bằng các bộ quy chuẩn khắt khe):

-Đa dạng sinh học (bio diversity): vườn phải kết hợp luân canh/xen canh nhiều loại cây trồng vật nuôi, chia làm nhiều khu vực và tầng tán khác nhau để tối ưu hóa quan hệ cộng sinh giữa các loài.
-Hệ sinh thái khép kín: vườn được vận hành như một hệ sinh thái khép kín và cách ly với môi trường bên ngoài.
-Tuần hoàn dưỡng chất: vườn phải tự sản xuất cây/con giống và chủ động nguồn dinh dưỡng/phân bón trên cơ sở tuần hoàn khép kín, dưỡng chất được luân chuyển sử dụng cho các nhóm cây trồng/vật nuôi khác nhau. Khi mới chuyển đổi từ canh tác hữu cơ, vườn vẫn được cho phép sử dụng một tỉ lệ nhất định các loại phân bón/thức ăn hữu cơ mua từ bên ngoài (khoảng 50%), nhưng phải có lộ trình hướng đến việc tự chủ hoàn toàn.

Nhìn một cách tổng thể, bio dynamic chính là sự kết hợp của canh tác hữu cơ và canh tác thuận tự nhiên do sự kế thừa những đặc điểm riêng biệt của cả hai mô hình này.

Để có thể xin cấp chứng nhận bio dynamic thì trước tiên vườn phải đạt chuẩn organic. Hiện nay hai quy chuẩn canh tác bio dynamic phổ biến và uy tín nhất trên thế giới là Demeter USA (Hoa Kỳ) và Demeter EU (Châu Âu). Đức và Hoa Kỳ cũng là hai quốc gia có diện tích canh tác bio dynamic lớn nhất trên thế giới.

Kết bài

Canh tác thuận tự nhiên, canh tác hữu cơ, hay canh tác đa dạng sinh học đều là những loại hình canh tác bền vững, thân thiện với môi trường và tạo ra những sản phẩm sạch. Tuy nhiên chúng đều là những loại hình canh tác đòi hỏi chất xám và sự đam mê nghiên cứu tìm tòi của nhà sản xuất. Chỉ cần chịu khó quan sát, các bạn sẽ phân biệt được ngay các mô hình canh tác này và đẳng cấp cũng như trình độ của mỗi nhà sản xuất luôn thể hiện rất rõ qua chất lượng sản phẩm. Như tôi đã từng nói trong một bài viết, “giấc mơ” hữu cơ nào cũng đáng quý nên mô hình nào cũng đáng được trân trọng. Chỉ có điều các bạn phải trung thực với những gì các bạn có thể làm và can đảm đi tới cuối con đường đã lựa chọn.

Chúc các bạn sức khỏe và những lựa chọn sáng suốt,

Sài Gòn, 09/09/2018

Jerry Do

Tài liệu tham khảo:
https://www.demeter-usa.org/downloads/Organic-vs-Biodynamic.pdf
https://en.wikipedia.org/wiki/Biodynamic_agriculture
https://en.wikipedia.org/wiki/Organic_farming
https://en.wikipedia.org/wiki/Permaculture
https://mountaincreekwholefoods.com.au/organic-vs-biodynamic/
https://www.bellamysorganic.com.au/blog/what-is-the-difference-between-biodynamic-and-organic-farming/
https://en.wikipedia.org/wiki/Agroforestry
https://en.wikipedia.org/wiki/Effective_microorganism
https://aem.asm.org/content/80/10/3034
https://www.whoi.edu/oceanus/feature/minerals-made-by-microbes
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5610682/
https://www.researchgate.net/publication/225116198_Significance_of_earthworms_in_stimulating_soil_microbial_activity

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét