Thứ Ba, 12 tháng 2, 2019

Phân tích Tây Du Ký dưới ánh sáng Anthroposophy

Tác giả: Trình Huỳnh


Image may contain: 4 people, people standing and outdoor

Trong thời đại ngày nay tất cả ai mà còn sống một cuộc sống “không vướng bận”, “vô chấp”, không theo đuổi một lý tưởng hay ý niệm nào, thì người đó thật chất đang thờ Ahriman (có thể có một chút Lucifer nhưng đa phần là Ahriman). Ahriman chính là vua của sự “vô ý niệm”, một ông trùm giấu mặt. Ahriman là kẻ rất hăm hở chặt đứt gốc rễ nguồn cội của ta và rất hả hê khi ta không cố gắng đi tìm lại gốc rễ, tìm lại mục đích tồn tại của mình.

Ngày xưa Phật dạy ta biết “vô chấp” với những thứ phù du, chứ không phải vô chấp với những mục đích vĩnh cửu hay “phủi” đi không đi tìm và vươn đến các mục đích đó. Phật dạy ta phải biết nhận diện các cám dỗ của Lucifer bằng cách phải biết nhận diện và vô chấp với những thứ phù du (trong đó có các ý niệm sai lầm). Điều này được thể hiện trong Tây Du Ký, khi Phật Tổ đến giúp Ngọc Hoàng “giải quyết” Tôn Ngộ Không khi anh chàng này đang náo động thiên cung. Trong tác phẩm này, Ngọc Hoàng không ai khác hơn là Lucifer (chú thích: Lucifer có tầm quan trọng đặc biệt – tích cực và tiêu cực – trong tiến hóa loài người chứ không phải chỉ là kẻ xấu gây cám dỗ) vui thú hưởng lạc trên thiên cung và thỉnh thoảng để vài thuộc hạ của mình xuống làm yêu quái... Ngoài mặt thì Phật Tổ giúp Ngọc Hoàng, nhưng thực chất đang giúp TNK (đang đòi thay Ngọc Hoàng) không trở thành một Lucifer mới. Năm trăm năm bị đè dưới Ngũ Hành Sơn là thời gian rèn luyện cho “con khỉ” này. (Con số năm trăm này có lẽ ý muốn nói đến thời kỳ thứ 5 Post-Atlantis hiện nay chăng?)

Dưới ánh sáng Anthroposophy, mình nhìn thấy nhiều tinh hoa trong tác phẩm Tây Du Ký mà mình sẽ chia sẻ một phần ở đây.

Theo mình, hình ảnh Tôn Ngộ Không là hình ảnh quá trình phát triển của linh hồn con người. Hình ảnh một con khỉ sinh ra từ hòn đá, mà không phải từ con khỉ khác hay từ ông bà tiên nào đó, rất có ý nghĩa. Linh hồn con người được tạo nên trực tiếp bởi không ai khác ngoài chính God, thổi cho sức sống và đưa vào thế giới. Văn hóa Á Đông xưa không nói đến God, vậy dùng hình ảnh được sinh ra từ đá bởi trời và đất có lẽ là gần nhất có thể. Linh hồn con người khi sinh ra đã được God thổi vào một háo hức đi tìm tự do – vì đó chính là một sứ mệnh cao nhất của nhân loại – thể hiện qua việc con khỉ này vô cùng sung sướng vui đùa ngay sau khi đáp mặt đất.

Nhưng khi sống trên mặt đất thì con khỉ đó sớm đối diện với một khủng hoảng bế tắc: cái chết – khi nó thấy con khỉ khác chết và nhận thức là, nếu không có gì thay đổi, nó cũng sẽ chết. Tư duy – tức là phần thể hiện rõ nhất của linh hồn con người khi sống trên mặt đất – nhận thấy bế tắc của cuộc sống của mình và nhận thấy nếu không đi tìm sự bất tử, cuộc sống sẽ vô nghĩa. Nên con khỉ vượt qua bao khó khăn – bảy ngọn núi và một biển cả -- để tìm gặp sư ông học thuật trường sinh. Số 7 trong các truyền thuyết thường nói về một khoảng thời gian mà qua đó con người phát triển lên một mức mới.

Để đạt được trường sinh, Tôn Ngộ Không phải học bảy mươi hai phép biến hóa và trong đó đặc biệt có phép cân đẩu vân – nhảy một lần đi xa mười tám ngàn dặm. Những điều kỳ diệu này nói lên sự trở nên vô cùng uyển chuyển của tư duy con người trên đường hòa nhập lại với linh hồn bất tử của mình. Tư duy trở nên tự do và biến hóa, không bị bó buộc bởi bất kỳ định kiến nào, có thể vươn rất xa, rất sâu, và đồng thời cũng trở nên sáng suốt (“đôi mắt thần” của con khỉ) qua các lần chiến đấu với các thế lực cao trên thiên giới (các cám dỗ, trở ngại trong cuốc sống).

Nhưng sự phát triển này lại có cám dỗ lớn nhất của nó: tính vị kỷ (tự xưng “Tề Thiên”, đòi thay Ngọc Hoàng...). Nên lúc này cần sự rèn luyện dưới núi Ngũ Hành, và cũng lúc này con người cần phát triển những mặt khác...

Ngoài một linh hồn bất tử đi tìm tự do, trong mỗi con người cũng có (một hạt giống của) một tâm hồn vô cùng trong sáng và thánh thiện – một hạt giống của một tâm hồn thiêng liêng mà mỗi tâm hồn con người có thể vun đắp, nuôi dưỡng và vươn đến. Đây chính là hình ảnh của Tam Tạng. Và hai đức tính lớn mà con người cần phát triển để vun đắp hạt giống tâm hồn thiêng liêng này là lòng dũng cảm và lòng xả thân vì vạn vật và lẽ phải (mượn hai trong bốn đức tính lớn của con người mà Steiner nói đến trong bài [3]: Courage và Justice). Nhờ hai đức tính này mà Tam Tạng cất bước hành trình phát triển của mình.

Trên con đường đó Tam Tạng sớm gặp TNK. Con người phát triển đến đây bắt đầu hòa hợp linh hồn bất tử của mình với tâm hồn thiêng liêng đang lớn dần, bắt đầu hòa hợp sự minh triết / sáng suốt của linh hồn đã qua bao trận mạc [3] với sự bao la xả thân của tâm hồn thiêng liêng (và tất nhiên sự dũng cảm của cả hai). Quá trình hòa hợp này hẳn sẽ gặp rất nhiều trục trặc phía trước: Vòng kim cô trên đầu TNK là một hình ảnh cho sự “nhức đầu” (cả hai nghĩa bóng và đen) của con người trong quá trình này, nhưng sự “nhức đầu” này là một giai đoạn cần phải trải qua.

Có vài mô-tif hay lặp đi lặp lại trên hành trình của Tam Tạng và TNK (nhưng các chi tiết khác nhau trong mỗi lần lặp lại cũng rất thú vị). Một mô-tif như vậy là vô số lần Tam Tạng không nhận ra được sự trá hình (thành Phật Tổ, Bồ Tát, nông dân, ...) của các yêu quái (từ trên trời / thuộc hạ của Lucifer). Một đỉnh điểm là sự kiện Bạch Cốt Tinh. Sự kiện này có lẽ miêu tả một đỉnh điểm của một chiến tranh nội tâm trong một con người: một mặt thì phải theo trực giác (tức là từ linh hồn) của mình liên tục chống lại cái bất thiện và một mặt thì chưa hiểu tường tận trực giác đó đúng hay sai, và trong việc đấu tranh nội tâm này thì rất nhức đầu (đỉnh điểm là bất chấp Tam Tạng niệm chú kim cô, TNK vẫn trừ khử được BCT).

Một mô-tif khác là trong vô số lần để cứu Tam Tạng, TNK phải vào tận sào huyệt của yêu quái, và nhiều lần phải vào tận trong ...bụng chúng. Trên con đường phát triển của mình sẽ vô số lần con người cảm thấy tâm hồn thiêng liêng đang được nuôi dưỡng của mình bị bó buộc bởi thế giới suy đồi xuống cấp xung quanh. Trong những lúc như vậy linh hồn phải ra tay, thật sự là một dạng hy sinh, vào chính nơi đen tối đó. Nhưng bằng cách nào con người hợp nhất với linh hồn của mình để cứu chính mình? Không có cách nào khác ngoài việc hiểu tại sao (linh hồn) con người tồn tại và theo đuổi mục đích tồn tại đó.

Mọi người thấy có mô-tif gì khác nữa không?

Sau một hành trình dài cuối cùng con người đó trở thành Phật. Chắc hẳn vì ảnh hưởng của văn hóa nên tác phẩm tạo nên một hình ảnh Phật Tổ ngồi trên phong cấp Phật cho Tam Tạng và TNK. Theo Anthroposophy thì không phải như vậy. Không có Phật Tổ, mà chỉ có Phật Thích Ca, một – chứ không phải đầu tiên – trong những con người sớm nhất trở thành Phật. Việc Bát Giới, Ngộ Tăng, và Bạch Long không thành Phật cho thấy ba nhân vật này không thuộc con người, mà chỉ đi theo phù trợ và cùng phát triển với con người (và có lẽ cũng là thuộc trách nhiệm của con người).

Tác phẩm Tây Du Ký kết thúc ở một điểm mà mọi tôn giáo khác -- trước Jesus Christ -- kết thúc, hay chính xác hơn là trỏ đến, và sự xuất hiện của Jesus Christ cho con người nốt phần vô cùng quan trọng còn lại: đó là thành Phật rồi thì thế nào, làm sao để giúp đỡ chúng sinh với sự giác ngộ mà mình đã đạt được? (Ví dụ như Phật Thích Ca: trong vài bài viết khác mình có nhắc đến ngay hiện giờ Phật đang làm gì để dẫn dắt nhân loại.) Sự hiểu biết này – thành Phật rồi thì thế nào -- vô cùng quan trọng đối với con người ngày nay, chứ không phải chỉ dành cho ai đã thành Phật mới cần biết. Bởi vì sự phát triển của con người không phải đi theo đường thẳng: không phải khi thành Phật thì mới thành Phật còn khi chưa thành thì hoàn toàn chưa. Mà là trong mỗi con người vươn lên không ngừng luôn đã có phần đã thành Phật, cho dù có nhỏ đi nữa. Và nếu muốn để phần nhỏ đó vươn ra luôn tỏa và lớn dần, nếu không muốn nó bị điêu tàn đi, ta phải nhất định biết (những phần) thành Phật rồi thì tiếp theo là gì. Tại sao sự hy sinh và tái sinh của Jesus Christ là trả lời cho vấn đề này? Mình nghĩ rằng mình đã trả lời một phần trong các bài khác.

1 nhận xét:

  1. Thiện Tài Đồng Tử Góp ý:
    Phần nhiều người đọc Tây Du Ký đều biết rằng bộ truyện này mô tả quá trình tu dưỡng của hành giả. Từ khi được sinh ra do tinh khi trời đất ngưng tụ lại. Đó chính là ý chí sinh ra tảng đá sau này là tôn ngộ không. Cuộc hành trình của giống dân Atlantis được mô tả sơ qua bằng cách Tôn Ngộ Không học Đạo nhưng lại đi theo đường lối tà Đạo sau cùng bị nhốt lại.
    Nhiều người giải nghĩa bộ 5 thầy trò đường tăng như sau:
    - Ngựa bạch Long : ám chỉ thể xác tráng kiện. Đây được mô tả bằng việc con ngựa thường phải thay bằng con ngựa thần. Nếu xác thân người phàm tục không thể nào đủ sức để cho một hành giả tinh tấn được.
    - Ngộ tĩnh: ám chỉ cái tĩnh của con người phải đạt được. Ngộ tĩnh được mô tả là người gánh hành lý, rất ít khi nói chuyện. Mô tả con người hành Đạo không cần nói nhiều hay hiếu động. Mà chỉ cần nói đủ, làm những việc cần mà thôi để tính tĩnh trong bản thể được thể hiện ra. Vũ khí của Ngộ tịnh chúng ta để ý sẽ có dấu hiệu này.
    - Bát giới : nói về sự tham lam. Ý nói thể vía hay thể cảm xúc của chúng ta là chướng ngại. Vũ khí của bát giới là cái cào. Ý là bát giới ích kỷ và chỉ muốn thu lợi về mình. Hơi tí thì giận dỗi và đòi chia hành lý. Ám chỉ tham lam mà không được thỏa mãn sẽ nảy sinh ra sự chia rẽ bản chất con người.
    Tôn ngộ không: sau khi được đường tăng thu nạp thì lại đổi tên thành tôn hành giả. Ý rằng người tu luyện cần phải sử dụng trí tuệ của mình để kiểm soát dục vọng, kiểm soát cái tính hiếu động của chính mình ( vòng kim cô) để cho vào một kỷ luật khắt khe. Điểm yếu của trí tuệ chính là không coi ai ra gì. Tôn Ngộ Không luôn coi mình là nhất, tự cao tự mãn, nên không ít lần để cho Đường Tăng bị bắt cóc. Ý nói khi phàm ngã tự mãn thì chân nhân sẽ xa rời. Vũ khí là gậy như ý. Muốn ngắn muốn dài bao nhiêu cũng được, hắn lại có 72 phép biến hóa- tức trí tuệ biến hóa khôn lường không biết đâu mà lần được.
    Đường Tăng Tạm: đây là biểu lộ của Chân Nhân. Là nhân vật chỉ có một mục tiêu đó chính là lấy được chân kinh. Trong bộ truyện này Đường Tăng phải học cách kiểm soát cái trí đầu tiên bằng sự kiện thu nạp tôn ngộ không sau đó đeo vòng kim cô cho nó. Bài chú học từ Quan Âm Bồ Tát chẳng phải gì xa lạ. Nó ám chỉ bài Đại Bi Chú. Khiến cho Tôn Ngộ Không phải định lại chứ không thể chạy loăng quăng muốn làm gì thì làm. Sau đó, phải thuần phục xác thân, rồi đến cảm xúc, sau đó mới là ngộ ra tính tĩnh.
    5 con người mà chỉ là 1 người. Bộ truyện này ý tại ngôn ngoại nên một vài câu nói lại không thể làm toát ý của nó được.

    Trả lờiXóa