Thứ Ba, 12 tháng 2, 2019

Khủng hoảng ý chí của nhân loại

Tác giả: Trình Huỳnh

Tại sao các tôn giáo xưa đều toát lên một sự huyền bí sâu thẳm với các yếu tố màu nhiệm như trong mơ? Sự huyền bí có sức hút đó đến từ đâu mà ngay cả con người thời nay vẫn còn có thể đi theo một tôn giáo mà không cần hiểu nó thấu đáo? Còn Anthroposophy, tại sao nó “khó nuốt” như vậy? Tại sao một mặt nó tự nhận là sự hợp nhất và phát triển tiếp theo của mọi tôn giáo xưa, nhưng mặt khác nó lại khác hẳn về bản chất: mỗi bước theo đuổi nó là mỗi bước đòi hỏi phát triển nhận thức? Đó là còn chưa nói đến muôn hình muôn vẻ các loại tâm linh mới sinh ra thời hiện đại, ở VN và trên thế giới, và các quan điểm sống duy vật phổ biến, đều có chung một điểm: người ta có thể sống theo những thế giới quan này mà không cần dốc toàn lực ý chí của mình, không cần hiểu thấu đáo tại sao cần hay nên làm như vậy. Tại sao Anthroposophy khác biệt bản chất với mọi thứ khác: mỗi bước sống với nó, từ nay và trở về sau trong toàn bộ hành trình tiến hóa vĩnh hằng, là mỗi bước đầy ý chí? Ở đây, chỉ lấy một ví dụ để làm rõ hơn cái ý chí này, mình không xem tinh thần xả thân vì đất nước là một thứ đòi hỏi ý chí cao. Đối với mình thứ này thật ra không khó. Thực tế đã chứng minh có nhiều người sẵn sàng nghe theo tiếng gọi xả thân cho đất nước hay bất kỳ lý tưởng gì đại loại như vậy nhưng thực chất ý chí không cao. Để hiểu “ý chí cao” ở đây nghĩa là gì, mình chỉ ngắn gọn mượn một thành ngữ: “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời.” Ai quyết tâm đến cùng chuyển hóa cho bằng được từng mỗi bản tính xấu của mình, người đó mới thật sự có ý chí cao. Đây chỉ là một ví dụ để làm rõ hơn yêu cầu về ý chí khi theo đuổi Anthroposophy.

Để hiểu sự huyền bí mang đậm dáng vẻ màu nhiệm của các tôn giáo xưa ta cần biết về các cấp bậc thần linh. Đứng trên con người có tất cả chín bậc thần linh. Như mình đã nói trong bài Sự hình thành và tiến hóa của nhân loại [1], công cuộc tiến hóa vĩ đại của vũ trụ hiện nay chia làm bảy giai đoạn, có thể xem là bảy lần đầu thai của trái đất, giữa những kiếp này trái đất chỉ tồn tại trong thế giới tâm linh. Hiện nay ta đang trong kiếp thứ tư của trái đất (“Earth”). Steiner đặt tên cho bảy kiếp đó là: Saturn, Sun, Moon, Earth (hiện nay), Jupiter, Venus, và Vulcan. Bảy tên gọi này có một liên hệ nhỏ với các hành tinh hiện tại, nhưng không phải chính là chúng.

Sáu cấp bậc thần linh cao nhất đã tồn tại từ trước toàn bộ công cuộc tiến hóa này (đều có tên trong Anthroposophy và các tôn giáo nhưng ở đây mình không đề cập đến). Họ đến từ công cuộc tiến hóa vũ trụ trước đó, và sau đó, tiếp nhận kế hoạch tiến hóa tiếp theo từ God (chính xác hơn là bộ ba-trong-một Trinity: Father God, Son God, và Holy Spirit), họ mở ra công cuộc tiến hóa vũ trụ hiện nay. Ba bậc thần linh tiếp theo -- ba bậc của thiên thần mà từ thấp lên cao trong Anthroposophy gọi là Angel, Archangel, và Archai – cùng con người xuất hiện lần đầu trong kiếp đầu tiên của trái đất (“Saturn”). Các thiên thần này có nhận thức cao hơn con người bởi trong tiến hóa vũ trụ họ đã có bản ngã sớm hơn (tức là có khả năng phân biệt và xưng Tôi với thế giới): Archai có bản ngã trên Saturn, Archangel trên Sun, và Angel trên Moon. Con người nhận được bản ngã vào kiếp thứ tư của trái đất, tức là kiếp của nó hiện tại. (Còn sáu cập bậc thần linh cao nhất đã nhận bản ngã từ công cuộc tiến hóa vũ trụ trước đó.)

Một điều có ý nghĩa vô cùng đặc biệt là điều kiện nhận bản ngã của các thiên thần và con người khác nhau. Thế giới vật chất trên Saturn chỉ bao gồm thể ấm (xem thêm về bốn thể tồn tại vật chất trong bài Bàn về Lửa [2]), trên Sun còn có thêm thể khí, trên Moon còn thêm thể lỏng, và cuối cùng là trên Earth mới có thể rắn. Con người là thực thể đầu tiên trong toàn vũ trụ nhận bản ngã của mình trong thế giới vật chất mà mọi vật trong đó đều tách bạch rạch ròi. Đây là một điều vô cùng ý nghĩa. Con người lần đầu biết xưng Tôi trong một thế giới vật chất đã hoàn thiện, một thế giới đã che đậy ẩn kín nhất nguồn gốc thiêng liêng của chính mình. Cả công cuộc tiến hóa của nhân loại -- bao gồm đi tìm chân lý và qua các chân lý trở về với nguồn gốc thiêng liêng -- sẽ lần đầu tiên tạo nên các thực thể Tự Do trong vũ trụ, và qua đó mới tạo nên một Tình Yêu đúng nghĩa và cao nhất trước nay chưa từng tồn tại. Bởi, như Steiner nói trong [3], Tình Yêu đúng nghĩa chỉ có khi nó đi từ Tự Do. (Các thần linh cao hơn con người không thể có Tự Do như vậy, bởi vì cách mà họ tồn tại, họ không thể làm khác ý của God, kể cả các vị thần đi ngược tiến hóa vũ trụ: họ, theo ý định của God, tạo ra các thách thức cho con người.)

Nhưng, như mình đã nói trong bài [1], nhân loại từ khi có bản ngã liên tục đi theo cám dỗ của Lucifer (sau đó còn có Ahriman), dần dần quên mất ý nghĩa tồn tại của mình và không ngừng xuống cấp đạo đức. Để kìm hãm, chứ không vực dậy hoàn toàn, sự xuống cấp tất yếu này, các thần linh đã liên tục dẫn dắt nhân loại từ đó đến nay. Một sự dẫn dắt trực tiếp nhất là thông qua các tôn giáo. Các tôn giáo, qua các hình ảnh và ngôn ngữ phù hợp với thời đại những lúc đó, đã lưu truyền những tri thức uyên thâm nhất của nguồn gốc và ý nghĩa tiến hóa của vũ trụ và của nhân loại. Trong loạt bài giảng Các cấp bậc thần linh [3], Steiner nói những chi tiết rất thú vị về sự đầu thai của các thiên thần để dẫn dắt nhân loại qua các tôn giáo (trừ Christianity). Trong các thời đại xưa, các thiên thần đã đi vào một số cá nhân trong nhân loại đã được chọn, và thông qua các cá nhân đó truyền tải những tri thức uyên thâm cho nhân loại. Một ví dụ Steiner nói đến là Noah (còn gọi là Manu), người đưa một bộ phận nhỏ của nhân loại vượt qua trận đại hồng thủy cuối thời Atlantis (về các thời đại Lemuria, Atlantis, và hậu-Atlantis, xem bài [1]). Trong thời Atlantis, có bảy cá nhân trong nhân loại được các Archangel nhập vào thể-sức-sống (“etheric-body”) và bảy cá nhân này đã dẫn dắt toàn nhân loại trong thời Atlantis, trong đó đứng đầu là Noah, và bảy thể-sức-sống chứng đựng đầy tri thức uyên thâm trong các cá nhân này được lưu giữ lại trong thế giới tâm linh (chứ không mất đi như người chết bình thường). Vào cuối thời Atlantis, Noah đưa một thiểu số của nhân loại đến châu Á để bắt đầu thời hậu-Atlantis với nền văn minh đầu tiên ở Ấn Độ. Chính Noah đã đào tạo nhân loại tí hon này, và khi từ trong đó có bảy cá nhân ưu tú nhất phát triển đủ, ông đã lấy bảy thể-sức-sống chứa đựng các tri thức uyên thâm được lưu giữ từ thời Atlantis để dệt vào các thể-sức-sống của bảy cá nhân ưu tú này. Bảy người này chính là bảy vị “holy Rishis” khởi đầu nền văn minh Ấn Độ xưa. Như vậy, mặc dù bên ngoài họ nhìn như người bình thường, nhưng đối với nhân loại thời đó vốn còn một chút nhãn quan tâm linh, bay phía sau và phía trên họ là một Archangel to lớn. Nên thời đó người ta chỉ đi theo sự dẫn dắt đó mà không nghĩ ngợi. Tư duy vốn cũng chưa phát triển khi đó. Bản thân bảy vị “holy Rishis” đó, bản ngã của họ tất nhiên cũng chưa phát triển cao như thể-sức-sống uyên thâm trong họ. Nên họ nói nhưng không hiểu những điều họ nói. Nhưng họ biết có một Archangel đang nói qua họ.

Tương tự như vậy các tôn giáo sau đó đều được dẫn dắt bởi các thần linh, theo nghĩa là những cá nhân ưu tú trong nhân loại được chọn để thần linh nói qua đó chưa phát triển cá nhân mình đến mức độ tương ứng với những điều mình nói (ví dụ các “holy Rishis” chưa thể dùng bản ngã của họ để tự phát triển các thể-sức-sống uyên thâm đó được). Chỉ có một trường hợp ngoại lệ là Jesus Christ, vì bản ngã của Jesus Christ – trong ba năm cuối đời của Jesus – không phải từ nhân loại mà là từ Christ, nhưng trong bài này mình không đi vào đề tài này. Ngay cả Anthroposophy – sỡ dĩ Steiner có thể tạo nên Anthroposophy vì, theo Steiner, thần Archangel Michael nói qua ông. Nhân loại ngày nay đã có đủ tư duy để đi đến nắm bắt mọi tri thức uyên thâm trong vũ trụ -- chỉ cần có ý chí. Cá nhân mình nghĩ rằng, mặc dù Steiner hiểu thấu đáo mọi điều ông đang truyền tải từ thần Michael, nhưng bản thân ông cũng đang cố gắng vươn đến tầm cao của những lý tưởng mà ông đã nói và hiểu. Chẳng hạn, trong kiếp tiếp theo của Steiner, mình nghĩ rằng ông không còn những khả năng tâm linh siêu phàm – theo chính hệ thống Anthroposophy thì đi trước nhân loại khoảng bốn ngàn năm -- mà ông có trong kiếp vừa rồi mang tên Steiner đó.

Và theo mình, chính các sự dẫn dắt thiêng liêng trên làm cho các tôn giáo xưa toát lên sự huyền bí và màu nhiệm, vì người xưa, với một chút nhãn quan tâm linh còn lại, cảm nhận được sự màu nhiệm thần linh trong các lãnh tụ tôn giáo của mình, và truyền đạt tới đời sau bằng các hình ảnh thể hiện sự màu nhiệm huyền bí hiện thực đó mà họ cảm nhận.

Nhưng những sự dẫn dắt huyền bí trên của các tôn giáo xưa, mặc dù kìm hãm bớt, không thể vực dậy một cách bền vững nhân loại khỏi cám dỗ của Lucifer (trừ Christianity). Đây là do, mọi tính xấu trong con người đều đến từ việc thể-cảm-xúc (“astral body”) của con người đã bị Lucifer lẻn vào tận mọi ngóc ngách. Để giải phóng thể-cảm-xúc của mình khỏi Lucifer (và cũng là giải phóng Lucifer), con người phải dùng đến bản ngã của mình, và việc này đòi hỏi rất nhiều ý chí.

Một ví dụ đơn giản để hiểu ý chí đó thật ra là gì. Giả sử ta có một tật xấu, và ta muốn chiến thắng nó. Trong cuộc chiến đó, ta làm gì? Một thứ ta có thể làm là, mỗi lần tật xấu đó hiện lên, ta nhận diện nó. Thay vì để cuốn theo nó, để nó khuất phục, ta tự định ra một khoảng cách giữa ta và nó. Nói cách khác, ta xưng Tôi với nó. Đây chính là lúc ta dùng sức mạnh của bản ngã, vì bản ngã không gì khác chính là nội lực để một thực thể có thể xưng Tôi với thế giới. Và khi đã xưng Tôi được với một tính xấu, ta tiếp tục phát triển bản ngã bằng ý chí, giúp bản ngã càng ngày càng độc lập hơn với tính xấu đó. Qua quá trình này sẽ đến lúc nội lực bản ngã đủ mạnh để giải phóng thể-cảm-xúc hẳn khỏi tính xấu.

Nên khá dễ thấy là tại sao để giải phóng thể-cảm-xúc của mình, con người đang và sẽ cần rất, rất nhiều sức mạnh ý chí. Sức mạnh này đến từ đâu? Ai đã bắt đầu khởi hành rồi sẽ nhận thấy, sức mạnh ý chí này, để mạnh đủ, phải đến từ một cảm xúc sâu lắng đủ. Và để có cảm xúc sâu lắng đủ, trước hết phải có hiểu biết thấu đáo đủ. Và tất nhiên để có hiểu biết thấu đáo đủ, tư duy phải có ý chí đủ để bay đến những nơi cần đến. Nên ta thấy rằng trong sự phát triển này, bản ngã dần dần trở thành “tổng tư lệnh” chỉ huy tư duy, cảm xúc, và ý chí, đưa chúng càng ngày càng thiêng liêng.

Từ đó ta cũng thấy tại sao Anthroposophy “khó nuốt”, vì không như các thời điểm ra đời của các tôn giáo trước đó, nó ra đời trong lúc con người, mỗi một con người, đã có tư duy phát triển. Một tư duy có thể tự đi đến nắm bắt mọi bí ẩn huyền bí nhất của con người và vũ trụ (xem thêm quyển Philosophy of Freedom [4] về đề tài này.) Và chính vì vậy nó “khó nuốt” vì nó phơi bày nhược điểm lớn nhất của từng con người hiện nay: không phải thiếu tư duy (vì ai cũng đã có đủ), mà là thiếu ý chí.

Như Steiner nói trong bài [5], ngày nay con người phải tự đứng trên đôi chân của mình. Đây là thời đại cuối cùng (từ Phục Hưng đến năm 3500, xem bài [1] về thời điểm các thời đại) mà nhân loại còn được dẫn dắt bởi các initiate như Steiner, một initiate mà có thần linh truyền tải qua người đó. Từ khoảng năm 3500 trở về sau, nhân loại sẽ phải hoàn toàn tự dẫn dắt chính mình – một nhân loại mà sẽ có các initiate của chính mình. Nhân loại từ đó sẽ hoàn toàn làm chủ vận mệnh của mình. Hiểu biết đúng đắn như vậy không làm ta thiếu khiêm tốn, mà trái lại, sự khiêm tốn chân thật nhất chỉ đến từ sự hiểu biết thấu đáo ý nghĩa tồn tại của chính mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét