Trong yoga để giữ thăng bằng thường có những cụm từ chung chung, quen thuộc như hướng tâm trí vào trong, chánh niệm trong từng động tác, tiếp đất (grounding). Ví dụ động tác cây hay núi, người thực hành sẽ hướng ý vào trong, từ phần bụng dưới, xuống đến root chakra, xuống tới lòng bàn chân, cuối cùng là trọng tâm bốn điểm dưới lòng bàn chân được chia đều, nếu cần thì quán tưởng nọ kia để tăng cường sự kết nối với mặt đất. Kỹ thuật nghe phức tạp nhưng cứ thử đứng yên như trời trồng trong tư thế núi sẽ thấy dễ hiểu.
Khi hướng ý ra ngoài cơ thể, phân tâm vì ngoại cảnh hoặc do nhìn người tập kế bên lảo đảo thì tự nhiên mình sẽ chao đảo. Do đâu? Do mình mất kết nối với chính mình, với hiện tại, và với mặt đất ngay dưới chân mình.
Tương tự trong cuộc sống, muốn giữ được cân bằng là Ở đây, Bây giờ chúng ta cần kết nối với mặt đất ngay dưới chân mình, không phải mặt đất dưới chân người khác, không phải cảm xúc của người khác, không phải rắc rối trong tâm trí hay cơ thể người khác.
Muốn giúp người khác giữ được bình an, cân bằng trong cuộc sống thì chính mình phải giữ được thăng bằng cho mình trước nhất. Quay vào kết nối với Cơ thể (Thân), Cảm xúc (Thọ), Tâm trí (Tâm), và với Thực tế cuộc sống chính mình ngay lúc này (Pháp). Chỉ có mình mới biết nên nghiêng trái hay phải, hướng vào điều gì, lựa chọn gì, ăn món nào, nhanh chậm làm sao, đi con đường thế nào để giữ được thăng bằng cho mình.
Có trường hợp bị ảnh hưởng do cứ hướng ra ngoài, soi nhìn cuộc đời của người khác từ fb đến ngoài đời, từ miếng ăn, công việc, du lịch, con cái đến áo quần thì sớm muộn gì cũng sẽ tự khiến mình mất cân bằng, như việc nhìn người tập yoga kế bên mà chính mình bị chao nghiêng vậy. Có trường hợp oái ăm khác nữa là thích chủ động ảnh hưởng lên người khác, có rất nhiều người không giữ được thăng bằng nơi cuộc sống của họ lại đem sự chông chênh, kinh nghiệm, nỗi sợ đó làm lảo đảo cuộc đời người khác.
Ai cũng phải tự trải qua bài học của mỗi người để định hình được trục cân bằng riêng của họ. Những lúc như vậy, tự mỗi người cần quay vào trong, quan sát và nhận diện được điều này, nếu không thì chúng ta sẽ tự đặt mình vào số phận của một quân domino mà hồi hộp chờ đợi những hiệu ứng ngã nhào, để cảm xúc mình bị lây nhiễm từ cảm xúc người khác như một thói quen, và sau cùng là tìm cớ đổ lỗi cho những cú ngã của mình.
Trong yoga, khi ngã, mọi người thường nói “hãy ngã cùng với nụ cười”, bởi đó là tập luyện, là kinh nghiệm, bài học, vậy nên vui vẻ mà đón lấy. Ngoài cuộc đời, có khi ta ngã với rất nhiều cảm xúc phức tạp nhưng nó vẫn là trải nghiệm, cần, để giúp mình cứng cáp, cân bằng hơn trong lần tiếp theo.
Vậy nên, sau tất cả, đừng nản lòng. Tự cười với mình, đứng lên và tiếp tục. Bởi dưới chân chúng ta có mặt đất, bên trong chúng ta luôn có một vị Thầy. Hướng ý đi xuống thấp, thực sự tiếp xúc với đất để năng lượng của mặt đất giúp chúng ta cân bằng. Hướng ý đi vào trong, lắng nghe minh triết, để vị Thầy bên trong dạy chúng ta cách đi lên, như cách một hạt mầm vùi thân trong đất, từ đó mới bắt đầu trưởng nở những mầm non, vươn lá, vươn cành mà hướng thượng, mà tỏa rộng xanh tươi.
Diệp Nghi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét