Thứ Hai, 16 tháng 4, 2018

Ai cũng có cái để tặng


Sau khi đọc "Sống không cần tiền" (https://goo.gl/Qa8t7i) của Mark Boyle , mình hào hứng đặt kế hoạch chuyển dịch sang các dạng thức tương tác không-phụ-thuộc-tiền trong công việc và cuộc sống. Ví dụ như nhận Coach không lấy tiền mà đổi bằng sản phẩm hay dịch vụ vừa đủ dùng.
Rồi mình tìm hiểu thêm về các hình thức Kinh tế Phi tiền tệ và đặc biệt tin tưởng hình thái "Kinh tế quà tặng"- "Gift economy". Trong hình thái kinh tế này, thay vì sử đụng đồng tiền thì con người trao tặng cái khác mà mình có, quảng đại và vô điều kiện. Sẽ có người khác cũng làm thế, và không ai biết chính xác khi nào gặt được quả đã gieo và nhận lại dưới hình thức gì. Nền kinh tế được vận hành làm sao cho cuối cùng thì nhu cầu của mọi thành viên tham gia đều được quan tâm đầy đủ, công bằng. Sức khoẻ, hạnh phúc của tổng thể gắn bó mật thiết với sức khoẻ, hạnh phúc của từng thành viên tương thuộc. Không phải Cho và Nhận riêng lẻ nữa mà là Cho và Cho và Cho...để rồi ai cũng được Nhận.
Bạn cũng có thế nói: "Ủa, nếu cho hoài như vậy thì đến lúc cạn cái để cho, mà vẫn chưa nhận được gì thì sao mà sống?".
Điều đó đúng chỉ khi bạn cho, tặng bằng tiền lưu hành trên thị trường, cái đó là hữu hạn. Nhưng có vô vàn cái khác tiền để Cho đi mà. Để mình kể cho bạn vài câu chuyện trong cộng đồng mình sống:
🌳 Cô giáo yoga, hay gọi là Didi Miira, thường hay nướng bánh pizza thuần chay cho cộng đồng ăn. Có lần cho mình khủng hoảng tinh thần, không thể về nhà mà cũng chẳng biết đi đâu. Lúc đó cô cho mình ở nhờ, nấu cho ít sữa nóng, lắng nghe và xoa dịu mình bằng sự hiện diện ấm áp của cô. Năng lượng an lành của cô lớn đến mức khi cô đi rồi, còn lại 1 mình trong căn phòng của cô, mình vẫn thấy rất bình tâm. Trước khi đi xa, cô thường để mọi người tới nhà và lấy bất cứ cái gì họ cần. Bạn không biết mình đã từng sốc như thế nào khi chứng kiến đồ ở nhà cô cất cánh ra đi nhanh thế nào đâu. Nhưng cô được mọi người thương hay nên góp tiền tặng cô đồ đạc khác, vật liệu nấu nướng, giúp cô tìm phòng tập và khi cô rời đi xa thì người đi tiễn tận sân bay ngồi chật cả xe taxi.
🌳 Emelie và anh Việt, hai người có lớp dancesport nho nhỏ, cũng là nơi để chúng mình tụ tập gắn kết cộng đồng trong thời gian đầu. Emelie còn gặp mình mỗi tuần một lần để nghe mình chia sẻ, như một hình thức "trị liệu tâm lý" miễn phí. Sau này, khi được rủ đi Hội An làm tình nguyện, cả hai người xăng xái đi ngay, sẵn sàng hoãn lại lớp học nhảy đang trên đà phát triển. Năng lượng tích cực của hai người này đã giúp nhiều người trong chúng mình có thói quen vận động thường xuyên, nên mình và những người quen khác thường mời họ đủ thứ món khi họ đến nhà.
🌳 Chị Châu, chủ tiệm bánh nhỏ xinh phong cách Pháp, thường hay tặng bánh cho chùa. Chúng mình rất hay ghé chị để mua chút bánh mỗi khi đi thăm bạn bè, lần nào cũng được chị tặng gì đó, đến mức có lần tôi cầm 7 cái cupcake về bạn tôi hỏi "Vãi, cho thế làm sao mà lời?". Chị cũng dành 1 buổi chiều dạy mình làm bánh pizza, suýt trễ đón con đi học về nữa chứ! Chị sống rộng lượng nên khi cần xây nhà, không hỏi ai mà bạn bè tự động chuyển tiền vào tài khoản cho chị mượn không thời hạn.
🌳 Cô Ngọc và chú Tín, có rất nhiều nhà, và gặp người thì giúp đỡ không phân biệt. Số nóc nhà mà cô chú sở hữu khá nhiều, nhưng không làm kinh tế mà để cho những người tu, người quen ở từ năm này qua tháng khác. Trong số đó, đồng thau lẫn lộn. Có những người đầy an lành nhưng cũng có người chiếm đóng mấy căn cho mục đích riêng, đến mức khi về đến nơi cô chú còn chẳng vào được đến nhà. Trước sự ngạc nhiên của chúng mình, cô chú chưa bao giờ vì những trường hợp đó mà thay đổi cách sống. Chú có tài khám bệnh, mình và bạn bè qua sẽ được khám miễn phí, điều trị không tốn một đồng. Cô thì luôn cho đồ ăn mang về, nhìn tâm tư trên mặt mà động viên, an ủi, khen tặng. Cho nên mỗi lần cô chú cần, mọi người thường không tiếc công. Cái "cần" của cô cũng rất ít, có khi là cần chúng mình giúp làm công quả cho chùa mà thôi.
🌳 Cô Thu và chú Chính, người đã giúp chúng mình thiết kế, xây nhà theo tinh thần tái chế thì liên tục đốt lửa bập bùng, làm đủ các món địa phương mà ai qua cũng được mời vào thưởng thức. Những đêm đó là chất keo tự nhiên gắn kết cộng đồng. Chưa kể là hồi chúng mình chân ướt chân ráo tập làm vườn chẳng sở hữu lấy 1 mẩu đất, cô chú cho chúng mình sử dụng mảnh đất chưa sử dụng, cũng chẳng cần thoả thuận hay điều kiện phải "cống nạp hoa màu" chi cả. Chúng mình cũng tự làm cà phê chủ yếu từ cà phê mọc trên vườn cô chú. Có gì thì cứ thế vui vẻ chia nhau. Khách đến dù trăm lần hay chỉ 1 lần, cũng nhớ không thể quên, thường hay nhớ mà tặng cô chú thức quà phong phú.
🌳 Chị Thuỷ Tiên và Giang, hai linh hồn của Vòng Lâm Viên garden, thường xuyên cho chúng mình những đợt rau dư, rau hiếm, lâu lâu có hạt giống, hay món quà quê, hay những cuốn sách. Vì vậy, họ cũng là những người mà mình không tiếc thời gian để lắng nghe, chia sẻ.
🌳 Cô Mai và chú Sơn, biến cả căn nhà thành câu lạc bộ chia sẻ kiến thức chuyên môn về cà phê. Tình nguyện viên đến vườn cũng theo tinh thần tự nguyện đổi công để được ở lại trang trại học hỏi, nên năng lượng của cả đội thường rất tươi vui, vô tư lự. Vào mùa, chúng mình cũng hay được ké những dịp cô Mai thết đãi cả bọn ăn uống. Sức khoẻ cô yếu, nhưng lại có vị giác tinh tế tuyệt vời, cô nấu món gì cũng mất cả buổi, cứ chầm chậm làm thôi mà ăn gì cũng ngon. Cô như người mẹ thứ hai, cùng những bữa cơm đó mang lại cảm giác gia đình cho nhiều người con ở xa.
🌳 Anh Tuấn, người có sở hữu ở mức tối thiểu, lang thang mà mỗi lần nghe thấy chúng mình đang chuẩn bị làm gì đó như dọn nhà là xông đến giúp. Mà với rất nhiều người khác cũng thế, cứ có anh giúp là yên tâm đỡ bao nhiêu việc nặng nhọc. Thành ra chẳng sở hữu mà đi đâu cũng được mời lại, thết đãi thôi rồi.
🌳 Chưa kể rất nhiều người bạn khác mình không thể kể hết ở đây. Trong ảnh là các bạn sinh viên khoa nông nghiệp, chưa gặp chúng mình lần nào, mà nghe giới thiệu đã tình nguyện tới cuốc giúp miếng đất, để đón...1 đoàn khách không quen biết khác.
...
Người tặng kiến thức, kĩ năng.
Người tặng thức quà tự tay làm lấy.
Người tặng công lao động.
Người tặng việc sử dụng không gian, mảnh đất, mái nhà khi ta cần.
Người tặng thời gian, ưu tiên trong cuộc sống của họ.
Người tặng sự lắng nghe, sự hiện diện ấm áp.
Ai cũng có cái để tặng!
Mỗi người trong số đó đều khiến mình nhìn lại những mong đợi, niềm tin, thái độ của mình khi trao tặng:
Mình tặng vì mong đợi hồi đáp gì chăng?
Mình đang tặng cái họ cần hay vì mình không cần nữa?
Hay mình tặng chỉ vì tình yêu và niềm vui thuần tuý của việc trao tặng?
Mỗi cái Tặng của họ đều kích hoạt những cái Tặng khác của những người chứng kiến. Mình thấy chúng như những làn sóng lan đầy xa khơi, chẳng thể thấy điểm dừng.
-----

Xem thêm:
"Kinh tế quà tặng" là gì?: https://goo.gl/tiX1TP
Review "Sống không cần tiền": https://goo.gl/zZCaxx



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét