Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2018

Nhân Thể - Thể Thượng Trí

Thể trí gồm hạ trí (trí cụ thể) và thượng trí (trí trừu tượng). Trong khi hạ trí cùng với các thể khác của phàm ngã như thể cảm dục, thể xác, thể dĩ thái, sẽ tan rã sau mỗi kiếp sống thì thượng trí tương ứng với thể nguyên nhân (thể căn nguyên, nhân thể - causal body). Nhân thể là kho chứa kinh nghiệm của mỗi cá nhân qua vô vàn kiếp sống khác nhau; nó ghi nhận, tích trữ những kinh nghiệm của những kiếp sống, và mỗi kiếp sống cung cấp những viên gạch để xây nên thánh điện tinh thần. Nhân thể là lớp vỏ bọc của Chân Ngã, là một tập hợp của tất cả ba nguyên tử trường tồn, được bọc trong lớp bao quanh bằng chất liệu cõi trí. Nhân thể nằm trên cõi phụ thứ ba của cõi trí. Ban đầu nhân thể nhỏ, không màu và không quan trọng. Nhân thể được vun bồi bằng quá trình tích tụ chậm rãi và dần dần của những điều tốt đẹp trong mỗi kiếp sống. Quá trình xây dựng này chậm chạp lúc đầu những khi càng gần đến cuối kết thúc tái sinh - trên con Đường Tập Sự và trên Đường Điểm Đạo - tiến trình sẽ diễn ra một cách nhanh chóng.

Thể thượng trí tương đối trường tồn, được duy trì qua nhiều kiếp sống và theo Chân Sư DK thì nó chỉ tan rã sau khi con người đạt lần chứng đạo (điểm đạo) thứ tư, đắc quả vị La Hán và không còn tái sinh. 

Một con thú chưa có Nhân thể, chỉ khi nào Nhân thể được thành lập thì con thú được cá thể hóa (individualized) trở thành người, bước vào giới nhân loại. 

Thể trí ngày càng lớn lên theo trình độ tiến hóa của con người. Về bản chất, nó được cấu tạo bởi chất liệu thanh nhẹ; về nhiệm vụ, nó là dẫn thể kề cận để Chân Ngã biểu lộ trí tuệ. Thể trí tăng trưởng từ kiếp này đến kiếp khác, tỉ lệ với sự phát triển của trí tuệ. Nó có hình bầu dục, giống như quả trứng, thâm nhập vào thể xác và thể vía, và bao quanh chúng thành một bầu hào quang sáng rực, khi trí tuệ càng phát triển nó càng nở rộng hơn. Khi cái trí con người phát triển những khả năng cao, hình trứng này trở nên rất đẹp và sáng chói. 

Tư tưởng làm cho thể trí tăng trưởng, nói khác đi, tư tưởng của chúng ta là nguyên liệu để xây dựng thể trí. Do sử dụng khả năng trí tuệ, do sự phát triển năng lực nghệ thuật và những cảm xúc cao cả, chúng ta xây dựng thể trí ngày này qua ngày khác, hằng tháng hằng năm trong những kiếp sống.” 

Càng tập luyện tư tưởng, thì thể trí càng được tổ chức chu đáo. Công việc sáng tạo của tư tưởng ảnh hưởng về phương diện vật chất đến khối óc, về phương diện trí-thức nó làm cho trí khôn mở mang, về phương diện luân-lý đạo đức thì nó đào tạo tánh tình.

“Con người nghĩ đến điều gì thì y sẽ trở nên điều đó.” Câu này là một đoạn văn cổ trong Upanishads của Ấn-Độ mà đa số các bạn đều biết. Salomon, vua DoThái cũng diễn tả tư-tưởng ấy như sau: “Con người nghĩ đến điều gì thì y chính là điều đó vậy.” 

Theo định luật của thiên nhiên, khi trí khôn chú ý vào một đức tánh nào thì đức tánh đó sẽ dần dần thành một phần tử của tánh nết mình; về sau đức-tánh ấy tự biểu lộ ra một cách tự động, không khó nhọc chút nào. Vậy một người có thể tự mình xây dựng tánh nết mình một cách thích đáng chỉ cần hành động đúng với luật, tuân theo, kiên tâm, trì chí...

…Các bạn hãy nhấn mạnh vào tánh tốt đối lập và đừng bao giờ nghĩ đến tật xấu ấy. Khi cái trí trụ vào một nhược điểm nào thì nhược điểm đó sẽ tăng tưởng, vì tư tưởng đã thêm sức cho nó; nó còn mãi, thay vì biến mất. Dù các bạn chỉ hối tiếc thôi, thì sinh lực của tư tưởng cũng khiến cho nhược điểm hóa ra mạnh mẽ; sự hối tiếc của các bạn tăng cường cho nhược điểm và làm cho nó bám chặt vào tánh nết mình. Hãy để nó lại phía sau. Đừng bao giờ để cho trí mình ngưng lại nơi đó, dù trong giây lát, mà hãy nghĩ đến tánh tốt đối lập. 

Chỉ thình lình nghĩ đến tánh tốt thì không đủ. Mỗi sáng khi ngủ dậy, trước khi đi làm, hãy định trí trong năm ba phút vào tánh tốt mà các bạn muốn xây dựng, tùy theo sức chú ý của mình. Mỗi sáng hãy làm như vậy một cách kiên nhẫn, đừng nghỉ một ngày nào; nếu không thì hình tư tưởng mà các bạn muốn có sẽ tan ra và hoàn lại chất thượng thanh khí như trước. Rồi mỗi ngày, một cách tự nhiên, lại phạm vào cái lỗi mà các bạn đang tìm cách sửa chữa; các bạn đừng lo chi điều đó, cứ tiếp tục định trí mỗi buổi sáng, hãy tập trung tư-tưởng vào tánh tốt mà các bạn muốn có. 

Thí dụ các bạn đang tìm cách hoạch đắc tánh kiên nhẫn, buổi sáng nghĩ đến tánh đó, trong ngày hôm đó, nếu có ai làm cho các bạn bực mình, các bạn sẽ đáp lại một cách quạu quọ, nhưng trong khi đang trả lời, các bạn bỗng nghĩ rằng: “Ôi! Tôi muốn được kiên nhẫn biết bao!” Điều nầy không quan trọng gì cả, khi nào tham thiền về tánh kiên nhẫn được 4, 5 ngày, ngay khi những lời nói tức giận tự miệng các bạn sắp thốt ra, các bạn tự nhủ: “Tôi muốn kiên-nhẫn.” Các bạn cứ tiếp tục một cách bền chí và chẳng bao lâu, tư-tưởng kiên nhẫn sẽ hiện ra trước khi câu trả lời sắc bén được thốt ra. Cứ bền chí mà tiếp tục như thế, kết-quả sẽ thu thập được nhanh hay chậm là tùy theo sự chú ý của các bạn, tùy theo quyền-lực của tư-tưởng, nhưng chẳng sớm thì muộn, tánh hay tức giận sẽ biến mất và sẽ có tánh kiên nhẫn thay thế vào. Các bạn tự động lấy sự kiên nhẫn mà đáp lại sự khiêu khích, lấy sự dịu dàng mà đáp lại sự tức giận. Các bạn đã xây dựng nơi mình tánh tốt mong muốn.

…Mỗi ngày các bạn phải đọc dù chỉ được nửa trang thôi một cuốn sách khó hiểu để tập luyện trí thông minh của mình làm cho nó thêm mạnh-mẽ. Nhưng tham thiền là một phương pháp rất tốt để phát triển cái trí. Nó giúp cho ta tập trung tư tưởng, không để cho một vật phù du nào làm cho ta lảng trí, lo ra, nếu không tham thiền, vật đó sẽ thu hút tất cả sự chú ý của ta; nhờ tham thiền ta định trí vào một tư-tưởng duy nhất và không rời bỏ tư tưởng ấy cho đến khi hoàn toàn hiểu thấu nó; đó là kết quả của sự tham thiền, vừa hữu ích ở cõi trần nầy, vừa cần thiết để chuẩn bị cho đời sống của ta bên kia cửa tử. Các bạn chỉ cần tham thiền 10 hay 15 phút mỗi ngày, các bạn sẽ thấy quyền năng của tư tưởng mình sẽ được tăng thêm. Sau khi tập luyện như vậy, những đoạn sách mà các bạn đã đọc chưa hiểu lúc ban đầu, nay bỗng trở nên rõ ràng dễ hiểu, vì con người có thể sửa đổi cái trí cũng như sửa đổi hạnh kiểm của mình.

Cõi riêng biệt của tư tưởng là cõi thượng giới cũng có thật – còn thật hơn là cõi hồng trần. Cõi thượng giới, đúng như người ta thường nói, những tư tưởng là những vật, chúng có hình hài rõ ràng, người ta nhận biết được chúng; mỗi khi các bạn suy nghĩ, thì ảnh hưởng đến chất thượng thanh khí, xây dựng những hình tư tưởng, những hình này có thể truyền đi xa. Các bạn đã hiểu bầu không khí tư-tưởng là gì. Mỗi quốc gia có một khối tư-tưởng đặc biệt. Các bạn không sao hiểu nổi hiện tượng thuộc về trí não, nếu không thoát ra khỏi bầu không khí tư tưởng của xứ sở và cách suy nghĩ.

Các bạn hãy vun trồng lòng bác ái, hãy mến yêu hết sức mình; người yêu của các bạn có xua đuổi, bạn bè có phản bội, điều nầy không quan trọng. Tình yêu không bao giờ chết được. Mặc dù có ác ý, phản bội, hay dối trá, cứ vững lòng thương yêu, trên cõi thiên-đàng, bạn bè sẽ trở lại với các bạn, điều gì đã mất nơi thế gian, sẽ lại tìm thấy nơi thiên-đàng. Muốn được như vậy, các bạn đừng chán nản trong tình thương, vì đem dệt sợi chỉ vàng ở thiên đàng thì không nên để nó bị cắt đứt ở cõi trần nầy.

Nếu lý tưởng của chúng ta là phụng sự nhân loại, làm nhẹ bớt gánh đau khổ của thế gian, an ủi những nổi thương tâm của con người, tìm một giải pháp cho những nỗi cơ hàn của nhân loại, các bạn hãy cố gắng cho nhiều, hãy kiên tâm chiến đấu nơi cõi trần; vì tất cả điều gì ta ham muốn nơi hồng trần, sẽ được biến thành quyền năng trên cõi thiên đàng; những hy vọng, hoài vọng sẽ trở thành những năng khiếu khiến ta thực hiện được những sở nguyện đó.

“Tất cả những nhà thần-bí đều cho rằng, lúc nào thiên đàng cũng ở xung quanh ta đây.” Điều này rất là đúng. Do thể trí các bạn tiếp xúc được với cõi thượng giới, vì thiên đàng là cõi thượng giới; tuy nhiên cõi thiên đàng là một miền của cõi thượng giới được che chở một cách đặc biệt. Vậy các bạn có thể đem cõi thiên đàng lại với mình tùy theo sự phát triển của thể trí và tùy theo cách sống và thức tỉnh ở cõi đó càng ngày càng nhiều hơn trước. Giữa những âm thanh hỗn loạn của cõi trần nầy, các bạn có thể nghe những khúc nhạc thiêng liêng, các bạn có thể mang ánh sáng rực rỡ, cái diễm sắc, vẻ huy hoàng của thiên đàng vào trong miền u tối và xấu xa của trần gian. 

…Vậy các bạn hãy có một lý tưởng, mỗi buổi sáng, hãy nghĩ đến nó trong chốc lát và dần dần các bạn sẽ thành phản ảnh của lý tưởng đó. Giống như hình dáng các bạn phản chiếu trong tấm gương, lý tưởng của các bạn sẽ thành hình trong trí và các bạn sẽ giống điều mà chúng ta thường suy nghĩ đến, điều mà các bạn tôn kính. Các bạn đừng sợ hãi mà không dám nêu lên cho mình một lý tưởng quá đẹp đẽ, quá cao thượng, đừng nghĩ rằng các bạn sẽ không đạt được nó; chỉ việc nghĩ ra lý tưởng đó cũng là một sự bảo đảm cho sự thành công rồi. Tất cả những gì có thể tưởng tượng ra trong trí, các bạn sẽ có thể thực hiện được sau này; kết cuộc tất cả những hy vọng đều sẽ thành tựu. 

Xin các bạn để tôi dắt dẫn đến những cảnh giới của lương tri nó nâng các bạn lên cao, vượt khỏi những nỗi lo âu của cõi trần và cho các bạn được yên tĩnh giữa những sự náo động xung quanh, sung sướng tuy có những nỗi u buồn bên ngoài, bình thản khi những sự tranh đấu và những sự huyên náo bao vây các bạn, vui vẻ nơi mà thế nhân chỉ trông thấy những lý do để bất mãn và lo sợ. Các bạn còn nhớ: Mục đích của các triết lý chân chánh là diệt trừ được sự đau khổ. Có một miền không có sự đau khổ, một vương quốc không có nỗi lo phiền. Con người có thể sống như một thực thể tinh thần, có thể sống nơi bản thể mà thường đôi khi được gọi là chân ngã, và sống như vậy, biết được nguồn an lạc vô biên ở giữa những hiện tượng của thời gian. Muốn sống được như thế, phải vượt lên khỏi những nỗi buồn rầu của cõi trần nầy, không cần rời bỏ cõi trần là nơi số mệnh đã đặt vào đó; không cần tìm nơi rừng rậm hay động cả non cao để lánh mình, không cần xa lánh những nơi phồn hoa đô hội. Vẫn có thể làm việc tại nơi công cộng, biện hộ ở tòa án, săn sóc bệnh-nhân ở các dưỡng đường, giúp việc trong một tiệm buôn hay là chiếm địa vị cao sang của người trị nước. Làm đầy đủ mỗi nhiệm vụ của mình hơn là một thế nhân, không bao giờ lùi bước trước bổn phận, tận dụng những khả năng và sức làm việc của mình mà làm đầy đủ bổn phận, tuy đang sống nơi thế-tục mà vẫn hiểu được bản thể thiêng liêng của mình, làm việc không phải để mưu cầu của cải phù du trần gian, nhưng với tư cách là một dụng cụ trong sự hoạt động của Thượng Đế – đó là tất cả những điều cần thiết để hưởng được sự an lạc và sống một cuộc đời tinh thần.

Annie Besant

Links: 

Cấu tạo con người - Thể Nguyên Nhân
http://www.minhtrietmoi.org/Wordpress/cau-tao-con-nguoi-phan-iv-nguyen-nhan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét