Thứ Tư, 11 tháng 4, 2018

Con đã có đường đi


Một chuỗi những sự kiện liên tiếp kể từ chuyến đi Gaia Ashram hồi tháng 2 đến giờ, đã khiến mình thay đổi hẳn góc nhìn về công việc của mình cũng như các tổ chức phát triển. Và chưa bao giờ mình cảm thấy sáng rõ hơn con đường mình đi và cách mình đi như bây giờ. Và mình cảm thấy cần chia sẻ điều này với mọi người, như là câu chuyện và hành trình cá nhân của mình. Mong rằng chia sẻ của mình hữu ích với những ai đọc được.

Gaia Ashram và Khóa học Thúc đẩy viên

“Muốn giúp mọi người học có chiều sâu, hãy tạo ra không gian an toàn để họ được thể hiện.”

Lẽ ra câu chuyện này phải được chia sẻ từ một tháng rưỡi trước, khi mình đi Gaia Ashram về.

Hồi đó, khóa học mình tham gia là khóa tập huấn dành cho thúc đẩy viên (facilitator). Khóa học kéo dài 2 tuần, là điều mình đã thấy lạ lúc đầu vì bởi các khóa tập huấn thúc đẩy viên thông thường chỉ kéo dài 3 - 5 ngày. Nhưng chỉ sau vài ngày đầu, mình đã hiểu tại sao khóa học lại phải dài như thế.

Là vì người giảng viên muốn tạo cho bọn mình không gian thoải mái nhất có thể, để làm quen, tương tác, xây dựng niềm tin, trải nghiệm, chiêm nghiệm, để tự tìm ra điều mình muốn học và tự học điều mình cần. Và những điều đó cần có thời gian. Và thời gian ở đó cho mình một trải nghiệm vô cùng đặc biệt, về việc tự quan sát bản thân, quan sát thái độ, quan sát diễn biến tâm thức của chính mình. Cái cảm giác đó, sự thực hành đó, mình vẫn còn giữ được đến bây giờ, như chìa khóa vạn năng giúp mình mở ra được nhiều cánh cửa và trả lời được nhiều câu hỏi đặt ra trong mỗi tình huống.

Giống như trong khóa thiền Vipassana mình được học về ba loại trí tuệ: Trí tuệ sách vở. Trí tuệ tư duy. Và trí tuệ thực chứng. Sự thực chứng ấy mới là của-mình, ngấm sâu và thấm đẫm vào tiềm thức.
Nhờ công cụ ấy, mà trong suốt khóa học mình tự chiêm nghiệm được nhiều điều. Về việc học tập có sự tham gia. Về việc thế nào là vai trò của người điều phối. Nó thể hiện rõ nhất ở hai điều:

Một: Chị Om

Chị Om là người điều phối với năng lượng giống như không khí.

Sự hiện diện của chị chẳng nổi bật, hòa vào cùng không gian. Và như không khí, sự hiện diện của chị làm bọn mình cảm thấy dễ chịu và dễ thở. Sự hiện diện của chị tạo ra chính không gian an toàn để bọn mình có thể tự học. 

Không hề như những gì vẫn được quảng cáo trong các khóa học facilitator: Kỹ năng thuyết trình, kỹ năng đọc tâm lý, kỹ năng lãnh đạo, vân vân mây mây. Chị Om lùi lại phía sau, nhường sân khấu cho bọn mình, nhưng vẫn điều hòa được không khí của lớp học và đảm bảo nội dung cần học.

Vì trong một khóa tập huấn, người tham gia mới là trung tâm, không phải người thúc đẩy. Vai trò của người thúc đẩy, chính là làm cho người tham gia cảm thấy họ là trung tâm.

Hai: Mình - như một điều phối viên

Trong khóa học, mỗi người sẽ có 30 phút solo-facilitate về chủ đề bất kỳ. Bọn mình có nguyên ngày chủ nhật được nghỉ để chuẩn bị về chủ đề, xây dựng kết cấu và nội dung.

3/4 ngày hôm đó, sau khi chọn xong chủ đề, mình lao vào xây dựng nội dung, cố gắng áp dụng các công cụ holistic learning như đã được học, cố gắng cài cắm thông điệp và tạo flow cho session, cố gắng đoán định xem nếu mình làm A thì người nghe có thể phản ứng và tiếp nhận theo cách B C D như thế nào, làm sao để lái họ về đúng cái ý mà mình muốn họ hiểu (giống mình).

Và mình thấy mệt, mệt vô cùng. Vì thực tế là mỗi người có một background và cách tư duy riêng. Họ có thể tiếp nhận nội dung và thông điệp của mình theo bảy bảy bốn chín cách khác nhau, và nếu mình muốn đoán định hay kiểm soát tất cả những cái đó, thì chẳng khác nào lao đầu vào hố đen.

Và rồi mình nhận ra, mình mệt là vì mình muốn cố nhét cách nghĩ của mình vào đầu người nghe. Mình muốn đứng ở vị thế ở-trên, vị thế cho-đi, còn họ là người ở-dưới và chỉ-nhận. Không khác gì mình có một quả bóng, với 7 cái rổ di động. 

Thế rồi mình xoay góc nhìn.

Nếu muốn nâng người khác lên, thì bạn cần đặt mình bên dưới họ. Nếu muốn học hỏi từ người khác, bạn cũng cần đặt mình bên dưới họ. 

Mình có 7 người vô cùng giỏi giang ở đây, sao phải đóng khung họ vào ý hiểu hạn hẹp của mình? Sao không tận dụng chính sự giỏi giang của họ để phát triển và vun đắp thêm vào tri thức của mình? 
Đến lúc nghĩ như vậy, thì việc thiết kế session trở nên nhẹ nhàng và uyển chuyển vô cùng, vì bất kể là người nghe phản ứng thế nào, mình vẫn có thể đón nhận và phát triển từ đó.

Tất nhiên, nó đi kèm với điều cốt lõi: Tinh thần lắng nghe và khiêm nhường học hỏi.

Và tinh thần lắng nghe khiêm nhường ấy, cùng với tinh thần phục vụ vô vị lợi, là điều mà mình - với mong muốn trở thành một thúc đẩy viên tốt - sẽ luôn cần bồi đắp cho bản thân mọi lúc mọi nơi. Nếu như có 1 tiếng để thúc đẩy/tập huấn, thì mình biết sẽ cần ít nhất 1 ngày để xây dựng nội dung chu đáo, cần 1 tháng để tự nuôi tinh thần và tình yêu và niềm tin của mình vào chủ đề thúc đẩy/tập huấn, và cần 1 năm để nuôi tinh thần phục vụ, chia sẻ, lắng nghe, học hỏi và nâng đỡ trong mình.

Em cảm ơn cả Stoney nữa, vì bài viết về tinh thần phục vụ của chị đã giúp em tỉnh ra điều này.

Nâng cao nhận thức?

Nhờ trải nghiệm tại Gaia Ashram mà sau khi trở về, thái độ khi làm dự án của mình khác hẳn. Mình thu lại về sau hơn, thể hiện ít hơn và lắng nghe nhiều hơn.

Nhờ sự lắng nghe ấy, mà mình nhận thấy có một điều không hợp lý lắm với cụm từ “Nâng cao Nhận thức” mà các tổ chức phát triển vẫn hay dùng. Vì thật ra thì, ai nâng cao cho ai? Ai ở trên, ai ở dưới, ai đúng, ai sai?

Bản thân mỗi người đều có những trải nghiệm đáng giá riêng. Ai cũng có điều đáng để học hỏi. Nhận thức của mỗi người trong một thời điểm, sẽ tương ứng với tất cả những trải nghiệm bồi đắp trong họ từ bé đến giờ, và không ai giống ai. Điều này đúng cả ở cấp độ cá nhân cũng như cộng đồng. Khi đặt bản thân ở vị thế cao hơn, tức là tự khẳng định chỉ mình là đúng, và bỏ lỡ cơ hội học hỏi từ người khác. Trong công việc phát triển, nó còn là việc người làm phát triển không có niềm tin vào những người họ làm cùng, phân tách ra thành bên đi cho và “đối tượng hưởng lợi”, khiến cho mối quan hệ trở thành xin cho, ban phát, khai hóa văn minh... Dẫn đến việc đôi khi ta mang lại một giải pháp không phù hợp, chưa nói đến chuyện tạo ra thêm vấn đề thay vì giải quyết vấn đề. Rồi vô vàn tình huống ta tạo ra tâm lý ỷ lại, tạo ra sự thực-dân-hóa-kiểu-mới, làm hỏng luôn cả vốn tri thức bản địa, những thứ một khi mất đi gần như không thể lấy lại. Vì ngay từ đầu ta không có tâm thế bình đẳng, không có niềm tin vào tri thức bản địa, không nghĩ đến đồng sáng tạo mà chỉ mang công cụ của mình đi ốp vào những cộng đồng khác, dù là với ý định tốt đẹp...

Thôi đi xa quá, quay trở lại câu chuyện về nâng cao nhận thức.

Lấy ví dụ là biến đổi khí hậu. Bà con dân tộc thiểu số ở một số địa phương miền núi có thể không biết BĐKH là gì. Nhưng luật lục ngàn đời của họ là giữ đất giữ rừng. Như vậy có thể nói họ kém nhận thức hơn không? 

Hay cô giúp việc nhà chị bạn mình, học không cao, nhưng cô chẳng bao giờ ăn hàng quán vì cô biết những thức ăn đó là độc hại và ăn không ngon bằng đồ tự nấu. Cô vẫn trồng cây lấy lá gội đầu vì đó là cách xưa giờ quê cô vẫn làm. Như vậy có thể nói cô ít học hơn không?

Vì thế đối với mình, câu chuyện không còn là “nâng cao nhận thức” nữa rồi.

Mà là Chia sẻ và Tái kết nối

Mình nhận thấy một điều: Sở dĩ do toàn cầu hóa, vòng đời sản phẩm bị kéo dài lê thê, công việc bị phức tạp hóa, chúng ta không còn thấy được bức tranh toàn cảnh của vấn đề. Mọi thứ bị ngăn che, phân mảnh, đứt kết nối. Không như khi xưa thời tự cấp tự túc khi ta biết được tròn vẹn vòng đời của một món đồ, ngày nay có đứa trẻ chỉ biết con gà là miếng đùi đóng trong khay, hay người nông dân hồn nhiên vứt rác nhựa ra vườn những tưởng nó sẽ mục xuống như lá cây.

Mỗi chúng ta chỉ đang ôm một phần mảnh ghép của bức tranh khổng lồ và chằng chịt chi tiết, không hề biết đến những mảnh ghép còn lại, và mất đi kết nối với thiên nhiên và với mọi người.
Bởi vậy nên thay vì nói là nâng cao nhận thức, mình sẽ nói là chia sẻ đi. Chia sẻ mảnh ghép câu chuyện của mình với mọi người, kết nối với những mảnh ghép của họ, và nhận lại những mảnh ghép ấy để hoàn thiện câu chuyện của mình. 

Và qua sự chia sẻ ấy, biết đâu những mảnh ghép bỏ quên trong họ sẽ được đánh thức. Giống như hôm qua mình và chị Vũ Thảo đến trường báo chí nói chuyện thời trang bền vững, có bạn nam người Nùng đã tự hào kể rằng thời bé chính bạn đã từng cùng gia đình trồng bông dệt vải nhuộm chàm, trải nghiệm mà mình rất mong sẽ có dịp được nếm. Bạn có chia sẻ rằng nhờ câu chuyện của chị Thảo, mà bạn mới biết những việc thường ngày bạn từng làm đó nó có giá trị đến thế nào. 


Mình chỉ ôm một chiếc đèn, nhưng nếu lần sờ sẽ tìm được đến những chiếc đèn khác. Nếu tất cả đèn được thắp lên, thì mọi chuyện sẽ thật sáng tỏ.

Đó chính là sự Tái Kết Nối mình muốn nói đến.

Trong chúng ta đều đã có ký ức về sự gắn kết và trân trọng thiên nhiên, trân trọng con người. Chẳng qua là đã bị vùi quên đi bởi bao nhiêu toan tính khác, dẫn đến thái độ coi thiên nhiên và con người như hàng hóa, đánh giá giá trị chỉ qua tiền bạc và lợi ích mang lại cho bản thân. Việc cần làm là phủi bụi và nắm lại sợi dây kết nối ấy.

Một điều thú vị khác mình nhận ra trên hành trình này, ấy là mọi giá trị tốt đẹp đều gắn kết với nhau. Bắt đầu từ việc ăn chay do không thể giết động vật, mình lần theo sợi dây và dần tìm đến các giá trị về môi trường sinh thái từ nông nghiệp đến may mặc, từ bỏ đồ nhựa, từ bỏ hóa chất, rồi tìm đến những giá trị cũ như bồ hòn bồ kết, đồ tre đồ gốm, rồi lại nắm lấy sợi dây văn hóa, lại mê mẩn tâm huyết nghệ nhân... những điều mà mình chưa từng tưởng tượng ra là sẽ chạm được vào gần bốn năm trước, khi bắt đầu ăn chay. 

Điều kỳ diệu của sự kết nối ấy, là nó đánh động vào tâm thức của mình và buộc mình phải thay đổi hành vi lối sống để sống đúng với giá trị. Nó khác với việc người nghiện thuốc lá ngày ngày nhìn những hình ảnh kinh dị trên vỏ bao rồi vẫn hút. Nó là gì đó nằm sâu bên trong và được cảm nhận bằng trái tim chứ không chỉ bằng trí óc đơn thuần nữa rồi.

“Nếu bạn muốn đóng một con tàu, đừng hô hào nhân công đi kiếm gỗ và đừng giao họ công việc và nhiệm vụ, thay vào đó hãy khiến họ hướng về sự bao la vô tận của biển khơi.”   (Antoine de Saint-Exupéry)

Và thế là bây giờ mình đã biết mình phải làm gì.

Nếu cứ ngày này tháng khác đi nói với người ta theo kiểu nâng cao nhận thức, muốn người ta cứ phải nghĩ giống mình thì mệt mỏi lắm. Thay vào đó, mình muốn chia sẻ và kể chuyện, cho đi và nhận lại những mảnh ghép, và đánh thức lại những kết nối bị lãng quên. Làm sao để chỉ cần mồi lửa và mọi người sẽ tự giữ lửa mà không cần mình. Chỉ cần lay động hạt giống có sẵn bên trong và mọi người sẽ tự tưới tẩm hạt giống đó mà không cần mình. Chưa kể, nếu mỗi chúng ta đều có lửa, chúng ta sẽ tiếp lửa được cho nhau, và ngọn lửa ấy sẽ không bao giờ tắt.

Bếp lửa ở An Nhiên. Lửa luôn là thứ gắn kết con người, từ thuở hồng hoang cho đến bây giờ.

Trong-lúc-này, đó là niềm tin mà mình có. Mình sẽ thử sống và làm việc với niềm tin ấy, xem mọi thứ sẽ ra sao.

Mà có ra sao cũng chẳng sao, vì mình đã làm tốt nhất có thể, và vì dù chuyện gì xảy ra thì đó sẽ đều là những bài học mới.

Và bạn, người đang đọc. Cảm ơn bạn đã đọc đến đây.

Mong rằng những chia sẻ của mình đã có ích với bạn.

Nguyện cho tất cả hằng được an vui.


HN, 9.4.18




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét