Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2020

Cuốn sách định hướng cuộc đời mình: Một chỉ dẫn cho người bối rối - S.C.Schumacher


Bản thân mình gần đây bắt đầu có một sự thay đổi lớn về nhận thức. Có được điều này là nhờ rất nhiều con người đã chỉ bảo, tạo điều kiện, tạo môi trường để mình học hỏi và trải nghiệm. Trong tâm mình chưa bao giờ ngừng biết ơn... Một tác động to lớn nữa là nhờ những cuốn sách của những con người minh triết vĩ đại, và mình tự cảm thấy nhiệm vụ của mình là bằng cách nào đó giới thiệu những điều mình học được trong những cuốn sách này cho “những người cần nó” - những người theo như Schumacher nói là có sự “thích đáng tương xứng” với nội dung cuốn sách.

Thật hay là có những điều đối với một vài người là “viên kim cương quý giá” nhưng với những người khác chỉ là điều khó hiểu, đáng bỏ qua. Dưới đây là một vài tóm tắt của cá nhân mình về nội dung cuốn sách. (Chú ý: Nội dung này đã đi qua góc nhìn, lăng kính của cá nhân mình nên chỉ mang tính tham khảo).


Những tấm bản đồ triết học:

Những vấn đề chắc chắn nhất, ít rủi ro nhất nhưng liệu có đáng để ta quan tâm?Những vấn đề không chắc chắn, rủi ro hơn nhưng lại tiềm ẩn một ý nghĩa lớn lao cho cuộc sống. Cái nào ta nên quan tâm?
 Nếu con người chỉ chạy theo chủ nghĩa duy vật thì cuối cùng thước đo sự thành công của con người chỉ dựa vào việc ai sở hữu được vật chất nhiều hơn?
Bản đồ của cuộc đời:
- Hiểu về thế giới (4 tình trạng hiện hữu)
- Hiểu về con người - công cụ để con người hiểu thế giới (thích đáng tương xứng)
- Cách học hỏi về thế giới: 4 lĩnh vực của tri thức

- Ý nghĩa của việc sống ở thế giới - 2 loại vấn đề: hội tụ và phân kỳ

Trong thời kỳ khai sáng (Enlightment), triết gia Descarte và Francis Bacon: tin là tri thức con người có giới hạn và chỉ nên tập trung vào những thứ rõ ràng mà con người cực kỳ chắc chắn về - giống như toán học và hình học => phủ nhận toàn bộ tri thức cổ xưa về sự “open- ended mind”: nghĩa là tuy trí tuệ con người còn thấp kém, nhưng nó tiềm ẩn một sức mạnh kỳ diệu để có thể hướng tới những bản thể cao hơn, tốt đẹp hơn.

Triết học hiện đại đã xóa đi nguyên lý về chiều kích thẳng đứng. Con người phải trả lời câu hỏi: “Tôi nên làm gì với cuộc sống?” => Câu trả lời sẽ là: hướng lên bản thể cao hơn của con người…

Kant (triết học gần đây) cho rằng: con người không thể nào đoán biết được những gì nó muốn thực sự và nó không thể xác định được điều nó cần làm để được hạnh phúc vì để làm được chuyện này nó cần phải là thượng đế toàn năng.

=> Nhưng, theo minh triết truyền thống: Hạnh phúc của con người là đi lên cao hơn, phát triển được những tính năng cao cả nhất, đạt được tri thức của các sự vật cao hơn và cao nhất, và nếu có thể thì “được nhìn thấy Thượng Đế”. Nếu con người đi xuống thấp hơn, chỉ phát triển những tính năng thấp hèn hơn mà con người cùng chia sẻ với các động vật. Khi ấy con người sẽ khiến cho bản thân mình bất hạnh sâu sắc, thậm chí rơi vào tuyệt vọng.

4 trình độ hiện hữu:

Ở 4 trình độ hiện hữu, con người chỉ có thể hiểu được từ chiều đi xuống chứ ko thể từ chiều đi lên. Làm sao cung cấp sự sống cho khoáng chất, làm sao cung cấp sự tự ý thức cho động vật?

Vậy tại sao tất cả mọi thứ đều chỉ được quy về vật lý và hoá học như kiểu cây chỉ là tập hợp của những nguyên tử và phân tử kết hợp một cách ngẫu nhiên? Như thế chẳng khác nào nói là: Hamlet cũng chỉ là tập hợp của các chữ cái. Cụm từ “chỉ là”:.... hay thật sự là do con người ko hiểu được nguyên nhân thật sự là gì, nó vượt qua ngoài tầm hiểu biết của con người?

Việc khi ta nghiên cứu về yếu tố sự sống chẳng hạn. Nếu ta nghiên cứu chỉ tính chất vật lý hay hoá học của nó thì chẳng phải là chúng ta bỏ qua phần làm nó là cây? Hay khi chúng ta nghiên cứu động vật để hiểu thêm về con người, chúng ta đã bỏ qua yếu tố làm con người là con người?

Chỉ khi việc tự ý thức của ta phát triển, ta mới có thể hiểu được thêm những thứ cao cả hơn. Những người có khả năng tự ý thức kém sẽ thường định nghĩa ví dụ: con người thật ra chỉ là....

Có thể việc xếp từng bản thể vào một trong bốn hữu thể là một điều khó để làm, nhưng việc phủ định sự tồn tại của bốn hữu thể đó là điều không thể.

Có chăng tồn tại của những hữu thể trên tầm con người? Đó là một niềm tin đã có suốt chiều dài lịch sử của con người và chỉ bị phủ nhận gần đây.

Các bước phát triển:

Tính thụ động (khách thể) và tính chủ động (chủ thể): khoáng sản hoàn toàn là khách thể. Chúng chỉ có thể di chuyển khi có một lực vật lý nào đó tác động (nguyên nhân - hệ quả). Cây ngoài việc có thể bị tác động bởi các lực vật lý, nó còn có một phần chủ động bên trong nó. Nó có thể tự hướng về phía nhiều ánh sáng hơn, và tự động rễ cây bên phía kia sẽ mọc ra nhiều hơn để làm cây ko bị nghiêng đổ. Đó là phản ứng của nó với các kích thích tố. Trong khi động vật, trong nó còn tồn tại một thứ gọi là “động cơ” - là một cái gì đó bên trong (nhưng cũng cần sự tồn tại của một vật thể bên ngoài để gây nên động cơ đó), tự chủ động. Khi nó gặp chủ, nó sẽ vui mừng đi tới vv…Còn loài người là sự tiến lên một bậc rõ ràng; đó là ý chí - sự tự nhận thức. Rất nhiều hành động của con người là nhờ có sự tự nhận thức, không cần một vật chủ nào tác động => con người tự thấu hiểu bản thân mình và sẽ đưa ra những quyết định của riêng mình.

Bình thường hành động của con người rất mang tính thói quen và cơ giới. Thế nhưng việc tự ý thức mang lại một sức mạnh kỳ diệu => nó có thể thay đổi những hành động tất yếu của con người. Có thể coi việc tự ý thức được chính là sức mạnh của tự do. Một hữu thể mà có thể luôn tự ý thức, không bị tác động bởi bất kỳ điều gì xung quanh là một hữu thể tự do, toàn năng kỳ diệu.

Bước phát triển về sự tích hợp: Khoáng chất không chứa một sự tích hợp nào trong chúng bởi vì khi cắt chúng ta thì chúng vẫn giữ nguyên đặc tính nguyên vẹn. Thực vật có một sự tích hợp bên trong: nhựa cây lấy chất dinh dưỡng từ đất để biến thành hoa, quả,vv…nhưng khi cắt một phần của cây ra, phần đó cũng có thể tạo ra một cây mới tách biệt. Cây ko có sự tích hợp về mặt tinh thần (ít nhất là vẫn chưa tìm ra). Động vật có một sự tích hợp khá mạnh mẽ về mặt thân thể nhưng tinh thần vẫn còn yếu, sự logic và trí tuệ không có nhiều. Con người là một bước phát triển lớn hơn về sự tích hợp mạnh mẽ của cơ thể vật lý, có tinh thần và sự tự nhận thức khác biệt so với động vật nhưng vẫn chưa đạt đến sự hoàn hảo. “Tích hợp là tạo ra một hợp nhất bên trong, một trung tâm sức mạnh và tự do, khiến cho hữu thể không còn là một khách thể đơn thuần, chịu tác động của các lực bên ngoài, mà trở thành một chủ thể hành động theo không gian bên trong của riêng mình”. => Quote: “Khi sự tự ý thức không cần một tác động từ bên ngoài như con người mà có thể “tự biết bản thân mình một cách tự tại”. Và Thượng Đế là một hữu thể sâu sắc hoàn hảo.

Phân biệt giữa thứ cao hơn và thấp hơn: vậy thì cao hơn chính là: sâu sắc hơn, thầm kín hơn, bên trong nhiều hơn, nội tại hơn. Còn thấp hơn là ngoại tại hơn, hình bóng hơn, bên ngoài nhiều hơn.

Dần dần hữu thể tiến hóa cao hơn lại càng đi sâu vào trong, càng trở nên “vô hình”. Thật ra thế giới chúng ta đang sống là thế giới của những người vô hình. Chúng ta nhìn thấy vẻ bề ngoài của nhau nhưng không thể nhìn được bên trong: những ước mơ, khát vọng, suy nghĩ thầm kín, vv…Vậy mà chủ nghĩa duy vật luận lại chỉ muốn quan tâm đến những thứ các giác quan có thể cảm nhận được là chính? Vậy thì sự sống, ý thực và sự sự tự ý thức có thể nhìn thấy sờ thấy ngửi thấy nghe thấy cảm nhận thấy bằng các giác quan được ko? Một phần…nhưng phần tự ý thức là không thể.

Do vậy, cũng có khả năng hiện hữu những hữu thể ở cao hơn chúng ta mà các giác quan không thể chạm tới được. Vì họ cũng là vô hình…

Sự phát triển về “thế giới” của mỗi hữu thể: càng tiến hóa lên cao thì thế giới của hữu thể đó càng được mở rộng.

Thích đáng tương xứng I:

Một người nhận thức được một sự vật hay sự việc là nhờ “thích đáng tương xứng”. Ví dụ như một cuốn sách, nó có thể là một hình có màu đối với động vật, có thể là một loạt những ký hiệu không có ý nghĩa đối với người không biết chữ, nhưng cũng có thể là một ý nghĩa to lớn đối với ai đó. Vì vậy, việc mỗi người nhận thức một sự vật và diễn giải nó thành những thứ khác nhau là việc bình thường. Và với những người không có thích đáng tương xứng với một hiện tượng => thường sẽ có xu hướng đánh giá nghèo nàn đi bản chất thật sự của sự việc đó.

Có những sự việc, hữu thể chỉ có thể hiểu được nhờ có đức tin - vì ta không muốn bỏ qua những thứ quan trọng nhất trong đời. Khi chủ nghĩa duy vật luận cho rằng: ta chỉ nên tin các giác quan và bộ não, những sự thật hiển nhiên đúng. Những tín hiệu từ trái tim chỉ là những thứ làm cho sự thật bị sai lệch, có định kiến. Trong khi đó, chỉ có thông qua trái tim mới có thể thấy được các hiện hữu cao hơn.

Con người thông thường không tư duy mà chủ yếu là hành động theo sự áp đặt và ý kiến từ xã hội và những người xung quanh. Và cũng chính vì lẽ đó đã bỏ qua phần tự ý thức, tự tư duy, phê phán lại những giả định cố hữu của xã hội bằng thước đo của những thứ hiện hữu cao hơn, tốt đẹp hơn như là những thứ xuất phát từ trái tim - trong khi đây mới là điều làm cho con người trở thành con người.

Các cấp độ ý nghĩa cao hơn và các trình độ hiện hữu cao hơn sẽ không thể được nhận biết nếu không có đức tin và không có sự giúp đỡ của những công cụ bên trong con người. Làm sao để khai mở và sử dụng những công cụ này???

Thích đáng tương xứng II:

Các công cụ để con người có thể hiểu và tiếp xúc được với thế giới chính là: tất cả bản thể của con người bao gồm cả cơ thể - sự sống, đầu óc - ý thức và trái tim - tự ý thức.

Vì vậy, nếu chúng ta chỉ sử dụng đầu óc và các giác quan để tiếp cận với thế giới, cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đang làm nghèo nàn đi hiện thực. Hiện thực còn nhiều thứ cao hơn vậy nữa mà chỉ có thể được tiếp xúc một cách “tương ứng” từ công cụ của trái tim.

Nói về khoa học định lượng và định tính: Decarte đã cho rằng con người có thể phân tách bất cứ vấn đề phức tạp nào và giải quyết chúng như cách mà các nhà toán học đã dùng lý lẽ để chứng minh các định lý. Định lượng là điều gì đó rất được đề cao bởi vì nó không có yếu tố chủ quan ở trong đó. Nghĩa là sự thật không bị bóp méo bởi cái nhìn và cách tư duy của người phân tích. Tuy nhiên, định lượng lại chỉ dành cho những vật hiện hữu thấp nhất. Nếu chỉ dùng định lượng thì liệu có thể nhìn ra vấn đề một cách toàn vẹn không? Thật ra, càng lên cao trong chuỗi hiện hữu, tính định tính càng lớn….(cái này là để reflect cho bản thân mình trong việc thực hiện nghiên cứu khoa học)

Thế giới Phương Tây đã bị chuyển dịch từ “khoa học hiểu biết” (wisdom) sang “khoa học thao túng” - khoa học có sức mạnh bởi vì nó hướng đến những vật chất hữu hình (luôn có nguy cơ rơi vào tay máu tham chụp giật).

Trong khi khoa học minh triết hướng tới những điều thiện tối thượng - chân, thiện, mỹ để đưa con người đến với hạnh phúc và giải thoát, khoa học thao túng lại chủ yếu làm sao để tập trung phát triển được kinh tế và chính trị. Khoa học minh triết coi thiên nhiên như người mẹ của Trái Đất => nuôi dưỡng biết ơn thiên nhiên còn khoa học thao túng coi nó như một thứ để lợi dụng và khai thác. Con người được nhìn nhận thay vì như một đứa con của Thượng Đế, có trách nhiệm với trái đất, nó bây giờ được coi như những công cụ để nghiên cứu, dùng cách phương pháp để hiểu như đối với các hiện tượng khác đang xảy ra. Minh triết ngày xưa cần những trí tuệ sâu sắc nhất để hiểu biết được, giờ đây các nghiên cứu có thể đạt được bằng bất cứ ai có thể đọc được số liệu, lắp vào công thức và giả sử như là nó đúng.

Hậu quả của việc bác bỏ các tri thức minh triết và thay vào đó là khoa học thao túng sẽ là: 

1. Xã hội sẽ không bận tâm trả lời những câu hỏi như kiểu là “con người sinh ra với ý nghĩa gì?” “thế nào là thiện thế nào là ác” => con người kể cả có vật chất gia tăng nhưng vẫn sẽ mãi chìm trong đau khổ với những chuỗi hiện hữu tầm thường. 

2. Những người ở xã hội ngày nay sẽ rất dễ bị thuyết phục bởi khoa học thao túng và điều này dẫn đến việc sẽ phải bác bỏ hoàn toàn đức tin 

3. Khi các công cụ để nhận biết các hiện hữu cao hơn không được sử dụng, nó có thể bị thoái hóa hoặc mất hẳn.

Xã hội hiện đại không hề có một chuẩn mực nhất định về đạo đức mà hình như cũng không thấy sự cần thiết của việc đó. Vậy với họ sự tốt xấu là thế nào? Thế nào là tốt và thế nào là xấu? Nếu không có dựa vào một chuẩn mực đạo đức tối cao nào?

Con người có xu hướng hoài nghi về mọi thứ, nhất là những thứ nằm ngoài khả năng hiểu biết của mình. Nhưng lại không hề hoài nghi về chủ nghĩa hoài nghi?

Lĩnh vực tri thức thứ nhất - Tôi và bên trong

Đây là lĩnh vực mà bản thân mỗi cá nhân có thể cố gắng tự lĩnh hội được. Chỉ có mình mới biết mình đang nghĩ gì và quan sát được những điều xảy ra bên trong của mình.

Các nhà khoa học và các bậc triết gia từ ngàn xưa đã nhấn mạnh sự quan trọng của việc tự nhận thức và hiểu bản thân. Mọi câu trả lời nên được tìm thấy trong chính bản thân mỗi người. Vậy làm sao để có thể tự nhận thức bản thân?

Con người có một đặc điểm vượt trội hơn các hữu thể khác - sự tự ý thức. Theo một nhà khoa học, con người khi hành động sẽ rơi vào 3 trạng thái: cơ giới, cảm xúc và trí tuệ. Cơ giới nghĩa là hành động như một cái máy, bị cuốn đi và không tập trung sự chú ý vào sự vật, sự việc mình đang làm. Cảm xúc là sự nhận xét về sự vật: thích, không thích,...phán xét và đưa ra ý kiến cá nhân.

Còn sự tự nhận thức là khi ta thật sự nhận thức được bản chất của sự vật như nó vốn là, không phán xét, không để nó trôi dạt...

Có thể coi là con người bao gồm 2 thành tố: cái máy tính và người lập trình máy tính. Sự tự ý thức chính là người lập trình máy. Liệu ta có thể vượt qua những ý thức tầm thường, mang tính cơ giới để luôn viết được chương trình cho cuộc đời mình không?

Lĩnh vực thứ 2 của tri thức - mình hiểu biết các hữu thể bên ngoài khác

Thật ra khi tiếp nhận thông tin từ một người khác một cách chính xác, phải trải qua rất nhiều bước:
•  người nói biết mình đang muốn nói gì
•  người nói tìm được từ ngữ và cử chỉ đúng hệt với những gì anh ta muốn nói
•  người nghe nghe đúng tất cả các ngôn ngữ, cử chỉ
•  người nghe phải phân tích đúng những gì mình đã nghe được.

Nhờ các quá trình khó khăn đó, rất khó để con người có thể thật sự hiểu thế giới bên trong của những người khác. Vậy nên họ đối với chúng ta thật sự là “vô hình”

Tuy nhiên, ai cũng mong muốn có được hiểu biết về thế giới bên trong của những người khác, nhất là những người mình yêu thương. Vậy làm sao để làm được điều này? Cách duy nhất là mình phải tự quay lại tự nhận thức về bản thân mình trước. Chỉ có như vậy mình mới thấu hiểu được phần nào thế giới bên trong của những người khác.

Một điều nữa là tính “thích đáng tương xứng”. Mình chỉ có thể hiểu được ý nghĩa và minh triết của các hiện hữu cao hơn khi chúng ta có đủ sự tự nhận thức.

Rất nhiều sự việc và ví dụ đã chứng minh được sự tồn tại cao hơn hữu thể con người. Có những người hai mấy năm chỉ để dành viết sách xuất phát từ tiếng nói bên trong đầu mình. Có người 30 năm không ăn gì khác ngoài bánh thánh để sống. Điều này chứng minh được sự tồn tại của những hữu thể cao hơn và con người chỉ có thể được thông qua khi bỏ đi những ham muốn về quyền lực, tư lợi.

Lĩnh vực hiểu biết thứ 3 của tri thức: nhận thức được về bản thân mình trong những người xung quanh.

Phương pháp: xem xét ngoại tại. Nghĩa là đặt bản thân mình vào vị trí của người khác và tự quan sát. Tuy nhiên, thái độ chúng ta giữ là không phán xét đúng sai, chỉ quan sát như thực tại là.

Khi mình càng nỗ lực quan sát, tự ý thức về hành động của bản thân mình đối với người khác, mình sẽ dễ dàng nhận thấy được những điều mình cần hoàn thiện và ít cảm thấy mình quan trọng hơn.

“Hãy yêu người hàng xóm như yêu chính bản thân mình để xoá đi mọi sự vị kỷ”. Lòng vị tha là chìa khoá để đạt được lĩnh vực tri thức này.

Lĩnh vực hiểu biết thứ 4 của tri thức - đánh giá bên ngoài của các sự vật xung quanh

Đây là một lĩnh vực mà có sự chắc chắn nhất về tính chính xác nhưng lại chỉ nghiên cứu chủ yếu về các hữu thể bậc thấp.

Các nghiên cứu mang tính thực nghiệm có thể có ứng dụng cao với các hữu thể bậc thấp nhưng lại hầu như vô giá trị với những hữu thể bậc cao. Khi mọi thứ đều được tập trung vào nghiên cứu như vật lý học: nó cũng giống như nghiên cứu một tác phẩm nghệ thuật mà lại đi nghiên cứu về tính chất các vật liệu dùng để tạo ra tác phẩm đó.

Khoa học miêu tả và khoa học chỉ dẫn khác nhau. Khoa học miêu tả như là diễn tả cây cối thực vấn hướng đến một bức tranh toàn diện về sự sống. Còn khoa học chỉ dẫn giống như vật lý, hoá học thì muốn bỏ qua rất nhiều chi tiết, chỉ giữ lại những đặc điểm cốt lõi để thao túng - vì mục đích của nó là tạo ra những sản phẩm có thể tiên đoán trước được.

Do khoa học chỉ dẫn chỉ xem xét sự chết của sự vật nên nó không cần thiết phải là một phần của tấm bản đồ triết học - bởi triết học là khoa học trả lời câu hỏi sống là như thế nào.

Một nhược điểm nữa của khoa học chỉ dẫn là nó bị bó hẹp: tất cả các bước chỉ dẫn đều phải được chứng minh bằng các định lý đã có sẵn trước đó và hệ thống phải vận hành và cho ra kết quả được.

Trong khi đó, khoa học miêu tả hướng đến sự mô tả một cách toàn vẹn của vấn đề. Nhưng có những sự việc không thể được chứng minh.

Dù thế nào, các hiện hữu cao cũng không thể chứng minh được bằng khoa học mà phải dựa trên xét đoán đúng đắn - “một sức mạnh của trí óc con người vốn siêu việt trên logic đơn thuần, giống như trí óc của người đặt chương trình máy tính siêu việt hơn cái máy tính”.

Về thuyết tiến hoá của Darwin, nó là một sự lầm lẫn trong phân tích khoa học. Có thể chọn lọc tự nhiên là một trong những nguyên nhân của tiến hoá; nhưng không thể khẳng định rằng đây là nguyên nhân duy nhất, và loại bỏ đi những xếp đặt kỳ diệu,vv... đã nói trong kinh thánh. Điều này giống như: nhặt được tiền là một phương pháp để kiếm tiền chứ không phải phương pháp duy nhất việc kiếm tiền là đi nhặt tiền.

Một điều nữa là thuyết tiến hoá chính là khoa học miêu tả nhưng lại có vẻ được chứng minh và thừa nhận chắc chắn như khoa học chỉ dẫn là kiểu: chọn lọc tự nhiên là nguyên nhân duy nhất tạo nên sự sống...

Hiện nay đã có những nhà khoa học dám bác bỏ bức tường tù túng của học thuyết tiến hoá - thứ đã dùng như tiền đề cho học thuyết duy vật luận và nguyên do của việc con người loại bỏ sự tồn tại của tôn giáo. Điều này gây ra sự hiểu lầm về việc cấu tạo, ý nghĩa đời sống của mỗi người đều được tạo ra từ những nguyên tử phân tử một cách ngẫu nhiên, ko ý nghĩa...sau đó nhờ chọn lọc tự nhiên để thành con người “biết chọn điều thiện hơn điều ác, có sự tồn tại của shakespeare...”

Hai loại vấn đề: vậy ý nghĩa của cuộc sống là gì?

Có vẻ như hiện nay, sống là để giải quyết các vấn đề. Thế hệ này tồn tại số lượng các nhà khoa học để đi giải quyết các vấn đề nhiều nhất. Vậy thì các vấn đề chúng ta gặp hiện nay phải ít hơn những thế hệ trước chứ đúng không? Nhưng không hề là vậy.

Vấn đề hội tụ: là vấn đề mà càng nhiều người tập trung giải quyết thì sẽ làm được. Ví dụ: vấn đề mọi người chưa có phương tiện di chuyển hai bánh => tập hợp lại và phát minh ra xe đạp.

Vấn đề phân kỳ: là vấn đề không thể giải thích bằng logic thông thường. Ví dụ: giáo dục một đứa trẻ sẽ có ít nhất hai trường phái đối nghịch nhau. Nhiều kỷ luật hay nhiều tự do? Câu trả lời là: hỏi các nhà giáo dục. Và họ bắt đầu nói về tình yêu thương những đứa trẻ, sự thấu cảm vv...”những năng lực của một cấp bậc cao hơn so với việc thi hành cần phải làm của bất cứ chính sách nào, kỷ luật hay tự do”. Việc có được sức mạnh cao hơn ấy, đòi hỏi phải có sự tự ý thức ở trình độ cao - và đó là những gì tạo nên một nhà giáo dục lớn.

Thật ra cuộc đời là một chuỗi những vấn đề mang tính phân kỳ. Ở đây các vấn đề hội tụ có thể bỏ qua vì nó như là các vấn đề chết - chỉ giải quyết những hữu thể bậc thấp. Khi giải quyết các vấn đề phân kỳ, ta không nên chỉ dựa vào logic để chọn luôn một trong hai lựa chọn đối lập...mà lựa chọn cả hai cùng tồn tại đi kèm với tư duy tự ý thức liên tục.

Ý nghĩa đầu tiên của cuộc sống là phải đi lên những hiện hữu cao hơn. Làm sao để sự tự ý thức càng ngày càng phát triển.

Ý nghĩa thứ hai là về sự thích đáng tương xứng. Ta chỉ có thể đi lên những hiện hữu cao khi trong bản thân ta có sự tương xứng với những hiện hữu đó. Khi đó, “chúng ta phải lựa chọn một phong cách sống không chú ý và chăm sóc nhiều hơn cần thiết đối với bản chất thấp hơn và sẽ dành nhiều thời gian và sự chú ý tự do cho việc theo đuổi sự phát triển cao hơn của chúng ta”. Và trung tâm của việc ấy là trau dồi bốn lĩnh vực của tri thức.

Chấp nhận việc cuộc đời bao gồm một chuỗi các vấn đề phân kỳ, không cần có cách giải quyết nhất định để kích thích con người phát triển những khả năng cao hơn.

Cột mốc trên tấm bản đồ:

1.  Học hỏi từ xã hội và truyền thống để thấy là: “hạnh phúc tạm thời của một người trong việc nhận được những định hướng từ bên ngoài”
2.  Nội hiện hoá những tri thức đã thu được, sàng lọc nó, giữ lại những điều tốt đẹp và bỏ đi những điều xấu (sự tự định hướng).
3.  Tìm thấy cái chết cho tự ngã - cái tự ngã ưa thích và không ưa thích...khi đó người ấy đã đạt được tự do, được thượng đế hướng dẫn. Giữ cho mình luôn hướng tới những điều cao cả hơn.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét