Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2020

Pythagoras

Trích sách GEOLOGY & ASTRONOMY - Charles Kovacs

... Ông được sinh ra trên một hòn đảo nhỏ tên là Samos ở biển Aegea vào khoảng năm 500 trước Công nguyên (cùng thời với Đức Phật sống ở Ấn Độ). Cha ông là một thương gia và khi đứa con trai ra đời, người cha, như lệ thường vào thời đó, đã gửi sứ giả đến ngôi đền Delphi nổi tiếng để hỏi nhà tiên tri về tương lai của đứa con trai mới sinh của mình. Và các thầy tư tế của ngôi đền đáp rằng: “Chừng nào con người còn sống trên trái đất thì tên của đứa trẻ này sẽ còn được nhớ đến.”

....Không có ai ở Hy Lạp có thể dạy ông bất cứ điều gì mà ông chưa biết, nhưng ông nghe nói rằng có những thầy tư tế ở Ai Cập biết nhiều hơn người Hy Lạp. Vì vậy, Pythagoras rời hòn đảo Samos của Hy Lạp nơi ông sinh ra và lên thuyền đến đất Ai Cập.

Khi ông đến gặp các thầy tư tế thông thái của Ai Cập và nói với họ rằng ông đã đến để học hỏi từ họ, họ đã trả lời: “Phong tục của chúng ta thường không chia sẻ kiến thức của chúng ta với bất kỳ ai chỉ cứ thế mà đến. Chúng ta coi kiến thức là một thứ linh thiêng, một thứ thần thánh, và chỉ những người xứng đáng mới có được kiến thức. Nếu anh muốn học hỏi từ chúng ta, trước tiên anh phải chứng minh với chúng ta rằng anh đúng là người để chúng ta chia sẻ bí mật của mình.”

Trong thời đại của chúng ta, chúng ta dạy khoa học, toán học, tất cả các môn học, cho bất cứ ai và tất cả mọi người. Nhưng ở thời Ai Cập cổ đại, mọi kiến thức đều thiêng liêng và chỉ được trao cho những người đặc biệt. Để chứng minh rằng mình xứng đáng Pythagoras đã phải vượt qua một số thử thách. Chúng hoàn toàn không giống như các bài kiểm tra mà chúng ta biết, các bài kiểm tra làm với bút và giấy; chúng hoàn toàn khác biệt. Chẳng hạn, ông được giao một nhiệm vụ rất nguy hiểm; để chứng tỏ rằng ông can đảm. Một thử thách khác là ông phải đi rất lâu mà không có đồ ăn thức uống, để chứng tỏ rằng ông ta là chủ nhân của cơ thể, chứ không phải cơ thể làm chủ ông. Lúc khác ông không được phép nói chuyện trong nhiều tháng, bất kể chuyện gì xảy ra hay bất kể là ông muốn gì, để chứng tỏ rằng ông làm chủ cái lưỡi của mình. Và còn có những bài kiểm tra khác. Chỉ khi Pythagoras đã vượt qua những bài kiểm tra này, ông mới được các thầy tư tế Ai Cập nhận làm học trò. Ông ở với các thầy tư tế Ai Cập nhiều năm, học hỏi sự thông thái và kiến thức vĩ đại mà họ có.

Trong khi Pythagoras ở Ai Cập, vùng đất này đã bị người Ba Tư xâm chiếm và chinh phạt. Người Ba Tư đã bắt nhiều thầy tư tế Ai Cập làm tù nhân và gửi họ đến Ba Tư. Đối với họ, Pythagoras cũng là một thầy tư tế người Ai Cập, và vì vậy ông cũng bị gửi đến Ba Tư như một tù nhân. Nhưng Vua Ba Tư có một thầy thuốc người Hy Lạp, và khi người thầy thuốc này nhìn thấy một người Hy Lạp đồng hương trong số các tù nhân, ông ta đã cầu xin Đức vua, và Pythagoras được tự do nhưng phải ở lại Ba Tư. Bấy giờ, vào thời điểm này, Babylon cũng nằm dưới sự cai trị của Ba Tư và Pythagoras đã đến Babylon để học về các vì sao và mặt trời và mặt trăng – vì vào thời điểm này, các thầy tư tế Babylon hiểu biết nhiều về các vì sao hơn bất cứ ai khác trên thế giới. Cũng giống như việc Pythagoras đã vượt qua các bài kiểm tra của các thầy tư tế ở Ai Cập, giờ đây ông lại lần nữa phải vượt qua các bài kiểm tra khó khăn và nguy hiểm cho đến khi các thầy tư tế người Babylon nhận ông làm học trò để được học các bí mật của họ.

Cũng như trong kinh Cựu Ước, Trẻ em Israel đầu tiên là ở Ai Cập và sau đó, nhiều thế kỷ sau, bị giam cầm ở Babylon, việc đó cũng xảy ra với Pythagoras. Ông cũng gặp một số người tu hành và nhà tiên tri của dân Israel ở đó và học hỏi từ họ. Sau nhiều năm, Pythagoras được phép trở về Hy Lạp.

Nhưng ông nên đi đâu bây giờ? Trong những năm dài vắng bóng ông, cha mẹ ông đã qua đời, ông không có họ hàng thân thích và hòn đảo nơi ông sinh ra đã bị người Ba Tư chinh phạt. Thế nhưng, giờ ông có nhiều kiến thức, những kiến thức bí mật, hơn bất kỳ ai trong thời đại của mình. Ông phải đi đâu để tìm thấy những học trò xứng đáng để chia sẻ kiến thức của mình?

Vào thời điểm đó, có những thành phố Hy Lạp không chỉ ở Hy Lạp mà còn ở miền Nam nước Ý. Ví dụ, Naples theo tiếng Hy Lạp là Neopolis, có nghĩa là “thành phố mới.” Và Pythagoras đã đến một trong những thành phố Hy Lạp ở Ý, được gọi là Croton.

Pythagoras trông không giống một người đàn ông bình thường. Không chỉ bởi dáng ông cao và mặc trang phục vải lanh trắng tinh khiết của các thầy tư tế Ai Cập, không chỉ bởi mái tóc và bộ râu dài của ông đã chuyển thành màu trắng trong những năm tháng sống ở những vùng đất xa lạ và bởi những khó khăn ông đã trải qua, mà còn bởi trong đôi mắt đen của ông người ta có thể nhìn thấy sức mạnh của kiến thức.

Ông bắt đầu một trường học tại thị trấn Croton của Hy Lạp thuộc miền Nam nước Ý. Những gì được dạy ở ngôi trường được giữ bí mật hoàn toàn và chỉ sau khi Pythagoras qua đời, kiến thức bí mật này - hoặc một vài phần của nó – mới trở nên được biết đến trên thế giới. Theo cách này, người Hy Lạp lần đầu tiên nghe thấy điều mà các quốc gia khác đã biết từ lâu. Người Hy Lạp thời đó chỉ có một ý tưởng rất buồn về những gì đã xảy ra với một linh hồn con người sau khi chết; họ nghĩ rằng những linh hồn của người chết sống trong một thế giới đen tối của những cái bóng, cõi giới của Hades. Nhưng Pythagoras nói với các học trò của mình những gì ông đã học được từ các thầy tư tế thông thái của Ai Cập: rằng các linh hồn trở lại trái đất một lần nữa và được sinh ra lần nữa. Ở phương Đông, ở Ấn Độ, ở Ai Cập, điều này không có gì mới nhưng ở châu Âu, chính Pythagoras là người đầu tiên nói với các học trò của mình về sự sinh ra lần nữa, hay sự đầu thai, như cách người ta gọi việc này.

Đó là một thứ kiến thức mà Pythagoras mang đến từ phương Đông. Một thứ kiến thức khác là về những con số, nhưng nó hoàn toàn khác với cách chúng ta thường nghĩ về những con số. Khi Pythagoras đã vượt qua các bài kiểm tra và thử thách của mình ở Ai Cập, các thầy tư tế của Ai Cập đã nói với ông rằng những con số đầu tiên không chỉ là những con số, chúng có ý nghĩa. Chẳng hạn, con số đầu tiên, số một, chúng ta có thể nghĩ đó là một số nhỏ, nhỏ hơn 2 hoặc 3. Thế nhưng, số một thực sự là con số lớn nhất, vì cả thế giới là một, và nhiều thứ như các vì sao, các hành tinh, trái đất, con người, các động vật, tất cả đều là những phần của một thế giới vĩ đại, vũ trụ và từ “universe” (vũ trụ) xuất phát từ unus, có nghĩa là một. Con số một nghĩa là toàn bộ vũ trụ.

Số hai có nghĩa là tất cả mọi thứ tồn tại trong hai: ngày và đêm, đàn ông và đàn bà, yêu và ghét, thiện và ác. Nếu trên thế giới không có “hai mặt” thì sẽ không có sự khác biệt, không có sự tương phản, và tất cả mọi thứ sẽ như nhau.

Số ba liên quan đến tất cả những thứ đến trong bộ ba: cha, mẹ, con; ánh sáng, bóng tối và màu sắc (vì màu sắc là những hòa trộn của bóng tối và ánh sáng); thức, mơ và ngủ. Một bộ ba khác nữa là: trong đầu chúng ta, chúng ta suy nghĩ; trong tim chúng ta, chúng ta cảm nhận; với đôi tay và đôi chân, chúng ta làm mọi việc. Cuộc sống của con người tồn tại trong ba điều này: suy nghĩ, cảm giác, hành động.

Số bốn đại diện cho tất cả “bốn thành tố” trên thế giới. Bốn phương đông - tây - nam - bắc; bốn mùa; bốn thế giới của tự nhiên - con người, động vật, thực vật, khoáng sản; bốn yếu tố của đất, nước, khí, lửa.

Và rồi các thầy tư tế nói với ông rằng tam giác đại diện cho tất cả bộ tam của thế giới, còn hình vuông đại diện cho bộ tứ của thế giới. Và có nhiều kiểu hình tam giác khác nhau: có nhiều loại hình tam giác cũng nhiều như có “các yếu tố” trên thế giới - bốn. Có một loại tam giác mà tất cả các cạnh có độ dài khác nhau, nó được gọi là tam giác thường và nó là tam giác của khí. Có những hình tam giác có hai cạnh bằng nhau, chúng được gọi là tam giác cân và đây là những hình tam giác của lửa. Có những hình tam giác mà cả ba cạnh đều có cùng chiều dài, tam giác đều, chúng thuộc về đất. Và vẫn còn một loại hình tam giác nữa, các cạnh của nó có chiều dài khác nhau nhưng nó có một góc vuông: nó là tam giác vuông, nó là tam giác của nước. Các hình tam giác tồn tại trong nhiều kiểu như có các yếu tố.

Chỉ có hai trong số các hình tam giác này có thể hòa vào nhau để tạo ra một hình tam giác mới khác. Tam giác của lửa (tam giác cân) và tam giác của nước (tam giác vuông). Bạn có thể nói rằng tam giác - lửa là người cha và tam giác - nước là người mẹ, con của cha mẹ này là tam giác vuông cân.

Nó có hai cạnh bằng nhau và một góc vuông. Đây là một hình tam giác rất đặc biệt. Nếu bạn có hai hình tam giác loại này (và có cùng kích thước) và đặt chúng lại với nhau chỗ cạnh huyền của chúng, chúng tạo thành một hình vuông. Và nếu bạn lấy bốn hình tam giác như vậy và đặt các đỉnh của chúng với nhau, chúng lại tạo thành một hình vuông, một hình vuông gấp đôi kích thước (diện tích) của hình vuông đầu tiên.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét