Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2018

Đọc và Năng Lực Thấu Cảm


Tò mò theo đuổi chủ đề thảm họa Holoucaust, tôi tiếp tục xem 2 bộ phim: "Danh sách của Schindler" và "Ngày tàn của Hitler". Cùng xoay quanh đề tài thế chiến thứ 2, cùng dựa trên những nguyên mẫu có thật của lịch sử, một bộ phim mô tả một con người đã bán hết cả gia sản để giải cứu hàng nghìn người Do Thái khỏi các trại tập trung, một bộ phim tái hiện chân dung của kẻ đã đẩy cả nhân loại tới thảm họa diệt chủng. Khoảnh khắc khiến cho Đảng viên quốc xã Oskar Schindler, từ một tay tài phiệt trục lợi từ chiến tranh, quyết định cứu những người Do Thái khỏi cái chết là khi ông nhìn thấy những cảnh tra tấn và giết chóc tàn bạo của quân lính Đức. Có lẽ, trong khoảnh khắc đó, ông đã cảm thấy nỗi đau trên cơ thể của những nạn nhân kia đang xuyên thấm vào da thịt của mình. Nếu Hitler cảm nhận được nỗi đau này, không chắc ông ta đã có thể khởi động cỗ máy chiến tranh cướp đi sinh mạng của hàng triệu người trên thế giới.

Năng lực nhận ra cảm xúc của người khác và thể nghiệm cảm xúc của người khác như thể cảm xúc ở bên trong mình ấy được gọi là năng lực thấu cảm (empathy). Đó là gốc rễ của những tình cảm tốt đẹp của con người: lòng yêu thương, khoan thứ và sự từ bi. Nó là cái có thể khắc chế những tham vọng, cuồng tín, ích kỉ, tức giận…- cái thường dẫn chúng ta đến sự nhẫn tâm và tội ác. Bởi vì, cái ngăn không cho ta giết hại một sinh vật nào đó, không hẳn là do luật pháp, mà là cảm giác ghê rợn đau đớn và không nỡ khi nhìn thấy thân thể của nó đang quằn quại dưới tay của ta. Cái gì ngăn không cho ta cướp bóc tài sản của người khác? Là vì ta sẽ phải dừng lại và suy nghĩ người ta sẽ đau khổ ra sao khi bao nhiêu mồ hôi nước mắt của mình bị tiêu tán. Cái gì ngăn không cho ta lăng mạ người khác? Là vì ta biết người ấy sẽ đau khổ và tủi nhục khi bị lăng mạ.

Tôi thường tự hỏi, trong một xã hội mà đứa trẻ ngày càng ít có cơ hội được tiếp xúc và trải nghiệm những khó khăn, thiếu thốn và nỗi đau của người khác, trong một thế giới mà sự vô cảm đang ngày càng lan rộng như một thứ virus bất trị, liệu có cách nào để dạy cho chúng về sự thấu cảm hay không?

Raymond Mar, một nhà Tâm lí học của trường Đại học York, Canada và Keith Oatley, Giáo sư danh dự ngành Tâm lí học nhận thức của trường Đại học Toronto đã viết trong các công trình nghiên cứu được công bố năm 2009 rằng những người đọc các tác phẩm hư cấu nhiều hơn sẽ thường có khả năng hiểu người khác hơn, thông cảm với họ hơn và biết nhìn thế giới từ điểm nhìn của người khác. Năm 2010, một công trình nghiên cứu của Mar cũng phát hiện ra một kết quả tương tự ở trẻ em: càng được đọc nhiều câu chuyện, thì chúng càng có những suy nghĩ tử tế. Khi đọc một câu chuyện, chúng ta có xu hướng nhập vào thế giới của câu chuyện và trải nghiệm thực tại ảo được gợi nên thông qua các nhân vật, cốt truyện, bối cảnh, tình huống. Thế nhưng, những trải nghiệm ảo đó lại tạo ra những cảm xúc rất thật trong người đọc. Và điều đặc biệt nằm ở chỗ, những trải nghiệm đó lại chuyển hóa thành một phần kinh nghiệm sống của ta và làm gia tăng khả năng thấu hiểu cảm xúc của người khác cũng như kĩ năng xã hội của chúng ta. Đồng thời, thông qua việc đọc các tác phẩm hư cấu, chúng ta học thêm được rất nhiều kiến thức về tâm lí con người.

Như vậy là, ngoài việc cho trẻ tiếp xúc và trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn, có một cách vô cùng đơn giản và tiết kiệm mà ai cũng có thể làm được để nuôi dưỡng sự thấu cảm cho con là cho con đọc nhiều hơn các tác phẩm văn học giàu giá trị nhân văn.

Khi dạy học trong dự án Sách ơi mở ra, tôi càng thấy thấm thía điều này. Những học sinh có vốn đọc phong phú, đã đọc được vài tác phẩm văn học kinh điển trở lên không chỉ có một khả năng diễn đạt vô cùng uyển chuyển, thậm chí vượt hơn rất nhiều so với các bạn cùng trang lứa, mà cũng thường tỏ ra có suy nghĩ chín chắn hơn, có khả năng biểu đạt tốt hơn những cảm xúc và suy nghĩ của mình, cũng như tinh tế và nhạy cảm hơn với những cảm xúc của người khác. Có lần, sau khi kết thúc khóa học, một học sinh đã viết cho tôi một bức thư rất dài và diễn tả những cảm xúc của em về khóa học, và tỏ ra lo lắng cho tôi khi có lần tôi bị ốm và trời mưa mà vẫn cố gắng tới lớp dạy các em. Bức thư đó tôi đã cất giữ như một tài sản vô giá trong sự nghiệp dạy trẻ con của mình.

Vậy làm thế nào để khơi dậy lòng đồng cảm của đứa trẻ khi đọc các tác phẩm hư cấu? Những gợi ý sau có thể sẽ hữu ích cho các phụ huynh và giáo viên:

1. Khuyến khích sự tưởng tượng: để có thể giúp trẻ nhập vào thế giới của các câu chuyện và cảm nhận được không khí của câu chuyện và những cảm xúc của các nhân vật, hãy dừng lại ở những chi tiết miêu tả bối cảnh của câu chuyện và đặt ra các câu hỏi: con nhìn thấy, nghe thấy, sờ thấy, nếm thấy, ngửi thấy những gì khi đọc câu chuyện này. Những câu hỏi này đòi hỏi trẻ phải mở rộng các giác quan, phối hợp với hình dung tưởng tượng để cảm nhận được toàn bộ bầu không khí tinh thần được mô tả trong tác phẩm. Khi đọc đến những chi tiết miêu tả nhân vật, hãy dừng lại và đặt các câu hỏi: nhân vật có hình dáng như thế nào, anh ta đã làm gì, nói gì, nghĩ gì, anh ta cảm thấy như thế nào… Hoạt động này giúp cho trẻ cảm nhận về các nhân vật như những con người đang sống trong cuộc sống thực.

2. Cho trẻ mô tả cảm xúc của mình: hãy dừng lại ở những chi tiết đắt giá, những đoạn mô tả ấn tượng, những sự kiện gay cấn hay những tình huống gây xúc động và đặt ra những câu hỏi: con cảm thấy thế nào khi chứng kiến cảnh tượng đó, con nghĩ gì khi thấy nhân vật hành động như vậy.

3. Đặt mình vào thế giới của câu chuyện: giờ hãy hình dung con không còn là một độc giả nữa, con là người đang có mặt trong câu chuyện và chứng kiến tất cả mọi việc, con sẽ có cảm nhận gì, suy nghĩ gì. Hoặc giả, nếu con là nhân vật, con sẽ cảm thấy thế nào trong tình huống ấy, con sẽ hành động ra sao. Liệu con có ứng xử và hành động giống như nhân vật hay không? Con sẽ bênh vực ai, phản đối ai và tại sao?

4. Để con là tác giả: nếu con là tác giả, con sẽ nghĩ gì khi nhân vật hành động như vậy, con nghĩ gì khi chứng kiến cảnh tượng đó. Liệu con có muốn câu chuyện kết thúc theo một cách khác hay không?

5. Liên hệ với thực tế: con đã bao giờ gặp một cảnh tượng giống như cảnh tượng trong câu chuyện hay chưa? Con có bao giờ gặp một nhân vật có đặc điểm giống với nhân vật trong câu chuyện hay chưa? Hãy so sánh câu chuyện mà con đang đọc với một câu chuyện có thật nào đó trong cuộc sống. Con đã cảm thấy thế nào khi nhìn thấy cảnh tượng đó? Theo con, người ấy sẽ nghĩ gì trong tình huống đó? Theo con tại sao anh ta lại hành động như vậy?

Tất cả những hoạt động này sẽ từng bước từng bước dạy cho con cách mở rộng tưởng tượng, thâm nhập vào thế giới trong câu chuyện, trải nghiệm những tình huống, cảnh ngộ, sự kiện, quang cảnh được mô tả trong câu chuyện và lắng nghe những cảm xúc, cảm giác của mình, thấu hiểu cảm xúc, cảm giác của nhân vật và tác giả, để từ đó có được một năng lực nhìn thấu những cảm xúc và cảm giác của người khác.

Khi đứa trẻ được dạy để nhận ra và biết cách biểu đạt nỗi đau trên cơ thể của mình, cảm giác sợ sệt hay âu lo hay tổn thương hay hạnh phúc trong tâm hồn của mình, đồng thời cảm thấy đau khi người khác đang đau, buồn khi người khác đang buồn, vui khi người khác đang vui, nó sẽ biết chia sẻ, cảm thông, yêu thương, dung thứ, bởi vì nó đã biết vượt ra khỏi khuôn khổ chật hẹp của bản thân mình.
Bản chất của cuộc sống xã hội là sự kết nối và liên hệ. Chúng ta không bao giờ có thể sống đơn độc một mình. Mà chính thấu cảm sẽ là sợi dây vô hình bền chặt để kết nối ta với người khác một cách cởi mở, chân thành. Bởi vì, phàm đã là con người, ai cũng có nhu cầu được thấu hiểu, sẻ chia và thông cảm, được khoan thứ và được đối xử một cách từ bi.

Không có kĩ năng sống nào hết nếu không hiểu được những nguyên tắc cốt lõi đó của sự giao tiếp trong xã hội.
- Nguyễn Ngọc Minh

Đọc đã rồi hãy viết 

Phần lớn mọi người đều không biết được rằng, vấn đề không nằm ở việc viết, mà vấn đề thực sự của con nằm ở chỗ con có cái gì để viết ra hay không. Bởi viết thực chất không đơn thuần là vấn đề kĩ thuật, nếu dạy viết thuần túy như một thứ kĩ thuật, thì sẽ không giải quyết được tận gốc vấn đề. Bản chất của việc viết là một quá trình tự bộc lộ, là quá trình chuyển hóa toàn bộ những suy nghĩ, hiểu biết cảm xúc, trải nghiệm, ấn tượng bên trong ra bên ngoài, dưới dạng ngôn ngữ viết. Như vậy, có hai quá trình đã bị ẩn đi trong bóng tối, bên trong sự viết của trẻ: quá trình tích lũy kiến thức, vốn sống, kinh nghiệm, cảm xúc và quá trình tích lũy từ vựng, ngữ pháp, cách diễn đạt. Viết chỉ là thành quả ngắn ngủi diễn ra trong thời khắc của những quá trình lâu dài hơn, diễn ra âm thầm bên trong một đứa trẻ.

Stephen D.Krashen, cha đẻ của lý thuyết thụ đắc ngôn ngữ thứ hai và người sáng lập phương pháp tiếp cận tự nhiên, người khởi xướng phương pháp dạy ngôn ngữ kết hợp với kiến thức được áp dụng rộng rãi trong các trường học ở Mĩ cũng như khắp thế giới, đã lí giải trình tự tự nhiên của việc thụ đắc ngôn ngữ, đó là đi từ INPUT (đầu vào) đến OUTPUT (đầu ra). Trước khi một con người có thể bộc lộ ngôn ngữ ra bên ngoài, thì dứt khoát cần có một quá trình tích lũy ngôn ngữ ở bên trong.

Giả thiết ĐẦU VÀO (Input hypothesis) của ông cho rằng chúng ta sẽ tích lũy ngôn ngữ qua các kênh nghe, đọc, xem. Và sự tích lũy này sẽ đạt tới hiệu quả cao nhất khi chúng ta tiếp xúc với một nội dung khó hơn một chút so với trình độ hiện tại của chúng ta. Như vậy, để có thể đạt tới trình độ cao trong quá trình tích lũy này, ta phải thường xuyên nghe, xem, đọc những nội dung khó và tìm cách để hiểu nghĩa của chúng. Khi sự tích lũy này đạt tới một chất lượng nào đó, thì các chức năng nói, viết sẽ tự động hình thành mà không cần được dạy, và như vậy, kĩ năng nói và viết bao giờ cũng hình thành muộn hơn rất nhiều so với kĩ năng nghe và đọc. Quá trình tích lũy đầu vào này chỉ có thể đạt hiệu quả cao nhất khi nội dung được tiếp xúc có thể hiểu được, gây hứng thú, không có trình tự văn phạm cụ thể và lượng đủ lớn. Bên cạnh đó, cảm xúc cũng có một vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình này. Cảm xúc chính là cái mà ông gọi là một “bộ lọc” khiến cho cho ngôn ngữ được tiếp nhận trong não bộ hay sẽ bị gạt ra. Trong đó, các yếu tố như động lực, sự tự tin sẽ là dẫn xuất tích cực để quá trình tiếp nhận ngôn ngữ trở nên thuận lợi, đạt tới hiệu quả cao nhất. Ngược lại, sự lo sợ sẽ cản trở quá trình tiếp nhận ngôn ngữ.

Tôi nhớ lại quá trình phát triển ngôn ngữ của mình. Suốt từ năm lớp 1 đến lớp 3, tôi không hề có biểu hiện gì của một học sinh giỏi Văn. Suốt thời gian đó, tôi nạp vào rất nhiều. Ngoài báo Nhi đồng là thứ báo được mẹ tôi đặt hàng tuần cho hai chị em đọc, tôi đã ngốn hết cơ man nào là Tâm thần học, Tâm lí học lứa tuổi (sách của bố), các loại truyện kinh điển của nhà xuất bản Cầu vồng như Bánh mì vĩnh cửu, Bác sĩ Aibolit, Cuộc phiêu lưu của Nam tước Myuhausen. Tôi chép chính tả hàng ngày bằng Tuyển tập thơ Nguyễn Bính (vì chữ tôi quá xấu và sai chính tả be bét)…. Và đến năm lớp 3, bỗng nhiên tôi có nhu cầu được viết. Tôi bắt đầu viết những bài đầu tiên cho mục Kể chuyện theo tranh và sau đó tự viết thơ gửi cho báo Nhi đồng. Lên lớp 5, khi đọc được nhiều hơn nữa, những cuốn sách rất hay và rất dày, tôi thấy trong mình có rất nhiều suy nghĩ và bắt đầu có nhu cầu viết nhật kí. Càng đọc, tôi càng muốn viết. Khi có một cái gì đó đang đầy lên bên trong, tôi có nhu cầu được bộc lộ chúng ra bên ngoài. Và từ năm lớp 7, khi học chuyên Văn, được đọc nhiều hơn nữa những tác phẩm văn học kinh điển trên thế giới, thì nhu cầu viết lại càng mạnh mẽ hơn nữa. Đến năm lớp 10, tôi đã có những đồng nhuận bút đầu tiên nhờ những bài viết đăng trên báo Hoa học trò.

Quá trình viết này gần như độc lập với việc học viết văn trên lớp. Nó là một nhu cầu tự thân, từ bên trong, được bật ra khi sự tích lũy đã đủ đầy, khi thế giới tinh thần bên trong ngày càng trở nên phong phú. Từ những trang viết đó, tôi nhìn thấy chính con người của mình, với những suy tư, mơ mộng, xung đột và non dại của một thời tuổi trẻ nông nổi.

Quá trình tương tự cũng diễn ra với tất cả những con người bình thường khác cũng như với những nhà văn nổi tiếng.

Trong “Nhật kí Anne Frank”, cô bé Anne đã phải sống lẩn trốn trong một căn nhà phụ suốt gần 2 năm trời để thoát khỏi sự truy sát của Đức Quốc xã trong chiến tranh thế giới thứ hai vì cô là người Do Thái. Trong suốt khoảng thời gian này, cô bị cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài, cuộc sống của cô ngày càng trở nên chật chội và ngột ngạt. Thứ duy nhất để kết nối cô với cuộc sống bên ngoài là những cuốn sách được mượn từ thư viện dưới danh nghĩa một nhân viên của bố cô, người đã che chở cho cả gia đình cô và một ô cửa sổ nhỏ mở ra khoảng trời mênh mông ở tầng áp mái. Cuốn nhật kí là người bạn duy nhất để cô có thể chia sẻ những tâm sự thầm kín của mình. Đọc cuốn nhật kí, ta có thể thấy trong vòng hai năm, dù không hề được dạy dỗ chi hết về kĩ thuật viết văn, nhưng năng lực viết của Anne đã tiến bộ vượt bậc. Con người bên trong cô đã trưởng thành một cách vô cùng nhanh chóng để đạt tới những nhận thức vô cùng sâu sắc về bản thân cũng như về thế giới. Chỉ hoàn toàn bằng con đường tự học và tự đọc, Anne đã thực sự đạt tới độ chín trong văn chương. Cuốn nhật kí của cô, được xuất bản sau khi cô qua đời trong trại tập trung của phát xít Đức, đã làm rung động toàn thế giới và cũng thường được coi là một trong những tác phẩm văn học điển hình của thể loại nhật kí.
Macxim Gorki kể lại trong “Thời thơ ấu”, rằng điều kì diệu nhất đối với ông là từ nhỏ, tuy sống trong môi trường nhem nhuốc của những người dưới đáy, nhưng ông đã được đọc những cuốn sách rất hay. Mỗi cuốn sách mở ra cho ông cả một thế giới rộng lớn, khơi dậy trong ông hoài bão vươn lên trong cuộc sống, đánh thức những cảm xúc tốt đẹp trong con người ông, và thôi thúc ông viết để bộc lộ toàn bộ thế giới tinh thần đó ra bên ngoài. Và sách chính là thứ đã cứu vớt toàn bộ cuộc đời ông. Mặc dù không được đào tạo qua trường lớp, nhưng chính việc đọc đã khiến Macxim Gorki trở thành một trong những nhà văn vĩ đại nhất nước Nga.

Những câu chuyện thực tế này khiến cho tôi luôn tin rằng, con đường tự nhiên để hình thành cái gọi là năng lực ngôn ngữ của một đứa trẻ là từ INPUT đến OUTPUT, từ tích lũy đến bộc lộ, từ tiếp nhận đến tạo lập. Muốn một đứa trẻ có thể làm chủ được ngôn ngữ của mình, cần bắt đầu bằng việc dạy cho chúng biết tiếp nhận ngôn ngữ một cách hiệu quả thông qua kênh xem, nghe và đọc. Nghe ở đây không đơn thuần là nghe bằng tai, nghe âm thanh, mà là quá trình nghe hiểu. Và đọc ở đây không đơn thuần là đọc bằng mắt, mà là quá trình đọc hiểu, là quá trình mà đứa trẻ huy động toàn bộ kiến thức nền, những kinh nghiệm, năng lực tư duy, vốn từ vựng và sự hiểu biết ngữ pháp… để lí giải văn bản. Và như vậy, nghe hay đọc, về thực chất là quá trình huy động toàn bộ sức mạnh tinh thần để tiếp nhận thông tin. Và việc này lặp lại càng nhiều, tới một mức độ nào đó, sẽ mài sắc năng lực tư duy, mở rộng vốn từ vựng, ngữ pháp, làm giàu cảm xúc, gia tăng kinh nghiệm sống…, những nền tảng không thể thiếu để con có thể nói tốt, viết tốt trong giai đoạn sau này. Trong suốt quá trình này, thì cảm xúc luôn là một chất xúc tác vô cùng quan trọng để gia tăng hiệu quả của quá trình tích lũy.

Tuy nhiên, vì quá trình tích lũy này diễn ra trong một thời gian dài, và điều đặc biệt là nó diễn ra trong bóng tối mà không bộc lộ ra bên ngoài, nên rất khó có thể nhận ra sự thay đổi của đứa trẻ. Trong suốt giai đoạn tích lũy này, đứa trẻ dường như không hoạt bát hơn trong việc nói năng, cũng chưa chắc đã có nhu cầu được viết, vẫn viết lách lộn xộn và kết quả học tập môn văn dường như không cải thiện. Theo nhà ngôn ngữ học Stephen Krashen, quá trình này thường diễn ra trong vòng 6 tháng, lâu hay mau tùy thuộc vào lượng ngôn ngữ mà trẻ nạp vào và ông gọi đó là giai đoạn im lặng.
Trong suốt giai đoạn im lặng này, tuy bề ngoài ngôn ngữ của trẻ dường như không có gì thay đổi, nhưng thực chất quá trình thụ đắc ngôn ngữ vẫn đang diễn ra một cách vô cùng sôi động ở bên trong. Trẻ liên tục thu nhận và xử lí thông tin mà nó tiếp nhận được, để cất trữ vào trong bộ nhớ, để hình thành những kho chứa ngôn ngữ bí mật cho toàn bộ quãng đường sau này. Montessori cũng nhắc đến giai đoạn im lặng trước khi trẻ biết nói, giai đoạn chuẩn bị cho sự bùng nổ về ngôn ngữ sẽ diễn ra vào thời điểm trẻ được hai tuổi rưỡi.

Vì thế, đọc đã rồi hãy viết. Các phụ huynh cũng như các giáo viên nên tôn trọng tiến trình thụ đắc ngôn ngữ một cách tự nhiên đó của trẻ, không nên vì những mục đích thực dụng trước mắt mà can thiệp thô bạo vào quá trình phát triển đó. Hãy kiên trì khuyến khích, kiên trì chờ đợi, và cho trẻ cơ hội tự tạo dựng nên một thế giới tinh thần phong phú bên trong, trước khi đòi hỏi những sự bộc lộ hời hợt bề ngoài. Hãy chấp nhận giai đoạn im lặng của con như chấp nhận một tiến trình tất yếu để hình thành nên năng lực nội tại về ngôn ngữ. Hãy gia tăng chút ít gia vị cảm xúc tích cực vào hành trình cùng con chiếm lĩnh một ngôn ngữ.

Và người lớn cũng cần hiểu được rằng, cái gọi là năng lực ngôn ngữ hoàn toàn không đồng nhất với kết quả học tập môn Ngữ văn. Năng lực ngôn ngữ là khả năng làm chủ ngôn ngữ, là năng lực tiếp nhận thông tin một cách hiệu quả, là năng lực tự do biểu đạt những cảm xúc, suy nghĩ thật bên trong của trẻ để giúp trẻ có thể hiểu được người khác, hiểu được chính mình và làm cho người khác hiểu mình. Giống như việc chăm sóc một cái cây, việc tạo nên một bộ rễ và thân cây khỏe mạnh để cái cây tự vươn lên hấp thụ ánh sáng và dưỡng chất quan trọng hơn nhiều so với việc bón phân đạm để thúc cây mau lớn, việc tạo nên một năng lực ngôn ngữ thật sự quan trọng hơn rất nhiều so với việc đạt tới những thành tích phù phiếm. Và tôi nghĩ, đó mới là con đường mà những nhà giáo dục chân chính và những bố mẹ hiểu biết cần theo đuổi.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét